Nguyễn Bình Giang chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009, 198 trang
Sau khủng hoảng kinh tế Đông Á năm 1997, các nước trong khu vực, nhất là những nước bị ảnh hưởng nặng nề như Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia, đã tiến hành hàng loạt các biện pháp, chính sách cải cách nhằm khôi phục nền kinh tế của mình và ngăn ngừa khủng hoảng tái diễn. Để giúp cho việc tìm hiểu công cuộc cải cách cũng như định hướng phát triển của các nền kinh tế Đông Á trong 10 năm qua, tác giả Nguyễn Bình Giang đã cho ra đời cuốn sách “Cải cách kinh tế ở Đông Á thời kỳ mười năm sau khủng hoảng 1997”. Cuốn sách gồm 3 phần với nội dung như sau:
Phần một: Nguyên nhân và hậu quả của khủng hoảng. Trong phần này, tác giả chia làm 2 chương và tập trung vào phân tích những nguyên nhân thuộc về nền tảng kinh tế của cuộc khủng hoảng năm 1997 ở Đông Á. Các nguyên nhân này chính là sự tồn tại của các cặp chính sách mâu thuẫn đã tạo ra sự bất chắc trong kinh tế vĩ mô, cuối cùng góp phần gây ra khủng hoảng cũng như dẫn tới tình trạng rủi ro đạo đức ở tất cả các bên chủ thể kinh tế có liên quan.
Phần hai: Những cải cách kinh tế chủ yếu. Phần này gồm 4 chương:
Chương III: Cải cách khu vực tài chính. Tác giả tập trung vào phân tích tự do hoá khu vực tài chính và xây dựng hệ thống giám sát tài chính. Đây là hai loại thay đổi riêng nhưng bổ sung cho nhau để làm cho khu vực tài chính của quốc gia trở nên hiện đại, thực hiện được vai trò làm bộ não của nền kinh tế.
Chương IV: Cải cách phương thức quản trị công ty cổ phần. Trong chương này, tác giả đi vào tìm hiểu những khuyết điểm của phương thức quản trị công ty ở các nước Đông Á thời kỳ trước khủng hoảng và những cải cách sau khủng hoảng để sửa chữa khuyết điểm đó.
Chương V: Đổi mới phương thức quản lý kinh tế vĩ mô, trong đó tậo trung vào chính sách tiền tệ, cơ chế tỷ giá hối đoái và quản lý các dòng vốn.
Chương VI: Một số cải cách đáng chú ý khác, tiêu biểu như cải cách khu vực xí nghiệp, phát triển thị trường vốn, hình thành các tổ chức tài chính chuyên biệt ở Thái Lan, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp ở Hàn Quốc.
Phần ba: Sự phục hồi của các nước sau khủng hoảng: những vấn đề đặt ra trong quá trình cải cách và khắc phục hậu quả của khủng hoảng. Trong phần này, tác giả tập trung phân tích sự phục hồi về thương mại, về sản xuất, khôi phục vốn đầu tư nước ngoài, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện tính cạnh tranh của nền kinh tế, hiện trạng kinh tế vĩ mô, những điển hình thành công và không thành công về phục hồi kinh tế cũng như một số vấn đề đặt ra.
Thông qua 198 trang, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về công cuộc cải cách kinh tế ở Đông Á giai đoạn mười năm sau khủng hoảng 1997. Thông qua đó, tác giả cũng đã đưa ra những gợi ý chính sách cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đây là tài liệu thực sự bổ ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về khủng hoảng kinh tế cũng như cải cách kinh tế sau khủng hoảng.
Thực hiện: Hà Hậu