Trương Phan Thanh Thủy [1]
Tóm tắt: Năm 2022 là một năm đầy biến động, khó khăn đối với toàn thế giới. Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới. Chiến tranh giữa Nga và Ukraine khiến căng thẳng leo thang, gây ra lạm phát, khủng hoảng năng lượng, lương thực ở nhiều nước trên thế giới. Những vấn đề này đều ảnh hưởng đến chính trị của Mông Cổ. Chính phủ Mông Cổ trong năm 2022 cũng có những biến đổi lớn. Bài viết trình bày những vấn đề chính trị nổi bật của Mông Cổ trong năm 2022.
Từ khóa: Mông Cổ, chính trị, năm 2022
1. Mở đầu
Mông Cổ là một nước có nhiều đảng phái, hai đảng phái lớn nhất của Mông Cổ, đồng thời là hai đảng đối lập là Đảng Nhân dân Mông Cổ (MPP) và Đảng Dân chủ Mông Cổ (DP). Người đứng đầu hai đảng này thường luân phiên trở thành tổng thống và thủ tướng của Mông Cổ. Điều này dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Mông Cổ trong nhiều năm vì thủ tướng và tổng thống thường đại diện cho các đảng phái khác nhau và thường xuyên xung đột. Tuy nhiên, điều này đã được cải thiện sau cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2020 và cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2021. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2020, MPP đã giành chiến thắng với đa số ghế là 62/76 ghế[2]. Năm 2021, ông Luvsannamsrai Oyun-Erdene, đương kim chủ tịch MPP trở thành Thủ tướng Mông Cổ. Trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6 năm 2021, ông Ukhnaagiin Khürelsükh, cựu chủ tịch MPP cũng giành chiến thắng với 72,02% số phiếu bầu và trở thành Tổng thống thứ 6 của Mông Cổ[3]. MPP trở thành đảng cầm quyền tuyệt đối của Mông Cổ hiện nay.
Một trong những vấn nạn lớn nhất hiện nay của Mông Cổ là tình trạng tham nhũng trầm trọng. Báo cáo vừa được công bố của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) về chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 cho thấy Mông Cổ chỉ đạt 33/100, xếp thứ 116/180 quốc gia[4], ghi nhận điểm CPI thấp lịch sử, giảm 4 điểm kể từ năm 2018, thuộc nhóm các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức sụt giảm CPI mạnh nhất trong một thập kỷ qua[5]. Nạn tham nhũng ở Mông Cổ đã kéo dài từ lâu và Chính phủ Mông Cổ đã nỗ lực chống tham nhũng nhưng dường như không mấy hiệu quả.
Ngoài tham nhũng, lạm phát cũng là một vấn đề lớn mà Mông Cổ cần phải giải quyết hiện nay. Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn ra trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều nước, trong đó có Mông Cổ. Chính sách zero-Covid của Trung Quốc và hoạt động kinh tế yếu đi rõ rệt đã ảnh hưởng đáng kể đến các mặt hàng xuất khẩu chính của Mông Cổ sang Trung Quốc do đóng cửa biên giới trên đất liền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu hàng hóa kém. Bên cạnh đó, tác động chiến tranh Nga - Ukraine đối với giá lương thực và năng lượng và sự mất giá của đồng tugrik khiến áp lực lạm phát của Mông Cổ càng trầm trọng hơn. Nếu chiến tranh kéo dài hoặc thậm chí mở rộng, tác động của nó đối với nền kinh tế Mông Cổ sẽ rất lớn. Các chỉ số kinh tế vĩ mô đã báo hiệu rằng nền kinh tế của Mông Cổ đang bước vào thời kỳ lạm phát đình trệ. Tỷ lệ lạm phát là hơn 16%; tỷ lệ thất nghiệp khoảng 10%; tốc độ tăng giá hàng tiêu dùng là hơn 16%; tăng trưởng kinh tế nói chung giảm 1,5%. Chính phủ Mông Cổ đã tăng chi tiêu xã hội và ngân sách với kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa quy mô lớn sang Trung Quốc. Nhưng giá hàng hóa, đặc biệt là đồng và than, đang giảm trong khi giá dầu diesel, một nhiên liệu nhập khẩu quan trọng cho ngành công nghiệp của Mông Cổ đang tăng lên. Do xuất khẩu hàng hóa vẫn còn chậm và ở quy mô nhỏ, tình trạng này sẽ tác động đến dự trữ đô la Mỹ và sự mất giá của đồng tiền Mông Cổ[6].
Có thể thấy, mặc dù Chính phủ Mông Cổ đã có những đổi mới nhưng lạm phát và tham nhũng khiến người dân Mông Cổ vẫn rất bất mãn với chính phủ.
2. Sự thay đổi về cơ cấu trong chính phủ và nội các của Mông Cổ
Năm 2022 đánh dấu việc giảm bớt sự căng thẳng chính trị trong Chính phủ Mông Cổ. Mông Cổ đã có sự thay đổi về quyền lực giữa MPP và DP. Trước đây, chính trị Mông Cổ thường có sự đối đầu giữa MPP và DP khiến tình hình chính trị trong nước luôn luôn căng thẳng, xung đột. Sau cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2020 và cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2021, MPP đã cầm quyền kiểm soát cả chính phủ và Quốc hội. MPP là đảng chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Tổng thống, thủ tướng và nhiều thành viên chính phủ cũng cũng thuộc MPP. Điều này giúp giảm căng thẳng giữa Văn phòng tổng thống và Văn phòng thủ tướng, vốn trước đây từng đại diện cho các lực lượng chính trị khác nhau. Do đó, tình hình chính trị trong nước của Mông Cổ đang dần dần ổn định. Các đảng đối lập đang bị suy yếu và phân tán và sẽ không thể thách thức sự lãnh đạo của MPP trong những năm tới. Việc hoạch định chính sách sẽ ít gặp cản trở từ phe đối lập trong năm 2022-2023, mặc dù việc quản trị sẽ bị suy yếu bởi sự độc quyền quyền lực của MPP.
Nội các Mông Cổ cũng có sự thay đổi mới. Ngày 30/8/2022, Quốc hội Mông Cổ đã thông qua những thay đổi quan trọng đối với cơ cấu và thành phần của nội các do Thủ tướng Oyun-Erdene Luvsannamrsai đề xuất. Mười thành viên mới đã được bổ sung vào nội các mở rộng gồm 21 thành viên, tất cả thành viên nội các đều thuộc quốc hội trừ một người. Đây là nội các lớn nhất chưa từng có trong lịch sử Mông Cổ. Cuộc cải tổ nội các diễn ra rất nhanh chóng và nhằm mục đích củng cố vị trí của ông Oyun-Erdene và hỗ trợ ông trong việc lập pháp để thúc đẩy chương trình nghị sự tự do hóa và tư nhân hóa của ông. Thay đổi này có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc bỏ phiếu ngân sách năm 2023 vào tháng 11, vì nền kinh tế của Mông Cổ vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau cuộc suy thoái của đại dịch. Nội các mới cũng sẽ giúp ông Oyun-Erdene thúc đẩy cải cách Hiến pháp để giảm bớt quyền lực của tổng thống và cập nhật các quy tắc bầu cử. Ông Oyun-Erdene dự kiến sẽ đẩy nhanh việc thực hiện chính sách phục hồi mới của mình nhằm mục đích kích thích sự phục hồi sau đại dịch và giải quyết các điểm dễ bị tổn thương của Mông Cổ với tư cách là một quốc gia không giáp biển. Ông Oyun-Erdene cho rằng việc mở rộng nội các là cần thiết để đáp ứng các mục tiêu của chính sách phục hồi mới và sáng kiến Tầm nhìn 2050 của Mông Cổ. Nội các mở rộng bao gồm 21 thành viên phụ trách 16 bộ. Ba bộ trưởng không có danh mục đầu tư đã được bổ sung để giám sát các vấn đề của Ulaanbaatar, giáo dục thể chất và thể thao cũng như phục hồi cảng. Ông Amarbayasgalan Dashzegve, Tổng thư ký của MPP, được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng nội các, thay thế chính trị gia kỳ cựu Nyamdorj Tsend. Ông Amarbayasgalan sẽ là chìa khóa trong việc thực hiện các chính sách cải cách lớn. Ông Amarbayasgalan đã hơn 40 tuổi và được coi là một trong những nhà lãnh đạo đang lên của MPP sẽ kế nhiệm ông Oyun-Erdene trong tương lai. Ông Oyun-Erdene dự kiến sẽ sớm bổ nhiệm một tổng thư ký MPP mới, người sẽ là nhà môi giới quyền lực và là nhân vật chủ chốt trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024.
Nội các mới bao gồm 13 bộ trưởng kiêm nhiệm các chức vụ thành viên quốc hội (nghị sĩ). Điều này diễn ra sau quyết định ngày 15 tháng 8 của Tòa án Hiến pháp về việc bãi bỏ một điều khoản hiến pháp giới hạn số lượng nhà lập pháp trong nội các xuống còn bốn người. Bằng cách tổ chức nội các của mình với nhiều nghị sĩ hơn, thủ tướng Mông Cổ đang tìm cách củng cố vị trí của mình về mặt chính trị và lập pháp. Mười ba bộ trưởng đầy quyền lực trong Quốc hội gồm 76 thành viên sẽ là chìa khóa để thúc đẩy các cải cách gây tranh cãi và một chương trình nghị sự tự do hóa. Mặc dù MPP chiếm đa số trong Quốc hội, nhưng đảng này có các phe phái nội bộ đầy quyền lực không phải lúc nào cũng đồng ý với chương trình nghị sự của thủ tướng. Đáng ngạc nhiên là các bộ trưởng của các bộ xây dựng, đối ngoại, y tế, văn hóa, quốc phòng, môi trường và du lịch vẫn giữ được ghế của mình mặc dù họ không phải là nghị sĩ. Trong các cuộc bổ nhiệm quan trọng khác, ông Khurelbaatar Chimed được chọn làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Phát triển và Uchral Nyam-Osor làm Bộ trưởng Bộ Phát triển kỹ thuật số và Truyền thông. Cả hai vị trí đã được thiết lập vào năm 2021 và vẫn chưa được bổ nhiệm kể từ thời điểm đó[7].
3. Cải thiện sự bất bình đẳng giới trong chính phủ và tăng cường sự tham chính của phụ nữ Mông Cổ
Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội Mông Cổ đã không ngừng tăng lên trong những năm qua kể từ cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào năm 1992. Sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2020, tỷ lệ nữ nghị sĩ trong Quốc hội Mông Cổ là 17,1% (13 trong số 76 ghế)[8], giống cuộc bầu cử năm 2016. Đây là số lượng nữ nghị sĩ trong Quốc hội cao nhất trong số tám cuộc bầu cử quốc hội ở Mông Cổ từ năm 1992. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ nghị sĩ trong Quốc hội Mông Cổ vẫn thấp hơn mức trung bình của khu vực là 21% và mức trung bình của thế giới là 26,4%[9]. Theo Liên minh Nghị viện thế giới, hiện nay, Mông Cổ đứng ở vị trí thứ 134 trong số 190 quốc gia được xếp theo thứ tự giảm dần về tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội[10]. Trong số nữ nghị sĩ được bầu vào năm 2020, 12 người đến từ MPP và 2 người đến từ DP. Năm 2020, số ứng cử viên nữ là 151 trên tổng số 606 ứng cử viên, chiếm 24,9% – giảm nhẹ so với kỳ bầu cử trước (25,9%)[11]. Ngoài ra, sau khi thành lập nội các mới vào năm 2020, lần đầu tiên nội các bổ nhiệm bốn bộ trưởng nữ[12]. Hiện nay, số lượng bộ trưởng nữ trong nội các đã giảm xuống còn ba người[13]. Ngày 19/1/2022, Quốc hội Mông Cổ đã phê chuẩn việc Bộ Ngoại giao bổ nhiệm hai nhà ngoại giao nữ. Bà E. Sarantogos được bổ nhiệm làm đại sứ tại Hàn Quốc và bà D. Gerelmaa được bổ nhiệm làm đại sứ tại Thụy Sĩ. Trước đó, vào cuối tháng 12 năm 2021, bà U. Nyamkhuu được bổ nhiệm làm đại sứ tại Pháp, đánh dấu sự kiện nữ quan chức ngoại giao đầu tiên đứng đầu phái bộ Mông Cổ tại đây. Với tư cách là đại sứ tại Pháp, sứ mệnh của bà cũng bao gồm việc tăng cường quan hệ với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Monaco và Andorra. Với sự bổ nhiệm này, Mông Cổ chính thức lập kỷ lục về số lượng nữ đại sứ phục vụ nhiều nhất tại một thời điểm nhất định. Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ B. Battsetseg Batmunkh - một trong những nhà ngoại giao nữ của Mông Cổ - tuyên bố trong một tweet: “Trong lịch sử ngoại giao Mông Cổ, Mông Cổ hiện có số lượng nữ đại sứ cao nhất, 6 trong số 31 đại sứ”[14]. Có thể thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào chính trị ở Mông Cổ ngày càng gia tăng, nhưng vẫn còn hạn chế về số lượng.
4. Quan điểm, chủ trương của Chính phủ Mông Cổ về kiểm soát lạm phát và phòng, chống tham nhũng
Do lạm phát, Chính phủ Mông Cổ đã cắt giảm nhiều ngân sách từ các bộ ngành để chuyển hướng tài chính sang các ưu tiên lớn trong năm tài chính hiện tại 2021/2022. Theo bà B. Bolor-Erdene, Chủ tịch Cục Truyền thông và Công nghệ thông tin, bộ mới thành lập hiện đang phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách 5 tỷ MNT[15]. Ngoài ra, Chính phủ Mông Cổ cũng thông qua luật “thắt lưng buộc bụng” vào tháng 4 năm 2022 nhằm giảm thâm hụt ngân sách, ổn định nền kinh tế. Kể từ khi thực hiện luật “thắt lưng buộc bụng”, khoảng 5,8 tỷ MNT đã được tiết kiệm bằng cách cách chức 159 phó giám đốc, phó giám đốc thứ nhất và cố vấn trong các tổ chức chính phủ, hạn chế các quan chức dưới cấp bộ trưởng sử dụng xe của chính phủ và đi công tác hạng thương gia, và số hóa một số hoạt động hàng ngày[16]. Hơn nữa, Mông Cổ đã tịch thu 587 xe ô tô được sử dụng quá mức cho phép của các quan chức chính phủ dưới quyền bộ trưởng. Do đó, Chính phủ Mông Cổ đã tiết kiệm 1,4 tỷ MNT cho ngân sách nhà nước năm 2022[17]. Chính phủ quy định đóng cửa một số doanh nghiệp nhà nước, sửa đổi và hợp lý hóa hoạt động của các cơ cấu hoạt động trong cùng lĩnh vực và cắt giảm chi tiêu không cần thiết. Cụ thể là 4,4 tỷ MNT được tiết kiệm từ việc miễn nhiệm 104 phó giám đốc và phó giám đốc thứ nhất của các doanh nghiệp nhà nước, 5,6 tỷ MNT từ việc xác định lại cơ cấu tổ chức và chức năng của doanh nghiệp nhà nước, 26,2 tỷ MNT từ việc tổ chức các cuộc họp và đào tạo trực tuyến và giảm chi phí của các hoạt động hàng ngày khác, và 43,1 tỷ MNT từ việc không tài trợ cho các dự án và biện pháp không liên quan trực tiếp đến hoạt động chính của các doanh nghiệp nhà nước[18].
Các cuộc biểu tình chống chính phủ và phản đối tham nhũng là dấu ấn đen tối của Mông Cổ trong năm 2022. Vào tháng 4 năm 2022, những người Mông Cổ trẻ tuổi không theo đảng phái chính trị nào đã tập trung tại quảng trường Sukhbaatar ở Thủ đô Ulaanbaatar để biểu tình ôn hòa, yêu cầu chính phủ hiện tại thay đổi một số chính sách. Thông điệp của họ rất đa dạng, từ những lo ngại về nền kinh tế đến sự bất mãn chung của xã hội đối với thuế, cơ hội việc làm, phân bổ nguồn lực, lạm phát và một cơ quan tư pháp độc lập có thể cung cấp kiểm tra và cân bằng cho báo cáo tài chính của nghị sĩ. Theo một số người biểu tình, sau khi cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra vào ngày 7 tháng 4, khoảng 20 người đã bị cảnh sát bắt và đánh đập. Hình ảnh nhiều sĩ quan cảnh sát dẫm lên một cá nhân đã lan truyền nhanh chóng, gây ra sự phẫn nộ trên mạng xã hội. Những người tham gia phong trào thanh niên Mông Cổ phản đối cảnh sát sử dụng bạo lực để duy trì trật tự, đặc biệt là trong một xã hội dân chủ. Vào ngày 8 tháng 4, nhiều người biểu tình đã phản đối sự tàn bạo của cảnh sát, đánh dấu một trong những cuộc biểu tình ôn hòa lớn nhất của giới trẻ Mông Cổ kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Hàng nghìn sinh viên đại diện cho nhiều thông điệp khác nhau, một thông điệp biểu tình nêu rõ: “Muốn trở thành một quốc gia sản xuất chứ không phải một nhà nhập khẩu”. Trong khi phong trào thanh niên đang diễn ra, Chính phủ Mông Cổ đang tổ chức một diễn đàn kinh tế đã bị hủy bỏ hai năm liên tiếp do Covid-19. Thời gian của hai sự kiện là tình cờ; tuy nhiên, chính phủ không xem nhẹ sự bất mãn của giới trẻ. Khi số lượng người biểu tình vào ngày 8 tháng 4 vượt qua ngày hôm trước, Thủ tướng Oyun-Erdene Luvsannamsrai đã nói chuyện với giới trẻ và đồng ý triệu tập một phiên họp bất thường để đáp ứng yêu cầu của họ. Vào tối ngày 8 tháng 4, sau khi triệu tập phiên họp bất thường của nội các, thủ tướng đã công bố một số biện pháp đã được thảo luận trong phiên họp. Những người biểu tình đã đưa ra 5 yêu cầu: (1) kiểm soát lạm phát; (2) trả tự do cho những người biểu tình ôn hòa hiện đang bị chính quyền giam giữ; (3) thắt chặt các luật và quy định chống tham nhũng và cung cấp thông tin về các vụ tham nhũng của doanh nghiệp vừa và nhỏ công khai; (4) hạn chế các quan chức sử dụng phương tiện giao thông của chính phủ trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu; và (5) một cuộc điều tra về các hoạt động của tòa nhà trung tâm thanh niên. Ông Oyun-Erdene tuyên bố rằng các vấn đề liên quan đến thuế, Quốc hội, bầu cử và các vấn đề an sinh xã hội không phải là trách nhiệm duy nhất của nội các. Do đó, những vấn đề này sẽ được thảo luận tại Quốc hội. Thủ tướng đã nhắc lại thiện chí của chính phủ trong việc hợp tác với những người biểu tình và tìm giải pháp hòa bình cho các yêu cầu của họ. Bất chấp sự xuất hiện của thủ tướng, việc giải quyết những bất bình của người biểu tình rất khó khăn. Phần lớn sự không hài lòng của giới trẻ không chỉ bắt nguồn từ suy thoái kinh tế liên quan đến Covid-19 mà còn từ sự không hài lòng chung đối với sự phát triển của đất nước, các cơ hội kinh tế, tham nhũng và bộ máy quan liêu đã thúc đẩy cả khu vực công và tư nhân. Nhiều người biểu tình là sinh viên cao đẳng và đại học sắp tốt nghiệp. Mối quan tâm của họ nên được lắng nghe. Những người Mông Cổ trẻ tuổi, hoạt động tích cực trên hầu hết các nền tảng truyền thông xã hội đã thống nhất tiếng nói và mối quan tâm của họ, đánh dấu thời điểm then chốt để Chính phủ Mông Cổ đối mặt với những thách thức trong nước. Xét cho cùng, nền dân chủ của Mông Cổ thuộc về giới trẻ và tiếng nói của họ[19].
Tháng 10 năm 2022, Chính phủ Mông Cổ cho biết họ đã phát hiện ra số than bị mất sau khi so sánh dữ liệu xuất khẩu của Mông Cổ với dữ liệu nhập khẩu do Trung Quốc, khách hàng chính của Mông Cổ, báo cáo[20]. Tháng 11, cơ quan chống tham nhũng của Mông Cổ thông báo rằng hơn 30 quan chức, bao gồm cả giám đốc điều hành của công ty khai thác than thuộc sở hữu nhà nước Erdenes Tavan Tolgoi (ETT) đang bị điều tra vì tội tham ô[21]. Chính thông báo về các phát hiện tham nhũng này đã thúc đẩy cuộc biểu tình vào ngày 5 tháng 12. Làn sóng giận dữ của người biểu tình bùng phát sau hàng loạt cáo buộc liên quan đến việc nhiều quan chức chính phủ thu lợi từ việc bán than đá bất hợp pháp cho Trung Quốc. Theo cơ quan chống tham nhũng của Mông Cổ, một số nhân vật có sức ảnh hưởng trong ngành công nghiệp than đá bị cáo buộc lợi dụng chức quyền của mình để tham nhũng hàng tỷ đô la từ ngân sách nhà nước[22]. Bất chấp thời tiết giá lạnh khắc nghiệt với nhiệt độ dưới 21 độ C tại Thủ đô Ulaanbaatar, hàng nghìn người biểu tình tại quảng trường Sukhbaatar đã tụ tập để phản đối nạn tham nhũng trong ngành than và giá cả leo thang. Người biểu tình cũng bày tỏ sự thất vọng trước sự suy thoái của nền kinh tế Mông Cổ, với mức lạm phát tăng vọt lên 15,2% sau khi chiến tranh Nga - Ukraine diễn ra. Sự phẫn nộ của công chúng tăng lên khi có người tố giác các thành viên của Quốc hội Mông Cổ đã thông đồng với công ty than thuộc sở hữu nhà nước, đánh cắp doanh thu xuất khẩu than của Mông Cổ trị giá hàng tỷ USD, để làm lợi cho bản thân[23]. Họ kêu gọi chính phủ nêu tên những người chịu trách nhiệm cho ít nhất 385.000 tấn than không được tính từ năm 2013 đến 2019[24]. Hàng nghìn người biểu tình, trong đó có nhiều người trẻ tuổi đã phát sinh xô xát với cảnh sát trước tòa nhà chính phủ, nơi Văn phòng Quốc hội tọa lạc. Họ yêu cầu thực thi “công lý” với những hành vi tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và kêu gọi giải tán Quốc hội. Cuộc biểu tình quy tụ nhiều tầng lớp trong xã hội, nhiều người cũng lặn lội đến Thủ đô Ulaanbaatar để tham gia các cuộc biểu tình. Đám đông giận dữ và hô vang các khẩu hiệu, yêu cầu các nhà chức trách xuất hiện và đối mặt với người dân. “Hãy giúp chúng tôi, đất nước của chúng tôi đang sụp đổ” là nội dung của một tấm biểu ngữ. Một người biểu tình đã nói với Đài truyền hình TenGer TV: “Rất nhiều quan chức chính phủ và chính trị gia có cuộc sống giàu sang, xa xỉ, đối lập hoàn toàn với tình trạng hiện nay của đất nước và đời sống người dân. Chúng tôi phải mua bánh mì theo lát vì không đủ điều kiện mua cả ổ, tại sao họ có thể bình tĩnh sống như vậy? Đó là lý do tôi có mặt tại cuộc biểu tình này, chúng tôi sẽ đấu tranh cho lợi ích của người dân”. Một số người dân đã cố gắng xông vào Văn phòng chính phủ, phá vỡ các rào chắn và cửa sổ. Tuy nhiên, với sự can thiệp của cảnh sát, những người biểu tình đã rời khỏi quảng trường vài giờ sau đó[25]. Phong trào này đánh dấu cuộc biểu tình ôn hòa lớn thứ hai của Mông Cổ kể từ năm 1991[26].
Trước sự phản đối kịch liệt của công chúng, nội các Mông Cổ đã thông qua một nghị quyết khẩn cấp nhằm giải mật 9 dự án do ETT thực hiện, công ty khai thác mỏ nhà nước là trung tâm của các cáo buộc ban đầu về tham nhũng trong ngành than. Trong số các thông tin được giải mật, các chủ đề cụ thể bao gồm dự án đường sắt Tavan Tolgoi-Gashuunsukhait và Tavan Tolgoi-Zuunbayan, các giao dịch tài chính cũng như một số thỏa thuận hợp đồng và sửa đổi được thực hiện vào năm 2019. Một số cựu giám đốc điều hành của ETT đã bị bắt[27]. Theo cơ quan chống tham nhũng của Mông Cổ, có 35 người đang bị điều tra, bao gồm cả cựu Tổng thống Khaltmaagiyn Battulga, vì “khai thác than, vận chuyển và mua các sản phẩm và dịch vụ bằng chi phí nhà nước”. Cơ quan chức năng đã mở 22 hồ sơ xác minh 47 mục tiêu; 15 người đang bị bắt và 10 người đã bị biệt giam. Một tổ công tác đặc biệt đã được thành lập để đẩy nhanh các thủ tục, kiểm tra tất cả các giao dịch được ký kết bởi các công ty nhà nước, ví dụ như ETT và đường sắt Tavan Tolgoi, tổng cộng có 633 hồ sơ từ ngày 1/12/2018 đến ngày 1/12/2022. Hầu hết các cáo buộc có liên quan đến hối lộ và ưu đãi mà một số người làm giàu thông qua việc xây dựng các tuyến đường sắt vận chuyển than. Nội các Mông Cổ đã quyết định đặt đường sắt Tavan Tolgoi dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ và đưa ra một “chế độ đặc biệt” cho công ty trong sáu tháng[28].
Có thể thấy, ngay cả khi một số cuộc biểu tình này đang được sử dụng cho các mục đích chính trị, chúng cũng thể hiện sự thất vọng của người dân Mông Cổ đối với chính phủ của họ và việc chính phủ này không thể thực hiện được những lời hứa và kỳ vọng đã đặt ra, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát leo thang khiến cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn. Mông Cổ đã trải qua thời gian dài “trượt dốc” trong các bê bối tham nhũng, vì thế Chính phủ Mông Cổ cần phải quyết tâm chống tham nhũng trong thời gian tới. Kiểm soát lạm phát và phòng, chống tham nhũng sẽ phải là những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Mông Cổ và cần có sự đi đầu, cố gắng của các quan chức nhà nước.
5. Kết luận
Năm 2022 là năm mà MPP nắm quyền kiểm soát cả chính phủ và Quốc hội. Điều này có thể giúp giảm bớt tình hình xung đột chính trị trong chính phủ, và có lợi cho chính phủ mới trong việc hoạch định chính sách. Thủ tướng mới của Mông Cổ tiếp tục tăng cường quyền lực của mình với việc mở rộng nội các mới, giúp ông thúc đẩy các chương trình nghị sự của mình. Mặt khác, mặc dù còn hạn chế về số lượng nhưng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào chính trị ở Mông Cổ ngày càng gia tăng cho thấy việc Mông Cổ ngày càng quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nước trên thế giới, Mông Cổ cũng đang gặp nhiều khó khăn khi lạm phát tăng cao do đại dịch Covid-19 và chiến tranh Nga – Ukraine. Vì thế, Mông Cổ phải thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm và cắt giảm ngân sách để kiểm soát lạm phát. Nếu đại dịch Covid-19 vẫn không giảm bớt và chiến tranh Nga – Ukraine chưa chấm dứt thì lạm phát, khủng hoảng lương thực, năng lượng sẽ tiếp tục gia tăng và tình hình “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm ngân sách của Mông Cổ có thể sẽ kéo dài trong năm tới. Ngoài lạm phát, tệ nạn tham nhũng vẫn là một vấn đề dai dẳng của Mông Cổ đến nay. Trong năm 2022, lạm phát leo thang và tham nhũng khiến người dân Mông Cổ càng bất mãn với chính phủ và đã tổ chức hai cuộc biểu tình lớn. Vì thế, kiểm soát lạm phát và phòng, chống tham nhũng sẽ là một trong những ưu tiên của Chính phủ Mông Cổ trong năm 2023. Ngày 8/2/2023, Chính phủ Mông Cổ đã tuyên bố năm 2023 là “năm chống tham nhũng” và hướng tới mục tiêu GDP bình quân đầu người của Mông Cổ có thể lần đầu tiên vượt mức 5.000 USD[29]. Chính phủ Mông Cổ sẽ phải đi đầu trong các hoạt động chống tham nhũng. Đây là mục tiêu mà Chính phủ Mông Cổ cần phải thực hiện được trong năm 2023 để giảm bớt sự bức xúc của người dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. A. Odonbaatar (2022), War in Ukraine and its impacts on Mongolia’s economy, Friedrich-Ebert-Stiftung Mongolia
2. Alessandra Tamponi, “The start of a generational turn in Mongolian Politics: What can we expect from L. Oyun-Erdene’s New Cabinet?”, European Institute for Asian Studies (EIAS), 8/2/2021, https://eias.org/op-ed/the-start-of-a-generational-turn-in-the-mongolian-politics-what-can-we-expect-from-l-oyun-erdenes-new-cabinet/.
3. Amar Adiya, “Mongolia Unveils New Pro-Business Cabinet”, The Diplomat, 7/9/2022, https://thediplomat.com/2022/09/mongolia-unveils-new-pro-business-cabinet/.
4. Bolor Lkhaajav, “Youth Protest Stretches Into Day 2 in Mongolia”, The Diplomat, 8/4/2022, https://thediplomat.com/2022/04/ youth-protest-stretches-into-day-2-in-mongolia/.
5. Bolor Lkhaajav & Bolorerdene Bazarsuren, “Anti-Corruption Protests Pressure the Government of Mongolia”, The Diplomat, 12/12/2022, https://thediplomat.com/2022/12/anti-corruption -protests-pressure-the-government-of-mongolia/.
6. Bulgan Batdorj, “Women MPs”, Mongolia Focus,https://blogs.ubc.ca/mongolia/2020/ women-mps/.
7. “Global and regional averages of women in national parliaments”, Inter-Parliamentary Union, https://data.ipu.org/women-averages.
8. “Hàng nghìn người Mông Cổ biểu tình để phản đối lạm phát và nạn hối lộ”, Thanh tra, 7/12/2022, https://thanhtra.com.vn/quoc-te/hang-nghin-nguoi-mong-co-bieu-tinh-de-phan-doi-lam-phat-va-nan-hoi-lo-205229.html.
9. Mông Cổ tuyên bố 2023 là “năm chống tham nhũng”, Ban Nội chính trung ương, 15/02/2023, https://noichinh.vn/tin-quoc-te/ 202302/mong-co-tuyen-bo-2023-la-nam-chong-tham-nhung-312162/.
10. “Mongolians brave bitter cold to protest ‘coal theft’ corruption”, Reuters, 8/12/2022, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/ mongolians-brave-bitter-cold-protest-coal-theft-corruption-2022-12-08/.
11. “Mongolia: Election for Presidency of Mongolia”, ElectionGuide, 9/6/2021, https:// www.electionguide.org/elections/id/3693/.
12. “Mongolia: Election for Ulsyn Ikh Khural (Mongolian State Great Hural)”, ElectionGuide, 24/6/2020, https://www.electionguide.org/ elections/id/3286/.
13. “Monthly ranking of women in national parliaments”, Inter-Parliamentary Union, https://data.ipu.org/women-ranking?month=11& year=2022.
14. “Protesters in Mongolia try to storm state palace”, Aljazeera, 6/12/2022, https://www. aljazeera.com/news/2022/12/6/protesters-in-mongolia-try-to-storm-state-palace.
15. Transparency International, https:// www.transparency.org/en/countries/mongolia.
16. Vladimir Rozanskij, “Ulan Bator: Anti-corruption protests continue”, AsiaNews, 19/12/2022, https://www.asianews.it/news-en/Ulan-Bator:-Anti-corruption-protests-continue-57348.html.
[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] “Mongolia: Election for Ulsyn Ikh Khural (Mongolian State Great Hural)”, ElectionGuide, 24/6/2020, https://www.electionguide.org/elections/id/3286/.
[3] “Mongolia: Election for Presidency of Mongolia”, ElectionGuide, 9/6/2021, https://www.Election guide.org/ elections/id/3693/.
[4] Transparency International, https://www.transpa rency.org/en/countries/mongolia.
[5] Mông Cổ tuyên bố 2023 là “năm chống tham nhũng”, https://noichinh.vn/tin-quoc-te/202302/mong-co-tuyen-bo-2023-la-nam-chong-tham-nhung-312162/.
[6] A. Odonbaatar (2022), War in Ukraine and its impacts on Mongolia’s economy, Friedrich-Ebert-Stiftung Mongolia, pp. 10-11.
[7] Amar Adiya, “Mongolia Unveils New Pro-Business Cabinet”, The Diplomat, 7/9/2022, https://the diplomat.com/2022/09/mongolia-unveils-new-pro-busin ess-cabinet/.
[8] “Monthly ranking of women in national parliaments”, Inter-Parliamentary Union, https://data.ipu.org/women-ranking?month=11&year=2022.
[9] “Global and regional averages of women in national parliaments”, Inter-Parliamentary Union, https://data. ipu.org/women-averages.
[10] “Monthly ranking of women in national parliaments”, Inter-Parliamentary Union, https://data.ipu.org/women-ranking?month=11&year=2022.
[11] Bulgan Batdorj, “Women MPs”, Mongolia Focus, https://blogs.ubc.ca/mongolia/2020/women-mps/.
[12] “The start of a generational turn in Mongolian Politics: What can we expect from L. Oyun-Erdene’s New Cabinet?”, European Institute for Asian Studies (EIAS), 8/2/2021, https://eias.org/op-ed/the-start-of-a-generati onal-turn-in-the-mongolian-politics-what-can-we-expect-from-l-oyun-erdenes-new-cabinet/.
[13] Amar Adiya, “Mongolia Unveils New Pro-Business Cabinet”, The Diplomat, 7/9/2022, https://thedipl omat.com/2022/09/mongolia-unveils-new-pro-business-cabinet/.
[14] Б.АНХТУЯА, “Mongolia has a record number of women Ambassadors”, News.mn, 7/2/2022, https://news. mn/en/796928/.
[15] Б.АНХТУЯА, “Mongolia’s Government plans to cut budget for newly established Ministry”, News.mn, 26/4/2022, https://news.mn/en/797327/.
[16] Erdenejargal.E, “Implementation of Austerity Law reviewed”, Montsame, 31/8/2022, https://montsame. mn/en/read/302979.
[17] Б.АНХТУЯА, “Mongolia confiscates 587 cars being used beyond entitlement”, News.mn, 31/8/2022, https://news.mn/en/797814/.
[18] Erdenejargal.E, “Implementation of Austerity Law reviewed”, Montsame, 31/8/2022, https://montsame. mn/en/read/302979.
[19] Bolor Lkhaajav, “Youth Protest Stretches into Day 2 in Mongolia”, The Diplomat, 8/4/2022, https://thedipl omat.com/2022/04/youth-protest-stretches-into-day-2-in-mongolia/.
[20] “Mongolians brave bitter cold to protest ‘coal theft’ corruption”, Reuters, 8/12/2022, https://www. reuters.com/world/asia-pacific/mongolians-brave-bitter-cold-protest-coal-theft-corruption-2022-12-08/.
[21] “Protesters in Mongolia try to storm state palace”, Aljazeera, 6/12/2022, https://www.aljazeera. com/news/2022/12/6/protesters-in-mongolia-try-to-storm-state-palace.
[22] “Hàng nghìn người Mông Cổ biểu tình để phản đối lạm phát và nạn hối lộ”, Thanh tra, 7/12/2022, https://thanhtra.com.vn/quoc-te/hang-nghin-nguoi-mong-co-bieu-tinh-de-phan-doi-lam-phat-va-nan-hoi-lo-205229.html.
[23] “Biểu tình ở Mông Cổ: Trung Quốc sẽ hỗ trợ nếu được yêu cầu”, VOV.VN, 7/12/2022, https://vov.vn/the-gioi/bieu-tinh-o-mong-co-trung-quoc-se-ho-tro-neu-duoc-yeu-cau-post988927.vov.
[24] “Mongolians brave bitter cold to protest ‘coal theft’ corruption”, Reuters, 8/12/2022, https://www. reuters.com/world/asia-pacific/mongolians-brave-bitter-cold-protest-coal-theft-corruption-2022-12-08/.
[25] “Hàng nghìn người Mông Cổ biểu tình để phản đối lạm phát và nạn hối lộ”, Thanh tra, 7/12/2022, https://thanhtra.com.vn/quoc-te/hang-nghin-nguoi-mong-co-bieu-tinh-de-phan-doi-lam-phat-va-nan-hoi-lo-205229.html.
[26] Bolor Lkhaajav & Bolorerdene Bazarsuren, “Anti-Corruption Protests Pressure the Government of Mongolia”, The Diplomat, 12/12/2022, https://thediplo mat.com/2022/12/anti-corruption-protests-pressure-the-government-of-mongolia/.
[27] Bolor Lkhaajav & Bolorerdene Bazarsuren, “Anti-Corruption Protests Pressure the Government of Mongolia”, The Diplomat, 12/12/2022, https://thediplo mat.com/2022/12/anti-corruption-protests-pressure-the-government-of-mongolia/.
[28] Vladimir Rozanskij, “Ulan Bator: Anti-corruption protests continue”, AsiaNews, 19/12/2022, https://www.asianews.it/news-en/Ulan-Bator:-Anti-corruption-protests-continue-57348.html.
[29] Mông Cổ tuyên bố 2023 là “năm chống tham nhũng”, Ban Nội chính trung ương, 15/02/2023, https://noichinh.vn/tin-quoc-te/202302/mong-co-tuyen-bo-2023-la-nam-chong-tham-nhung-312162/.