Tác giả: TS. Dương Minh Tuấn chủ biên
Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, 250 trang
Kí hiệu: Vv2681
Trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau khủng hoảng tài chính Châu Á đến nay, toàn cầu hóa và khu vực hóa ngày càng trở thành một xu hướng nổi trội, diễn ra một cách sôi động và mạnh mẽ với nhiều cấp độ và phạm vi khác nhau. Trong xu hướng đó, liên kết và hội nhập kinh tế khu vực Đông Á, cụ thể là Cộng đồng Đông Á mặc dù được hình thành sau so với một số tổ chức kinh tế khu vực khác như EU, NAFTA nhưng cũng đang có những tiến triển hết sức khả quan và thu hút được sự quan tâm, chú ý và tham gia của các nước trong khu vực. Tuy nhiên với những khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, về thể chế, về cơ cấu tổ chức chính trị, vị thế, ảnh hưởng trong các quan hệ quốc tế cũng như trong an ninh, quốc phòng nên giữa các nước và vùng lãnh thổ Đông Á, cụ thể là các nước Đông Bắc Á cũng có những chủ thuyết, quan điểm, đối sách khác nhau về hình thức liên kết này. Sự khác biệt trên cũng dẫn đến những khác biệt trong các phương thức, mức độ và phạm vi tham gia cũng như những tác động của sự tham gia đó đối với toàn khu vực và với từng nước khác. Chính vì vậy cuốn sách “Quan điểm và đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á về triển vọng hình thành mô hình Cộng đồng Đông Á” sẽ hướng đến việc phân tích, lãm rõ các quan điểm, đối sách của các nước trong khu vực, cụ thể là của các nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á, vốn có vị thế và ảnh hưởng lớn trên thế giới và khu vực, là những vấn đề có ý nghĩa hết sức cấp thiết và quan trọng, đặc biệt đối với Việt Nam trong việc xác định đường hướng, phương thức tham gia một cách thích hợp và có hiệu quả vào liên kết, hội nhập khu vực, cụ thể là Cộng đồng Đông Á trong bối cảnh mới hiện nay.
Nội dung của cuốn sách gồm 3 chương như sau:
Chương 1: Tổng quan về liên kết và hội nhập quốc tế Đông Á trong những năm gần đây. Trong chương này, các tác giả làm rõ ba vấn đề chính. Thứ nhất, tính tất yếu và các nhân tố tác động đến sự hình thành Cộng đồng Đông Á, cụ thể là triển vọng không chắc chắn của vòng đàm phán Doha; Tác động của khủng hoảng tài chính và kinh tế quốc tế; Tất yếu từ tiến trình hợp tác của khu vực; Và sự gia tăng các FTA song phương và đa phương. Thứ hai, những đặc trưng chủ yếu và các thách thức đặt ra đối với Cộng đồng Đông Á. Thứ ba, thực trạng liên kết và hợp tác Đông Á.
Chương 2: Những quan điểm và đối sách chủ yếu của các nước Đông Bắc Á về triển vọng hình thành Cộng đồng Đông Á. Ở đây, các tác giả tập trung phân tích hai vấn đề. Một là các lý thuyết chủ yếu của liên kết và hợp tác khu vực nói chung, trong đó đề cập đến chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa kiến tạo, chủ nghĩa chức năng mới, chủ nghĩa khu vực mới - sự phát triển mới về lý luận, con đường ASEAN. Hai là quan điểm và đối sách của các nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á, cụ thể là quan điểm của Nhật Bản, quan điểm và đối sách của Trung Quốc, quan điểm của Hàn Quốc, quan điểm và đối sách của Đài Loan. Bên cạnh đó, tác giả cũng đi sâu phân tích những ảnh hưởng của các đối sách của các nước Đông Bắc Á đối với Mỹ và quan điểm, đối sách của Mỹ đối với Cộng đồng Đông Á.
Chương 3: Phương hướng hình thành Cộng đồng Đông Á và các tác động đối với thế giới, khu vực và Việt Nam. Trong phần này, các tác giả đi sâu phân tích về những mô hình, con đường chủ yếu và tiến trình hình thành Cộng đồng Đông Á thông qua việc khảo sát các tiến trình và các phương án hình thành dựa trên cách tiếp cận mô hình và các kịch bản, tiến trình hình thành Cộng đồng Đông Á theo các mô hình trên. Từ đó các tác giả đưa ra dự báo những tác động của sự hình thành Cộng đồng Đông Á, trong đó một số dự báo tác động của các kịch bản FTA đối với khu vực và tác động đối với Việt Nam. Đồng thời các tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị và hàm ý chính sách đối với Việt Nam, cụ thể là tư duy chính sách thương mại mới và xây dựng chiến lược FTA tổng thể cho giai đoạn 2011-2020.
Cộng đồng Đông Á là một trong những chủ đề được các nhà nghiên cứu, học giả và các nhà hoạch định chính sách trong nước hết sức quan tâm nghiên cứu và khảo sát. Cuốn sách với những nội dung đã được đề cập ở trên sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc.
Thực hiện: Hà Hậu
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á