Tác giả: Quí Lâm tuyển chọn
Nhà xuất bản Hồng Đức, 2016, 419 trang
Kí hiệu: Vt 533
Biên giới quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền biển đảo, lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, các lực lượng vũ trang các cấp, các ngành, mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới. Để kịp thời cung cấp những thông tin liên quan đến chủ đề biển đảo, lãnh thổ biên giới quốc gia, trên cơ sở tổng hợp các văn bản pháp luật và các tài liệu đã được phổ biến trên các phương tiện truyền thông, Trung tâm Giới thiệu sách Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản cuốn sách “Chủ quyền biển đảo và biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tiến tới vì hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển”. Cuốn sách có bố cục 4 phần với những nội dung chính như sau:
Phần 1: Luật Biển Việt Nam và phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Phần này giới thiệu Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; Hướng dẫn số 7210/HD-BQP ngày 13/8/2015 của Bộ Quốc phòng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Phần 2: Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trong đó trình bày nội dung tuyên truyền về Công ước Luật Biển 1982; Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông bản tiếng Việt và bản tiếng Anh.
Phần 3: Tìm hiểu lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phần này phân tích 5 vấn đề bao gồm: lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa; chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa qua các nguồn thư tịch; chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa từ các chứng cứ lịch sử; cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; và những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ giữa Việt Nam và các nước láng giềng.
Phần 4: Công tác tuyên truyền kết quả phân giới cắm mốc biên giới đất liên Việt Nam - Trung Quốc. Phần này giới thiệu về Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 18/11/2009; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 18/11/2009; Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liên Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 18/11/2009.
Cuốn sách cung cấp nguồn thông tin vô cùng hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về chủ quyền biển đảo và biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để khẳng định chủ quyền của Việt Nam mà mọi người dân nước ta cần nắm vững.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!
Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á