Phạm Hồng Thái1
Tóm tắt: Dựa vào việc phân tích các tiêu chí như nguồn lực vật chất, tham vọng chính sách, ảnh hưởng quốc tế và sự công nhận của các nước khác, bài viết góp phần khẳng định vị thế cường quốc khu vực của Hàn Quốc, đánh giá triển vọng gia tăng vị thế của Hàn Quốc tại khu vực Đông Á, nhất là tại ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ. Trong phần cuối, bài viết phân tích xu hướng quan hệ Hàn Quốc – Việt Nam từ góc độ triển khai chính sách của Hàn Quốc trong thời gian 10 năm tới và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam nhằm nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc trong thời gian tới.
Từ khóa: Vị thế Hàn Quốc, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, hàm ý chính sách
T |
rong thời gian qua, Hàn Quốc có ảnh hưởng quan trọng[1]đến quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam với tư cách đối tác hợp tác chiến lược. Hàn Quốc coi Việt Nam là một trọng tâm trong triển khai Chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Moon Jae-in nhằm nâng quan hệ Hàn Quốc với ASEAN và Ấn Độ lên ngang tầm 4 đối tác lớn của Hàn Quốc là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Việc đánh giá vị thế của Hàn Quốc trên bình diện khu vực cũng như quốc tế, vì vậy, là rất cần thiết trong việc tiếp tục thúc đẩy, nâng tầm quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trong thời gian tới. Kế thừa các kết quả nghiên cứu có liên quan, bài viết phân tích triển vọng vị thế của Hàn Quốc và tác động của nó đến quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian tới.
1. Hàn Quốc - một cường quốc khu vực
Trong những năm gần đây, vị thế của Hàn Quốc được giới nghiên cứu tập trung thảo luận. Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, Hàn Quốc xứng đáng là một cường quốc khu vực[2] (regional power) khi dựa vào hàng loạt các tiêu chí mà quan trọng nhất trong đó là: (1) nguồn lực vật chất bao gồm quy mô nền kinh tế, chi tiêu quân sự và dân số; (2) tham vọng chính sách; (3) ảnh hưởng quốc tế; (4) sự công nhận vị thế của Hàn Quốc từ các nước khác.
Xét về nguồn lực vật chất, theo số liệu thống kê chính thức của Ngân hàng Thế giới năm 2021, GDP năm 2020 của Hàn Quốc đạt 1.630.525,01 triệu USD, được xếp hạng nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực châu Á, sau Trung Quốc (14.722.730,70 triệu USD), Nhật Bản (5.064.872,88 triệu USD), Ấn Độ (2.622.983,73 triệu USD) [3] và xếp thứ 9 hoặc thứ 10 toàn cầu tùy theo phương pháp tính[4]. Bên cạnh đó, Hàn Quốc có dân số hơn 51,7 triệu người (số liệu tháng 7/2021), xếp hạng 28/235 nước trên thế giới, cao hơn dân số các cường quốc khu vực khác như Australia (25.499.884 người) và Canada (37.742.154 người). Hàn Quốc cũng là nước có chỉ số cạnh tranh toàn cầu cao, xếp hạng thứ 4 châu Á và thứ 13 thế giới trong năm 2019 theo công bố, đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới[5].
Trong một báo cáo về khả năng đổi mới công nghệ ở một số quốc gia Đông Á được chọn, Ủy ban châu Âu đã coi Hàn Quốc, cùng với Nhật Bản, là “nhà lãnh đạo toàn cầu” hiện nay về các ngành nghề công nghệ cao. Thậm chí Hàn Quốc còn được đánh giá là một trong những nước đổi mới nhất thế giới. Theo xếp hạng Chỉ số đổi mới của Bloomberg, Hàn Quốc chỉ đứng sau Đức trong năm 2020 và đứng đầu danh sách 60 quốc gia trong 5 năm trước đó[6]. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Hàn Quốc tăng nhanh và đều trong những năm gần đây, nước này có tỉ lệ đầu tư cho R&D/GDP cao hàng đầu thế giới, ngày càng bỏ xa các nước có nền khoa học và công nghệ chủ chốt như Pháp, Đức, Nhật Bản và Hoa Kỳ[7].
Về chi tiêu quân sự, ngân sách của Hàn Quốc dành cho lĩnh vực này không ngừng tăng trong những năm qua. Năm 2020, Seoul đã chi 52,84 tỉ USD (2,8% GDP) cho các lực lượng vũ trang, trong khi Nhật Bản chi 49,1 tỉ (1% GDP), Pháp chi 52,7 tỉ (2,1% GDP), Đức chi 52,8 tỉ (1,4% GDP) cho lĩnh vực này[8]. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết, quân đội Hàn Quốc hiện duy trì 655.000 quân trong thời bình, gấp rưỡi quân đội Nhật Bản. Việc Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn cho phép lực lượng hải quân Hàn Quốc tham gia Lực lượng Đặc nhiệm liên hợp do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm tiến hành các hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden và ngoài khơi bờ biển phía đông của Somalia vào năm 2009[9]… cho thấy Hàn Quốc tiếp tục cam kết bảo vệ các lợi ích bên ngoài biên giới quốc gia của mình.
Như vậy, xét về nguồn lực vật chất mà điển hình là tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ, quân sự… Hàn Quốc xứng đáng có thứ hạng cao trong phạm vi khu vực.
Về tham vọng chính sách, ngay từ năm 1988, chính phủ Roh Tae-woo đã chủ trương chính sách ngoại giao phương Bắc trên cơ sở cải thiện quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc và các nước thuộc Đông Âu… nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và giảm thiểu nguy cơ xung đột với Triều Tiên. Chính sách phương Bắc được đánh giá là cơ hội để Hàn Quốc vượt qua sự phụ thuộc quá mức vào Hoa Kỳ và Nhật Bản, thể hiện sự độc lập hơn của quốc gia này trên trường quốc tế. Đặc biệt, "Sáng kiến châu Á mới" của Tổng thống Lee Myungbak (2009) là một sự đổi mới trong chính sách ngoại giao của Hàn Quốc. Từ chỗ tập trung vào 4 nước lớn gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, Hàn Quốc đã chú ý đến các nước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực châu Á. Không những thế, Chiến lược Tăng trưởng xanh được Hàn Quốc công bố năm 2008 với tư cách một chiến lược tổng thể về kinh tế - môi trường - xã hội nhằm tạo sự gắn kết giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường đã đưa tiếng nói của Hàn Quốc lên tầm đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Gần đây nhất, “Chính sách hướng Nam mới” do Tổng thống Moon Jae-in đưa ra năm 2017 là một bước phát triển cụ thể hơn tham vọng của Hàn Quốc về một vị trí lãnh đạo khu vực trên cơ sở chủ trương xây dựng một cộng đồng cộng đồng “3P” bao gồm hòa bình, con người và thịnh vượng. Chính sách hướng Nam mới vẫn đang tiếp tục được mở rộng, bổ sung đem lại một chiến lược hợp tác toàn diện của Hàn Quốc với các quốc gia phía Nam bao gồm các nước Đông Nam Á và Ấn Độ trong mối quan hệ hợp tác với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở do Mỹ chủ đạo.
Về ảnh hưởng quốc tế, Hàn Quốc có nhiều ảnh hưởng tại khu vực Đông Á không chỉ về kinh tế mà còn về các sáng kiến phát triển khu vực với tầm nhìn dài hạn. Năm 1999, Hàn Quốc đưa ra sáng kiến thành lập Nhóm tầm nhìn Đông Á (EAVG) trong Hội nghị cấp cao ASEAN+3 với sự tham gia của đại diện 13 quốc gia thành viên và nhóm họp đầu tiên được tổ chức tại Seoul vào năm 1999. Đến nay, EAVG đã đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng đối với hoạt động hiệu quả của ASEAN+3, điển hình là đề xuất "Hướng tới một cộng đồng Đông Á" được trình tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3 tổ chức tháng 10/2001 tại Brunei. Năm 2002, EAVG đã đệ trình một báo cáo đề nghị chuyển ASEAN+3 thành Hội nghị cấp cao Đông Á. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN + 3 năm 2012, EAVG đã đệ trình một báo cáo với tầm nhìn mới là thành lập Cộng đồng Kinh tế Đông Á vào năm 2020. Một số học giả đánh giá cao, coi EAVG là một “think tank” của “ASEAN+3”.
Nói về sự ảnh hưởng quốc tế của Hàn Quốc trong những thập niên gần đây không thể không đề cập đến tác động lan tỏa của “Hallyu” (Làn sóng Hàn Quốc). Quả thực, Hallyu là một thành công nổi bật của văn hóa đại chúng Hàn Quốc ở hải ngoại, nhất là tại các quốc gia Đông Á. Hallyu vẫn đang có ảnh hưởng đáng kể đến con người, âm nhạc, truyền hình và thời trang của các nước láng giềng trong khu vực và đang tạo nên một thứ “quyền lực mềm” cho Hàn Quốc.
Về sự công nhận của các nước khác đối với vị thế của Hàn Quốc, việc Hàn Quốc được tiếp nhận vào Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với tư cách là tổ chức của 38 nước có kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới năm 1996 đã thể hiện sự công nhận quốc tế về vị thế kinh tế và vai trò của nước này trên trường quốc tế nói chung. Đặc biệt, nhiều sáng kiến, chương trình liên quan đến phát triển của Hàn Quốc cũng được nhiều nước học tập, rút kinh nghiệm làm theo. Phong trào Làng mới (Saemaul Undong) là một sáng kiến do Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee đưa ra từ năm 1970 nhằm hiện đại hóa kinh tế nông thôn Hàn Quốc đã rất thành công, được Liên Hợp Quốc và các nước đang phát triển đặc biệt chú ý. Chiến lược Tăng trưởng xanh mới của Hàn Quốc đã được tổ chức quốc tế và nhiều nước đánh giá cao, coi như một hình mẫu cho các quốc gia khác. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho rằng Hàn Quốc đang thể hiện “vai trò lãnh đạo ở cấp độ quốc tế bằng cách thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu hướng tới đạt được một nền kinh tế xanh”.
Mặc dù vậy, cũng cần nhận thấy bên cạnh những điểm mạnh với tư cách là một cường quốc khu vực, Hàn Quốc cũng có những điểm hạn chế nhất định, chẳng hạn, tình trạng bán đảo Triều Tiên vẫn bị chia cắt làm 2 miền với nguy cơ xung đột luôn tiềm ẩn do Hàn Quốc và Triều Tiên chỉ mới ký kết hiệp định đình chiến nhưng chưa ký kết hiệp ước hoà bình… Tuy nhiên, trên thực tế, những hạn chế này không cản trở việc Hàn Quốc bước lên sân khấu ngoại giao quốc tế với tư cách là một cường quốc khu vực.
2. Triển vọng vị thế của Hàn Quốc
Trong thời gian 5 đến 10 năm tới, sự phát triển của Hàn Quốc diễn ra với sự tác động đa chiều của các nhân tố quốc tế và trong nước.
Về nhân tố quốc tế, trước hết, vị thế khu vực và quốc tế của Hàn Quốc sẽ chịu tác động lớn của quan hệ Mỹ - Trung. Đối với Hàn Quốc, Mỹ là đồng minh chiến lược, là chiếc ô đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc trong bối cảnh hai miền Nam Bắc Triều Tiên chưa có được hiệp ước hòa bình, hai bên vẫn trong trạng thái có thể xảy ra chiến tranh. Trong khi đó, Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ và là đồng minh chiến lược của Triều Tiên lại là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc. Quan hệ Hàn – Trung đã đem lại cho Hàn Quốc nhiều lợi ích kinh tế nhưng cũng dung chứa nhiều thách thức, rủi ro khi phải thực hiện chính sách cân bằng giữa hai cường quốc thế giới. Quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục vừa là đổi tác hợp tác kinh tế, vừa là đối thủ cạnh tranh chiến lược với chiều hướng ngày một gia tăng. Vấn đề hạt nhân và tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên, vì vậy, có thể xuất hiện những diễn biến rất khó lường. Bên cạnh đó, quan hệ Hàn – Nhật hiện còn một số trở ngại nhưng xu hướng sẽ từng bước được cải thiện trong mối liên minh tay ba Nhật - Mỹ - Hàn để tăng cường sức mạnh về chính trị, an ninh và quân sự đối kháng lại sự cạnh tranh thế lực của Trung Quốc. Cạnh tranh ảnh hưởng giữa Hàn Quốc với hai cường quốc khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản sẽ gia tăng trong khu vực ASEAN, đặt các quốc gia trong khối này trước những cơ hội tốt cho hợp tác phát triển nhưng cũng đem lại những hệ lụy phức tạp trong việc giải quyết cân bằng lợi ích với từng đối tác. Sự xuất hiện của đối tác quân sự ba bên gồm Mỹ, Australia và Anh mới đây cũng đặt Hàn Quốc trước tình thế tiến thoái lưỡng nan trong chiến lược cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hay ngả về tình thế chọn phe.
Về các nhân tố trong nước, trong lĩnh vực chính trị, nhiệm kỳ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ kết thúc vào tháng 5 năm 2022. Nếu đảng Dân chủ đồng hành của Tổng thống Moon Jae-in tiếp tục giành chiến thắng thì đường lối đối nội và đối ngoại của Hàn Quốc sẽ có nhiều khả năng tiếp tục đường hướng hiện nay. Quan hệ liên Triều sẽ tiếp tục theo hướng tìm cơ hội hợp tác hòa bình; Chính sách hướng Nam mới 2.0 sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn tại các quốc gia ASEAN và Ấn Độ. Trái lại, nếu đảng Dân chủ đồng hành mất quyền lãnh đạo, chính đảng cầm quyền mới có chính sách cứng rắn với Triều Tiên như thời Tổng thống Lee Myung-bak và Park Geun-hye thì quan hệ hai miền Triều Tiên sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng trở lên lạnh nhạt, thậm chí căng thẳng gia tăng. Triều Tiên có khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo để nâng cao khả năng răn đe và phòng thủ. Trong bối cạnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, điều này sẽ càng làm cho quan hệ hai miền Triều Tiên căng thẳng và có thể xuất hiện những biến cố khó lường, khiến an ninh khu vực thêm bất ổn. Tính độc lập trong các quyết sách của Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi các nước lớn, làm tổn hại ít nhiều đến vị thế của Hàn Quốc, nhất là về phương diện chính trị. Song trong bất cứ hoàn cảnh nào thì ASEAN vẫn là khu vực mà Hàn Quốc tìm thấy lợi ích cả về kinh tế và chính trị - an ninh.
Trong lĩnh vực kinh tế, có một số dự báo về sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc trong tầm nhìn đến năm 2030. Theo báo cáo về “Triển vọng kinh tế vĩ mô thế giới” do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo cho năm 2021 là 2,91%, sẽ thấp hơn mức 3% và xu hướng này vẫn tiếp tục và tốc độ tăng trưởng GDP dự báo cho năm 2030 là 2,06%[10]. Với tác động của đại dịch COVID-19 thì xu hướng suy giảm như các dự báo trên là rất có khả năng trở thành hiện thực. Tuy nhiên, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc được dự báo trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng chung của các nền kinh tế lớn trong khu vực cũng như trên thế giới. Xét tương quan giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới, vị thế kinh tế của Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng. Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) vào năm 2020, Hàn Quốc sẽ gia nhập câu lạc bộ “Big Boys” sau 15 năm nữa. Báo cáo cho biết, GDP của Hàn Quốc sẽ tăng từ 1,41 nghìn tỷ USD (1650,41 nghìn tỷ won) trong năm 2020 lên 3,53 nghìn tỷ USD (4134,21 nghìn tỷ won) vào năm 2030, tăng hạng từ nền kinh tế thứ 11 thế giới lên thứ 7. Với xu hướng này, Hàn Quốc sẽ vượt Pháp, Italia, Brazil và Canada trong 15 năm nữa để gia nhập nhóm 8 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G8), theo CEBR[11].
Trong lĩnh vực quốc phòng, ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc tiếp tục gia tăng. Trong bối cảnh tiếp tục tăng cường sức mạnh răn đe sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên như hiện nay, Hàn Quốc sẽ gia tăng chế tạo và trang bị các vũ khí chiến lược mới. Như vậy có thể thấy, trong 10 năm tới, trên cơ sở gia tăng chi tiêu cho quốc phòng, quân đội Hàn Quốc sẽ ngày càng có thêm nguồn lực vật chất để phát triển vững mạnh.
Về triển vọng chính sách hợp tác khu vực, Chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Moon Jae-in đã triển khai được gần 5 năm và đang có những tác động tích cực đến khu vực Đông Nam Á; “Chính sách hướng Nam mới 2.0” hoàn chỉnh và bắt đầu đi vào thực hiện trong năm 2021. Nếu như trước đây, Chính sách hướng Nam mới lấy trọng tâm hợp tác là kinh tế thì sau các chuỗi hội nghị thượng đỉnh với các quốc gia ASEAN và khu vực Mê Kông, Chính sách hướng Nam mới 2.0 còn chú trọng cả các lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, văn hóa, xã hội. Hàn Quốc đã nhận được sự ủng hộ hợp tác từ các quốc gia ASEAN không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mở rộng hiệp định thương mại tự do mà còn trong giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác hòa bình, an ninh, hợp tác ủng hộ tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Trong các nước ASEAN, Hàn Quốc chú ý hợp tác với 5 quốc gia hạ lưu sông Mê Kông là Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan và Myanmar. Chính sách hướng Nam mới 2.0 sẽ được hoàn thiện và nâng cấp, với trục thịnh vượng Hàn Quốc – ASEAN và Hàn Quốc - Ấn Độ sẽ là một nhánh tương trợ cho chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ với tư cách đồng minh chiến lược, gia tăng sự ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực. Đồng thời, với chính sách này, Hàn Quốc không chỉ kết nối với chính sách của Mỹ với tư cách là một đồng minh mà còn có thể thoát khỏi thế khó trong quan hệ với Trung Quốc và nâng cao năng lực cạnh tranh với Trung Quốc tại một khu vực đầy tiềm năng như ASEAN nói chung và lưu vực sông Mê Kông nói riêng.
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước như đã phân tích ở trên, vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Hàn Quốc có thể có những khả năng diễn biến sau:
Thứ nhất, Hàn Quốc tiếp tục củng cố, duy trì vị thế trên trường quốc tế với tư cách là cường quốc khu vực và gia tăng ảnh hưởng tới các nước ASEAN trong mối tương tác cạnh tranh với các cường quốc khác, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Với việc cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng lên, Hàn Quốc có thể sẽ dựa vào vị thế của mình để tăng cường hợp tác an ninh với các nước có cùng lợi ích như các quốc gia trong ASEAN, tạo nên thế cân bằng tương đối trong quan hệ với các cường quốc thế giới, không quá nghiêng về phía bên nào để tránh rủi ro đối đầu với các nước lớn, củng cố những thành quả hợp tác và bảo vệ lợi ích song phương và đa phương trước bất kỳ sự suy sụp tiềm tàng nào của các siêu cường. Chính vì vậy, ảnh hưởng của Hàn Quốc trong khu vực trong thời gian tới sẽ không chỉ tập trung vào kinh tế mà sẽ từng bước mở rộng sang lĩnh vực an ninh, quốc phòng… kết hợp với việc phát huy thế mạnh quyền lực mềm lấy cốt lõi là quyền lực mềm văn hóa. Đây là khả năng hiện thực nhất, phù hợp với lợi ích chiến lược của Hàn Quốc.
Thứ hai, Hàn Quốc có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố tiêu cực như cạnh tranh Trung – Mỹ leo thang đến mức Hàn Quốc không thể thực hiện chính sách cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ như hiện nay, thậm chí buộc phải nghiêng hẳn về phía Mỹ và đối đầu với Trung Quốc. Điều này sẽ gây khó khăn cho Hàn Quốc trong việc theo đuổi một lộ trình ngoại giao và an ninh độc lập trong trung và dài hạn, ảnh hưởng đến việc phát triển quan hệ với các đối tác kinh tế quan trọng của Hàn Quốc, nhất là với Trung Quốc. Thứ đến là ẩn số an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng sẽ kéo theo sự căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ- Triều. Quan hệ liên Triều cũng vì thế mà sẽ xấu đi. Bên cạnh đó, có thể Hàn Quốc phải đương đầu với những tác động của những nhân tố tiêu cực khác như sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, quan hệ Nhật – Hàn phát triển theo chiều hướng bất lợi cho vấn đề chủ quyền đảo Dokdo/Takeshima và những vấn đề lịch sử còn vướng mắc giữa hai nước. Cuối cùng là tình hình dân số suy giảm sẽ ảnh hưởng tới nguồn nhân lực trong nước cho phát triển kinh tế bền vững… Sự tác động kết hợp của các nhân tố bật lợi này sẽ không chỉ khiến tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc bị suy giảm mà còn đặt việc đảm bảo an ninh của Hàn Quốc trước nhiều thách thức, vị thế quốc tế của Hàn Quốc do vậy sẽ khó trụ được tình trạng như hiện nay. Tuy nhiên, đây là khả năng khó xảy ra vì cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ hiện nay tuy có chiều hướng gia tăng nhưng quan hệ giữa hai siêu cường vẫn cần tới sự hợp tác do lợi ích, nhu cầu nội tại của mỗi nước. Không những thế, cạnh tranh Trung – Mỹ gia tăng theo chiều hướng dẫn tới xung đột sẽ đe dọa đến lợi ích các cường quốc khác trên thế giới, do vậy, sẽ không dễ diễn ra trước sự kiềm chế của xu hướng hợp tác đảm bảo hòa bình và an ninh trên thế giới.
3. Triển vọng quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam
Nói đến triển vọng của quan hệ Hàn Quốc- Việt Nam trong thời gian tới, bài viết muốn đề cập đến chủ đề này từ góc nhìn triển khai chính sách của Hàn Quốc trong hợp tác khu vực. Có thể thấy, Việt Nam thực sự là một trọng tâm trong triển khai Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc tại ASEAN và Ấn Độ trong thời gian qua với những kết quả cụ thể nổi trội. Điều này đã được nhiều công trình nghiên cứu về thực tiễn triển khai Chính sách hướng Nam mới khẳng định[12]. Chính sách hướng Nam mới 2.0 được phía Hàn Quốc nhấn mạnh trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - ASEAN vào tháng 11/2019 tại Busan, đánh dấu sự chuyển biến chính sách của Hàn Quốc với các quốc gia Đông Nam Á từ tầm nhìn thành các kế hoạch khả thi và kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể hơn. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục được chú trọng trong triển khai Chính sách hướng Nam mới 2.0 trên cơ sở nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược hiện nay. Năm 2022 tới, chính trường Hàn Quốc có thể có những biến động nhất định với cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới. Cho dù đảng chính trị cầm quyền được giữ nguyên hay có sự thay đổi thì chính sách của Hàn Quốc đối với ASEAN và Việt Nam vẫn ổn định. Chính sách hướng Nam mới thực chất là một biểu hiện tầm nhìn mang tính chiến lược của Hàn Quốc đối với khu vực, nó vượt khỏi khuôn khổ nhiệm kỳ tổng thống. Việt Nam vẫn sẽ là một trong những trọng tâm trong việc triển khai chính sách của Hàn Quốc do những lợi thế về địa chính trị, kinh tế và văn hóa trong khu vực.
Thứ nhất, Việt Nam nằm ở cửa ngõ khu vực Đông Nam Á, có vị trí trọng yếu trên tuyến hàng hải huyết mạch thế giới đi qua Biển Đông, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, châu Âu với châu Á, Trung Đông với châu Á; là quốc gia có dân số đông thứ 15 trên thế giới với 98 triệu người (6/2021), xếp thứ 3 trong ASEAN sau Indonesia (270 triệu người) và Philippines (105 triệu người). Do tuổi thọ và tỉ lệ sinh cao, dân số Việt Nam dự kiến sẽ vượt mốc 100 triệu vào năm 2023 và đạt khoảng 120 triệu vào năm 2050. Theo đánh giá của phía Hàn Quốc, Việt Nam còn là một thị trường tiêu dùng tuyệt vời do sự gia tăng thu nhập của người dân, nhất là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Nhóm dân số từ 20 đến 49 tuổi là nhóm tiêu dùng chính, chiếm một nửa tổng dân số; đến năm 2035, tỷ lệ tầng lớp trung lưu dự kiến đạt 50% tổng dân số. Việt Nam còn có chính sách cải thiện môi trường đầu tư, định hướng kinh tế xuất khẩu… Đó là chưa kể đến yếu tố văn hóa với nhiều nét tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Trong số 10 nước trong khối ASEAN, những chỉ số vừa nêu của Việt Nam là một lợi thế đặc biệt nổi trội. Đây là một đặc điểm rất quan trọng bù đắp cho sự thiếu hụt lao động và điểm đến đầu tư thuận lợi lâu dài cho các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Thứ hai, trong thời gian qua, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc phát triển nhanh và hiệu quả trên nhiều mặt. Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và hợp tác kinh tế là một trụ cột chính trong tổng thể quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Hàn Quốc. Trong những thập niên vừa qua, Hàn Quốc luôn dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, đứng thứ hai về hỗ trợ phát triển chính thức, thứ ba về hợp tác thương mại (sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu) với Việt Nam. Trong khi đó, Hàn Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ tư và thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục được duy trì như Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc, Ủy ban hỗn hợp cấp bộ trưởng về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và công nghiệp. Một điểm đáng chú ý trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc là sự phối hợp và hợp tác của hai nước trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Hai nước hợp tác chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) và các cơ chế hợp tác khu vực như Mekong - Hàn Quốc, ASEAN+Hàn Quốc, ASEAN+3, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS). Hai bên không chỉ hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu như phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt mà còn chia sẻ lập trường về các vấn đề mang tính nguyên tắc như giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những thành quả đạt được trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong thời gian qua là rất có ý nghĩa, đem lại lợi ích thiết thực to lớn cho cả hai nước, đặc biệt góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam và là cơ sở quan trọng để triển khai chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc trong thời gian tới.
Thứ ba, Việt Nam có nhiều tiềm năng góp phần tích cực thúc đẩy phi hạt nhân hóa và xây dựng nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên – vấn đề tiếp tục trở thành mối quan tâm hàng đầu trong các chính sách đối ngoại của Hàn Quốc trong thời gian tới. Thực tế qua các vòng đàm phán 6 bên về vấn đề này từ năm 2003 đến năm 2009 cũng như các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Mỹ - Triều trong các năm 2018, 2019 cho thấy đây là vấn đề hết sức phức tạp vì liên quan đến lợi ích an ninh chiến lược, việc xây dựng lòng tin không chỉ của Triều Tiên, Hàn Quốc mà còn của các cường quốc khu vực và quốc tế. Mặc dù vậy, sự nỗ lực tự thân và quá trình xây dựng lòng tin của hai miền là rất quan trọng. Trong vấn đề này, Việt Nam có nhiều tiềm năng tích cực trong vai trò trung gian hòa giải với tư cách là một quốc gia có quan hệ thân thiện với không chỉ hai miền Triều Tiên, với Mỹ mà cả với các đối tác có lợi ích liên quan.
Với việc tiếp tục làm sâu rộng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam sẽ trở thành một trong số các đối tác kinh tế quan trọng nhất của Hàn Quốc, là cầu nối giữa Hàn Quốc và Đông Nam Á. Việt Nam không chỉ thực thi vai trò tăng cường quan hệ Hàn Quốc - ASEAN, mà còn có thể hối thúc các nước ASEAN cùng tăng cường liên lạc, từng bước thiết lập các quan hệ hợp tác với Tiều Tiên, góp phần giảm bớt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
4. Một số hàm ý chính sách
Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc ngày một sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quan hệ hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu nhân dân.
Về chính trị, tiếp tục nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc ngày một sâu rộng. Để tiếp tục củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực chính trị, an ninh, Việt Nam cần xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch theo từng giai đoạn, phù hợp với lộ trình triển khai những thỏa thuận cấp cao đạt được giữa lãnh đạo hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước lên một tầm cao mới: đối tác chiến lược toàn diện.
Về kinh tế, tiếp tục thu hút và sử dụng một cách có hiệu quả nguồn vốn FDI từ Hàn Quốc, chủ động đón làn sóng đầu tư mới của Hàn Quốc sau đại dịch COVID-19 trong điều kiện những lợi thế về giá nhân công, tiền lương, chính sách đầu tư thông thoáng… sẽ ngày càng giảm đi khi GDP đầu người Việt Nam đạt mức 4.000 USD/năm. Tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc. Hiện nay, quan hệ thương mại hai nước đang phát triển rất nhanh nhưng thâm hụt cán cân thương mại từ phía Việt Nam còn lớn. Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc hiện chiếm tới hơn 40% tổng giá trị kim ngạch thương mại của ASEAN với Hàn Quốc. Do đó, việc duy trì và phát triển hơn nữa quan hệ thương mại Việt – Hàn sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc đạt được các mục tiêu thương mại với ASEAN trong Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc (200 tỷ USD vào năm 2022). Để làm được điều đó, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới chính sách thương mại và thực hiện các giải pháp mang tính đồng bộ.
Về văn hóa - xã hội, tăng cường giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân và nâng cao hiệu quả hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc. Tận dụng những giá trị tốt đẹp của Hallyu để thúc đẩy quan hệ song phương, cũng như những kinh nghiệm rút ra từ Hallyu đối với chính sách phát triển văn hóa đại chúng, phát triển công nghiệp văn hóa nhằm gia tăng sức mạnh mềm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò trung gian hòa giải của Việt Nam trong tiến trình xây dựng nền hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong quan hệ với cả hai miền Triều Tiên hiện nay, Việt Nam có những lợi thế đặc biệt so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Với chính sách đa phương trong quan hệ quốc tế, Việt Nam thực tế đã trở thành đối tác hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược với hầu hết các cường quốc trên thế giới, nhất là các nước có liên quan đến việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Là đất nước từng bị chia cắt làm hai miền như bán đảo Triều Tiên, đã thống nhất đất nước và thực hiện công cuộc “đổi mới” với những thành quả to lớn cả về kinh tế, chính trị - an ninh, văn hóa, xã hội…, Việt Nam có tiềm năng to lớn trong việc góp phần vào quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân và xây dựng nền hòa bình bền vững hướng tới thống nhất bán đảo Triều Tiên trong tương lai. Phát huy vai trò trung gian hòa giải cũng là nhân tố thúc đẩy tích cực, làm sâu sắc và bền vững hơn quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc.
Có thể thấy, trong những thập niên vừa qua, Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng và ngày một nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế và khu vực. Xét trên những tiêu chí căn bản về tài sản chiến lược quốc gia, về tham vọng chính sách, mức độ ảnh hưởng quốc tế và sự công nhận từ các quốc gia khác, Hàn Quốc xứng đáng trở thành một cường quốc khu vực. Trong sự biến động của bối cảnh quốc tế và khu vực 5 đến 10 năm tới, Hàn Quốc được dự báo sẽ vẫn tiếp tục củng cố và phát huy ảnh hưởng quốc tế của mình, nhất là đối với khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam được coi như một trọng điểm. Nâng tầm quan đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc là phù hợp với lợi ích chiến lược của cả hai quốc gia, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng và đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] PGS.TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] Xin tham khảo thêm: Shim, David (2009), Veronica Dumitrascu (2015), Pawel Pasierbiak (2019),…
[3] The World Bank, Data, https://data.worldbank.org/ indicator/NY.GDP.MKTP.CD?locations=JP.
[4] Yonhap New Agency, “S. Korea tipped to rank 9th in 2020 global GDP rankings”, https://en.yna.co.kr/view/ AEN20200810001000320.
[5] Klaus Schwab, The Global Competitiveness Report 2019, World Economic Forum.
[6] Shim, David, A Shrimp amongst Whales? Assessing South, Korea's Regional-power Status, GIGA Working Papers, No. 107. P.14.
[7] Tỉ lệ đầu tư cho R&D/GDP năm 2019 của Pháp là 2,191%, Đức là 3,176%, Nhật Bản là 3,241%, Hoa Kỳ là 3,067% (theo số liệu của OECD, nguồn: https://data. oecd.org/rd/gross-domestic-spending-on-r-d.htm).
[8] “Countries with the highest military spending worldwide in 2020”, Statista, https://www.statista.com/ statistics/262742/countries-with-the-highest-military-spending/.
[9] Terence Roehrig, South Korea’s Counterpiracy Operations in the Gulf of Aden.
[10] 연합뉴스, 한국 경제성장률 2030년까지 하향곡선 전망제기돼, https://www.yna.co.kr/view/AKR20150411 004600071.
[11] “S. Korea to Become World’s 7th Largest Economy in 2030”, Business Korea, http://www.businesskorea.co. kr/news/articleView.html?idxno=13411.
[12] Phạm Hồng Thái (Chủ biên, 2020), Việt Nam trong Chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.