Trang chủ

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc

Đăng ngày: 19-11-2024, 08:48 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 3

Nghiêm Thúy Hằng1, Đồng Xuân Dương2

 

Tóm tắt: Trong kỷ nguyên kinh tế “bình thường mới” (新常态), Chính phủ Trung Quốc đang hướng tới mô hình tăng trưởng định tính thay cho mô hình tăng trưởng định lượng hiện có. Để phù hợp với quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ sản xuất sang phát triển công nghệ cao, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai chiến lược “Khởi nghiệp và đổi mới đại chúng” (大众创业,万众创新) thông qua việc đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới mang tính bền vững. Các chính sách mới của Chính phủ Trung Quốc đã khiến văn hóa khởi nghiệp, cơ sở hạ tầng và các nền tảng hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp phát triển nhanh chóng. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng, những thành tựu và hạn chế của hệ sinh thái khởi nghiệp của Trung Quốc trong giai đoạn 2012-2022, trên cơ sở đó bước đầu làm rõ vị thế, đặc thù, năng lực cạnh tranh, triển vọng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc trong thời gian tới.

Từ khóa: Hệ sinh thái khởi nghiệp; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Trung Quốc

 

H

ệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Startup Ecosystem) là "tổng hợp các mối liên kết chính thức và phi chính thức giữa các chủ thể khởi nghiệp (đã tồn tại hoặc tiềm năng), các tổ chức khởi nghiệp (công ty, nhà đầu tư mạo hiểm, hệ thống ngân hàng), các cơ quan liên quan (trường đại học, các cơ quan nhà nước, các quỹ đầu tư công) và tiến trình khởi nghiệp (tỷ lệ thành lập doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng tốt, số lượng các nhà khởi nghiệp, tinh thần và tham vọng kinh doanh) tác động trực tiếp đến môi trường khởi nghiệp"[3].

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc đã bắt đầu manh nha phát triển từ năm 1979 sau chủ trương đổi mới mở cửa của Đảng và chính phủ nước này. Trải qua hơn bốn thập kỷ phát triển, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, song cũng tồn tại một số vấn đề nhất định.

1. Thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc

1.1. Các thành tựu chủ yếu

Một là, không ngừng gia tăng vị thế trên bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Trong những năm gần đây, sự phát triển năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc được quốc tế công nhận và đánh giá cao. Trong giai đoạn 2012-2022, chỉ số đổi mới sáng tạo của Trung Quốc có sự thay đổi vượt bậc (từ 45,4 lên 55,3), liên tục tăng tới 23 bậc[4], trong khi đó  biên độ dao động của chỉ số sáng tạo các quốc gia khác lại không đáng kể (xem hình 1). Đặc biệt, khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào năm 2014-2015, chỉ số đổi mới sáng tạo của Trung Quốc đã tăng nhanh và lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản vào năm 2019.

Theo “Báo cáo hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2022”, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc xếp thứ 10 toàn cầu, giảm 3 bậc so với năm 2021. Thực tế, nguyên nhân của sự sụt giảm này chủ yếu là do những tác động tiêu cực của chủ trương “Zero-Covid” với những biện pháp cách ly, phong tỏa nghiêm ngặt trong lòng xã hội Trung Quốc cũng như giữa Trung Quốc với các quốc gia khác khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên với chủ trương mở cửa trở lại cùng quá trình chuyển đổi ấn tượng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc, dự báo này cũng khẳng định: “Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất có khả năng cạnh tranh vị thế dẫn đầu của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Mỹ”[5].

Hai là, cải thiện được  môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước

Với các chính sách khuyến khích khởi nghiệp thiết thực của Chính phủ Trung Quốc, hệ sinh thái khởi nghiệp nước này đã đạt được sự phát triển nhanh chóng.

Xét về số lượng doanh nghiệp, trong giai đoạn 2012-2022, số doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng từ 13 triệu lên hơn 51 triệu, gần bằng tổng số doanh nghiệp ở Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu; số doanh nghiệp có quy mô trên 1000 lao động tăng từ 11,4 triệu doanh nghiệp lên 36,1 triệu doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng hơn 4 lần từ hơn 10 triệu lên hơn 47 triệu. Bên cạnh các công nghệ mới thì các ngành nghề mới, mô hình mới không ngừng xuất hiện, số doanh nghiệp đăng ký “Kinh tế 4 đổi mới”[6] đã đạt hơn 23 triệu, chiếm 46,4% tổng số doanh nghiệp[7]. Sự thay đổi này cho thấy các công ty khởi  nghiệp Trung Quốc đang mở rộng sang các lĩnh vực có thể tạo ra giá trị gia tăng cao[8].

Xét về mặt chất lượng doanh nghiệp, các công ty kỳ lân của Trung Quốc đang cho thấy sự phát triển nhanh chóng. Theo Hurun, tính đến tháng 6 năm 2022 trên thế giới có 1312 công ty kỳ lân, trong đó có 312 công ty ở Trung Quốc (chiếm 23,8%), chỉ đứng sau Hoa Kỳ với 625 công ty (chiếm 47,6%). Mặc dù Hoa Kỳ là quốc gia có số lượng công ty kỳ lân nhiều nhất và tỷ trọng cao nhất, tuy nhiên trong giai đoạn 2013-2022 tỉ lệ này đã giảm gần 30% (từ 72,7% xuống 47,6 %) trong khi tỷ lệ kỳ lân của Trung Quốc tăng gần 6% (từ 18,2% lên 23,8%). Đặc biệt, trong số 10 kỳ lân hàng đầu có tới 5 công ty đến từ Trung Quốc, 3 công ty đến từ Hoa Kỳ và 2 công ty từ Vương quốc Anh và Malta. Tỷ lệ này phản ánh chất lượng của các công ty khởi nghiệp và khả năng cạnh tranh cao trong các lĩnh vực kinh tế mới của Trung Quốc.

 

Hình 1: Sự thay đổi chỉ số đổi mới sáng tạo của một số quốc gia

 

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc

 

Nguồn: Tác giả tổng hợp dựa trên số liệu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO


Hình 2: Biểu đồ số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tại Trung Quốc

giai đoạn 2012-2022

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc

 

Nguồn: Cơ quan quản lý nhà nước về điều tiết thị trường


Hình 3:  Biểu đồ số lượng tổ chức đầu tư và tổng số vốn đầu tư



Nguồn:
Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ việc làm và khởi nghiệp thanh niên Trung Quốc


Xét về sự phát triển của các tổ chức, không gian, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp, để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chính phủ Trung Quốc đã thiết lập các khu công nghệ cao, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp nhằm thu hút và hội tụ các tài năng khoa học - công nghệ và các nhà đầu tư tập trung tại một nơi[9]. Ngoài 40 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Trung Quốc cũng đang hỗ trợ phát triển 48 trung tâm đổi mới sản xuất cấp tỉnh,  thiết lập nên hệ thống đổi mới sáng tạo xuyên suốt, trong đó các trung tâm cấp quốc gia giữ vai trò chủ đạo với sự hỗ trợ quan trọng từ các trung tâm cấp tỉnh[10]. Đồng thời Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy việc thành lập các vườn ươm doanh nghiệp (Business incubator) để đẩy nhanh quá trình xây dựng các công ty khởi nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư[11].

Tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc có tất cả 15.253 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 6227 vườn ươm doanh nghiệp, 9026 không gian sáng tạo. Các tổ chức này đã  tổ chức tổng cộng 249.000 hoạt động liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sự tham gia của 222.000 cố vấn khởi nghiệp. Tổng số tiền của các quỹ đầu tư trong các vườn ươm doanh nghiệp là 266,409 tỷ nhân dân tệ (hơn 38 tỷ USD), tăng 40,68% so với cùng kỳ 2020. Có 36.000 công ty và nhóm khởi nghiệp đã nhận được đầu tư và tài trợ trong các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp, tăng 15,69% so với cùng kỳ 2020[12].

Xét về nguồn vốn, theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, tính đến cuối năm 2020 tổng vốn của các tổ chức đầu tư mạo hiểm Trung Quốc vượt quá 1,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 158 tỷ USD); số lượng tổ chức đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc đã lên tới 3.290 tổ chức, tổng số vốn đầu tư khoảng 1,12 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 175 tỷ USD) chiếm khoảng 1,1% GDP, tăng bình quân 20%/năm kể từ năm 2003 đến năm 2020[13].

2. Một số vấn đề còn tồn tại trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc

Dựa trên các chính sách và mô hình phát triển phù hợp, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc có những điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững trong tương lai, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết.

Thứ nhất, thị trường đầu tư khởi nghiệp phát triển quá nóng trong một thời gian dài đang có xu hướng dần lắng dịu, các nhà đầu tư đang tỏ ra lý trí và thận trọng khi quyết định đầu tư. Điều này cho thấy việc tìm kiếm các công ty  tiềm năng vượt trội mới không hề dễ dàng.

Thứ hai, cùng với tốc độ phát triển theo cấp số nhân và cơ hội cho các công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc là những khó khăn, thách thức từ sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Điều này có thể dẫn đến việc phá giá để chống lại các đối thủ,  lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm sút. Ví dụ như cuộc chiến giá cả kéo dài từ năm 2012 đến năm 2014 giữa các ứng dụng gọi xe thống trị thị trường Trung Quốc trước đây là Didi và Kuaidi, cuối cùng đã dẫn đến một vụ sáp nhập chiến lược vào năm 2015. Tương tự như vậy, cuộc chiến giá cả khốc liệt cũng xảy ra giữa các công ty khởi nghiệp chia sẻ xe đạp Mobike và Ofo.

3. Đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Thành tựu của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc hiện tại là một quá trình dài với sự phối hợp của 5 thành tố trong mô hình “Ngũ vị nhất thể” (chính phủ trung ương - chính quyền địa phương; các doanh nghiệp lớn; trường đại học - viện nghiên cứu; các quỹ đầu tư; văn hóa quốc gia). Mô hình này có khác biệt cơ bản với mô hình 6 thành tố của Mỹ và phương Tây với thành tố chính yếu nhất là thị trường tự do. Thị trường tự do không thực sự đóng vai trò quan trọng trong mô hình Ngũ vị nhất thể đặc sắc Trung Quốc, liên danh chính phủ trung ương - chính quyền địa phương mới thực sự là thành tố quan trọng nhất trong mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trung Quốc.

3.1. Vị thế và năng lực cạnh tranh của  hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc

Từ những con số đã trình bày ở trên, có thể thấy trình độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Trung Quốc có nguồn dữ liệu rộng lớn hơn Mỹ, quốc gia hiện đang có vị thế dẫn đầu thế giới về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trước đây, khi đi sâu phân tích thành phần kỹ thuật đằng sau rất nhiều lĩnh vực, hầu hết đều khó thấy được thành phần của các công nghệ cốt lõi độc lập là thành quả của Trung Quốc nhưng hiện nay tình trạng này đã có dấu hiệu thay đổi ngoạn mục. Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần viễn thông FPT: “Thực tế có rất nhiều lĩnh vực hiện nay Trung Quốc đã vượt Mỹ và dẫn đầu toàn cầu, tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI) và Big data.  Cách đây 11 năm, khi nghe câu chuyện Trung Quốc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo nhiều hơn cả Mỹ, tôi thấy khó tin nhưng trở lại Trung Quốc và chứng kiến sự phát triển của trí tuệ nhân tạo tại đây đã đem đến cho tôi một cách nghĩ khác, thực sự nước Mỹ không làm được điều này”. Thậm chí trong nhiều lĩnh vực phát triển vốn được phát triển theo mô hình “copy to China” ban đầu, hiện nay các công ty Trung Quốc đã vượt qua nguyên mẫu của Mỹ. Nguyên nhân của hiện này không chỉ đơn thuần là do lợi thế của người đi sau, thị trường tiêu dùng rộng lớn, và các nhóm người tiêu dùng bao trùm hơn. Với những điều luật liên quan đến quyền bảo mật riêng tư (Privacy) ở Mỹ khiến cho thuật toán AI dù có hay đến đâu mà không có được nguồn data khổng lồ, từ đó mất đi nhiều giá trị. Tại Trung Quốc, bên cạnh những ứng dụng AI xuất sắc và có những bãi thử rộng trên hàng trăm triệu người khiến cho các công nghệ được ứng dụng rất nhanh.

Chủ thể dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp Trung Quốc là chính phủ, chủ thể dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp của các quốc gia khác trên thế giới là thị trường. Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò chủ thể định hướng, điều tiết hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua các quy định hiện hành. Lãnh đạo Trung Quốc là những người nhìn xa trông rộng, họ nhạy cảm với xu hướng phát triển tương lai của thế giới, gọi vui là những người “có khả năng xuyên không, do đó sự thành công của hệ sinh thái khởi nghiệp Trung Quốc có dấu ấn lớn từ tầm vóc của những nhà lãnh đạo hàng đầu. Thực tế, trong khoảng thời gian rất dài, các lãnh đạo Trung Quốc luôn tỏ thái độ “bao dung” với các doanh nghiệp theo tư tưởng của Đặng Tiểu Bình: “mèo đen mèo trắng miễn là bắt được chuột”. Họ cho rằng giữa lợi ích và tác hại thì các doanh nghiệp công nghệ mang đến nhiều lợi ích rõ ràng hơn vì thế họ chấp nhận trong một phạm vi nhất định. Cái gọi là “mô hình Trung Quốc” với đặc thù về thể chế toàn trị ổn định, bền vững có thể sẽ tạo nên sức mạnh khiến năng lực cạnh tranh của Trung Quốc có khả năng vượt xa Hàn Quốc, Đức và Mỹ, các quốc gia hiện đang giữ vị thế dẫn đầu trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu. Nhìn vào số liệu thì khoảng cách không còn quá xa và hiện Trung Quốc rõ ràng vẫn đang ở thế đi lên mạnh mẽ.  Khi thị trường có dấu hiệu giảm phát và suy thoái như hiện nay thì hệ sinh thái khởi nghiệp của các quốc gia theo mô hình thị trường tự do sẽ bị tổn thương, khó có cơ chế để hồi phục.

Chiến lược phát triển của các công ty khởi nghiệp tại Trung Quốc có xu hướng liên kết thành những nhóm khổng lồ cùng với các doanh nghiệp lớn như Tencent, Alibaba..., trong khi đó các công ty khởi nghiệp Mỹ và phương Tây thường mang tính độc lập, phân tán,  rải đều ra các lĩnh vực khác nhau. Danh sách công ty kỳ lân toàn cầu của CB Insights cho thấy các công ty kỳ lân Trung Quốc chủ yếu tập trung trong ba lĩnh vực chính là internet, thương mại điện tử và công nghệ tài chính, chiếm tới 50% tổng số lượng công ty kỳ lân. Mô hình tăng trưởng riêng rẽ từ nội lực từng chiếc đũa đơn lẻ sẽ khó cạnh tranh với mô hình bó đũa của Trung Quốc.

3.2. Xu hướng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc

Trong vài năm tới, thị trường khởi nghiệp của Trung Quốc dự kiến sẽ kết thúc giai đoạn tăng trưởng nhanh và bước vào giai đoạn tái cấu trúc với quy mô lớn. Theo đó, nền tảng hỗ trợ khởi nghiệp bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư khởi nghiệp đã từng cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng hầu hết sẽ bị đào thải trong trường hợp không đảm bảo khả năng cạnh tranh của chính họ.  Các nền tảng và quỹ đầu tư mạo hiểm quy mô lớn của Trung Quốc, dựa trên tiềm lực tài chính và chuyên môn mạnh mẽ, dự kiến sẽ trở nên lớn hơn và tập trung hơn về nguồn lực và thông tin, dẫn đến sự phân cực của thị trường khởi nghiệp.

Trong thời gian tới, Chính phủ Trung Quốc sẽ cải thiện hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp theo hai hướng chính. Thứ nhất, chính phủ sẽ hướng tới mở rộng hỗ trợ cho các công ty bị gạt ra ngoài thị trường khởi nghiệp. Thứ hai là sẽ mở rộng hỗ trợ chính sách cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên khoa học. Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã nâng cao nhận thức về tính cạnh tranh đổi mới sáng tạo như một phần của hệ thống đổi mới quốc gia. Trong tương lai, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các tập đoàn, trường đại học và viện nghiên cứu sẽ được mở rộng, đặc biệt, việc chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ là trọng tâm ưu tiên của các chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

3.3. Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Trên cơ sở phân tích thực trạng, đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc, trong công cuộc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam cần đáp ứng những yêu cầu sau:

Một là, cần chú ý đến những đặc thù về thời gian cũng như trình độ phát triển của từng vùng, địa bàn khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, tránh việc mô phỏng hoàn toàn một hệ sinh thái khởi nghiệp cụ thể nào trên thế giới vào Việt Nam. Với hai mô hình khác nhau song Mỹ và Trung Quốc đều là hai quốc gia khởi nghiệp hàng đầu, điều đó cho thấy việc chủ động nghiên cứu và phát triển những mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp với quốc gia nói chung, mỗi địa phương nói riêng phải là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, có thể xem xét phát triển mô hình hệ sinh thái với 6 trụ cột chính: chính phủ trung ương và chính quyền địa phương; trường đại học - viện nghiên cứu; quỹ đầu tư; doanh nghiệp lớn; thị trường; văn hóa quốc gia.

Hai là, cần tránh tư duy định lượng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Chính phủ nên ưu tiên cho những doanh nghiệp có tiềm năng cao thay vì phát triển về mặt số lượng dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường như Trung Quốc. Đặc biệt, cần nâng cao vai trò của các doanh nghiệp lớn trong việc đào tạo, đầu tư chọn lọc và dẫn dắt các công ty khởi nghiệp, tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp tuần hoàn bền vững.

Ba là, cần thắt chặt mối liên kết giữa các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Thực tế Việt Nam cũng đã bắt đầu hình thành nên những thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Mặc dù vai trò chưa thực sự rõ nét như Trung Quốc song nếu liên kết, tận dụng nguồn lực của các bên một cách hiệu quả, hỗ trợ song hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp xuyên suốt quá trình, không chỉ từ khâu lên ý tưởng đến kết quả nghiên cứu, ươm tạo, tăng tốc, đến kêu gọi đầu tư sẽ là bước đệm vững chắc cho việc tìm kiếm một mô hình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp. Tất nhiên hoạt động liên kết này cần được thực hiện ở cả cấp độ địa phương và quốc gia.

4. Kết luận

Nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc đã được xây dựng ngay sau khi công cuộc cải cách và mở cửa (1978) được tiến hành, đặc biệt từ sau chiến lược “Khởi nghiệp và đổi mới đại chúng” đã dần trở nên hoàn thiện. Trong giai đoạn 2012-2022, các công ty khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo đã trở thành lực lượng chủ đạo của tinh thần kinh doanh, động lực phát triển mới của nền kinh tế Trung Quốc và một trong các động lực tăng trưởng GDP chủ yếu của Trung Quốc. Dựa trên việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng những định hướng dài hạn khác của chính phủ, Trung Quốc đã chuyển đổi thành công nền kinh tế của mình từ sản xuất sang phát triển công nghệ cao, trở thành một cường quốc kinh tế - công nghệ với khả năng cạnh tranh sòng phẳng với vị thế bá chủ hiện nay của Mỹ.

(Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Hà Nội, Đề tài mã số QG-20.35)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Colin Mason, Dr. Ross Brown (2014), “Entrepreneurial Ecosystems and Growth-Oriented Entrepreneurship”, OECD, The Hague, Netherlands.
  2. WIPO, Cornell University (2022), “Global Innovation Index 2022 What is the future of innovation driven growth?”.
  3. Startup Blink (2022), "Global Startup Ecosystem Index 2022”, https://www. startupblink.com/startupecosystemreport.
  4. 中国青年创业就业基金会, 2022, "中国青年创业发展报告2022" (Quỹ việc làm và khởi nghiệp Thanh niên Trung Quốc, 2022, Báo cáo phát triển doanh nhân thanh niên Trung Quốc 2022).
  5. BambuUp, "Báo cáo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022", https://bambuup. com/resources/388/resources-bao-cao-he-sinh-thai-doi-moi-sang-tao-mo-viet-nam-2022-ban-tieng-viet?_gl=1*12smc0i*_ ga*MTY0NzY2NjE3My4xNjgyNTU1Mzg0*_ga_PEFWNS8LEB*MTY4MjU1NTM4NC4xLjEuMTY4MjU1NTM5OC4wLjAuMA.
  6. Viện nghiên cứu Hurun, "Global Unicorn Index 2022 Half-Year Report", https://www. waitang.com/report/329920.html.
  7. 中国政府网,2015, "国务院办公厅关于发展众创空间推进大众创新创业的指导意见”, (Cổng thông tin điện tử Chính phủ Trung Quốc, 2015, Ý kiến ​​​​chỉ đạo của Văn phòng Quốc vụ viện về phát triển không gian sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đại chúng), http://www.gov.cn/zhengce/content/2015-03/11/content_9519.htm.
  8. Phan Thị Thanh Bình (2020), “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trung Quốc: Thực trạng và chính sách”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 4.
  9. Institute for Security & Development Policy (2018), "Made in China 2025", https://isdp.eu/content/uploads/2018/06/Made-in-China-Backgrounder.pdf.
  10. 科学技术部火炬高技术产业开发中心, 2022,《中国创业孵化发展报告(2022)》发布 (Trung tâm Phát triển Công nghệ cao Torch, Bộ Khoa học và Công nghệ, 2022, "Phát hành báo cáo về sự phát triển của các vườn ươm doanh nhân Trung Quốc 2022"), http://www. chinatorch.gov.cn/kjb/hjdt/202209/ba72e1e68 bc946d7a80f48a8ab690bd6.shtml.

 

 


 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] TS., Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2] Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[3] Colin Mason, Dr. Ross Brown (2014), "Entrepreneurial Ecosystems and Growth-Oriented Entrepreneurship", tr. 4, OECD, The Hague, Netherlands.

[4] WIPO, Cornell University, INSEAD (2022), "Global Innovation Index 2022 What is the future of innovation driven growth?", tr. 48-51.

[5] Startup Blink (2022), "Global Startup Ecosystem Index 2022", https://www.startupblink.com/startupecosystem report, truy cập ngày 4/12/2022.

[6] Kinh tế 4 đổi mới là chính sách của chính phủ Trung Quốc đề cập đến 4 hình thức kinh tế: công nghệ mới, ngành công nghiệp mới, định dạng mới và mô hình mới.

[7] 中国外留网, "市场监管总局发布最新数据:截至2022年8月底 登记在册市场主体达1.63亿户 相比2012年底的5500万户 净增超1亿户年平均增幅12%" 2022 (Mạng ngoại thương Trung Quốc, Số liệu mới nhất của Tổng cục Giám sát thị trường Trung Quốc: Tính đến cuối tháng 8/2022 có 163 triệu doanh nghiệp đăng ký mới trên thị trường, đến cuối năm 2022 đã tăng thêm 55 triệu doanh nghiệp  đăng ký mới, tương đương với mức tăng trên 100 triệu doanh nghiệp đăng ký mới mỗi năm, tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm tăng 12%), http://info.fayiyi.com/20221010/97447.html, truy cập ngày 26/11/2022.

[8] 中国青年创业就业基金会 (2022),  "中国青年创业发展报告2022", tr. 32 (Quỹ Việc làm và khởi nghiệp thanh niên Trung Quốc 2022, Báo cáo phát triển khởi nghiệp thanh niên Trung Quốc năm 2022).

[9] 中国政府网, "国务院办公厅关于发展众创空间推进大众创新创业的指导意见", 2015 (Mạng Chính phủ Trung Quốc, “Ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Quốc vụ viện về việc  phát triển  không gian sáng tạo, thúc đẩy  khởi nghiệp sáng tạo đại chúng), http://www.gov.cn/ zhengce/content/2015-03/11/content_ 9519.htm, truy cập ngày 4/12/2022.

[10] Institute for Security & Development Policy (2018), "Made in China 2025", https://www.startupblink.com/ startupecosystemreport, truy cập ngày 4/12/2022.

[11] 中国政府网, "国务院办公厅关于发展众创空间推进大众创新创业的指导意见" (2016) (Mạng Chính phủ Trung Quốc, Ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Quốc vụ viện về việc phát triển không gian sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo đại chúng), https://wcsyq.chycci. gov.cn/NewsDetail.aspx?id=27402, truy cập ngày 8/12/2022.

[12] 科学技术部火炬高技术产业开发中心,《中国创业孵化发展报告(2022)》发布 (Trung tâm Khai thác phát triển  doanh nghiệp công nghệ cao Ngọn đuốc sáng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ), http://www.chinatorch. gov.cn/kjb/hjdt/202209/ba72e1e68bc946d7a80f48a8ab690bd6.shtml, truy cập ngày 26/11/2022.

[13] Quỹ Việc làm và khởi nghiệp thanh niên Trung Quốc 2022, Báo cáo phát triển khởi nghiệp thanh niên Trung Quốc năm 2022, Tlđd.

0thảo luận