Tại Nhật Bản, hoạt động xúc tiến du lịch do Cục Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) tổ chức thực hiện. Để thu hút khách du lịch quốc tế, JNTO đã có những kế hoạch định hướng rất cụ thể. Bài viết này đề cập đến những đặc điểm của hiện trạng hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của Nhật Bản trong thời gian qua và những định hướng của hoạt động này trong thời gian tới để thu hút khách du lịch quốc tế.
1. Các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của Nhật Bản trong những năm qua
Qua nhiều năm nhằm đạt mục tiêu năm 2005 đón 7 triệu khách du lịch và năm 2010 đón 10 triệu khách du lịch quốc tế theo tinh thần của kế hoạch hàng động thu hút khách du lịch của Chính phủ Nhật Bản (Welcome Plan 21), một số hoạt động cần thiết đã được triển khai sâu rộng.
1.1. Chuẩn bị, phát triển sản phẩm để xúc tiến quảng bá du lịch
Để thực hiện mục tiêu thu hút khách, ngay từ năm 1999, 9 tuyến điểm du lịch đã được khảo sát, thiết lập để xúc tiến khách du lịch trên cơ sở liên kết các vùng miền của Nhật Bản. Các tuyến điểm này với quy mô lớn mang tầm quốc tế đã được tổ chức xúc tiến ở nhiều tỉnh thành phố. Các thị trường gửi khách đến Nhật Bản được tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng và cập nhật thông tin thường xuyên. Mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có những cách thức tổ chức xúc tiến quảng bá du lịch phù hợp.
Bên cạnh đó, việc cử các đoàn cán bộ thực hiện các chương trình xúc tiến du lịch thu hút khách du lịch được thực hiện thường xuyên hướng tới các thị trường trọng điểm của Nhật Bản. Các hoạt động này không chỉ do các cơ quan chịu trách nhiệm của chính phủ như JNTO mà do cả những chủ thể đại diện cho các tỉnh thành phố ở Nhật Bản, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn thực hiện. Việc này thể hiện tính xã hội hóa cao trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.
12. Tổ chức xúc tiến quảng bá du lịch sâu và rộng
Nhật Bản tham gia hầu hết các hội chợ quốc tế về du lịch như: ITE Hồng Kông (Trung Quốc), KOTFA Hàn Quốc, ITF Đài Loan (Trung Quốc), NASTAS TRAVEL Singapore, WTM Anh, FITUR Tây Ban Nha, BIT Italia, IBT Đức, ASTA Pháp..., qua các hội chợ này, khách tham quan được cung cấp thông tin đa dạng về du lịch Nhật Bản
JNTO thiết lập mối quan hệ với nhiều cơ quan báo chí, truyền hình ở nước ngoài, hợp tác trong tổ chức tuyên truyền quảng bá du lịch Nhật Bản. Việc hợp tác này thể hiện trên các mặt sau đây: Một loạt các chương trình phim tư liệu có sự tham gia của các ký giả người nước ngoài, các bài ký sự giới thiệu về tiềm năng du lịch Nhật Bản được đăng tải trên các tạp chí, báo, nhiều bài phóng sự về du lịch Nhật Bản được đăng tải trên các chương trình truyền hình của các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Quốc (kể cả Hồng Kông và Đài Loan), nhiều sách hướng dẫn (guide book) cũng được liên kết và hợp tác để xuất bản: Hợp tác với Mỹ xuất bản sách hướng dẫn “Frommers”, “AA Explorer”, “Fordor” và “Berlizt”; hợp tác với Anh trong xuất bản “Rough Guide”, “Lonely Planet”.
Trong quá trình này, JNTO cung cấp các tư liệu và thông tin chính thống, phối hợp trong việc chụp ảnh, lấy tài liệu và tổ chức các đợt tham quan thực tế lấy số liệu của các nhà xuất bản của đối tác. Ngoài hợp tác với nước ngoài, JNTO còn xuất bản nhiều ấn phẩm: Your guide to Japan (tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, tiếng Trung Quốc phồn thể và giản thể, tiếng Triều Tiên, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha), Japan Images & Reflections (tiếng Anh, tiếng Pháp), Your Traveling Companion (tiếng Anh, tiếng Trung Quốc phồn thể, tiếng Triều Tiên), Giới thiệu về các địa phương: Tokyo, Kyoto, Nara, Fuji, Hakone, Kamakura, Nikko, Osaka, Kobe... nhiều bản đồ: Map of Japan, Map of Tokyo, Map of Kyoto Nara; Giới thiệu về hệ thống khách sạn, thời gian biểu hệ thống tàu điện: Hotels in Japan, Japan Ryokan Guide, Railway Timetable, và đặc biệt là các mẫu câu tiếng Nhật thông dụng cho khách du lịch: Tourist’s Language Handbook; ngoài ra JNTO còn xuất bản Travel manual và nhiều loại pa - nô áp phích (poster) khác.
Bên cạnh đó, JNTO còn hợp tác với Cục truyền hình Hàn Quốc (KBS) trong việc tổ chức thực hiện việc cung cấp nội dung cho chương trình du lịch qua màn ảnh mang tên “Thế giới rộng lớn”, đồng thời cũng đã phối hợp với tờ Tin tức tổng hợp hàng ngày của Đài Loan để đăng tải các thông tin du lịch Nhật Bản.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông thông qua các văn phòng đại diện ở nước ngoài cũng đã được Nhật Bản quan tâm. Cho đến nay, Nhật Bản đã tổ chức thành lập 15 chi nhánh của JNTO ở các thị trường trọng điểm là thành phố lớn của các quốc gia và vùng lãnh thổ: Seoul, Bắc Kinh, Hồng Kông, Đài Bắc, Băng Cốc, Sydney, Luân Đôn, Paris, Frankfurt, New York, Chicago, San Fransisco, Los Angeles, Toronto và Sao Paulo. Nhật Bản tập trung khai thác mạnh thị trường Mỹ, thị trường Trung Quốc, đã đưa các thị trường này trở thành thị trường trọng điểm tập trung khai thác.
Internet cũng được khai thác một cách triệt để trong việc cung cấp thông tin thu hút khách du lịch. JNTO đã xây dựng chuyên mục: Japan Travel Update, cập nhật thường xuyên các thông tin du lịch.
Ngoài các hoạt động trên đây, JNTO còn tổ chức nhiều buổi tọa đàm hoặc hội thảo thu hút khách du lịch trên cơ sở mời các doanh nghiệp đối tác nước ngoài. Các hoạt động này được tổ chức tại Nhật Bản hoặc tại các quốc gia được coi là thị trường trọng điểm. Hơn nữa, JNTO còn tổ chức nhiều chuyến Fam trip cho các doanh nghiệp đối tác và các hãng báo chí, truyền hình của nước ngoài.
1.3. Sử dụng yếu tố văn hóa ẩm thực để thu hút khách du lịch
Bên cạnh các yếu tố khác, Nhật Bản cũng rất coi trọng văn hóa ẩm thực. Chính vì vậy, JNTO đã tổ chức nhiều hoạt động để giới thiệu các món ăn tiêu biểu của Nhật Bản hướng tới các thị trường trọng điểm để thu hút khách quốc tế.
Các món ăn tiêu biểu được phân chia theo 3 cấp độ, quốc gia, vùng - khu vực và địa phương. Món ăn truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản theo cấp độ quốc gia gồm Shushi và Sashimi, được làm từ nguyên liệu hải sản. Món ăn này thể hiện tính đặc sắc trong ẩm thực Nhật Bản. Người Nhật Bản rất tự hào về các món ăn này. Năm 2005, Nhật Bản đã phát động hoạt động xúc tiến và phổ biến hơn nữa các món ăn này và đưa chúng trở thành các món ăn được cả thế giới biết đến thông qua sự hợp tác của các nhà hàng Nhật Bản tại các quốc gia trên thế giới. Hành động này không chỉ nhằm mục tiêu thu hút khách mà còn là mục tiêu phổ biến văn hóa của Nhật Bản trên góc độ toàn cầu. Như vậy, kết hợp với việc phổ biến văn hóa, Nhật Bản đã sử dụng các món ăn tiêu biểu để thu hút khách thông qua hệ thống các nhà hàng tại nước ngoài.
Ngoài ra, internet là một kênh cung cấp thông tin về các món ăn tiêu biểu một cách hữu hiệu. Mỗi địa phương đều có một món ăn tiêu biểu đại diện cho địa phương được đưa lên trang thông tin điện tử giới thiệu về món ăn của JNTO, các món ăn này được giới thiệu về nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa.... cách thưởng thức. Bên cạnh đó, trang thông tin điện tử này còn giới thiệu cách ăn, uống và giới thiệu các thể loại nhà hàng để khách du lịch tham khảo và lựa chọn.
Tại các Hội chợ xúc tiến, JNTO cũng tổ chức các hoạt động giới thiệu về văn hóa ẩm thực như trà đạo và các món ăn đặc sắc mang đậm nét truyền thống dân tộc như Shushi và Sashimi để khách du lịch tiềm năng tham quan và thưởng thức, tăng sức hấp dẫn tại các lễ hội văn hóa, hay tuần lễ giao lưu văn hóa tại nước ngoài.
Bên cạnh đó JNTO cũng tổ chức chụp ảnh, sản xuất các clip, các phim tư liệu phóng sự giới thiệu với khách du lịch tiềm năng tại các thị trường trọng điểm về các loại món ăn truyền thống Nhật Bản.
2. Định hướng trong hoạt động xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế của Nhật Bản
Định hướng thứ nhất: Xác định tầm nhìn và mục tiêu dài hạn. Xác định được tầm nhìn về phát triển của tài nguyên du lịch, thị trường du lịch, xác định được mục tiêu có thể đạt được trong một thời điểm xác định. Đồng thời để đạt được mục tiêu đó, cần có những điều kiện nhất định.
Định hướng thứ hai: Quan tâm đến hiệu quả. Việc tổ chức xúc tiến cần nhìn nhận đến hiệu quả đạt được và mục tiêu cuối cùng là thu hút được nhiều khách quốc tế. Hoạt động xúc tiến quảng bá cần được đánh giá để điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu xúc tiến du lịch đối với từng thời kỳ.
Định hướng thứ ba: Tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm. Đầu tư phát triển sản phẩm được quan tâm ở hai mặt phát triển sản phẩm và đầu tư về con người. Khai thác, duy trì tài nguyên, phát triển các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch mới.
Định hướng thứ tư: Tăng cường thể chế trong xúc tiến du lịch. Một biểu hiện cơ bản và quan trọng trong hoạt động này là việc sử dụng nhân viên của các văn phòng đại diện ở nước ngoài là người bản xứ. Việc sử dụng nhân viên là người nước ngoài đã tạo ra hiệu quả lớn trong việc tiếp cận và cung cấp những thông tin phù hợp với sở thích, nhu cầu của các đối tượng khách.
Định hướng thứ năm: Xã hội hóa hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Đây là một phương châm mà các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của Nhật Bản tổ chức thực hiện, Điều này đòi hỏi hoạt động thu hút khách không chỉ được tiến hành và quan tâm chỉ bởi các nhà quản lý, các doanh nghiệp lớn mà việc tham gia của người dân từ khắp nơi trên đất nước cũng cần thiết và đóng góp cho việc thu hút khách du lịch. Việc đóng góp của người dân thể hiện ở việc nâng cao chất lượng sản phẩm, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử du lịch.
Định hướng thứ sáu: Phối hợp liên ngành trong xúc tiến du lịch. Phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với các hiệp hội du lịch, với các hãng hàng không, các hiệp hội hữu nghị, đại diện các cơ quan thương mại tại nước ngoài... trong các hoạt động xúc tiến du lịch được quan tâm và triển khai một cách triệt để.
*
* *
Nhật Bản có những mục tiêu cụ thể trong hoạt động thu hút khách du lịch. Để đạt được những mục tiêu này, các cơ quan xúc tiến du lịch của Nhật Bản đã nghiên cứu rất kỹ về thị trường, trên cơ sở đó có những định hướng rất cụ thể trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá. Các hoạt động xúc tiến du lịch được thực hiện một cách có kế hoạch, trên cơ sở xác định các thị trường trọng điểm, với nội dung phù hợp. Điểm đáng lưu ý là việc xúc tiến du lịch ở Nhật Bản được xã hội hóa trên cơ sở vững chắc huy động được nhiều thành phần trong xã hội tham gia. Đây sẽ là những cơ sở để Nhật Bản có thể phấn đấu đạt được mục tiêu của mình.
LÊ ANH TUẤN
(TS, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. ASEAN-JAPAN CENTRE (2002): 2002 ASEAN - JAPAN – Statistical Pocketbook –
2. 国際観光振興会 (2000): マーケティング・マニュアル-訪日旅行者誘致のためのハンドブック-
3. 国際観光振興会 (2000): 国際観光白書‐世界と日本の国際観光交流の動向‐
5. www.asean.or.jp/ja/asean/know/statistics