Tác giả: Trần Anh Phương
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, 175tr.
Nhật Bản là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong các quan hệ kinh tế thương mại. Suốt 35 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập chính thức quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Nhật Bản và Việt Nam trong các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế thương mại phát triển nhanh chóng, đạt được nhiều kết quả tích cực và hiện đang trong thời kỳ mới với triển vọng tốt đẹp. Tuy nhiên, thực trạng khả quan này vẫn chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng phát triển của cả hai nước. Do đó, việc tổng kết, phân tích, đánh giá và tìm ra nguyên nhân của thực trạng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong 35 năm qua để từ đó đề ra các giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa là việc làm hết sức cần thiết. Trên cơ sở của yêu cầu này, TS. Trần Anh Phương đã cho ra đời cuốn sách “Thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong tiến trình phát triển quan hệ giữa hai nước”. Cuốn sách có bố cục 3 chương với những nội dung như sau:
Chương 1: Sơ lược lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Trong chương này, tác giả trình một cách khái quát quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trước và sau khi hai nước thiết lập chính thức quan hệ ngoại giao cho đến nay, trong đó chia thành các giai đoạn 1973-1978, 1979-1991, 1992-2008 và xét trên các lĩnh vực như quan hệ chính trị và hợp tác an ninh, quan hệ kinh tế, giao lưu và hợp tác phát triển văn hoá.
Chương 2: Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 1973-2008. Ở chương này, tác giả tập trung phân tích tình hình quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong các giai đoạn 1973-1975, 1976-1986 và giai đoạn 1987-2008, trong đó nêu bật các bước tiến triển và những sự kiện lớn trong quan hệ kinh tế thương mại hai nước, những tiến triển trong động thái tốc độ tăng trưởng thương mại và quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Nhật. Bên cạnh đó, tác giả đã nêu bật và phân tích những vấn đề đặt ra trong quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật bản, trong đó có các nguyên nhân khách quan về phía Nhật và cả nguyên nhân chủ quan của phía Việt Nam.
Chương 3: Triển vọng và giải pháp phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020. Trên cơ sở phân tích thực trạng quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, tác giả đã nêu lên triển vọng của quan hệ này, trong đó có đề cập đến những điều kiện thuận lợi và cả những khó khăn đối với Việt Nam. Ngoài ra, tác giả cũng đã đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm phát triển quan hệ thương mại hai nước đến năm 2020 và đề xuất một vài kiến nghị góp phần thúc đẩy quan hệ này.
Với 175 trang, lối văn phong khoa học, dễ hiểu, cuốn sách không chỉ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đảng và Nhà nước ta trong việc hoạch định chính sách phát triển thương mại Việt Nam - Nhật Bản mà còn là những kiến giải góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác phát triển và hữu nghị giữa hai nước trong bối cảnh khu vực hoá, toàn cầu hoá hiện nay. Cuốn sách là tài liệu thực sự bổ ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về mối quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong 35 năm qua.
Thực hiện: Hà Hậu