Trang chủ

Bầu cử Thượng viện 2022: Bước ngoặt của nền chính trị Nhật Bản

Đăng ngày: 6-03-2024, 09:52 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 9

Đỗ Thị Ánh1

Tóm tắt: Không chỉ là sự kiện quan trọng nhất trong lịch trình chính trị năm nay tại Nhật Bản, cuộc bầu cử Thượng viện 2022 còn đánh dấu một "bước ngoặt lớn" của nền chính trị nước này. Bài viết phân tích những điểm chính xoay quanh cuộc bầu cử và biến cố khiến chính trường Nhật Bản rung chuyển - cựu Thủ tướng Abe bị ám sát ngay trước thềm bầu cử - sự kiện được coi là tác động lớn nhất đến nền chính trị Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngoài ra, với chiến thắng lớn của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, chính quyền hiện tại của Nhật Bản dường như sẽ có "ba năm vàng son" trước mắt. Tuy nhiên, sau đây nước Nhật thời "hậu Abe" có thể sẽ phải đối mặt với không ít vấn đề, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến ngoại giao, an ninh, và Đảng LDP cũng có thể có những thay đổi lớn về cơ cấu, dẫn đến sự xáo động trong nội bộ chính trị nước Nhật.

Từ khóa: Bầu cử Thượng viện 2022, cựu Thủ tướng Abe Shinzo, chính trị Nhật Bản

 


1. Bầu cử Thượng viện Nhật Bản [1]

1.1. Khái quát về bầu cử Thượng viện Nhật Bản

Thời kỳ ban đầu, sau khi Nhật Bản thua trận và bị chiếm đóng, GHQ (Bộ tổng tư lệnh tối cao quân Đồng minh) đã dự định lập nên một hệ thống lập pháp đơn viện tại Nhật Bản. Lý do là GHQ lo ngại việc Quý tộc viện (貴族院)[2] trước kia từng liên kết với quân đội gây ra chiến tranh. Tuy nhiên, Nhật Bản đã cương quyết duy trì chế độ lưỡng viện, vì vậy GHQ đã đặt ra chế độ bầu cử tại các địa hạt trên toàn quốc nhằm chọn ra những thành viên Thượng viện có thể góp phần quản lý nhà nước một cách dân chủ. Hiến pháp 1947 của Nhật Bản ra đời đã giữ nguyên Chúng nghị viện (衆議院) tồn tại từ trước chiến tranh nhưng loại bỏ Quý tộc viện và thay vào đó là Tham nghị viện (参議院: Thượng viện)[3]. Cuộc bầu cử Thượng viện đầu tiên tại Nhật Bản được tổ chức vào tháng 4/1947 (Chiêu Hòa 22) và nhiệm kỳ bắt đầu vào ngày 3/5/1947, cùng ngày Hiến pháp hiện thời của Nhật Bản có hiệu lực[4].

Thượng viện Nhật Bản tương đối ít quyền lực hơn Hạ viện (nơi bầu thủ tướng, bộ trưởng trong nội các và kiểm soát các vấn đề quan trọng như ngân sách quốc gia). Tuy nhiên, các cuộc bầu cử Thượng viện chưa bao giờ bị xem nhẹ trong chính trị Nhật Bản.

Nhìn lại lịch sử sau chiến tranh, không ít trường hợp đảng cầm quyền Nhật Bản từng gánh chịu thất bại cay đắng tại cuộc bầu cử Thượng viện. Thậm chí, tất cả những thay đổi chính trị lớn tại Nhật Bản sau năm 2000 đều xuất phát từ các cuộc bầu cử Thượng viện. Sự thay đổi quyền lực hoàn toàn tại Nhật Bản vào các năm 2009 và 2012 không thể xảy ra nếu không có sự thất bại của đảng cầm quyền tại các cuộc bầu cử Thượng viện trước đó. Trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2007 dưới thời chính quyền đầu tiên của cựu Thủ tướng Abe, Đảng Dân chủ (DPJ) do Ozawa Ichiro dẫn dắt đã dành thắng lợi vang dội. Còn Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã gánh chịu thất bại lịch sử, khi số ghế kết hợp với Đảng Công Minh (Komeito) giảm mạnh. Thủ tướng Abe tuyên bố sẽ tiếp tục tại nhiệm, tuy nhiên sau đó phải từ chức vì vấn đề sức khỏe. Các đời thủ tướng kế nhiệm là Fukuda Yasuo và Aso Taro cũng phải vật lộn để điều hành Quốc hội và chịu thất bại trước DPJ trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 2009. LDP đã thất bại và thắng lợi của DPJ khi đó đã chấm dứt nửa thế kỷ gần như nắm giữ hoàn toàn chính trường Nhật Bản của LDP.

Đến cuộc bầu cử Thượng viện 2010 dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Kan Naoto, DJP lại gặp khó sau những phát biểu của Thủ tướng Kan về tăng thuế tiêu dùng. Sau khi bị phe đối lập và LDP đánh bại, DJP trở thành đảng thiểu số tại Thượng viện và không thể kiểm soát Quốc hội. Dưới thời người kế nhiệm Thủ tướng Kan là cựu Thủ tướng Noda Yoshihiko, DJP đã phải trao trả lại quyền lực cho LDP trong cuộc bầu cử Hạ viện 2012, mở đường cho cựu Thủ tướng Abe trở lại nắm chính quyền lần thứ hai.

1.2. Thách thức với Thủ tướng Kishida và đảng cầm quyền

Tại Nhật Bản, các thành viên Thượng viện được bầu với nhiệm kỳ 6 năm. Thượng viện hiện có tổng cộng 248 ghế, trong đó 50% số ghế định kỳ 3 năm sẽ được bầu lại một lần. Trong cuộc bầu cử năm 2022, các ứng cử viên sẽ cạnh tranh 125 trong số 248 ghế ở Thượng viện[5].

Bầu cử Thượng viện chính là một cuộc sát hạch quan trọng đối với ông Kishida trên cương vị chủ tịch Đảng cầm quyền LDP, đồng thời là Thủ tướng Nhật Bản[6]. Theo thăm dò, vấn đề được cử tri Nhật Bản quan tâm nhất ở thời điểm trước bầu cử là các giải pháp ngăn chặn giá cả leo thang sau khi cuộc xung đột quân sự tại Ukraine nổ ra. Sự sụt giá của đồng yên Nhật so với đồng đô la Mỹ xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua càng làm giá các mặt hàng nhập khẩu gia tăng. Ngoài ra cử tri Nhật Bản cũng quan tâm đến các vấn đề kinh doanh, việc làm, lương hưu, y tế. Về phương diện đối ngoại, chính sách an ninh quốc gia trong bối cảnh xung đột quân sự Nga – Ukraine, vấn đề tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, những động thái liên quan đến tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng cũng là những vấn đề thu hút nhiều chú ý[7].

Không giống Hạ viện, nơi thủ tướng đương nhiệm có thể lựa chọn thời điểm tối ưu để ra quyết định giải tán, người ta không thể tiến hành giải tán Thượng viện. Thời điểm bầu cử Thượng viện được xác định một cách máy móc, bởi vậy ngay cả khi đảng cầm quyền đang ở trong thời điểm bất lợi có thể gây "sóng gió lớn", họ cũng không thể điều chỉnh thời điểm bầu cử. Hơn nữa, không giống như cuộc bầu cử Hạ viện, nơi cử tri lựa chọn chính phủ, bầu cử Thượng viện mang tính chất bầu giữa nhiệm kỳ, những chỉ trích của các đảng đối lập nhằm vào đảng cầm quyền như một cách tác động tới tâm lý của cử tri có xu hướng được đưa ra nhiều hơn. Bởi vậy mà đứng từ góc độ của đảng cầm quyền, bầu cử Thượng viện khó kiểm soát hơn so với bầu cử Hạ viện.

Thời điểm vài tuần trước cuộc bầu cử Thượng viện, tỷ lệ tín nhiệm đối với Thủ tướng Kishida đang ở mức cao nhất tính từ đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, nếu mắc sai lầm trong việc điều hành các chính sách kinh tế trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh và những biến động mạnh mẽ của các vấn đề quốc tế..., chính phủ và đảng cầm quyền vẫn có thể trở thành mục tiêu đầu tiên hứng chịu sự bất mãn của công chúng, cuộc bầu cử Thượng viện vẫn có thể rơi vào tình thế mất kiểm soát, tình thế của chính quyền Thủ tướng Kishida vẫn có thể thay đổi hoàn toàn.

1.3. Một số điểm chính về kết quả của cuộc bầu cử

Về kết quả chung cuộc, liên minh đảng cầm quyền đã giành chiến thắng áp đảo với tổng cộng 76 trên tổng số 125 ghế. Đảng đối lập lớn nhất và các đảng phái khác chia nhau tổng cộng 49 ghế còn lại. Cụ thể, Đảng Dân chủ Tự do giành được 63 ghế, tăng số ghế cả theo khu vực và tỷ lệ, chiếm đa số tuyệt đối, trong khi đảng đối lập lớn nhất Nhật Bản là Đảng Dân chủ Lập hiến đã bị bỏ lại xa với 17 ghế. Ngoài ra, đảng thuộc liên minh cầm quyền Komeito giành được 13 ghế, Nippon Ishin no Kai 12 ghế, Đảng Cộng sản Nhật Bản 4 ghế, Đảng Dân chủ vì nhân dân 5 ghế, Reiwa Shinsengumi 3 ghế, Đảng Dân chủ Xã hội 1 ghế, Đảng NHK 1 ghế, các thành viên độc lập 5 ghế...[8]. Từ kết quả này có thể thấy, cộng cả số ghế không bầu lại, liên minh cầm quyền đã có 146 ghế trên tổng số 248 ghế, tăng thêm 7 ghế so với trước cuộc bầu cử, tiếp tục chiếm đa số quá bán tại Thượng viện Nhật Bản.

Về số người tham gia bầu cử, theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 52,05%, tăng 3,25 điểm so với tỷ lệ 48,80% của cuộc bầu cử Thượng viện trước đó (2019). Số cử tri đi bỏ phiếu đã tăng ở 41/47 địa phương, trong đó tỷ lệ cao nhất là 61,87% ở Yamagata và thấp nhất là 45,72% ở Tokushima. Tại Nara, địa phương xảy ra vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe, tỷ lệ đi bầu là 55,90%, tăng 6,37 điểm so với lần bầu cử trước đó vào năm 2019. Như vậy năm nay là năm cuộc bầu cử quốc gia "đạt tỷ lệ đi bầu trên 50%" lần thứ hai của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (không bao gồm các cuộc bầu cử phụ). Số cử tri đi bầu cử đã tăng, tuy nhiên gần một nửa số cử tri Nhật Bản vẫn chưa bỏ phiếu và nhiều ý kiến trong nước chỉ ra rằng, nếu những người này cũng tham gia, bầu cử và chính trị của Nhật Bản có thể sẽ thay đổi mạnh mẽ[9].

Bên cạnh đó, số nữ ứng cử viên trúng cử trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản 2022 cũng đạt mức cao kỷ lục. Theo hãng tin Kyodo, số ứng cử viên nữ đắc cử lên tới 35 người, vượt con số cao nhất của năm 2016 và 2019 là 28 người. Số lượng ứng viên nữ tham gia tranh cử lần này cũng nhiều nhất từ trước đến nay, lên tới 181 người, lần đầu vượt trên mức 30% trong số các cuộc bầu cử Thượng viện và Hạ viện kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai[10]. Kết quả này phản ánh sự thay đổi tuy chậm nhưng rõ ràng trong bối cảnh chính trị do nam giới thống trị vẫn là xu hướng chính tại Nhật Bản.

2. Bước ngoặt lớn đối với nền chính trị Nhật Bản

2.1. Khởi đầu sự biến chuyển của nền chính trị theo định hướng hòa bình thời hậu chiến

Kết quả bầu cử Thượng viện Nhật Bản năm nay đã cho thấy phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản, bao gồm liên minh cầm quyền LDP - Komeito, Nippon Ishin no Kai (Đảng Đổi mới Nhật Bản) và Đảng Dân chủ vì Nhân dân đã giành được hơn 170 ghế, nghĩa là vượt ngưỡng 2/3 cần thiết (166 ghế) trong Thượng viện gồm 248 thành viên - bước tiến lớn về khả năng sửa đổi Hiến pháp.

Mặt khác, lá cờ đầu của phe bảo vệ việc duy trì Hiến pháp - Đảng Dân chủ Xã hội - lại chỉ giành được một ghế duy nhất tại cuộc bầu cử Thượng viện, hơn nữa sự suy yếu của họ dường như vẫn chưa dừng lại. Đứng trước tương lai ảm đạm, cách duy nhất để Đảng Dân chủ Xã hội duy trì được di sản của mình trong nền chính trị là gia nhập Đảng Dân chủ Lập hiến (vốn cũng phản đối việc sửa đổi Hiến pháp).

Sửa đổi Hiến pháp được soạn thảo năm 1946 và chính thức có hiệu lực năm 1947 luôn là một trong những nội dung gây tranh cãi nhiều nhất trong nền chính trị Nhật Bản. Đây là bản hiến pháp do lực lượng Mỹ soạn thảo khi đang chiếm đóng Nhật Bản. Vấn đề gây tranh luận nằm ở Điều 9[11] ghi rằng Nhật Bản cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế. Lục quân, hải quân, không quân và các lực lượng khác sẽ không được duy trì, quyền tham chiến của Nhật Bản không được công nhận. Bảy thập kỷ sau, nội dung Điều 9 vẫn giữ nguyên[12].

Suốt thời gian nắm quyền, cựu Thủ tướng Abe cũng đã dành nhiều công sức để thúc đẩy việc sửa đổi Điều 9, cho phép Nhật Bản sử dụng sức mạnh quân sự tự do hơn. Hiện tại, sự quan tâm về vấn đề này đang tăng lên và đã có gần 60% người dân Nhật được hỏi trả lời rằng họ mong đợi các cuộc thảo luận tích cực về sửa đổi Hiến pháp[13]. Phát biểu sau khi liên minh cầm quyền thắng lớn tại bầu cử Thượng viện, Thủ tướng Kishida đã cam kết sẽ hoàn thành các nguyện vọng dang dở của cựu Thủ tướng Abe như thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp, làm sâu sắc hơn các cuộc tranh luận tại Quốc hội để có thể đưa ra một đề xuất sửa đổi cụ thể.

2.2. Sự kết thúc của "thời đại chính trị Abe"

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo diễn ra chỉ hai ngày trước cuộc bầu cử Thượng viện 2022 đã biến đổi hoàn toàn chính trị nước này theo nhiều cách.

Nước Nhật đã trải qua nỗi đau và mất mát lớn lao khi cựu Thủ tướng Abe bất ngờ bị ám sát trong lúc đang vận động tranh cử tại thành phố Nara. Sự chấm dứt thời đại của một chính trị gia có ảnh hưởng nhất trên chính trường Nhật Bản kể từ thời hậu chiến bằng phương thức ám sát, với người Nhật là điều không thể chấp nhận trong một nền dân chủ. Hơn nữa, hình ảnh của một nhà lãnh đạo quốc gia ngực nhuốm máu ngã gục trên đường phố cũng khiến họ gợi nhớ về một thời kỳ rất khó khăn trong lịch sử chính trị Nhật Bản. Trong những năm 1930, đất nước này đã chứng kiến một loạt các cuộc tấn công nhằm vào người đứng đầu đất nước là Thủ tướng Inukai Tsuyoshi và một loạt chính trị gia khác. Bạo lực đã xói mòn nền dân chủ Nhật Bản, làm gia tăng chủ nghĩa quân phiệt, dẫn đến một thời kỳ chiến tranh thảm khốc.

Bất chấp nhiều ý kiến đánh giá chia rẽ trong nước, người Nhật liên tục bầu cho ông Abe và ông cũng chính là thủ tướng đã phục vụ nước Nhật lâu nhất trong lịch sử. Trước khi ông Abe trở lại nắm quyền lần thứ hai vào năm 2012, Nhật Bản vừa phải hứng chịu một thảm họa lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai - thảm họa động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân 2011. Liên minh cầm quyền đang trong tình trạng hỗn loạn, nền kinh tế Nhật vẫn chưa được vực dậy sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1992. Trong hai thập kỷ trước đó, Nhật Bản đã chứng kiến 14 thủ tướng đến và ra đi, một trong số đó chỉ tại vị 64 ngày. Abe quay trở lại chính trường Nhật Bản tràn đầy năng lượng với một kế hoạch kinh tế mà ông gọi ngắn gọn là "Abenomics". Dù "Abenomics" từng hứng chịu không ít những chỉ trích trong nước, thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, số lượng việc làm tăng cao, nền kinh tế Nhật đã chuyển biến tích cực sau nhiều thập kỷ dài ảm đạm[14].

Về phương diện đối ngoại, Abe một lần nữa chứng tỏ rằng ông là chính trị gia nổi bật nhất mà nước Nhật từng chứng kiến trong thế kỷ XXI. Không chỉ sở hữu tầm nhìn đi trước thời đại, ông còn biết cách hiện thực hóa chúng. Ngay cả khi nước này lùi lại phía sau Trung Quốc về xếp hạng kinh tế, ông đã giúp mở rộng ảnh hưởng của Nhật Bản bằng cách cùng xây dựng một hiệp định thương mại lớn nhất thế giới là TPP11 (CPTPP) sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP. Nhằm tối ưu hóa chính sách đối ngoại của Nhật Bản để có thể cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc, ông Abe cũng đưa ra tầm nhìn về một khu vực mà ông mô tả là "tôn trọng tự do, pháp quyền, kinh tế thị trường, không chịu cưỡng ép hay đe dọa và hướng đến thịnh vượng" mang tên “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) mà ông Trump và sau này là ông Biden thường xuyên đề cập. Ông cũng có công trong việc thành lập “Bộ tứ kim cương” QUAD giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Richard Samuels, Viện Công nghệ Massachusetts, chuyên gia nổi tiếng về chính sách đối ngoại và an ninh Nhật Bản nhận xét: "Abe đã vẽ lại bản đồ mới cho nước Nhật tại châu Á, nơi vai trò của Nhật Bản đối với thế giới đã trở nên chắc chắn"[15]. Cái chết của ông Abe, một chính khách toàn cầu được kính trọng, gây nên cú sốc lớn với thế giới. Bày tỏ lòng kính trọng hiếm thấy đối với một nhà lãnh đạo nước ngoài, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh treo cờ rủ tại tất cả các trụ sở Liên bang trong 3 ngày. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định "ông Abe đã cống hiến cả cuộc đời để đem lại những điều tốt đẹp cho nước Nhật". Thư chia buồn Tổng thống Nga Putin mô tả ông là "một chính khách xuất chúng". Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định ông Abe là một "người khổng lồ trên chính trường thế giới"[16]

3. Tương lai nước Nhật "hậu Abe"

Về tương lai chính quyền Thủ tướng Kishida, lịch trình chính trị quan trọng tiếp theo là cuộc bầu cử chủ tịch Đảng LDP vào mùa thu 2024 và bầu cử Thượng viện vào tháng 7/2025. Bởi vậy, nếu Thủ tướng Kishida tái đắc cử chức chủ tịch LDP sẽ đồng nghĩa với việc chính quyền sẽ không phải đối phó với các cuộc bầu cử trong vòng 3 năm tới. Thủ tướng Kishida sẽ có một giai đoạn mà các nhà chính trị Nhật Bản vẫn gọi là "ba năm vàng son" để tập trung triển khai các đường lối chính sách của mình. Tuy nhiên, hiện tại không thể khẳng định chắc chắn rằng Thủ tướng Kishida sẽ không phải đối mặt với thách thức lớn nào phía trước. Tỷ lệ ủng hộ cao đối với chính phủ do ông cầm quyền vẫn có thể quay đầu sụt giảm bất cứ lúc nào trước hàng loạt vấn đề cam go. Chính quyền Kishida hiện đang đối mặt với khá nhiều vấn đề, bao gồm giá cả leo thang, chính sách kinh tế và tài chính, các biện pháp đối phó với tình trạng gia tăng của dịch Covid-19, vấn đề an ninh trong bối cảnh thế giới bất ổn định và việc sửa đổi Hiến pháp. Đặc biệt, sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe, mối quan hệ giữa giới chính trị và tổ chức tôn giáo Cựu Giáo hội Thống nhất(旧統一教会)cũng đang trở thành vấn đề nổi cộm. Người ta nghi ngại việc giáo phái này dường như đã phần nào "xâm nhập vào thế giới chính trị" và xây dựng các mối quan hệ cá nhân với các chính trị gia. Việc tiếp xúc với các chính trị gia sẽ làm tăng khả năng nhận diện của một giáo phái, tạo dựng thêm lòng tin trong xã hội. Đổi lại, giáo phái có thể hỗ trợ họ trong chiến dịch tranh cử. Mặc dù sự "ngây thơ" của các chính trị gia hẳn đã tạo cơ hội cho các giáo phái lợi dụng tâm linh, tuy nhiên, nếu họ chấp nhận cách tiếp cận của giáo phái ngay cả khi nhận ra vấn đề, rõ ràng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt chính trị. Nếu vấn đề nổi cộm này không được giải quyết thỏa đáng, rất có thể tình hình chính trị nội bộ Nhật Bản sẽ trở nên phức tạp hơn.

Sự ra đi đột ngột của cựu Thủ tướng Abe cũng để lại một khoảng trống quyền lực chính trị to lớn. Ảnh hưởng của ông Abe vốn dĩ đã lớn đến mức, ngay cả sau khi rời khỏi cương vị thủ tướng năm 2020, ông vẫn là một nhân vật được coi trọng và là sự hiện diện không thể thiếu tại Quốc hội nước này. Một cựu bộ trưởng thuộc Đảng cầm quyền LDP đã nhận xét: "Tôi không thể tìm thấy một thành viên nào của đảng có sức mạnh đoàn kết phần lớn đảng như ông Abe"[17]. Liên quan đến sự hiện diện của ông đối với chính quyền hiện thời, Thủ tướng Kishida trong cuộc họp báo ngày 8/7/2022 về việc cựu Thủ tướng Abe qua đời đã phát biểu: “Cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã để lại những thành tựu to lớn trên cương vị Thủ tướng. Và chính quyền hiện tại cũng đang đi theo dòng chảy của những thành tựu to lớn đó... Cả về đối nội và đối ngoại giao tôi đã nhận được nhiều lời khuyên quý giá... những khích lệ... những ý kiến khác nhau”[18].

Trước khi bị ám sát, cựu Thủ tướng Abe cũng là nhà lãnh đạo phe nhóm lớn nhất trong Đảng LDP: Seiwaken (Nhóm Nghiên cứu chính sách Seiwa - 清和政策研究会, viết tắt: 清和研), đồng thời đóng một vai trò quan trọng trong thiết lập chương trình nghị sự của đảng cầm quyền. Ngay từ đầu, Seiwaken là thành trì của phe bảo thủ trong đảng và từ thời chính quyền Abe thứ hai đã dẫn dắt đường lối chính trị về mọi mặt, từ đối nội tới đối ngoại. Tại cuộc họp đầu tiên sau khi ông Abe qua đời, phe Seiwaken đã nhất trí lập ra hệ thống lãnh đạo tập thể cho đến khi lễ "quốc tang" diễn ra vào ngày 27/9. Tuy nhiên, đằng sau quyết định này có thể là vì trên thực tế không có người kế nhiệm ông Abe lãnh đạo Seiwaken. Hơn nữa, một số quan điểm còn cho rằng sự tranh chấp quyền kế vị có thể sẽ diễn ra và nếu Seiwaken không duy trì được ảnh hưởng sau khi ông Abe qua đời dẫn đến chia tách, quyền lực giữa các phe nhóm khác trong LDP cũng sẽ thay đổi[19].

Về an ninh, Nhật Bản đang trong quá trình viết lại Chiến lược An ninh Quốc gia 2013 được lập dưới thời ông Abe và cần hoàn tất trong năm nay. Sau khi từ chức Thủ tướng, ông Abe vẫn lên tiếng về vấn đề an ninh của Nhật Bản. Liên quan đến sự thay đổi cán cân quân sự ở eo biển Đài Loan, năm 2021 ông từng phát biểu rằng “một cuộc khủng hoảng Đài Loan cũng sẽ là một cuộc khủng hoảng đối với Nhật Bản” và kêu gọi Mỹ chấm dứt chính sách mơ hồ về chiến lược của mình[20].

Có thể nói, cả hai thủ tướng kế nhiệm là Suga và Kishida đều đi theo cách tiếp cận chính sách đối ngoại của ông Abe. Thủ tướng đương nhiệm Kishida cũng đã cam kết tăng ngân sách quốc phòng để Nhật Bản có sự hiện diện về quân sự tích cực hơn, nâng cao cảnh giới với Trung Quốc và Triều Tiên, tăng cường bảo vệ Đài Loan và tài trợ cho các hoạt động cải thiện quân sự của các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao quanh Trung Quốc. Tuy nhiên khi giá hàng hóa gia tăng tỷ lệ thuận với sự bất mãn của công chúng, một câu hỏi hóc búa là chính phủ sẽ tài trợ cho việc tăng chi phí quốc phòng này như thế nào? Sau khi tung ra các gói kích thích kinh tế sau hậu quả của đại dịch Covid-19 và tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế mới đây, việc tài trợ cho các hoạt động cải thiện năng lực quốc phòng theo kế hoạch thực sự sẽ không đơn giản.

Sự ra đi của cựu Thủ tướng Abe cũng khiến ông Kishida phải gánh những trách nhiệm chính trị nặng nề hơn. Đương kim Thủ tướng Kishida sẽ không còn có thể dựa vào ông Abe - người có ảnh hưởng lớn trong đảng - để theo đuổi các chính sách gây chia rẽ không chỉ trong nội bộ LDP mà cả trong xã hội Nhật, nổi bật như việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản. Sau cuộc bầu cử Thượng viện, lực lượng ủng hộ sửa đổi Hiến pháp đã vượt ngưỡng cần thiết, quá trình sửa đổi có thể lần đầu được kích hoạt. Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp cần nhận được 2/3 sự ủng hộ của cả Thượng viện và Hạ viện, cùng với sự chấp thuận của 50% công chúng. Đây là rào cản rất lớn và cũng là một trong những lý do khiến Hiến pháp Nhật Bản chưa từng sửa đổi. Sửa đổi Hiến pháp cũng chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người tại Nhật Bản. Chủ nghĩa hòa bình được cho là đã ăn sâu suy nghĩ của người Nhật. Nhiều người tin rằng chủ nghĩa hòa bình đã bảo vệ quốc gia này, sau khi nhìn lại quá khứ vài triệu người Nhật bị thiệt mạng trong quãng thời gian từ 1931-1945. Mặt khác, thế giới đã thay đổi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine. Và cũng không ít người lo ngại rằng Hiến pháp của Nhật Bản và khuôn khổ pháp lý hiện tại không còn đủ để chống lại các cuộc tấn công trong không gian mạng và các lĩnh vực phi truyền thống khác. Khi ông Abe đã ra đi và chưa có nhân vật rõ ràng nào trong số các thành viên cấp cao của LDP đứng lên dẫn dắt việc sửa đổi Hiến pháp, liệu LDP có còn đoàn kết dưới ngọn cờ sửa đổi Hiến pháp nữa hay không? Cho dù đã có thể khởi động tiến trình sửa đổi, sự tranh luận về những nội dung sửa đổi có thể sôi động hơn, nhưng liệu việc sửa đổi Hiến pháp của Nhật Bản có sớm diễn ra hay không vẫn là những câu hỏi chưa thể giải đáp.

Trong lĩnh vực kinh tế, bất chấp nhiều chỉ trích đối với Abenomics, các chính trị gia nước này vẫn chưa thể đưa ra bất kỳ lựa chọn thay thế nào có ý nghĩa hơn. Đương kim Thủ tướng Kishida đã đề ra “chủ nghĩa tư bản mới”, “vòng tuần hoàn giữa tăng trưởng và phân phối”, “kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập trong thời đại Reiwa”, tuy nhiên các nội dung cụ thể vẫn chưa được làm rõ. Ông Kishida chưa giải thích những điều này có nghĩa là gì, ngoài một số lập luận về việc giảm bất bình đẳng mà theo nhiều ý kiến là rất khó để đưa ra các biện pháp cụ thể cũng như nhìn thấy được các kết quả trên thực tế.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) được cựu Thủ tướng Abe bổ nhiệm là Kuroda Haruhiko vẫn nắm quyền lãnh đạo (ít nhất cho đến năm sau). Chính sách nới lỏng tiền tệ được đưa ra thời chính quyền Abe hiện vẫn được duy trì, bất chấp áp lực mạnh mẽ của đồng đô la Mỹ tăng giá lên đồng yên. “Chính sách tài khóa linh hoạt”, thuật ngữ được sử dụng nhiều dưới thời chính quyền Abe về kích thích tài khóa, hiện tại vẫn được tiếp tục và sẽ được củng cố trong trung và dài hạn vẫn là quan điểm của chính quyền Thủ tướng Kishida. Cả cựu Thủ tướng Suga và Thủ tướng Kishida vẫn tiếp tục sử dụng các chính sách công nghiệp kiểu mới để thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực công nghệ cao. Nhìn từ tất cả những khía cạnh này có thể thấy, trên thực tế “Abenomics” vẫn hiện diện trong mọi mặt của nền kinh tế Nhật Bản.

4. Kết luận

Cuộc bầu cử Thượng viện năm 2022 đã trở thành một cuộc bầu cử lịch sử, đánh dấu "bước ngoặt lớn" của nền chính trị Nhật Bản. Tại cuộc bầu cử này, liên minh đảng cầm quyền đã giành chiến thắng áp đảo, tiếp tục chiếm đa số quá bán tại Thượng viện Nhật Bản. Một điểm nổi bật khác là phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản đã vượt ngưỡng 2/3 cần thiết trong Thượng viện, cho thấy lần đầu tiên khả năng sửa đổi Hiến pháp theo hướng cho phép Nhật Bản sử dụng sức mạnh quân sự tự do hơn đã được kích hoạt. Đặc biệt, vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện 2022 cũng đã biến đổi hoàn toàn chính trị nước này theo nhiều cách.

Việc LDP giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện năm nay lẽ ra sẽ mở ra cho chính quyền của Thủ tướng Kishida "ba năm vàng son" để tập trung triển khai các đường lối chính sách. Tuy nhiên, trước mắt chính quyền của Thủ tướng Kishida đang phải đối mặt với hàng loạt những thách thức lớn bao gồm giá cả leo thang, các biện pháp đối phó với tình trạng bùng phát của Covid-19, vấn đề an ninh trong bối cảnh thế giới bất ổn định bao gồm việc sửa đổi Hiến pháp và yêu cầu làm rõ mối quan hệ giữa giới chính trị và tổ chức tôn giáo Cựu Giáo hội Thống nhất.

Cục diện chính trị nước Nhật "hậu Abe" sẽ còn thay đổi. Khi Nhật Bản xuất hiện những thách thức mới, các nhà lãnh đạo sẽ dần rời xa các khuôn khổ chính sách của ông Abe. Tuy nhiên di sản thành công của ông và áp lực từ những người cùng phe mong muốn bảo vệ và hoàn thành những kế hoạch còn dang dở của ông vẫn sẽ khiến chính quyền Thủ tướng Kishida và các thủ tướng tương lai của Nhật Bản không dễ dàng thay đổi hướng đi. Có thể nói trong tương lai gần, nước này sẽ không có sự thay thế nào cho "định hướng chính sách Abe".

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Thị Ánh, "Những thành tựu của nền kinh tế Nhật Bản sau 5 năm thực hiện chính sách Abenomics", Tạp chí Tài chính, Bộ Tài chính, Kỳ I (676), tháng 3/2018.

2. Do Thi Anh, "Japan’s role in CPTPP", Vietnam Review of Northeast Asian Studies, No. 1, 2018.

3. Đỗ Thị Ánh, "Bầu cử Thượng viện Nhật Bản 2022: Cuộc sát hạch quan trọng đối với chính quyền Thủ tướng Kishida", website Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, http://cjs.inas.gov.vn/index.php?Newsid =1591.

4. Đỗ Thị Ánh, "Nhật Bản bầu cử Thượng viện sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo", website Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, http://cjs.inas.gov.vn/index.php? newsid=1610.

5. Đỗ Thị Ánh, "Những điểm nổi bật về kết quả bầu cử Thượng viện Nhật Bản lần thứ 26", website Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, http://cjs.inas.gov.vn/index.php? newsid=1611.

7. Nikkei Asia, Shinzo Abe, https://asia. nikkei.com/Politics/Shinzo-Abe .

7. 総務省, 選挙 (Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Bầu cử), https://www.soumu.go.jp/ senkyo/senkyo_s/naruhodo/index.html.

8. Đài truyền hình Nhật Bản NHK, Tạp chí chính trị NHK, https://www.nhk.or.jp/politics/ articles/.




[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Thượng viện theo Hiến pháp Minh Trị, hoạt động từ 1889 đến 1947 dưới thời Đế quốc Nhật Bản.

[3] 国立国会図書館 ,「日本国憲法の誕生」(Thư viện Quốc gia, "Sự ra đời của Hiến pháp Nhật Bản"), http://www.ndl.go.jp/constitution/etc/j01.html#s4, truy cập 2/7/2022.

[4] 参議院, 「参議院議員通常選挙一覧」(Thượng viện Nhật Bản, "Danh sách các cuộc bầu cử thường kỳ bầu thành viên Thượng viện)", https://www.sangiin.go.jp/ japanese/san60/s60_shiryou/senkyoichiran.htm, truy cập 2/7/2022.

[5] Ministry of Internal Affairs and Communications, Japan,  選挙の種類 (Các loại bầu cử), https://www.soumu. go.jp/senkyo/senkyo_s/naruhodo/naruhodo03.html, truy cập 2/7/2022.

[6] Đỗ Thị Ánh, "Bầu cử Thượng viện Nhật Bản 2022: Cuộc sát hạch quan trọng đối với chính quyền Thủ tướng Kishida", http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=1591, truy cập 15/7/2022.

[7] Đỗ Thị Ánh, "Chiến dịch tranh cử Thượng viện Nhật Bản 2022", http://cjs.inas.gov.vn/index.php?Newsid =1608, truy cập 15/7/2022.

[8] NHK, 参議院選挙2022特設サイト(Trang đặc biệt về Bầu cử Thượng viện Nhật Bản 2022), https://www. nhk.or.jp/senkyo/database/sangiin/, truy cập 20/7/2022.

[9] Nikkei Shimbun, Trang thống kê bầu cử Thượng viện 2022, https://vdata.nikkei.com/election/2022/sanin/ kaihyo /#/, truy cập 11/7/2022.

[10] 女性当選者、過去最多35人…参院の女性比率25・8%に (Kỷ lục 35 ứng cử viên nữ đắc cử ... Tỷ lệ nữ bằng 25,8%  Hạ viện), https://www.yomiuri.co.jp/electio n/sangiin/20220711-OYT1T50364/, truy cập 11/7/2022.

[12] Nguyễn Ngọc Nghiệp, "Vì sao Nhật Bản muốn sửa đổi điều 9 Hiến pháp", Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 8-2007, http://www.inas.gov.vn/275-vi-sao-nhat-ban-muon-sua-doi-dieu-9-hien-phap.html, truy cập 25/7/2022.

[13] Yomiuri Shimbun, 改憲に向けた議論「期待」58%、優先課題は経済・外交安保…読売世論調査 (Cuộc thăm dò ý kiến ​​của Yomiuri: 58% người được hỏi 'mong đợi' cuộc tranh luận về việc sửa đổi hiến pháp), https://www.yomiuri.co.jp/election/yoron-chosa/20220 712-OYT1T50232/, truy cập 12/7/2022.

[14] Đỗ Thị Ánh, Những thành tựu của nền kinh tế Nhật Bản sau 5 năm thực hiện Chính sách Abenomics, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/nhung-thanh-tuu-cua-nen-kinh-te-nhat-ban-sau-5-nam-thuc-hien-chinh-sach-abenomics-137126.html, truy cập 25/7/2022

[15] 米国が懸念する「安倍氏亡き後の日本」の凋落  安倍氏の海外での評価の高さが日本の重荷に?(Sự suy giảm của Nhật Bản sau cái chết của ông Abe khiến Mỹ lo ngại. Uy tín cao của ông Abe ở nước ngoài có phải là gánh nặng đối với Nhật Bản?), https://toyokeizai.net/ articles/-/603260, truy cập 12/7/2022.

[16] “Nhiều lãnh đạo thế giới tiếc thương cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo”, https://www.vietnamplus.vn/ nhieu-lanh-dao-the-gioi-tiec-thuong-cuu-thu-tuong-nhat-ban-abe-shinzo/804795.vnp, truy cập 10/7/2022.

[17] NHK, 参議院選挙【解説】なぜ自民が大勝? 結果を詳しく分析 (Bầu cử Thượng viện [Bình luận] Tại sao LDP đại thắng? Phân tích chi tiết kết quả), https://www3.nhk.or.jp/news/html/20220711/k10013711491000.html, truy cập 11/7/2022

[18] 首相官邸、安倍元総理の逝去についての会見, Văn phòng Thủ tướng, Họp báo về việc Cựu Thủ tướng Abe qua đời, https://www.kantei.go.jp/jp/101_kishida/statem ent/2022/0708kaiken2.html, truy cập 8/7/2022

[19] どうなる 自民党 安倍派  後継者は誰?体制めぐり混乱も(Điều gì sẽ xảy ra với phe Abe trong LDP, ai sẽ là người kế nhiệm? Có thể rối loạn về hệ thống), https://news.yahoo.co.jp/articles/4f38bd6fe1e44c430cea9de7f3dc1cb28dc30991, truy cập 28/7/2022.

[20] 日本の安倍元首相、台湾有事で中国に軍事行動を警告 (Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe cảnh báo Trung Quốc hành động quân sự đối với cuộc khủng hoảng Đài Loan), https://www.newsweekjapan.jp/stories/world/2021/ 12/post-97669.php, truy cập 11/7/2022.

 

0thảo luận