Trang chủ

Ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Moon Jae-in

Đăng ngày: Hôm qua, 08:44 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 4

Phan Thị Anh Thư1

Tóm tắt: Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc đã chủ động thực hiện nhất quán chính sách “hướng Nam mới” (The New Southern Policy) nhằm tăng cường hợp tác với các nước ASEAN và Ấn Độ. Với vị thế quốc tế ngày càng cao lại có thành tựu phát triển kinh tế nổi bật, Việt Nam được Hàn Quốc đặc biệt quan tâm trong quá trình triển khai chính sách này. Trên cơ sở đó, quan hệ giữa hai nước đã đạt được nhiều bước tiến toàn diện và đột phá trên các lĩnh vực hợp tác, trong đó có chính trị - ngoại giao. Xuất phát từ thực tiễn đó, bài viết tập trung phân tích những kết quả đạt được, đồng thời xác định những hạn chế và một số vấn đề đặt ra đối với bộ đôi đối tác chiến lược toàn diện trong thế kỷ XXI.

Từ khóa: Việt Nam, Hàn Quốc, ngoại giao, hợp tác, Moon Jae-in


1. Đặt vấn đề

Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in (5/2017-5/2022), những chuyển dịch của tình hình quốc tế theo xu hướng đa cực, đa trung tâm cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa khu vực Đông Á đã thôi thúc Hàn Quốc hướng Nam và đặt trọng tâm ngoại giao vào Việt Nam. Hơn thế nữa, chính sách “xoay trục” của Mỹ, chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản, sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc và hành động hướng Đông của Ấn Độ vừa gây áp lực, vừa tạo động lực buộc Hàn Quốc tăng cường ảnh hưởng tại khu vực để không bị thụt lùi trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng tại châu Á, nhất là đối với địa bàn Đông Nam Á. Xem xét từ góc độ chủ quan, do sự giới hạn của vị thế quốc gia hạng trung nên Hàn Quốc tất yếu đề cao cơ chế hợp tác hơn sức mạnh quân sự, thúc đẩy liên kết với các quốc gia đồng hạng hoặc nhỏ yếu hơn tập trung vào mối quan hệ với các siêu cường bởi cách tiếp cận quá chú trọng vào các nước lớn như trước đây đã làm giới hạn việc hoạch định chiến lược ngoại giao của Hàn Quốc, trong khi các bất ổn ở bán đảo Triều Tiên ngày càng gia tăng. Đây được xác định là tác động khách quan thuận chiều để Việt Nam và Hàn Quốc cùng củng cố vị thế của bộ đôi đối tác chiến lược. Trước năm 2017, Việt Nam đã trở thành một trong năm đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc với chính sách ngoại giao tự chủ và đa phương. Những lợi thế sẵn có của Việt Nam về nguồn nhân lực, tài nguyên, uy tín quốc gia và vị thế quốc tế mới bổ trợ hoàn hảo cho một quốc gia thường trực trong tình trạng “nóng về kinh tế”, “lạnh về an ninh” như Hàn Quốc. Với những tiền đề và nền tảng căn bản thuận lợi, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in, hợp tác Hàn - Việt đã bước vào giai đoạn phát triển thăng hoa, không chỉ giúp tăng cường liên kết nội khối mà còn tích cực góp phần củng cố khối thịnh vượng chung ở Đông Á.

2. Hợp tác chính trị, ngoại giao Hàn - Việt dưới thời Tổng thống Moon Jae-in

Định hướng liên kết, phát triển quan hệ với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng được Hàn Quốc chú trọng nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên đồng thời phát triển. Theo đó, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in đã liên tục được mở rộng với nhiều hình thức phong phú, cơ chế hợp tác đa dạng góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc. Các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo hai bên đã tạo ra những chuyển biến quan trọng trong quan hệ song phương. Kết quả của mỗi chuyến viếng thăm không chỉ dừng lại ở việc ký kết hàng loạt văn bản và thỏa thuận hợp tác mà quan trọng hơn là mức độ gắn kết giữa hai nước ngày càng gia tăng. Đây là kết quả tất yếu của quá trình phát triển quan hệ ngoại giao bền bỉ; qua đó, phản ánh quyết tâm chung của chính phủ và nhân dân hai nước với việc thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc ngày càng sâu sắc.

Bước vào thế kỷ XXI, cả hai bên cùng chung nhận thức: “Việt Nam, Hàn Quốc đều có những tiềm năng to lớn để có thể hợp tác bổ sung cho nhau trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội vì sự phồn vinh của mỗi nước”[2]. Trong bối cảnh đó, chính sách hướng Nam mới ra đời vào năm 2017 đã xác định “tầm nhìn hợp tác trọng tâm là thịnh vượng chung, lấy con người làm trung tâm; nhấn mạnh, trong khuôn khổ đó, Hàn Quốc sẽ nỗ lực để phát triển hơn nữa quan hệ với Việt Nam - một nước quan trọng trong ASEAN”[3]. Có thể thấy, thúc đẩy quan hệ với Việt Nam phản ánh bước đi quan trọng của ngoại giao Hàn Quốc nhằm hiện thực hóa ý tưởng về “Tầm nhìn Mê Kông”, theo đó, Tổng thống Moon Jae-in mong muốn tập trung phát triển quan hệ với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu đạt được “kỳ tích sông Mê Kông”. Đây là cơ sở quan trọng để hai nước khẳng định trong Tuyên bố chung (2018) về việc tiếp tục “…tăng cường và làm sâu sắc các cơ chế giao lưu, trao đổi, đối thoại giữa các cơ quan của chính phủ, chính quyền địa phương, Quốc hội, chính đảng, các tổ chức, tầng lớp xã hội, tiếp tục củng cố nền tảng vững chắc cho sự phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược”[4].

Dưới tác động của chính sách “hướng Nam mới” do Tổng thống Moon Jae-in khởi xướng, hàng loạt chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước đã liên tục diễn ra. Về phía Hàn Quốc, tháng 3 năm 2018, Tổng thống Moon Jae-in thăm chính thức Việt Nam (đây là quốc gia thứ hai của khối ASEAN, sau Indonesia, được ông viếng thăm cấp nhà nước). Sự ưu tiên này cho thấy Hàn Quốc đánh giá cao Việt Nam với tư cách là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu; đồng thời là cầu nối giữa Hàn Quốc với khu vực Đông Nam Á. Ngay trong Tuyên bố chung vào năm 2018 mang tên “Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới tương lai”, Chính phủ hai nước đồng thuận: “… trên tinh thần hướng tới tương lai và tôn trọng lẫn nhau vì sự phát triển vững chắc của quan hệ hai nước, hai bên kế thừa và tiếp nối những thành tựu phát triển quan hệ 25 năm qua, củng cố hơn nữa nền tảng quan hệ hợp tác cùng có lợi, tích cực, sáng tạo thúc đẩy mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực, hướng đến nâng cấp và làm phong phú hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt - Hàn”[5]. Dù cùng thống nhất duy trì cơ chế tiếp xúc song phương bên lề các hội nghị đa phương tương tự bản Tuyên bố chung năm 2009 dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak, song Hàn Quốc đã thực sự tiến xa hơn một bước khi xác định hợp tác chính trị - ngoại giao với Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong vai trò là hai đối tác hợp tác phát triển lớn nhất của nhau. Văn kiện ngoại giao này có ý nghĩa định hướng cho bước phát triển tiếp theo của quan hệ Hàn - Việt trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Chính vì vậy, Chủ tịch nước Trần Đại Quang không chỉ ủng hộ chính sách hướng Nam mới mà còn tán đồng việc Việt Nam vừa nắm giữ vị trí đối tác trọng tâm của chính sách, vừa đóng vai trò tích cực trong quá trình thúc đẩy quan hệ Hàn Quốc – ASEAN.

Ngoài Tổng thống Moon Jae-in, Chủ tịch Quốc hội Park Byeong-seug, các Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-wha và Chung Eui-yong đều lần lượt đến Việt Nam vào các năm 2020 và 2021. Những hoạt động trao đổi cấp cao nói trên đã góp phần quan trọng trong việc duy trì đà phát triển liên tục, ổn định của quan hệ song phương. Về phía Việt Nam, các lãnh đạo nhà nước và chính phủ luôn đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường hợp tác chiến lược với Hàn Quốc. Theo đó, hưởng ứng lời mời của Chủ tịch Quốc hội Moon Hee Sang, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã thăm Hàn Quốc vào cuối năm 2018. Sự kiện này phản ánh nhiều ý nghĩa ngoại giao quan trọng: một là, cho thấy Việt Nam đặc biệt đề cao quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc; hai là, Việt Nam nhất quán ủng hộ chính sách “hướng Nam mới” và chủ động phối hợp, triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa Quốc hội hai nước; ba là, Việt Nam chủ động thúc đẩy hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp phát triển trên cả bình diện song phương và đa phương.

Để khẳng định đường lối ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa với tinh thần đối ngoại tích cực, cởi mở và có trách nhiệm đã đưa ra từ Đại hội Đảng lần thứ XII (2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hàn Quốc kết hợp tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc và Hội nghị cấp cao Mê Kông - Hàn Quốc lần I (2019) theo lời mời của Tổng thống Moon Jae-in. Khác với các sự kiện ngoại giao trước đây, trong chương trình nghị sự này Việt Nam không chỉ đánh giá cao kết quả của Hàn Quốc trong khuôn khổ hợp tác với ASEAN mà còn xác định hợp tác giữa Hàn Quốc với tiểu vùng sông Mê Kông là cơ hội để hai nước làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Hàn - Việt. Thời điểm năm 2019 tiếp tục chứng kiến sự phát triển đỉnh cao của quan hệ song phương thông qua các cơ chế hợp tác đa phương mà hoạt động ngoại giao cấp cao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hàn Quốc có thể xem là kiểu mẫu. Nhờ chủ động đi đầu trong liên kết kinh tế khu vực và là một trong hai quốc gia có tỷ lệ thực hiện các cam kết trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cao nhất, Việt Nam được Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt coi trọng về vị thế lẫn uy tín trong ASEAN và các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Đây cũng là động lực để Tổng thống Moon Jae-in định hướng xây dựng và phát triển quan hệ với Việt Nam trở thành hình mẫu cho quan hệ giữa Hàn Quốc với các nước khác trong khối ASEAN.

Ý thức được vai trò trung tâm của quốc gia trong chính sách hướng Nam mới, Việt Nam thường xuyên duy trì các kênh đối thoại giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vào năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ động điện đàm với Tổng thống Moon Jae-in nhằm đẩy mạnh các giải pháp phòng chống dịch và thảo luận vấn đề cung ứng nguồn vắc-xin. Cuộc trao đổi không chỉ có ý nghĩa chia sẻ khó khăn, cập nhật thông tin cho nhau mà còn góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa chính đảng, Quốc hội hai nước, là biển hiện sinh động cho tinh thần “kề vai sát cánh” khi tình hình thế giới có chuyển biến xấu, đe dọa trực tiếp đến nỗ lực phát triển của cả hai quốc gia. Liên tục trong các năm 2021 và 2022, dù còn chịu không ít tác động xấu của dịch bệnh nhưng hoạt động ngoại giao cấp nhà nước giữa Hàn Quốc và Việt Nam vẫn được xúc tiến. Khởi đầu là chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam vào tháng 12 năm 2021. So với chuyến thăm Hàn Quốc trước đây của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (2018), sự kiện này của ngoại giao Việt Nam có ý nghĩa cổ vũ mạnh mẽ cho kết quả phát triển thần kỳ của bộ đôi đối tác chiến lược Hàn - Việt, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022. Đây là thời điểm chín muồi để hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”, kịp thời đáp ứng yêu cầu hợp tác trong tình hình mới thích ứng với nhiệm vụ phòng, chống dịch thời kỳ hậu Covid theo hướng tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và thuốc đặc trị. Nấc thang mới này trong quan hệ song phương còn giúp củng cố lòng tin về chính trị, mở rộng khuôn khổ hợp tác về kinh tế thông qua các hoạt động trao đổi, giao lưu của nhân dân và doanh nghiệp hai nước.

Tiếp nối thành tựu đối ngoại song phương, năm 2022, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Chương trình khu vực Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) diễn ra ở thủ đô Seoul. Đây là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn 2017-2022 nhằm tái khẳng định cam kết hoàn thành tốt vai trò nước điều phối cho quan hệ ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024 của Việt Nam, từ đó, thúc đẩy quan hệ Hàn - Việt phát triển thực chất trên cơ sở hiện thực hóa ba mục tiêu lớn:

(1) Về an ninh, Việt Nam hưởng ứng đối thoại, hợp tác và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong khi Hàn Quốc ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông;

(2) Về kinh tế, nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD (2023) và 150 tỷ USD (2030)[6] theo hướng cân bằng thông qua các cơ chế hợp tác song phương, đa phương của Hiệp định thương mại tự do song phương Việt - Hàn (VKFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP);

(3) Về khoa học và công nghệ, ưu tiên phát triển công nghệ số, năng lượng tái tạo, xây dựng tổ hợp công nghệ chuyên sâu và khu nông nghiệp chất lượng cao.

Có thể thấy, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in, các chuyến thăm của quan chức cấp cao Hàn - Việt được xác định là nhiệm vụ đặc thù của ngoại giao nhà nước nhằm củng cố và mở rộng quan hệ đối tác chiến lược. Vào giai đoạn đầu Hàn Quốc thực hiện chính sách hướng Nam mới (2017-2019), các hoạt động ngoại giao thúc đẩy quan hệ Hàn - Việt được gắn kết chặt chẽ với khuôn khổ hợp tác Hàn Quốc - ASEAN. Từ giai đoạn hai của chính sách này (2020-2022), các cuộc gặp gỡ của nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo hai bên lại mang đặc điểm gắn kết quan hệ chiến lược Hàn - Việt với khuôn khổ hợp tác Hàn Quốc - Mê Kông. Điều này giúp Hàn Quốc khai thác tối đa “vai trò kép” của Việt Nam trên cương vị vừa là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, vừa là nước điều phối hợp tác giữa Hàn Quốc - ASEAN trong năm 2020. Thực tế, thông qua các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, Việt Nam đã tích cực dẫn dắt các nước ASEAN và nhóm tiểu vùng sông Mê Kông tập trung phát triển quan hệ với Hàn Quốc trong khuôn khổ chính sách hướng Nam mới, tăng cường thảo luận các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ - Trung, đồng thời chủ động đối phó với ảnh hưởng bất lợi từ cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường.

Các hoạt động tiếp xúc chính trị và trao đổi thường xuyên đoàn cấp cao giữa hai nhà nước được diễn ra với nhiều hình thức linh hoạt (gặp gỡ trực tiếp hoặc điện đàm) đã phát huy hiệu quả nỗ lực củng cố tình hữu nghị, tăng cường hiểu biết và sẻ chia của hai chính phủ. Điều này giúp Hàn Quốc và Việt Nam liên tục duy trì thành quả ngoại giao hiện có, đồng thời hỗ trợ quan hệ hai nước chủ động thích ứng, vượt qua những thách thức của dịch bệnh hoặc xung đột quyền lực trong khu vực và trên thế giới. Thông qua các cơ chế hợp tác đã được hai Nhà nước cam kết và triển khai, các cấp chính quyền địa phương, các công ty tư nhân và tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc và Việt Nam đều có thêm cơ hội mở rộng hợp tác đa lĩnh vực (du lịch, giáo dục, y tế, việc làm, môi trường, xóa đói giảm nghèo), từng bước đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện trên cơ sở lấy con người làm trung tâm, coi hòa bình và thịnh vượng là đích đến đúng như tinh thần khởi tạo của chính sách hướng Nam mới.

3. Một số nhận xét, đánh giá

Trong các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được Hàn Quốc đánh giá cao và có nhiều ưu tiên phát triển quan hệ. Trên cơ sở chia sẻ sự tương đồng về lịch sử và kế thừa những thành tựu đã đạt được trong các thời kỳ trước, Tổng thống Moon Jae-in đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa quan hệ với Việt Nam, tiến hành hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế đến văn hóa - xã hội trong khuôn khổ hợp tác Hàn Quốc - ASEAN và Hàn Quốc - tiểu vùng sông Mê Kông. Quá trình này ghi nhận những thành tựu đạt được trong quan hệ hai nước, cùng với đó là những hạn chế, thách thức và các vấn đề đặt ra cho ngoại giao song phương.

Những kết quả nổi bật trong hợp tác chính trị - ngoại giao minh chứng cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.

Thứ nhất, vào nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in, hai nước đã thực hiện hàng loạt chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao thường niên, thực chất và hiệu quả. Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã đến Việt Nam liên tục hai năm 2017 và 2018. Đặc biệt, trong chuyến thăm năm 2018, hai bên đã ký kết “Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới tương lai”, đánh dấu lộ trình mới trong bước phát triển quan hệ song phương theo hướng vừa nâng cấp, vừa làm phong phú hơn nữa vai trò đối tác hợp tác chiến lược Hàn - Việt ngay trong thế kỷ này. Ngoài Tổng thống Moon Jae-in, Chủ tịch Quốc hội Park Byeong-seug, các Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-wha và Chung Eui-yong cũng đã thăm Việt Nam. Về phía Việt Nam, trong giai đoạn 2018-2021, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều có các chương trình nghị sự cấp cao tại Hàn Quốc.

Thứ hai, Hàn Quốc và Việt Nam đã ra sức vun đắp mối quan hệ đối tác chiến lược, dựa trên nền tảng hiểu biết, sẻ chia, hữu nghị và tin cậy lẫn nhau. Tuy quan hệ hai nước chưa có được bề dày lịch sử so với các mối bang giao quốc tế khác thế nhưng các nhà lãnh đạo của hai bên lại luôn tích cực, chủ động và liên tục vun đắp hợp tác song phương phát triển toàn diện với từng lĩnh vực hợp tác trên cơ sở xác định cả hai là đối tác ưu tiên của nhau trong suốt thế kỷ XXI. Điều này được thể hiện trong các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Ngay trong “Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới tương lai” vào năm 2018, Hàn Quốc và Việt Nam đã nhấn mạnh việc tăng cường và làm sâu sắc các cơ chế giao lưu, trao đổi, đối thoại giữa các cơ quan của chính phủ, chính quyền địa phương, Quốc hội, chính đảng, các tổ chức, tầng lớp xã hội, từ đó, tiếp tục củng cố nền tảng vững chắc cho sự phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước[7].

Thứ ba, bên cạnh cơ chế hợp tác song phương, hai quốc gia còn là hai đối tác có sự phối hợp, có đóng góp tại các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương trong khu vực và quốc tế. Với các chuyến thăm tiếp xúc diễn ra thường xuyên, hai bên cùng nhất trí phối hợp chặt chẽ và thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Trong các tuyên bố chung, cả hai đều nhất trí cao về việc duy trì hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN+3, ASEM, Liên Hợp Quốc. Việt Nam ủng hộ cơ chế hợp tác Hàn Quốc - Mê Kông trong chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển khoa học công nghệ cũng như tài trợ tăng cường kết nối khu vực qua các hành lang giao thông quốc tế và hệ thống logistic hiệu quả. Ngoài ra, trên các diễn đàn quốc tế về môi trường và biến đổi khí hậu, thách thức an ninh phi truyền thống, Việt Nam luôn ủng hộ tích cực chương trình, sáng kiến do Hàn Quốc đề xuất.

Có thể nói, quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình thúc đẩy chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc và thúc đẩy hợp tác Hàn Quốc - Mê Kông, Hàn Quốc - ASEAN. Hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam, dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, chuyển biến tốt đẹp hơn bao giờ hết, trở thành hình mẫu thành công nhất mà chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, kể cả quan hệ hợp tác Hàn Quốc - ASEAN, Hàn Quốc - Mê Kông luôn hướng tới và theo đuổi. Dựa trên hình mẫu của hợp tác Hàn - Việt, Hàn Quốc có điều kiện và cơ sở để kết nối, phát triển quan hệ với các quốc gia khác trong tiểu vùng sông Mê Kông. Trong quá trình đó, nước này tất yếu ngày càng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để sớm đạt đến sự tiến bộ chung và mục tiêu phát triển cùng thịnh vượng của quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam  và Hàn Quốc - Mê Kông, đặc biệt khi chính quyền Moon Jae-in tăng cường triển khai chính sách “hướng Nam mới” vào giai đoạn hai (2020-2022) thì đóng góp của Việt Nam lại càng có tính chất quyết định đối với sự thành công của chính sách này.

Dưới tác động của chính sách “hướng Nam mới”, quan hệ Việt - Hàn vào thời Tổng thống Moon Jae-in đã đạt được nhiều thành tựu và có những bước tiến vững chắc, trở thành hình mẫu trong ngoại giao Đông Á đương đại. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quan hệ giữa hai nước cũng bộc lộ một số hạn chế. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in, hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam vẫn chưa tạo được nhiều dấu ấn đột phá do chỉ tập trung vào các hoạt động đối thoại thường niên và trao đổi các đoàn làm việc các cấp, chưa thực sự tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước đã tuyên bố. Điều này xuất phát từ những lý do chủ yếu như: (1) sự khác biệt về thể chế chính trị khiến cả hai không tránh khỏi sự dè dặt đặc biệt ở lĩnh vực nhạy cảm như an ninh; (2) cả Hàn Quốc và Việt Nam đều có xu hướng tập trung nhiều vào mối quan hệ với các đối tác an ninh truyền thống nhằm củng cố sức mạnh của riêng mình; (3) khía cạnh kinh tế vẫn lấn át trong tính toán chiến lược hợp tác của cả hai nước. Điều này xuất phát từ những lợi ích kinh tế đáng kể mà hai nước đem lại cho nhau, Hàn Quốc nắm giữ vị trí đối tác mậu dịch lớn thứ ba của Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc[8]; (4) Việt Nam đang duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bình Nhưỡng, do vậy, trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên có những căng thẳng về vấn đề hạt nhân cũng như những chuyển biến xấu trong quan hệ liên Triều, trường hợp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác an ninh - chính trị với Hàn Quốc sẽ khiến phía Triều Tiên nghi ngại, thậm chí làm tổn hại đến quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai nước; (5) sự khác biệt về vị thế quốc tế của Hàn Quốc và Việt Nam cũng đòi hỏi Việt Nam cần có chính sách chủ động, khôn khéo trong phát triển quan hệ song phương với Hàn Quốc[9].

Mặc dù trong quá trình thực hiện chính sách “hướng Nam mới”, Tổng thống Moon Jae-in đã cam kết tăng cường quan hệ đối thoại và là tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc viếng thăm tất cả các nước thành viên ASEAN trong nhiệm kỳ của mình, thế nhưng chính sách này của Hàn Quốc thực chất cũng phải đối mặt với không ít thách thức do: (1) Hàn Quốc ngay từ đầu đã không liên tục đặt trọng tâm và kiên trì phát triển quan hệ xuyên suốt với ASEAN và Việt Nam, nhất là trong nhiệm kỳ của các tổng thống tiền nhiệm; (2) chính sách đối ngoại của Seoul chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế và phát triển nguồn nhân lực trong khi những khía cạnh hợp tác khác vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Quá trình hiện thực hóa chính sách “hướng Nam mới” còn gặp trở ngại khi Trung Quốc đã có kế hoạch chi 1000 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nội địa tiến sâu vào thị trường này theo sáng kiến “Vành đai, Con đường”; Nhật Bản cũng quan tâm đầu tư cho ASEAN kể từ khi Học thuyết Fukuda được công bố vào những năm 1970, trong khi đó Mỹ cũng có chính sách tiếp cận ASEAN thông qua chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”[10]. Những phân tích nói trên cho thấy việc tìm ra giải pháp để Hàn Quốc dẫn đầu trong cuộc đua về xác lập vị thế và gia tăng ảnh hưởng với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vẫn còn là chặng đường dài phía trước.

Nhìn lại chặng đường đã qua, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển ngày càng nhanh chóng, toàn diện và trở thành hình mẫu của hợp tác quốc tế ở khu vực Đông Á. Tuy nhiên, trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, hai nước cần tăng cường phối hợp thông qua trao đổi, hợp tác về các vấn đề quốc tế hoặc khu vực tại các cơ chế, diễn đàn đa phương nhằm củng cố an ninh, bảo vệ hòa bình của khu vực Đông Á. Các diễn đàn ASEAN+, ARF, EAS, APEC; các cơ chế như Mê Kông - Hàn Quốc, ASEAN - Hàn Quốc là những môi trường thuận lợi để hai nước cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực. Về phía Việt Nam, cần tranh thủ hợp tác với Hàn Quốc để thúc đẩy hòa bình, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp ở các vùng lãnh thổ, lãnh hải theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Việc trao đổi, hợp tác tại các diễn đàn, cơ chế đa phương nên được Việt Nam duy trì trong khuôn khổ hợp tác giữa Hàn Quốc và ASEAN.

Với lợi thế chiếm hơn một nửa quan hệ thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển và giao lưu nhân dân giữa Hàn Quốc và ASEAN, Việt Nam cần phát huy hơn nữa trong vai trò là “trọng tâm” trong chính sách hướng Nam. Điều này gián tiếp giúp Hàn Quốc giảm bớt sự lệ thuộc vào Hoa Kỳ, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, hạn chế sức mạnh của Nhật Bản và tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi trong hợp tác ở khu vực Đông Á. Về phía Hàn Quốc, việc tăng cường quan hệ với Việt Nam không chỉ giúp quốc gia này có lợi thế về mặt ngoại giao, kinh tế mà còn thúc đẩy tiến trình hợp tác với các quốc gia thuộc khu vực tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung[11], qua đó góp phần đa dạng hóa hoạt động ngoại giao để thoát khỏi sự chi phối của các mối quan hệ với bốn cường quốc Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga[12] như Tổng thống Moon Jae-in từng tuyên bố.

Hiện nay, trong bối cảnh thế giới nổi lên nhiều thách thức như cạnh tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, đối đầu xuất khẩu Nhật Bản - Hàn Quốc và tranh chấp ở Biển Đông, biển Hoa Đông thì sự liên kết giữa Hàn Quốc với các thành viên ASEAN, đặc biệt với Việt Nam chính là chìa khóa tăng trưởng bền vững cho cả hai bên, nhất là đối với việc thực hiện Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN đến năm 2025 và chiến lược tăng cường vị thế cường quốc tầm trung của Hàn Quốc trên bàn cờ chính trị thế giới. Trong thế kỷ XXI, mối quan hệ cùng có lợi và cùng thịnh vượng giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng vào kết quả duy trì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực Đông Á. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in, Việt Nam là “tâm trục” của chính sách “hướng Nam mới” do nắm giữ ba vai trò: (1) đối tác kinh tế hàng đầu chiếm đến một nửa vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Đông Nam Á; (2) đối tác an ninh truyền thống thúc đẩy hoà bình và ổn định trong khu vực Đông Á; (3) đối tác văn hóa tiềm năng với lượng du khách và du học sinh đông đảo. Trong tương lai, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục giữ vững vai trò dẫn dắt các nước ASEAN phát triển quan hệ với Hàn Quốc, đồng thời phấn đấu khắc phục những rào cản trong quan hệ giữa hai nước để xứng tầm với mẫu hình bộ đôi đối tác chiến lược toàn diện ở khu vực Đông Á trong thế kỷ XXI.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Catherine Chung (2017), “Korean president vows enhanced cooperation with Indonesia, ASEAN”, The Korea Heald, https://www.koreaherald.com/view.php?ud=20170802000826.
  2. Kwon Hyung Lee, Yoon Jae Ro (editors) (2021), The New Southern Policy Plus: Progress and Way Forward, published by Korea Institute for International Economic Policy (KIEP).
  3. “Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới tương lai” (24/03/2018), https://baochinhphu.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-han-quoc-huong-toi-tuong-lai-102236368.htm.
  4. Dương Phú Hiệp, Ngô Xuân Bình (1999), Hàn Quốc trước thềm thế kỷ XXI, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
  5. Nguyễn Văn Lan (chủ biên) (2019), Việt Nam - Hàn Quốc: 25 năm hợp tác, phát triển (1992 - 2017) và triển vọng đến năm 2022, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  6. Trần Quang Minh (chủ biên) (2020), Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc trong bối cảnh mới ở Đông Á, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. Phan Thị Anh Thư (2022), Hợp tác Hàn Quốc – ASEAN trong thế kỷ XXI, Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] TS., Khoa Hàn Quốc học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

[2] Dương Phú Hiệp, Ngô Xuân Bình (1999), Hàn Quốc trước thềm thế kỷ XXI, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr. 287.

[3] “Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới tương lai” (24/03/2018), https://baochinhphu.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-han-quoc-huong-toi-tuong-lai-102236368.htm, truy cập ngày 21/07/2022.
[4] “Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới tương lai” (24/03/2018), Tlđd.
[5] “Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới tương lai” (24/03/2018), Tlđd.

[6] Thông tấn xã Việt Nam (2022), https://vnanet.vn/bo-truong-ngoai-giao-bui-thanh-son-hoi-dam-voi-bo-truong-ngoai-giao-han-quoc-park-jin-20221018164022830.htm, truy cập ngày 20/7/2022.

[7] “Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc hướng tới tương lai” (24/03/2018), Tlđd. [8] Trần Quang Minh (chủ biên) (2020), Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc trong bối cảnh mới ở Đông Á, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 97. [9] Nguyễn Văn Lan (chủ biên) (2019), Việt Nam - Hàn Quốc: 25 năm hợp tác, phát triển (1992 - 2017) và triển vọng đến năm 2022, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 138. [10] Phan Thị Anh Thư (2022), Hợp tác Hàn Quốc – ASEAN trong thế kỷ XXI, Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tr. 93.

[11] Kwon Hyung Lee, Yoon Jae Ro (editors) (2021), The New Southern Policy Plus: Progress and Way Forward, published by Korea Institute for International Economic Policy (KIEP).

[12] Catherine Chung (2017), “Korean president vows enhanced cooperation with Indonesia, ASEAN”, The Korea Heald, https://www.koreaherald.com/view.php? ud=20170802000826, accessed on 10/03/2023.

 

0thảo luận