Trang chủ

Một số vấn đề chính trị - an ninh nổi bật tại khu vực Đông Bắc Á năm 2022 và triển vọng

Đăng ngày: 26-08-2024, 13:04 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 12

Phạm Hồng Thái1

 

 

Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích bối cảnh quốc tế và khu vực, bài viết tổng kết, đánh giá một số vấn đề chính trị và an ninh nổi bật của khu vực Đông Bắc Á năm 2022.  Đó là các vấn đề: sự bất ổn trong quan hệ Nhật – Trung; những thách thức mới trong quan hệ Trung – Hàn; tăng cường liên minh Nhật – Mỹ - Hàn; sự manh nha quan hệ tay ba Trung - Triều - Nga; triển vọng bế tắc của việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bài viết cũng đưa ra một số dự báo về triển vọng chính trị - an ninh khu vực trong năm 2023 trên cơ sở phân tích những nhân tố dự báo tác động đến đời sống chính trị - an ninh khu vực trong thời gian tới.

Từ khóa: Đông Bắc Á năm 2022, vấn đề chính trị - an ninh nổi bật, dự báo triển vọng

 


1. Bối cảnh quốc tế và khu vực[1]

Năm 2022, cục diện chính trị - an ninh khu vực Đông Bắc Á tiếp tục có những chuyển biến mới và phức tạp trước sự tác động đa chiều của những nhân tố quốc tế và khu vực. Trong số đó, phải kể đến ba nhân tố quan trọng sau đây:

Thứ nhất, cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ tiếp tục gia tăng và có những diễn biến phức tạp khó lường.

Từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ trở nên toàn diện và có hệ thống hơn so với thời kỳ của tổng thống tiền nhiệm, từ đấu tranh do mâu thuẫn ý thức hệ, cuộc chiến về thương mại và công nghệ, đến cạnh tranh địa chính trị. Vào tháng 2/2022, chính quyền Joe Biden đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở với 5 trụ cột: tự do và rộng mở, kết nối, thịnh vượng, an ninh, có sức chống chịu tốt. Trên cơ sở đó, Mỹ nỗ lực làm sâu sắc thêm liên minh với các đối tác truyền thống trong khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Cùng với việc tăng cường nguồn lực và hỗ trợ an ninh trong khu vực như xây dựng năng lực hàng hải, tăng cường sự hiện diện và hợp tác của lực lượng tuần duyên ở Đông Nam Á, Nam Á và các đảo Thái Bình Dương, Mỹ còn chú trọng đầu tư vào các tổ chức khu vực, bao gồm ASEAN và quan hệ đối tác Bộ tứ với Australia, Ấn Độ và Nhật Bản; kêu gọi gắn kết các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu với nhau theo những cách thức mới, như thông qua hiệp ước an ninh AUKUS; tăng cường năng lực răn đe mở rộng và phối hợp với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản theo đuổi phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Động thái mới của Mỹ đã có tác động mạnh mẽ tới chính sách đối ngoại của các nước trong khu vực Ấn Độ dương – Thái Bình Dương, nhất là đối với Đông Bắc Á, nơi có hai đồng minh chiến lược quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thứ hai, cuộc chiến của Nga tại Ukraine nổ ra làm rung chuyển và định hình những nét mới cho cục diện chính trị - an ninh khu vực.

Ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công vào lãnh thổ nước Ukraine láng giềng với lí do được tuyên bố là chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine. Ngày 30/9, Nga đã tiến hành sáp nhập chính thức bốn vùng lãnh thổ ở Ukraine và bỏ ngoài tai những sự chỉ trích từ phương Tây và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Cuộc chiến của Nga tại Ukraine khiến tình hình quốc tế trở lên hỗn loạn trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc gia tăng. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhiều lần tiến hành bỏ phiếu và ra các lệnh trừng phạt đòi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine song triển vọng kết thúc cuộc chiến cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Việc tỏ thái độ đối với các nghị quyết trừng phạt Nga của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như tình trạng Nga bị bao vây cấm vận về kinh tế chưa từng có đã ảnh hưởng to lớn tới đời sống kinh tế và chính trị toàn thế giới, buộc các nước phải điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp với bối cảnh mới. Hệ quả tất yếu của tình trạng này là sự dịch chuyển ít nhiều cục diện chính trị - an ninh thế giới và khu vực Đông Bắc Á.

Thứ ba, bầu cử Hạ viện Mỹ và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX trở thành yếu tố lớn, có tác động đa chiều tới tình hình chính trị - an ninh khu vực.

Trung Quốc tiến hành Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX vào tháng 10/2022. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội, Trung Quốc rất cần ổn định về chính trị và an ninh kể cả đối nội và đối ngoại để có điều kiện tập trung cho công tác tổng kết và xây dựng phương hướng chiến lược cho tương lai. Đặc biệt về đối ngoại, Trung Quốc cần phải đáp ứng khát vọng và niềm kiêu hãnh đang lên của người dân Trung Quốc về những thành tựu to lớn đất nước đã đạt được sau hơn 40 năm cải cách mở cửa, nhất là giới lãnh đạo Trung Quốc phải thể hiện được vị thế cường quốc thế giới của mình trong cuộc cạnh tranh toàn diện ngày một gia tăng với Mỹ.

Trong khi đó, tại Mỹ, cuộc bầu cử Hạ viện được tổ chức vào tháng 11/2022. Đây cũng là sự kiện chính trị trọng yếu trên chính trường nước Mỹ diễn ra 2 năm một lần để lựa chọn những đại biều dân cử vào cơ quan có quyền lực đặc biệt trong việc đưa ra các quyết sách cho đất nước. Chính vì vậy, đây cũng là dịp thể hiện cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Đảng Dân chủ cầm quyền và các đảng phái chính trị đối lập để giành ưu thế trong Hạ viện. Trong bối cảnh đó, để trở thành phe đa số trong Hạ viện, chính quyền Tổng thống Joe Biden cần phải nỗ lực cùng các đồng minh đạt được những mục tiêu triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; đồng thời tạo được ấn tượng về áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc để thuyết phục cử tri thông qua chính sách tăng cường hợp tác với các đồng minh gây sức ép chống lại Trung Quốc.

2. Một số vấn đề chính trị - an ninh nổi bật

Trong số các vấn đề chính trị - an ninh khu vực Đông Bắc Á năm 2022, có thể thấy một số vấn đề nổi bật sau:

Thứ nhất, quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc tiếp tục một năm nhiều bất ổn.

Năm 2022, Nhật Bản và Trung Quốc kỉ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, đánh dấu những thành tựu hợp tác mới trong lĩnh vực kinh tế. Nhật Bản và Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu của nhau, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Năm 2021, tổng thương mại song phương Trung - Nhật đạt 371,4 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, một thành tích rất đáng chú ý trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trì trệ. Năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và đây là năm thứ 15 liên tiếp Trung Quốc ở vị trí này. Hơn nữa, khối lượng thương mại song phương Trung - Nhật đã tăng hơn 120 lần kể từ năm 1972[2].

Mặc dù vậy, tình trạng “lạnh nhạt” và căng thẳng về chính trị - an ninh trong quan hệ song phương vẫn không được cải thiện. Năm 2022, Trung Quốc đã tiến hành nhiều lần các cuộc tập trận chung với các đối tác, nhất là với Nga tại khu vực biển Nhật Bản và biển Hoa Đông, trong đó có sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga và H-6K của Trung Quốc [3]. Các cuộc tập trận này đã tạo nên áp lực an ninh mới đối với Nhật Bản và đồng minh Hoa Kỳ. Theo một số ý kiến đánh giá, hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga có thể dẫn đến việc thiết lập cấu trúc Chiến tranh Lạnh mới gồm "Mỹ và các đồng minh đối đầu với Trung Quốc và Nga" và làm tăng nguy cơ đụng độ quân sự[4].

Đối lại, Nhật Bản tăng cường năng lực an ninh, nhất là tại biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan vừa qua, Nhật Bản đã có những động thái đáp trả rất quyết liệt. Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự định củng cố các đơn vị tên lửa và tác chiến điện tử đồn trú tại quần đảo Nansei (南西諸島) – gồm một chuỗi các hòn đảo ở phía tây Thái Bình Dương sát mép phía đông của biển Hoa Đông và gần đảo Đài Loan trong bối cảnh nguy cơ xung đột gia tăng tại khu vực này. Nhật Bản còn hợp tác với Mỹ và các nước khác trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, bảo vệ các công nghệ nhạy cảm… để tăng cường an ninh kinh tế[5]. Việc Nhật Bản hưởng ứng đề xuất của Chính phủ Mỹ về thành lập liên minh công nghiệp bán dẫn với các đối tác châu Á “Chip-4”, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan được cho là không chỉ nhằm tận dụng thế mạnh của từng thành viên, chi phối tất cả các lĩnh vực chính của chuỗi giá trị mà còn hướng tới khả năng bỏ qua chuỗi cung ứng bán dẫn của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự phát triển công nghệ của nước này.

Bất chấp những thách thức an ninh như đã đề cập, năm 2022 Trung Quốc và Nhật Bản vẫn nỗ lực cải thiện quan hệ song phương mang tính xây dựng thông qua đối thoại. Trong cuộc đàm phán an ninh cấp cao diễn ra ngày 17/8/2022 tại Thiên Tân,  Trung Quốc, hai bên đã đồng ý tiếp tục đối thoại hướng tới việc thiết lập quan hệ song phương mang tính xây dựng và ổn định trong bối cảnh căng thẳng 2 nước gia tăng xung quanh vấn đề eo biển Đài Loan[6]. Đặc biệt, trong cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ​​Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bangkok, Thái Lan ngày 17/11/2022, hai bên đã đạt 5 đồng thuận quan trọng: (1) khẳng định tầm quan trọng quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản đã và sẽ không thay đổi; (2) sớm tổ chức vòng đối thoại kinh tế cấp cao mới; (3) thống nhất hai bên nhận xét tích cực về các sự kiện kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao; (4) sớm đưa vào hoạt động đường dây điện thoại trực tiếp theo cơ chế liên lạc trên biển, trên không của Bộ Quốc phòng; (5) cùng nhau gánh vác trách nhiệm duy trì hòa bình và thịnh vượng quốc tế và khu vực.

Thứ hai, quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc đứng trước những trở ngại mới.

Năm 2022 cũng là năm Trung Quốc và Hàn Quốc kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24/8/2022). Đến nay, Hàn Quốc và Trung Quốc đã phát triển mối quan hệ song phương thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với quy mô trao đổi kinh tế giữa hai nước tăng trưởng vượt bậc. Tổng kim ngạch thương mại song phương Hàn - Trung tăng hơn 47 lần trong vòng chưa đầy 30 năm, từ mức 6,4 tỷ USD ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 lên 301,5 tỷ USD vào năm 2021. Hiện nay, Trung Quốc chiếm khoảng 60% xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc[7]. Hàn Quốc cũng tham gia hàng loạt hiệp định do Trung Quốc khởi xướng bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tuy nhiên, quan hệ Hàn - Trung tiếp tục gặp không ít sóng gió. Vấn đề nổi cộm trong quan hệ song phương hiện nay là việc xử lý của Hàn Quốc đối với Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, vấn đề hợp tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh mới…. Trước những lo ngại an ninh của Trung Quốc về việc Mỹ tiếp tục triển khai THAAD tại Hàn Quốc, ngày 11/8/2022, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố khẳng định việc triển khai THAAD tại nước này là vì mục đích phòng vệ. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh THAAD là vấn đề "chủ quyền an ninh" và không thể đem ra thảo luận với nước ngoài[8], thể hiện lập trường khá cứng rắn đối với Trung Quốc.  Hàn Quốc cũng tham gia nhóm Chip 4 được cho là nhằm ngăn chặn Trung Quốc về phát triển công nghệ, mặc dù Hàn Quốc phủ nhận điều này và tránh không dùng từ “Liên minh Chip 4” thay vì thuật ngữ “Cơ quan tư vấn chuỗi cung ứng chất bán dẫn”. Với việc tuyên bố triển khai chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - ASEAN ở Campuchia tháng 11/2022, Hàn Quốc được cho là tiếp tục ngả về phía Washington[9].

Mặc dù vậy, mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế đang thúc đẩy hai nước nỗ lực tìm cách tránh gây xung đột và xích lại gần nhau. Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, một quan chức cấp cao nhất Trung Quốc từ trước tới nay đã đến dự buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Hàn Quốc, dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh dường như đang mong muốn thuyết phục chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol không tiếp tục theo đuổi cam kết tranh cử rằng sẽ cứng rắn hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc. Trong chuyến thăm gây nhiều tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan tháng 8/2022, Hàn Quốc là nước đầu tiên đứng ra kêu gọi các bên kiềm chế. Đáng chú ý là chuyến thăm Hàn Quốc từ Đài Bắc vào tối 3/8, các quan chức chủ chốt của Phủ Tổng thống và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã không ra đón tại máy bay. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng không gặp trực tiếp bà Pelosi với lí do đang trong kỳ nghỉ. Ông đã trở thành nhà lãnh đạo duy nhất của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà bà Pelosi không gặp được trong chuyến công du Đông Á lần này[10]. Thực tế này cho thấy Hàn Quốc cũng cố gắng tránh những chủ đề nhạy cảm, có thể chọc giận Trung Quốc.

Thứ ba, liên minh Mỹ - Nhật – Hàn thêm phần củng cố.

Năm 2022, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thể hiện nhiều nỗ lực trong việc tăng cường củng cố liên minh tay ba thông qua các cuộc họp ba bên trực tiếp được tổ chức khá gần nhau trong dịp 6 tháng cuối năm 2022. Cuộc họp trực tiếp đầu tiên trong năm giữa các nhà lãnh đạo ba bên diễn ra vào 29/6/2022, sau hơn 4 năm kể từ cuộc gặp gần nhất được tổ chức hồi tháng 9/2017 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Tây Ban Nha[11]. Năm tháng sau, ngày 13/11/2022, bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia, lãnh đạo thượng đỉnh Mỹ - Nhật – Hàn tiếp tục có cuộc gặp trực tiếp để thảo luận về vấn đề cấp bách về tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và nguy cơ nước này thử nghiệm hạt nhân lần thứ 7. Sau cuộp họp, ba nước lần đầu tiên đã ra tuyên bố chung bao quát về an ninh và kinh tế, đồng thời nhất trí thành lập "cơ chế đối thoại về an ninh kinh tế" cùng đối phó với tình hình "ép buộc kinh tế" của một số cường quốc khác[12]. Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh hợp tác ba bên là thành lũy vững chắc để bảo vệ các giá trị phổ quát, giữ vững nền hòa bình, an ninh của bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định, mặc dù hiện đang phải đối mặt với những thách thức thực tế nhưng liên minh Hàn - Mỹ - Nhật đang đoàn kết và sẵn sàng ứng phó hơn bao giờ hết. Thủ tướng Nhật Bản Kishida khẳng định sẽ thắt chặt tính đồng minh của ba nước để có thể hiên ngang đối mặt với các vấn đề phương Bắc[13].

Điểm sáng trong liên minh tay ba Mỹ- Nhật - Hàn Quốc là sự cải thiện quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản dưới chính quyền Yoon Suk-yeol. Quan hệ Nhật - Hàn đã trải qua nhiều sóng gió và đã không tổ chức đối thoại cấp cao dưới thời chính quyền Tổng thống Moon Jae-in do những bất đồng về các vấn đề lịch sử từ thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910-1945). Tuy nhiên, Tổng thống Yoon Suk-yeol chủ trương cải thiện quan hệ song phương và cho rằng quan hệ hai nước “nhiều khúc mắc trong quá khứ song cũng không ít lợi ích trong tương lai”, rằng Hàn Quốc và Nhật Bản có “nhiều nhiệm vụ trong tương lai” để hợp tác chặt chẽ với nhau, trong đó có vấn đề an ninh tại khu vực Đông Bắc Á. Ở cấp độ song phương, ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc đã gặp nhau nhiều lần trong năm, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương Nhật - Hàn cũng như liên minh Mỹ - Nhật - Hàn.

Thứ tư, quan hệ tay ba Trung - Triều - Nga thêm nồng ấm.

Chiến tranh Nga - Ukraine diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đã khuyến khích sự tăng cường các cặp quan hệ song phương Trung - Nga cũng như quan hệ của Triều Tiên với hai quốc gia láng giềng và mối quan hệ tay ba Trung - Triều - Nga ngày thêm nồng ấm.

Năm 2022, Nga và Trung Quốc gia tăng hơn nữa hợp tác quân sự, với trọng tâm là các cuộc tập trận và tuần tra chung, cũng như tăng cường trao đổi giữa các cơ quan tham mưu”. Trong tháng 09/2022, Nga khởi động cuộc tập trận “Vostok 2022”, được tổ chức bốn năm một lần tại vùng Viễn Đông quy tụ 14 nước tham dự trong đó có Trung Quốc. Cuộc tập trận có quy mô hơn 50.000 quân nhân, 5.000 vũ khí và thiết bị quân sự.  Theo Bộ Quốc phòng Nga, các hoạt động của cuộc tập trận chiến lược năm nay tập trung vào khả năng tác chiến hiệp đồng giữa các lực lượng đồng minh nhằm đảm bảo an ninh quân sự ở khu vực phía Đông, nơi có nguy cơ xung đột từ phía Mỹ và các đồng minh. Hơn thế nữa, Nga và Trung Quốc đã tiến hành tuần tra chung ở Bắc Thái Bình Dương (tháng 9/2022), ngoài khơi Nhật Bản với 8 tàu từ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tham gia. Lực lượng không quân Trung Quốc, Nga lần đầu tiên tổ chức cuộc tuần tra chiến lược chung hai lần trong năm với các chuyến thăm trao đổi máy bay chiến đấu đầu tiên. Đến nay, Nga và Trung Quốc đã tiến hành 5 lần tuần tra chiến lược chung trên không[14].

Trong khi đó, Triều Tiên tìm thấy cơ hội phá thế cấm vận và giảm nhẹ thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc từ việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong lúc cạnh tranh Trung – Mỹ gia tăng và Nga bị bao vây do các nghị quyết trừng phạt chưa từng có của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do cuộc chiến tranh mà nước này tiến hành tại Ukraine. Ở chiều ngược lại, tăng cường quan hệ với Triều Tiên cũng giúp Trung Quốc và Nga có thêm đồng minh và tận dụng những lợi ích nhiều mặt từ mối quan hệ này. Nga và Trung Quốc đã cùng phủ quyết một dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (26/5/2022) nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên sau một loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trước đó. Trung Quốc và Nga còn tiến bước cao hơn khi kêu gọi dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng vì chương trình vũ khí hạt nhân và phát triển vũ khí hạt nhân tên lửa đạn đạo tầm xa. Năm 2022 cũng chứng kiến lần đầu tiên kể từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chia rẽ về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên do chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của nước này[15]. Trong khi đó, Triều Tiên được cho là đã đề nghị cung cấp hàng nghìn lao động để giúp tái thiết Donetsk và Luhansk, hai nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine. Cũng có ý kiến ​​cho rằng Bình Nhưỡng đang xem xét gửi 100.000 quân tới cuộc xung đột[16].

Có ý kiến nhận định rằng, hiệu quả của những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tăng cường quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản là sự hội tụ các lợi ích và tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc, Nga và Triều Tiên[17]. Tất cả những diễn biến này dường như cho thấy một tam giác chiến lược đang nổi lên nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và thúc đẩy một hệ thống quốc tế đa cực.

Thứ năm, eo biển Đài Loan ở tình thế “bên miệng hố chiến tranh”.

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, Mỹ ngày càng thể hiện chiến lược mơ hồ về Đài Loan mặc dù vẫn chính thức tuyên bố lập trường “một Trung Quốc”. Năm 2022, tàu chiến của Mỹ và các đồng minh đã nhiều lần đi qua eo biển Đài Loan như thường lệ. Trong lúc Trung Quốc có phản ứng khó chịu thì Mỹ coi đây chỉ là thực hiện những chuyến quá cảnh "thường lệ" qua các vùng biển quốc tế. Đặc biệt là chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8/2022 đã đánh dấu mốc mới trong chiến lược mơ hồ về Đài Loan của Mỹ. Sau chuyến thăm này, một số đồng minh của Mỹ (Nhóm nghị sĩ châu Âu, Đoàn nghị sĩ Anh…) tuyên bố sẽ thăm Đài Loan khiến tình hình an ninh tại khu vực này càng trở nên căng thẳng. Tháng 8/2022, Trung Quốc đã phản ứng chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ bằng các cuộc tập trận có quy mô lớn chưa từng thấy xung quanh Đài Loan: cuộc tập trận đầu tiên gần đảo Đài Loan nhất, cuộc tập trận đầu tiên "bao vây" đảo Đài Loan, lần đầu tiên thiết lập trường bắn thực chiến ở phía đông đảo Đài Loan, tên lửa Trung Quốc lần đầu tiên bay qua đảo Đài Loan và bay qua vùng trời trên khu vực các hệ thống tên lửa Patriot được triển khai dày đặc. Năm 2022, eo biển Đài Loan đã trải qua tình huống rủi ro về an ninh cao nhất từ trước tới nay, nói cách khác eo biển Đài Loan đã trong tình thế “bên miệng hố chiến tranh”.

Thứ năm, triển vọng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trở nên xa vời.

Năm 2022, Triều Tiên tiếp tục chứng tỏ đạt được những tiến bộ mới về chế tạo tên lửa tầm xa, tên lửa đạn đạo có khả năng đe dọa Mỹ và đồng minh trong khu vực. Đặc biệt, Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên đã thông qua luật mới vào ngày 8/9, trong đó Triều Tiên công khai tuyên bố là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân và chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo tối cao Kim Jung-un tuyên bố “Ý nghĩa quan trọng nhất của việc lập pháp chính sách vũ khí hạt nhân là vạch ra một ranh giới không thể đảo ngược để không có sự thương lượng về vũ khí hạt nhân của chúng ta”. Ông khẳng định Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân ngay cả khi quốc gia này phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kéo dài 100 năm"[18]. Trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ tổ chức các cuộc tập trận được cho là nhằm vào Triều Tiên, Triều Tiên gia tăng các vụ phóng tên lửa đạn đạo, điển hình là việc nước này phóng ít nhất 23 tên lửa vào ngày 2/11/2022, bằng cả số tên lửa mà Triều Tiên đã phóng vào năm 2017, trong đó có một tên lửa lần đầu tiên rơi xuống khu vực ngoài khơi bờ biển Hàn Quốc[19]. Những cuộc tập trận Mỹ - Hàn và những động thái an ninh mới của Triều Tiên khiến an ninh trên bán đảo Triều Tiên và khu vực trở nên căng thẳng và có nguy cơ quay trở lại trạng thái trước khi có các cuộc gặp mặt thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Trong bối cảnh chính sách của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đối với Triều Tiên có phần cứng rắn hơn so với trước đây và sự xích lại gần nhau của quan hệ tay ba Trung - Triều - Nga, triển vọng về việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và không khí hòa dịu trong quan hệ liên Triều trong thời gian tới trở nên mờ mịt.

3. Dự báo triển vọng chính trị - an ninh khu vực Đông Bắc Á năm 2023

3.1. Bối cảnh

Tình hình chính trị - an ninh năm 2023 và các năm tới diễn ra trong bối cảnh với những điểm mới đáng chú ý sau đây:

Trung Quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XX, trong đó Trung Quốc phấn đấu sẽ trở thành quốc gia hùng mạnh thế giới vào giữa thế kỷ XXI, đánh dấu thời kỳ Trung Quốc phát triển đi vào chiều sâu, độc lập về công nghệ tiên tiến, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao[20]; nỗ lực thống nhất Đài Loan bằng con đường hòa bình nhưng sẽ không từ bỏ biện pháp dùng vũ lực để chống lại thế lực đòi độc lập và sự can thiệp từ bên ngoài. Lần đầu tiên việc dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan được đề cập chính thức trong Đại hội Đảng. Đặc biệt là năm 2027 trở thành mốc thời gian được giới phân tích chú ý: 100 năm thành lập Quân đội Trung Quốc, tới thời điểm đó nếu Trung Quốc giành thắng lợi trong kế hoạch thôn tính Đài Loan, đó sẽ là cơ hội mở đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình trở thành lãnh tụ suốt đời[21].

Mỹ và đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc) tích cực triển khai chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Hàn Quốc triển kha chiến lược Ấn – Thái xác định lập trường ngả rõ hơn về phía Mỹ. Đặc biệt, đến năm 2023, có một kế hoạch liên kết hệ thống phòng thủ tên lửa của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ với hệ thống THAAD hiện tại của Hàn Quốc. Sự tiến bộ của một hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy chắc chắn sẽ gây ra sự hợp tác quân sự gia tăng giữa Hàn Quốc - Mỹ - Nhật Bản, điều mà Trung Quốc phản đối, và sẽ gây ra nhiều vấn đề còn nghiêm trọng hơn so với hệ thống THAAD.

Trung Quốc và Mỹ có dấu hiệu tăng cường điều chỉnh chính sách quản lí rủi ro. Mặc dù cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ ngày một gia tăng, hai nước vẫn duy trì chiến lược vừa cạnh tranh vừa hợp tác, điều chỉnh chính sách quản lí rủi ro để ngăn ngừa xung đột không đáng có. Ngày 14/11/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc họp riêng kéo dài 3 tiếng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia. Theo thông cáo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai bên đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và sâu sắc về các vấn đề chiến lược quan trọng trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề toàn cầu. Trung Quốc khẳng định thế giới đủ rộng để Mỹ - Trung cùng tồn tại và thịnh vượng, đồng thời nói rằng hai nước nên hình thành nhận thức đúng đắn về các chính sách đối nội, đối ngoại và các ý định chiến lược của nhau. "Trung Quốc không tìm cách thay đổi trật tự quốc tế hiện có hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ và không có ý định thách thức hoặc thay thế Mỹ". Chủ tịch Tập nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan là cốt lõi trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, là nền tảng chính trị và là lằn ranh đỏ đầu tiên không được vượt qua trong quan hệ Mỹ - Trung. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định “với tư cách là người đứng đầu mỗi nước, chúng tôi chia sẻ trách nhiệm nhằm chứng tỏ rằng Trung Quốc và Mỹ có thể quản lý sự bất đồng, ngăn chặn mối quan hệ cạnh tranh bị đẩy lên gần mức xung đột, đồng thời tìm cách hợp tác trong các vấn đề toàn cầu cấp bách…"[22].

Triều Tiên thực thi chính sách răn đe hạt nhân trong bối cảnh Hàn Quốc chủ trương phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo tối cao Kim Jung-un tuyên bố mục tiêu cuối cùng của nước này là sở hữu lực lượng hạt nhân chưa từng có và mạnh nhất thế giới và cam kết đáp trả các mối đe dọa hạt nhân của Mỹ bằng chính vũ khí hạt nhân[23]. Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã công bố chính sách với Triều Tiên trong đó trọng tâm là phi hạt nhân hóa bán đảo này. Hàn Quốc chủ trương sẽ kiến tạo môi trường để Triều Tiên phi hạt nhân hóa với tầm nhìn là bán đảo Triều Tiên không hạt nhân, hòa bình và thịnh vượng.

3.2. Một số dự báo

Cục diện chính trị - an ninh tổng thể của các quốc gia trong khu vực vẫn là vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, nhưng gia tăng quản trị rủi ro để ngăn ngừa xung đột có thể xảy ra. Hợp tác song phương trong lĩnh vực chính trị - an ninh trở nên phức tạp và gặp nhiều trở ngại hơn, tác động tiêu cực đến hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực. Trong bối cảnh đó, khu vực Đông Nam Á, nhất là Việt Nam tiếp tục là địa bàn ngày càng có nhiều tiềm năng hợp tác cả về chính trị, an ninh, kinh tế đối với các quốc gia Đông Bắc Á nhằm cân bằng lợi ích và đảm bảo an ninh cho phát triển bền vững.

Trong 5 năm tới, tình hình Đài Loan và eo biển Đài Loan sẽ có những diễn biến phức tạp khó lường, tiếp tục căng thẳng về an ninh ở tầm mức đã được nâng cấp từ chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dịp tháng 8/2022. Năm 2023, trạng thái an ninh khu vực eo biển Đài Loan ít có khả năng đột biến, nhưng những năm sau sẽ càng trở lên phức tạp. Tình trạng rủi ro cao này sẽ dẫn tới những thách thức đối với Đài Loan trên các lĩnh vực khác, nhất là về kinh tế.

Bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng và quan hệ liên Triều nhiều khả năng rơi vào bế tắc. Bán đảo Triều Tiên trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc gia tăng, triển vọng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trở nên xa vời. Cũng có thể có giải pháp mới giữa Triều Tiên và Mỹ và Hàn Quốc nhằm giảm bớt căng thẳng về an ninh liên quan đến các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc và các vụ thử tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên.

Cuộc chạy đua vũ trang được kích hoạt lên mức độ lớn hơn từ sự phát triển tiềm lực hạt nhân của Triều Tiên. Ngân sách quốc phòng các nước trong khu vực sẽ tiếp tục gia tăng, kéo theo đó là nhu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng và khả năng hợp tác an ninh quốc phòng cũng có triển vọng nhiều hơn trước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Đức Lợi, “Tác động của tình hình thế giới, khu vực đối với Việt Nam trong bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc”, https://tuyengiao.vn/the-gioi/tac-dong-cua-tinh-hinh-the-gioi-khu-vuc-doi-voi-viet-nam-trong-bao-dam-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-141058
  2. Andrew Yeo, “Can South Korea chart a path between the US and China in the Indo-Pacific?”, Brookings, https://www.brookings.e du/blog/order-from-chaos/2022/08/15/can-south-korea-chart-a-path-between-the-us-and-china-in-the-indo-pacific/.
  3. Jung In-hwan - Choi Hyun-june, “Changing China, changing Korea: 30 years of diplomatic relations and what lies ahead”, https://english.hani.co.kr/arti/english_edition/ e_international/1055871.html.
  4. Sangsoo Lee (38 North), “China and Russia in Confronting the US”, https://www. 38north.org/2022/03/north-korea-is-joining-china-and-russia-in-confronting-the-us/.
  5. JETRO, 米国の対中国政策、行政措置、その他の米中関係の動向(2022 年 9 月)(Chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, các biện pháp hành chính và những diễn biến khác trong quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc (09/2022), https://www.jetro.go.jp/extimages/_ Reports/01/d58baf16cf9bec92/20220010_06.pdf.
  6. 加藤美保子, ロシアのウクライナ侵攻.第2章:ロシアのウクライナ侵攻とアジアロシアの軍事・外交政策と今後の地域秩序, NIRA-研究報告書2022.07.08 (Kato Mihoko, Cuộc xâm lược Ukraine của Nga và châu Á, Chính sách đối ngoại và quân sự của Nga và trật tự khu vực trong tương lai), https://www.nira.or.jp/ paper/research-report/2022/102207.html.
  7. Herbert McMaster, 「台湾有事」そのときアメリカ・日本は? ("Khẩn cấp Đài Loan" Vậy còn Hoa Kỳ và Nhật Bản thì sao?:) https://www3.nhk.or.jp/news/special/international_news_navi/articles/qa/2022/05/31/22084.html.
  8. 이상국, 2022년 전반기 중국 전략동향 분석, Korea Institute for Defence Analyses/KIDA (Lee Sang-guk, Phân tích các xu hướng chiến lược của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022, Viện phân tích chiến lược Hàn Quốc/KIDA), file:///C:/Users/Thai/Dow nloads/ NASA_SA_22-3_2022%EB%85%84%20%E C%A0%84%EB%B0%98%EA%B8%B0%20%EC%A4%91%EA%B5%AD%20%EC%A0%84%EB%9E%B5%EB%8F%99%ED%96%A5%20%EB%B6%84%EC%84%9D.pdf.


[1] PGS.TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

[2] “China willing to work with Japan to expand multi-level cooperation”, https://www.Globaltimes.cn/page/202209/ 1275929.shtml?id=11.

[3] “Russian and Chinese strategic bombers conduct joint patrols in Asia”,  Reuters, https://www.reuters.com/world/ russian-chinese-warplanes-conduct-joint-patrols-state-media-2022-11-30/.

[4] PWC (2022), 年最新地政学リスク~ウクライナ紛争で激変する国際情勢と企業への影響(前編)(Rủi ro địa chính trị mới nhất năm 2022: Những thay đổi đáng kể về tình hình quốc tế trong cuộc xung đột ở Ukraine và tác động của nó đối với các công ty), https://www.pwc.com/ jp/ja/knowledge/column/geopolitical-risk2022/10risks-01.html.

[5] Thu Hằng, “Những chủ đề gây căng thẳng, bất đồng trong quan hệ Trung - Nhật”, https://www.rfi.fr/ vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20220930-nhung-chu-de-gay-cang-thang-bat-dong-trong-quan-he-trung-quoc-nhat-ban.

[6] “Japan, China arranging high-level talks amid Taiwan tension”, Kyodo News, https://english.kyodonews. net/news/2022/08/7dfda8b82529-japan-china-arranging-high-level-talks-amid-taiwan-tension.html.

[7]Jung In-hwan - Choi Hyun-june, “Changing China, changing Korea: 30 years of diplomatic relations and what lies ahead”,  https://english.hani.co.kr/arti/english_edition /e_international/1055871.html.

[8] “South Korea, China clash over U.S. missile shield, complicating conciliation”, Reuters,  https://www.reuters. com/world/asia-pacific/skorea-says-thaad-missile-system-is-means-self-defence-news1-2022-08-11/.

[9] “Can South Korea chart a path between the US and China in the Indo-Pacific?”, Brookings, https://www.Broo kings.edu/blog/order-from-chaos/2022/08/15/can-south-korea-chart-a-path-between-the-us-and-china-in-the-indo-pacific/.

[10] “Hàn Quốc nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc”, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/han-quoc-no-luc-cai-thien-quan-he-voi-trung-quoc-post962523.vov.

[11] Kent Calder, “The Strategic US-Japan-Korea Triangle: Emerging Perils and Prospects for Cooperation”, https://www.nippon.com/en/in-depth/ a02702/.

[12] 박민희, 실패로 시작한 윤석열식 외교와 암울한 ‘한반도 시나리오’(Ngoại giao của Yoon Seok-yeol bắt đầu với thất bại và “Kịch bản bán đảo Triều Tiên” u ám) , https://www.hani.co.kr/arti/opinion/column/1068345.html.

[13] “Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản lần đầu ra tuyên bố chung bao quát kinh tế và an ninh”, KBS World, http://world. kbs.co.kr/service/news_vod_view.htm?lang=v&menu_cate=videonews&id=&Seq_Code=56554.

[14] Liu Xuanzun, “Chinese, Russian air forces hold 2nd joint strategic patrol of the year with 1st warplane exchange visits”, https://www.globaltimes.cn/page/ 202211/1280801.shtml?id=12.

[15] “UN Security Council members condemn North Korean missile launch”, Aljazeera, https://www.aljazeera. com/news/2022/11/21/un-security-council-members-condemn-north-korea-missile-launch.

[16] “North Korea offers Russia ‘100,000 volunteers’ to fight Ukraine: state media”, South China Morning Post, https://www.scmp.com/news/asia/east-asia/article/3188 052/north-korea-offers-russia-100000-volunteers-fight-ukraine-state.

[17] Sangsoo Lee (38 North), “China and Russia in Confronting the US”, https://www.38north.org/2022/03/ north-korea-is-joining-china-and-russia-in-confronting-the-us/.

[18] “The situation on the Korean peninsula is extremely tense, Russia and China call for restraint”, https://www.newsnpr.org/the-situation-on-the-korean-peninsula-is-extremely-tense-russia-and-china-call-for-restraint/.

[19] “Thông điệp của Triều Tiên khi phóng tên lửa nhiều chưa từng thấy”, https://vnexpress.net/thong-diep-cua-trieu-tien-khi-phong-ten-lua-nhieu-chua-tung-thay-4531416.html.

[20] 中国共産党大会からみる内政外交政策の方向性 (Đường lối chính sách đối nội và đối ngoại nhìn từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc), https://media.monex.co. jp/articles/-/20612.

[21] Herbert McMaster, 「台湾有事」そのときアメリカ・日本は? ("Khẩn cấp Đài Loan" Vậy còn Hoa Kỳ và Nhật Bản thì sao?),  https://www3.nhk.or.jp/news/special/internatio nal_news_navi/articles/qa/2022/05/31/22084.html.

[22] T. Lan, “Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm”, https://dangcongsan.vn/ the-gioi/tin-tuc/tong-thong-my-joe-biden-va-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-hoi-dam-624575.html.

[23] “Triều Tiên muốn có lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới”, https://vnexpress.net/trieu-tien-muon-co-luc-luong-hat-nhan-manh-nhat-the-gioi-4541000.html.

0thảo luận