Trang chủ

30 năm quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc

Đăng ngày: 26-08-2024, 13:13 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 12

Nguyễn Thị Thắm1

 

Tóm tắt: Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22 tháng 12 năm 1992 đến nay, trải qua 30 năm phát triển và hợp tác, quan hệ kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc đã đạt được những thành quả to lớn trên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, ODA... Đặc biệt, sau khi hai nước nâng cấp lên quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, hợp tác kinh tế giữa hai nước càng được đẩy mạnh cả về lượng và chất. Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng thành công của hợp tác chính trị ngoại giao, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và sự bổ sung cho nhau trong điều kiện phát triển kinh tế... Để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc, hai bên cần nhận diện và giải quyết những vấn đề còn hạn chế, tăng cường hợp tác sâu rộng hơn và hướng tới các mục tiêu chiến lược toàn diện trong tương lai.

Từ khóa: Hợp tác kinh tế, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, 30 năm, thành quả, thuận lợi và khó khăn

1. Các điều kiện thuận lợi cho ba thập kỷ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc[1]

Có nhiều điều kiện thuận lợi đã góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc trong 30 năm qua, nhưng có thể nhắc tới đầu tiên là mối quan hệ phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên các lĩnh vực từ chính trị đối ngoại đến văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, qua một thập kỷ, quan hệ hai nước đã phát triển thành mối quan hệ hợp tác đối tác toàn diện. Từ năm 2009, sau hơn 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược, đưa mối quan hệ hợp tác giữa hai bên phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu trên nhiều lĩnh vực. Mối quan hệ chiến lược sâu rộng của hai nước đã được cụ thể hóa trong Tuyên bố chung (2009) gồm 6 điểm: hợp tác chính trị - an ninh; hợp tác kinh tế; hợp tác phát triển khoa học và kỹ thuật; hợp tác tư pháp - lãnh sự; hợp tác văn hóa - xã hội; hợp tác khu vực và trên các diễn đàn thế giới. Trên cả 6 lĩnh vực này, quan hệ hai nước đều đã đạt được những thành quả to lớn và ngày càng phát triển dù có nhiều khó khăn riêng của mỗi nước cũng như những khó khăn chung như đại dịch Covid-19, bất ổn ở khu vực, suy thoái kinh tế toàn cầu... Mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc được đánh giá là “một mô hình quan hệ hợp tác kiểu mẫu”, phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ sâu rộng với nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực hợp tác. Là một trong 6 lĩnh vực hợp tác đó, hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc được vun đắp và thúc đẩy một cách nhanh chóng và bền vững nhờ những thành quả to lớn của 5 lĩnh vực còn lại làm nền tảng.

Bên cạnh đó, trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc, hai bên đều đáp ứng được các mong muốn của nhau, có sự bổ sung cho nhau về điều kiện phát triển kinh tế. Hàn Quốc là một quốc gia đã vươn lên trở thành một trong 4 nền kinh tế công nghiệp mới (NIEs) và nằm ở tầng trên của cấu trúc “đàn nhạn bay” ở Đông Á. Còn Việt Nam thì mong muốn đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước trên nền tảng của nền kinh tế nông nghiệp. Chính sự khác biệt này đã tạo ra sự bổ sung, hấp dẫn lẫn nhau giữa hai nền kinh tế. Một bên đã phát triển, dư vốn, có công nghệ tiên tiến và cần tìm kiếm đối tác mở rộng đầu tư dịch chuyển các ngành đã mất lợi thế so sánh sang những khu vực tiềm năng khác. Còn một bên là nền kinh tế đầy tiềm năng đang chờ được khai phá. Việt Nam giàu tài nguyên thiên nhiên, có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ tuổi, có đào tạo và nhân công rẻ là thị trường đầu tư cũng như thị trường tiêu thụ hàng hóa lý tưởng cho Hàn Quốc. Điều này kết hợp với việc xem trọng xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế từ cả hai phía đã tạo nên những bứt phá quan trọng trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc.

Nhờ thiện chí và coi trọng đẩy mạnh hợp tác và các điều kiện bổ sung cho nhau trong phát triển kinh tế, hàng loạt hiệp định hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được kí kết, tạo hành lang thuận lợi cho thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển giữa hai nước. Trong đó, có thể kể đến những hiệp định quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Hàn Quốc qua mỗi thời kỳ như Hiệp định về Bảo đảm đầu tư  (5/1993), Hiệp định Mậu dịch  (5/1993), Hiệp định Hàng không dân dụng và Thương mại (5/1993), Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (5/1994), Hiệp định Hợp tác thuế quan (3/1995), Hiệp định Hợp tác hải quan (4/1995), Hiệp định Hợp tác vận tải biển (4/1995), Hiệp định Xúc tiến và bảo hộ đầu tư  (9/2003), Hiệp định về Hỗ trợ không hoàn lại và Hợp tác kỹ thuật  (4/2005), Hiệp định Đối tác chiến lược (9/2009), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) (5/5/2015)... Trong số các hiệp định đã kí kết giữa Việt Nam và Hàn Quốc, số hiệp định về hợp tác đầu tư, thương mại, hỗ trợ phát triển và liên quan chiếm phần lớn cho thấy hợp tác kinh tế đầy tiềm năng và được cả hai bên chú trọng tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác liên tục trong suốt 3 thập niên qua.

2. Thành quả 30 năm hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc

Với nhiều điều kiện thuận lợi, hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt được những thành quả to lớn. Trước hết, về thương mại, quy mô hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc liên tục được tăng cường, có khi đã vượt mức dự kiến của cả hai nước. Kim ngạch xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Việt Nam theo tính toán của tác giả dựa trên số liệu hàng năm của Cục Thống kê Hàn Quốc (đến quý I năm 2022), giai đoạn 1992-2001 bình quân gần 1,3 tỷ USD/năm, tổng đạt trên 13 tỷ USD/10 năm; giai đoạn 2002-2009 bình quân trên 4,5 tỷ USD/năm, tổng đạt khoảng 36,1 tỷ USD/8 năm, gấp gần 2,8 lần giai đoạn trước; giai đoạn 2010-2022 bình quân trên 31,9 tỷ USD/năm, tổng đạt khoảng 414,8 tỷ USD/13 năm, gấp gần 11,5 lần giai đoạn trước. Và trong khoảng 30 năm từ 1992 đến 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Việt Nam đạt khoảng 463,9 tỷ USD, năm 2021 tăng gấp 130 lần so với năm 1992.

Còn kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc giai đoạn 1992-2001 bình quân trên 208 nghìn USD/năm, tổng đạt khoảng 2,1 tỷ USD/10 năm; giai đoạn 2002-2009 bình quân trên 1,1 tỷ USD/năm, tổng đạt khoảng 9,1 tỷ USD/8 năm, gấp hơn 4,3 lần giai đoạn trước; giai đoạn 2010-2022 bình quân gần 12,5 tỷ USD/năm, tổng đạt gần 162,4 tỷ USD/13 năm, gấp hơn 17,8 lần giai đoạn trước. Trong khoảng 30 năm 1992-2022, tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc từ Việt Nam đạt trên 173,5 tỷ USD, bằng 37,4% so với xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Việt Nam; riêng năm 2021 tăng gấp 418 lần so với năm 1992. Đây thực sự là những con số cực kì ấn tượng khó có mối quan hệ hợp tác thương mại nào giữa Việt Nam với quốc gia khác có thể có được.

Thành quả đạt được trong hợp tác thương mại song phương Việt Nam và Hàn Quốc lớn tới mức có khi vượt qua mong đợi, dự báo, mục tiêu của cả hai bên. Năm 2015, Việt Nam và Hàn Quốc khi kí kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đặt mục tiêu đưa thương mại hai nước đạt mức 70 tỷ USD vào năm 2020. Nhưng tới năm 2017, thương mại hai chiều đã tăng lên ngoạn mục ở mức 60 tỷ USD, đưa Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc. Thành quả này gần như đã sắp chạm đến mục tiêu 70 tỷ USD vào năm 2020 mà hai nước đã đặt ra năm 2015. Với tiềm năng thương mại dồi dào, năm 2018, hai bên đã thống nhất đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên một mốc mới là 100 tỷ USD vào năm 20202. Do đại dịch Covid-19 bùng phát, mục tiêu này đã được chuyển sang cho năm 2023 và hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc lên tới 150 tỷ USD vào năm 2030.

Với thành quả lớn đạt được trong hợp tác thương mại, vị thế của Việt Nam và Hàn Quốc trong thương mại quốc tế của mỗi bên đều gia tăng nhanh chóng. Tổng hợp số liệu ghi nhận của Cục Hải quan Hàn Quốc hàng năm trong 30 năm qua, ngôi vị của Việt Nam trong xuất khẩu của Hàn Quốc từ chỗ chưa được xếp hạng đã nhanh chóng đứng vào Top 20 vào năm 2001, sau 9 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và là thời điểm nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện. Năm 2009, thời điểm hai nước nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược, Việt Nam thuộc Top 10 đối tác xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. Năm 2015, Việt Nam đứng vào Top 5 và từ năm 2017 đến nay, tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 3, là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, chỉ đứng sau Trung Quốc và Mỹ3.

Những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc là linh kiện điện thoại, linh kiện máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải các loại, máy móc, thiết bị phụ tùng khác, hóa chất, phân bón… Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là sản phẩm dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, sản phẩm điện tử, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, giày dép các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng, xơ, sợi dệt các loại…

 

Hình 1: Xuất nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc giai đoạn 1992-2022 (nghìn USD)


Nguồn: Cục Thống kê Hàn Quốc, K-Stat, Thống kê xuất nhập khẩu hàng năm (1992-2022)



Về đầu tư, theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam về FDI lũy kế đến ngày 20/11/2021 thì Hàn Quốc dẫn đầu, trước cả Nhật Bản, Singapore với 74,1 tỷ USD với 9.203 dự án (chế biến, chế tạo, bất động sản) còn hiệu lực, quy mô dự án trung bình 8,1 triệu USD/11,8 triệu USD), đạt quy mô 67% so với mức trung bình của dự án FDI ở Việt Nam. Đầu tư Việt Nam sang Hàn Quốc đã có 52 dự án (công nghệ, khai khoáng, chế biến) với vốn đầu tư đăng ký trên 26 triệu USD. Trong 3 tháng đầu năm 2022, có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng thứ hai, chỉ sau Singapore với gần 1,61 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng, trong 9 tháng năm 2022, FDI Hàn Quốc đạt hơn 3,8 tỷ USD, tiếp tục giữ vị trí thứ hai trong tổng số 97 quốc gia[2].

Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng khoảng 700 nghìn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam4. FDI của Hàn Quốc chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, R&D, xây dựng, kinh doanh bất động sản… trong đó đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng mạnh từ năm 2009, từ mức 60% giai đoạn trước lên mức trên 80% hiện nay. Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, công nghiệp, công nghệ cao chiếm ưu thế so với các dự án công nghiệp nhẹ. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã có đóng góp lớn đối với tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ cho Việt Nam. Hiện Samsung là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất vào Việt Nam. Công ty này đã đầu tư cộng dồn vào Việt Nam khoảng 17 tỷ USD, sử dụng khoảng 100.000 lao động, xuất khẩu 54,4 tỷ USD năm 2017, khoảng 58 tỷ USD năm 20185. Samsung cũng đã vượt Petro Vietnam trở thành công ty lớn nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Năm 2017, Samsung chiếm tới 25,4% trong tổng 214 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và góp tới 5,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng và 14,5% vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam6. Samsung còn giúp đưa Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu điện thoại thông minh đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Bên cạnh đó, công ty điện tử LG Electronics cũng đã mở nhà máy sản xuất màn hình ti vi trị giá 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng. Còn Lotte, tập đoàn bán lẻ mạnh của Hàn Quốc cũng đang sở hữu chuỗi bách hóa, siêu thị lớn có mặt ở khắp Việt Nam.

Sự tham gia của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam trong nhiều ngành nghề đang mang lại những lợi ích kinh tế lớn cho mỗi bên, quan trọng hơn nó đang góp phần đáng kể trong việc kích thích tăng trưởng, tạo việc làm, đưa Việt Nam tham gia chặt chẽ hơn vào mạng sản xuất toàn cầu và nâng cấp vị thế công nghiệp của Việt Nam trong khu vực. Sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn như Samsung, LG… có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc lan tỏa kỹ năng, xây dựng năng lực sản xuất. Kênh kết nối giữa FDI và các doanh nghiệp nội địa có vai trò hết sức quan trọng trong lan tỏa công nghệ và nâng cấp công nghiệp của quốc gia. Hơn nữa, sự tham gia của nhiều nhà sản xuất lớn của Hàn Quốc cũng sẽ góp phần lôi kéo các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn vào Việt Nam. Trong các cuộc tiếp xúc ở nhiều cấp, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang có những cam kết trong hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực khoa học công nghệ, giúp chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, giúp Việt Nam tạo dựng vị thế kinh tế, tham gia chặt chẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu để trở thành một trung tâm sản xuất chế tạo trong khu vực thậm chí là cứ điểm sản xuất toàn cầu7.

Về hỗ trợ phát triển, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc trong chính sách ODA. Việt Nam hiện đang là quốc gia nhận được nhiều nhất hỗ trợ phát triển cả viện trợ không hoàn lại và ODA từ Hàn Quốc. Và Hàn Quốc là một trong những đối tác hỗ trợ ODA lớn nhất, luôn đứng ở vị trí thứ hai hoặc thứ ba của Việt Nam. Trong 30 năm qua, hỗ trợ ODA của Hàn Quốc dành cho Việt Nam cũng ngày càng tăng. Tổng hợp từ số liệu của OECD, nghiên cứu này đã thấy rằng trong giai đoạn năm 1992-2001, ODA Hàn Quốc dành cho Việt Nam đạt gần 136,6 triệu USD. Trong giai đoạn năm 2002-2009 đạt trên 273 triệu USD, gấp 2 lần giai đoạn trước. Còn trong giai đoạn 2009-2020, ODA Hàn Quốc dành cho Việt Nam đạt gần 1,8 tỷ USD, gấp 6,6 lần so với giai đoạn trước. Trong 30 năm qua, năm 2013 là năm mà ODA Hàn Quốc dành cho Việt Nam đạt mức cao nhất lên tới hơn 238,4  triệu USD, cao hơn của cả giai đoạn 1992-2001 và gần bằng cả giai đoạn 2002-2009.


Hình 2: ODA Hàn Quốc dành cho Việt Nam giai đoạn 1992-2022 (triệu USD)

Nguồn: OECD Stat, Aid Aid (ODA) disbursements to countries and regions.

 

Từ năm 2011, Hàn Quốc tuyên bố xem Việt Nam là trọng tâm cũng như hình mẫu cung cấp ODA, đồng thời, chọn Việt Nam là một trong 26 nước thuộc “Đối tác chiến lược hợp tác ODA” với ba trọng tâm là tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng8. Viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam gồm có hai nguồn chính là viện trợ không hoàn lại chủ yếu do KOICA trực thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thực hiện và vốn vay chủ yếu được cung cấp thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) do Ngân hàng Korea Eximbank thuộc Bộ Tài chính phụ trách thực hiện. Trong giai đoạn 1991-2015, KOICA đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 240 triệu USD với mức hỗ trợ tăng liên tục hàng năm, và gần đây là trung bình khoảng 30 triệu USD/năm, chủ yếu trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường và nâng cao năng lực thể chế. Năm 2015, KOICA đã viện trợ gần 30 triệu USD cho Việt Nam qua 19 dự án đang triển khai và nhiều hình thức viện trợ khác. Hàn Quốc cũng hỗ trợ đào tạo nhân lực thông qua các khóa đào tạo ngắn và dài hạn. Nhiều chương trình của KOICA thực hiện theo hình thức vốn đối ứng có đóng góp tài chính của Việt Nam như triển khai nghiên cứu tiền khả thi và khả thi dự án tuyến Metro số 5, giai đoạn 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2016-2020, các lĩnh vực ưu tiên của viện trợ không hoàn lại từ Hàn Quốc gồm có: phát triển nông thôn, y tế, hạ tầng (giao thông, đô thị, cấp thoát nước), ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, năng lượng, quản lý nhà nước. Một phần nguồn vốn của KOICA dành cho hợp tác tài chính, giúp Việt Nam nâng cao năng lực quản lý, giám sát tài chính, giúp đảm bảo ổn định vĩ mô và cân đối ngân sách9.

Nguồn ODA vốn vay chủ yếu được cung cấp thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) đã tăng hết sức nhanh chóng trong thời gian qua. Con số này từ mức hơn 300 nghìn USD năm 1992 đã tăng lên đến 16,03 triệu USD năm 2005, và đến năm 2015 khoản viện trợ này đã tăng vọt lên đến con số 217,16 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành nước nhận ODA lớn nhất từ Hàn Quốc, và Hàn Quốc là nhà cung cấp ODA lớn thứ hai cho Việt Nam sau Nhật Bản10. Các hiệp định tín dụng được ký kết giữa hai bên liên tục gia tăng nguồn tài trợ ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam. Cụ thể là Hiệp định khung giai đoạn 2008-2011 trị giá 1 tỷ USD và Hiệp định khung giai đoạn 2012-2015 trị giá 1,2 tỷ USD. Trong giai đoạn 2016-2020, thông qua EDCF hai bên tiếp tục ký kết Hiệp định tín dụng trị giá 1,5 tỷ USD với dự kiến 70% tổng viện trợ sẽ dành cho bốn lĩnh vực ưu tiên là giao thông, nước và y tế, quản lý nhà nước và giáo dục. Hàn Quốc có các công trình lớn từ vốn ODA tại Việt Nam như: cầu Vàm Cống, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam. Ngoài ra, Hàn Quốc còn viện trợ cho các dự án như: Bệnh viện Đà Nẵng, Lào Cai, Nhà máy điện mặt trời Quảng Bình, chương trình cấp thoát nước Long Xuyên, chương trình chống biến đổi khí hậu và Trung tâm thông tin dữ liệu chính phủ...

Mối quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng và ngày càng được tăng cường theo thời gian đã đưa Việt Nam và Hàn Quốc trở thành bạn hàng, đối tác hàng đầu của nhau. Năm 2017 là năm đầu tiên Hàn Quốc đạt được vị trí cao nhất trong hợp tác kinh tế với Việt Nam với thành tích là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, là nhà cung cấp ODA lớn thứ hai cho Việt Nam sau Nhật Bản. Hàn Quốc cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư và thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Còn Việt Nam là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ tư của Hàn Quốc (sau Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông), là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc11. Năm 2022, Hàn Quốc vẫn tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, là nhà cung cấp ODA lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ. Dù có nhiều khó khăn chủ quan và khách quan trong suốt ba thập kỷ qua, Hàn Quốc vẫn tiếp tục giữ vững vị thế là đối tác hợp tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.

3. Một số đánh giá

Trong 30 năm qua, với nhiều điều kiện thuận lợi, hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc không ngừng được tăng cường, mở rộng và đạt được những thành quả ngày càng to lớn, góp phần phát triển kinh tế của mỗi nước và thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng sâu sắc hơn trên nhiều lĩnh vực. Hàn Quốc và Việt Nam trong một thời gian tương đối dài luôn duy trì là đối tác thương mại, đầu tư, hỗ trợ phát triển hàng đầu của nhau và luôn cầu thị cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên. Trong bối cảnh đầy tươi sáng của hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc, hai bên vẫn luôn luôn cùng nhau lắng nghe, xem xét những vấn đề còn hạn chế, tìm cách giải quyết để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển giữa hai nước.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc đã tăng nhiều lần, đặc biệt là từ sau khi FTA Hàn - Việt được kí kết năm 2015 nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục thâm hụt cán cân thương mại với Hàn Quốc. Quy mô thương mại Việt – Hàn ngày càng tăng thì mức thâm hụt thương mại cũng ngày càng lớn. Năm 2001, sau gần 10 năm thiết lập quan hệ, Việt Nam thâm hụt hơn 1,3 tỷ USD, năm 2009 thâm hụt gần 4,8 triệu USD, năm 2015 - thời điểm kí kết FTA Việt - Hàn, thâm hụt khoảng 18 tỷ USD, năm 2021 thâm hụt gần 32,8 tỷ USD. Hiện tượng xuất khẩu sang Hàn Quốc của Việt Nam chỉ ở mức trên dưới 50% so với mức thâm hụt thương mại gần như duy trì trong suốt nhiều năm qua. Kí kết hiệp định thương mại tự do vào năm 2015, hai bên đã cam kết nỗ lực giảm thiểu mức độ chênh lệch này trong cán cân thương mại Việt - Hàn. Tuy nhiên, sau khoảng 7 năm thực hiện, hiện tượng này cũng chưa được cải thiện. Chưa kể, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam như Samsung chiếm khoảng 25-30% xuất khẩu của Việt Nam cho thấy phần xuất khẩu của các sản phẩm nội địa của Việt Nam còn rất hạn chế. Đóng góp của giá trị gia tăng nội địa vào giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam đang giảm dần theo thời gian12. Cũng có ý kiến cho rằng sự thâm hụt thương mại này giữa Việt Nam và Hàn Quốc là đương nhiên và không cần lo lắng quá do cơ cấu kinh tế của Việt Nam, chưa có được nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị với hàm lượng kỹ thuật cao. Nhưng với mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược trong nhiều năm qua và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong tương lai giữa Việt Nam và Hàn Quốc thì chênh lệch cán cân thương mại hai bên cần phải được khắc phục, không chỉ qua tăng cường xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc mà còn cần tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ, tái cơ cấu kinh tế, tạo ra những sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao hơn.

Do đó, trong hợp tác đầu tư Việt Nam- Hàn Quốc, chuyển giao công nghệ cũng trở nên quan trọng hơn nhiều. Trong khi đầu tư từ Việt Nam sang Hàn Quốc còn ít, chưa phát huy được tiềm năng, dự án đầu tư của Hàn Quốc ở Việt Nam còn chia lẻ, quy mô nhỏ hơn so với mức trung bình (67%), thì chuyển giao công nghệ Hàn Quốc - Việt Nam cũng còn hạn chế. Việc tiếp cận nguồn thông tin của các đối tác từ hai bên cung và cầu trong hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn và chủ yếu thuộc phía Việt Nam như thủ tục xét duyệt, cấp kinh phí cho dự án, tổng kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của Việt Nam nhỏ, các doanh nghiệp Việt chưa tích cực, chưa quan tâm đầy đủ đến đầu tư cho công nghệ... Mặc dù những khó khăn này phần nhiều đến từ phía Việt Nam nhưng cũng rất cần Hàn Quốc quan tâm hỗ trợ để khắc phục càng nhanh càng tốt, đầu tư có trọng điểm với công nghệ mang tính chiến lược, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Trong 30 năm qua, dù có những khó khăn chủ quan của mỗi nước và những khó khăn khách quan như khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997-1998, suy thoái kinh tế toàn cầu 2007-2008 và gần đây là đại dịch Covid-19, nhưng quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc vẫn tiếp tục phát triển với những lần nâng cấp quan hệ sau những khó khăn chung. Dường như sau những khó khăn, hai bên càng thấy coi trọng hơn mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong phục hồi và phát triển. Do đó, hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc cũng dường như càng khó khăn lại càng phát triển mạnh mẽ hơn giai đoạn trước nhiều lần. Năm 2022, sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, ngày 5 tháng 12 vừa qua, Việt Nam và Hàn Quốc đã tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Điều này một lần nữa minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của quan hệ hợp tác giữa hai nước qua mỗi lần khó khăn và thử thách. Cùng với việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc sẽ bước vào một chặng đường phát triển mới, trên cơ sở những thành công đã đạt được, giải quyết những hạn chế còn tồn đọng, phát huy được các tiềm năng vốn có, hứa hẹn sẽ đạt được nhiều thành quả to lớn hơn trong tương lai./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016),  “Tổng quan quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc”, Cổng thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư http://www.mpi.gov.vn/_layouts/MPIPortalCMS/InChiTietTin.aspx?idTin=34467.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam (2021), Số liệu FDI hàng tháng,  Cổng thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư, https://fia.mpi.gov.vn/ List/MenuID/07edbbe1-67a3-484b-a4e2-b5faef1b9de5/CatID/457641e2-2605-4632-bbd8-39ee65454a06.
  3. Cục Thống kê Hàn Quốc, K-Stat, Thống kê xuất nhập khẩu hàng năm (1992-2022).
  4. Hà Linh (2018), “GDP tăng trưởng ngoạn mục, Samsung, Formosa đóng góp lớn cho nền kinh tế”, An ninh thủ đô, 27/12/2017.
  5. Hồng Kiều, “Đẩy mạnh toàn diện quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt-Hàn”, Thông tấn xã Việt Nam/Vietnam Plus, https://www. vietnamplus.vn/day-manh-toan-dien-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-viethan/283522.vnp.
  6. Kwak Sung-il, Bea Yong-Hun, Lee Han-Woo & đồng nghiệp (2021), 30 năm hợp tác kinh tế và xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc: Nghiên cứu phương án hợp tác bền vững trong tương lai, KIEP, 215 trang.
  7. Lee Han Woo, Bùi Thế Cường (2015), Việt Nam - Hàn Quốc: Một phần tư thế kỷ chia sẻ cùng phát triển, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  8. Nguyễn Thị Thắm & đồng nghiệp (2018), Quan hệ của Việt Nam với hai quốc gia trên Bán đảo Triều Tiên, Đề tài cấp Bộ 2017-2018, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
  9. ODA Korea, https://www.odakorea. go.kr/eng.result.RegionCountry_Asia.do.
  10. Thủy Diệu (2018), “Samsung Việt Nam lên tiếng về tin ‘chuyển sản xuất sang Triều Tiên’”, Vneconomy, https://vneconomy.vn/ samsung-viet-nam-len-tieng-ve-tin-chuyen-san-xuat-sang-trieu-tien.htm.
  11. Văn phòng Chủ tịch nước (2018), Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới tương lai (한-베트남 미래지향 공동선언 ), Báo Nhân dân, https://nhandan.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-han-quoc-huong-toi-tuong-lai-post319548.html.
  12. Kwon Yul (2018), So sánh đánh giá của Hàn - Trung - Nhật về Việt Nam (베트남을 바라보는 한∙중∙일 시각비교), 한국기업 베트남 진줄로 보는 과거, 현제 그리고 미래, Multi-Insight Forum in Vietnam 2018.
  13. Cục Hải quan Hàn Quốc, Thống kê xuất nhập khẩu hàng năm (관세청, 수출입통계 각년도).

 

 

 

 

 



[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

2 Văn phòng Chủ tịch nước (2018), Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới tương lai (한-베트남 미래지향 공동선언 ), Điều 22, 24/03/2018, https://nhan dan.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-han-quoc-huong-toi-tuong-lai-post319548.html.

3 Cục Hải quan Hàn Quốc, Thống kê xuất nhập khẩu hàng năm (관세청, 수출입통계 각년도).

[2] Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam (2021), Số liệu FDI hàng tháng, https://fia.mpi.gov.vn/List/MenuID/07edb be1-67a3-484b-a4e2-b5faef1b9de5/CatID/457641e2-260 5-4632-bbd8-39ee65454a06.

4 Nam Hải, “Đầu tư vào Việt Nam: Câu chuyện thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc”, Vietnamnet,  11/04/2017, https://cafef.vn/dau-tu-vao-viet-nam-cau-chuyen-thanh-cong-cua-dn-han-quoc-201704120957457 98.chn.

5 Thủy Diệu (2018), “Samsung Việt Nam lên tiếng về tin ‘chuyển sản xuất sang Triều Tiên’”, Vneconomy, 19/10/2018, https://vneconomy.vn/samsung-viet-nam-len-tieng-ve-tin-chuyen-san-xuat-sang-trieu-tien.htm.

6 Hà Linh (2018), “GDP tăng trưởng ngoạn mục, Samsung, Formosa đóng góp lớn cho nền kinh tế”, An ninh thủ đô, 27/12/2017, https://www.anninhthudo.vn/gdp-tang-truong -ngoan-muc-samsung-formosa-dong-gop-lon-cho-nen-kinh-te-post339961.antd.

7 Nguyễn Thị Thắm & đồng nghiệp (2018), Mối quan hệ của Việt Nam với hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên, Đề tài cấp Bộ 2017-2018, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

8 Hồng Kiều, “Đẩy mạnh toàn diện quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt-Hàn”, Thông tấn xã Việt Nam/Vietnam Plus, 28/9/2014, https://www.vietnamplus. vn/day-manh-toan-dien-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-viethan/283522.vnp.

9 Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), “Tổng quan quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc”, 5/10/2016: http://www.mpi. ov.vn/_layouts/MPIPortalCMS/InChiTietTin.aspx?idTin =34467.

10 Lee Han Woo, Bùi Thế Cường (2015), Việt Nam - Hàn Quốc: một phần tư thế kỷ chia sẻ cùng phát triển, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; ODA Korea: https://www.odakorea.go.kr/eng.result.RegionCountry_Asia.do.

11 Kwon Yul, 2018, So sánh đánh giá của Hàn - Trung - Nhật về Việt Nam (베트남을 바라보는 한∙중∙일 시각비교), 한국기업 베트남 진줄로 보는 과거, 현제 그리고 미래, Multi-Insight Forum in Vietnam 2018.

12 Kwak Sung-il, Bea Yong-Hun, Lee Han-Woo & đồng nghiệp (2021), 30 năm hợp tác kinh tế và xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc: Nghiên cứu phương án hợp tác bền vững trong tương lai, KIEP, tr. 47.

0thảo luận