Biến đổi khí hậu với thiên tai và dịch bệnh
Bên cạnh sự hoành hành của đại dịch COVID-19 trong hai năm liên tiếp 2020-2021, thế giới đã phải chứng kiến nhiều thiên tai khốc liệt ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống con người. Có thể kể đến như mưa lũ lớn tồi tệ ở Trung Quốc và Đông Nam Á, nắng nóng kỷ lục gần đạt ngưỡng 500C ở Nam Á và châu Âu[1], hạn hán ở châu Phi, cháy rừng tàn phá hệ động thực vật và cuộc sống con người ở nhiều khu vực trên thế giới từ châu Âu, Mỹ cho tới Australia… cùng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan liên tiếp xuất hiện mà chưa từng có tiền lệ. Biến đổi khí hậu với sự nóng lên toàn cầu đã khiến khí quyển ấm lên, giữ ẩm nhiều hơn và tiếp sức cho những cơn bão mạnh hơn, mưa lớn và kéo dài hơn với hệ quả là lũ lụt, sạt đất huỷ hoại tài sản, sinh mạng và cuộc sống con người. Ở khía cạnh khác, nắng nóng và hạn hán cũng gia tăng các nguy cơ cháy rừng, tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt và hoạt động canh tác nông nghiệp của con người. Số lượng các thảm hoá liên quan đến khí hậu đã tăng gấp ba lần trong 30 năm qua. Trong giai đoạn 2006-2016, tốc độ mực nước biển dâng toàn cầu đã tăng nhanh hơn 2,5 lần so với cả thế kỷ XX. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc ước tính việc những chi phí cho việc thích ứng phó với biến đổi khí hậu và đối phó với những thiệt hại của các nước đang phát triển có thể lên đến 140-300 tỷ USD mỗi năm vào 2030[2].
Trở lại câu chuyện dịch bệnh, đã có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà đặc biệt là sự nóng lên toàn cầu có thể dẫn tới nhiều dịch bệnh lây lan hơn trong tương lai. Chẳng hạn, sự ấm lên làm thay đổi môi trường dẫn đến sự dịch chuyển của một số loài động và và đưa chúng tiếp xúc gần hơn với con người, trực tiếp hay thông qua vật nuôi và từ đó gia tăng các điều kiện cho sự lây truyền virus giữa các loài. Khí hậu thay đổi còn cho phép ký sinh trùng và vật chủ ký sinh di cư đến các khu vực khác nhau và tạo ra các mối nguy dịch bệnh mới (Andrei, 2015). Trong hơn 20 năm qua, nhiều đợt bùng phát của virus có liên quan đến sự kết hợp của cả yếu tố môi trường và con người. Điều này có thể thấy sự bùng phát trong nhiều đợt cúm A với các chủng H1N1, H7N9 đặc biệt là các loại cúm gia cầm do các loài chim hoang dã đóng vai trò vật chủ lây lan như H5N1. Ngoài ra, có thể thấy ở dịch Ebola gây nhiều đợt bùng phát ở châu Phi do một số nhóm virus thuộc chi Ebolavirus được nhiều nhà khoa học tin rằng virus xuất phát từ động vật, có thể từ dơi hoặc các loài linh trưởng lây lan sang con người. Các đợt dịch bệnh hô hấp cấp tính do các chủng virus corona như SARS (2002-2003) có nguồn gốc từ cầy hương bùng phát ở Quảng Đông, hay MERS (2011) ban đầu lây khác loài từ dơi sang lạc đà và rồi truyền sang con người xuất hiện ở khu vực Trung Đông. Không chỉ có vậy, khí hậu ấm cũng thúc đẩy hoạt động của muỗi và gia tăng nguy cơ lây lan các loại virus do muỗi truyền như virus Zika năm 2015. Một nguy cơ nữa là các loại mầm bệnh ngủ sâu dưới lớp băng dày nay có thể giải phóng trở lại vào môi trường. Một trường hợp điển hình là bào tử bệnh than bắt nguồn từ xác hươu nhiễm bệnh lộ ra ngoài lớp băng vĩnh cữu đã gây nên đợt bùng phát bệnh ở Siberia giết chết hơn 2000 con tuần lộc và khiến 93 người nhập viện[3].
Biến đổi khí hậu có sự kết hợp của cả yếu tố tự nhiên và con người, tuy nhiên con người đang góp phần lớn vào quá trình này đặc biệt là lượng khí thải carbon quá lớn do con người tạo ra đang đẩy nhanh quá trình thay đổi khí hậu và làm trái đất nóng lên. Trong khi đó, các hoạt động xâm lấn môi trường tự nhiên của con người đặc biệt ở các quốc gia thu nhập trung bình – thấp như đô thị hoá nhanh chóng, mua bán động vật hoang dã, mở rộng sản xuất nông nghiệp cũng gia tăng cơ hội phát sinh các bệnh dịch lây lan mới trong những thập kỷ tới. Có thể thấy đại dịch COVID-19 gây ra trong gần 2 năm qua đang tàn phá hệ thống y tế cùng thiệt hại kinh tế khổng lồ, mang đến những tác động tiêu cực đến cuộc sống mỗi người dân đặc biệt là tổn thương tới các nhóm yếu thế. Tuy nhiên, cách thức SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và không dễ dàng mất đi như các đợt dịch trước đó dấy lên những lo ngại về sự xuất hiện của nhiều dịch bệnh lây lan chết người tiếp tục xuất hiện với tần xuất nhiều hơn, nguy hiểm hơn trong tương lai. Những thảm họa thời gian qua đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, thiên nhiên đã quá tải với những hành động của con người và cần thiết phải có các chiến lược và kế hoạch hành động ngay kịp thời cũng như có sự chuẩn bị tốt hơn cho các rủi ro không lường tới phát sinh trong tương lai.
Những kết quả COP26 đã đạt được trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu
Kể từ lần đầu tiên tổ chức tại Berlin (Đức) năm 1995, Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP) thường niên đã trở thành diễn đàn quan trọng để các quốc gia cùng phối hợp đương đầu với biến đổi khí hậu cũng như thiết lập các cơ chế nghĩa vụ ràng buộc về pháp lý để các nước giảm phát thải carbon gây hiệu ứng nhà kính. Sau những khó khăn đại dịch COVID-19 gây ra, phục hồi kinh tế và định hướng các cải cách kinh tế hướng đến nền kinh tế bền vững, xanh, carbon thấp, thân thiện tự nhiên đang trở thành ưu tiên hàng đầu ở nhiều quốc gia. Tại hội nghị lần thứ 26 (COP26) diễn ra tại Anh ngày 1/11/2021, nhiều cam kết và các đóng góp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã được đưa ra và nhận được sự đồng thuận, nhất trí từ nhiều quốc gia tham dự.
Ngay trong những ngày đầu hội nghị, đã có 124 lãnh đạo các nước tham dự COP26 đưa ra các cam kết mạnh mẽ nhằm giảm phát thải nhà kính và công bố các đóng góp tài chính nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia ở cả châu Âu, châu Mỹ và châu Á đã chuyển các cam kết vào luật pháp, quy định và có được các kế hoạch thực thi hành động. Đáng chú ý nhất, “Tuyên bố về sử dụng rừng và đất” đã được 105 nước tham gia cùng nhất trí dừng phá huỷ rừng và khôi phục đất cho tới 2030. Theo đó, 12 quốc gia phát triển bao gồm Anh cam kết lập quỹ 12 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển khôi phục đất và chữa cháy rừng. Các hoạt động đầu tư, hỗ trợ cùng phối hợp ngăn chặn phá rừng cho canh tác nông nghiệp cũng được nhiều quốc gia, công ty tư nhân và các tổ chức tài chính quốc tế hưởng ứng mạnh mẽ với hơn 7,23 tỷ đầu tư của các công ty Anh và Pháp vào các dự án bảo hộ rừng. Nhiều sáng kiến nhằm thích ứng, giảm nhẹ phát thải đã thu hút nhiều quốc gia như cam kết giảm phát thải metan toàn cầu hay sự nhất trí thiết lập các tuyến vận tải biển “xanh” của nhiều quốc gia biển. Bên cạnh đó, nhiều đề xuất và thảo luận được đưa ra về tài trợ đối với các nước nghèo trong thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu, hỗ trợ nước nghèo tiếp cận các công nghệ xanh tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, đồng thời chỉ ra nhu cầu thiết lập các cơ chế phối hợp đa phương toàn cầu để ứng phó với các thách thức do biến đổi khí hậu gây nên. Nhiều định chế tài chính lớn đã tham gia và thể hiện sự quan tâm đối với đầu tư giảm phát thải khí nhà kính, phục vụ mục tiêu trung hoà carbon và trao đổi tín chỉ carbon.
Tuy nhiên, trong hội nghị lần này, những quốc gia lớn đứng đầu về lượng phát thải khí nhà kính gồm Trung Quốc (phát thải lớn nhất), và Nga (thứ tư) lại không tham dự hội nghị. Là 3 quốc gia đứng đầu về phát thải khí metan, song cả Trung Quốc, Nga và Ấn Độ cũng không tham gia “Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu”. Các quốc gia này cũng đưa ra những thời hạn chậm trễ hơn hay không tham gia nhiều cam kết. Cụ thể, trong khi phần lớn các nước đưa ra lộ trình đưa phát thải về “0” vào 2050, thì Ấn Độ đưa ra mốc năm 2070 chậm hơn 20 năm. Trung Quốc cam kết phát thải CO2 sẽ đạt đỉnh năm 2030 và sau đó giảm dần để đạt mục tiêu trung hoà carbon trước 2060; và tương tự Tổng thống Nga Putin trong phát biểu ngày 13/10 đưa ra tuyên bố sẽ nỗ lực trung hoà carbon trước năm 2060 – cùng mốc với Trung Quốc và Arabia Saudi.
Thêm nữa, nhiều đánh giá cho rằng các cam kết các lãnh đạo thế giới đưa ra trong COP26 dù mạnh mẽ song chưa thực sự đủ để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015 về kìm hãm mức tăng bình quân nhiệt độ trái đất dưới 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp hoá. Mặc dù các quốc gia có thống nhất về giảm nhiệt điện xong chưa đưa ra được khung thời gian cho việc cắt giảm tiến tới ngừng sử dụng loại nhiên liệu hoá thạch. Do đó, dù có nhiều tín hiệu lạc quan, nhiều thoả thuận, cam kết và đóng góp tài chính được đưa ra; song các thành quả của COP26 vẫn không được các nhà khoa học và chuyên gia môi trường đánh giá cao do chúng chưa đủ nhiều và đủ hiệu lực để đạt được mục tiêu kiểm soát tăng nhiệt trái đất dưới 1,5 độ C. Bên cạnh đó, kỳ vọng cao ở COP26 vẫn hết sức khó khăn khi mà việc tôn trọng cam kết và khả năng thực hiện chúng vẫn còn bỏ ngỏ, đồng thời tiếng nói giữa nước giàu với nước nghèo chưa hoàn toàn có được đồng thuận cao.
Cam kết của Việt Nam
Tham gia COP26, Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực với nhiều cam kết đầy quyết tâm đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải toàn cầu. Trong bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chú trọng ba thông điệp quan trọng.
Một là, xem việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển. Trong đó, khoa học phải là yếu tố dẫn dắt, nguồn lực tài chính là đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng đến kinh tế xanh, tuần hoàn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân là trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hai là, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung song có khác biệt theo hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia nhằm hướng tới mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất. Đối với Việt Nam, là một quốc gia có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thoả thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ba là, tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực có vai trò tối quan trọng để thực hiện thành công Thoả thuận Paris. Các quốc gia phát triển đã phát thải nhiều trong quá khứ để có được sự thịnh vượng hiện này cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã có và cần có các mục tiêu tham vọng hơn cho giai đoạn sau 2025[4].
Đáng chú ý nhất trong bài phát biểu là tuyên bố của Thủ tướng về đạt mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, xem đây là ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, xem như tiêu chuẩn cho mọi hoạt động của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân cần phải hướng đến. Cũng trong hội nghị này, Việt Nam cùng 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng nhiều tổ chức đưa ra cam kết giảm dần tiến tới loại bỏ điện than, một nguồn ô nhiễm và phát thải nhà kính lớn. Cam kết chính trị mạnh mẽ này được thế giới đánh giá rất cao trong đóng góp vào giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Đây là xu thế chung mà nhân loại đang hướng đến, song cũng đòi hỏi nhiều thách thức phải đối mặt, nhiều nhiệm vụ phải triển khai, nhiều kế hoạch hành động phải tiến hành và nỗ lực cùng quyết tâm phải rất cao để thực hiện hiệu quả, thành công. Tuy vậy, việc thực hiện tốt quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế theo chiều sâu, bền vững và xanh sẽ có ý nghĩa quan trọng góp phần vào chuyển dịch mô hình kinh tế hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao thành công vào năm 2030 và là nước thu nhập cao vào năm 2045.
Phí Hồng Minh
Tài liệu tham khảo
Andrei, Mihai (17/02/2015), “Climate change will cause more infectious diseases”, ZME Science.
Baker, R.E; Mahmud, A.S.; Miller, J.F.; Rasambainarivo, F; Rice, B.L.; Takahashi, S.; Tatem, A.J.; Wagner, C.E.; Wang, L.; Wesolowski, A.; & Metcalf, J.E. (2021), “Infectious disease in an era of global change”, Nature Review of Microbiology, https://doi.org/10.1038/ s41579-021-00639-z.
Epstein, P.R. (2001), “Climate change and emerging infectious diseases”, Microbes Infect. 2001; 3: 747-754.
Gratz, N. (2006), Vector- and rodent-borne diseases in Europe and North America: distribution, public health burden and control. Cambridge University Press, New York.
Lafferty, K.D. (2009), “The ecology of climate change and infectious diseases”, Ecology 90: 888-900.
Semenza, J.C. (2009), “Climate change and infectious diseases in Europe”, The LANCET 9(6), 365-375.
Thomas, M. B. (2020) “ Epidemics on the move: Climate change and infectious disease”, PLoS Biol 18(11): e3001013.
[1] “Châu Âu xác lập kỷ lục nhiệt độ cao lịch sử”, Lao động, 13/08/2021.
[2] “5 natural disasters that beg for climate action”, Oxfam International.
[3] Luhn, Alec (14/04/2019), “Thawing Siberian permafrost soil risks rise of anthrax and prehistoric diseases”, Telegraph – UK; Scutti, Susan (28/07/2016), “Russian official blame thawed carcass in anthrax outbreak”, CNN.
[4] “Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26”, Thông tấn xã Việt Nam, 01/11/2021.