Ngày 27/3/2018, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức buổi thuyết trình khoa học với chủ đề “Sản xuất và tiêu thụ sữa ở Nhật Bản” do nhà nghiên cứu Koichiroh Satoh, giảng viên Đại học Senshu (Nhật Bản) trình bày. Buổi thuyết trình được tổ chức nhân dịp nhà nghiên cứu Koichiroh Satoh sắp kết thúc 1 năm làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Phần thuyết trình của nhà nghiên cứu Koichiroh Satoh tập trung vào một số nội dung chính: (1) Định nghĩa về “sữa” và các “sản phẩm sữa” ở Nhật Bản; (2) Sự khác biệt giữa “sữa” Nhật Bản và “sữa” Việt Nam; (3) Xu hướng sản xuất sữa ở Nhật Bản (dựa trên khía cạnh sản lượng và kinh doanh); (4) Xu hướng tiêu thụ sữa ở Nhật Bản.
GS. Koichiroh Satoh tại buổi thuyết trình
Tại Nhật Bản, pháp lệnh về sữa đã có từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, song ở Việt Nam, chính phủ mới ban hành quy chuẩn về sữa dạng lỏng từ tháng 3/2017. Sữa và sản phẩm từ sữa ở Nhật Bản tuy có chủng loại đa dạng hơn Việt Nam nhưng trái với Việt Nam, sản lượng sữa và tiêu thụ sữa ở Nhật Bản ngày một giảm. Theo nhà nghiên cứu Koichiroh Satoh, nguyên nhân chính của việc giảm sản lượng sữa ở Nhật Bản xuất phát từ số lượng hộ chăn nuôi gia súc tại các vùng nông thôn Nhật Bản giảm mạnh do vấn đề già hóa dân số, tuổi trung bình của nông dân cao, thiếu thế hệ kế cận, trong khi việc trồng trọt, chăn nuôi đòi hỏi nhiều nhân lực. Hơn nữa việc chăn nuôi gia súc vất vả và giá thành đầu ra của sản phẩm sữa rất thấp nên người nông dân không thiết tha với công việc chăn nuôi như trước. Trong vòng 20 năm từ 1996 đến 2016, số hộ nông nghiệp ở Nhật Bản đã giảm gần 60%, ngay ở vùng nông nghiệp quy mô lớn là Hokkaido, số hộ nông nghiệp cũng giảm tới 40%. Ngoài khu vực Hokkaido còn duy trì được các trang trại chăn nuôi gia súc lớn và số đầu gia súc ở mức khá có sản lượng sữa tăng hơn 10% trong thời gian trên, còn tại các vùng khác trong cả nước Nhật, số trang trại chăn nuôi gia súc và số đầu gia súc giảm mạnh dẫn đến sản lượng sữa giảm 14,4% trong 20 năm. Tuy số hộ chăn nuôi gia súc giảm mạnh song nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong chăn nuôi, quy mô chăn nuôi ngày một lớn, số đầu gia súc ở mỗi hộ chăn nuôi lại có xu hướng tăng hơn. Mặt khác, lượng sữa tiêu thụ ở Nhật Bản giảm ngoài lý do tồn tại nhiều loại đồ uống ngoài sữa hấp dẫn người Nhật hơn, còn do tỷ lệ sinh giảm dẫn đến mức tiêu thụ sữa hàng năm trên đầu người giảm. Theo số liệu năm 2016, lượng sữa cung cấp cho trường học ở Nhật Bản trong 20 năm (1996-2016) giảm 20%.
Buổi thuyết trình đã thành công tốt đẹp, nối tiếp chuỗi giao lưu học thuật giữa Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á nói riêng, học giả Việt Nam nói chung với các nhà khoa học Nhật Bản, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản./.
Phương Hoa