Trang chủ

Học cách sống chung với COVID-19: Một vài so sánh từ mô hình chống dịch của Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam

Đăng ngày: 13-04-2022, 09:19 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện

Cho đến 2022, khi thế giới trải qua năm thứ ba của đại dịch COVID-19, thì khả năng loại trừ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 thực sự hết sức xa vời. Nhiều quốc gia ban đầu có cách tiếp cận ứng phó dịch bệnh khác nhau đều dần dần phải thừa nhận chiến lược “Zero Covid” rất khó có thể duy trì trong khi đánh đổi kinh tế và các vấn đề xã hội quá lớn. Từ giữa năm 2021, khi biến thể Delta gây nên hàng loạt các làn sóng lây nhiễm cao vọt ở nhiều quốc gia đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tiến độ tiêm chủng được đẩy nhanh giúp xây dựng miễn dịch cộng đồng, nhiều quốc gia như Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore cho tới châu Đại dương Australia, New Zealand… đã chuyển hướng từ chiến lược loại trừ “zero COVID” sang chung sống và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Hiện tại, với đà lây nhiễm siêu tốc của biến thể Omicron với các triệu chứng phần lớn được đánh giá nhẹ hơn đã ngày càng khẳng định tính đúng đắn của lựa chọn chiến lược “sống chung an toàn với COVID-19”. Ba mô hình đặc trưng của Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam phản ánh rõ nét nhận định này.

1. Đặc điểm mô hình chống COVID-19 của Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam

1.1 Nhật Bản: Cách tiếp cận sống chung COVID-19 từ sớm

Ngay khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) và Nhật Bản ghi nhận những ca nhiễm SAR-CoV-2 đầu tiên, chính quyền cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp phòng vệ sớm như đóng cửa trường học, ban bố tình trạng khẩn cấp ở nhiều khu vực bùng nổ ca nhiễm. Tuy nhiên, nhận định từ các chuyên gia Nhật Bản khi khảo sát đặc tính virus và cơ chế lây nhiễm của SARS-CoV-2 so với virus SARS bùng nổ năm 2002-2003 cho thấy: virus SARS-CoV-2 có tỷ lệ lây nhiễm nhanh hơn và triệu chứng nhẹ hơn so với SARS, đồng thời người nhiễm bệnh có thể truyền bệnh ngay từ khi chưa có triệu chứng. Cách thức lây nhiễm của virus mới cả theo giọt bắn và những giọt nhỏ li ti lơ lửng trong không khí trong những điều kiện thông gió kém. Các nghiên cứu cũng chỉ ra chuỗi lây nhiễm hầu hết bùng phát theo cụm, thường phát sinh từ các sự kiện đông người trong không gian kín. Xác định virus tàng hình và không thể loại bỏ khỏi cộng đồng, Nhật Bản đã thực hiện cách tiếp cận làm dịu, sớm học cách sống chung với COVID-19  với chiến lược ứng phó dựa trên ba trụ cột cơ bản:

- Phát hiện sớm và ứng phó sớm theo cụm

- Tăng cường hệ thống y tế để có đủ điều kiện chăm sóc các bệnh nhân nặng phải có hệ thống thông gió riêng hay chạy ECMO.

- Hướng tới điều chỉnh hành vi người dân: khuyến khích người dân hạn chế môi trường 3Cs[1] để góp phần ngăn chặn đà lây lan và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Với chiến lược ứng phó này, Nhật Bản tập trung mạnh hai trọng điểm là thay đổi lối sống trong điều kiện bình thường mới và tiếp cận theo cụm. Đối với việc theo dõi cụm lây, các cơ sở y tế cộng đồng tập trung giám sát, rà soát, truy vết các sự kiện, khu vực có nguy cơ lây lan cao chứ không hoàn toàn tập trung theo lịch trình chi tiết của mỗi cá nhân. Trong các thời điểm bùng nổ dịch bệnh, chính phủ có thể ban bố tình trạng khẩn cấp để kìm hãm đà lây nhiễm. Cách thức chống dịch của Nhật Bản ưu tiên song hành vừa kiểm soát dịch hiệu quả vừa đảm bảo hoạt động của nền kinh tế, tránh gián đoạn, đứt gãy không đáng có và giảm thiểu các tổn thất xã hội và sinh kế người dân.

1.2. Trung Quốc: kiên định chiến lược “Zero COVID”

Là quốc gia có virus corona xuất hiện đầu tiên, đồng thời cũng là địa điểm nơi dịch bệnh hô hấp cấp tính SARS khởi phát, Bắc Kinh đã sớm thực thi các biện pháp cứng rắn “Zero COVID-19” hay nỗ lực đưa ca nhiễm về không. Để thực thi chiến lược này, Trung Quốc thực thi nguyên tắc “năm sớm” (phát hiện sớm, báo cáo sớm, điều tra sớm, cách ly sớm và điều trị sớm), triệt để cách ly tập trung cả các trường hợp nghi nhiễm, bị nhiễm và có liên quan trực tiếp để điều trị tích cực cho đến khi kết thúc thời gian theo dõi y tế. Tuy nhiên, khác với phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ khác kịp thời điều chỉnh chiến lược đối phó dịch bệnh khi mức độ bao phủ tiêm chủng đạt mức cao an toàn, Trung Quốc vẫn nhất quán chiến lược loại trừ hoàn toàn virus khỏi cộng đồng ngay khi đã đạt mức bao phủ trên 70% vào cuối tháng 7/2021. Việc theo đuổi chiến lược “Zero COVID” trước các biến thể Delta và gần đây là Omicron có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn đã gây ra nhiều thách thức cho chính Trung Quốc và thế giới. Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc khẳng định sẽ chỉ từ bỏ chiến lược này một khi nó phản ánh không hiệu quả. Theo ý kiến một số chuyên gia, Trung Quốc có khả năng điều chỉnh chính sách khi virus lây lan quá nhanh không thể kiểm soát hoặc có bằng chứng rõ ràng về một biến thể nhẹ mới không gây áp lực quá lớn cho hệ thống y tế của Trung Quốc khi từ bỏ chiến lược loại trừ hiện tại.

1.3. Việt Nam: chuyển đổi hướng tới thích ứng an toàn với dịch bệnh

Cũng giống như nhiều quốc gia châu Á khác, từ kinh nghiệm ứng phó dịch SARS trước đó, Việt Nam cũng sớm thực thi các biện pháp phòng vệ sớm và thực thi chiến lược “Zero COVID-19” triệt để từ đầu 2020. Cũng nhờ biện pháp ứng phó cứng rắn này, Việt Nam đã trở thành địa điểm an toàn với dịch bệnh và là một trong những quốc gia ít ỏi có tăng trưởng dương trong năm 2020. Dù vậy, sự xuất hiện và lan rộng của biến thể Delta đã huỷ hoại các nỗ lực chống dịch của đất nước trước đó. Sau khi thực thi giãn cách xã hội kéo dài nhưng không thể ngăn chặn biến thể Delta có mức độ lây lan nhanh hơn nhiều các chủng trước đó, Chính phủ đã kịp thời triển khai ngoại giao vaccine, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm chủng và kịp thời chuyển hướng sang chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh”. Kể từ khi chuyển sang chiến lược thích ứng, thời điểm tháng 2-3/2022 số ca nhiễm tăng vọt ở khắp các tỉnh thành Việt Nam chủ yếu do biến thể Omicron đặc biệt là “Omicron BA.2 tàng hình” xâm nhập và lây lan nhanh chóng. Dù vậy, Việt Nam cơ bản đã vượt qua đỉnh dịch vào giữa tháng 3/2022, số ca nhiễm mới đã giảm dần về mức ổn định cho thấy sự hiệu quả, đúng đắn của chiến lược mới.

2. Một vài so sánh từ ba mô hình ứng phó COVID-19

Qua ba mô hình ứng phó dịch bệnh cho thấy: Nhật Bản là quốc gia thực thi chiến lược làm dịu, tìm cách là phẳng đường cong dịch bệnh đảm bảo sức tải của hệ thống y tế và giảm thiểu tử vong do COVID-19; Trung Quốc thì triệt để chiến lược “Zero COVID-19”; còn Việt Nam ban đầu thực thi chiến lược loại trừ COVID-19 song dần chuyển sang chiến lược thích ứng khi tình hình thay đổi và chiến lược cũ không còn phù hợp. Khi so sánh số ca nhiễm và tỷ lệ tử vong thì thấy rằng, Nhật Bản và Việt Nam gần đây có thể có những đợt bùng phát lớn với số ca nhiễm tăng mạnh nhưng tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể ở mức 0,13% ở Nhật Bản và 0,02% ở Việt Nam ngày 09.04.2022 so với mức đỉnh điểm 3-5% thời kỳ trước đó. Nó cho thấy hiệu quả của vaccine cũng như mức độ gây triệu chứng nhẹ hơn của biến thể mới.

Số ca nhiễm và tử vong trên 1 triệu dân và tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam

Học cách sống chung với COVID-19: Một vài so sánh từ mô hình chống dịch của Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam

Học cách sống chung với COVID-19: Một vài so sánh từ mô hình chống dịch của Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam

Học cách sống chung với COVID-19: Một vài so sánh từ mô hình chống dịch của Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam


Nguồn: Johns Hopkins University CSSE COVID-19 Data, 26/02/2022.

Với Trung Quốc, số ca nhiễm và tỷ lệ tử vong dù rất thấp, nhưng những đánh đổi từ các đợt phong toả do Omicron bùng phát gần đây ở nhiều thành phố lớn từ Quảng Châu cho đến Thượng Hải đang gây khó khăn cho đời sống người dân và nguy cơ đứt gãy sản xuất, gián đoạn chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu. Đồng thời, tình trạng mệt mỏi với cách thức chống dịch hà khắc, tiếp cận nhu yếu phẩm khó khăn hay bị giới hạn các hoạt động cấp thiết do phong toả cũng khiến người dân có nhiều tranh luận trái chiều xung quanh cách thức ứng phó dịch bệnh. Bên cạnh các thiệt hại kinh tế-xã hội khi đóng cửa liên tục, chi phí cách ly, xét nghiệm diện rộng thường xuyên và các chi phí y tế phòng hộ khác cũng trở thành gánh nặng lớn đối với toàn hệ thống.

Ở một diễn biến khác, tại Hong Kong, việc thực thi chiến lược “Zero COVID-19” khiến người dân chủ quan không chủng ngừa đầy đủ đặc biệt với nhóm người cao tuổi. Trong khi đó, việc cách ly tất cả các trường hợp bao gồm cả F0 và các ca liên quan trong khi nguồn lực hạn chế đã khiến bệnh viện quá tải trầm trọng. Hơn nữa, có quá nhiều ca dương tính so với cơ sở vật chất có thể đáp ứng đã khiến cho hệ thống y tế không thể tập trung vào các ca nặng cần trợ giúp và khiến cho Hong Kong trở thành khu vực có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới hồi đầu tháng 3/2022.

Trong khi tình hình dịch tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp và được thế giới theo dõi sát sao do những ảnh hưởng lớn đối với kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu, thì tình hình dịch ở Nhật Bản và Việt Nam đã dịu hơn và dần trở về cuộc sống bình thường mới. Mặc dù vào thời kỳ đầu khi mới chuyển đổi sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Việt Nam còn nhiều lúng túng và thiếu thống nhất giữa cách địa phương cũng như phải đối mặt với đợt bùng phát mạnh trên toàn quốc chủ yếu do biến thể Omicron thời điểm tháng 2-3/2022, song tình hình dịch bệnh của Việt Nam cơ bản đã ổn định. Chính phủ đã dần nới lỏng toàn bộ các hoạt động dịch vụ, trường học đã được mở cửa trở lại trên toàn quốc. Ở Nhật Bản, mặc dù ca nhiễm có tăng trở lại khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, người dân tham gia các hoạt động ngắm hoa anh đào và trường học bắt đầu khai giảng, song tỷ lệ tử vong được kiểm soát ở mức rất thấp và hệ thống y tế không bị quá tải. Do đó, cách tiếp cận ứng phó làn sóng mới được tập trung hơn vào tăng tỷ lệ tiêm chủng tăng cường với người trẻ cũng như có các biện pháp bảo vệ đối với các cơ sở dưỡng lão và người cao tuổi. Do đó, để sống chung an toàn với dịch bệnh, vẫn cần thiết phải linh hoạt, có kiểm soát theo tình hình dịch bệnh song hành với tập trung vào ba mũi nhọn chính gồm: i) tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng mũi tăng cường đảm bảo miễn dịch cộng đồng; ii) cải thiện năng lực điều trị nhanh, kịp thời để tránh diễn tiến nặng và tránh quá tải hệ thống y tế; và iii) bảo vệ các nhóm đối tượng dễ tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền.

 

Phí Hồng Minh – Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á




[1] Môi trường 3Cs là: (i) các không gian kín (closed spaces), nơi đông người (crowed places), và tiếp xúc gần (close-contact).

0thảo luận