Phan Cao Nhật Anh [1]
Tóm tắt: Giai đoạn đầu cầm quyền từ 2011-2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đẩy mạnh chương trình tên lửa và hạt nhân gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tình hình trở nên tạm lắng trong hai năm 2018-2019 tạo môi trường cho các cuộc đàm phán liên Triều cũng như đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tình hình nóng trở lại khi Triều Tiên thay đổi chiến lược răn đe qua các vụ thử tên lửa liên tục, ban hành pháp lệnh về chính sách sức mạnh hạt nhân, thậm chí cử máy bay không người lái xâm phạm không phận Hàn Quốc. Bài viết phân tích bối cảnh tác động, những điều chỉnh chiến lược của Triều Tiên và nhận định tình hình trong thời gian tới.
Từ khóa: Bán đảo Triều Tiên, an ninh, tên lửa, hạt nhân, quân sự
B |
án đảo Triều Tiên là khu vực giao thoa lợi ích giữa nhiều quốc gia nên luôn là điểm nóng về an ninh suốt mấy chục năm qua. Cục diện thế giới hiện đang có những chuyển biến chưa từng có tác động đến động thái của các nước trong khu vực. Sau một quãng thời gian tương đối ổn định, Mỹ và đồng minh nối lại các hoạt động gây sức ép, Triều Tiên thay đổi chiến lược răn đe, đáp trả bằng các hành động cứng rắn. Cục diện trên bán đảo Triều Tiên đang có diễn biến phức tạp và khó đoán định.
1. Môi trường quốc tế biến chuyển
1.1. Mỹ và Hàn Quốc nối lại hành động gây áp lực
Sau một thời gian hạn chế gây áp lực, từ cuối tháng 8 năm 2022, Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu gây áp lực trở lại qua các cuộc tập trận chung mang tên Lá chắn tự do Ulchi (UFS), nối lại hoạt động huấn luyện thực địa quy mô lớn bị gián đoạn cách đây 4 năm. Năm 2018, cuộc tập trận chung UFS giữa lực lượng Mỹ và Hàn Quốc đã được thu hẹp đáng kể nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Cuộc tập trận càng thu hút sự chú ý sau chuyến thăm vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Trong vòng 4 ngày từ 26/9, hải quân Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận trên vùng biển phía Đông, có huy động tàu sân bay hạt nhân Ronald Reagan của Washington. Tiếp đó, ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành tập trận chống hạm, giả định tình huống truy dấu và thăm dò tàu ngầm của quân địch, hay không quân Mỹ - Hàn diễn tập chung nhằm kiểm chứng năng lực tác chiến hàng không liên quân thời chiến. Tất cả các hành động tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực gây áp lực với Triều Tiên.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng có những động thái khi Bộ Ngoại giao nước này ra lệnh trừng phạt 15 cá nhân và 16 tổ chức của Triều Tiên đã tham gia đóng góp hỗ trợ nước này phát triển hạt nhân và né tránh lệnh cấm vận. Đây là lần đầu tiên Seoul công bố lệnh cấm vận riêng với cá nhân, tổ chức của miền Bắc 5 năm kể từ lần trừng phạt 12 cá nhân và 20 tổ chức tháng 12/2017 sau vụ Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 6. Năm 2021, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn, lãnh đạo hai nước đã tuyên bố chấm dứt Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân, có nội dung giới hạn về tầm bắn, trọng lượng đầu đạn tên lửa của Hàn Quốc. Hướng dẫn phát triển tên lửa của liên quân Hàn - Mỹ được lập ra vào năm 1979, có nội dung hạn chế tầm bắn và trọng lượng đầu đạn tên lửa của Hàn Quốc, bù lại Washington cung cấp khả năng răn đe cho Seoul, nhằm ngăn chặn chạy đua quân bị trong khu vực Đông Bắc Á. Trải qua nhiều lần sửa đổi, cho tới năm 2020, giới hạn về tầm bắn tên lửa đạn đạo đã được nâng lên thành 800 km. Như vậy, với nội dung nhất trí tại hội đàm thượng đỉnh Hàn - Mỹ vào tháng 5/2021, cả giới hạn này cũng được xóa bỏ hoàn toàn[2]. Theo đó, Hàn Quốc sẽ có thể phát triển tên lửa mà không bị ràng buộc bởi bất cứ hạn chế nào. Dường như Mỹ đang bật đèn xanh cho đồng minh Hàn Quốc phát triển hết giới hạn năng lực tên lửa.
1.2. Cuộc khủng hoảng Ukraine
Sau cuộc nổi dậy dân sự do phong trào Euromaidan gây ra nhằm lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych, Ukraine định hướng lại chiến lược liên kết và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với phương Tây. Quan hệ đối đầu giữa Nga và Ukraine bắt đầu từ năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Đầu năm 2022, Nga tuyên bố công nhận nền độc lập của Luhansk và Donesk, trung tâm của lực lượng ly khai Russophile (yêu nước Nga). Sau đó, Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine gây chấn động toàn cầu và làm đảo lộn mọi giả thuyết về khả năng xảy ra chiến tranh giữa các nước lớn.
Cuộc khủng hoảng Ukraine dường như đang đẩy thế giới vào Chiến tranh Lạnh lần thứ hai. Các nước Đông Âu, hiện đang đối mặt với khả năng xảy ra một mối đe dọa mới từ Nga, có khả năng yêu cầu tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ và tăng cường đảm bảo tài chính. Khủng hoảng Ukraine khiến nhiều nước gia tăng nhận thức về sự cần thiết phải tăng năng lực quốc phòng, đặc biệt là đối với Triều Tiên. Năm 1994, theo Bản ghi nhớ Budapest, Ukraine đồng ý chuyển giao vũ khí hạt nhân được triển khai từ thời Liên Xô cũ sang Nga theo hình thức trao đổi và cam kết đảm bảo an ninh bởi ba nước Nga, Mỹ, Anh. Khủng hoảng Ukraine hiện nay có thể được xem là bài học giống như sự sụp đổ thể chế của Lybia và Iraq sau khi từ bỏ phát triển hạt nhân. Trong trường hợp Ukraine, NATO không can thiệp quân sự cũng vì Nga là cường quốc hạt nhân[3]. Trước cuộc khủng hoảng Ukraine, các quan chức cấp cao của đảng Triều Tiên ngày càng tin rằng nước này cần cải tiến vũ khí hạt nhân của mình để phòng thủ trước một cuộc xâm lược của nước ngoài, chứ không phải đánh đổi để lấy viện trợ kinh tế.
2. Triều Tiên điều chỉnh chiến lược răn đe
2.1. Tiếp tục thử thách Mỹ và đồng minh
Sau một khoảng thời gian kiềm chế, Triều Tiên quay trở lại thử thách Mỹ và đồng minh bằng hành vi phóng tên lửa, thậm chí cử máy bay không người lái xâm phạm không phận Hàn Quốc. Năm 2022 được xem là quãng thời gian nhiều sự kiện đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này khi đã thử nghiệm khoảng 70 vụ phóng tên lửa các loại với tầm bắn khác nhau, trong đó có tên lửa xuyên lục địa (ICBM) diễn ra vào tháng 3 năm 2022, hay tên lửa tầm trung bắn bay qua vùng trời Nhật Bản... Việc Triều Tiên quyết định nối lại các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phá vỡ tuyên bố dừng thử nghiệm hoạt động này kéo dài gần 4 năm qua, không chỉ là sự khởi đầu của một lịch trình thử nghiệm tích cực hơn, mà còn trực tiếp làm thay đổi bầu không khí khá tốt lành đã tồn tại kể từ năm 2018.
Tháng 11 năm 2022, Triều Tiên tiếp tục phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) được cho là Hwasong-17, đạt độ cao tối đa 6.100 km, khoảng cách bay 1.000 km. Theo tính toán, nếu phóng ở một góc bình thường, tên lửa sẽ có tầm bắn 15.000 km, vươn tới tất cả các khu vực của lục địa Mỹ[4].
Vụ thử tên lửa ICBM của Triều Tiên vẫn được coi là có thể làm thay đổi cuộc chơi bởi nếu Triều Tiên có thể tấn công các thành phố lớn của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét lại chính sách của mình đối với bán đảo Triều Tiên. Đây là lý do khiến Triều Tiên nỗ lực phát triển tên lửa có khả năng tấn công lục địa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, nó sẽ làm dấy lên nghi ngờ về chiếc ô hạt nhân của Mỹ cho các đồng minh. Triều Tiên cho rằng sẽ không có tổng thống Mỹ nào cung cấp ô hạt nhân cho Hàn Quốc. Vào cuối tháng 12 năm 2022, một máy bay không người lái (UAV) của Triều Tiên xâm phạm bầu trời Seoul khiến Hàn Quốc phóng các máy bay không người lái của mình tới biên giới để nhắc nhở Triều Tiên về việc vi phạm hiệp định đình chiến và cảnh báo nước này ngừng các hành động khiêu khích.
Chính sách đối ngoại của Triều Tiên giờ đây dường như bị chi phối bởi trường phái tư tưởng rằng can dự với Mỹ là vô ích và lợi ích quốc gia của đất nước được đảm bảo tốt nhất thông qua liên kết với Trung Quốc và Nga[5]. Các vụ phóng tên lửa gần đây không phải là tự phát, dường như Triều Tiên đang tuân theo một kế hoạch để đạt được nhiều mục tiêu. Mục đích của Chính phủ Triều Tiên là khẳng định chương trình tên lửa của Triều Tiên đang trở nên đáng sợ hơn về độ chính xác và sức mạnh chiến đấu, có khả năng răn đe các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Triều Tiên đang tận dụng những căng thẳng địa chính trị, tiến hành leo thang chương trình thử tên lửa của mình mà không bị trừng phạt tương đối trong môi trường địa chính trị được đặc trưng bởi những rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga. Việc tăng cường liên kết với cả Moscow và Bắc Kinh bằng cách cam kết hợp tác chặt chẽ hơn về “chiến lược và chiến thuật” cung cấp cho Bình Nhưỡng vỏ bọc để tiến hành các cuộc thử nghiệm táo bạo hơn. Mùa hè năm 2022, Trung Quốc và Nga đã phản đối một nghị quyết của Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên vì các vụ thử tên lửa của nước này ở Nhật Bản, cản trở những nỗ lực của Mỹ nhằm lần đầu tiên mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Triều Tiên có thể tiếp tục các hình thức thử tên lửa khác nhau và thậm chí có thể là một vụ thử hạt nhân khác mà không bị trừng phạt.
Hình 1: Số lần Triều Tiên thử nghiệm tên lửa (2012-2022)
Nguồn: North Korea Has Escalated Its Military Provocations. Here’s Why, https://www.cfr.org/in-brief/north-korea-has-escalated-its-military-provocations-heres-why
2.2. Khẳng định lập trường về năng lực hạt nhân
Tại kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tối cao khóa XIV diễn ra trong ngày 7-8/9/2022, Triều Tiên đã thông qua pháp lệnh về chính sách sức mạnh hạt nhân, trong đó đẩy mạnh lập trường là “quốc gia sở hữu hạt nhân”, khẳng định đường lối tuyệt đối không từ bỏ hạt nhân, thực trạng hạt nhân của Triều Tiên là không thể đảo ngược, đồng thời cấm mọi cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa. Pháp lệnh về chính sách sức mạnh hạt nhân mà Triều Tiên thông qua bao gồm 11 điều, quy định về các nội dung như sứ mệnh sức mạnh hạt nhân, quyền chỉ huy, kiểm soát, nguyên tắc, điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, quản lý, bảo trì và bảo vệ vũ khí hạt nhân[6]. Người ta ước tính rằng Triều Tiên có khoảng 50 vũ khí hạt nhân hoặc vật liệu phân hạch tương ứng tính đến năm 2022, con số này khác nhau tùy theo đánh giá giữa các cơ quan hoặc viện nghiên cứu. Xét đến việc đẩy mạnh triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở tiền tuyến, có thể nói Triều Tiên đang cần phải vận hành một cơ quan chỉ huy và kiểm soát có thể quản lý vũ khí hạt nhân một cách hiệu quả.
Luật mới ban hành đồng nghĩa với việc hủy bỏ hiệu lực của “Pháp lệnh về củng cố hơn nữa địa vị quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân mang tính tự vệ" ngày 01/4/2013 của Hội nghị nhân dân tối cao nước CHDCND Triều Tiên. Ngày 1/4/2013, Triều Tiên đã ban hành “Luật củng cố vị thế quốc gia có vũ khí hạt nhân”, nhưng mọi điều khoản vẫn ở mức chung chung, thiếu các nội dung liên quan đến hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân, điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân chi tiết. Tuy nhiên, hầu hết các điều khoản của Đạo luật ngày 8 tháng 9 về Chính sách lực lượng hạt nhân đều rất cụ thể, phản ánh khả năng hạt nhân và tên lửa tiên tiến của Triều Tiên cũng như sự phát triển của các hệ thống chỉ huy và kiểm soát trong 9 năm qua. Nói cách khác, luật được thông qua năm 2013 tập trung vào việc củng cố vị thế trong nước và quốc tế của Triều Tiên với tư cách là một cường quốc hạt nhân và luật được thông qua vào năm 2022 tập trung vào việc đưa ra các hướng dẫn rõ ràng về chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạt nhân trong trường hợp khẩn cấp, trong bối cảnh quan điểm thay đổi của Triều Tiên sau tuyên bố “hoàn thiện lực lượng hạt nhân nhà nước” năm 2017[7]. Luật mới của Triều Tiên được ban hành là minh chứng cho việc nước này nghiêm túc về học thuyết quân sự tập trung vào răn đe chiến lược. Đồng thời, đây cũng như lời cảnh báo với Mỹ và Hàn Quốc về những hành động mà Bình Nhưỡng sẽ thực hiện nếu họ bị đe dọa.
Triều Tiên công khai phát triển vũ khí hạt nhân khi trong những ngày đầu tiên của năm 2023, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin rằng, báo cáo tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương Đảng Lao động, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un chỉ ra rằng chính quyền Hàn Quốc rõ ràng đang coi Triều Tiên là kẻ địch, làm nổi bật tầm quan trọng và cần thiết của việc sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật, đòi hỏi quốc gia này phải tăng số lượng sở hữu đầu đạn hạt nhân theo cấp số nhân. Triều Tiên đã tuyên bố chiến lược đổi mới về sức mạnh hạt nhân và phát triển quốc phòng năm 2023, coi đây là phương hướng trọng tâm cơ bản[8].
Triều Tiên đặt mục tiêu tăng cường khả năng tấn công hạt nhân trong khi từ chối các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ. Việc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân đang diễn ra làm tăng khả năng hiện thực hóa cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ. Mặt khác, cuộc thử nghiệm như vậy cũng làm dấy lên những nghi ngờ của Hàn Quốc về việc Mỹ sẵn sàng bảo vệ nước này trước năng lực quân sự của Triều Tiên.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu Triều Tiên mất kiểm soát vòng xoáy leo thang mà họ đã khởi xướng, họ có thể quay trở lại các cuộc đàm phán ngoại giao có thể là một cách để giảm bớt căng thẳng. Song có thể thấy mục đích chính của Triều Tiên khi quay trở lại đàm phán sẽ chỉ là đưa căng thẳng trở lại trong tầm kiểm soát, chứ không phải tham gia vào các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, vốn vẫn là mục tiêu chính sách chung của Mỹ và Hàn Quốc đối với Triều Tiên.
3. Một số nhận định
3.1. Không thay đổi cục diện quân sự tổng thể
Thực tế, cho dù Triều Tiên có những cải tiến gần đây về năng lực tên lửa song vẫn không đủ để thay đổi tình hình chiến lược và quân sự cơ bản liên quan đến bán đảo Triều Tiên. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế Triều Tiên từ lâu đã có một lượng khá lớn tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) và tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM), cũng như khả năng pháo binh áp đảo chống lại Hàn Quốc và các mục tiêu khác trong phạm vi của vùng phi quân sự (DMZ), nên các SRBM sử dụng nhiên liệu rắn mới của nước này sẽ chỉ tăng thêm mối đe dọa tại vùng kiểm soát của họ. Những vũ khí mới như SRBM quỹ đạo thấp và thậm chí là “tên lửa siêu thanh” sẽ là các lựa chọn bổ sung hơn là làm thay đổi cục diện. Dù mối đe dọa ICBM của Triều Tiên đối với lãnh thổ Mỹ là điểm đáng chú ý, nhưng Mỹ và đồng minh vẫn giữ được ưu thế quân sự thông thường rõ ràng trên bán đảo, họ vẫn duy trì ưu thế hạt nhân áp đảo so với Triều Tiên và cả hai điều này gần như chắc chắn sẽ không thay đổi[9].
Do đó, bất chấp mối đe dọa tên lửa đối với lãnh thổ Mỹ và sự cải thiện khả năng SRBM thông thường của Triều Tiên, liên minh Mỹ - Hàn Quốc vẫn có thể răn đe Triều Tiên. Hiện tại Mỹ có hơn 28.000 lính đang đóng quân tại Hàn Quốc và khoảng 50.000 đóng quân tại Nhật Bản. Điều này thể hiện cam kết của Washington về việc phòng thủ và hợp tác an ninh đối với đồng minh. Mỹ vẫn đang duy trì trạng thái sẵn sàng đối phó toàn diện với các động thái khiêu khích liên tục của Triều Tiên gần đây. Mỹ và các đồng minh đang duy trì nguồn lực cảnh báo hết sức mạnh mẽ trong khu vực này. Mỹ không đánh chặn tên lửa của Triều Tiên và cho rằng sự phòng thủ của Mỹ cho Hàn Quốc không gây ra lo ngại hay gia tăng bất ổn, mà chính Triều Tiên mới là bên đang đẩy cao căng thẳng.
3.2. Áp lực ngoại giao quân sự với Hàn Quốc
Cho đến nay Triều Tiên đang gây sức ép với Mỹ bằng cách tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa, nhưng chưa thực sự tấn công Mỹ gây thương vong. Ngược lại, Triều Tiên từng tấn công Hàn Quốc với cường độ thấp nhưng có thương vong. Cụ thể, vụ chìm tàu Cheonan năm 2010, vụ bắn phá đảo Yeonpyeong, vụ nổ mìn trên đất liền năm 2015 trong khu vực không có vũ khí và vụ bắn phá Hasukawa gây thương vong cho phía Hàn Quốc.
Năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên được cải thiện đã gia tăng áp lực ngoại giao và quân sự mạnh mẽ hơn đối với Hàn Quốc, bởi khả năng tấn công trả đũa nhằm vào Hàn Quốc trở nên khả thi hơn. Triều Tiên thường tuyên bố rằng "mối đe dọa lớn nhất đối với đất nước của họ là Mỹ", nhưng trên thực tế, chỉ có Hàn Quốc là quốc gia có thể tiếp thu Triều Tiên và thống nhất Bán đảo Triều Tiên. Vì lý do này, Triều Tiên dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện các hành động quân sự khác nhau để giữ cho Hàn Quốc trong tầm kiểm soát và trong thế phòng thủ.
3.3. Tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục nóng lên
Trong bối cảnh Triều Tiên thúc đẩy chương trình tên lửa hạt nhân, Mỹ và Hàn Quốc có kế hoạch tổ chức 20 cuộc tập trận phối hợp trong nửa đầu năm 2023 như hoạt động thực địa Đại bang non (Foal Eagle), Giải pháp then chốt (Key Resolve)… Thủy quân lục chiến Hàn - Mỹ cũng có thể sẽ tiến hành tổ chức cuộc tập trận song long (Ssangyong) mà Triều Tiên vốn coi là hành động khiêu khích mạnh mẽ[10].
Hàn Quốc đang đẩy mạnh phát triển sức mạnh quân sự như thử nghiệm thành công tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, một phần trong chương trình nâng cao năng lực do thám không gian giai đoạn 2021-2025. Đầu năm 2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khi nghe báo cáo kế hoạch xúc tiến công tác trọng tâm trong năm 2023 của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh đến việc hoàn thiện "hệ thống ba trụ cột", tức hệ thống đối phó với hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Trong đó, quan trọng nhất chính là Hệ thống trừng phạt và đáp trả trên diện rộng (KMPR) và việc kiềm chế tâm lý khiêu khích của Triều Tiên. Ông Yoon cũng cho rằng với khả năng khoa học và công nghệ, Seoul có thể bố trí hạt nhân chiến thuật hoặc sở hữu hạt nhân riêng trong trường hợp vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng trở nên nghiêm trọng hơn[11].
Về lý thuyết, bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong trạng thái chiến tranh khi hai bên chỉ có hiệp định đình chiến. Điều này rất quan trọng đối với Triều Tiên, buộc họ phải tăng cường sức mạnh quân sự để đảm bảo duy trì thể chế. Để có thể ký được một hiệp ước hòa bình đảm bảo chiến tranh kết thúc, Triều Tiên phải gây sức ép để Mỹ ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận ký kết. Cho đến nay, con bài duy nhất của Triều Tiên vẫn chỉ là chương trình tên lửa và hạt nhân. Có thể hiểu Triều Triên có mục tiêu kép là đảm bảo thể chế nhà họ Kim và gây sức ép để Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. Nhìn lại các hành động của Triều Tiên trong 10 năm qua, có thể thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ không tiến hành song song việc phát triển tên lửa và hạt nhân cũng như đàm phán với Mỹ, mà trước tiên đẩy mạnh việc phát triển hạt nhân và tên lửa lên một mức độ đáng kể và sau đó tiến hành các cuộc đàm phán với Mỹ. Có lẽ trong thời điểm này, Triều Tiên đang đẩy mạnh việc phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân làm con bài đàm phán trong tương lai.
Tóm lại, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang nóng trở lại với những động thái mới của mỗi bên. Mô típ vẫn là Mỹ và đồng minh gia tăng sức ép, Triều Tiên đáp trả không nhượng bộ, nhưng thể hiện dưới những sắc thái mới. Về tổng thể, cục diện không có nhiều thay đổi, Mỹ và đồng minh vẫn có sự áp đảo, song sự thay đổi chiến lược răn đe của Triều Tiên đang gây áp lực về an ninh đối với Hàn Quốc. Bằng cách thể hiện năng lực răn đe, Triều Tiên đang tạo ra đòn bẩy đàm phán với Mỹ và đồng minh bởi gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đảm bảo thể chế vẫn là mối quan tâm về kinh tế, chính trị của nước này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
10. 朝鮮日報(2022),北ミサイルは米全土 射程の「ゲームチェンジャー」、韓国は安保構図激変への備えを (Tên lửa Triều Tiên có tầm bắn tới Mỹ làm “thay đổi cuộc chơi”, Hàn Quốc phải chuẩn bị thay đổi mạnh cấu trúc an ninh), https://www.chosunonline.com/site/data/ html_dir/2022/11/19/2022111980021.html.
[1] TS., Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] Vũ Anh (2021), “Triều Tiên chỉ trích Mỹ gỡ hạn chế tên lửa với Hàn Quốc”, https://vnexpress.net/trieu-tien-chi-trich-my-go-han-che-ten-lua-voi-han-quoc-4286448.html.
[3] Thông tấn xã Việt Nam (2022), “Môi trường quốc tế thay đổi lớn tác động đến vấn đề Triều Tiên”, Tin tham khảo thế giới ngày 29/03/2022, tr. 9-10.
[4] 朝鮮日報(2022),北ミサイルは米全土射程の 「ゲームチェンジャー」、韓国は安保構図激変への備えを (Tên lửa Triều Tiên có tầm bắn tới Mỹ làm “thay đổi cuộc chơi”, Hàn Quốc phải chuẩn bị thay đổi mạnh cấu trúc an ninh), https://www.chosunonline.com/site/data/ html_dir/2022/11/19/2022111980021.html.
[5] Rachel Minyoung Lee (2022), “The Real Significance of North Korea’s Recent Military Activities”, https://www.38north.org/2022/11/the-real-significance-of-north-koreas-recent-military-activities/.
[6] KNCAWATCH (2022), “Law on DPRK's Policy on Nuclear Forces Promulgated”, https://kcnawatch.org/ newstream/1662687258-950776986/law-on-dprks-policy-on-nuclear-forces-promulgated/.
[7] Cheong Seong-chang (2022), “Evaluation of Changes in North Korea's Nuclear Command and Control System and Conditions for Using Nuclear Weapons: Focusing on the Sep. 8 Act on Nuclear Forces Policy”, https://sejong. org/web/boad/22/egoread.php?bd=22&itm=&txt=&pg=1&seq=6747.
[8] KBS (2022), “Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố gia tăng sở hữu đầu đạn hạt nhân theo cấp số nhân”, http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=57143.
[9] Vann H. Van Diepen (2022), “North Korea’s 2022 Missile Activity: Implications for Alliance Security”, https://www.38north.org/2022/10/north-koreas-2022-missile-activity-implications-for-alliance-security/.
[10] Thông tấn xã Việt Nam (2023), “Hai miền Triều Tiên trở lại những ngày dậy sóng”, Tin tham khảo thế giới ngày 05/01/2023, tr. 25-26.
[11] KBS (2023), "Seoul có thể tự sở hữu hạt nhân nếu vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng nghiêm trọng hơn", http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=57282.