Nguyễn Thị Ngọc Anh1
Tóm tắt: Nền giáo dục Nhật Bản nói chung và giáo dục, đào tạo nghề nói riêng được coi là một trong những hệ thống ưu việt, tiên tiến trên thế giới. Cũng như nhiều quốc gia khác, trước sự thay đổi của kinh tế và thị trường lao động, Nhật Bản đã liên tục có những thay đổi trong hệ thống giáo dục và đào tạo nghề nhằm khắc phục nhược điểm của hệ thống. Bài viết phân tích mối quan hệ giữa các chủ thể trong hệ thống đào tạo nghề cho thanh niên tại Nhật Bản, từ đó nhìn nhận những ưu điểm và hạn chế của hệ thống này ở Nhật Bản hiện nay.
Từ khóa: Giáo dục và đào tạo nghề (VET), Nhật Bản, giáo dục nghề, đào tạo nghề
1. Khái quát về lịch sử hoạt động đào tạo nghề tại Nhật Bản[1]
Giáo dục và đào tạo nghề (Vocational Education and Training - VET) là việc đào tạo các kỹ năng và giảng dạy kiến thức liên quan đến một ngành, nghề cụ thể mà sinh viên hoặc người lao động muốn tham gia. Giáo dục nghề nghiệp có thể được thực hiện tại một cơ sở giáo dục, như một phần của giáo dục trung học, đại học; hoặc có thể là một phần của đào tạo ban đầu trong quá trình làm việc (ví dụ như học việc, hoặc thực tập tại nơi làm việc). VET tập trung vào các ngành nghề cụ thể và truyền đạt các kỹ năng thực tế cho phép các cá nhân tham gia vào hoạt động nghề nghiệp chuyên môn. VET không chỉ quan trọng trong việc cung cấp cơ hội việc làm cho các cá nhân mà còn giúp nâng cao năng suất của các doanh nghiệp: “Giáo dục và đào tạo nghề là công cụ không thể thiếu để cải thiện dịch chuyển lao động, khả năng thích ứng và năng suất, do đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và khắc phục sự mất cân bằng trên thị trường lao động”[2]. VET bao gồm tất cả các chuyển giao kỹ năng, chính thức và không chính thức, được yêu cầu để cải thiện các hoạt động sản xuất của xã hội. Theo đó, đào tạo nghề có thể được chia làm hai loại, là đào tạo nghề ban đầu (trong trường học) và đào tạo nghề tiếp tục (tại nơi làm việc). Nội dung của giáo dục và đào tạo nghề cũng bao gồm cả giáo dục hướng nghiệp hoặc có thể cho rằng giáo dục hướng nghiệp là một khía cạnh nằm trong giáo dục và đào tạo nghề.
Hoạt động đào tạo nghề ở Nhật Bản được hiểu với nghĩa “VET/giáo dục và đào tạo nghề, trong đó đào tạo nghề ban đầu được coi là chủ yếu, nó được thực hiện ở các trường phổ thông (trong chương trình hướng nghiệp), trường đại học (bao gồm đại học quốc lập, đại học công lập và đại học dân lập), trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề (tham khảo hình 1).
Nguồn: https://www.vxut.edu.vn/bai-viet/nen-giao-duc-nhat-ban-p1.html
Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, thuật ngữ “đào tạo nghề” chưa được phổ biến mà chỉ được gọi dưới cái tên “giáo dục kinh doanh” (実業教育). Theo Nghị định Trường dạy nghề năm 1899, tất cả các trường đào tạo về kinh doanh, chẳng hạn như trường công nghiệp, trường thương mại, trường nông nghiệp, trường thủy sản và trường thương mại vận tải biển đều được chỉ định là trường dạy nghề. Các trường nghề này đóng vai trò rất hiệu quả trong việc đào tạo ra số lượng lớn lao động lúc bấy giờ (hơn 70% sinh viên tốt nghiệp các trường nghề tìm được việc làm đúng chuyên ngành)[3]. Nội dung giáo dục của trường kinh doanh bao gồm các môn học được gọi là giáo dục phổ thông như ngôn ngữ Nhật Bản, lịch sử, toán học, vật lý và các môn chuyên ngành thực tế. Đối với trường kinh doanh, không có khóa học tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và không có hệ thống chứng nhận sách giáo khoa, do đó các khóa học có nội dung khác nhau và cực kì đa dạng.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, giáo dục Nhật Bản cải cách hệ thống trường học theo mô hình 6, 3, 3, 4 (6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông, 4 năm đại học) và kéo dài thời gian giáo dục bắt buộc đến 15 tuổi. Cùng với đó, toàn bộ khung đào tạo nghề (bao gồm cả giáo dục hướng nghiệp) được thực hiện cho những người trên 15 tuổi. Theo chương trình mới, số lượng giờ dành cho giáo dục chuyên ngành liên quan đến nghề nghiệp trong các trường phổ thông chỉ chiếm dưới 50% so với thời gian giảng dạy các bộ môn như toán học, xã hội học, ngôn ngữ Nhật Bản và khoa học.
Trước bối cảnh Nhật Bản đang bước vào thời kì khôi phục đất nước sau chiến tranh, năm 1958, chính phủ đã ban hành Đạo luật dạy nghề (職業訓練法), nhằm chấn chỉnh lại hệ thống dạy nghề và thuật ngữ “đào tạo nghề” cũng chính thức được sử dụng. Đến năm 1969, Đạo luật dạy nghề bị bãi bỏ, thay vào đó là Luật Dạy nghề. Theo nội dung Luật Dạy nghề, hoạt động dạy nghề ngoài hệ thống công lập (còn được gọi là đào tạo nghề tại chỗ/đào tạo nghề tại các doanh nghiệp (OJT)) được mở rộng.
Trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao (1955-1973), đào tạo nghề tại chỗ được thực hiện trong nhiều lĩnh vực và cho thấy hiệu quả tích cực. Khoảng 30 năm tiếp theo, đào tạo nghề nói chung tiếp tục có sự thay đổi đáng kể trong việc thu hẹp quy mô đào tạo nghề công (đào tạo nghề trong hệ thống trường học), mở rộng đào tạo nghề tại chỗ và đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc dạy nghề tại chỗ khiến kỹ năng của người lao động bị giới hạn, chủ yếu là ở các nghề cơ bản hoặc nghề bảo trì.
Đến năm 1985, Luật Dạy nghề đã được chỉnh lý và sửa đổi thành Luật Khuyến khích phát triển khả năng nghề (職業能力開発促進法) hướng tới mục tiêu hiện thực hóa xã hội học tập suốt đời, trong thời đại tin học hóa và quốc tế hóa, ứng phó với những thay đổi về sự thay đổi của công nghệ, dịch vụ. Đặc điểm chính của luật là nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc phát triển khả năng nghề của người lao động.
Từ cuối những năm 1990, kinh tế Nhật Bản gặp nhiều khó khăn do sự đổ vỡ của “kinh tế bong bóng” buộc các doanh nghiệp cắt giảm lao động, tái cơ cấu, thắt chặt chính sách hỗ trợ đào tạo sau khi tuyển dụng, cùng với nhu cầu chuyển dịch lao động trình độ cao. Thực trạng này đã khiến người lao động buộc phải tự mình tìm kiếm các cơ hội để nâng cao năng lực bản thân hay là tự đào tạo. Suốt thời kì suy thoái kinh tế kéo dài sau đó, trách nhiệm đào tạo của các công ty liên quan đến việc giúp người lao động ổn định việc làm cũng dần giảm sút. Trong khi đó, hệ thống đào tạo nghề công chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và theo học đại học, cùng với sự suy giảm tỷ lệ sinh viên đăng kí vào các trường cao đẳng kỹ thuật, trung học phổ thông, trung học dạy nghề. Trong xu thế này, năm 2004 “hệ thống kép” phiên bản Nhật Bản ra đời với hình thức kết hợp đào tạo nghề công và đào tạo tại chỗ, chi phí hỗ trợ từ chính phủ nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch này. Hệ thống này sử dụng các trường giáo dục công như một bộ phận hỗ trợ đào tạo ngoài doanh nghiệp (off the job training - OffJT), kết hợp với thực hành tại doanh nghiệp/đào tạo tại chỗ (on the job training - OJT). Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, hệ thống này gặp nhiều khó khăn trong việc tiến hành tìm kiếm doanh nghiệp ủy thác, nên đến năm 2008, “hệ thống thẻ việc làm” lại được giới thiệu trên cơ sở thay đổi một số phần trong “hệ thống kép”. Sau đó, người ta cũng phát hiện những lỗ hổng trong hệ thống này, song đến nay nó vẫn được sử dụng.
Gần đây nhất, năm 2019, để giải quyết sự chênh lệch giữa giáo dục đại học và đào tạo nghề công, Nhật Bản đã tiếp tục cho ra đời mô hình trường đại học chuyên nghiệp, kết hợp giáo dục lý thuyết và thực hành chuyên sâu.
Rõ ràng, việc thay đổi tỷ lệ và vai trò giữa các khu vực đào tạo nghề (đào tạo nghề công và đào tạo nghề tại chỗ) là phản ứng phù hợp với thị trường lao động, trong đó sự chuyển dịch của nền kinh tế đã có tác động rất lớn.
2. Hoạt động đào tạo nghề ở Nhật Bản hiện nay
Tại Nhật Bản, cơ quan chính phủ trung ương có thẩm quyền đối với chính sách phát triển khả năng nghề nghiệp là Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) và Bộ Giáo dục, Thể thao, Văn hóa, Khoa học và Công nghệ (MEXT). Ngoài ra Tổ chức Việc làm và Phát triển nguồn nhân lực cũng có trách nhiệm vận hành các cơ sở phát triển khả năng nghề nghiệp công giúp hỗ trợ đào tạo nghề do chủ doanh nghiệp tiến hành và tư vấn nghề nghiệp cho người lao động. Trong hoạt động đào tạo nghề, hệ thống đào tạo nghề công (hệ thống trường học) đóng vai trò chủ yếu, bên cạnh đó còn có các đơn vị đào tạo tư nhân được sử dụng như là nơi hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân viên.
2.1. Đào tạo nghề trong hệ thống trường học
Hiện nay, Nhật Bản có tổng số 698 trường đại học (86 trường đại học quốc lập, 92 trường đại học công lập địa phương, 603 trường đại học dân lập), 57 trường trung cấp chuyên nghiệp (trường Kosen), 2800 trường dạy nghề (trường Senmon), ngoài ra còn có số lượng trường cao đẳng dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế của địa phương[4].
Như có thể thấy trong Hình 1, sau khi kết thúc trung học cơ sở, học sinh bắt đầu có những lựa chọn học nghề tại các cơ sở công lập hoặc các đơn vị dạy nghề tư nhân. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay của đa số học sinh và định hướng của phụ huynh Nhật Bản đều theo đuổi việc học tiếp trung học phổ thông và bước chân vào các trường đại học hơn là học trường nghề. Trường dạy nghề chỉ là sự lựa chọn thứ hai dành cho những học sinh có học lực kém hoặc có hoàn cảnh gia đình thấp. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 1990-2009, theo điều tra của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, tỷ lệ nhập học đại học tăng 15,1%, trong khi tỷ lệ học nghề giảm 19,0%. Các thống kê gần đây cũng cho thấy điều này vẫn đang tồn tại[5].
Sự chênh lệch về số lượng sinh viên học đại học và học trường dạy nghề là vấn đề tồn tại lớn nhất trong đào tạo nghề công của Nhật Bản nhiều năm qua. Nguyên nhân của tỷ lệ chênh lệch này có thể được xem xét qua bảng 1.
Rõ ràng, mặc dù “lối vào” các trường đại học vốn hẹp hơn so với các trường nghề, song với bằng tốt nghiệp cử nhân, sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp với mức lương cao hơn, kèm theo các cơ hội học tập nâng cao ở các trình độ chuyên sâu về lý thuyết so với việc tốt nghiệp trường dạy nghề. Về chi tiết, nội dung nghề được dạy trong các trường dạy nghề khác với trường đại học (cùng hệ thống 4 năm học). Các lĩnh vực việc làm chính của sinh viên tốt nghiệp đại học chủ yếu là công việc văn phòng, khoa học kỹ thuật, y tế, tâm lý, giáo dục, trong khi đó, hầu hết các sinh viên tốt nghiệp trường dạy nghề thường làm ở các vị trí thấp hơn trong các ngành nghề như điều dưỡng, vật lý trị liệu, thẩm mỹ, xử lý thông tin và thiết kế.
Bảng 1: So sánh giáo dục đại học và trường dạy nghề
|
Đại học |
Trường dạy nghề |
Nội dung giáo dục |
Các chuyên ngành giáo dục học thuật, lý thuyết |
Giáo dục thực hành để thu nhận kiến thức và nhân học chủ yếu trong các lĩnh vực chuyên ngành |
Học phí |
Quốc gia: Khoảng 2,5 triệu yên Tư nhân: Khoảng 4 triệu yên |
Khoảng 2,5 triệu yên (đối với hệ thống 2 năm) |
Thời gian học |
Tự chọn |
Cố định ngay từ khi bắt đầu |
Tín chỉ/ Số giờ học |
Yêu cầu ít nhất 124 tín chỉ |
800 giờ học mỗi năm |
Thời gian học |
4 năm |
1-4 năm |
Phương thức tuyển sinh |
Bài kiểm tra viết, phỏng vấn… |
Kiểm tra viết, phỏng vấn, xét học bạ… |
Cấp độ tuyển sinh đầu vào |
Khó |
Tương đối dễ |
Lựa chọn có thể thực hiện sau khi tốt nghiệp |
Làm việc tại các công ty, học tiếp cao học… |
Làm việc, chuyển tiếp học đại học… |
Bằng cấp sau khi tốt nghiệp |
Cử nhân |
Hệ 2 năm: văn bằng Hệ 4 năm trở lên: văn bằng cao cấp |
Lương khởi điểm khi đi làm |
Cao hơn so với người tốt nghiệp trường nghề chuyên nghiệp |
Thấp hơn so với người tốt nghiệp cử nhân đại học |
Tỷ lệ tuyển sinh tốt nghiệp THPT (số liệu năm 2018) |
49,6% |
16,0% |
Nguồn: https://www.kandagaigo.ac.jp/kifl/contents/careerpath-aptitude
Tuy nhiên, đối với những người có đam mê rõ ràng đối với một nghề nghiệp nhất định thì trường dạy nghề sẽ đem lại nhiều ý nghĩa hơn, bởi họ ngay lập tức có thể có được những kỹ năng cần thiết cho công việc cụ thể. Với sự lựa chọn này, họ không chỉ rút ngắn một nửa thời gian học tập mà còn có được kỹ năng chuyên môn sâu hơn so với việc ngồi trên ghế của trường đại học. Ngoài ra, học viên tốt nghiệp trường nghề vẫn có cơ hội tiếp tục học lên đại học nếu muốn. Trong số 700 trường đại học ở Nhật Bản, khoảng 70% các trường (bao gồm cả công lập và tư thục) chấp nhận sinh viên chuyển tiếp từ các trường dạy nghề.
Để cân đối những ưu điểm và khuyết điểm của việc học đại học và trường dạy nghề, xu hướng lệch lạc giữa tỷ lệ cao theo học các trường đại học và sự sụt giảm nhu cầu tại các trường dạy nghề, năm 2019, trên cơ sở Luật Giáo dục trường học sửa đổi, Bộ Giáo dục, Y tế và Phúc lợi đã ban hành quyết định thành lập trường đại học chuyên nghiệp. Với thời gian học là 4 năm, sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân chuyên nghiệp. Trong thời gian tới, việc hoàn thiện hệ thống trường đại học chuyên nghiệp Nhật Bản cũng sẽ còn nhiều khó khăn trong việc đáp ứng về hệ thống trường lớp, chương trình và đặc biệt là khả năng của giáo viên.
2.2. Đào tạo nghề tại nơi làm việc
Đào tạo nghề tại nơi làm việc/đào tạo nghề tiếp tục là một quá trình hoặc hoạt động đào tạo với mục tiêu chính là giúp lao động thu nhận thêm năng lực nghề nghiệp, cải thiện kỹ năng, được doanh nghiệp tài trợ ít nhất một phần dành cho những lao động của họ hoặc những người có hợp đồng làm việc, những người được hưởng lợi trực tiếp từ doanh nghiệp. Các quá trình hoặc hoạt động đào tạo phải được lên kế hoạch trước và phải được tổ chức hoặc hỗ trợ với mục tiêu là học tập kỹ năng.
Trên thực tế, khi tuyển dụng vào thị trường lao động, các công ty Nhật Bản thường không yêu cầu kỹ năng công việc cụ thể đối với sinh viên tốt nghiệp từ hệ thống giáo dục mà chỉ cần họ có những kỹ năng chung và sau đó nhân viên mới sẽ được cung cấp các khóa đào tạo dành riêng của công ty. Đối với người lao động sau khi kí hợp đồng dài hạn với công ty, họ sẽ gắn bó cả đời với công ty và khó có khả năng bị sa thải. Bởi ngay cả khi lao động không đủ kỹ năng cần thiết, công ty sẽ tiếp tục tiến hành đào tạo lại tại nơi làm việc. Kinh phí đào tạo này được cung cấp bởi các khoản trợ cấp khác nhau dựa trên Luật Bảo hiểm việc làm. Đây là một trong những đặc trưng việc làm kiểu Nhật Bản.
Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các công ty Nhật Bản thích tuyển dụng những người trẻ tuổi có năng khiếu hơn là năng lực chuyên môn hoặc kinh nghiệm cụ thể vì họ cho rằng việc đào tạo và rèn luyện những nhân viên mới như vậy sẽ dễ dàng phù hợp với triết lý làm việc của Nhật Bản, đó là gắn bó với doanh nghiệp hơn là với nghề nghiệp đã được đào tạo. Song chính vì lý do này, kỹ năng của người lao động được đào tạo đã bị giới hạn bởi lợi ích của công ty.
Các chủ doanh nghiệp hay người sử dụng lao động cũng có vai trò rất lớn trong việc đào tạo kỹ năng của người lao động. Một số nghiên cứu cho rằng, họ có ảnh hưởng trực tiếp đến đào tạo nghề và hỗ trợ tài chính trong khi chính phủ chỉ đóng vai trò bổ sung kỹ năng lao động bằng việc trợ cấp cho các cơ sở đào tạo tư nhân hoặc đào tạo trong doanh nghiệp.
Phương thức đào tạo chính sử dụng trong các doanh nghiệp Nhật Bản gồm: đào tạo trong công việc (OJT), đào tạo ngoài công việc (OffJT) và đào tạo nghề kết hợp (“hệ thống kép phiên bản Nhật Bản” và “hệ thống thẻ việc làm”). Các phương thức đào tạo này dành cho nhân viên mới, những nhân viên cốt lõi (được tuyển dụng theo chế độ lâu dài) của mỗi công ty và những nhân viên thời vụ. OJT được tổ chức theo nhóm, ngay tại nơi làm việc. OffJT được thực hiện chủ yếu có ý nghĩa bổ sung cho OJT và thậm chí có xu hướng thay thế giáo dục nghề trong trường lớp.
2.3. “Hệ thống kép” phiên bản Nhật Bản và “hệ thống thẻ việc làm”
Để kết hợp giữa đào tạo nghề tại các trường học với thực tập tại các doanh nghiệp, Nhật Bản đã cho ra đời “hệ thống kép” phiên bản Nhật Bản năm 2004, mục đích của nó là hỗ trợ thanh niên tìm việc làm trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên thất nghiệp sau 3 năm đi làm tại Nhật Bản đang trở thành vấn đề (tại Nhật Bản, 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, 50% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và 30% sinh viên tốt nghiệp đại học nghỉ việc trong vòng 3 năm sau khi đi làm. Điều này ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động Nhật Bản vốn đang thiếu nhân lực do suy giảm tỷ lệ sinh trong nhiều năm[6]). Hệ thống này dựa trên mô hình “hệ thống kép” của Đức[7].
Hệ thống thực hiện có sự khác nhau tùy vào điều kiện của mỗi tỉnh thành, song đều theo mô hình tiêu chuẩn do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đưa ra. Đối tượng thanh niên được hướng tới trong chương trình chủ yếu là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (bao gồm cả những người chưa tốt nghiệp) chưa có việc làm, những người thất nghiệp và làm việc bán thời gian.
Về cơ bản, theo mô hình đào tạo này, hai hình thức kết nối sẽ được thực hiện như sau:
(1) Cơ sở giáo dục tìm một công ty chủ quản, cùng nhau xây dựng kế hoạch đào tạo trong khi làm việc (OJT), ủy thác huấn luyện.
(2) Kết hợp những người trẻ tuổi với công ty chủ quản: tại công ty, sau khi ký hợp đồng lao động bán thời gian có thời hạn, lao động lựa chọn chương trình đào tạo nghề phù hợp (OffJT), đồng thời được đào tạo thực hành tại công ty. Chi phí lập kế hoạch đào tạo của công ty sẽ được chính phủ trợ cấp là 150.000 yên[8].
Theo mô hình giáo dục nghề này, đào tạo nghề ngoài thời gian làm việc được tiếp nhận tại trường học hoặc cơ sở giáo dục. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo theo “hệ thống kép”, học viên sẽ vừa được chứng nhận năng lực, vừa được kết nối với công việc toàn thời gian thường xuyên. Rõ ràng, theo hệ thống này, việc đào tạo OffJT có ý nghĩa thay thế cho đào tạo nghề tại cơ sở giáo dục truyền thống. Song nhược điểm của chương trình này là việc tìm kiếm công ty ủy thác và sự kết nối chương trình giữa tổ chức đào tạo và công ty tư nhân. Một số chuyên gia nghiêm túc đánh giá rằng, hệ thống kép này đã không thể đạt được hiệu quả như mong muốn đề ra ban đầu, bởi trên thực tế, kỹ năng của người được đào tạo đã bị giới hạn bởi lợi ích của các công ty.
Bảng 2: Nội dung đào tạo nghề theo mô hình “hệ thống kép” phiên bản Nhật Bản
Loại hình |
Nội dung |
Phía cơ sở đào tạo |
Phía công ty được ủy thác |
Đào tạo nghề công lập |
Thời gian |
Đào tạo nghề công trong vòng 2 năm 6 tháng |
Thực hành từ 6-7 tháng. Sau đó được nhận làm việc bán thời gian cố định |
Chi phí đào tạo |
Học viên tự trả |
Chính phủ trợ cấp cho các công ty khoảng 12.000 yên/tháng |
|
Sử dụng lao động đào tạo ký gửi |
Thời gian |
6 tháng |
Thực hành 5 tháng. Từ tháng thứ 2 sẽ được ký hợp đồng |
Chi phí đào tạo |
Chính phủ trả phí khoảng 60.000 yên/tháng |
Chính phủ trả phí ủy thác 24.000 yên/tháng |
Nguồn: Matthias Pilz (2012), The Future of Vocational Education and Training in a Changing World, Springer Science and Business Media, https://books.google.com.vn/books?id=HleZY8Wuf6YC&pg= PA121&lpg=PA121&dq=All+about+dual+system+Japanese+version&source=bl&ots=LzE1hsoFo8&sig=ACfU3U2JlNTwato5MtaYF1-CcWoRFGBG7Q&hl=en&sa=X&ved=2ahUKEwiEtNK9y4T5AhXTgFYBHZJ CCrYQ6AF6BAhDEAM#v=onepage&q=All%20about%20dual%20system%20Japanese%20version&f=false.
Do những hạn chế trên, Nhật Bản lại tiếp tục cho ra đời mô hình “hệ thống thẻ việc làm” (vào năm 2008). Với hình thức này, người tìm việc có thể điền thông tin về trình độ giáo dục, lịch sử công việc đã trải qua vào một hệ thống tại Trung tâm Việc làm công. Các nhà tuyển dụng sẽ dựa vào đó để lựa chọn các ứng viên phù hợp với công việc hoặc các ứng viên sẽ được giới thiệu tiếp cận các chương trình phát triển kỹ năng nghề khác. Người tham gia có thể được cấp chứng chỉ nghề, được bổ sung tiếp tục vào thẻ việc làm. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) cung cấp các chương trình phát triển khả năng nghề cho thanh niên theo hai dạng: đào tạo ủy thác và đào tạo theo hợp đồng. Trong đó hình thức “đào tạo theo hợp đồng” lại được chia thành đào tạo thực hành có thời hạn (kéo dài từ 3-6 tháng) và “hệ thống phát triển nguồn nhân lực thực tập” (kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm). Công ty sẽ được nhận trợ cấp 600 yên mỗi giờ cho mỗi thực tập sinh[9]. Thẻ việc làm giúp người tìm việc phân tích khả năng nghề nghiệp khách quan và truyền đạt khả năng của họ đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được những nhân viên phù hợp. Thực tế cho thấy, hình thức “thẻ việc làm” được chấp nhận nhiều hơn so với dự kiến trong vòng 5 năm đầu. Song đến năm 2010, số lượng người có thẻ việc làm đã giảm đi nhanh chóng. Nguyên nhân một phần cũng có thể bởi các doanh nghiệp lớn đã không quan tâm nhiều đến chương trình này. Bên cạnh đó, phía chính phủ lại nhận thấy khoản trợ cấp trả cho các doanh nghiệp tham gia là quá cao và họ đã đề xuất bãi bỏ hoàn toàn hình thức này, tuy nhiên đến nay hình thức này vẫn được sử dụng.
3. Một số đánh giá về hệ thống đào tạo nghề của Nhật Bản
Qua phân tích có thể rút ra một vài điểm nổi bật về hệ thống đào tạo nghề của Nhật Bản như sau:
(1) Giáo dục “trộn lẫn”: “trộn lẫn” giáo dục nghề và giáo dục đại học (cụ thể là việc thành lập Trường Đại học chuyên nghiệp[10] năm 2019, với mục đích kết hợp giữa giáo dục lý luận và kỹ năng thực hành chuyên sâu); mô hình “hệ thống kép phiên bản Nhật Bản” (phối hợp các công ty và cơ sở giáo dục và đào tạo, thực hiện đào tạo thực tế tại các công ty và các bài giảng trên lớp tại các cơ sở giáo dục và đào tạo đồng thời thực hiện đánh giá năng lực vào cuối khóa học).
(2) Chênh lệch lớn giữa tỷ lệ theo học đại học và tỷ lệ học nghề. Theo MEXT, năm 2017, tỷ lệ thanh niên 18 tuổi học tiếp tục sau trung học là 81%, với 53% học đại học, 22% học cao đẳng đào tạo chuyên ngành, 4% học cao đẳng cơ sở và 1% học tại cao đẳng kỹ thuật, công nghệ. Tỷ lệ chênh lệch nghiêng về xu hướng theo đuổi các trường đại học đã diễn ra trong nhiều năm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn áp dụng chính sách tuyển dụng nhân viên không cần kinh nghiệm, tăng nhu cầu sử dụng lao động không thường xuyên nhằm giảm chi phí nhân sự. Các doanh nghiệp này sẽ thực hiện chính sách đào tạo nhân sự sau khi tuyển dụng. Bởi vậy, phần lớn doanh nghiệp chỉ cần những sinh viên đã được sàng lọc qua hệ thống giáo dục đại học.
(3) Giáo dục và đào tạo nghề không có cầu nối chuyển tiếp, hoặc là quá trình chuyển tiếp từ hệ thống trường học sang làm việc tại các công ty được thực hiện trong thời gian ngắn với mối quan hệ không rõ ràng. Giáo dục kỹ năng nghề không được thực hiện riêng lẻ, mà sẽ được kết hợp cùng giáo dục phổ thông hay trong quá trình làm việc, cụ thể là khóa học nghề được kết hợp với chương trình học phổ thông, tuy nhiên các môn học nghề chiếm chưa đến một nửa tổng chương trình học và thời gian dành cho đào tạo kỹ năng thực hành chủ yếu tại các trường học, không phải tại các công ty. Kế tiếp ở bậc học cao hơn, sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên sẽ hình thành lý lịch sự nghiệp của mình bằng những thành tích chuyển giao công việc hoặc thăng chức trong một công ty trên cơ sở phục vụ lâu dài, thay vì một khoảng thời gian tập sự riêng biệt.
(4) Đào tạo nghề được thực hiện xuyên suốt trong các cấp bậc học và sau khi đi làm, cụ thể: Khoảng 60% các trường trung học phổ thông đã đưa các môn học như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại… vào chương trình học tự chọn (số liệu năm 2009)[11]. Sau khi tốt nghiệp, nếu chưa tìm được việc làm, sinh viên được khuyến khích tham gia chương trình đào tạo theo “hệ thống kép” (phiên bản Nhật Bản được giới thiệu vào năm 2004), “hệ thống thẻ việc làm” (ra đời năm 2008). Hệ thống này tích hợp đào tạo nghề tại các trường học với thực tập trong các doanh nghiệp. Chương trình này được hỗ trợ chi phí từ chính phủ[12].
Tóm lại, hệ thống đào tạo nghề của Nhật Bản hiện nay vẫn được đánh giá là đem lại hiệu quả tốt, phù hợp với điều kiện thị trường lao động của đất nước này. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại nhấn mạnh vào việc hệ thống đào tạo nghề hiện nay cần tập trung hơn nữa vào giáo dục hướng nghiệp và giải quyết tốt vấn đề chênh lệch trong đào tạo đại học và dạy nghề. Hơn nữa, trước sự thay đổi của nền kinh tế, nhu cầu về thị trường lao động khắt khe, các công ty có xu hướng tìm kiếm những ứng viên ngay lập tức có đủ kỹ năng làm việc, cắt giảm chi phí cho đào tạo tại chỗ, thì những lao động trẻ Nhật Bản sẽ buộc phải tự chủ động tham gia các cơ hội đào tạo phát triển khả năng mới có thể đáp ứng môi trường việc làm hiện tại và trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] Kumiko Tsukamoto (2016), “Vocational Education and Training (VET) in Japan”, https://internationale ducation.gov.au/International-network/japan/countryo verview/ Documents/2016%20VET%20brief.pdf.
[3] Kiyoshi Sakasegawa, “職業訓練の変遷と課題” (Những thay đổi và vấn đề trong đào tạo nghề), https://appsv.main.teikyo-u.ac.jp/tosho/ksakasegawa52. pdf.
[4] “Giới thiệu các cơ sở giáo dục của Nhật Bản”, https://vnembassy-jp.org/vi/th%C3%B4ng-tin-c%C6% A1-b%E1%BA%A3n-v%E1%BB%81-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c-vi%E1 %BB%87t-nam-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n.
[5] Vildan Tasli (2018), “National Skill Systems: Acomparative Analysis of Vocational Education and Training in Germany, Japan and Turkey”, https://dergipark.org.tr/tr/download/article-file/587385.
[6] “デュアルシステムとは? 意味、日本版デュアルシシステム” (Hệ thống kép là gì? Hệ thống kép phiên bản Nhật Bản là gì?), https://www.kaonavi.jp/dictionary/dual-system/.
[7] Hệ thống đào tạo nghề kép của Đức là hệ thống giáo dục nghề kết hợp song song giữa học nghề trong môi trường thực tế tại doanh nghiệp với học nghề tại trường dạy nghề, theo đó cơ sở làm việc tập trung vào cung cấp các kiến thức và kỹ năng thực tế, còn nhà trường cung cấp kiến thức lý thuyết cơ bản.
[8] “日本版デュアルシステム」へご参加ください ー 新しい視点から生まれた新しい人材育成プログラム” (Tham gia Hệ thống kép phiên bản Nhật Bản - Chương trình phát triển nguồn nhân lực mới từ quan điểm mới), https://www.tokyochuokai.or.jp/topics/2006/11/dual_system06.html.
[9] Matthias Pilz (2012), The Future of Vocational Education and Training in a Changing World, Springer Science and Business Media, https://books. google. com.vn/books?id=HleZY8Wuf6YC&pg=PA121&lpg= PA121&dq=All+about+dual+system+Japanese+version&source=bl&ots=LzE1hsoFo8&sig=ACfU3U2JlNTwato5MtaYF1-CcWoRFGBG7Q&hl=en&sa=X&ved=2ah UKEwiEtNK9y4T5AhXTgFYBHZJCCrYQ6AF6BAhDEAM#v=onepage&q=All%20about%20dual%20system%20Japanese%20version&f=false.
[10] Sophia Chawala (2021), “Education in Japan”, https://wenr.wes.org/2021/02/education-in-japan.
[11] 職業教育訓練(VET)と労働市場の関係について ―日独比較を中心に― ( Về mối quan hệ giữa giáo dục và đào tạo nghề (VET) và thị trường lao động – Tập trung vào so sánh giữa Nhật Bản và Đức), https://cdgakkai.ws.hosei.ac.jp/wp/wp-content/uploads/ 2021/06/18-2-04.pdf.
[12] Viện Đào tạo và Chính sách Lao động Nhật Bản, “A Japanese – edition “dual system” is launched”, https://www.jil.go.jp/english/archives/emm/2004/no.13/dualsystem.html.