Nguyễn Thị Thắm1
Tóm tắt: Cùng với sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ Việt - Hàn, nghiên cứu và đào tạo về Hàn Quốc tại Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cả về lượng và về chất. Đứng trước ngưỡng cửa 30 năm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc và hứa hẹn mở ra một giai đoạn mới của mối quan hệ hai nước cũng như triển vọng phát triển của nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam, bài viết sẽ phân tích, đánh giá tình hình tổ chức, đội ngũ nghiên cứu và đào tạo, công trình nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam trong ba thập niên qua. Đồng thời, trên cơ sở sử dụng dữ liệu của Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á trong hơn 20 năm như một trường hợp nghiên cứu, bài viết phân tích những chuyển biến trên nhiều phương diện trong nghiên cứu và đào tạo về Hàn Quốc tại Việt Nam.
Từ khóa: Nghiên cứu và đào tạo, Hàn Quốc, tình hình, chuyển biến, Việt Nam
1. Đào tạo về Hàn Quốc tại Việt Nam [1]
Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 1993, đơn vị đào tạo về Hàn Quốc học đầu tiên ở Việt Nam đã được thành lập tại Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau đó, năm 1994, ngành Hàn Quốc học cũng được giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Khởi điểm của ngành đào tạo về Hàn Quốc ở Việt Nam có thể nói là ngành văn học Hàn Quốc thuộc Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó, năm 1995, Khoa Đông phương học được thành lập và bắt đầu đào tạo thử nghiệm về Hàn Quốc theo hướng chính quy không tập trung. Sau 2 năm đào tạo, Khoa Đông phương học chính thức đào tạo Hàn Quốc học hệ chính quy tập trung năm 1997. Theo chủ trương của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đây cũng là thời điểm ngành văn học Hàn Quốc thuộc Khoa Ngữ văn dừng tuyển sinh để thống nhất chức năng đào tạo về Hàn Quốc cho Khoa Đông phương học. Kể từ đó, ngành đào tạo về Hàn Quốc học Việt Nam bắt đầu phát triển theo hướng đất nước học và khu vực học. Cùng với quá trình phát triển quan hệ hai nước, trong giai đoạn phát triển nền tảng, công tác giảng dạy tiếng Hàn Quốc tại Việt Nam cũng được hình thành và được đẩy mạnh. Đào tạo tiếng Hàn được mở ra như một nhu cầu tất yếu đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu tìm hiểu về Hàn Quốc và giao lưu hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều trường đại học quốc gia, đại học công lập tại các thành phố lớn khác thành lập các bộ môn hoặc khoa giảng dạy về Hàn Quốc như Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ nay là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (1995), Đại học Ngoại ngữ nay là Đại học Hà Nội (2002), Đại học Đà Lạt (2004), Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng (2005). Một số trường đại học ngoài công lập sớm có cơ sở đào tạo, giảng dạy về Hàn Quốc như Đại học Ngoại ngữ và Tin học TP. Hồ Chí Minh (1995), Đại học Quốc tế Hồng Bàng (1999), Đại học Lạc Hồng (2003) nhưng trong giai đoạn 1992-2007, các đơn vị công lập vẫn giữ vai trò chủ đạo trong công tác như giảng dạy về Hàn Quốc tại Việt Nam. Mỗi khóa các đơn vị đào tạo Hàn Quốc thường tuyển sinh phổ biến ở mức 30-50 sinh viên. Do đó, trong giai đoạn 1992-2007, thông thường mỗi năm có hàng nghìn sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo Hàn Quốc tại Việt Nam.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, sự lan truyền mạnh mẽ của Hàn lưu tại Việt Nam, nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu về Hàn Quốc ngày càng tăng. Hàn Quốc học tại Việt Nam với công tác nghiên cứu, giảng dạy Hàn Quốc không ngừng được mở rộng. Có thể nói, giai đoạn từ sau năm 2007 là giai đoạn phát triển bùng nổ của Hàn Quốc học tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát trên trang web thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục vào Đào tạo năm 2017, trong giai đoạn sau năm 2007, không chỉ ở các đơn vị công lập mà còn có sự tham gia ngày càng tích cực của các đơn vị ngoài công lập. Nếu như ở giai đoạn trước, trong 15 năm chỉ có 3 đơn vị ngoài công lập thì chỉ trong vòng 10 năm, từ năm 2007 đến năm 2017, có tới 9 đơn vị ngoài công lập thành lập bộ môn, khoa chuyên ngành giảng dạy về Hàn Quốc. Số lượng các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy về Hàn Quốc tăng từ 10 đơn vị trong giai đoạn trước lên 28 đơn vị. Chỉ trong vòng 10 năm, số đơn vị nghiên cứu, giảng dạy về Hàn Quốc đã tăng 1,8 lần so với 15 năm trước. Trong đó, các đơn vị công lập tăng từ 7 đơn vị lên 16 đơn vị, tăng hơn 2 lần. Số đơn vị ngoài công lập đến năm 2017 là 12 đơn vị, tăng gấp 4 lần và chiếm khoảng ¾, trong khi năm 2006 chỉ chiếm hơn ¼ so với các đơn vị công lập. Số đơn vị ngoài công lập đào tạo về Hàn Quốc được thành lập mới nhiều hơn so với các đơn vị công lập. Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của các đơn vị đào tạo về Hàn Quốc, số người học tập về Hàn Quốc cũng ngày càng tăng theo cấp số nhân. Ước tính, ngoại trừ các học viên tự do ở các trung tâm tiếng Hàn cũng có hàng chục nghìn sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng có đào tạo về Hàn Quốc. Ngoài ra, còn có khoảng hơn 400 giảng viên làm việc tại các đơn vị đào tạo này. Hiện nay, có khoảng 50 đơn vị đào tạo về Hàn Quốc ở các bậc học và số lượng sinh viên theo học cũng như số giảng viên ngày càng tăng.
Trong giai đoạn phát triển bùng nổ, khác với giai đoạn trước, đào tạo về Hàn Quốc không chỉ tập trung ở các đại học quốc gia và ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt mà còn mở rộng ra ở các địa phương khác như Huế, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh... Đây cũng là các tỉnh thành có vị thế lịch sử văn hóa, địa lý, kinh tế xã hội quan trọng của Việt Nam, đồng thời cũng là các địa phương có quan hệ mật thiết với Hàn Quốc ví dụ như có các công ty lớn của Hàn Quốc đầu tư hoặc các khu công nghiệp có nhiều công ty Hàn Quốc hay là các địa phương phát triển du lịch được người Hàn Quốc yêu thích... Mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc không chỉ diễn ra trên phương diện của quốc gia qua các cơ quan trung ương, mà giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam và Hàn Quốc cũng có mối quan hệ kết nghĩa, hợp tác sâu rộng cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị đào tạo về Hàn Quốc tại đây.
Song song với xu thế phát triển Hàn Quốc học ở các tỉnh thành phố, trong giai đoạn phát triển bùng nổ các đơn vị đào tạo về Hàn Quốc không chỉ dừng lại ở bậc đại học, mà còn phát triển ở bậc cao đẳng, trung cấp và bậc phổ thông. Bên cạnh đó, nếu như giai đoạn trước, ngành Hàn Quốc học chỉ được phát triển ở các trường thuộc khối xã hội nhân văn thì sau đó còn được phát triển ở các ngành khác như kỹ thuật, công nghệ, nghệ thuật biểu diễn... Các trường cao đẳng với các ngành nghề đa dạng có ngành Hàn Quốc học được thành lập trong giai đoạn từ sau năm 2007 gồm có các trường như Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và công nghệ Việt Nhật, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, Trường Cao đẳng kỹ thuật Thủ Đức, Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà, Cao đẳng FPT Polytechnic Hanoi, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Thái Nguyên và Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech). Việc đưa tiếng Hàn vào giảng dạy ở bậc phổ thông tại Việt Nam hiện nay đang được thực hiện.
2. Tổ chức và đội ngũ nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam
Nếu như đào tạo về Hàn Quốc bắt đầu sau khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức thì nghiên cứu về Hàn Quốc tại Việt Nam đã bắt đầu từ trước đó, tạo nền tảng cơ bản cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam. Từ trước năm 1992, đã có các đơn vị có công trình nghiên cứu về Hàn Quốc tại Việt Nam nhưng còn ít và chưa hệ thống. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, nghiên cứu Hàn Quốc bước vào giai đoạn phát triển chính thức có đầu tư và hệ thống hơn. Ở giai đoạn này, trong công tác nghiên cứu Hàn Quốc, vai trò chủ yếu là nhà nước với các viện nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu chính sách thuộc các bộ ban ngành trung ương, các khoa chuyên ngành ở trường đại học quốc gia. Công trình nghiên cứu về Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam được sưu tầm cho đến nay là Tập tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ “Kinh tế Nam Triều Tiên” do Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương in ấn năm 1988. Hội thảo quốc gia đầu tiên về Hàn Quốc là Hội thảo “Những vấn đề văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc” tổ chức vào tháng 12 năm 1994 do Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.
Các viện nghiên cứu của các bộ ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng... có thể nói là những đơn vị có nghiên cứu Hàn Quốc từ khá sớm để phục vụ xây dựng chính sách liên quan đến Hàn Quốc nhằm tìm kiếm các kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chính sách của nước nhà. Các viện nghiên cứu của các bộ ngành trung ương thường tập trung nghiên cứu về một lĩnh vực nhất định của Hàn Quốc như ngoại giao, an ninh, kinh tế... với mục đích chính là phục vụ xây dựng chính sách của từng bộ, ngành trong lĩnh vực tương đương.
Một đơn vị thuộc cơ quan trung ương vừa có chức năng tư vấn chính sách, vừa có chức năng nghiên cứu khoa học cơ bản là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có một số các viện nghiên cứu trực thuộc có nghiên cứu về Hàn Quốc. Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Triết học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là nơi có nhóm nghiên cứu về Hàn Quốc trong lĩnh vực kinh tế và tư tưởng triết học của Hàn Quốc, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về Hàn Quốc ngày càng đa dạng ở Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù có nghiên cứu về Hàn Quốc phục vụ công việc của đơn vị mình nhưng hầu như các viện nghiên cứu trên không có bộ phận nghiên cứu Hàn Quốc chính thức.
Do đó, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là trung tâm duy nhất ở một cơ quan chính phủ có tên gọi chính thức tập trung nghiên cứu cơ bản, toàn diện và hệ thống về Hàn Quốc. Đồng thời, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc có chức năng tư vấn chính sách và cung cấp thông tin về Hàn Quốc cho các cơ quan ban ngành và người dân thuộc mọi tầng lớp trên toàn quốc qua các worshop Hàn Quốc học thường niên. Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc được thành lập vào đầu năm 1998, có bề dày hoạt động 24 năm với hàng trăm bài nghiên cứu, hàng chục công trình nghiên cứu cấp bộ, cấp viện, nhiều công trình cấp nhà nước và hợp tác quốc tế. Từ năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc bổ sung thêm đối tượng nghiên cứu là CHDCND Triều Tiên với tên gọi mới là Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên. Tạp chí “Nghiên cứu Đông Bắc Á” phát hành hàng tháng là nơi công bố chủ yếu các bài nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên; Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và của các học giả, chuyên gia trên toàn quốc.
Ngoài ra, một tổ chức xã hội - nghề nghiệp phi lợi nhuận nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc tại Việt Nam đã được thành lập vào năm 2011 là Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc tại Việt Nam (KRAV). Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc tại Việt Nam là tổ chức tập hợp các nhà khoa học, các nhà giáo dục trong các lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục... Hàn Quốc nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các thành viên, quảng bá, phổ biến kiến thức về văn hóa nghệ thuật, giáo dục, lịch sử, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc... Hội có Tạp chí Hàn Quốc phát hành 3 tháng 1 số, đăng tải các bài nghiên cứu về Hàn Quốc trên các lĩnh vực nêu trên và ngày càng thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu trẻ.
Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy về Hàn Quốc, đội ngũ ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam được tăng cường từ hàng chục lên tới hàng trăm người. Ước tính hiện nay có khoảng hơn 400 giảng viên, nghiên cứu viên ngành Hàn Quốc học tại các đơn vị trường, viện nghiên cứu. Đây là lực lượng có đóng góp ngày càng lớn cho đội ngũ nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam. Có thể phân chia đội ngũ này thành 2 nhóm gồm Nhóm 1 là nhóm nghiên cứu, giảng dạy về Hàn Quốc thông qua chuyên môn liên quan và thông qua ngôn ngữ thứ 3; Nhóm 2 là nhóm biết tiếng Hàn và được đào tạo về Hàn Quốc học. Nhóm 1 chủ yếu nghiên cứu chuyên ngành ở các viện kết hợp giảng dạy về Hàn Quốc. Nhóm 2 biết tiếng Hàn chủ yếu giảng dạy tại các trường có Hàn Quốc học kết hợp nghiên cứu Hàn Quốc.
Đội ngũ nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam trong những năm gần đây không chỉ gia tăng về số lượng mà còn có một bước chuyển về chất đáng chú ý. Lực lượng đào tạo, nghiên cứu về Hàn Quốc tại Việt Nam đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ về năng lực chuyên môn, kỹ năng, và trẻ hóa đội ngũ. Đội ngũ thuộc Nhóm 1 đang dần rút khỏi hoạt động giảng dạy và nghiên cứu Hàn Quốc tại các trường và viện nghiên cứu. Đội ngũ thuộc Nhóm 2 được đào tạo một cách hệ thống về Hàn Quốc và có năng lực sử dụng tiếng Hàn đã bắt đầu nắm giữ các công việc chuyên môn và đảm nhiệm vai trò là lực lượng đào tạo, nghiên cứu chính về Hàn Quốc tại Việt Nam. Đây là đội ngũ trẻ tuổi so với Nhóm 1 giữ cương vị tương tự trước đây và ngày càng được bổ sung thêm nhân lực trẻ. Xét về chuyên môn, bên cạnh những người có chuyên môn về giáo dục tiếng Hàn, ngôn ngữ học, văn học Hàn Quốc chiếm đại đa số, thì chuyên môn của đội ngũ đào tạo, nghiên cứu về Hàn Quốc mà Nhóm 2 đang là lực lượng chính, ngày càng đa dạng hơn như: quan hệ quốc tế, dân tộc học, xã hội học, sử học...
Sự chuyển biến trong đội ngũ nghiên cứu Hàn Quốc thế hệ thứ 2 tại Việt Nam có thể nhận thấy rõ nhất về mặt số lượng trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, ngôn ngữ Hàn Quốc. Thống kê các bài nghiên cứu ngôn ngữ trên các tạp chí chuyên ngành của Việt Nam thì tổng số bài viết của nhóm tác giả trong ngành Hàn Quốc học chỉ trong 3 năm từ 2012-2014 lên tới 39 bài, gấp hơn 2 lần tổng số bài viết của nhóm tác giả ngoài ngành Hàn Quốc học trong gần 20 năm từ năm 1995-2014. Xu thế của mấy năm gần đây cũng cho thấy, số bài viết của nhóm tác giả trong ngành Hàn Quốc học ngày càng tăng mạnh trong khi số bài viết của nhóm tác giả ngoài ngành Hàn Quốc học lại giảm đi. Xu thế này đã đánh dấu sự chuyển biến bước đầu rất quan trọng hướng tới tăng cường tham gia hoạt động nghiên cứu, trau dồi chuyên môn trong đội ngũ nghiên cứu ngôn ngữ Hàn Quốc nói riêng và nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam nói chung[2].
Sự trưởng thành của đội ngũ nghiên cứu, giảng dạy Hàn Quốc học hiện nay cho phép chúng ta có thể tin tưởng vào một giai đoạn biến chuyển về chất của ngành Hàn Quốc học. Hiện tại, ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu, đào tạo Hàn Quốc nhóm 2 trong thời gian qua đã nỗ lực trau dồi vốn tiếng Hàn, kiến thức chuyên môn và đang bắt đầu bước vào giai đoạn trưởng thành hơn. Họ hầu hết làm việc tại các đơn vị nghiên cứu, đào tạo về Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc thuộc nhóm này phần lớn đã phổ cập trình độ thạc sĩ và số có bằng tiến sĩ đang ngày càng tăng. Hầu hết trong số họ là các tiến sĩ du học ở Hàn Quốc trở về Việt Nam hoặc là các tiến sĩ trong nước.
Sự trưởng thành của đội ngũ ngành Hàn Quốc học biết tiếng Hàn, được đào tạo bài bản về Hàn Quốc học sẽ đóng góp vào sự phát triển về chiều rộng và chiều sâu của công tác nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam. Lực lượng này đang trở thành lực lượng giữ các vị trí quan trọng trong nghiên cứu, đào tạo Hàn Quốc học tại Việt Nam. Sự thay đổi này phản ánh kết quả tích cực của ngành Hàn Quốc học Việt Nam trong gần 30 năm hình thành và phát triển. Đồng thời, đó cũng là bước chuyển đổi tạo động lực lớn cho sự phát triển của ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam trong tương lai.
3. Những chuyển biến trong nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam
Những chuyển biến trong nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam trong mấy thập niên qua có thể thấy được qua Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, một tạp chí khoa học chuyên ngành khu vực đăng tải các bài nghiên cứu về Hàn Quốc chủ yếu ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á đã phát triển từ Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản (1995) và Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á (từ số 4/2001) cho đến khi chính thức có tên như hiện nay là Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á (từ tháng 4/2006). Những bài tạp chí nghiên cứu về Hàn Quốc đầu tiên xuất hiện năm 1998, thời điểm Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc được thành lập và sau 3 năm Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản ra đời. Cho đến nay, cùng với sự phát triển của tạp chí, mảng nghiên cứu Hàn Quốc có một vị trí ngày càng quan trọng. Lúc đầu mới chỉ được giới hạn trong một chuyên mục với tên gọi chung là Nghiên cứu khu vực Đông Bắc Á trên Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, đến nay, mảng nghiên cứu Hàn Quốc trở thành một trong hai mảng nghiên cứu chính của tạp chí với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng, sự lớn mạnh về đội ngũ cộng tác viên và sự chuyên sâu về nội dung nghiên cứu.
Số bài tạp chí nghiên cứu về Hàn Quốc năm 1998 chỉ có 4 bài nhưng đến năm 2001 đã tăng lên 10 bài, năm 2012 đạt tới 36 bài, gấp tới 9 lần sau 14 năm có bài đăng đầu tiên. Số bài đăng trong thời gian 1998-2021 đạt 478 bài. Xu hướng bài nghiên cứu về Hàn Quốc hàng năm tăng theo thời gian nhưng đạt đỉnh cao nổi trội vào các năm 2001, 2007, 2012. Đây cũng là những năm có sự kiện quan trọng của mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc như nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI (2001), kỷ niệm 15 năm (2007) và 20 năm (2012) thiết lập quan hệ giữa hai nước. Ở các thời điểm đáng nhớ này, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á thường có số đặc biệt chỉ dành riêng cho các bài viết nghiên cứu về Hàn Quốc, góp phần tăng số lượng bài trong năm. Sự quan tâm của xã hội, của các nhà nghiên cứu cũng như sự ưu tiên đăng tải bài viết về Hàn Quốc là yếu tố gia tăng số bài viết trong các thời điểm này. Với các yếu tố tương tự, năm sau đó (2008, 2018) các bài nghiên cứu về Nhật Bản được ưu tiên nên bài nghiên cứu về Hàn Quốc giảm sau khi đã tăng đột biến. Trung bình mỗi năm có 15 bài trong giai đoạn 2000-2010 và trong giai đoạn 2010-2020 có hơn 27 bài viết về Hàn Quốc được đăng tải, tăng gần gấp đôi.
Nguồn: Tác giả tổng hợp và xây dựng từ dữ liệu của Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á các năm 1995-2021
Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, sự chuyển biến trong nội dung, lĩnh vực nghiên cứu Hàn Quốc trong thời gian qua cũng rất đáng chú ý. Cùng với sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, các bài nghiên cứu về Hàn Quốc trong các lĩnh vực có sự thay đổi, nhất là từ sau năm 2009. Trước năm 2009, lĩnh vực kinh tế và chính trị, ngoại giao an ninh chiếm ưu thế trong các bài viết nghiên cứu về Hàn Quốc. Từ sau năm 2009, trong giai đoạn 2010-2021, các nghiên cứu lĩnh vực khoa học nhân văn gồm văn hóa, văn học, ngôn ngữ, lịch sử lại chiếm ưu thế lớn nhất, trong khi nghiên cứu lĩnh vực kinh tế có xu hướng giảm nhẹ và từ ngôi đầu xuống hàng cuối cùng. Nghiên cứu lĩnh vực xã hội tăng nhanh và từ hàng cuối vươn lên hàng thứ ba và thứ hai trong giai đoạn này. Còn nghiên cứu lĩnh vực chính trị ngoại giao, an ninh tăng đều và đứng vị trí thứ hai khá ổn định trong một thời gian dài. Có thể thấy, trong giai đoạn phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc, nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam ngoài sự gia tăng số lượng đã có sự chuyển đổi về chủ đề lĩnh vực nghiên cứu. Các nghiên cứu về khoa học nhân văn và xã hội trong giai đoạn này đã gia tăng nhanh chóng và chiếm ưu thế so với lĩnh vực kinh tế vốn là quan tâm hàng đầu trong các giai đoạn trước.
Nội dung của các nghiên cứu khoa học nhân văn trước năm 2009 chủ yếu về Nho giáo Hàn Quốc, khái quát văn học sử Hàn Quốc, nghiên cứu so sánh các tác phẩm văn học cổ điển Hàn Quốc - Việt Nam, lịch sử trung cận đại Hàn Quốc... Điểm đến của các nghiên cứu khoa học nhân văn thời kì này là so sánh, tìm kiếm sự tương đồng trong văn hóa, lịch sử Hàn Quốc với Việt Nam. Sau năm 2009, các nghiên cứu khoa học nhân văn vẫn duy trì xu hướng này bên cạnh bổ sung các nghiên cứu về các chủ đề thời hiện đại như làn sóng Hàn lưu, nghiên cứu các tác phẩm văn học hiện đại, các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại (văn hóa doanh nghiệp, gia đình...). Các nghiên cứu bắt đầu đi sâu vào phân tích từng thể loại như ảnh hưởng của Nho giáo, Hương ước, Shaman, Gut, Talchum, thành ngữ - tục ngữ, phim truyền hình, điện ảnh, K-pop, tiểu thuyết... Trong khi đó, nội dung của các nghiên cứu về xã hội Hàn Quốc trước năm 2009 chủ yếu nghiên cứu về gia đình Hàn Quốc truyền thống và hiện đại, sau năm 2009 cũng tiếp tục xu hướng nghiên cứu này với các loại hình cụ thể như gia đình đa văn hóa, các vấn đề về phụ nữ... và các chủ đề mới như phúc lợi xã hội, phong trào Làng mới, vấn đề dân số của Hàn Quốc, các tầng lớp xã hội... Các nghiên cứu trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh chủ yếu về các nội dung như quan hệ liên Triều, vấn đề hạt nhân, quan hệ quốc tế của Hàn Quốc, các chính sách ngoại giao của Hàn Quốc ở từng thời kỳ và ít có sự chuyển đổi chủ đề so với các lĩnh vực khoa học nhân văn và xã hội.
Nguồn: Tác giả tổng hợp và xây dựng từ dữ liệu của Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á các năm 1995-2021
Kinh tế Hàn Quốc và những kinh nghiệm phát triển kinh tế được xem là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam trong mối quan hệ với Hàn Quốc. Việt Nam muốn tìm hiểu, học tập Hàn Quốc trong xây dựng chính sách, thúc đẩy công nghiệp hóa hay tái cơ cấu kinh tế... Cho nên, rất dễ hiểu khi các nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc chiếm số lượng lớn nhất trong nhiều thập niên. Tuy gần đây có giảm nhẹ và từ vị trí cao nhất xuống vị trí thấp nhất nhưng so với các lĩnh vực chung gồm nhiều mảng như khoa học nhân văn và chính trị - ngoại giao - an ninh, các nghiên cứu về kinh tế Hàn Quốc chỉ duy nhất của một lĩnh vực nên vai trò của nó trong nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam vẫn rất quan trọng. Các nghiên cứu kinh tế chủ yếu tập trung cho các chủ đề đa dạng xoay quanh các vấn đề kinh tế thời kỳ hiện đại, đặc biệt là thời kỳ công nghiệp hóa tăng trưởng cao của Hàn Quốc và tình hình hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc. Cụ thể, các nghiên cứu đề cập từ chính sách kinh tế, quản lý vốn đầu tư, các cheabol, nguồn lực, xuất khẩu, các ngành công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các hợp tác kinh tế của Hàn Quốc với ASEAN, tiểu vùng Mekong và với Việt Nam cũng như các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Các nghiên cứu về kinh tế Hàn Quốc cũng tương tự các nghiên cứu về xã hội, chính trị, ngoại giao an ninh hầu như thường hướng đến mục tiêu cuối cùng là tìm hiểu và liên hệ, tham khảo các kinh nghiệm của Hàn Quốc để áp dụng phù hợp cho Việt Nam. Xu hướng nghiên cứu chuyên sâu của các nghiên cứu kinh tế từ vi mô đến vĩ mô và đa dạng chủ đề tập trung cho thời kì hiện đại gần như ít thay đổi so với trước và sau năm 2009. Điểm khác biệt rõ ràng nhất là trước 2009, các nghiên cứu kinh tế quan tâm lý giải sự phát triển kinh tế thần kì ở Hàn Quốc trên bình diện văn hóa như các ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, văn hóa doanh nghiệp, đất nước con người Hàn Quốc. Từ sau năm 2009, các nghiên cứu kinh tế tập trung vào phân tích ứng xử, đối sách của chính phủ, doanh nghiệp Hàn Quốc trước các vấn đề kinh tế như tăng trưởng, tái cơ cấu, khủng hoảng tiền tệ, hợp tác quốc tế...
Sự chuyển biến trong cơ cấu tác giả của các nghiên cứu Hàn Quốc cũng rất đáng chú ý. Trong nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam đang có sự chuyển giao quan trọng giữa Nhóm 1 và Nhóm 2. Như trên đã đề cập, Nhóm 2 là các tác giả biết tiếng Hàn và được đào tạo về Hàn Quốc học. Trong hơn 10 năm cho đến năm 2009, Nhóm 2 chỉ có 12 bài viết nhưng trong giai đoạn 2010-2021 có tới 53 bài viết, gấp hơn 4 lần. Tỷ lệ nghiên cứu của các tác giả Nhóm 2 đã tăng từ 8,1% lên gấp đôi, đạt 16% trong giai đoạn 2010-2021. Sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của nhóm tác giả biết tiếng Hàn và có chuyên ngành về Hàn Quốc học tại Việt Nam không những gia tăng số lượng các bài viết mà còn góp phần làm thay đổi xu thế nghiên cứu của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Với thế mạnh được đào tạo hệ thống về tiếng Hàn và Hàn Quốc học, Nhóm 2 phần lớn có chuyên môn về ngôn ngữ, văn học, văn hóa học, xã hội học, dân tộc học, Nhóm 2 ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu về Hàn Quốc trong lĩnh vực này, đặc biệt là các nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Hàn. Sự gia tăng và chiếm ưu thế của nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam trong lĩnh vực khoa học nhân văn trong giai đoạn từ năm 2009 trở lại đây có sự tham gia tích cực của Nhóm 2 mà cụ thể hơn là trong khoảng thời gian từ 2015-2021, tức là chỉ trong khoảng 6 năm gần đây. Điều này được nhận thấy rõ hơn khi giai đoạn 2006-2014 có tỷ lệ nghiên cứu của các tác giả Nhóm 2 thấp[3]. Thời kỳ này cũng phù hợp với thực tiễn khi thế hệ được đào tạo tiếng Hàn và Hàn Quốc học trong những năm 1993-2010 trưởng thành hơn về tuổi đời, kinh nghiệm và kiến thức chuyên ngành, tham gia hoạt động nghiên cứu nhiều hơn. Xu thế này rõ rệt hơn đối với các nghiên cứu có tác giả là người làm việc tại các trường đại học có đào tạo về Hàn Quốc.
4. Kết luận
Đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam trong khoảng ba thập niên qua đã phát triển nhanh chóng, rộng khắp và đang bước vào giai đoạn trưởng thành. Các đơn vị, tổ chức nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam chủ yếu thuộc các đơn vị, tổ chức công của nhà nước thuộc các bộ ngành và tương đương trong khi đào tạo về Hàn Quốc đang có xu thế đa dạng hơn với sự gia tăng của các đơn vị, tổ chức ngoài công lập và ở các địa phương. Nghiên cứu về Hàn Quốc tại Việt Nam đã được bắt đầu khá sớm, góp phần tạo nền tảng hiểu biết lẫn nhau, thiết lập và phát triển mối quan hệ với Hàn Quốc và ngược lại cũng tiếp nhận động lực từ mối quan hệ này để tiếp tục mở rộng và phát triển theo thời gian. Đội ngũ nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam đang được bổ sung một lực lượng mới được đào tạo tiếng Hàn Quốc và chuyên ngành Hàn Quốc học ngày càng đa dạng. Sự trưởng thành của đội ngũ này hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo nên những chuyển biến mới cho hoạt động nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam. Nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam góp phần xây dựng và thúc đẩy công tác đào tạo và đang bắt đầu được tiếp thêm nguồn lực từ thành quả đào tạo về ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam
Nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam trong mấy thập niên gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn hơn 10 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt – Hàn đã có những chuyển biến đáng chú ý không chỉ về lượng mà còn về chất. Số lượng công trình nghiên cứu về Hàn Quốc gia tăng nhanh chóng và ngày càng đa dạng. Nếu như lĩnh vực kinh tế Hàn Quốc là chủ đề được nghiên cứu sớm nhất tại Việt Nam và chiếm phần lớn nhất cho đến trước năm 2009 thì từ sau đó, các nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học nhân văn, xã hội gia tăng và đang dần chiếm ưu thế về số lượng. Nội dung nghiên cứu về Hàn Quốc đang ngày càng chuyên sâu hơn, đi vào các vấn đề cụ thể trong từng lĩnh vực và hướng đến tìm hiểu sự tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng như rút ra những bài học và kinh nghiệm cho Việt Nam từ thực tiễn của Hàn Quốc. Nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam vừa đi theo hướng nghiên cứu cơ bản vừa theo hướng nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập, tham khảo về các lĩnh vực đa dạng của Hàn Quốc ngày càng gia tăng ở Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TS., Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] Nguyễn Thị Thắm (2016), “Tình hình nghiên cứu ngôn ngữ Hàn tại Việt Nam: nhìn từ bài tạp chí khoa học”, Tạp chí Hàn Quốc, số 2, 3, 4; tháng 8/2016, tr. 121-128.
[3] Nguyễn Thị Thắm (2017), “Nhìn lại chặng đường 25 năm nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 11/2017, trang 71-80