Trần Thị Hải Yến1
Tóm tắt: Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất vào tháng 9 năm 2021 từ diễn đàn cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thu hút sự chú ý của thế giới đến các vấn đề phát triển và tăng cường hợp tác giữa các nước đang phát triển trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra. Tháng 4 năm 2022, khi phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) nhằm đối phó với các xung đột và thách thức an ninh ngày càng gia tăng trên thế giới. Ngay sau kỳ họp Lưỡng hội của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục đưa ra Sáng kiến Văn minh toàn cầu. Đây là sáng kiến toàn cầu thứ ba mà Trung Quốc chủ động đưa ra trong vòng 3 năm qua. Điều này như một sự khẳng định rõ ràng hơn nữa kỳ vọng của Trung Quốc trong vai trò dẫn dắt và định hình luật chơi hiện nay. Bài viết phân tích bối cảnh ra đời và nội hàm sáng kiến, từ đó đưa ra những đánh giá về mục đích của Trung Quốc trong việc đề xuất Sáng kiến văn minh toàn cầu.
Từ khóa: Sáng kiến văn minh, Trung Quốc, Tập Cận Bình
S |
áng kiến Văn minh toàn cầu chính thức được Tổng Bí thư Tập Cận Bình công bố vào ngày 15 tháng 3 trong cuộc đối thoại cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc với các đảng chính trị trên thế giới. Tại cuộc gặp này, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng với tựa đề “Cùng nhau đi trên con đường hiện đại hóa”, như một lời kêu gọi về thúc đẩy sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại thông qua lòng khoan dung và học hỏi lẫn nhau, đóng góp các giải pháp của Trung Quốc để thúc đẩy hợp tác quốc tế ở mức độ cao hơn.
1. Bối cảnh ra đời của Sáng kiến Văn minh toàn cầu
Thứ nhất, Trung Quốc tổ chức thành công kỳ họp Lưỡng hội với sự tại nhiệm lịch sử của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Kỳ họp Lưỡng hội của Trung Quốc năm 2023 đã diễn ra trong 10 ngày, từ ngày 4 đến ngày 13 tháng 3. Đây là kì họp lưỡng hội đầu tiên sau khi Trung Quốc gỡ bỏ hoàn toàn chính sách Zero-Covid đồng thời là kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm mới của Chính phủ Trung Quốc sau Đại hội XX. Đây cũng là kỳ họp đánh dấu sự phá vỡ nguyên tắc từ khi thành lập nước của Trung Quốc, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã trở thành nhân vật lịch sử khi bước vào nhiệm kì thứ 3 ở cả 3 vị trí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Điều này khẳng định sự thành công trong việc củng cố quyền lực của cá nhân lãnh đạo Tập Cận Bình. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều điều chỉnh, cũng như chứng kiến quá trình làm mới toàn diện cho nhân sự cấp cao của Trung Quốc và những điều chỉnh trong cơ cấu và chính sách quốc gia của nước này. Việc củng cố thành công quyền lực ở trong nước cũng tạo điều kiện cho Trung Quốc, mà cá nhân là Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tự tin khẳng định vai trò của Trung Quốc trong các mối quan hệ quốc tế.
Thứ hai, chính trị quốc tế đang chứng kiến sự phân cực ngày một mạnh mẽ với sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong cuộc họp chính trị trước thềm Lưỡng hội, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công khai chỉ trích trực tiếp Mỹ với lời lẽ tương đối gay gắt. Điều này đã khẳng định lập trường ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ. Tập Cận Bình đã khẳng định rằng “các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã ngăn chặn và đàn áp chúng ta một cách toàn diện, điều này đã mang đến những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của chúng ta”[2]. Ngay sau đó, hiệp ước an ninh AUKUS nâng cao giữa Mỹ, Anh và Australia đã chính thức được kí kết. Chương trình tàu ngầm hạt nhân của Australia trị giá 368 tỷ USD được tiến hành trong ba thập kỷ tới là trọng tâm của hiệp ước nâng cao này. Trong đó, Chính phủ Australia sẽ nhận ba chiếc tàu ngầm lớp Virginia có khả năng đã qua sử dụng vào đầu thập kỷ tới và một chiếc sẽ được chế tạo hoàn toàn mới, được gọi là SSN-AUKUS. Chiếc tàu ngầm này sẽ được vận hành bởi cả Anh và Australia, sử dụng các hệ thống chiến đấu của Mỹ. Chiếc cuối cùng sẽ được chế tạo từ đầu những năm 2040 đến cuối những năm 2050. Như vậy, sẽ có 5 tàu ngầm SSN-AUKUS được chuyển giao cho Hải quân Hoàng gia Australia vào giữa những năm 2050[3]. Hiệp ước được ký kết đã tạo thêm những áp lực về an ninh đối với Trung Quốc và đặt quốc gia này vào tâm thế phòng thủ ở ngay khu vực Thái Bình Dương - khu vực mà nước này luôn muốn có được quyền kiểm soát mạnh mẽ.
Thứ ba, Trung Quốc vừa có được thành công ngoại giao nhờ vào những tính toán chủ động của quốc gia này. Đầu tháng 3 năm 2023, Trung Quốc đã thực hiện thành công một nhiệm vụ ngoại giao khi đóng vai trò là quốc gia trung gian hòa giải và khôi phục quan hệ giữa Iran và Ả Rập Saudi. Trong bối cảnh Mỹ rút lui khỏi Trung Đông, thỏa thuận này được đánh giá như một chiến thắng ngoại giao cho Trung Quốc khi nước này ngày càng tìm cách đưa ra một tầm nhìn thay thế cho trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Một số quan điểm cho rằng vị thế của Trung Quốc như một cường quốc thứ cấp cho phép họ thực hiện một cách tự do trên chiếc ô an ninh của Mỹ mà không phải chịu chi phí an ninh tương tự và không phải đối mặt với những tình huống chiến lược khó xử chiến lược[4]. Điều này cho thấy Trung Quốc đang thay đổi cách tiếp cận của mình để thể hiện trách nhiệm cường quốc toàn cầu. Thay vì hoàn toàn chú trọng vào ngoại giao kinh tế như giai đoạn trước, Trung Quốc đã nỗ lực sử dụng vị thế mới của mình để đóng vai trò tích cực trong các vấn đề toàn cầu, trong đó có đàm phán giải quyết xung đột. Điều này vô hình trung sẽ tạo ra một bức tranh so sánh giữa vai trò của Trung Quốc và vai trò của Mỹ trong quản trị toàn cầu.
Như vậy, với những sự kiện diễn ra trước khi Sáng kiến Văn minh toàn cầu được đề xuất, có thể thấy, Trung Quốc về cơ bản đang có những động lực để nỗ lực khẳng định giá trị quốc gia cũng như vị thế cường quốc toàn cầu trong quá trình thực hiện những tham vọng của mình. Áp lực từ Mỹ và các đồng minh cùng với những thay đổi trong tình hình chính trị trong nước và những điều chỉnh về phương thức ngoại giao của nước này đều góp phần để Trung Quốc tự tin hơn trong việc đề xuất một sáng kiến toàn cầu thứ ba đối với sự phát triển của nhân loại.
2. Nội hàm Sáng kiến Văn minh toàn cầu
Trong cuộc đối thoại cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc với các đảng chính trị trên thế giới, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt đầu bài phát biểu của mình bằng cách đặt ra một số câu hỏi liên quan đến con đường hướng tới hiện đại hóa mà Trung Quốc cũng như các quốc gia khác có thể thực hiện. Nhà lãnh đạo này đã đặt vấn đề: “Phân cực hay thịnh vượng chung? Theo đuổi vật chất thuần túy hay tiến bộ vật chất và văn hóa -đạo đức phối hợp? Tháo ao bắt cá hay tạo sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên? Trò chơi có tổng bằng không hay hợp tác đôi bên cùng có lợi? Sao chép mô hình phát triển của nước khác hay đạt được sự phát triển độc lập trong điều kiện quốc gia? Chúng ta cần loại hình hiện đại hóa nào và làm thế nào để đạt được điều đó?”[5]. Để trả lời cho các câu hỏi trên, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra 4 nội dung chính cho Sáng kiến Văn minh toàn cầu của mình: (1) cùng nhau ủng hộ, tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh trên thế giới, tuân thủ bình đẳng, học hỏi lẫn nhau, đối thoại và khoan dung giữa các nền văn minh và sử dụng giao lưu giữa các nền văn minh để vượt qua rào cản giữa các nền văn minh; (2) cùng nhau ủng hộ và thực hiện các giá trị chung của toàn nhân loại. Hòa bình, phát triển, công bằng, công lý, dân chủ và tự do là mục tiêu chung của nhân dân các nước, không tham gia vào cuộc đối đầu về ý thức hệ; (3) cùng nhau ủng hộ tầm quan trọng của kế thừa và đổi mới văn minh, khai thác triệt để giá trị của thời đại trong lịch sử và văn hóa của các quốc gia, đồng thời thúc đẩy sự chuyển đổi sáng tạo và phát triển sáng tạo của các nền văn hóa truyền thống xuất sắc ở các quốc gia trong quá trình hiện đại hóa; (4) cùng nhau ủng hộ việc tăng cường giao lưu và hợp tác giữa người với người, khám phá việc thiết lập mạng lưới hợp tác và đối thoại văn minh toàn cầu, làm phong phú nội dung trao đổi, mở rộng các kênh hợp tác, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa mọi người, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của nền văn minh nhân loại[6].
Sự diễn giải của Chủ tịch Tập Cận Bình cho những câu hỏi trên là rất đa dạng nhưng có thể thấy đều tập trung vào một số nguyên tắc sau: Thứ nhất, hiện đại hóa và tiến bộ phải lấy con người làm trung tâm, có nghĩa là “nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, là nền tảng và lực lượng mạnh nhất để thúc đẩy hiện đại hóa” và cũng có nghĩa là “mục tiêu cuối cùng của hiện đại hóa là con người được tự do và phát triển toàn diện. Thứ hai, không được bỏ qua khía cạnh văn hóa và văn minh của quá trình hiện đại hóa. Tập Cận Bình cho rằng hiện đại hóa không chỉ là những chỉ số, con số thống kê trên giấy tờ mà hơn thế nữa là mang lại cuộc sống hạnh phúc và ổn định cho người dân, đồng thời chú trọng đến nguyện vọng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn và văn minh tiến bộ hơn nữa. Thứ ba, trọng tâm của sáng kiến không chỉ đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại mà còn của các thế hệ tương lai. Thứ tư, các quốc gia phải tìm kiếm con đường độc lập hướng tới hiện đại hóa và không có mô hình “cao siêu” nào để sao chép. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng các nước đang phát triển có quyền và khả năng độc lập khám phá con đường hiện đại hóa với những đặc điểm nổi bật dựa trên thực tế quốc gia của họ. Thứ năm, trong một thế giới đang thay đổi với những cơ hội mới xuất hiện từ tiến bộ khoa học, công nghệ và văn hóa, hoặc những thách thức xuất hiện từ thảm họa nhân tạo hoặc thiên tai, các quốc gia và đảng phái chính trị phải tìm kiếm những cách thức mới để đạt được các mục tiêu hiện đại hóa quốc gia và giải phóng mình khỏi những hạn chế áp đặt bởi những ý thức hệ cứng nhắc. Thứ sáu, nhân loại đang sống trong một cộng đồng chung vận mệnh và cần loại bỏ tư duy tổng bằng không của chủ nghĩa đế quốc. Thứ bảy, những đóng góp của tất cả các nền văn minh và văn hóa phải được tôn trọng và những đóng góp của họ cho sự tiến bộ của loài người trong suốt lịch sử phải được công nhận. Quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc, với tư cách là một hình thức tiến bộ mới của con người, sẽ dựa trên giá trị của các nền văn minh khác và làm cho khu vườn của các nền văn minh thế giới trở nên rực rỡ hơn. Như vậy, có thể thấy, Sáng kiến Văn minh toàn cầu là một sự nhấn mạnh của Trung Quốc về những giá trị riêng của quốc gia này và sự đòi hỏi tôn trọng từ các quốc gia khác đối với những giá trị riêng này của Trung Quốc. Bên cạnh đó, sáng kiến cũng là thông điệp khẳng định vai trò lớn hơn của Trung Quốc trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.
3. Mục đích của Trung Quốc trong việc đưa ra Sáng kiến an ninh toàn cầu
Lưu Kiến Siêu - Vụ trưởng Vụ liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng tải một bài viết về Sáng kiến Văn minh toàn cầu trên Tạp chí Cầu thị của Trung Quốc và gọi sáng kiến này là “giải pháp của Trung Quốc ra đời để đáp ứng thời đại”[7]. Đặt trong bối cảnh đó, có thể thấy mục đích của Trung Quốc khi đề xuất Sáng kiến Văn minh toàn cầu như sau:
(1) Góp phần củng cố dấu ấn của cá nhân Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ 3
Sau khi tiếp tục nắm quyền tại nhiệm kỳ 3 lịch sử, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình khả năng sẽ nỗ lực thiết lập những thành tựu chính trị mang dấu ấn cá nhân của mình để thực hiện điều mà ông gọi là sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Để đưa Trung Quốc trở thành một nhà lãnh đạo thế giới thực sự, Trung Quốc cần một nền tảng tư tưởng để hỗ trợ. Trung Quốc phải có khả năng đề xuất một hệ tư tưởng có thể thu hút thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển và kém phát triển, nhằm xây dựng sức mạnh mềm của Trung Quốc. Xét về nội dung, Sáng kiến văn minh toàn cầu nhấn mạnh sự đa dạng của các nền văn minh và không áp đặt giá trị của mình lên người khác, đó là trọng tâm Bắc Kinh muốn nhấn mạnh. Điều này rõ ràng là nhằm vào Mỹ, bởi Mỹ từ lâu đã khẳng định tự do, dân chủ và nhân quyền là giá trị phổ quát và giá trị thống nhất mà toàn nhân loại nên cùng nhau theo đuổi. Việc đưa ra sáng kiến này khi Trung Quốc vừa kết thúc kỳ họp Lưỡng hội, đã cho thấy nỗ lực làm nổi bật thêm dấu ấn cá nhân của Tập Cận Bình trong việc thể hiện rằng ông không chỉ là nhà lãnh đạo của Trung Quốc mà có thể là nhà lãnh đạo toàn cầu. Và nếu điều này thành công, không chỉ “văn minh của dân tộc Trung Hoa vĩ đại” được ghi nhận mà vai trò của Tập Cận Bình cũng được khẳng định trên một phạm vi rộng lớn hơn.
(2) Những nỗ lực trong quá trình tập hợp lực lượng quốc tế
Sáng kiến Văn minh toàn cầu là một thuật ngữ mới do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất, nhưng về cơ bản, nội dung của nó không có nhiều sự khác biệt so với “Năm nguyên tắc chung sống hòa bình” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra từ những năm 1950. Mục tiêu chính của “Năm nguyên tắc chung sống hòa bình” là các quốc gia mới nổi, mới độc lập ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây hầu hết là các nước thuộc địa của Mỹ và phương Tây. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, Trung Quốc muốn lôi kéo sự ủng hộ của các nước mới nổi này với mình. Hiện nay, Sáng kiến Văn minh toàn cầu cũng diễn ra trong tình thế phương Tây đang bao vây Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine, và quan hệ Mỹ - Trung, quan hệ EU - Trung Quốc cũng đang đi xuống nhanh chóng. Do vậy, sáng kiến này như một trong những công cụ để Trung Quốc có thể tập hợp lực lượng cho mình từ các nhóm nước đang phát triển. Điều này đã cho thấy rõ hơn nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây dựng một “lực lượng đồng minh” để có thể đối trọng với phe Mỹ trong bối cảnh một thế giới phân cực rõ ràng hơn đang dần được hình thành.
(3) Nỗ lực cải thiện vị thế và hình ảnh quốc tế của Trung Quốc
Trước khi Sáng kiến Văn minh toàn cầu được đưa ra, Trung Quốc đã làm trung gian cho việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa Ả Rập Saudi và Iran. Đối với Bắc Kinh, đây chắc chắn là một chiến thắng ngoại giao lớn. Sau khi Sáng kiến Văn minh toàn cầu được đưa ra, Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm Nga để trở thành vai trò “sứ giả hòa bình” trong cuộc chiến Ukraine - Nga. Trên thực tế, Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng sẽ có thể cải thiện vị thế quốc tế của Trung Quốc sau kỳ họp Lưỡng hội. Từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã luôn nhấn mạnh sự đóng góp của Trung Quốc cho toàn thế giới, cũng như việc Trung Quốc có thể quay trở lại là một trung tâm văn hóa văn minh như thời cổ đại.
Hiện nay, chính sách đối ngoại của Trung Quốc rõ ràng đã trở nên chủ động hơn. Nhiệm vụ quan trọng nhất trong nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình trong vấn đế đối ngoại là giải quyết cạnh tranh giữa các cường quốc và đối phó với những thách thức trong quan hệ Mỹ - Trung, cùng với đó là định hình môi trường bên ngoài. Chính vì vậy, khi Trung Quốc đưa các sáng kiến toàn cầu vào hành động thiết thực và hòa giải thành công các xung đột khu vực và xung đột giữa các quốc gia mà các nước phương Tây lâu nay không thể giải quyết, cộng đồng quốc tế sẽ có cái nhìn khác về Trung Quốc, đồng thời có thể đặt ra những câu hỏi về vai trò của Mỹ và phương Tây. Sáng kiến văn minh này là sáng kiến toàn cầu thứ ba, sau Sáng kiến Phát triển toàn cầu và Sáng kiến An ninh toàn cầu được Trung Quốc chủ động đề xuất. Do vậy, việc Tập Cận Bình thúc đẩy Sáng kiến Văn minh toàn cầu là một tín hiệu mạnh mẽ hơn của nước này trong việc muốn đưa các quy tắc hiện tại và tương lai của trật tự quốc tế do Trung Quốc xây dựng.
(4) Tham vọng xuất khẩu mô hình phát triển của Trung Quốc
Hàng loạt sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc được ra đời như một trong những cách thức cho thấy các giá trị riêng của quốc gia này. Điều này đã thể hiện tham vọng xuất khẩu các giá trị Trung Quốc một cách có hệ thống ra toàn thế giới. Bắc Kinh đang cố gắng từng bước thiết lập vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trên thế giới, và sau đó là trật tự quốc tế và hệ thống quốc tế. Quan hệ Mỹ - Trung hiện nay đã rơi vào tình trạng cạnh tranh chiến lược lâu dài và ngày càng phức tạp. Trung Quốc vì thế đang nỗ lực xây dựng một thế giới quan có vị trí độc tôn của riêng mình, định hình một môi trường bên ngoài thuận lợi hơn cho Bắc Kinh, gia tăng tiếng nói trong chính trường quốc tế. Thông qua việc đưa nhiều sáng kiến, trong đó có Sáng kiến Văn minh toàn cầu và nỗ lực quảng bá cho các sáng kiến này, Trung Quốc đang muốn chứng minh sự ưu việt trong mô hình phát triển của mình. Sự ưu việt này theo Trung Quốc được xây dựng từ con đường phát triển riêng của Trung Quốc. Điều này có thể trở thành một mô hình tham khảo cho các nước còn chậm phát triển hay đang lúng túng trong việc tìm ra con đường phát triển của quốc gia mình.
4. Một số đánh giá
Truyền thông Trung Quốc đã trở thành một công cụ vô cùng hữu ích khi quảng bá mạnh mẽ về sáng kiến này của Trung Quốc. Tân Hoa Xã đã đăng tải bài viết có tựa đề “Việc Tổng Bí thư lần đầu tiên đề cập đến Sáng kiến Văn minh toàn cầu có tầm quan trọng đặc biệt”. Trong đó, bài viết cho rằng Sáng kiến Văn minh toàn cầu là một sản phẩm công cộng quan trọng khác mà Trung Quốc cung cấp cho cộng đồng quốc tế trong kỷ nguyên mới sau Sáng kiến Phát triển toàn cầu và Sáng kiến An ninh toàn cầu[8]. Thời báo Hoàn Cầu cũng có bài viết “Sáng kiến Văn minh toàn cầu do Tập Cận Bình đề xuất mang lại hy vọng chữa lành thế giới trong bất ổn”. Bài viết đã thể hiện rằng, Trung Quốc đang cố gắng chia sẻ kinh nghiệm và kế hoạch của mình nhằm mang lại hy vọng mới cho tất cả các quốc gia, để cùng nhau tìm cách thoát khỏi bẫy của “Sự va chạm giữa các nền văn minh” và tìm ra con đường có thể giúp thế giới vượt qua sự hỗn loạn hiện nay[9].
Với những bài viết như vậy, Trung Quốc đã cho thấy rằng, họ đang rất tự tin với một hệ thống tư tưởng ngày càng hoàn thiện của mình. Cùng với sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc và “Cộng đồng chung vận mệnh cho nhân loại”, ba sáng kiến vừa được đề xuất, trong đó có Sáng kiến Văn minh toàn cầu đã trở thành những phương thức để Trung Quốc định hình lại luật chơi và trật tự quốc tế với Trung Quốc làm trung tâm. Thậm chí, cách so sánh đối lập Sáng kiến Văn minh toàn cầu với tiêu đề một tác phẩm nổi tiếng của Samuel Huntington, “Sự va chạm giữa các nền văn minh”, đã cho thấy cách mà Trung Quốc tin tưởng vào sự ưu việt trong các đề xuất của mình như thế nào.
Mặc dù sức quảng bá của truyền thông Trung Quốc là rất mạnh mẽ, nhưng các nhà phân tích vẫn luôn nghi ngại rằng, Trung Quốc đang sử dụng cái gọi là giá trị văn minh Trung Hoa như một biện pháp trấn an tới quốc tế, trước nhiều chỉ trích về quá trình trỗi dậy không hòa bình của Trung Quốc, đồng thời từng chút một đưa các giá trị của Trung Quốc vào trật tự quốc tế. Cũng cần chú ý rằng, Sáng kiến Văn minh toàn cầu chú trọng vào các quốc gia đang phát triển, như kỳ vọng của Trung Quốc là có thể hướng các quốc gia này đi theo mô hình phát triển của Trung Quốc, cũng như tham gia vào những thể chế mới do Trung Quốc dẫn dắt. Đây cũng sẽ là cách thức mà Tập Cận Bình lợi dụng để có thể trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của mình, và đó sẽ là thành tựu vô cùng nổi bật của một nhà lãnh đạo Trung Quốc. Với sự thành công của Đại hội XX và kỳ họp Lưỡng hội, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có được một tập thể lãnh đạo có sự ủng hộ rất lớn với các quyết sách của ông. Chính vì vậy, nhà lãnh đạo này hiện có thể tập trung hơn vào việc xử lý các vấn đề đối ngoại, đặc biệt là đối phó với sự bao vây của Mỹ và phương Tây. Bắc Kinh chắc chắn sẽ muốn thách thức các giá trị của Mỹ và thông qua các sáng kiến như thế này để thiết lập vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trên thế giới. Cũng cần phải nhìn nhận rằng, ở một khía cạnh nào đó, giá trị văn hóa đa dạng của Trung Quốc, cùng sự phát triển nhanh chóng của quốc gia này có sức hấp dẫn nhất định đối với nhóm các nước đang phát triển.
Trên thực tế, Trung Quốc chưa bao giờ bác bỏ nền văn minh công nghệ phương Tây, hệ thống tài chính phương Tây, thậm chí họ đã tham gia và tiếp thu rất tích cực các giá trị này. Điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn cố gắng chỉ ra sự khác biệt là các giá trị và quan niệm của Mỹ và phương Tây về tự do, dân chủ, pháp quyền. Chính vì vậy, có thể thấy rằng, mặc dù sáng kiến là sự khẳng định rằng chúng ta nên tôn trọng lẫn nhau và coi trọng sự đa dạng của các giá trị văn minh, nhưng có lẽ điều mà Trung Quốc hướng tới đó là sự chấp nhận của thế giới, đặc biệt là Mỹ và phương Tây trước một nền văn minh kiểu Trung Quốc. Và ở góc độ nào đó, theo quan điểm của Trung Quốc nền văn minh kiểu Trung Quốc này còn ưu việt hơn so với văn minh phương Tây đang có những dấu hiệu suy tàn.
Như vậy, có thể thấy, sự ra đời của Sáng kiến Văn minh toàn cầu sẽ cùng với hai sáng kiến toàn cầu trước đó sẽ giúp Trung Quốc khẳng định vị thế trên mọi lĩnh vực phát triển của nhân loại. Trung Quốc đang đưa ra các giải pháp của riêng mình không giống với Mỹ và phương Tây, đồng thời khẳng định những giá trị tốt đẹp có thể nhận được nếu nhân loại tiếp nhận các con đường phát triển này của Trung Quốc. Tất cả những điều này cho thấy tham vọng ngày một lớn của Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu. Những bước đi thời gian tới của Trung Quốc sẽ dựa vào nội dung cũng như mục tiêu của các sáng kiến này để định hình một sân chơi mới, một hệ thống quốc tế mới, trong đó Trung Quốc là nhân tố dẫn dắt và quyết định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TS., Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] 中央通訊社 (2023), “說中國4 / 習近平對美國點名批評 中美關係陷向下螺旋” (Thông tấn xã trung ương, “Nói về Trung Quốc/Tập Cận Bình nêu đích danh và chỉ trích Mỹ, quan hệ Trung - Mỹ rơi vào vòng xoáy đi xuống), https://www.cna.com.tw/news/acn/20230309 0227.aspx , truy cập ngày 26 /3/2022.
[3] The Sydney Morning Herald (2023), “New fleet of eight nuclear submarines to be built in Australia in $368 billion deal”, https://www.smh.com.au/politics/federal/new-fleet-of-eight-nuclear-submarines-to-be-built-in-australia-in-368-billion-deal-20230314-p5crt9.html, truy cập ngày 27/3/2023.
[4] Amr Hamzawy (2023), “The Potential Inroads and Pitfalls of China’s Foray Into Middle East Diplomacy”, Carnegie Endowment for International Peace, The Potential Inroads and Pitfalls of China’s Foray Into Middle East Diplomacy - Carnegie Endowment for International Peace.
[5] 浙江省人力资源和社会保险网 (2022), 携手同行现代化之路—在中国共产党与世界政党高层对话会上的主旨讲话(2023年3月15日,北京)中共中央总书记、中华人民共和国主席习近平 (Mạng bảo hiểm xã hội và nguồn lực con người tỉnh Chiết Giang, Cùng nhau bước trên con đường hiện đại hóa - Bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng chính trị thế giới, của đồng chí Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), https://rlsbt.zj.gov.cn/ art/2023/3/16/art_1229 669553_58933749.html.
[6] 浙江省人力资源和社会保险网 (2022), 携手同行现代化之路—在中国共产党与世界政党高层对话会上的主旨讲话(2023年3月15日,北京)中共中央总书记、中华人民共和国主席习近平 (Mạng bảo hiểm xã hội và nguồn lực con người tỉnh Chiết Giang, Cùng nhau bước trên con đường hiện đại hóa - Bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng chính trị thế giới, của đồng chí Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), https://rlsbt.zj.gov.cn/ art/2023/3/16/art_1229 669553_58933749.html.
[7] 刘建超 (2023), “积极落实全球文明倡议 合力推动人类文明进步”, 求是 (Lưu Kiến Siêu, “Tích cực thực hiện sáng kiến văn minh toàn cầu và cùng nhau thúc đẩy sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại”, Tạp chí Cầu Thị), http://www.qstheory.cn/dukan/qs/2023-04/01/c_1129477 739.htm.
[8] 新华社(2023), 第一观察丨总书记首提全球文明倡议意义非凡 (Tân Hoa xã, Quan sát đầu tiên/Việc Tổng Bí thư lần đầu tiên đề cập đến Sáng kiến Văn minh toàn cầu có ý nghĩa to lớn), http://www.news.cn/politics/ leaders/2023-03/18/c_1129442914.htm.
[9] Yang Sheng (2023), “Global Civilization Initiative proposed by Xi 'provides hope to heal the world in turbulence'”, Global Times, https://www.globaltimes.cn/ page/202303/1287427.shtml.