Ngày 29/6/2021, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức Tọa đàm khoa học trong khuôn khổ dự án “Những thay đổi chính sách của CHDCND Triều Tiên và triển vọng quan hệ Việt Nam - Triều Tiên” do TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Triều Tiên làm chủ nhiệm, với sự tài trợ của Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc.
Tham dự buổi tọa đàm, về phía khách mời có ông Cho Hyun-woo, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Choi Jae-jin, Giám đốc Văn phòng Quỹ Giao lưu Quốc tế tại Hà Nội và 5 cán bộ của Sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội; về phía Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng phụ trách; PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, nguyên Phó Viện trưởng; PGS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Quyền Viện trưởng; TS. Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Triều Tiên; TS. Hoàng Minh Hằng, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế.
Các đại biểu tham dự tọa đàm
Do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn những tiến triển khó lường nên số người tham dự và số lượng báo cáo tại tọa đàm bị hạn chế so với dự kiến ban đầu. Có ba tham luận được trình bày tại tọa đàm.
Tham luận thứ nhất với nhan đề “Những thay đổi chính sách văn hóa xã hội gần đây của Triều Tiên và triển vọng hợp tác Việt Nam-Triều Tiên” do PGS.TS. Phạm Hồng Thái trình bày chỉ ra những thay đổi gần đây trong chính sách văn hóa - xã hội của Triều Tiên, từ các phong trào, hoạt động văn hóa nghệ thuật đến phim ảnh và từ đó đưa ra những nhận định, đánh giá về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Triều Tiên trong lĩnh vực này.
Tham luận thứ hai - “Những thuận lợi và khó khăn trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Triều Tiên hiện nay” - do PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi trình bày phân tích những thuận lợi từ mối quan hệ truyền thống được vun đắp nhiều năm giữa Việt Nam và Triều Tiên. Tuy nhiên, thuận lợi không nhiều trong khi những khó khăn trong mối quan hệ này có thể được nhận thấy rõ ràng, đó là quy mô thương mại nhỏ, mất cân bằng, hợp tác đầu tư của Việt Nam sang Triều Tiên còn hạn chế, chủ yếu là quan hệ một chiều và các giao thương chủ yếu thông qua Trung Quốc, chưa có đường bay thẳng. Các quy định cấm vận quốc tế cùng những vấn đề liên quan đến hạt nhân và hòa bình cũng phần nào ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Triều Tiên.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tham luận thứ ba - “Những thay đổi chính sách của Triều Tiên và triển vọng hợp tác Việt Nam-Triều Tiên” - do TS. Nguyễn Thị Thắm trình bày tổng kết những thay đổi chính sách gần đây của Triều Tiên trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị… và đánh giá triển vọng hợp tác trong thời gian tới giữa Việt Nam và Triều Tiên trên một số lĩnh vực. Trong đó, thay đổi chính sách nổi bật nhất của Triều Tiên trong gần 10 năm qua là chuyển từ chính sách Song tiến sang chính sách Tập trung tổng lực xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa với nhiều nỗ lực cải thiện phương pháp quản lí kinh tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại... Từ ưu tiên cho quân đội, chính sách của Triều Tiên đang hướng tới ưu tiên cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
Sau phần trình bày tham luận của các báo cáo viên, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều bình luận và góp ý có giá trị khoa học. Ông Cho Hyun-woo, Phó Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cảm ơn phần trình bày của các báo cáo viên cũng như những trao đổi thẳng thắn trên tinh thần khoa học và quan điểm cá nhân của các nhà khoa học. Ông Choi Jae-jin, Giám đốc Văn phòng Quỹ Giao lưu Quốc tế tại Hà Nội đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của chủ nhiệm dự án cùng các kết quả, kiến nghị mà dự án mang lại.
Phó Đại sứ Cho Hyun-woo phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu tổng kết tọa đàm, thay mặt Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, PGS.TS. Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á gửi lời cảm ơn sự hợp tác của Đại sứ quán Hàn Quốc, sự hỗ trợ của Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc trong thời gian qua, cảm ơn sự tham dự của các vị khách quý; mong muốn mối quan hệ hợp tác trong nghiên cứu Hàn Quốc giữa Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục được quan tâm hơn nữa./.
Lê Hồng Hạnh