Trang chủ

Phong trào Hoa Hướng Dương và tác động của nó tới chính sách của đảng cầm quyền

Đăng ngày: 22-03-2024, 21:26 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 9

Trần Thị Duyên1


Tóm tắt: Phong trào Hoa Hướng Dương giữa nhiệm kỳ thứ 2 của ông Mã Anh Cửu được xem như hình ảnh thu nhỏ sự phản đối của đa số người dân vùng lãnh thổ Đài Loan đối với chính sách thúc đẩy hội nhập kinh tế hai bờ eo biển của Quốc dân Đảng. Nỗ lực của đảng cầm quyền nhằm thông qua thỏa thuận thương mại dịch vụ hai bờ eo biển tại Lập pháp Viện (Quốc hội) vào tháng 3 năm 2014 như một chất xúc tác kích hoạt phong trào phản đối quy mô lớn trên toàn Đài Loan. Phong trào này đã làm thay đổi đáng kể cục diện chính trị của Đài Loan và mối quan hệ của nó với Trung Quốc đại lục. Bài viết này làm rõ nguồn gốc và bản chất của phong trào Hoa Hướng Dương, thảo luận thái độ của giới trẻ về bản sắc dân tộc và sự quan tâm của họ tới vấn đề chính trị, đồng thời đánh giá tác động của phong trào Hoa Hướng Dương tới chính sách của đảng cầm quyền ở cả đại lục và Đài Loan.

Từ khóa: phong trào Hoa Hướng Dương, quan hệ Trung Quốc – Đài Loan

 

1. Nguồn gốc hình thành và bản chất của phong trào Hoa Hướng Dương[1]

Mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan luôn bị coi là mối quan hệ nhạy cảm, đầy kịch tính và khó dự đoán. Từ xung đột và đối đầu quân sự kéo dài dưới thời chính quyền Trần Thủy Biển, mối quan hệ này dần chuyển sang tương đối bình lặng với việc gia tăng quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại trong 8 năm cầm quyền của ông Mã Anh Cửu. Nền tảng trong chính sách quan hệ với đại lục của chính quyền Mã Anh Cửu là sự chấp nhận “Đồng thuận 1992”[2], coi mối quan hệ gần gũi với đại lục sẽ tạo ra môi trường ổn định, giảm thiểu căng thẳng hai bờ eo biển. Việc chấp nhận “Đồng thuận 1992” đã tạo điều kiện thuận lợi để hai bên đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng. Đặc biệt là hai bên đã ký kết Hiệp định khung hợp tác kinh tế (ECFA) vào ngày 29 tháng 6 năm 2010. ECFA đã mở ra một trang mới trong quan hệ kinh tế giữa hai bờ eo biển Đài Loan, giúp cho mối quan hệ hai bờ xích lại gần nhau hơn nữa và mở ra cơ hội cho Đài Loan ký kết hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc đại lục. Nói như lời của ông Mã Anh Cửu thì ECFA có ba ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, đó là con đường để thể chế hóa quy mô vượt 100 tỷ USD thương mại hai bờ eo biển mà nếu như không có hiệp định này thì khó có thể đạt được. Thứ hai, đó là cầu nối giúp quốc tế hóa hơn nữa nền kinh tế Đài Loan, và cuối cùng là giúp nền kinh tế Đài Loan tránh bị gạt ra khỏi quá trình hội nhập kinh tế Đông Á.

Tuy nhiên, việc ký kết ECFA cùng chính sách thân Trung Quốc của Quốc dân Đảng (Kuomintang - KMT) đã không đem lại kết quả kinh tế như mong đợi, thậm chí nhiều người Đài Loan còn lo ngại việc ký kết hiệp định thương mại và dịch vụ với Trung Quốc sẽ gây ra tổn thương đối với nền kinh tế của Đài Loan và khiến hòn đảo này trở nên dễ dàng bị áp lực chính trị từ Bắc Kinh và e rằng Bắc Kinh cũng sẽ áp dụng chính sách “một quốc gia hai chế độ” đối với Đài Loan như họ đang làm với Hồng Kông và Ma Cao. Hai phần ba dân chúng không tán đồng việc chính quyền Mã Anh Cửu đã bí mật thương lượng và ký kết Hiệp định thương mại dịch vụ xuyên eo biển (Cross-strait Services Trade Agreement - CSSTA)[3] với chính quyền đại lục ở Thượng Hải ngày 21 tháng 6 năm 2013. Dư luận lại càng công phẫn khi chính quyền Mã Anh Cửu đã đơn phương tuyên bố trước Quốc hội vào ngày 17 tháng 3 năm 2014 rằng họ sẽ thông qua và hợp thức hóa về mặt pháp lý CSSTA mà không xem xét lại các điều khoản của hiệp định như đã thỏa thuận trước đó với đảng đối lập (Đảng Dân chủ tiến bộ – DPP)[4].

Để phản đối, nhiều chính trị gia đảng đối lập thậm chí là cả những người trong cùng đảng của ông Mã đã hưởng ứng kêu gọi biểu tình của giới sinh viên. Ngày 18 tháng 3 năm 2014, khoảng 200 sinh viên đã vượt qua hàng rào an ninh, xông vào chiếm đóng tòa nhà Lập pháp Viện (Quốc hội) Đài Loan trong suốt 24 ngày và sau đó là cả Hành chính Viện (Nội các chính phủ). Phong trào phản kháng lan rộng, có hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về tuần hành liên tục trên khắp các đường phố ở Đài Bắc để ủng hộ giới sinh viên. Điểm khởi đầu của phong trào lấy tên là “318”. Sau đó phong trào được các phương tiện truyền thông đặt tên là “phong trào Hoa Hướng Dương” bởi những người biểu tình được một vài người bán hoa trao cho những cành hoa hướng dương để thể hiện tinh thần ôn hòa, theo châm ngôn “mỗi nhành hoa thay cho một nòng súng”[5]. Hoa Hướng Dương cũng thể hiện cho sự cần thiết của ánh sáng mặt trời chiếu vào “hộp đen” (tượng trưng cho sự thiếu minh bạch) của những cuộc đàm phán giữa KMT và Trung Quốc đại lục.

Sự xuất hiện của phong trào Hoa Hướng Dương năm 2014 nằm ở ba yếu tố chính:

Thứ nhất, giới trẻ muốn bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan. Họ phản đối việc chính quyền ông Mã Anh Cửu xử lý quy trình thương mại dịch vụ sau những cánh cửa đóng kín. Điều này không chỉ vi phạm thỏa thuận trước đó giữa chính quyền với người dân mà nó còn vi phạm các nguyên tắc dân chủ. Thậm chí các hiệu trưởng từ 52 trường thành viên trong Hiệp hội Đại học Quốc gia Đài Loan ban hành một tuyên bố chung kêu gọi nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu sớm đàm phán với sinh viên biểu tình[6]. 25 giáo sư Đại học Quốc gia Đài Loan cũng đã ký một tuyên bố khác ủng hộ những người biểu tình và nói rằng: Chúng tôi không chống lại việc ký kết hiệp định thương mại bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, nhưng quá trình ký kết và xem xét phải được thực hiện minh bạch và đúng quy trình. Đây là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ các yêu cầu của sinh viên, tức là từ chối bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết “trong hộp đen”[7].

Thứ hai, giới trẻ Đài Loan e ngại rằng việc thắt chặt quan hệ thương mại hai bờ eo biển sẽ nới rộng khoảng cách giàu nghèo ở Đài Loan. Theo Shiow-duan Hawang, so với Trung Quốc, Đài Loan có nguồn tài chính lớn và công nghệ vượt trội nhưng lại thiếu tài nguyên đất đai và lực lượng lao động. Ngược lại, Trung Quốc có thế mạnh nguồn lao động dồi dào, giá rẻ và có lãnh thổ rộng lớn[8]. Việc mở rộng trao đổi kinh tế và thương mại hai bờ chỉ đem lại lợi ích cho các tập đoàn kinh tế lớn, sẽ giết dần các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân cũng như công nhân thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Người giàu ngày càng giàu hơn trong khi người nghèo sẽ ngày càng nghèo hơn. Nhiều sinh viên lo lắng cho tương lai của chính mình khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Chẳng hạn như từ năm 2014-2015, tỷ lệ thất nghiệp trung bình của thanh niên xứ Đài là 12,9% nhưng con số này đã đạt mức kỷ lục 14% vào tháng 8 năm 2014[9]. Mức lương trung bình của sinh viên mới ra trường thấp (chỉ 26.722 Đài tệ năm 2012, thấp hơn 740 Đài tệ so với 14 năm trước)[10], trong khi đó giá cả hàng hóa và chi phí nhà ở đều tăng. Vì thế, những người trẻ tuổi phải trải qua một thời gian rất khó khăn. Họ phải ăn uống tiết kiệm nhất, chi tiêu hạn chế nhất trong vòng 15 năm liên tục mới có thể mua được căn hộ nhỏ tại Đài Bắc hay các thành phố lớn.

Thứ ba, giới trẻ muốn phản ánh rõ sự quan tâm của họ đối với tương lai của hòn đảo và tiến trình quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan trong tương lai[11]. Họ ý thức được rằng hiệp định thương mại dịch vụ này sẽ gây tổn thương đến nền kinh tế Đài Loan, khiến cho hòn đảo này dễ dàng bị áp lực chính trị từ Bắc Kinh.

Những người biểu tình chỉ ngưng chiếm đóng tòa nhà Quốc hội sau khi Chủ tịch Quốc hội (Viện trưởng Lập pháp Viện) Vương Kim Bình cam kết sẽ không thông qua hiệp định về thương mại dịch vụ cho đến khi Quốc hội đưa ra một luật về việc giám sát những hiệp định thương mại như vậy với Trung Quốc. Cuộc chiếm đóng tòa nhà Quốc hội kết thúc một cách hòa bình vào ngày 10 tháng 4 năm 2014. Phong trào Hoa Hướng Dương đã thành công trong việc ngăn Quốc hội phê chuẩn CSSTA. Trong gần hai năm còn lại trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông Mã Anh Cửu, KMT đã không thể ký thêm thỏa thuận nào với Trung Quốc đại lục.

2. Nhận thức chính trị của giới trẻ Đài Loan trước và sau khi diễn ra phong trào Hoa Hướng Dương

* Về vấn đề bản sắc dân tộc

Một xu hướng rất dễ nhận thấy ở Đài Loan hiện nay là giới trẻ đề cao vấn đề bản sắc dân tộc. Ngày càng có nhiều người tự nhận mình là người Đài Loan chứ không phải người Trung Quốc. “Nếu như năm 1990, có khoảng 25% dân số Đài Loan xác định bản thân là người Trung Quốc, 17,6% xem bản thân là người Đài Loan và hơn 50% dân số lưỡng lự trong việc xác nhận thân phận của mình thì đến năm 2014, chỉ còn 3% dân số Đài Loan xác định mình là người Trung Quốc, trong khi có tới hơn 60% tự nhận mình là người Đài Loan và hơn 30% người dân ở trạng thái lưỡng lự. Trong số những người tự nhận mình là người Đài Loan thì có trên 70% ở độ tuổi dưới 40”[12]. Trong một cuộc khảo sát khác do Trung tâm nghiên cứu bầu cử của Đại học Chính trị Đài Loan thực hiện trước và sau khi diễn ra phong trào Hoa Hướng Dương đối với những người có độ tuổi từ 20 đến 29 cũng cho thấy giới trẻ ngày càng không muốn xem mình là người Trung Quốc.

Nhìn vào bảng 1 chúng ta có thể thấy trước phong trào Hoa Hướng Dương có 65,7% người trẻ xem mình là người Đài Loan, 32,8% nhận mình là cả người Đài Loan và Trung Quốc, 1,4% nhận mình là người Trung Quốc. Tuy nhiên, sau phong trào này số người tự nhận mình là cả Đài Loan và Trung Quốc chiếm 26,8%, chỉ có 0,8% người được hỏi tự nhận mình là người Trung Quốc và có tới trên 70% cho rằng họ là người Đài Loan. Họ lập luận rằng bởi vì họ sinh ra và lớn lên ở Đài Loan nên đương nhiên là người Đài Loan và không cảm thấy có bất kỳ mối liên hệ nào với đại lục.

* Về vấn đề độc lập hay thống nhất

Trước phong trào Hoa Hướng Dương, phần lớn giới trẻ Đài Loan có mong muốn duy trì nguyên trạng hai bờ eo biển như hiện nay. Trong đó những người ủng hộ duy trì nguyên trạng và lưỡng lự giữa độc lập hay thống nhất chiếm tỷ lệ cao nhất (42%), 19,5% ủng hộ duy trì nguyên trạng và hướng tới độc lập trong tương lai, 21,9% mong muốn hai bờ giữ nguyên trạng mãi mãi. Chỉ có 2,4% mong muốn hai bờ thống nhất ngay và 6% mong muốn Đài Loan độc lập ngay. Sau phong trào Hoa Hướng Dương, tỷ lệ giới trẻ ủng hộ Đài Loan độc lập ngay chiếm 15,9%, trong khi đó có 31% mong muốn duy trì nguyên trạng và hướng tới độc lập trong tương lai, 24,3% ủng hộ duy trì nguyên trạng mãi mãi, 13,4% lưỡng lự giữa thống nhất và độc lập, chỉ có 2,5% ủng hộ thống nhất ngay hai bờ eo biển (bảng 2).


Bảng 1:  Nhận thức chính trị của giới trẻ về bản sắc dân tộc

 

Độ tuổi

Giới trẻ nhận mình là người Đài Loan

Giới trẻ nhận mình là cả Đài Loan và Trung Quốc

Giới trẻ nhận mình là người Trung Quốc

Trước phong trào Hoa Hướng Dương

20-29

65,7%

32,8%

1,4%

Sau phong trào Hoa Hướng Dương

20-29

71,4%

26,8%

0,8%

Nguồn: Taiwan’s Election and Democratization Study (TEDS) 2013 & 2014

Bảng 2: Vấn đề độc lập hay thống nhất trước và sau phong trào Hoa Hướng Dương

Quan điểm của giới trẻ

Trước phong trào Hoa Hướng Dương (20-29 tuổi)

Sau phong trào Hoa Hướng Dương (20-29 tuổi)

Thống nhất ngay

2,4%

2,5%

Độc lập ngay

6%

15,9%

Duy trì nguyên trạng và hướng tới thống nhất trong tương lai

4,8%

10,9%

Duy trì nguyên trạng và hướng tới độc lập trong tương lai

19,5%

31%

Duy trì nguyên trạng, lưỡng lự giữa thống nhất và độc lập

42%

13,4%

Duy trì nguyên trạng mãi mãi

21,9%

24,3%

Nguồn: TEDS 2013 & 2014


* Về mức độ quan tâm đến chính trị

Sau phong trào Hoa Hướng Dương, số người không quan tâm lắm đến chính trị giảm 10% so với trước, trong khi đó, số người rất quan tâm đến chính trị lại tăng lên ở mức tương tự, từ 8,5% tăng lên 18,4% (bảng 3). Điều này cho thấy phong trào Hoa Hướng Dương đã làm thay đổi quan điểm của xã hội dân sự và giới trẻ về tình hình chính trị Đài Loan. Nó đã gắn kết xã hội dân sự lại với nhau và mang lại hy vọng mới cho giới trẻ về một xã hội dân chủ. Sự thành công của phong trào Hoa Hướng Dương nằm ở khả năng kết nối chính trị với xã hội và nhiều người thừa nhận rằng Đài Loan cần được dân chủ hóa hơn nữa để thiết lập lại một hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả hơn và nhạy bén hơn nữa.


Bảng 3: Sự quan tâm đến chính trị trước và sau phong trào Hoa Hướng Dương

 

Trước phong trào Hoa Hướng Dương (20-29 tuổi)

Sau phong trào Hoa Hướng Dương (20-29 tuổi)

Không quan tâm chút nào

4,8%

4,2%

Không quan tâm lắm

41,4%

31,9%

Quan tâm

45%

45,3%

Rất quan tâm

8,5%

18,4%

Nguồn: TEDS 2013 & 2014


3. Tác động của phong trào Hoa Hướng Dương

3.1. Tác động trực tiếp đến KMT và chính sách của Đài Bắc đối với Trung Quốc đại lục

Có thể thấy sự nổi lên của phong trào Hoa Hướng Dương phản ánh rõ sự quan tâm của công chúng Đài Loan đối với tương lai của hòn đảo này và tiến trình quan hệ hai bờ eo biển trong tương lai. Ngay sau khi phong trào này kết thúc, nhiều người tin rằng tác động trực tiếp lớn nhất đó là những người biểu tình đã làm trì hoãn thành công việc phê chuẩn hiệp định thương mại dịch vụ giữa Đài Loan và Trung Quốc cũng như tiến trình đàm phán chính trị giữa hai bên. Trước khi diễn ra phong trào Hoa Hướng Dương, nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự định có cuộc gặp mặt bên lề cuộc họp APEC vào cuối năm 2014, nhưng dự định này đã bị phá vỡ bởi sự chiếm đóng cơ quan lập pháp của giới sinh viên.


Bảng 4: Lòng tin của công chúng đối với các đảng về đàm phán chính trị với Trung Quốc

Năm

2013

2015

2016

Đối với KMT

50%

37%

33%

Đối với DPP

35%

44%

51%

Đối với cả hai Đảng

2%

2%

2%

Nguồn: Academia Sinica, Taiwan


Phong trào Hoa Hướng Dương đã giáng một đòn mạnh vào Đảng cầm quyền KMT khi đảng này thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 11 năm 2014 với mức chênh lệch chưa từng có. Trước bầu cử, KMT kiểm soát 15 trong tổng cộng 22 thành phố, quận của Đài Loan nhưng sau bầu cử, đảng này chỉ còn kiểm soát 6 khu vực. Cụ thể,  KMT chỉ giành thắng lợi ở 1 trong số 6 thành phố trực thuộc trung ương và 5 trong số 16 thành phố và huyện trực thuộc tỉnh[13]. Kết quả này buộc ông Mã Anh Cửu phải từ chức Chủ tịch KMT, để lại sự hỗn loạn và làm gia tăng mâu thuẫn chính trị nội bộ đảng. Bế tắc chính trị trong nội bộ KMT là sự đối đầu giữa nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu và cũng là Chủ tịch KMT với Viện trưởng Lập pháp Viện Vương Kim Bình, cũng là Phó chủ tịch KMT. Mặc dù KMT chiếm đa số ghế trong những năm cầm quyền của ông Mã nhưng phần lớn các nỗ lực chính sách của ông lại bị tê liệt tại Lập pháp Viện[14]. Quyết định của Lập pháp Viện không thông qua CSSTA càng làm gia tăng mâu thuẫn giữa ông Mã và ông Vương. Nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu cáo buộc các thành viên KMT bao gồm cả ông Vương Kim Bình không ủng hộ chính sách hai bờ eo biển của chính phủ. Trong khi đó các nhà lập pháp lại không hài lòng về cách né tránh sự giám sát của cơ quan lập pháp đối với các thỏa thuận xuyên eo biển của ông Mã Anh Cửu. Họ lại càng thất vọng khi chính quyền mắc sai lầm trong việc xử lý phong trào Hoa Hướng Dương vì không chủ động đáp lại yêu cầu của giới sinh viên về một quy trình minh bạch và hợp hiến để xem xét kỹ lưỡng các thỏa thuận giữa hai bờ eo biển Đài Loan[15].

Việc ông Mã Anh Cửu không được lòng dân đã ảnh hưởng xấu đến toàn đảng. Theo một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Academia Sinica Đài Loan, năm 2013, KMT vẫn nhận được 50% sự tín nhiệm so với 35% của DPP. Tuy nhiên, đến năm 2015, tức một năm sau khi diễn ra phong trào Hoa Hướng Dương, sự tín nhiệm đối với KMT giảm xuống còn 37% so với 44% của DPP.

Một cuộc khảo sát khác của Trung tâm Nghiên cứu bầu cử Đài Loan cũng cho thấy công chúng ngày càng không hài lòng với chính sách quan hệ hai bờ của chính quyền Mã Anh Cửu. Trước bầu cử năm 2012, có 20% người dân hài lòng với chính sách của nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu về quan hệ hai bờ, 33,4% thể hiện hài lòng một chút và chỉ có 13,7% hoàn toàn không hài lòng. Tuy nhiên, hai năm sau, chỉ có 4,5% người dân được hỏi trả lời rất hài lòng và 30,9% là hoàn toàn không hài lòng (bảng 5).

Sự thất bại của KMT được xem như một cuộc trưng cầu dân ý về chiến lược quan hệ hai bờ eo biển của KMT. Từ sau thảm bại bầu cử đó, KMT đã tỏ ra thận trọng hơn trong chính sách đối với đại lục, buộc các nhà lãnh đạo phải chú ý nhiều hơn đến ý kiến của giới trẻ và của các tổ chức dân sự khi hoạch định các chính sách. Điều này không chỉ làm thay đổi cục diện chính trị nội bộ của Đài Loan mà còn chuyển hướng chính trị của hòn đảo khỏi chính sách thân Trung Quốc của Quốc dân Đảng, do đó làm gián đoạn quá trình hợp tác kéo dài một thập kỷ giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hơn một năm sau khi tổ chức cuộc bầu cử địa phương, DPP cũng giành được chiến thắng vang dội với 68 ghế trong tổng số 113 ghế tại Lập pháp Viện trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 1 năm 2016, trong khi đó KMT chỉ giành được 35 ghế. Kể từ năm 1949, đây là lần đầu tiên KMT và các đồng minh mất quyền quyết soát ở Quốc hội. Điều này khiến cho mối quan hệ hai bờ eo biển càng trở nên bất định và khó dự đoán khi Đài Loan lần đầu tiên nằm dưới sự nắm quyền của một nữ tiến sĩ ngành luật có tư tưởng “thoát Trung”.

 

Bảng 5: Sự hài lòng của người dân đối với chính quyền Mã Anh Cửu

Mức độ hài lòng

2011

2013

2014

Rất hài lòng

20%

4,9%

4,5%

Hài lòng một chút

33,4%

20,6%

19,7%

Không hài lòng một chút

16,1%

25,4%

29,2%

Hoàn toàn không hài lòng

13,7%

32,8%

30,9%

Nguồn: Taiwan’s Election and Democratization Study


3.2. Tác động đến chính sách của Bắc Kinh đối với Đài Bắc

Bối cảnh chính trị Đài Loan luôn rất nhạy cảm với quan hệ giữa Đài Loan và đại lục cũng như với an ninh khu vực. Ngay sau khi phong trào Hoa Hướng Dương kết thúc, theo sau đó là sự thất bại của KMT, Bắc Kinh đã nỗ lực tìm hiểu xem điều gì đang thực sự diễn ra ở Đài Loan và tự hỏi liệu Trung Quốc có nên thay đổi chính sách quan hệ tương đối ôn hòa với Đài Bắc hay không. Quan điểm nhất quán của các thế hệ lãnh đạo ở Bắc Kinh là thúc đẩy hội nhập kinh tế hai bờ làm tiền đề cho tương lai “thống nhất hòa bình” lâu dài với Đài Bắc. Tuy nhiên, các đối sách cụ thể cũng như các biện pháp chế tài ở mỗi thời kỳ lại có sự khác biệt theo quan điểm riêng của mỗi nhà lãnh đạo. Dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chính sách của Bắc Kinh đối với Đài Bắc được ghi nhận có ba thay đổi lớn đã được đưa vào báo cáo của Thủ tướng Lý Khắc Cường trước Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tháng 3 năm 2014. So với những bản báo cáo của những năm trước đó, từ ngữ mà Thủ tướng Lý Khắc Cường sử dụng có phần khác so với người tiền nhiệm Ôn Gia Bảo. Thay vì “chỉ tuân thủ”, Bắc Kinh sẽ “thực hiện đầy đủ” các chính sách lớn liên quan đến vấn đề Đài Loan: (1) từ đồng thuận 1992 đến khuôn khổ chính sách “một Trung Quốc”; (2) đảo ngược thứ tự quan trọng giữa các vấn đề kinh tế và chính trị để ưu tiên chính trị bằng nhiều kênh liên lạc khác nhau; (3) thúc đẩy khái niệm mới về “gia đình xuyên eo biển” để mô tả quan hệ của đại lục với Đài Loan[16].

Sau phong trào Hoa Hướng Dương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ Chủ tịch Đảng Thân dân (People first Party-PFP) Tống Sở Du của Đài Loan tại Bắc Kinh đầu tháng 5 năm 2014. Đây là dịp đầu tiên để lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đưa ra quan điểm về Đài Loan sau khi kết thúc biểu tình chiếm đóng tòa nhà Quốc hội. Tại cuộc gặp này, ông Tập nhấn mạnh 4 điểm: Thứ nhất, ông cho rằng lòng tin của Trung Quốc vẫn cần được duy trì mạnh mẽ khi đối mặt với những trở ngại mới trong quan hệ hai bờ eo biển. Thứ hai, Bắc Kinh sẽ không thay đổi chính sách thúc đẩy phát triển hòa bình quan hệ hai bờ eo biển cũng như các biện pháp thúc đẩy giao lưu và hợp tác cùng có lợi. Thứ ba, ông cho rằng những cải cách kinh tế ở Trung Quốc đã tạo ra những cơ hội mới cho Đài Loan và sẽ có tác động tích cực đến quan hệ hai bờ eo biển. Cuối cùng, ông Tập Cận Bình cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để hiểu và đáp ứng những yêu cầu của xã hội Đài Loan, đặc biệt là giới trẻ. Ông nhấn mạnh: “Dựa vào khái niệm cả hai bờ eo biển là một gia đình, không có khó khăn nào là không thể vượt qua miễn là mỗi bên đều cảm thấy dành cho nhau và đối xử với nhau bằng sự chân thành. Chúng tôi muốn biết thêm về nhu cầu thiết thực của người dân Đài Loan, nhất là các thường dân để có các bước đi chủ động và hiệu quả, quan tâm đến những nhóm người dễ bị tổn thương”[17].

Như vậy, có thể thấy sự điều chỉnh chính trong cách tiếp cận của Bắc Kinh sau phong trào Hoa Hướng Dương là thêm giới trẻ (thanh niên) vào danh sách các mục tiêu nỗ lực của Trung Quốc nhằm tiếp cận bộ phận rộng lớn hơn và khó khăn hơn trong xã hội Đài Loan. Sự tiếp cận này được gói gọn trong cụm từ “3 trung 1 thanh”. 3 trung gồm có tầng lớp trung lưu, người dân ở miền Trung Đài Loan và các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với tầng lớp thanh niên. Cách tiếp cận này một lần nữa cho thấy Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị tâm lý rằng quan hệ hai bờ eo biển sẽ bước vào thời kỳ điều chỉnh, trong đó xã hội dân sự Đài Loan sẽ đóng một vai trò chính trị lớn hơn. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là Bắc Kinh hay Đài Bắc nên nhanh chóng tiến về phía trước ra sao mà là làm thế nào để các nhà lãnh đạo hai bên có thể thuyết phục được người dân Đài Loan ủng hộ sự phát triển quan hệ kinh tế giữa hai bờ eo biển.

4. Kết luận

Phong trào Hoa Hướng Dương được xem như một bước ngoặt đối với sự phát triển chính trị của Đài Loan và trở thành một chất xúc tác cho sự xuất hiện thế hệ chính trị mới. Nó đã trở thành biểu tượng của phong trào biểu tình của giới trẻ phản đối chính sách thân Trung Quốc của chính quyền Quốc dân Đảng. Đây không chỉ là phong trào đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa Dân quốc, cơ quan lập pháp bị người dân biểu tình chiếm đóng mà nói rộng hơn nó còn là quá trình dân chủ hoá góp phần thay đổi cục diện chính trị của Đài Loan, làm gián đoạn quá trình hợp tác giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân Đảng kéo dài hơn một thập kỷ. Một năm sau phong trào Hoa Hương Dương, nhiều người bắt đầu xem xét sự thành công hay thất bại của phong trào này. Theo cuộc thăm dò của Liberty Times, 69,9% người cho rằng phong trào này đã thành công bởi nó góp phần khơi dậy ý thức công dân, đặc biệt là giới trẻ (thế hệ chính trị Hoa Hướng Dương) và có tác động tích cực đến sự phát triển lâu dài của nền dân chủ ở Đài Loan. Ngoài ra, nó còn góp phần đánh thức xã hội dân sự và các phong trào xã hội khác. Xã hội dân sự có thể đóng vai trò cơ bản đối với tương lai phát triển quan hệ hai bờ eo biển vì nó có thể thúc đẩy chính phủ đi theo bất kỳ hướng nào mà người Đài Loan mong muốn.

Sau khi phong trào Hoa Hướng Dương kết thúc, hai năm trước khi diễn ra bầu cử lãnh đạo Đài Loan có thể là khoảng thời gian để tất cả các bên gồm có Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quốc dân Đảng và Dân tiến Đảng rút ra bài học và điều chỉnh chính sách của họ trong 6 năm “thể chế hóa quan hệ hai bờ eo biển” dưới thời ông Mã Anh Cửu. Sự giám sát của công chúng đối với các trao đổi xuyên eo biển có chấm dứt được cách tiếp cận từ trên xuống vốn đã phổ biến trong quan hệ giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào dự luật được thông qua bởi Lập pháp Viện Đài Loan và Bắc Kinh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Andre, Beckershoff (2017), “The Sunflower Movement: Origins, structures and strategies of Taiwan’s resistance against the ‘black box’”, in Dafydd Fell, Taiwan’s social movements under Ma Ying-jeou: From the Wild Strawberries to Sunflower movement.

2. Chang, Andy G. & T. Y. Wang (2005), “Taiwanese or Chinese? Independence or unification? An analysis of generational differences in Taiwan”, Journal of Asian and African Studies, April 1, 2005.

3. Chen, Chih-Jou Jay (2018), “Economic interests or national sovereignty: public opinion on the cross-strait dilemma during the Ma Ying-jiu era”, in Andre Beckershoff and Gunter Schubert, Assessing the Presidency of Ma Ying-jiu in Taiwan: Hopeful beginning, hopeless end? Routledge, New York.

4. Cole, Michael J. (2014), Was Taiwan’s Sunflower movement successful? The Diplomat, https://thediplomat.com/2014/07/was-taiwans-sunflower-movement-successful/.

5. Ho, Ming-Sho (2018), “The rise of civil society activism in the Ma Ying-Jiu era: the genesis and outcomes of the Sunflower movement”, in Andre Beckershoff and Gunter Schubert, Assessing the Presidency of Ma Ying-jiu in Taiwan: Hopeful beginning, hopeless end? Routledge, New York.

6. Hồ Sĩ Quý (2015), “Độc tài hóa rồng và dân chủ ở Đài Loan”, Tạp chí nghiên cứu Trung Quốc, số 5.

7. Liu, Fu-Kuo, “Taiwan’s shifting political lanscape”, East Asia Forum, 18/1/2015, https://www.eastasiaforum.org/2015/01/18/taiwans-shifting-political-landscape/.

8. Mark, Harrison (2014), “The Sunflower movement in Taiwan”, The China Story, 18 April 2014, https://www.academia.edu/ 20299396/The_Sunflower_Movement_in_Taiwan_The_China_Story.

9. Marie, Alice Mclean (2017), “Taiwan: Is there a political generation gap?”, https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/ taiwan-there-political-generation-gap.

 

 


[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Theo Yu-Jie Chen & Jerome A. Cohen (2019), “Đồng thuận 1992” là một thỏa thuận ngầm đạt được vào năm 1992 tại Hồng Kông giữa chính quyền Quốc dân Đảng ở Đài Loan và Bắc Kinh. Theo đó, hai bên cam kết chỉ có “một nước Trung Quốc” đại diện cho toàn bộ người dân ở hai bên bờ eo biển. Tuy nhiên, mỗi bên có định nghĩa và cách giải thích khác nhau về thuật ngữ “một Trung Quốc”. Đối với Đài Bắc, “một Trung Quốc” dùng để chỉ Trung Hoa Dân quốc có chính phủ được chuyển đến đảo Đài Loan năm 1949. Đối với Bắc Kinh “một Trung Quốc” dùng để chỉ CHND Trung Hoa, cả đại lục và Đài Loan đều thuộc về “một Trung Quốc” và cả hai đều hướng tới mục tiêu cuối cùng thống nhất trong khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”, Yu-Jie Chen & Jerome A. Cohen (2019), “China-Taiwan relations re-examined: The 1992 Consensus and Cross-Strait Agreements”, Penn Law: Legal Scholarship Repository, Vol.14, https://scholarship. law.upenn.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1039&context=alr.

[3] CSSTA là một hiệp định song phương nhằm tự do hóa dòng vốn và nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ giữa Đài Loan và Trung Quốc và là một trong những hiệp định tiếp theo trong khuôn khổ Hiệp định khung hợp tác kinh tế (ECFA). CSSTA sẽ mở cửa cho 64 lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc ở Đài Loan và 80 lĩnh vực dịch vụ của Đài Loan ở Trung Quốc.

[4] “Phong trào sinh viên Hoa Hướng Dương”, https://www.duhoctrungquoc.vn/wiki/vi/Phong_tr%C3%A0o_sinh_vi%C3%AAn_Hoa_H%C6%B0%E1%BB%9Bng_D%C6%B0%C6%A1ng, Fang-Yu Chen & Wei-Ting Yen (2016) “Who supports the Sunflower Movement? An examination of Nationalist Sentiments”, Journal of Asian and African Studies, số tháng 5.

[5] “Cách mạng màu sắp diễn ra tại Đài Loan”, PetroTimes, 1/4/2014, https://petrotimes.vn/cach-mang-mau-sap-dien-ra-tai-dai-loan-169821.html.

[6] Chen Yi-ching & Rachel Lin, “University heads call on Ma to respond to occupies”, Taipei Times, 23/3/2014, https://www.taipeitimes.com/News/front/archives/2014/03/23/2003586323.

[7] Chen Yi-ching & Rachel Lin (2014), Tlđd.

[8] Shiow-duan Hawang, “The influence of the Sunflower Movement on the Civic Movement in Taiwan”, tr. 108-109, https://www.researchgate.net/publication/338845031 _The_Influence_of_the_Sunflower_Movement_on_the_Civic_Movement_in_Taiwan.

[10] Shiow-duan Hawang, “The influence of the Sunflower Movement on the Civic Movement in Taiwan”, Tlđd, tr. 109.

[11] Fu-Kuo Liu, “Taiwan’s shifting political lanscape”, https://www.eastasiaforum.org/2015/01/18/taiwans-shifting-political-landscape/.

[12] “Vì sao hai bờ eo biển Đài Loan căng thẳng?”, https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/vi-sao-hai-bo-eo-bien-dai-loan-cang-thang-post182676.gd.

[13] Fu-Kuo Liu, “Taiwan’s shifting political lanscape”, Tlđd.

[14] Fu-Kuo Liu, “Taiwan’s shifting political lanscape”, Tlđd.

[15] Fu-Kuo Liu, “Taiwan’s shifting political lanscape”, Tlđd.

[16] Mathieu Duchatel (2014), “Tác động của phong trào Hoa Hướng Dương lên quan hệ hai bờ”, Kỷ yếu Hội thảo Vấn đề Đài Loan trong quan hệ Trung Quốc – Châu Âu, Thượng Hải, Trung Quốc, 14-16/9/2014.

[17] “Cross-Straits economic integration win-win: Xi”, https://www.chinadaily.com.cn/bizchina///2014-05/08/ content_17493211.htm.

 

0thảo luận