Trang chủ

Ý nghĩa của việc nghiên cứu về Ando Shoeki (An Đằng Xương Ích) (Phần 2)

Đăng ngày: 23-09-2024, 02:19 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 1

Hashimoto Kazutaka

 

3.2. Khái quát các nghiên cứu về Ando Shoeki được viết bằng tiếng Việt

3.2.1. Sự khởi đầu

Nhật Bản tư tưởng s của Ishida Kazuyoshi (1972) là cuốn sách giới thiệu tổng quan về lịch sử tư tưởng Nhật Bản ở Việt Nam. Mục 18 “Sự truyền bá của Nho giáo đến dân chúng” của phần 3 “Tư tưởng thời cận thế” bản gốc cuốn sách này có đề cập đến Ninomiya Sontoku (Sagami) và Ando Shoeki (Hachinohe) qua câu: “là một học giả không phải Nho gia nhưng được sinh ra dưới thời mà ảnh hưởng của Nho giáo đã thấm nhuần ở địa phương”. Tuy nhiên, qua trao đổi với cô Nguyễn Thu Hương, tôi được biết trong bản dịch tiếng Việt đều không có cả Ninomiya Sontoku và Ando Shoeki[1].

Kế đến, Nguyễn Nam Trân dù có nhắc đến Ninomiya Sontoku trong Quyển Thượng “Từ Thượng cổ đến Cận đại” cuốn Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản nhưng không đề cập đến Ando Shoeki[2]. Cho nên có thể nói, cơ hội để các nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng Nhật Bản thời cận thế ở Việt Nam tìm hiểu về Ando Shoeki là vô cùng hạn chế.

3.2.2. Ando Shoeki trong Từ điển Triết học

Tôi bắt đầu khảo cứu từ những nội dung phù hợp để có cái nhìn tổng quát trước tiên chứ không tiến hành theo thứ tự năm xuất bản. Đó là mục “Ando Shoeki/An Đằng Xương Ích” trong Từ điển triết học giản yếu II trên Quyết Nguyễn Blog được đăng vào năm 2012[3]. Tuy nhiên, phần này có nội dung trùng với Từ điển triết học giản yếu của Đặng Phùng Quân đang sống ở Hoa Kỳ đã được công bố vào năm 2009. Nội dung cụ thể như sau:

“Ando Shoeki là nhà tư tưởng độc đáo trong lịch sử tư tưởng Nhật. Sinh thời ông theo ngành y, đã đến Nagasaki, hải cảng đầu tiên của nước Nhật để học hỏi về những phong tục xứ ngoại. Tương truyền, ông dạy học trò theo phong thái riêng, không dẫn kinh điển Trung hoa ngoại trừ để phê bình, khuyến khích môn đệ làm lao động chân tay theo người nhà nông để tiếp cận với thiên nhiên. Chính vì lối sống riêng đó nên ông ít được biết đến. Mãi đến những năm cuối thế kỷ XIX, tập bản thảo mang tên Shizen Shin Ei Do (Đường lối hoạt động của tự nhiên) may mắn lọt vào tay Kano Kokichi (1865-1942), Hiệu trưởng trường trung học quốc gia ở Tokyo và là người sưu tầm sách cổ, quý, lại thiên về khoa học tự nhiên. Kano nhận ra bản thảo của Shoeki là một thiên khảo luận bách khoa, ông đem giới thiệu sách với bạn bè, đồng nghiệp. Kano đã viết bài “Dai shisoka ari” (Một nhà tư tưởng lớn) vào năm 1908 trên tập san Naigai Kyoiku Hyoron giới thiệu tư tưởng Shoeki với công chúng. Kano còn tìm được một bản thảo khác của Shoeki To do shin den (Truyền giao toàn diện chính đạo) vào năm 1925. Kano xuất bản sách viết về Ando Shoeki của ông vào năm 1928. Một học giả người Canada sinh ở Nhật E. H. Norman (1909-1957) quan tâm đến tư tưởng chống đối qua nhiều thế kỷ phong kiến đã nghiên cứu Shoeki và viết Ando Shoeki and the Anatomy of Japanese Feudalism (Ando Shoeki và giải phẫu chủ nghĩa phong kiến Nhật). Năm 1949, sách được dịch sang tiếng Nhật với nhan đề  Wasurerareta Shisoka (Nhà tư tưởng bị lãng quên) đã gây chấn động giới trí thức Nhật thời hậu chiến. Tư tưởng Shoeki có hai mặt chính mang dấu ấn nhà tư tưởng tiên phong và độc đáo không chỉ ở thời đại ông mà cả một thế kỷ về sau. Một là, tư tưởng triết học xã hội của ông phê phán nghiêm chính giới cầm quyền; hai là, tư tưởng triết học tự nhiên của ông thiên về khoa học sinh thái, có thể nói là một trong những triết gia đầu tiên chú trọng đến một ngành chỉ mới phát triển vào thế kỷ vừa qua. Shoeki sớm nhận thức quá trình hủy diệt sinh thái ở thời đại ông và ông lên án hành động này. Tự nhiên theo ông là khí lực trường cửu, năng lực vật chất cần thiết; thiên nhiên không phải để chinh phục, nhưng để hiểu biết; con người thuận theo tự nhiên sẽ tìm ra lý tưởng. Tư tưởng tự nhiên của Shoeki có thể so với lý tự nhiên (vật lý nhân luân) của Lý Chí (1527-1602) cuối thời Minh bên Trung Hoa, hay đồng tình với một nhà tư tưởng phương Tây cùng thế kỷ Jean-Jacques Rousseau (1712-1778). Đối với Shoeki, mọi âm thanh của thế giới tự nhiên là những ký hiệu, không có gì trong thiên địa/Tenchi giữa loài người, chim , thú, vật, cá, cây cỏ lại không sinh ra âm. Không có âm nào mà con người ta không thể hiểu (Shizen shin ei do). Con người theo tự nhiên không chỉ giới hạn ở diễn ngôn của người, mà có thể hiểu mọi thông điệp của mọi vật trong tự nhiên, thông hiểu và thông giao với mọi hiện sinh. Theo Shoeki, tự nhiên, ngôn ngữ và nhân thân không tách rời nhau. Phá hoại thiên nhiên, gây xáo trộn quan hệ giữa người và tự nhiên là kết quả của những sai lầm cơ bản trong tri giác của con người về tự nhiên và ứng xử phi nhân dựa trên những lầm lẫn tri giác này. Ông cho là toàn thể nhân loại bệnh hoạn cả về tâm hồn lẫn thể xác. Không có con người chân chính, tất cả đều bệnh hoạn (To do shin den, kyu sei shitsu kan). Ở thế kỷ XXI này, những báo động về sinh thái, về trái đất nóng dần, những hủy hoại tự nhiên đang diễn ra, phải chăng những nhà tư tưởng như Shoeki đã từng tiên liệu từ nhiều thế kỷ trước?”[4].

Trên đây là khái quát về Ando Shoeki trong Từ điển Triết học giản yếu. Việc Đặng Phùng Quân và Quyết Nguyễn đã giới thiệu Ando Shoeki như một nhà sinh thái học tiên phong là một ý kiến tuyệt vời. Tuy vậy, không ít nội dung của mục này dựa theo bản dịch tiếng Anh cuốn Ando Shoeki của Yasunaga Toshinobu[5] và cuốn sách của Norman, nhất là phần âm của thế giới tự nhiên. Tôi không nghĩ rằng họ đã đọc Todo shin den chưa được dịch sang tiếng Anh, hoặc giả đó là cuốn Todo shin den thông qua văn phong của Norman. Về chi tiết liên quan đến Nagasaki, tôi cũng đã chỉ ra ở trên. Nhân đây, cũng có một quan điểm của Nishimura Shunichi phân định rõ đúng sai xoay quanh câu chuyện sau khi trở về làng Niida, Shoeki đã cố gắng chống lại một bệnh lạ bùng phát làm suy giảm độ phì nhiêu của ruộng đồng do ảnh hưởng của chất độc hầm mỏ từ núi Okuzo Kinzan gây ra.

3.2.3. Phật giáo Việt Nam và Ando Shoeki

- Ando Shoeki - Ân Phật - Phật học tinh tuyển

Ando Shoeki cũng được đề cập trong các trang thông tin liên quan đến Phật giáo Việt Nam; một là, nội dung về “An Đằng Xương Ích” trên trang Ân Phật – Phật học tinh tuyển; hai là, bài viết “Tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo” của Lại Hiền Tông do Thích Nhuận Đạt dịch.

Trong nội dung đầu tiên, không có phát hiện mới nào được đưa ra ngoài nội dung mô tả sau đây: “安藤昌益, Andō Shōeki, 1703-1762): y sĩ và là tư tưởng gia, sống vào khoảng giữa thời Giang Hộ; tự là Lương Trung (良中), hiệu Sác Long Đường (確龍堂); xuất thân vùng Xuất Vũ (出羽, Dewa), Nhị Tỉnh Điền Thôn (仁井田村, Niita-mura), Thu Điền Quận (秋田郡, Akita-gun), thuộc lãnh vực của Phiên Thu Điền (秋田藩, Akita-han); đã từng làm y sĩ cho Phiên Bát Hộ (八戸藩, Hachinohe-han) ở Lục Áo (陸奥, Mutsu), nhưng đến cuối đời thì quay trở về cố hương Nhị Tỉnh Điền Thôn và sau khi chết, người nông dân tôn thờ ông như là Thủ nông Đại thần (守農大神). Các trước tác của ông cho thấy rằng chúng môn nhân chủ yếu là tầng lớp có văn hóa ở vùng Bát Hộ. Từ lập trường của chủ nghĩa bình đẳng triệt để, ông phê phán khái niệm mang tính giai cấp, phân biệt và đưa ra triết học riêng biệt vốn xuất phát từ toàn thể vận động tự nhiên. Ông đề xướng ra phương án cải cách xã hội, bài xích giáo thuyết của Nho, Phật và chủ trương nam nữ đều bình đẳng như nhau. Trước tác của ông có Tự nhiên chơn doanh đạo (自然眞營道), Thống đạo chơn truyền (統道眞傳)”[6]

Trước hết, có một vài nghi vấn về tên gọi Lương Trung (良中) và hiệu Xác Long Đường (確龍堂). Chi tiết này không nhất thiết phải được đồng tình, vì cũng có cách giải thích là khi trong vai trò tác giả thì ông dùng tên Kakuryudo Ryochu (Xác Long Đường Lương Trung), Shoeki (Xương Ích) là tên hiệu khi làm thầy thuốc, còn khi làm nông dân, ông lấy tên là Magozaemon (Tôn Tả Vệ Môn) (cách giải thích của Miyake Masahiko), hoặc theo cách giải thích khác thì Shoeki là tên thật hay tên thường gọi, còn Ryochu là tên hiệu khi làm thầy thuốc (cách giải thích của Miura Tadashi). Vấn đề này không hề dễ dàng để xác thực.

Thứ hai, chi tiết “chủ yếu là tầng lớp có văn hóa” còn mơ hồ. Bởi lẽ có nghiên cứu đã chỉ ra rằng Shoeki thuộc “tầng lớp văn hóa trung gian”, có được kiến ​​thức thông qua các trước tác thứ cấp và tái bản của các văn bản tiếng Trung có kèm ghi chú cách đọc Hán văn hay giải thích quốc ngữ Hán tự, chứ không phải là “tầng lớp trí ​​thức chuyên môn” có thể đọc hiểu các văn bản gốc được viết bằng chữ Hán không kèm phiên âm, tiếng Phạn hay Manyogana[7]… Từ đây xuất hiện quan điểm rằng Shoeki không phải là nhà sư vì ông không đọc kinh sách chính thống hoặc sách về Phật giáo.

Thứ ba, chi tiết “bài xích giáo thuyết của Nho giáo và Phật giáo” là chính xác. Tuy nhiên, Shoeki chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo, chẳng hạn như cách nói “vô thủy vô chung”, bởi đây được cho là một khái niệm về vũ trụ dựa trên sự luân hồi của Phật giáo. Cũng có ý kiến của các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng không thể loại trừ những yếu tố của Nho giáo như “Khí”, “Đạo”, “Âm dương”, “Ngũ hành”... Tuy nhiên, nếu chỉ nêu lên những chữ Hán này thì có lẽ “Đạo” là chịu ảnh hưởng của Lão Tử nhiều hơn cả.

Shoeki đã đưa ra nhiều lời phê bình khác nhau về Khổng Tử, chẳng hạn có một tài liệu là “Khổng Tử ngang bằng con của chim thú”. Khi diễn đạt ý kiến ​​phê phán có tính học thuật của Shoeki theo phong cách ngôn ngữ hiện đại, có thể nêu ra như sau: Trong Todo shin den có câu: “Có 11 thánh nhân từ Phục Hy đến Khổng Tử. Tuy nhiên, họ mong muốn đánh cắp quốc gia thiên hạ suy tàn khi sai lầm trong việc nhìn thấu suốt con đường thực sự của tự nhiên. Cho nên họ ở trong một thế giới binh lính loạn lạc, thiên hạ đổ nát và không biết đến thế giới an yên của tự nhiên”[8]. Ngoài ra, ông phê phán Ngũ thường của Nho giáo, khi có câu: “Cái gọi là Ngũ thường chính là Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Người ta nói rằng thánh nhân ban Nhân cho kẻ thường dân. Sai lầm của “Tư”[9] là việc kinh khủng và đáng bị cười nhạo. Thánh nhân khao khát canh tác trực tiếp của chúng dân, phàm ăn ngũ cốc là kế sinh nhai của trời, nói lời ngon ngọt... lừa dối thứ dân, đánh cắp thiên hạ tự nhiên, rồi đứng lên xưng vương”[10]. Thành ngữ Việt Nam có câu “Nhất sĩ, nhì nông. Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Shoeki phủ định “Sĩ”, nhưng nói một cách chính xác thì ông cộng hưởng đồng điệu với câu này. Một câu có nội dung hoàn toàn giống được ông viết như sau: “Nếu gặp phải năm mất mùa thì những học giả phàm ăn mà không chịu cày cấy sẽ không thể đứng trước mọi người mà “tu thân”, họ sẽ bị đói và chỉ còn cách hoặc thèm thuồng miếng ăn từ những thường dân trực tiếp canh tác, hoặc chết đói”[11].

Về Phật giáo, ý kiến phê phán đức Thích Ca xuất gia của Shoeki cũng hết sức thú vị, ngoài điều đó ra thì trong Todo shin den có đoạn: “Việc xin người khác thức ăn, tiền bạc, hàng hóa, khiến người ta thương xót rồi giảng giải rằng từ bi là tâm Phật là sai lầm to lớn xuất phát từ tính ích kỷ của chính mình. Những việc làm như cư xử ban ơn cho người, làm sinh lòng từ bi để thành Phật trong khi ăn vụng, là sự si mê vọng tưởng khủng khiếp xuất phát từ sự ích kỷ của chính mình”[12].

Ngoài ra, còn có các câu: “Bất sát sanh, bất du đạo, bất tà dâm, bất ẩm tửu, bất vọng ngữ được xem là ngũ giới cấm để cảnh tỉnh về hành vi của con người. Điều này hoàn toàn không phải là gì khác mà chính là Thích Ca đang kể về tội lỗi của mình trong quá khứ”, hay “nếu sám hối thì trọng tội sẽ tiêu trừ là lời hoàn toàn giả dối của Thích Ca”[13].

Việc Phật tử Việt Nam giới thiệu Shoeki, người phê phán gay gắt Phật giáo và Thích Ca như vừa nêu, có lẽ là việc khá phóng khoáng, hoặc giả đó là việc bất đắc dĩ khi họ không biết về nội dung phê phán đó.

- “Tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo” - Thích Nhuận Đạt

Có một bản dịch bài viết “Tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của Phật Giáo” (tác giả Lại Hiền Tông, Thích Nhuận Đạt dịch, 2012) đăng trên blog Thư viện Hoa Sen[14].

Theo giới thiệu của bài này, đây là nội dung lược dịch luận án tiến sĩ về “Phật giáo Thiên Thai và triết học môi trường” của Lại Hiền Tông, và có những chỗ đề cập đến Ando Shoeki như dưới đây. Cụ thể, Schelling và Shoeki được so sánh với nhau ở tiết “Triết học tự nhiên của phương Tây và triết học sinh thái Phật giáo”. Tuy nhiên, toàn bộ đều là nội dung trích dẫn từ bài viết “Tự nhiên làm chủ thể” của Nishikawa Tomio in trong cuốn Nghiên cứu tư tưởng so sánh (『比較思想研究』, số 16, 1989), nguyên văn là: “Nếu nói theo sự so sánh của triết học Đông Tây thì Ando Shoeki (安藤昌益, 1703-1762) chỉ ra trong triết học phương Tây, F. W. J. Schelling (1775-1854) tiến thêm một bước giải thích “tự nhiên của sở sản” và “tự nhiên của năng sản” đã được Baruch de Spinoza (1632-1677) phân chia. Chỉ nói theo phương diện tự nhiên của sở sản (natura naturata) thì chúng ta gọi đó là tự nhiên thuộc khách thể. Nhưng, nói tự nhiên thuộc khách thể, cũng chính là tự nhiên thuộc về tính sản xuất (tự nhiên của năng sản, natura naturans), gọi nó là tự nhiên thuộc chủ thể. “Tự nhiên thuộc khách thể” là đối tượng của khoa học cận đại, đối tượng đó bị chi phối trong kỹ thuật cận đại. Vì thế, đây chính là khái niệm tự nhiên theo mô thức cũ trước sự chuyển hình của sinh thái học. Đây được gọi là “tự nhiên đang bị trói buộc”. Nhưng “tự nhiên làm chủ thể” là chỉ cho “thiên nhiên tự do” (die freie natur). Schelling sử dụng tính từ Lebendig (thuộc về sinh) để biểu đạt, nói là “tự nhiên thuộc về sinh”, đối lại với quan điểm này, móc xích nhân quả của Cơ giới luận là “tự nhiên thuộc về tử”. Vì thế, “tự nhiên thuộc về sinh” là tự nhiên theo mô thức mới của sinh thái học. Loại tự nhiên này gọi là “làm chủ thể”, bởi vì bên trong của nó có nguyên lí sáng tạo, ở đây cũng có nghĩa là “có tính tự sản xuất”. Ando Shoeki chỉ ra “tự nhiên thuộc về sinh” chỉ cho “thế giới là một quá trình của sự sinh sinh”, nội hàm có tính hợp mục đích bên trong. Đây là “tự nhiên làm chủ thể”, bên trong có đủ nguyên lí của “tính tự sản sinh” thông với các đối lập phân cực. “Sinh sinh” thuyết minh nguyên lí của “tương hỗ”, giải thích “hoạt tính cùng có nhau”. Vì thế, nhân loại và tự nhiên nối tiếp không qua môi giới, nhân loại và tự nhiên là “quan hệ của chủ thể cộng đồng”. Ando Shoeki giải thích rõ về “tự nhiên thuộc về sinh”, phân tích tỉ mỉ nguồn gốc triết học Đông Tây về tự nhiên quan của mô thức sinh thái học mới”.

Trên đây là phần giới thiệu về Ando Shoeki, chúng ta có thể rút ra điều gì từ đây? Nishikawa đã nêu ra trong phần kết luận: “Điều quan trọng là, nguồn gốc của tự nhiên có thể được nhìn thấy từ tận gốc rễ “so sánh” từ tư duy của hai người cách xa nhau... đó là nhìn thấy nguyên lý của tự nhiên ngay chính tại sự trừu tượng hiện đại của tự nhiên. Điều đó có thể cũng là lý do mong muốn có một con đường vượt qua Tây Âu hiện đại một cách nghiêm túc”[15]. Điều tác giả muốn nói có lẽ là “tính năng động”, tính chủ thể của tự nhiên.

Ando trước hết đã chỉ ra rằng tự nhiên tồn tại theo kiểu được lý giải là “ở một mình” khi cho rằng tự nhiên là “vô thủy vô chung”, và trong phần giới thiệu chung của bản thảo cuốn Shizen shinei do, ông nói “khí (năng lượng, tinh thần) hòa hợp với địa để rồi sinh ra ngũ cốc, nam nữ (con người), chim thú, côn trùng, cá và cây cỏ”[16]. Ông cũng chỉ ra con người là sở sản của ngũ cốc. Tóm lại, một điều đương nhiên ở thời đại ngày nay, con người là một phần của tự nhiên, đã được luận giải.

Hơn nữa, về quan điểm của sự tương hỗ nam nữ thì “bản chất của nam là nữ, bản chất của nữ là nam, là con người sống động [the living truth, living fact] mà nam nữ tương hỗ lẫn nhau [mutualization of natures, reciprocity]. Bản chất của gà trống là gà mái, bản chất của gà mái là gà trống, là con gà sống động mà trống mái tương hỗ lẫn nhau. Bản chất của con thú đực là cái, bản chất của con cái là đực, là con thú sống động mà đực cái tương hỗ lẫn nhau”. Sau đó, đến côn trùng, cá, cỏ, cây đều được lập luận là các loài côn trùng, cá, cỏ, cây sống động, có sự tương hỗ trống mái[17].

Tương ứng với điều này, trong cuốn Bankoku kan của bộ Todo shin den có đoạn: “Thiên địa, nhật nguyệt, nam nữ trở thành một thể thống nhất, một vị thần, một con người theo tự nhiên tiến thoái. Vạn sự vạn vật trở thành một vật, một sự việc, một thể thống nhất biểu hiện ở hai dạng thức, biểu hiện cho hoạt động tinh diệu của một người được tiến thành ở hai người nam và nữ”. Tương tự vậy, trong cuốn Kyu futsu shitsu kan, ông cũng cho rằng: “Vợ chồng là khởi đầu của nhân luân và là nền tảng của cõi sa bà, nhất loạt tiến thoái nhịp nhàng với tự nhiên”[18].

Đó là một tư tưởng tuyệt vời! Những bí ẩn về sinh mệnh và sự sinh trưởng của sinh vật được cô đọng qua từ “tương hỗ”, thể hiện qua sự giao phối của nam nữ, giữa con trống và con mái. Nên theo đó, chúng ta có thể nắm bắt được sự thống nhất giữa sinh mệnh và tự nhiên có gắn kết với hệ sinh thái hiện đại, chứ không phải là tính năng động của tự nhiên, cũng như không phải là tự nhiên nên bị chinh phục.

3.2.4. Tư tưởng chính về cải cách thể chế của Trung Quốc và Nhật Bản từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX

Hình ảnh Ando Shoeki trong nghiên cứu về tư tưởng Nhật Bản - Trung Quốc của Đỗ Tiến Quân có điểm khác biệt so với sự quan tâm của giới Phật giáo. Bài viết có tựa đề “Tư tưởng cải cách thể chế thống trị của hai nước Trung Quốc và Nhật Bản từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX” là nghiên cứu duy nhất về Shoeki được công bố trên một tạp chí học thuật trong phạm vi hạn hẹp mà tôi có thể tiếp cận được cho đến nay. Phần tóm tắt của bài viết đã thể hiện rõ về nhận thức vấn đề: “Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, tư tưởng về trật tự thống trị và thể chế thống trị của hai nước Trung - Nhật có sự biến động đáng kể. Xét dưới góc độ thời gian, giới tư tưởng Nhật Bản đi trước Trung Quốc trong việc phê phán thể chế thống trị đương thời, đồng thời có sự tranh luận kịch liệt và phong phú hơn các nhà tư tưởng Trung Quốc quanh vấn đề “cải cách thể chế thống trị”. Xét về tổng thể, ngoài một số điểm tương đồng, do đặc điểm điều kiện tình hình đặc thù của hai nước Trung - Nhật, các luồng tư tưởng hình thành ở hai nước có những đặc điểm khác nhau. Đây là nguyên nhân quan trọng làm cho Nhật Bản giành được thành công trong tiến trình cận đại hóa quốc gia trước Trung Quốc. Lịch sử đã chứng minh, diễn biến khác nhau của tư tưởng cải cách thể chế thống trị có ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình cận đại hóa của mỗi nước”[19].

Từ đây, Đỗ Tiến Quân lấy tư tưởng cải cách hệ thống cai trị ở cả hai quốc gia trong thế kỷ XVIII và XIX làm chủ đề và triển khai khảo cứu về việc cải cách thể chế thống trị thời kỳ Edo, cụ thể là phân loại tư tưởng cải cách thể chế thống trị thời Edo thành tư tưởng Quốc học, tư tưởng Tây học, tư tưởng Nho giáo và tư tưởng của tầng lớp xã hội nghèo khổ. Ví dụ về tư tưởng Quốc học, bài viết đã nêu lên Chu tử học, Tây học có Arai Hakuseki, Hayashi Shihei, Shiba Koukan, hay trong Nho giáo có tư tưởng “tôn vương” và Yoshida Shoin. Và người tương ứng với tư tưởng của tầng lớp xã hội nghèo khổ chính là Ando Shoeki. Chúng ta hãy cùng xem phần giới thiệu về ông như sau đây: “Thế kỷ XVIII, mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Nhật Bản trở nên vô cùng sâu sắc, các cuộc khởi nghĩa của nông dân liên tục nổ ra. Trước tình hình đó, Ando Shoeki và các học trò của ông đại diện cho lợi ích của các tầng lớp nhân dân bị áp bức dưới đáy xã hội đã giơ cao ngọn cờ đấu tranh chống lại trật tự thống trị đương thời. Sự phê phán của Ando Shoeki đối với chế độ phong kiến có tính chất triệt để và hệ thống nhất thời bấy giờ. Là một trí thức ở vùng Tohoku - vùng nông thôn nghèo khó và lạc hậu nhất của Nhật Bản, chứng kiến tận mắt sự nghèo khó của nông dân và sự bóc lột của chính quyền đối với họ, ông suy nghĩ tìm tòi nguyên nhân của việc này, từ đó chỉ ra những mâu thuẫn căn bản của xã hội và các giải pháp. Cuối thế kỷ XVIII, trong cuốn “Đường lối hoạt động của tự nhiên”, Ando Shoeki đưa ra tư tưởng cấp tiến “Cải cách thời đại”, phản đối trật tự thống trị đương thời. Ông cho rằng, trật tự 4 đẳng cấp trong xã hội (thánh nhân, vua, quan lại và phú hộ, quần chúng nhân dân) bóc lột lẫn nhau là không hợp lý, là một trật tự như trong giới cầm thú. Trên cơ sở đó, ông đưa ra giả thuyết dùng “trật tự thế giới tự nhiên” thay thế cho “trật tự pháp chế”, chủ trương loại bỏ “thế giới pháp chế” thay thế bằng “thế giới tự nhiên”. Trong thế giới tự nhiên đó: “Người tự nhiên tự trồng trọt, tự may mặc. Người có ruộng thì trồng ngũ cốc, người ở trong núi thì trồng cây lấy gỗ, người ở bờ biển thì đánh bắt cá, sau đó trao đổi với nhau… Những công việc đó không phân biệt trên dưới, thấp hèn, giàu nghèo, không có vua chúa, thánh hiền, không có kẻ ngu dốt, không có trộm cướp, không có hình phạt… Đó là một thế giới thanh bình”. Có thể nói, đây là thuyết không tưởng cấp tiến nhất trong lịch sử tư tưởng Nhật Bản, đồng thời, đây cũng là sự phê phán sâu sắc đối với trật tự xã hội đương thời. Từ tiến trình phát triển tư tưởng về thể chế chính trị của hai nước Trung - Nhật trong thế kỷ XVIII và XIX, chúng ta có thể thấy rằng, Trung Quốc cũng từng xuất hiện luồng tư tưởng phê phán chế độ quân chủ chuyên chế, thế nhưng tư tưởng này vẫn bị bó hẹp và chưa thoát khỏi phạm vi truyền thống, chưa tiếp thu được những tri thức tiên tiến của phương Tây. Về phía Nhật Bản, một bộ phận trí thức Nhật Bản đã ý thức được yếu tố chế độ ẩn giấu đằng sau nền văn minh và vật chất phương Tây, tuy rằng ý thức đó còn chưa rõ rệt và chỉ dừng lại ở cái vỏ bên ngoài. Đây cũng là thời kỳ mà các luồng tư tưởng cải cách nở rộ trên đất nước Nhật Bản và có xu hướng đa nguyên hóa. Trong thời gian này Trung Quốc thực hiện chế độ trung ương tập quyền và chính sách Nho giáo độc tôn, còn ở Nhật Bản, sự chia rẽ về quyền lực chính trị dưới thể chế Mạc phủ làm cho các luồng tư tưởng chống Mạc phủ có không gian tương đối tự do để phát triển. Đồng thời, tuy rằng Chu Tử học được coi là tư tưởng chính thống, vị thế của Chu Tử học cũng không đủ để áp đảo tất cả các tư tưởng khác”[20].

Nội dung giới thiệu về Shoeki trên đây là chính xác hoàn toàn từng chi tiết. Tuy nhiên, phần giới thiệu này dường như được lấy từ cuốn Lược sử Nhật Bản của Yodayo Shiie (Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, 1989). Đáng tiếc, tôi không thể tìm thấy bản tiếng Nhật của cuốn Lược sử Nhật Bản (『简明日本通史』) của Yodayo Shiie, cũng như không rõ tác giả bài viết đã đọc Quyển Thượng bộ Thống đạo chơn truyền (Todo shin den) như đã trích dẫn hay không. Nhân đây, tôi cũng muốn chỉ rõ, Yodayo Shiie là cách gọi sai, tên gọi đúng phải là Yoda Yoshiie.

Hơn nữa, cần lưu ý rằng bộ Todo shin den không được xuất bản trên thế giới. Người phát hiện đầu tiên, Kano Kokichi, đã phát biểu rằng đó dường như là “một bản tóm lược để dành cho các môn đồ”[21]. Bộ sách duy nhất được xuất bản là Shizen shinei do (Tự nhiên chơn doanh đạo) được xuất bản vào năm 1753 (năm Horeki thứ 3). Vì thế, ông mới được gọi là “nhà tư tưởng bị lãng quên”. Không thể nói rằng tư tưởng của Shoeki là một “tư tưởng cải cách thể chế” đã có ảnh hưởng lớn đến quá trình cận đại hóa, và càng không thể nghĩ rằng nó đã trở thành kinh thánh của các cuộc khởi nghĩa nông dân. So với tác động của J. J. Rousseau đối với Cách mạng Pháp thì đây là điểm khác biệt lớn.

Trong hoàn cảnh này, lý thuyết trước K. Marx 100 năm đã xuất hiện.

3.2.5. Trước K. Marx 100 năm

Đây là lời giới thiệu của Kanda Yoshinobu, người đã có cống hiến cho nền giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam. Xét về mặt thời gian, đây là lời giới thiệu sớm nhất, khi được viết vào năm 2006. Trong “Lời bạt” bản tiếng Việt cuốn Ước mơ của bạn nhất định sẽ thành hiện thực của Inamori Kazuo, Kanda đã nói như sau: “Ở Nhật Bản, trước Marx gần 100 năm có một nhà tư tưởng là Ando Shoeki (1703-1762). Ông cho rằng người nông dân trực tiếp lao động tạo ra sản phẩm là những người có giá trị nhất. Và ông đề xướng tư tưởng “trí tuệ có tính tuần hoàn tự nhiên”. Ngay cả cây cỏ cũng nỗ lực hết mình để tồn tại. Sức mạnh của tự nhiên thể hiện ở chỗ dù trong hoàn cảnh bất lợi đến mấy thì vạn vật vẫn nỗ lực tồn tại. Đó cũng là nhận thức của Inamori”[22].

Có lẽ Kanda gọi tư tưởng Ando Shoeki là sự xuất hiện trước Marx 100 năm bởi vì nó chỉ ra tầm quan trọng của lao động. Điều này đã được Terao Goro, đại diện chủ biên cuốn Ando Shoeki toàn tập bản của nhà xuất bản Noubunkyou (Hiệp hội văn hóa nông thôn Nhật Bản), lập luận rằng Marx đã sử dụng thuật ngữ “giai cấp sản xuất” sau Shoeki 100 năm, cũng như lý giải về “logic của sự mâu thuẫn “tương hỗ”” như một vấn đề của 100 năm trước Marx[23]. Kano Koukichi coi đó là “chủ nghĩa cộng sản nông nghiệp”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ​​cho rằng không thể nói Shoeki, người cảm nhận từ quan điểm của người Akita, có tư tưởng dẫn tới chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội. Và, liệu “tương hỗ” có phải là sự thống nhất của các mặt đối lập hay không cũng là vấn đề còn nghi vấn.

Nếu thời điểm đó có những nhà nghiên cứu quan tâm đến quan điểm của Kanda thì nghiên cứu về Shoeki ở Việt Nam có lẽ đã phát triển hơn bây giờ.

4. Ý nghĩa của việc nghiên cứu về tư tưởng của Ando Shoeki và những vấn đề đặt ra

Trên đây, tôi đã khái quát các nghiên cứu về Ando Shoeki tại Việt Nam; ngoại trừ Kanda và Ân Phật – Phật học tinh tuyển[24], thì đó là các nghiên cứu được giới thiệu tại Việt Nam qua con đường du nhập các nghiên cứu từ các nước nói tiếng Anh hoặc khu vực các quốc gia sử dụng chữ Hán. Sau cùng, cần phải xem xét lại ý nghĩa của việc nghiên cứu về Shoeki trong thời đại ngày nay, nhưng trước đó, tôi có một vài suy nghĩ xuất phát từ các vấn đề xoay quanh tư tưởng của Shoeki.

Thứ nhất, trong Todo shin den, từ tư tưởng bài Phật, Shoeki đề cập đến lòng từ bi là cội rễ của tội lỗi, đó là: “Những chúng sanh cố gắng bố thí lòng từ bi để thành Phật và đạt được sự tái sinh trong thiên đường cũng chính là một lần nữa đang đánh cắp đạo của tự nhiên”, cũng như chỉ ra rằng: “Phải chăng chúng ta ban phát ân huệ cho thường dân vô tội và tế độ cho điều này?”[25].

Tuy vậy, Shoeki đã suy nghĩ như thế nào về việc cứu tế, trong khi ông thúc đẩy việc canh tác trực tiếp? Trong thời trung thế ở Nhật Bản, việc cứu tế cho người dân được giao phó cho Phật giáo. Đã từng tồn tại Bi điền viện (悲田院 - Hidenin), nơi thu nhận những cô nhi không nơi nương tựa và cứu tế cho những người tứ cố vô thân, người nghèo đói, bệnh tật. Ngay cả trong thời kỳ cận thế, cũng có các “chùa cắt duyên” (「縁切り寺」- en kiri dera) cho phép nữ giới có thể ly hôn do nhiều hoàn cảnh khác nhau; vậy, liệu Shoeki có phủ nhận tất cả những chức năng này không? Hoặc giả có thể ông đã không biết những điều này. Người ta nói rằng quan điểm của Shoeki về Phật giáo dựa trên cuốn sách Taiheiki Taizen (太平記大全- Thái bình ký đại toàn), có lẽ đây là nguyên nhân chính. Đối với Shoeki, ông cho rằng “khởi đầu của vợ chồng là nền móng của đạo lý làm người”, con trai và con gái sống chan hòa với bố mẹ, con trai canh tác với bố, con dâu dệt vải với mẹ, cùng vun vén cho nhau cuộc sống cơm ăn áo mặc, ban đêm đi ngủ, vợ chồng giao cấu hòa hợp lứa đôi, ban ngày thức giấc, vợ chồng canh tác dệt vải sống chan hòa[26]. Đây chính là cách mà con người ta vẫn sống. Tuy nhiên, cuối cùng có thể nói rằng, cái hiện thực không thể đạt được bằng sự chan hòa đều có giới hạn là bị trừu tượng hóa.

Vấn đề thứ hai là “luận về thời kỳ quá độ” từ “thế giới bạo loạn tư pháp” (私法盗乱の世 - Shiho toran no yo, 法世 [World of law]) sang “thế giới tự nhiên”. “Thời kỳ quá độ” này là một xã hội mà trong đó những người thuộc tầng lớp trên xác định ruộng đất mà họ chiếm hữu và để cho thị tộc bên trên canh tác, tự cung tự cấp. Ở đó, thuế sẽ bị bãi bỏ, những người hành khất (tăng lữ, người tu đạo, người coi quản đền Thần đạo) bị cấm, các hoạt động vui chơi, giải trí, mại dâm, và tiền cũng bị bãi bỏ. Vì học thuật là căn nguyên của việc tham ăn mà không chịu trồng trọt và cướp đoạt giang sơn thiên hạ nên nó bị bãi bỏ. Về y phục thì lụa bị cấm, quy định nửa thân trên là trang phục bằng vải bông và thân dưới là trang phục bằng sợi gai dầu[27]. Quy định ăn chay và chính sách cấm rượu được thực thi triệt để. Thuốc lá và việc ăn ngon mặc đẹp bị cấm. Gia tộc sẽ cắt giảm khẩu phần ăn của những người làm việc xấu và họ sẽ bị giết nếu tái phạm.

Nếu làm theo cách này thì sẽ đạt đến thế giới tự nhiên vô dục và vô đạo, vô loạn, vô ác, vô bệnh, vô hoạn[28]. Những hạn chế về trang phục này là sự tiếp bước quy định giới hạn về vải bông hoặc vải gai dầu trong “Sắc lệnh hạn chế y phục” năm 1628 (năm Kanei 5) được ban hành dưới thời Mạc phủ Edo; đến năm 1643 (năm Kanei 20), màu tím và đỏ mận cũng bị cấm.

Tuy nhiên, sẽ không có tiến bộ nào trong một xã hội phủ nhận học thuật và cả phủ nhận văn hóa. Điều này rõ ràng sẽ dẫn đến cái mà Joly gọi là một xã hội “không có nhân tính”[29], một xã hội với sự hạn chế cả về giải trí và trang phục đơn thuần chỉ là một xã hội canh tác trực tiếp trầm lặng, không những không phải là Utopia (xã hội lý tưởng), mà không chừng sẽ thành Dystopia (xã hội phản lý tưởng).

Các nghiên cứu về Shoeki quả thật vẫn có ý nghĩa dù cho có những vấn đề lớn như vậy. Ando Shoeki coi trọng việc canh tác trực tiếp mà không đối đầu với thiên nhiên và con người. Ông là nhà tư tưởng “độc đáo” khi coi con người là một bộ phận của tự nhiên và là nhân tố tiên phong của hệ sinh thái khi coi trọng tính tích cực của tự nhiên. Dù vậy, quan điểm của Shoeki về sự phát triển xã hội là “những con người đầu tiên sinh ra từ “tinh dịch của ngũ cốc” đã lần lượt gia tăng số lượng con cháu nối tiếp nhau, mở mang nông nghiệp, nhà cửa cũng tăng lên, gắn bó và chia sẻ niềm vui với nhau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn”. Nói cách khác, phát triển sản xuất là tư tưởng cơ bản[30]. Tuy vậy, tư tưởng này không phải là cách nghĩ mâu thuẫn với sinh thái học (bảo toàn hệ sinh thái), nên điều quan trọng chính là ở chỗ “phát triển bền vững” (sustainable development).

Ở Việt Nam, người ta hay nói đến khái niệm “phát triển bền vững” và giáo dục môi trường cũng đang được quan tâm[31].  Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Học tập tốt, lao động tốt”. Cụm từ “lao động tốt” này chính xác là cộng hưởng với “canh tác trực tiếp” của Shoeki. Có nghiên cứu chỉ ra rằng: “Hồ Chí Minh luôn sống giản dị, cần cù, tiết kiệm, không đòi hỏi cuộc sống xa hoa vật chất”[32]; theo một nghĩa nào đó, đây là một phong cách sống sinh thái.

Biến đổi khí hậu hiện đang trở thành vấn đề nhức nhối trên phạm vi toàn cầu, nên nên chăng tư tưởng của Shoeki cần được quan tâm chú ý.

Mặc dù còn nhiều thiếu sót nhưng với việc lấy bản dịch tiếng Nhật hiện đại và bản tiếng Anh làm kim chỉ nam, tôi kỳ vọng rằng những nghiên cứu chính thức về Shoeki sẽ được bắt đầu và bản lược dịch bộ Shizen shinei do (Tự nhiên chân doanh đạo) Todo shin den (Thống đạo chân truyền) của Shoeki sẽ được xuất bản bằng tiếng Việt[33].

Tôi xin gửi lời cảm ơn đến ThS. Nguyễn Vũ Kỳ, giảng viên Khoa Nhật Bản học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, người dịch bài nghiên cứu này sang tiếng Việt; PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực, nguyên Trưởng khoa Nhật Bản học; ThS. Nguyễn Thu Hương, Khoa Văn hóa học, đã tìm kiếm giúp tôi những tài liệu tiếng Việt liên quan để hoàn thành bài viết này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ando Shoeki (1984), “Thống đạo chơn truyền”, Chuko backs: 19 kiệt tác của Nhật Bản (安藤昌益、1984、「統道真伝」『中公バックス 19 日本の名著』).
  2. Ân Phật - Phật học tinh tuyển: An Đằng Xương Ích, http://anphat.org/dictionary/ detail/phat-/0/A/1511/an-d.
  3. Ban xuất bản Ando Shoeki toàn tập, chủ biên (1981), Ando Shoeki toàn tập, Quyển 1, Azekura Shobo (安藤昌益全集刊行会監修、1981、『安藤昌益全集』第1巻、校倉書房).
  4. Thích Nhuận Đạt, “Tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo”, https://thuvienhoasen.org/a18318/tu-tuong-bao-ve-moi-truong-sinh-thai-cua-phat-giao.
  5. Hashimoto Kazutaka (1996), Lập kế hoạch xã hội, Toshindo, Tokyo (橋本和孝、1996、『ソーシャル・プランニング』東信堂).
  6. Hashimoto Kazutaka (chủ biên, 2013), Xã hội học của Duyên, Harvest sha, Tokyo(橋本和孝編著、2013、『縁の社会学』ハーベスト社)。
  7. Hội nghiên cứu Ando Shoeki (chủ biên, 1985), Ando Shoeki toàn tập - Thống Đạo Chơn Truyền, Quyển 11, Kinju kan, Nobunkyo (安藤昌益研究会(編)、1985、『統道真伝-安藤昌益全集』第11巻、禽獣巻、農文協).
  8. Hội nghiên cứu Ando Shoeki, chủ biên (1987), Ando Shoeki toàn tập - Từ điển về Ando Shoeki, Bekkan, Nobunkyo (安藤昌益研究会(編集)、1987、『安藤昌益事典-安藤昌益全集』別巻、農文協).
  9. Inamori Kazuo (2006), Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
  10. Ishida Ichiro, chủ biên (1963), Khái luận lịch sử tư tưởng Nhật Bản, Yoshikawa Kobunkan, Tokyo (石田一良編、1963、『日本思想史概論』吉川弘文館).
  11. Joly, J. (1993), “Shoeki không phải là người tiên phong trong lĩnh vực sinh thái”, Nông nghiệp hiện đại – Bản bổ sung (ジャック・ジョリ、1993、「昌益はエコロジーの先駆者ではない」『現代農業 臨時増刊』).
  12. Kanou Kokichi (1928-2005), Ando Shoeki, Aozora Bunko (狩野亨吉、1928=2005、『安藤昌益』青空文庫).
  13. Trần Quang Minh, Ngô Hương Lan (đồng chủ biên, 2018), Xây dựng xã hội phát triển bền vững: Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  14. Miura Tadashi (1999), “Việc phát hiện ra tài liệu “Nho đạo thống chi đồ” về Ando Shoeki và ý nghĩa của nó”, Nghiên cứu Sử học Iwate, số 82 (三浦忠司、1999、「安藤昌益の『儒道統之図』の発見とその意義」『岩手史学研究』第82号).
  15. Miura Tadashi (2009), Hachinohe và Ando Shoeki - Guidebook về Ando Shoeki, Ando Shoeki Shiryoukan (三浦忠司、2009、『八戸と安藤昌益-安藤昌益ガイドブック-』安藤昌益資料館).
  16. Miyake Masahiko (1996), Ando Shoeki và truyền thống văn hóa khu vực, Yuzankaku, Tokyo (三宅正彦、1996、『安藤昌益と地域文化の伝統』雄山閣).
  17. Miyake Masahiko (1998), “Tohoku trong Ando Shoeki”, Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, số 30(三宅正彦、1998、「安藤昌益における『東北』」『日本思想史学』30号).
  18. Miyake Masahiko (chủ biên, 2001), Nghiên cứu lịch sử tư tưởng của Ando Shoeki, Iwata Shoin, Tokyo (三宅正彦編、2001、『安藤昌益の思想史的研究』岩田書院).
  19. Naramoto Tatsuya (1967), “Chú thích”, Thống đạo chơn truyền, Quyển Hạ, Iwanami Bunko (奈良本辰也、1967、「解説」『統道真伝』下巻、岩波文庫).
  20. Quyết Nguyễn Blog, http://quyetnguyen blog.blogspot.com/search?q=Ando+Shoeki.
  21. Nishikawa Tomio (1989), “Tự nhiên làm chủ thể”, Nghiên cứu tư tưởng so sánh, số 16 (西川富雄、1989、「主体としての自然」『比較思想研究』16号).
  22. Noguchi Takehiko, chủ biên (1984), Chuko Backs – Kiệt tác của Nhật Bản (野口武彦編、1984、『中公バックス 日本の名著』).
  23. Norman, E. H. (1979), Ando Shoeki and the Anatomy of Japanese Feudalism, University Publications of America, Washington.
  24. Okubo Genji, dịch (1950), Nhà tư tưởng bị lãng quên - Câu chuyện về Ando Shoeki, Quyển Thượng, Iwanami Shinsho, Tokyo (大窪愿二訳、1950、『忘れられた思想家-安藤昌益のことー』上巻、岩波新書).

25.  Đặng Phùng Quân, Từ điển triết học giản yếu, http://www.gio-o.com/DangPhungQuan/ DangPhungQuanTuDienTrietHoc22.htm.

  1. Đỗ Tiến Quân (2016), “Tư tưởng cải cách thể chế thống trị của hai nước Trung Quốc và Nhật Bản từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX”, Tạp chí Khoa học và Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Huế), số 4 (40), tr. 91-103.
  2. Sakurada Tsunehisa (1969), Ando Shoeki, Toho Shuppansha, Tokyo (桜田常久、1969、『安藤昌益』東邦出版社).
  3. Suzuki Hiroshi (1999), ““Nho đạo thống chi đồ” - Về tư liệu mới liên quan việc tu học của Ando Shoeki ở Kyoto”, Nghiên cứu lịch sử Nhật Bản, số 437 (鈴木宏、1999、「『儒道統之図」ー安藤昌益京都修学に関連する新資料について」『日本史研究』、第437号).
  4. Nguyen Thi Than (2002), Cải thiện giáo dục môi trường ở các trường tiểu học Việt Nam: Tập trung vào việc nâng cao nhận thức về môi trường và hành vi bảo vệ môi trường, Luận án Tiến sĩ Giáo dục môi trường, Đại học Waseda, Tokyo (Nguyen Thi Than、2002、『ベトナムの小学校における環境教育の改善 :環境認識と環境保護行動の育成を中心に』、早稲田大学教育学研究科).
  5. Thống đạo chơn truyền, Kyu sei shitsu kan, Iwanami Bunko (『統道真伝』糺聖失巻、岩波文庫).
  6. 31. Thống đạo chơn truyền, Quyển Hạ, Iwanami Bunko, 1967 (『統道真伝』下巻、岩波文庫).
  7. Thống đạo chơn truyền, Quyển Thượng, Iwanami Bunko (『統道真伝』上巻、岩波文庫).
  8. Toshinobu Yasunaga (1992), Ando Shoeki, Weatherhill, New York.
  9. Nguyễn Nam Trân (2011), Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, Quyển Thượng, https://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/Quoc Hoc va_HanHoc.htm.
  10. Umihara Ryo (2014), Tu học thầy thuốc thời kỳ Edo, Yoshikawa Kobunkan, Tokyo (海原亮、2014、『江戸時代の医師修行』、吉川弘文館).
  11. Yasunaga Toshinobu, Ando Shoeki, Nobunkyo (安永寿延、『安藤昌益』農文協).

 

Người dịch: ThS.NCS. Nguyễn Vũ Kỳ

Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

 



[1] Ishida Ichiro (Chủ biên, 1963), Khái luận lịch sử tư tưởng Nhật Bản, Yoshikawa Kobunkan, Tokyo, tr. 190 (石田一良編、1963,『日本思想史概論』吉川弘文館).

Ishida Kazuyoshi là tên bị phiên âm nhầm lẫn, chính xác là Ishida Ichiro.

[2] Nguyễn Nam Trân (2011), Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, Quyển Thượng (https://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/QuocHoc_va_HanHoc.htm).

[3] QuyếtNguyễnBlog (http://quyetnguyenblog.blogspot. com/search?q=Ando+Shoeki).

[4] Đặng Phùng Quân, Từ điển Triết học giản yếu (http://www.gio-o.com/DangPhungQuan/DangPhung QuanTuDienTrietHoc22.htm).

[5] Toshinobu Yasunaga (1992), Ando Shoeki, Weatherhill, New York.

[6] Ân Phật - Phật học Tinh tuyển: An Đằng Xương Ích (http://anphat.org/dictionary/detail/phat-/0/A/1511/an-d). Nội dung này giống với nội dung tra cứu về Ando Shoeki của Từ điển Phật học tinh tuyển tại: https://www.rongmotamhon.net/tu-dien_tinh-tuyen_cdk cqkcks_ rong-mo-tam-hon.html Có một số lỗi sai về phiên âm Hán - Việt và tên địa danh Nhật Bản trong tài liệu này, cụ thể là: “Sác” trong “Sác Long Đường” phiên âm đúng là “Xác”, “Niita” chính xác phải là “Niida”, “Nhị” của “Nhị Tỉnh Điền Thôn” sửa thành “Nhân”.

[7] Miyake Masahiko (1998), “Tohoku trong Ando Shoeki”, Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, số 30, tr. 42-43 (三宅正彦、1998、「安藤昌益における『東北』」『日本思想史学』30号). Manyogana: cách đánh vần tiếng Nhật cổ.

[8] Thống đạo chơn truyền, Kyu sei shitsu kan, Iwanami Bunko, tr. 27 (『統道真伝』糺聖失巻、岩波文庫).

[9] Tư lợi, quyền lợi cá nhân.

[10] Thống đạo chơn truyền, Kyu sei shitsu kan, Tlđd; Thống đạo chơn truyền, Quyển Thượng, Iwanami Bunko (『統道真伝』上巻、岩波文庫); Noguchi Takehiko (Chủ biên, 1984), Chuko Backs – Kiệt tác của Nhật Bản (野口武彦編、1984、『中公バックス 日本の名著』).

 

0thảo luận