Trang chủ

Hội thảo khoa học: “Ngoại giao công chúng ở Việt Nam và Hàn Quốc”

Đăng ngày: 30-06-2023, 05:33 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện, Hội nghị - Hội thảo

Sáng ngày 27/06/2023, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức Hội thảo khoa học: “Ngoại giao công chúng ở Việt Nam và Hàn Quốc”, trong khuôn khổ dự án nghiên cứu “Củng cố và tăng cường ngoại giao công chúng hướng tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hàn Quốc” do Korea Foundation tài trợ. Chủ trì Hội thảo là PGS.TS Phạm Quý Long, Nguyên Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Các đại biểu khách mời tham dự gồm có: PGS.TS Nguyễn Duy Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, PGS.TS Lưu Ngọc Trịnh, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, TS. Nguyễn Thị Thu Vân, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN; ThS. Hà Thu Hường, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN, cùng đại biểu thuộc khối các Viện nghiên cứu quốc tế và các cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Hội thảo khoa học: “Ngoại giao công chúng ở Việt Nam và Hàn Quốc”

Toàn cảnh hội thảo

Tháng 12/2022, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký nâng cấp quan hệ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Đây là một thành quả đáng ghi nhận của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ Việt - Hàn phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao. Trong đó, quan hệ ngoại giao hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Ngoại giao công chúng là một trong ba trụ cột chính của hoạt động ngoại giao nói chung. Năm 2010, Hàn Quốc khởi xướng chương trình nghị sự về Ngoại giao công chúng và năm 2016 Luật ngoại giao công chúng được ban hành. Để tìm hiểu về ngoại giao công chúng và nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức Hội thảo khoa học: “Ngoại giao công chúng ở Việt Nam và Hàn Quốc” trong khuôn khổ dự án nghiên cứu “Củng cố và tăng cường ngoại giao công chúng hướng tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hàn Quốc” do Korea Foundation tài trợ, TS. Tống Thùy Linh là chủ dự án.

Đầu tiên, TS. Tống Thùy Linh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trình bày tham luận: “Những vấn đề lý luận về ngoại giao công chúng”. Tham luận đưa ra một số khái niệm cơ bản và phân biệt các khái niệm như ngoại giao công chúng, ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hóa… So sánh ngoại giao công chúng trong thế kỷ XX và ngoại giao công chúng trong thế kỷ XXI (kiểu mới). Đồng thời nêu ra một số chương trình ngoại giao công chúng của KF.

Tiếp theo, TS. Hoàng Minh Hằng, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trình bày tham luận: “Ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc từ năm 2010 đến nay”. Tham luận trình bày quan niệm của Hàn Quốc về ngoại giao công chúng; Điểm lại quá trình phát triển ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc qua các giai đoạn; Những nhân tố tác động đến sự phát triển ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc; So sánh những thay đổi về nội dung của ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc từ năm 2010 đến nay.

TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á có bài tham luận: “Luật ngoại giao công chúng Hàn Quốc và những vấn đề thực tiễn”. Tác giả đã đưa ra cơ sở pháp lý của ngoại giao công chúng Hàn Quốc và các chiến lựơc ngoại giao công chúng. Bên cạnh đó, tác giả cũng phân tích về ngoại giao công chúng qua văn hóa Hallyu, ngoại giao công chúng thời COVID-19, ngoại giao công chúng Dokdo, ngoại giao công chúng THAAD. Cuối cùng đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Quý Long trình bày bài tham luận: “Ngoại giao công chúng: Cách tiếp cận từ phía Việt Nam”. Tham luận gồm 2 phần: Một số vấn đề lý luận chung về nội hàm hoạt động ngoại giao và Thực tiễn ngoại giao công chúng ở Việt Nam.

Cuối cùng, PGS.TS. Lưu Ngọc Trịnh có bài tham luận: “Vài suy nghĩ về ngoại giao công chúng Hàn Quốc ở Việt Nam”. Tham luận gồm các phần: Ba mươi năm quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam: một hành trình lịch sử; Ngoại giao công chúng của Hàn Quốc ở Việt Nam; Một vài ý kiến đánh giá về ngoại giao công chúng Hàn Quốc tại Việt Nam; Nguyên nhân thành công của chính sách ngoại giao công chúng Hàn Quốc tại Việt Nam.

 

Hội thảo khoa học: “Ngoại giao công chúng ở Việt Nam và Hàn Quốc”

Các diễn giả thuyết trình tại hội thảo

Sau khi nghe các bài tham luận, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi quanh chủ đề ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc và Việt Nam. TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN cho rằng, hội thảo đã mang đến nhiều thông tin hữu ích không chỉ về nghiên cứu mà còn có các gợi mở thiết thực về mảng đào tạo tiếng Hàn và văn hóa Hàn Quốc đến rộng rãi hơn với mọi người. ThS. Hà Thu Hường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN cho biết: Qua khảo sát về tình hình đào tạo tiếng Hàn, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 60 trường Đại học và Cao đẳng đào tạo tiếng Hàn Quốc, số lượng người học lên đến hơn 500.000 người. Có thể nói, Việt Nam là nước có quy mô đào tạo về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đào tạo hệ chính quy, còn có rất nhiều trung tâm đào tạo tiếng Hàn hệ phi chính quy. Điều này cho thấy, ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc đang len lỏi rất sâu, ảnh hưởng rộng đến người dân Việt Nam đặc biệt là trong giới trẻ. Học viện King Sejong, thuộc Bộ VHTTDL Hàn Quốc, có chức năng tổ chức, triển khai các hoạt động trong lĩnh vực bồi dưỡng, nghiên cứu, phát triển ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc ra nước ngoài. Hiện nay đã có 22 Học viện King Sejong được thành lập tại Việt Nam. Bên cạnh giảng dạy tiếng Hàn còn có các chương trình phổ cập văn hóa Hàn Quốc. Điều này chứng tỏ Hàn Quốc rất chú trọng trong việc mở rộng quyền lực mềm trên toàn thế giới.

Hội thảo khoa học: “Ngoại giao công chúng ở Việt Nam và Hàn Quốc”

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hàn Quốc đã có sự phát triển kinh tế và văn hóa đáng kinh ngạc những thập kỷ qua. Trong quá trình này, ngoại giao công chúng đã đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và duy trì quan hệ hữu nghị với cộng đồng quốc tế. Hàn Quốc đã xây dựng một chiến lược ngoại giao công chúng chặt chẽ và hiệu quả để đảm bảo rằng hình ảnh và giá trị của đất nước được truyền tải đến thế giới. Qua việc đẩy mạnh quảng bá văn hóa, du lịch, Hàn Quốc đã thu hút sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế. Những thành công và kinh nghiệm của ngoại giao công chúng Hàn Quốc sẽ cho Việt Nam những gợi ý chính sách để vận dụng phát triển ngoại giao nhân dân của Việt Nam hiệu quả.

 

Kiều Dung

0thảo luận