Trang chủ

Tác động của chính sách “một quốc gia, hai chế độ” tới quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan

Đăng ngày: 17-10-2024, 11:05 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 2

Hoàng Đức Hải [1]

Tóm tắt: Chính sách “một quốc gia hai chế độ” là chính sách do Trung Quốc đề ra từ những năm 1980. Các đặc khu hành chính Hồng Kông, Macao, đảo Đài Loan đều nằm trong chính sách này. Đài Loan luôn là vùng đất quan trọng về vị trí, kinh tế, an ninh mà Trung Hoa không thể bỏ qua. Tuy nhiên, do Đài Loan không chấp nhận chính sách này nên Trung Quốc đến nay chưa thu hồi và thống nhất được Đài Loan, ngược lại còn khiến quan hệ giữa hai bên đi vào căng thẳng, bế tắc.

Từ khóa: Đài Loan, Trung Quốc, một quốc gia hai chế độ


1. Tầm quan trọng của Đài Loan đối với Trung Quốc

Cuối năm 1946 cuộc nội chiến giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản chính thức bắt đầu, cuộc chiến diễn ra ác liệt trong hơn 3 năm liên tiếp. Tính từ tháng 7 năm 1946 đến cuối năm 1949, quân Giải phóng nhân dân đã tiêu diệt 6,25 triệu quân địch, hoàn toàn lật đổ chính quyền Quốc dân Đảng[2]. Năm 1949, Tưởng Giới Thạch bỏ chạy khỏi lục địa Trung Quốc[3]. Chính quyền Trung Hoa Dân quốc đã trốn chạy từ Nam Kinh đến Đài Bắc, thành phố lớn nhất của đảo Đài Loan khi đó. Kể từ đó đến nay, Đài Loan vẫn được xem là vùng lãnh thổ không chịu sự quản lý và kiểm soát của Trung Quốc. Chính quyền Trung Hoa đã đề ra chính sách “một quốc gia, hai chế độ” với mục đích thu hồi và thống nhất Đài Loan. Có ba nguyên nhân mà Trung Quốc mong muốn thu hồi và thống nhất Đài Loan.

Thứ nhất, Đài Loan có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng: Đài Loan là đảo lớn nhất nằm ở phía đông nam của Trung Quốc. Phía nam đảo Đài Loan giáp Biển Đông, phía đông giáp vùng biển Thái Bình Dương, phía tây chính là eo biển Đài Loan và phía bắc là khu vực vùng biển Đông Hải Trung. Tuy diện tích không quá lớn nhưng đảo Đài Loan có vị trí chiến lược quan trọng, là “mắt xích” then chốt kết nối Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á. Đây được xem là “tấm lá chắn” hữu hiệu giúp bảo vệ Trung Quốc từ phía đông và đông nam, cũng chính vì vậy, đây là nhân tố quan trọng giúp Mỹ kiểm soát tầm ảnh hưởng của chính quyền Trung Hoa. Đài Loan là nơi hàng hóa hay hải quân muốn đi từ Nhật Bản, Hàn Quốc xuống phía nam hay ngược lại đều sẽ đi qua. Ngoài ra, nơi đây cũng là con đường tiếp chuyển hàng hóa trên biển, điểm dừng chân của nhiều chuyến bay châu Á cũng như quốc tế. Trung Quốc nhận thấy vấn đề an ninh khu vực là mối lo ngại chung nên chọn biện pháp chiến lược lâu dài là tăng cường hợp tác với Mỹ, đàm phán với Đài Loan, gia tăng ảnh hưởng giành thế thượng phong ở khu vực Đông Nam Á[4]. Chính vì vậy việc Đài Loan chưa được thu hồi và thống nhất sẽ là mối lo ngại đến an ninh, kinh tế của Trung Quốc. Việc Trung Quốc thu hồi được Đài Loan sẽ là nhân tố để cắt đứt sự kìm hãm ảnh hưởng của Mỹ đối với Trung Quốc. Ngoài ra, việc Trung Quốc kiểm soát đường hàng hải ở khu vực này cũng là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế, duy trì sự ổn định lâu dài của quốc gia.

Thứ hai, Đài Loan là nơi kinh tế rất phát triển, Trung Quốc nếu thu hồi được sẽ tạo đà duy trì sự bền vững của một cường quốc. Kể từ khi cải cách, mở cửa đất nước, Trung Quốc luôn thu được những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, ngoại giao. Vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, khẳng định ảnh hưởng và uy tín của nước này đối với thế giới cũng như toàn khu vực[5]. Nền kinh tế Trung Quốc đang có sự phát triển vượt bậc, các thành tựu lớn về kinh tế được thể hiện vô cùng rõ ràng, Trung Quốc hiện là quốc gia chiếm khoảng 15% thương mại toàn cầu và ước đóng góp tới gần 1/4 tăng trưởng của kinh tế thế giới trong vòng 5 năm tới tính đến hết năm 2026. Quốc gia này đặt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 5,5%. Từ những năm 1980, 1990 trở đi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ rất nhanh, khoảng 8%/năm[6]. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình và cao, đứng hàng đầu trong số các nước lớn trên thế giới[7]. Hiện tại Trung Hoa đang cố gắng thúc đẩy xây dựng và tạo đà phát triển để duy trì là cường quốc số một thế giới. Muốn đạt được ước nguyện đó, việc thống nhất Đài Loan là điều mà Trung Quốc rất kỳ vọng. Kinh tế Đài Loan là một nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa rất phát triển với mức độ công nghiệp hóa cao. Năm 2019, Đài Loan xuất khẩu hàng hóa lớn, đứng thứ 17 trên thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Đài Loan  đạt 25.909 USD, GDP danh nghĩa đạt 611 tỷ đô la Mỹ[8]. Đài Loan là một trong “4 con rồng kinh tế” của châu Á cùng với Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, một trong những nhà sản xuất vi mạch, máy tính, điện tử tiêu dùng với công nghệ tiên tiến bậc nhất trên thế giới. Vùng lãnh thổ Đài Loan hiện đang là nền kinh tế lớn thứ 7 tại châu Á. Tính đến năm 2018, viễn thông, dịch vụ tài chính và dịch vụ tiện ích là ba lĩnh vực được trả lương cao nhất ở Đài Loan[9]. Hàng năm Đài Loan thu hút hàng triệu lao động từ các quốc gia khác. Sự phát triển mạnh mẽ của hòn đảo này xuất phát từ tài nguyên thiên nhiên phong phú, các chính sách để phát triển kinh tế tự do, đặc biệt là các ngành như điện tử thương mại và kỹ thuật. Nếu Trung Quốc thu hồi được hòn đảo này, đây sẽ là tiềm lực kinh tế và nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế quốc gia. Trung Quốc đang phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong cục diện kinh tế thế giới. Việc thống nhất Đài Loan sẽ duy trì và củng cố vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của nước này một cách bền vững và phát triển lên một tầm cao mới.

Thứ ba, Trung Quốc mong muốn nâng cao vị thế và uy tín quốc gia, ổn định tình hình đất nước. Đài Loan vốn là vùng đất thuộc sự quản lý của chính quyền Trung Hoa từ các triều đại phong kiến đến khi Đảng Cộng sản ra đời và nắm quyền lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên từ sau năm 1949 đến nay, nơi đây là vùng đất do Trung Hoa Dân quốc quản lý, chính quyền Trung Hoa cơ bản đã mất sự kiểm soát tại hòn đảo này. Đây là nỗi lo lắng lớn nhất của Trung Quốc. Việc đề ra chính sách “một quốc gia, hai chế độ” cũng nhằm mục đích chính là thu hồi và thống nhất Đài Loan. Nếu như Trung Quốc thu hồi và quản lý được Đài Loan, vị thế và uy tín của nước này sẽ có sự khác biệt. Các quốc gia tại khu vực cũng như trên thế giới phần nào sẽ phải “kiêng nể” Trung Quốc, giấc mộng gia tăng ảnh hưởng với khu vực Đông Nam Á của nước này cũng sẽ dễ dàng thực hiện hơn. Do đó, Trung Quốc càng muốn thúc đẩy quá trình này sớm hơn để gia tăng ảnh hưởng, thúc đẩy phát triển  quan hệ quốc tế, xây dựng uy tín với bên ngoài. Mỹ và Trung Quốc là hai trụ cột không thể thiếu trong trật tự thế giới. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc thống nhất được Đài Loan thì vị thế cường quốc số một thế giới khả năng sẽ thuộc về Trung Quốc, Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện âm mưu “kìm hãm” sự phát triển của Trung Quốc thông qua Đài Loan. Đài Loan được thống nhất với tổ quốc sẽ là nhân tố quan trọng để duy trì sự ổn định lâu dài của quốc gia, lòng dân cũng vì thế mà được an định.

2. Chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc với quyết tâm thống nhất Đài Loan

Tháng 12 năm 1978 Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu quay trở lại đường lối đúng đắn “thực sự cầu thị”. Đồng thời, công tác đàm phán về việc lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ cũng kết thúc. Lần đầu tiên trong hội nghị, khi đề cập đến vấn đề Đài Loan, người ta không nhắc đến từ giải phóng mà thay bằng câu “Đài Loan trở về trong lòng tổ quốc, thực hiện sự nghiệp lớn lao thống nhất đất nước”[10].

Tháng 1 năm 1979, Trung Quốc công bố thư gửi đồng bào Đài Loan với tuyên bố: giải quyết vấn đề một cách thống nhất, tôn trọng ý kiến của toàn thể nhân dân Đài Loan, đối với nhà cầm quyền Đài Loan, cần kiên trì lập trường một nước Trung Quốc, phản đối Đài Loan độc lập. Ngoài ra, thư gửi đồng bào Đài Loan đã ra lệnh cho quân giải phóng ngừng pháo kích các đảo thuộc Kim Môn, đề nghị thương lượng giữa hai bên, tiến hành tiếp xúc, đi lại, trao đổi, buôn bán với hy vọng đưa kinh tế của một trong bốn con rồng châu Á này càng phát triển và phồn vinh[11]. Ngày 30 tháng 1 năm 1979, Đặng Tiểu Bình đã đọc bài phát biểu quan trọng khẳng định giải quyết vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc, mong muốn giải quyết theo phương thức hòa bình, có lợi cho quốc gia, dân tộc. Tháng 9 năm 1981, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Diệp Kiếm Anh đã nói chuyện với phóng viên của Tân Hoa xã về vấn đề hòa bình thống nhất Trung Quốc, trình bày các phương châm và chính sách bao gồm chín điểm về việc đưa Đài Loan về tổ quốc. Theo đó, sau khi đất nước thống nhất, chế độ chính trị - xã hội của Đài Loan hiện hành sẽ không có bất kỳ thay đổi nào, đây được coi là khu hành chính đặc biệt, được hưởng quyền tự trị cao. Lúc này trên thực tế đã dần hình thành khái niệm “một quốc gia, hai chế độ”.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc này cũng ngỏ ý và mong muốn các nhà lãnh đạo cấp cao Đài Loan sang đại lục để thăm viếng quê hương, đàm phán vấn đề giữa đôi bên. Tháng 12 năm 1982, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (khóa V) đã thông qua bản hiến pháp mới, đặc biệt tăng thêm điều khoản mới là điều khoản 31: “Khi cần thiết, nhà nước sẽ lập khu hành chính đặc biệt. Chế độ hành chính trong khu đặc biệt sẽ căn cứ tình hình cụ thể do Đại hội nhân dân toàn quốc quy định theo pháp luật”. Đó là sự đảm bảo về mặt pháp lý của nhà nước đối với địa vị của Đài Loan sau khi thống nhất Tổ quốc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa tổ chức  tháng 10 năm 2022 đã thảo luận và quyết định những vấn đề nóng của Trung Quốc, trong đó có vấn đề Đài Loan. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định quyết tâm thống nhất Đài Loan. Bắc Kinh kêu gọi người dân hai bờ eo biển Đài Loan kiên quyết chống lại các lực lượng “Đài Loan độc lập” và sự can thiệp của nước ngoài, đồng thời mở ra triển vọng mới cho sự thống nhất hòa bình.

Khái niệm “một quốc gia, hai chế độ” chính là sản phẩm “thực sự cầu thị”. Do hoàn cảnh lịch sử và hiện tượng của Đài Loan và Hồng Kông, quyết định không giữ chế độ tư bản chủ nghĩa sẽ không đảm bảo được sự phát triển ổn định, lâu dài của địa phương, khó yên định được lòng người. Vì vậy, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã quyết định cho Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao được giữ nguyên chế độ hiện hành. Khái niệm “một quốc gia, hai chế độ” là nhằm bảo vệ hòa bình ở Trung Quốc cũng như toàn khu vực Đông Á, đảm bảo môi trường quốc tế để chính quyền Trung Hoa thực hiện thành công “bốn hóa”. Đặng Tiểu Bình nêu rõ: “Trung Quốc đề ra một mục tiêu phát triển hùng vĩ, Trung Quốc cần có một Hồng Kông phồn vinh và ổn định, và Đài Loan cũng vậy, Trung Quốc mong muốn Đài Loan ổn định vào cuối thế kỷ này cũng như 50 năm đầu của thế kỷ XXI”. Đặng Tiểu Bình khẳng định Trung Quốc luôn mong muốn giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, không mong muốn nội chiến, như vậy chỉ có áp dụng chính sách “một quốc gia, hai chế độ” mới dễ ăn nói với nhân dân, là phương thức để ổn định lâu dài. Phương án “một quốc gia, hai chế độ” chính là anh không nuốt chửng tôi, tôi không thủ tiêu anh, cả hai không ai bị thiệt cả[12]. Ông luôn hứa hẹn với chính quyền Đài Loan sẽ để nơi đây “mức tự trị cao”, Đài Loan sẽ được phép duy trì chính quyền một cách độc lập, lối sống tư bản và thậm chí cả quân đội của riêng mình miễn là họ công nhận chính quyền cộng sản ở Đại lục là hợp pháp trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan[13]. Phương án “một quốc gia, hai chế độ” được nêu ra với mục đích chính là thực hiện thống nhất tổ quốc, làm cho các bên chấp nhận được nhưng không được quên nguyên tắc “một nước Trung Quốc”. Cả hai mặt này đều bổ sung, hòa quyện và có quan hệ chặt chẽ với nhau. Chính sách này không chỉ áp dụng với một mình Đài Loan mà còn áp dụng với hai đặc khu hành chính nữa là Hồng Kông và Macao.

3. Phản ứng của chính quyền Đài Loan

Chính sách “một quốc gia, hai chế độ” được thực thi, hai đặc khu hành chính là Hồng Kông và Ma Cao lần lượt trở thành một phần của Trung Quốc vào năm 1997 và 1999. Nhưng Đài Loan thì không, chính phủ bán đảo này đã ngay lập tức bác bỏ chính sách này. Trung Quốc mặc dù chưa kiểm soát được vùng lãnh thổ này nhưng trên thực tế vẫn tự nhận là đại diện hợp pháp cho toàn bộ khu vực Trung Quốc. Đầu năm 2019, ông Tập Cận Bình đã lần đầu tiên lên tiếng kêu gọi Đài Loan trở về với Trung Quốc theo chính sách "một quốc gia, hai chế độ". Tuy nhiên, ý tưởng này lại một lần nữa bị chính quyền Đài Bắc khước từ. Bài phát biểu về quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan có lời lẽ dứt khoát, răn đe: “Người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc, nhưng chúng tôi không loại trừ dùng mọi biện pháp cần thiết để chống lại các thế lực bên ngoài hòng can thiệp vào quá trình thống nhất hòa bình cũng như các hoạt động thúc đẩy độc lập của Đài Loan”. Giới quan sát cho rằng, ông Tập Cận Bình luôn coi mục tiêu thống nhất Đài Loan sẽ là thành tựu lớn nhất của mình, giống như những người tiền nhiệm đã đạt được khi thu hồi Hồng Kông, Macao. Chính quyền Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và thu hồi, sẵn sàng tuyên bố sẽ dùng vũ lực nếu cần. Quân đội Trung Quốc trong thời gian gần đây liên tục gia tăng sức ép quân sự lên đảo Đài Loan bằng các biện pháp truyền thống và phi truyền thống. Ngoài các chuyến bay không quân đến áp sát hòn đảo với số lượng phi cơ lớn, quân đội chính quyền Trung Quốc đại lục còn tiến hành nhiều cuộc diễn tập và đổ bộ, tiến chiếm bờ biển ở khu vực gần Đài Loan.

Có thể thấy rằng, chính quyền Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý định thống nhất Đài Loan vì “lợi ích cốt lõi” của mình kể từ cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan (1995-1996) đến nay. Đài Loan hiện trở thành điểm nóng thu hút sự chú ý của thế giới khi Trung Quốc đang cho máy bay chiến đấu tiến gần đến khu lân cận vùng lãnh thổ này. Trong hai thập kỷ qua, cán cân quân sự ở eo biển Đài Loan đã có thể nghiêng về phía Trung Hoa. Chính quyền Tập Cận Bình hiện nay đã đưa ra quyết tâm thống nhất Đài Loan, trong khi đó thái độ của chính quyền Trung Hoa Dân quốc rất cứng rắn. Việc Đài Loan mong muốn độc lập lại được Mỹ ủng hộ chính là cú đâm đau đớn nhất đối với Trung Quốc.

Trung Quốc mong muốn thống nhất Đài Loan, duy trì chính sách “một quốc gia, hai chế độ” song Đài Loan không chấp nhận, chính quyền Đài Loan bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và khẳng định rằng chỉ có người dân Đài Loan mới có thể định đoạt tương lai của mình. Chính từ những động thái cứng rắn của Đài Loan mà Trung Quốc đã có những tuyên bố đe dọa sử dụng vũ lực khi cần thiết, những chuẩn bị cho cuộc tập trận quanh đảo Đài Loan đã khiến quan hệ giữa hai bờ eo biển trở nên rất căng thẳng. Ngay lập tức, bà Thái Anh Văn đã có một bài phát biểu đáp lại tuyên bố đe dọa dùng vũ lực của ông Tập Cận Bình: “Tôi phải nhấn mạnh rằng Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận một quốc gia hai chế độ và đại đa số người dân Đài Loan đều kiên quyết phản đối một quốc gia hai chế độ. Đây cũng chính là nhận thức chung của Đài Loan”. Viện Lập pháp Đài Loan cũng thông qua Đạo luật chống xâm nhập, có hiệu lực vào giữa tháng 1 năm 2020, để ngăn chặn các thế lực thù địch từ bên ngoài can thiệp vào các công việc nội bộ ở Đài Loan. Hơn nữa, nhà cầm quyền Đài Loan đã tích cực thúc đẩy việc sửa đổi, thực hiện cơ chế giám sát dân chủ cho các thỏa thuận chính trị giữa hai bờ eo biển.

Ngày 17/8/2021, Đài Loan cũng cho biết đã phát hiện 21 máy bay và 5 tàu Trung Quốc hoạt động xung quanh khu vực đảo Đài Loan[14]. Ngày 29 tháng 8 năm 2022 Trung Quốc đã bác khiếu nại của Đài Loan về việc máy bay không người lái của chính quyền Trung Quốc đã quấy rối liên tục ở rất gần các đảo do Đài Loan quản lý, Trung Quốc khẳng định rằng không có gì để Đài Loan phải làm quá lên. Kể từ khi chính quyền Trung Hoa bắt đầu các cuộc tập trận quân sự gần đảo Đài Loan vào đầu tháng 8 năm 2022 sau chuyến thăm đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, Đài Loan đã báo cáo các chuyến bay bằng máy bay không người lái trên các hòn đảo nhỏ mà Đài Loan kiểm soát gần bờ biển Trung Quốc. Trong đó đoạn video từ ít nhất hai trong số các phi vụ bay không người lái này đã được lan truyền rất rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Tuy nhiên, theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, “máy bay không người lái của Trung Quốc bay trong lãnh thổ Trung Quốc, đây không phải là điều gì đó để làm ầm lên”.

Ngày 29 tháng 8 năm 2022, quân đội Đài Loan báo cáo có thêm vi phạm bằng máy bay không người lái tại gần đảo Sư tử, đối diện hai thành phố của Trung Quốc là Hạ Môn và Tuyền Châu. Đài Loan cho biết các chiến sĩ của họ đã bắn pháo sáng để cảnh báo, một phút sau máy bay này bay theo hướng về thành phố Hạ Môn[15]. Qua sự kiện này Trung Quốc sẽ quyết tâm thu hồi Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết. Nhà lãnh đạo Đài Loan cho biết, Đài Loan sẽ làm tất cả để tự vệ nếu bị đe dọa, Đài Loan không hướng đến đối đầu quân sự mà muốn chung sống hòa bình, ổn định và cùng có lợi với các nước láng giềng. Bắc Kinh thì cho rằng các cuộc tập trận là cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và khẳng định các cuộc tập trận gần Đài Loan là lời cảnh báo đến các thế lực bên ngoài can thiệp và khiêu khích.

Sự lo lắng, bất an ngày càng gia tăng về một cuộc xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc đang định hình lại cách suy nghĩ của Mỹ và Đài Loan về việc bảo vệ hòn đảo này. Trong mười năm qua, Hoa Kỳ đã cố gắng thuyết phục Đài Loan trở nên mạnh mẽ và cứng rắn hơn trước thái độ của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn hiện đang tập trung vào việc tăng cường khả năng linh hoạt của Đài Loan để chống lại cuộc tấn công của Trung Quốc. Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương đã cam kết ủng hộ việc kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự cơ bản từ mức bốn tháng trước đây lên một năm, cũng như tăng ngân sách quốc phòng. Năm 1979, khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh, chính quyền Trung Hoa đã nhân cơ hội này thống nhất được Đài Loan mà không cần sử dụng vũ lực. Đài Loan lúc bấy giờ đã bị cô lập về mặt ngoại giao, phụ thuộc kinh tế vào đại lục và yếu kém về quân sự. Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường sự phụ thuộc này bằng cách đặt ra nhiều ưu tiên cho doanh nghiệp Đài Loan hoạt động tại Trung Quốc, đưa khách du lịch và thu mua hàng xuất khẩu đến hòn đảo này. Bắc Kinh cũng đầu tư vào truyền thông Đài Loan với mục đích đưa tin tức có lợi cho mình và tạo điều kiện để trao đổi với các nhà lãnh đạo của Quốc dân Đảng chống độc lập. Tuy nhiên, những nỗ lực này của Trung Hoa vẫn không đủ để ngăn chặn làn sóng chống lại việc thống nhất với đại lục trong dư luận và chính trị Đài Loan. Theo các cuộc thăm dò dư luận, tỷ lệ cử tri Đài Loan ủng hộ thống nhất đã giảm từ 28% năm 1999 xuống dưới 2% vào năm 2022[16].

Hiện nay Đài Loan đang có thái độ cương quyết và mong muốn độc lập. Những xu hướng này đã thúc đẩy chính quyền Trung Quốc chuyển sang lập trường đe dọa Đài Loan nhiều hơn. Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền Trung Hoa đã thúc đẩy các biện pháp nhằm cô lập hòn đảo về mặt ngoại giao, cắt giảm nhập khẩu và trao đổi du lịch. Đặc biệt, tiến hành huấn luyện quân đội Trung Quốc tiến hành các chiến dịch quân sự cần thiết cho một cuộc xung đột xuyên eo biển, và thường xuyên tiến hành các cuộc xâm nhập thăm dò trong vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Chính quyền Trung Hoa Dân quốc quản lý Đài Loan từ năm 1949 đến nay, tuy nhiên chính quyền Bắc Kinh nhiều lần đe dọa, ép buộc nhằm hướng đến thu hồi và thống Đài Loan, khiến vấn đề Đài Loan trở nên độc lập vô cùng phức tạp. Đại đa số nhân dân mong muốn duy trì hiện trạng hai bờ eo biển Đài Loan, song tỷ lệ người chủ trương độc lập lại đông hơn tỷ lệ người chủ trương thống nhất.

4. Kết luận

Chính sách “một quốc gia, hai chế độ” được Đặng Tiểu Bình đề ra từ những năm 80 của thế kỷ XX với mong muốn thu hồi và quản lý chủ quyền tại Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan. Tuy nhiên hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa đạt được mục đích của mình, thái độ kiên quyết, cứng rắn của chính quyền Đài Loan là điều rất rõ ràng. Chính quyền Trung Quốc đại lục luôn hứa hẹn rằng nếu hòn đảo này được thống nhất với tổ quốc thì sẽ giữ nguyên thể chế chính trị - xã hội, tôn trọng sự tự quyết trong công việc nội bộ Đài Loan. Chính quyền Đài Loan lại không bao giờ tin tưởng cũng như chịu sự ảnh hưởng, quản lý của chính quyền Trung Hoa. Không những không chấp nhận chính sách “một quốc gia, hai chế độ” mà Đài Loan còn mong muốn độc lập. Chính mong muốn độc lập này của Đài Loan đã làm cho mối quan hệ giữa hai bờ eo biển ngày càng trở nên căng thẳng. Có thể khẳng định, mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã không mấy tốt đẹp từ trước, nay lại càng trở nên căng thẳng, bế tắc hơn bao giờ hết. Chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc đã có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan căng thẳng và có chiều hướng xung đột càng rõ ràng thì an ninh khu vực và thế giới càng bị đe dọa. Ngoài ra, các vấn đề về thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế cũng chịu ảnh hưởng rất lớn. Nếu mong muốn quan hệ giữa hai bờ eo biển giảm bớt được căng thẳng, Trung Quốc và Đài Loan cần tạm thời hòa giải, tiến hành đàm phán trao đổi để cùng khắc phục khó khăn, tháo gỡ những xung đột giữa hai bên trước đây. Tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới cùng có ý kiến và tác động để hai bên cùng tiến hành hòa giải. Thay vì cạnh tranh và xung đột với nhau, Đài Loan và Trung Quốc tiến hành đàm phán, hòa giải, hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi. Nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân Đài Loan khi thấy hai bên căng thẳng, xung đột đối đầu cần ủng hộ tăng cường sự đoàn kết giữa đôi bên, lên án và phản đối các hành động thúc đẩy chiến tranh, hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực sai trái. Việc Đài Loan thống nhất hay độc lập nên để người dân cả hai bờ eo biển lựa chọn, biểu quyết vì việc này liên quan trực tiếp đến lợi ích của toàn thể nhân dân. Đây cũng là sự tôn trọng quyền lợi, lợi ích của người dân, phát huy tính dân chủ toàn xã hội. Việc người dân hai bờ lựa chọn độc lập hay thống nhất Đài Loan được xem là lựa chọn nhanh và đúng đắn nhất, góp phần chấm dứt tình trạng căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. “薪資行情大調查 電信業月薪破10萬最高” (Khảo sát thị trường tiền lương, lương tháng ngành viễn thông đột phá 100.000, cao nhất), https://www.chinatimes.com/realtime news/20180226003466-260410?chdtv.
  2. Andrew J. Nathan (2022), “Beijing Is  Still Playing the Long Game on Taiwan” https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2022-06-23/Beijing Is Still Playing the Long Game on Taiwan.
  3. Jeff Lee (2021), 2021-2022 Taiwan at a Glance, Taiwan Panorama Magazine Publishing House.
  4. Báo Tuổi trẻ Online (2022), “Đài Loan: Ngày 20/8, 17 máy bay và 5 tàu hải quân Trung Quốc hoạt động quanh đảo Đài Loan”, https://tuoitre.vn/dai-loan-ngay-20-8-17-may-bay-va-5-tau-hai-quan-trung-quoc-hoat-dong-quanh-dao-dai-loan-20220820184037404.htm.
  5. Đảng Cộng sản Trung Quốc (2017), Tổng tập Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX, Nxb Chính trị Quốc gia.
  6. Carole Goddard (2007), Các nước trên thế giới - Trung Quốc, Nxb Thế giới, Hà Nội.
  7. Nguyễn Hiến Lê (2006), Sử Trung Quốc, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh.
  8. Hồng Loan (2019), “Chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ là gì?”, https://nghien cuuquocte.org/2019/07/05/mot-quoc-gia-hai-che-do/.
  9. Sở Thụ Long - Kim Uy (2013), Chiến lược và chính sách ngoại giao của Trung Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  10. Mao - Tấn thảm kịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc tập 1 (1984), Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội.
  11. Nguyễn Huy Quý (2004), Lịch sử hiện đại Trung Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  12. Hoàng Gia Thụ (2014), Đài Loan tiến trình hóa rồng, Nxb Thế giới, Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] Nguyễn Hiến Lê (2006) Sử Trung Quốc, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, tr. 230.

[3] Mao - Tấn thảm kịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc tập 1 (1984), Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, tr. 254.

[4] Sở Thụ Long - Kim Uy (2013), Chiến lược và chính sách ngoại giao của Trung Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 309.

[5] Nguyễn Huy Quý (2004), Lịch sử hiện đại Trung Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 280.

[6] Carole Goddard (2007), Các nước trên thế giới - Trung Quốc, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 18.

[7] Đảng Cộng sản Trung Quốc (2017), Tổng tập văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIX, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 12.

[8] Jeff Lee (2021), 2021-2022 Taiwan at a Glance, Taiwan Panorama Magazine Publishing House, page 52.

[9] “薪資行情大調查 電信業月薪破10萬最高”(Khảo sát thị trường tiền lương, lương tháng ngành viễn thông đột phá 100.000, cao nhất), https://www.chinatimes.

Com/realtimenews/20180226003466-260410?chdtv.

[10] Hoàng Gia Thụ (2014), Đài Loan tiến trình hóa rồng, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 639.

[11] Hoàng Gia Thụ (2014), Đài Loan tiến trình hóa rồng, Nxb Thế giới, Tlđd, tr. 640.

[12] Hoàng Gia Thụ (2014), Đài Loan tiến trình hóa rồng, Tlđd, tr. 650.

[13] Hồng Loan (2019), “Chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ là gì?”, https://nghiencuuquocte.org/2019/07/05/mot-quoc-gia-hai-che-do/.

[14] Báo Tuổi trẻ Online (2022), “Đài Loan: Ngày 20/8, 17 máy bay và 5 tàu hải quân Trung Quốc hoạt động quanh đảo Đài Loan”, https://tuoitre.vn/dai-loan-ngay-20-8-17-may-bay-va-5-tau-hai-quan-trung-quoc-hoat-dong-quanh-dao-dai-loan-20220820184037404.htm.

[15] Báo Tuổi trẻ Online(2022), “Đài Loan: Ngày 20-8, 17 máy bay và 5 tàu hải quân Trung Quốc hoạt động quanh đảo Đài Loan”, Tlđd.

[16] Andrew J. Nathan (2022), “Beijing Is Still Playing the Long Game on Taiwan” https://www.foreignaffairs. com/articles/china/2022-06-23/Beijing Is Still Playing the Long Game on Taiwan.

0thảo luận