Huỳnh Trọng Hiền1, Trần Hoàng Long2, Trần Thị Hải Yến3
Tóm tắt: Cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) là một sự kiện quan trọng trong chính trường Nhật Bản năm 2021. Ngày 3/9/2021, tại phiên họp bất thường của LDP, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã tuyên bố sẽ không tham gia tái tranh cử chức vụ Chủ tịch LDP và chính thức rời khỏi cương vị thủ tướng sau khi nhiệm kỳ lãnh đạo kết thúc vào ngày 30/9. Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida đã chính thức trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản sau chiến thắng từ cuộc bầu cử Chủ tịch LDP ngày 4/10/2021, do ưu thế chiếm đa số ghế của đảng này tại Hạ viện Nhật Bản. Bài viết phân tích nguyên nhân Thủ tướng Suga Yoshihide từ chức, kết quả cuộc bầu cử Chủ tịch LDP và dự báo chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida.
Từ khóa: Bầu cử, Nhật Bản, chính sách, Thủ tướng Kishida
1. Nguyên nhân từ chức của Thủ tướng Suga Yoshihide[1][2][3]
Bản thân Thủ tướng Suga đã tuyên bố rằng, trong bối cảnh phải lựa chọn giữa tranh cử và ứng phó với đại dịch COVID-19, ông quyết tâm cống hiến để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, bảo vệ tính mạng và sinh kế người dân[4]. Thực tế, việc Thủ tướng Suga bất ngờ từ chức xuất phát từ tỷ lệ ủng hộ của công chúng dành cho nội các của ông có sự sụt giảm đáng kể. Theo kết quả thăm dò ngày 5/9, tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Suga chỉ đạt 31% (giảm 4 điểm so với 35% của cuộc khảo sát ngày 7-9/8/2021), trong khi tỷ lệ không tán thành lên tới 57%[5]. Tình trạng này trái ngược với thời điểm Thủ tướng Suga nhậm chức tháng 9/2020, khi tỷ lệ người dân Nhật Bản tham gia phỏng vấn thể hiện sự tin tưởng và ủng hộ đối với nội các Suga lên tới 74%[6]. Sự mất tin tưởng của công chúng đối với Thủ tướng Suga xuất phát từ một số nguyên nhân cụ thể như sau:
(i) Phản ứng chậm chạp của Chính phủ Nhật Bản trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Thủ tướng Suga nắm quyền năm 2020 với cam kết ưu tiên cho cuộc chiến chống lại đại dịch. Nhật Bản ban đầu được coi là hình mẫu về cách chống đại dịch COVID-19 trong khi vẫn giữ được xã hội cởi mở nhất có thể. Tuy vậy, ở giai đoạn sau này công việc quản lý của ông Suga rơi vào tình trạng nhiều thông điệp hỗn hợp và thông tin liên lạc khủng hoảng. Bên cạnh đó, kế hoạch tiêm chủng của Nhật Bản trễ hơn so với các quốc gia phát triển khác do chính phủ nước này dành quá nhiều thời gian vào việc thiết lập các trung tâm tiêm chủng lớn. Tất cả những điều này khiến Nhật Bản khó kiểm soát làn sóng thứ ba của dịch bệnh, gây ra sự thiếu tin tưởng của người dân đối với chính phủ.
(ii) Kế hoạch tăng trưởng kinh tế trong đại dịch của chính phủ không có kết quả tốt. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6 năm 2021 chỉ tăng trưởng với mức 1,3% năm theo giá trị thực. Mức tăng tiêu dùng cá nhân chiếm hơn một nửa GDP, chỉ đạt 0,8%, khiến mức tăng trưởng chung xuống thấp[7]. Bên cạnh đó, chiến dịch “Go to Travel” được Chính phủ Nhật Bản coi là trung tâm của kế hoạch phục hồi du lịch nhằm khuyến khích du lịch trong nước đã buộc phải dừng lại do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khiến cho ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản tiếp tục gặp khó khăn. Chiến dịch này cùng với việc tổ chức Thế vận hội cũng đã nhận nhiều chỉ trích của cộng đồng[8].
(iii) Sự kết nối với người dân của Thủ tướng Suga là thấp. Thủ tướng Suga bị đánh giá ít thể hiện vai trò lãnh đạo trong các biện pháp ứng phó với dịch bệnh, thay vào đó là giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng và chuyên gia y tế. Những điều này đã khiến sự tín nhiệm dành cho chính quyền Suga ngày một thấp và chính phủ đã gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dân thực hiện các biện pháp chống dịch. Nhìn nhận một cách khách quan, phản ứng với đại dịch COVID-19 của Nhật Bản vẫn khá tốt so với tình hình chung của thế giới, với ít ca nhiễm và tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia phát triển khác. Song nhận thức của người dân Nhật Bản về sự điều hành của ông Suga là sự giao tiếp công chúng hạn chế, khả năng lãnh đạo không nổi bật, đây được coi là một trong những “điểm trừ” của chính quyền Suga[9].
(iv) Nhằm đảm bảo duy trì quyền lực lãnh đạo của LDP trong chính trường Nhật Bản, sự kiện từ nhiệm của Thủ tướng Suga là một quyết định nhằm tránh bất ổn nội bộ và tạo ra một sự kế thừa có trật tự. Trước sự thất vọng của công chúng với nội các của ông và tỷ lệ tán thành giảm, nếu ông Suga tiếp tục ở lại, LDP có thể sẽ vẫn nắm quyền nhưng sẽ mất ghế tại cuộc bầu cử. Điều này sẽ khiến việc quản lý trở nên khó khăn hơn và gia tăng bất ổn chính trị. Sự chú ý của công chúng hiện nay tập trung vào hoạt động điều hành nội bộ của LDP mà ít tập trung vào các nền tảng chính sách của các đảng đối lập. Vì vậy, bằng cách từ chức, Suga đã gửi một thông điệp rằng LDP sẽ nghiêm túc đối phó với khủng hoảng trong khi đảm bảo rằng đảng này sẽ không bị chia rẽ thêm vì những thất vọng với nội các của chính phủ đương nhiệm.
Như vậy, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, việc từ chức của Thủ tướng Suga được coi là một hành động nhằm đảm bảo khắc phục những khó khăn hiện tại của Nhật Bản, giữ uy tín cho đảng lãnh đạo và quan trọng nhất là củng cố niềm tin của người dân đối với sự điều hành của Chính phủ Nhật Bản.
2. Cuộc bầu cử Chủ tịch LDP
Cuộc bầu cử lần này được tiến hành dưới cả hai hình thức là phiếu của nghị sĩ quốc hội và phiếu của đảng viên cơ sở với tổng 766 phiếu bầu, diễn ra từ ngày 17 đến ngày 29/9/2021. Trong đó, phiếu của nghị sĩ Quốc hội bằng với phiếu của đảng viên cơ sở là 383 phiếu. Phiếu của nghị sĩ Quốc hội được tiến hành bỏ vào ngày 29/9 và được kiểm đếm, công bố ngay tại chỗ. Phiếu bầu của đảng viên cơ sở được thu thập bởi văn phòng của LDP đặt tại các địa phương và kết thúc trước ngày 28/9[10]. Ứng cử viên nhận được đa số và quá bán phiếu hợp lệ trên tổng số phiếu của nghị sĩ Quốc hội và phiếu của đảng viên cơ sở sẽ trở thành Chủ tịch LDP. Trường hợp lần kiểm phiếu đầu tiên không có ứng cử viên đạt quá bán, hai người nhận được nhiều phiếu bầu cao nhất sẽ cùng bước vào một cuộc bỏ phiếu quyết định với 430 phiếu bầu, trong đó 383 phiếu của nghị sĩ Quốc hội và 47 phiếu bầu đại diện cho 47 tỉnh thành của Nhật Bản[11]. Từ ngày 20/9 các ứng cử viên tham gia tranh luận tại Đài truyền hình NHK[12] và trụ sở LDP về nhiều chủ đề khác nhau như: đối phó với đại dịch COVID-19, chính sách kinh tế và tài khóa, vấn đề ngoại giao, an ninh, năng lượng, tái tổ chức các bộ ngành và sửa đổi hiến pháp Nhật Bản[13]… Trong cuộc bầu cử năm nay, các cuộc tiếp xúc công chúng tại các địa điểm công cộng không được tổ chức do ảnh hưởng dịch bệnh. Thay vào đó, các ứng cử viên sẽ tiến hành tranh luận theo hình thức trực tuyến về những câu hỏi do người dân trực tiếp đặt ra. Việc kiểm phiếu để xác định người chiến thắng được tiến hành vào ngày 29/9, một ngày trước khi nhiệm kỳ Chủ tịch LDP của Thủ tướng Suga Yoshihide kết thúc. Bốn ứng viên tham gia tranh cử bao gồm: Fumio Kishida, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản trong nhiệm kì thứ hai của Thủ tướng Abe Shinzo; Sanae Takaichi, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông trong nhiệm kì thứ hai của Thủ tướng Abe; Taro Kono, Bộ trưởng Cải cách hành chính và phụ trách lĩnh vực tiêm chủng; Seiko Noda, Quyền Tổng Thư ký điều hành LDP.
Kết quả cuộc bầu cử cho thấy, vị trí Chủ tịch LDP, đồng thời là thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản đã được thông qua kết quả cuộc bỏ phiếu quyết định lần hai, sau khi cuộc bỏ phiếu thứ nhất không có ứng cử viên nào đạt số phiếu quá bán. Trong cuộc bỏ phiếu lần đầu tiên, cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida đứng đầu với 256 phiếu, Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono chiếm 255 phiếu. Cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi chiếm 188 phiếu và Quyền Tổng Thư ký điều hành LDP, Seiko Noda chiếm 63 phiếu[14]. Cuộc bỏ phiếu lần thứ hai giữa cựu Ngoại trưởng Kishida Fumio và Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono được quyết định bởi phiếu bầu của hơn 380 nghị sĩ Quốc hội và 47 phiếu bầu đại diện cho 47 tỉnh thành trong cả nước. Kết quả cho thấy ông Kishida đã giành chiến thắng thuyết phục với 249 phiếu bầu, trong khi ứng cử viên còn lại là Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono đã nhận được 131 phiếu bầu[15]. Chiến thắng của ông Kishida cho thấy sự lựa chọn ổn định để thực hiện các chính sách thực dụng và trung tâm của đảng cầm quyền LDP. Chính phủ Nhật Bản sẽ được lãnh đạo bởi một con người có tính cách ôn hòa. Nếu như Taro Kono là một người có xu hướng muốn thực hiện các cuộc cải tổ lớn trong đảng thì Kishida được coi là một nhân vật “an toàn” để dẫn dắt LDP bước vào một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức cuối tháng 10/2021. Sự an toàn này được LDP kì vọng sẽ giúp đảng này tiếp tục cầm quyền và lãnh đạo Nhật Bản vượt qua được giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh cùng những thách thức từ môi trường bên ngoài.
3. Thủ tướng mới của Nhật Bản và định hướng chính sách
Ngày 04/10/2021, tại phiên họp toàn thể Hạ viện, tân Chủ tịch LDP Fumio Kishida đã chính thức được bầu làm thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, tiếp quản quyền điều hành từ Thủ tướng Suga Yoshihide. Theo kết quả cuộc bầu cử chức vụ thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch LDP được 311/458 phiếu bầu[16]. Tại lễ nhậm chức diễn ra tại Hoàng cung, nội các mới của Thủ tướng Kishida chính thức ra mắt với nòng cốt là các đồng minh của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Trong số 20 thành viên nội các, 13 người chưa từng có kinh nghiệm tham gia, 3 người là phụ nữ và độ tuổi trung bình là 61[17]. Là một người theo chủ nghĩa tự do ôn hòa, Thủ tướng Kishida phải nhận trách nhiệm lãnh đạo một Nhật Bản đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nền kinh tế trì trệ, dân số già nhanh và mối quan hệ căng thẳng ngày một gia tăng với Trung Quốc. Trong bối cảnh này, có lẽ hình ảnh quá an toàn của một ngoại trưởng Kishida giai đoạn trước đây cần phải được điều chỉnh để có thể nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ phía người dân Nhật Bản. Bởi với tình hình hiện tại, việc Chủ tịch LDP trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản đặt ra hai câu hỏi cấp bách với chính trường Nhật Bản: (1) Liệu thủ tướng mới có thể nắm quyền đủ lâu để có thể duy trì chính sách đối nội và đối ngoại ổn định, thống nhất cũng như xây dựng quan hệ đối tác ổn định và đáng tin cậy trên phạm vi toàn cầu? (2) Nhật Bản sẽ đối phó với Trung Quốc như thế nào khi quốc gia này đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất của Nhật Bản?
Ngày 8/10/2021, Thủ tướng Kishida đã có bài phát biểu đầu tiên về định hướng chính sách của mình. Với mục tiêu quan trọng trước mắt là tập hợp được sự ủng hộ của người dân Nhật Bản đối với đảng cầm quyền LDP, trước khi cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra vào cuối tháng 10, Thủ tướng Kishida đã tuyên bố lấy lòng tin và sự đồng cảm để làm động lực cho các chính sách chính trị của mình:
Về kinh tế, một trong những vai trò quan trọng của thủ tướng Nhật Bản giai đoạn tới là thúc đẩy nền kinh tế sau đại dịch. Thủ tướng khẳng định sẽ thay đổi chủ nghĩa tự do mới trong hai thập kỷ qua và tuyên bố về một chủ nghĩa tư bản mới của Nhật Bản, nơi tầng lớp trung lưu sẽ được chia sẻ nhiều lợi ích kinh tế hơn. Thủ tướng Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục cải cách kinh tế theo chính sách Abenomics, tập trung vào các chính sách tài khóa mở rộng. Ông Kishida nhiều khả năng sẽ đưa ra một gói kích thích khổng lồ trị giá khoảng 30 nghìn tỷ yên (269 tỷ USD) vào cuối năm 2021 để giúp các doanh nghiệp Nhật Bản chịu thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra, cùng với đó là các biện pháp nâng cao thu nhập của người dân bằng cách thay đổi luật thuế và các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp vừa và nhỏ[18]. Thủ tướng Kishida cũng khẳng định sẽ tìm cách thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư bằng việc nghiên cứu và phát triển số hóa để hiện đại hóa bộ máy chính phủ, dịch vụ và các ngành công nghiệp. Chính phủ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ cho giáo dục và chi phí sinh hoạt nhằm thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở Nhật Bản. Tăng trưởng và tái phân phối sẽ là hai trụ cột chính trong kế hoạch kinh tế của Thủ tướng Kishida, bởi ông cho rằng nếu không có chiến lược tái phân phối thì sẽ không thể có chu kỳ tăng trưởng tiếp theo của nền kinh tế. Tuy nhiên, một số quan điểm phản bác lại cho rằng thực chất chiến lược này đã được chính quyền Abe thông qua, nhưng không tạo được hiệu quả lớn, đồng thời các điều chỉnh chính sách kinh tế này chỉ chủ yếu duy trì hiện trạng mà không tạo ra được những bước đột phá lớn.
Về xã hội, chính sách quan trọng nhất của chính phủ mới là cuộc chiến liên tục chống lại đại dịch COVID-19. Ông Kishida đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho những người đồng ý vào cuối tháng 11/2021, đồng thời thúc đẩy phổ biến các loại thuốc uống chống virus corona vào cuối năm nay. Ông cũng đề xuất thành lập một cơ quan quản lý khủng hoảng y tế của chính phủ để ứng phó với các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và xây dựng một hệ thống y tế tốt hơn, số hóa chứng chỉ vaccine khi Nhật Bản dần mở rộng lại các hoạt động kinh tế và xã hội. Cần chú ý là một trong những từ khóa mà ông liên tục sử dụng trong chiến dịch tranh cử chủ tịch LDP của mình đã bị thiếu trong bài phát biểu đầu tiên này, đó là “chính trị khoan dung”. Thay vào đó, Kishida nhấn mạnh rằng chính quyền của ông sẽ làm việc để giúp quốc gia vượt qua đại dịch và sự chia rẽ xã hội, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới với “sức mạnh của mối quan hệ” giữa con người với nhau[19]. Ngoài ra Thủ tướng Kishida cũng phải đối mặt với những vấn đề như: an sinh xã hội, vấn đề người cao tuổi…
Về an ninh - đối ngoại, với kinh nghiệm nắm giữ vị trí ngoại trưởng Nhật Bản lâu nhất trong chính trường nước này, quan điểm đối ngoại của Kishida chắc chắn chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách của cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Trong bối cảnh hiện nay, cạnh tranh Trung - Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan có chiều hướng gia tăng cường độ căng thẳng. Nhật Bản vì thế đứng trước những yêu cầu cấp bách trong việc xác định lập trường đối ngoại của mình với các nhân tố như Mỹ và Trung Quốc. Những cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Australia Scott Morrison đã thể hiện rõ những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông Kishida. Có thể thấy, quan hệ đồng minh chiến lược Nhật – Mỹ tiếp tục vẫn là “hòn đá tảng” trong chính sách an ninh – đối ngoại của Nhật Bản. Ông Kishida cũng cam kết ủng hộ mạnh mẽ sự hợp tác với “Bộ tứ” trong việc duy trì và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở đối trọng và “kiềm chế” với “đại chiến lược BRI” của Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và đầy “tham vọng”. Nhật Bản sẽ sử dụng cách tiếp cận đa phương với các nền dân chủ cùng chí hướng trong việc đối phó với “mối thách thức” Trung Quốc. Thủ tướng Kishida đã chấp nhận lập trường rằng miễn là có một mối đe dọa toàn cầu đáng kể đối với các giá trị cơ bản của tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Australia để bảo vệ mình. Ở chiều cạnh của sự tương phản, hợp tác với Trung Quốc cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Kishida. Ngày 08/10/2021, ông đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai vị nguyên thủ đã nhất trí cùng nỗ lực xây dựng quan hệ song phương hòa bình, ổn định và mang tính xây dựng, hướng tới kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật - Trung (1972) vào năm 2022[20]. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy quan hệ giao lưu kinh tế, giao lưu nhân dân giữa hai nước, hợp tác trong việc giải quyết vấn đề “công dân Nhật Bản bị bắt cóc, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên[21].
Thủ tướng Kishida cũng đã có sự nhất trí cao với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về việc tăng cường hợp tác hợp tác một cách chặt chẽ hơn nữa, hướng tới hiện thực hóa cơ chế hợp tác “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”[22]. Đối với lĩnh vực an ninh, Thủ tướng Kishida cho rằng môi trường an ninh trở nên nghiêm trọng đặt yêu cầu cho Nhật Bản trong việc sửa đổi chiến lược an ninh và quốc phòng, tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa và phòng thủ hải quân của mình.Thủ tướng cam kết sẽ ban hành luật mới về an ninh kinh tế, thực hiện đánh giá đầu tiên về “chiến lược an ninh quốc gia” đã được nội các thông qua vào năm 2013 và sửa đổi chương trình quốc phòng cơ bản cũng như chương trình xây dựng quốc phòng trung hạn[23]. Ông cũng đã tiến hành cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin (07/10/2021). Hai bên nhất trí thúc đẩy đàm phán đề giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ phương Bắc/đảo Kuril để đi tới ký kết hiệp ước hòa bình giữa Nhật Bản và Nga[24]. Bên cạnh đó, ông Kishida cũng phải đối mặt với việc cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc bị xấu đi trong năm 2018 và 2019 liên quan tới vấn đề “phụ nữ mua vui”, các lệnh áp đặt hạn chế thương mại và xuất khẩu công nghệ, tranh chấp chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima… Sau khi lên cầm quyền Thủ tướng Kishida cũng phải nỗ lực cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên để giải quyết các vấn đề phi hạt nhân hóa, tên lửa, đặc biệt là vấn đề “công dân Nhật Bản bị bắt cóc”, đây là vấn đề rất “nhạy cảm” đối với tình cảm của nhân dân Nhật Bản. Nếu giải quyết được vấn đề này ổn thỏa thì sự ủng hộ của cử tri đối với chính quyền Thủ tướng Kishida sẽ tăng cao. Ông tuyên bố muốn tiến hành gặp gỡ với lãnh tụ tối cao Triều Tiên Kim Jong-un một cách vô điều kiện để đàm phán giải quyết vấn đề “công dân Nhật Bản bị bắt cóc” được hồi hương sớm nhất dù chỉ là một ngày”[25].
Có thể thấy ngay sau khi nhậm chức thủ tướng Nhật Bản, ông Kishida đã thực hiện một loạt cuộc điện đàm với nguyên thủ của nhiều nước lớn trên thế giới: Mỹ, Ấn Độ, Australia, Nga, Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ hợp tác một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn
4. Một số đánh giá
Như vậy, nòng cốt định hướng chính sách của Thủ tướng Kishida là sự kế thừa và phát triển từ những người tiền nhiệm, đặc biệt là Thủ tướng Abe Shinzo. Bài phát biểu đầu tiên của ông Kishida thực tế không đưa ra quá nhiều điểm nhấn hay cam kết rõ ràng. Ông đã không đưa ra được tầm nhìn cụ thể cho cái được gọi là “chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản”. Ông cũng chưa đưa ra được những bảo đảm cho việc nỗ lực lấy lại lòng tin của công chúng đối với Chính phủ Nhật Bản. Bài phát biểu về chính sách cũng chưa có những chỉ dẫn rõ ràng về các biện pháp an toàn cho việc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Điểm đáng chú ý và thể hiện quan điểm rõ ràng hơn cả là những định hướng về đối ngoại và an ninh, khi thủ tướng đã xác định hướng tiếp cận cũng như thứ tự ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, đồng thời cũng xác định rõ những thách thức mà Nhật Bản cho rằng có tác động tới an ninh quốc gia để có sự điều chỉnh trong việc gia tăng sức mạnh cũng như tăng cường mạng lưới hợp tác và đồng minh. Mặc dù vậy, thời gian còn rất dài để thủ tướng Nhật Bản chứng minh hiệu quả cho các định hướng chính sách đối nội và đối ngoại của mình, nhằm lấy lại niềm tin của người dân cũng như dẫn dắt nước Nhật đi qua giai đoạn khó khăn.
Việc trở thành Thủ tướng Nhật Bản thứ 100 của Fumio Kishida đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế. Với vai trò là một cường quốc khu vực và thế giới, những thay đổi trong chính trường Nhật Bản rõ ràng sẽ tạo ra những tác động không nhỏ đối với các mối quan hệ quốc tế. Các phản ứng chính thức cũng như truyền thông của các nước mặc dù xuất phát từ các góc độ khác nhau nhưng đều thể hiện sự kì vọng vào việc Nhật Bản sẽ có những thay đổi tích cực dưới thời Thủ tướng Kishida. Đặc biệt, trong lĩnh vực đối ngoại, các quốc gia như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ và lãnh thổ Đài Loan đều thể hiện sự tin tưởng vào Thủ tướng Kishida trong việc góp phần làm ổn định môi trường của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như cùng “Bộ tứ” giải quyết các thách thức đến từ Trung Quốc và Triều Tiên, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Tổng thống Mỹ thậm chí đã khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Nhật Bản, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời cũng tái khẳng định sẽ cùng Nhật Bản giải quyết “những thách thức đến từ Trung Quốc và Triều Tiên” ngay trong cuộc điện đàm đầu tiên với Kishida trên cương vị thủ tướng[26].
Tóm lại, sự kiện ông Kishida trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản đã thu hút sự chú ý không chỉ của người dân trong nước, mà còn của dư luận quốc tế, cũng như đánh dấu những thay đổi trong chính trường Nhật Bản. Những phát biểu đầu tiên cùng những cam kết từ chiến dịch tranh cử của Thủ tướng Kishida được coi là những cơ sở để đánh giá mức độ thực hiện, hướng đi của Chính phủ Nhật Bản trong cả vấn đề đối nội và đối ngoại. Mặc dù còn quá sớm để đánh giá về các bước đi, hiệu quả của chính phủ Kishida. Tuy nhiên với những tuyên bố được đưa ra, có thể thấy sự chuyển biến trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản giai đoạn tới là không nhiều. Sự kế thừa và tiếp tục những tư tưởng của thế hệ trước vẫn sẽ là dòng chảy chính trong việc vận hành chính phủ và phát triển đất nước Nhật Bản. Ông Fumio Kishida đã từng thăm Việt Nam nhiều lần, tự nhận mình là người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Ông cũng từng giữ chức Tổng thư ký Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt, Tổng thư ký Hội đồng thúc đẩy giao lưu kinh tế Nhật – Việt. Chính phủ Việt Nam đã tặng ông Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp tích cực cho phát triển quan hệ hai nước[27]. Đó chính là cơ sở để chúng ta cùng hy vọng trong giai đoạn Thủ tướng Kishida cầm quyền, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản (năm 2023).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TS, Khoa Nhật Bản học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh
[2] TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[3] TS, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[4] NHK (2021), 菅首相「コロナ対策に専念」総裁選に立候補せず 記者団に表明 (Thủ tướng Suga "dốc hết sức vào các biện pháp ứng phó đại dịch COVID-19" Tuyên bố với các phóng viên về việc không ra tranh cử Chủ tịch đảng LDP), https://www3.nhk.or.jp/news/html/20210903/ k10013240971000.html, truy cập ngày 09/10/2021.
[5] 読売新聞オンライン (2021), 菅内閣の支持率31%、最低を更新…読売世論調査 (Tỷ lệ ủng hộ Nội các Suga là 31%, cập nhật với mức thấp nhất... Cuộc thăm dò ý kiến của Yomiuri), https://www.yomiuri.co.jp/election/yoron-chosa/20210905-OYT1T50276/, truy cập ngày 10/10/2021.
[6] “Japan's Suga shoots to 74% approval on 'trust' factor: poll”, Asia Nikkei, https://asia.nikkei.com/Politics/Japan-after-Abe/Japan-s-Suga-shoots-to-74-approval-on-trust-factor-poll, truy cập ngày 10/10/2021.
[7]「菅首相退陣」で株価は急伸 遠かった“V字回復”... 道半ばで幕を下ろすスガノミクス (Giá cổ phiếu tăng vọt do "Thủ tướng Suga từ chức" "Sự hồi phục hình chữ V" đã lùi xa... Suganomics đứt gánh giữa chừng), Yahoo, https://news.yahoo.co.jp/articles/1b9f064b58fd08 9c7b681889cbed8d0966ac2c42, truy cập ngày 10/10/2021.
[8] Đỗ Ánh, “Nhìn lại nhiệm kỳ 1 năm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide” (Phần 2), http://cjs.inas.gov. vn/index.php?newsid=1555, truy cập ngày 11/10/2021.
[9] Đỗ Ánh, “Nhìn lại nhiệm kỳ 1 năm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide”, Tlđd.
[10]自民党総裁選の流れ(時事通信社)(Lịch trình bầu cử Chủ tịch đảng LDP, Hãng tin Jiji Press), https://news.yahoo.co.jp/articles/ebc4e958e9be662412b83b268c776c29353e5632/images/000, truy cập ngày 09/10/2021.
[11]自民総裁選、「フルスペック」766票めぐる戦いに (Cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do, cạnh tranh 766 phiếu với "thông số kỹ thuật đầy đủ"), The Sankei News, https://www.sankei.com/article/20210823-KESFHHDY4RJCBFSZTRRSVAQGDY/, truy cập ngày 09/10/2021.
[12] 自民党総裁選 4候補 経済やコロナウイルス対策などめぐり論戦, NHK, https://www3.nhk.or.jp/ (4 ứng viên tranh luận về chính sách phát triển kinh tế và biện pháp đối phó Covid -19) news/html/20210919/k1001326723 1000.html?utm_int=news-politics_contents_list-items_ 004.
[13] 自民党総裁選 選挙期間中のスケジュール (Các hoạt động trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do), NHK, https://www3.nhk.or.jp/ news/html/20210913/k10013256771000.html, truy cập ngày 09/10/2021.
[15] “Fumio Kishida elected LDP president in runoff, on track to become Japan's next PM”, The Mainichi, https://mainichi.jp/english/articles/20210929/p2a/00m/0na/007000c, truy cập ngày 10/10/2021.
[16] 第100代の首相に自民 岸田文雄氏 衆参本会議の指名選挙で選出 (Ông Kishida Fumio Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản được bầu làm thủ tướng thứ 100 trong cuộc bầu cử đề cử thủ tướng của phiên họp toàn thể của Quốc hội), NHK, https://www3.nhk.or.jp/news/html/20211004/k100 13290151000.html, truy cập ngày 10/10/2021.
[17] “Fumio Kishida takes office as Japan's new Prime Minister”, CNN, https://edition.cnn.com/2021/10/04/ asia/japan-prime-minister-kishida-intl-hnk/index.html, truy cập ngày 10/10/2021.
[18] “Japan: New Prime Minister Fumio Kishida promises 'drastic' pandemic relief in first speech”, https://www.dw.com/en/japan-new-prime-minister-fumio-kishida-promises-drastic-pandemic-relief-in-first-speech/a-59394389, truy cập ngày 10/10/2021.
[19] “Kishida’s first policy speech gives no real clue to his agenda”, The Asahi Shimbun, https://www.asahi.com/ajw/ articles/14457145, truy cập ngày 10/10/2021.
[20] 日中首脳 初の電話会談 共通の諸課題について協力で一致 (Điện đàm nguyên thủ Nhật – Trung, nhất trí hợp tác về một số vấn đề chung), https://www3.nhk.or.jp/ news/html/20211008/k10013299101000.html, truy cập ngày 11/10/2021.
[21] 日中首脳 初の電話会談 共通の諸課題について協力で一致 (Điện đàm nguyên thủ Nhật – Trung, nhất trí hợp tác về một số vấn đề chung), https://www3. nhk.or.jp/news/html/20211008/k10013299101000.html.
[22] 岸田首相 印首相と電話会談“クアッドで緊密連携 (Thủ tướng Kishida điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ, nhất trí tăng cường quan hệ nhóm QUAD, https://www.nhk.or.jp/politics/articles/lastweek/69627.html, truy cập ngày 11/10/2021.
[23] “Kishida vows to lead with ‘trust and empathy’ to fix Japan”, AP News, https://apnews.com/article/ coronavirus-pandemic-business-north-korea-china-japan-6efdc897a75 4228399e11497d59a3e11, truy cập ngày 10/10/2021,
[24] 岸田首相 就任後初 ロシア プーチン大統領と電話会談 (Thủ tướng Kishida điện đàm với Tổng thống Nga Putin), https://www3.nhk.or.jp/news/html/20211007/k100 13296861000.html, truy cập ngày 11/10/2021.
[25] 岸田首相、拉致問題「1日も早い帰国実現に全力で取り組む (Thủ tướng Kishida nỗ lực cao nhất trong việc hồi hương cho “công dân Nhật Bản bị bắt cóc", https://www.sankei.com/article/20211011-DAH2723 ESVJMBJGO4TVNYSQF6E/, truy cập ngày 11/10/2021.
[26] “Japan’s new PM Kishida, Biden agree to cooperate on China, North Korea”, Business Mirror, https://businessmirror.com.ph/2021/10/05/japans-new-pm-kishida-biden-agree-to-cooperate-on-china-north-korea/.
[27] “Tân Thủ tướng Nhật Bản và chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản”, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tan-thu-tuong-nhat-ban-va-chu-nghia-tu-ban-moi-mang-hinh-thai-nhat-ban-895480.vov, truy cập ngày 11/10/2021.