Trang chủ

Kinh tế Nhật Bản năm 2022: Một số đặc điểm nổi bật và chính sách ứng phó

Đăng ngày: 19-11-2024, 08:39 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 3

Trần Ngọc Nhật1

Tóm tắt: Năm 2022, nền kinh tế Nhật Bản đã có những dấu hiệu phục hồi. Tăng trưởng kinh tế đạt 3,8%, vượt mức ước tính ban đầu là 2,2% và tăng 0,9% so với kỳ vọng của thị trường. Xuất khẩu giữ ở mức ổn định nhờ vào những dấu hiệu suy yếu trong mâu thuẫn thương mại Trung – Mỹ. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại quốc tế của Nhật Bản lại trở nên bấp bênh hơn, vào năm 2022, cán cân thương mại của Nhật Bản đã thâm hụt kỷ lục 11.010 tỷ yên (73 tỷ USD). Dự báo tăng trưởng của Nhật Bản trong năm tài chính 2023 (bắt đầu từ tháng 4/2023 và kết thúc vào tháng 3/2024) đã được điều chỉnh tăng, theo đó GDP thực tế tăng 1,5% so với năm 2022 lên khoảng 558,5 nghìn tỷ yên. Các chính sách kích thích kinh tế mới của Nhật Bản chắc chắn sẽ có những tác động đáng kể đến nền kinh tế Nhật Bản trong năm 2023.

Từ khóa: Kinh tế, chính sách kích thích kinh tế, Nhật Bản

 


1. Một số đặc điểm nổi bật của kinh tế Nhật Bản năm 2022

1.1. Tốc độ tăng trưởng GDP được cải thiện

Nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng 3,5% trong quý II năm 2022 (so với dữ liệu sơ bộ là tăng 2,2%) đánh bại dự báo thị trường về mức tăng 2,9% và tăng mạnh từ mức tăng 0,2% đã được điều chỉnh tăng trong quý I. Nền kinh tế tăng trưởng nhờ sự gia tăng mạnh mẽ trong tiêu dùng tư nhân và chi tiêu của chính phủ khi tình hình COVID-19 được cải thiện với tất cả các hạn chế được dỡ bỏ. Ngoài ra, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng còn nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong tâm lý kinh doanh và xuất khẩu ròng đóng góp tích cực vào GDP với xuất khẩu tăng mạnh hơn nhiều so với nhập khẩu. Theo số liệu thống kê, tiêu dùng cá nhân chiếm hơn 50% GDP của Nhật Bản (tăng 1,2% trong quý II/2022) sau khi chính phủ nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 đối với các hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, chi tiêu vốn của các doanh nghiệp Nhật Bản trong quý II cũng đã tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu trong giai đoạn này cũng tăng 0,9% trong khi nhập khẩu được điều chỉnh giảm xuống 0,6% so với ước tính trước đó. Như vậy, quý II là quý thứ 3 liên tiếp GDP của Nhật Bản tăng trưởng, đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này trở về quy mô như thời điểm trước đại dịch COVID-19[2].

Theo đánh giá, tốc độ phục hồi của Nhật Bản chậm hơn trong quý III/2022 bởi các hộ gia đình trở nên thận trọng hơn trước nguy cơ dịch COVID- 19 bùng phát do biến chủng mới cùng với các yếu tố rủi ro khác như lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chững lại.


Biểu đồ 1: Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm (đơn vị: %)

Nguồn: https://tradingeconomics.com/japan/gdp-growth-annualized


1.2. Cán cân thương mại không bền vững

Trong năm 2022, lĩnh vực thương mại quốc tế của Nhật Bản vẫn bấp bênh, không ổn định. Nhật Bản đã thâm hụt thương mại kỷ lục 11.010 tỷ yên (73 tỷ đô la Mỹ (USD) trong nửa đầu tài khóa 2022 (bắt đầu từ ngày 1/4/2022) do kim ngạch nhập khẩu tăng bởi giá nguyên liệu và năng lượng cao hơn. Thêm vào đó, đồng yên giảm giá so với đồng USD xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ cũng góp phần thúc đẩy mức thâm hụt thương mại của Nhật Bản. Thâm hụt thương mại gia tăng cho thấy tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Trong khi đó, đồng yên yếu hơn từng được ủng hộ như một lợi ích cho các nhà xuất khẩu được xem là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản.

Mức thâm hụt thương mại cao nhất trong năm được ghi nhận là 2.817,3 tỷ yên vào tháng 8/2022, đây là mức thâm hụt thương mại lớn nhất được ghi nhận[3]. Trong tháng 12/2022, mức thâm hụt thương mại của Nhật Bản là 1.451 tỷ yên, đánh dấu tháng thâm hụt thứ 17 liên tiếp, kéo dài nhất kể từ năm 2015 và làm tăng thêm lo ngại về sức mạnh phục hồi kinh tế của đất nước. Thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng là dấu hiệu cho thấy cơ hội của sự phục hồi kinh tế Nhật Bản ngày càng mong manh vốn không có nhiều đột phá trong thời gian qua. Nguyên nhân chủ yếu do đồng yên mất giá và giá dầu thô tăng vọt. Các công ty Nhật Bản hiện đang phải trả chi phí rất cao cho nguồn hàng nhập khẩu do đồng yên trượt xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua và nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái.

Biểu đồ 2: Cán cân thương mại Nhật Bản năm 2022 (đơn vị: tỷ yên)


Nguồn: https://tradingeconomics.com/japan/balance-of-trade

 

Dữ liệu Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này cao hơn mức trung bình mà thị trường dự báo là 46,7% đồng thời cao gấp đôi so với kim ngạch xuất khẩu (22,1%). Việc nhập khẩu dầu từ các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và than, khí hoá lỏng từ Australia đã khiến tổng kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh.

Ở cấp độ khu vực, xuất khẩu sang Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, đã tăng 17,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Các lô hàng đến Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng 45,2% trong tháng 9. “Xuất khẩu gần đây không tăng nhiều về khối lượng ngay cả khi đồng yên giảm giá. Sự chậm lại ở các nền kinh tế nước ngoài có thể làm cho xu hướng này trở nên tồi tệ hơn, và tôi nghĩ đó là rủi ro lớn hơn đối với nền kinh tế so với sự biến động của tiền tệ”, ông Taro Saito, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu NLI Nhật Bản cho biết[4].

Theo ông Takeshi Minami, nhà kinh tế  tại Viện nghiên cứu Norinchukin, “kim ngạch nhập khẩu đang tăng do giá hàng hóa tiếp tục leo thang và tình trạng gián đoạn nguồn cung vẫn chưa được giải quyết, còn xuất khẩu thì ngày càng ì ạch”. Báo cáo thương mại vừa công bố cũng cho thấy tỉ giá hối đoái trung bình là 135,08 yên/USD thấp hơn 22,9% so với một năm trước. Đồng yên đã tiếp tục trượt giá so với đồng USD trong năm nay do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát tràn lan, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn duy trì lãi suất ở mức siêu thấp. Lập trường khác biệt đó đã khiến đồng yên sụt giảm mạnh sau khi thông tin lạm phát tháng 8 ở Mỹ cao hơn dự kiến được công bố. Điều này tạo động lực để BOJ tiến hành một đợt kiểm tra tỉ giá hiếm hoi đồng thời củng cố những cảnh báo về khả năng can thiệp từ Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki. “Sự sụt giảm của đồng yên có tác động khác nhau đối với các công ty và hộ gia đình. Nó giúp các công ty xuất khẩu và tăng doanh số bán hàng ra nước ngoài bằng USD. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là thu nhập thực tế của các hộ gia đình sẽ giảm”, ông Taro Saito cho biết.

1.3. Chỉ số niềm tin kinh doanh ổn định

Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) ổn định là một chỉ số hàng đầu trong việc đo lường sức khỏe tổng thể của nền kinh tế. Chỉ số niềm tin kinh doanh là một chỉ số hàng đầu cho sự phát triển trong tương lai ở các quốc gia. Về cơ bản, niềm tin kinh tế và kinh doanh cho thấy sự lạc quan của các nhà quản lí doanh nghiệp về triển vọng kinh tế ở một quốc gia hoặc khu vực. Nó cũng thể hiện tổng quan về cách mà mọi người thấy trước được nền kinh tế.

Biểu đồ 3: Chỉ số niềm tin kinh doanh hàng năm (đơn vị: điểm)

Nguồn: https://tradingeconomics.com/japan/business-confidence

Theo cuộc khảo sát doanh nghiệp Tankan của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chỉ số niềm tin kinh doanh của các nhà sản xuất lớn tại Nhật Bản đã giảm xuống còn 7 điểm trong quý 4 năm 2022 từ mức 8 điểm trong quý 3 và cao hơn mức đồng thuận của thị trường là 6 điểm. Đây là chỉ số thấp nhất kể từ quý 1 năm 2021, trong bối cảnh chi phí tăng, đồng yên giảm và các quy định nghiêm ngặt về COVID-19 của Trung Quốc. Niềm tin suy yếu ở các doanh nghiệp sản xuất hóa chất (8 điểm so với 16 điểm trong quý III), máy móc sản xuất (30 điểm so với 33 điểm), máy móc điện (18 điểm so với 20 điểm) và vật liệu cơ bản (3 điểm so với 8 điểm). Đồng thời, tâm lý vẫn lạc quan giữa các công ty sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ (-7 điểm so với -7 điểm), dệt may (-3 điểm so với -9 điểm), bột giấy & giấy (-22 điểm so với -14 điểm), thực phẩm và đồ uống (-8 điểm so với -14 điểm), tàu và máy hạng nặng (-12 điểm so với -19 điểm) và phương tiện cơ giới (-14 điểm so với -15 điểm). Ngoài ra, tâm trạng giảm mạnh đối với các công ty sản xuất các sản phẩm từ dầu mỏ và than đá (-33 điểm so với 7 điểm)[5].

1.4. Tỷ lệ thất nghiệp có giảm mặc dù cũng có thăng trầm

COVID-19 rõ ràng đã có tác động thật khắc nghiệt đối với thị trường lao động toàn cầu. Tính từ khi đại dịch khởi phát đến tháng 7/2021, COVID-19 đã cướp đi 22 triệu việc làm, chỉ tính riêng các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, người lao động thế giới không buông xuôi, họ vẫn tìm đủ mọi cách để ứng phó. Người lao động Nhật Bản cũng như vậy. Hồi tháng 4/2020, khoảng 3 tháng sau khi Trung Quốc trải qua đợt bùng phát đầu tiên của COVID-19, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một loạt hành động khẩn cấp, khiến thị trường lao động biến động. Trong vòng 1 tháng, tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia này đã tăng 0,1% và cán mốc 2,6%. Sau đó, thị trường lao động Nhật Bản không tiếp tục xuống dốc thậm chí bắt đầu có tín hiệu “hồi sinh”, tỷ lệ thất nghiệp nhìn chung có giảm mặc dù cũng có thăng trầm.

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) thông báo trong tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng nhẹ từ 2,5% trong tháng trước đó lên 2,6%. Cụ thể, tổng số người thất nghiệp ở nước này tăng 80.000 người so với tháng trước đó lên 1,83 triệu người, trong khi tổng số người làm việc tăng thêm 130.000 lên 67,43 triệu người. Còn theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), trong tháng 9 tỷ lệ việc làm sẵn có ở nước này tăng 0,02 điểm so với tháng trước đó lên 1,34. Điều này có nghĩa là có 134 việc làm sẵn có cho 100 người tìm việc. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp tỷ lệ này tăng. Phần đông các doanh nghiệp Nhật Bản chấp nhận hy sinh lợi nhuận để đảm bảo phúc lợi cho người lao động nhằm ưu tiên sự bền vững lâu dài của doanh nghiệp thay vì tối đa hóa tăng trưởng. Do đó, ít người bị mất việc làm hơn mặc dù hậu quả của đại dịch vẫn nghiêm trọng. Nhiều khả năng tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản sẽ giảm trở lại trong tháng 10 bởi vì ngày 11/10, Chính phủ Nhật Bản đã mở cửa hoàn toàn cho du khách nước ngoài, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi của ngành du lịch và nhiều ngành dịch vụ khác[6].

Bên cạnh đó, môi trường làm việc của Nhật Bản rất áp lực, 22% người lao động phải làm việc hơn 50 giờ/tuần mặc dù thực tế giờ làm việc chính thức chính phủ quy định là 40 giờ/tuần. Nhận thức ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19 đến thị trường lao động, Chính phủ Nhật Bản thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu để đảm bảo an ninh việc làm cho công dân của mình, trong đó trợ cấp kịp thời cho người sử dụng lao động một khoản kinh phí để hạn chế người lao động phải nghỉ việc với thủ tục xin trợ cấp rất thuận tiện, dễ dàng.

Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản không tính tới những người lao động ngừng việc, nghỉ phép không lương… hay nói cách khác, người lao động thuộc diện này không bị coi là thất nghiệp. Nhìn chung, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản ở một mức độ ít hơn các quốc gia khác do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến tập quán làm việc của người lao động Nhật Bản và nỗ lực của chính phủ trong ổn định thị trường lao động. Ngày càng có nhiều du khách nước ngoài tới thăm các vùng nông thôn Nhật Bản, trong khi đó chỉ khoảng 15 triệu du khách nước ngoài thăm viếng các thành phố. Mức chênh lệch này nới rộng hơn so với năm 2015 khi có 10,2 triệu du khách nước ngoài tìm đến các miền quê Nhật Bản và 9,5 triệu du khách nước ngoài thưởng thức các điểm vui chơi, giải trí ở các thành phố. Theo Sách trắng về du lịch năm 2019, tiêu dùng của du khách nước ngoài ở các khu vực nông thôn đạt 1.036 nghìn tỷ yên (khoảng 9,67 tỷ USD) vào năm 2018, tăng 58% so với năm 2015. Tỷ lệ tiêu dùng của khách du lịch nước ngoài ở các khu vực nông thôn trong tổng chi tiêu của khách du lịch đạt 28,5% vào năm ngoái, cải thiện so với mức 23,6% của năm 2015 do ngày càng có nhiều du khách đến thăm các làng nghề nông và đánh cá, trượt tuyết và tham gia các môn thể thao mùa đông khác, đồng thời hòa mình vào thiên nhiên và văn hóa của Nhật Bản.

2. Một số chính sách kích thích kinh tế của Nhật Bản

Về tài chính, để đối phó với tác động của COVID-19, BOJ đã tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và duy trì sự ổn định trên thị trường tài chính bằng cách tiến hành nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ thông qua ba biện pháp sau: (1) chương trình hỗ trợ đặc biệt tài trợ trong ứng phó với đại dịch Coronavirus; (2) nguồn cung cấp tiền yên và ngoại tệ dồi dào và linh hoạt, chủ yếu bằng cách mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGBs) và tiến hành các hoạt động cung cấp vốn bằng đô la Mỹ và (3) mua các quỹ giao dịch hối đoái (ETF) và ủy thác đầu tư bất động sản Nhật Bản (J-REITs). Hiện tại, tình hình tài chính của các công ty vẫn còn yếu và dự kiến tác động của COVID-19 cần thêm một khoảng thời gian nữa để giảm bớt, do đó, BOJ đã quyết định kéo dài thời hạn của chương trình đặc biệt thêm sáu tháng cho đến cuối tháng 3 năm 2022. BOJ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các tác động của COVID-19 và không ngần ngại thực hiện các biện pháp nới lỏng bổ sung nếu cần thiết, đồng thời kỳ vọng chính sách lãi suất ngắn hạn và dài hạn sẽ ở mức ổn định hoặc thấp hơn. Về mặt điều hành chính sách tiền tệ, điều quan trọng trong lúc này là giải quyết tác động của COVID-19.

Về chi tiêu ngân sách, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc chi 1 nghìn tỷ yên (khoảng 8,1 tỷ USD) cho gói kích thích kinh tế mới nhằm giảm thiểu các tác động của việc giá năng lượng, thực phẩm và hàng hóa tăng đột biến trong thời gian qua. Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết gói kích thích kinh tế này chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ cho các lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu và ngũ cốc như vận tải và chăn nuôi. Thời gian qua, việc giá nhiên liệu và ngũ cốc đã tăng giá mạnh do ảnh hưởng tiêu cực của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine khiến các doanh nghiệp trong ngành vận tải và chăn nuôi ở Nhật Bản gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các hãng taxi và các doanh nghiệp chuyên vận tải người và hàng hóa tới các đảo xa dự kiến sẽ là những đối tượng nằm trong diện hỗ trợ của gói kích thích kinh tế mới nhất này[7].

Trước đó, Thủ tướng Kishida Fumio đã chỉ thị cho các bộ trưởng soạn thảo gói kích thích kinh tế mới. Ông nhấn mạnh gói kích thích kinh tế này sẽ được xây dựng để hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch và sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực gồm: hạn chế tác động của việc dầu thô tăng giá, ổn định nguồn cung thực phẩm, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và trợ giúp cho những người gặp khó khăn. Để tài trợ cho gói kích thích kinh tế mới, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ sử dụng một phần quỹ dự phòng có tổng trị giá 5.500 tỷ yên trong ngân sách tài khóa 2022. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc xây dựng dự thảo ngân sách bổ sung trong tài khóa 2022 trước khi diễn ra cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè tới để tài trợ cho một gói cứu trợ khác.

Trong phiên họp nội bộ của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản ngày 15/9/2022, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Koichi Hagiuda cho biết “đang xem xét xây dựng gói kích thích kinh tế mới trị giá 30.000 tỷ yên (khoảng 210 tỷ USD)”. Ông Hagiuda cho biết “đã chỉ thị cho từng tiểu ban để gấp rút soạn thảo một gói kích thích kinh tế để có thể đệ trình vào kỳ họp Quốc hội bất thường vào tháng sau. Dự thảo sẽ sớm được trình lên Chính phủ Nhật Bản vào giữa tháng này”. Theo ông Haiguda, trụ cột của gói kích thích kinh tế lần này là các biện pháp hỗ trợ bổ sung để đối phó với tình trạng giá cả hàng hóa tăng mạnh. Bên cạnh đó, dự thảo cũng sẽ đề xuất các biện pháp nhằm tận dụng tối đa sự giảm giá của đồng yên như khuyến khích du khách nước ngoài đến Nhật Bản và mở rộng xuất khẩu nông sản[8].

Ngày 28/10/2022, Nội các Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế mới có tổng trị giá 71.600 tỷ yên (hơn 490 tỷ USD) nhằm giảm bớt tác động của tình trạng giá cả hàng hóa leo thang tới các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ cho đà phục hồi vốn còn mong manh của nền kinh tế nước này. Trong gói kích thích kinh tế trên, tổng chi tiêu công, bao gồm đầu tư công và cho vay cũng như các khoản chi của các chính quyền địa phương, lên tới 39.000 tỷ yên. Phần còn lại là các khoản chi của khu vực tư nhân. Gói kích thích kinh tế mới nhất này được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% - mức lãi suất được cho là làm tăng áp lực giảm giá lên đồng yên và đẩy nền kinh tế đứng thứ ba thế giới vào vòng xoáy lạm phát.

Chính quyền của Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ hỗ trợ 7 yên/kWh điện tiêu thụ cho các hộ gia đình và 3,5 yên/kWh cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ 30 yên/m3 khí đốt tiêu thụ. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi tháng, bình quân một hộ gia đình sẽ được hỗ trợ khoảng 2.800 yên tiền điện và khoảng 900 yên tiền khí đốt. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản sẽ gia hạn chương trình trợ cấp cho các nhà nhập khẩu và bán buôn nhiên liệu nhằm giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Những hỗ trợ liên quan đến năng lượng như trên sẽ cho phép một hộ gia đình tiết kiệm được trung bình 5.000 yên/tháng, từ tháng 1 đến tháng 9/2023[9].

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tăng lương cho người lao động. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu lạm phát 2% của BOJ và hiện thực hóa chính sách tái phân phối của cải của Thủ tướng Kishida Fumio. Các biện pháp quan trọng khác của gói kích thích kinh tế gồm trợ cấp 100.000 yên/người cho phụ nữ đang mang thai; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất ngũ cốc, phân bón và thức ăn gia súc để tăng sản lượng trong bối cảnh nguồn cung các mặt hàng này đang trở nên khan hiếm do cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Về chính sách tiền lương, để hỗ trợ người dân trong tình trạng lạm phát tăng cao, Chính phủ Nhật Bản quyết định nâng lương tối thiểu theo giờ lên mức kỷ lục, áp dụng từ tháng 10 năm 2022. Nhật Bản quyết định tăng mức lương tối thiểu thêm 31 yên/giờ (0,24 USD). Đây là mức lương cao nhất trong lịch sử nước này từ trước đến nay. Theo đó, mức lương tối thiểu mỗi giờ trung bình ở Nhật Bản dự kiến sẽ tăng từ 930 yên (7,11 USD) lên đến 961 yên (7,35 USD) và quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 10 tới đây. Hội đồng Tiền lương quốc gia (thuộc cơ quan tư vấn cho Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản) đã quyết định tăng mức lương trung bình theo giờ trên toàn quốc thêm 3,3% so với hiện tại. Được biết, mức lương tối thiểu theo giờ ở mỗi khu vực là khác nhau, vì vậy sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia ra quyết định chính thức, chính quyền của từng địa phương sẽ tự đưa ra mức lương tối thiểu của mình. Bên cạnh đó, theo Viện Nghiên cứu kinh tế đời sống Daiichi, mức tăng lương tối thiểu ở Nhật những năm gần đây thấp hơn so với các nước trong khu vực đã khiến lực lượng lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động từ các nước Đông Nam Á giảm dần. Trong tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản thì lao động từ các nước ASEAN chiếm hơn 40%. Họ trở thành nguồn nhân lực chủ chốt giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động nghiêm trọng[10].

Cụ thể, chỉ số thu hút lao động đến từ Việt Nam giảm từ 36,7 điểm (năm 2011) xuống còn 20,5 điểm (năm 2021). Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo là vùng có mức lương tối thiểu cao nhất hiện nay với 1.041 yên/giờ (7,96 USD), theo sau là Kanagawa với 1.040 yên/giờ (7,95 USD), Osaka là 992 yên/giờ (7,58 USD). Trái lại, khu vực có mức lương tối thiểu thấp nhất Nhật Bản hiện nay là Okinawa với 820 yên/giờ (6,27 USD). Việc tăng mức lương tối thiểu không chỉ giúp người dân Nhật Bản giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống mà còn giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt nguồn lao động do tỉ lệ sinh thấp và già hóa dân số tại nước này.

Về thủ tục nhập cảnh, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thông báo kể từ ngày 7/9 sẽ nâng giới hạn về số lượng người được cấp phép nhập cảnh mỗi ngày từ mức 20.000 người hiện nay lên 50.000 người. Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ nối lại việc cấp phép nhập cảnh cho các du khách nước ngoài không đi theo các chương trình du lịch (tour) có tổ chức. Nhật Bản bắt đầu mở cửa có điều kiện cho khách du lịch nước ngoài từ ngày 10/6 sau hơn 2 năm đóng cửa vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, số lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản vẫn rất thấp do các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt của nước này. Các biện pháp này bao gồm: buộc du khách phải đăng ký tour theo nhóm qua một công ty lữ hành và có các hướng dẫn viên du lịch đi kèm, đồng thời phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên và mua bảo hiểm để chi trả các chi phí chăm sóc sức khỏe trong trường hợp họ mắc COVID-19.

Đến ngày 11/10/2022, Nhật Bản đã mở cửa du lịch hoàn toàn cho du khách quốc tế thay vì chỉ giới hạn ở mức 50.000 người/ngày như trước đó cũng như dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế du lịch cá nhân và hạn chế di chuyển miễn thị thực. Du khách khi nhập cảnh Nhật Bản chỉ cần hoàn tất tiêm 3 mũi vắc xin trở lên loại đã được WHO công nhận hoặc có giấy xét nghiệm âm tính nếu chưa tiêm đủ 3 mũi. Trước đó, khách du lịch nước ngoài muốn vào Nhật Bản phải qua các công ty du lịch và phải xin thị thực[11].

Tóm lại, năm 2022 là một năm tăng trưởng trở lại đối với nền kinh tế Nhật Bản trên nhiều phương diện: tốc độ tăng trưởng kinh tế, cán cân thương mại quốc tế, niềm tin kinh doanh, chỉ số lạm phát… Tính chung cả năm 2022, GDP thực tế của Nhật Bản ước đạt khoảng 546.000 tỷ yên (tương đương 4.100 tỷ USD), tăng 1,1% so với năm 2021, đánh dấu năm tăng trưởng thứ hai của nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng lên tới 2,1% trong năm 2021, mức tăng trưởng của năm 2022 còn khá thấp. Nhân tố quan trọng giúp nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trong năm 2022 là nhu cầu tiêu dùng cá nhân tăng 2,4%, chủ yếu nhờ việc Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế sau dịch COVID-19.

Dự báo tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản trong năm tài chính 2023 sẽ đạt 1,5%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Nhật Bản là tiêu dùng cá nhân và đầu tư doanh nghiệp có triển vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Dự báo tăng trưởng kinh tế đạt mức cao như vậy là nhờ Chính phủ Nhật Bản đã sẵn sàng đối phó với sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu nhờ nhu cầu nội địa tăng mạnh được hỗ trợ bởi việc mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch quốc tế. Đồng thời đây cũng là cơ sở để Chính phủ Nhật Bản xây dựng dự thảo ngân sách sắp tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. H. Hà, “Kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng”, https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/kinh-te-nhat-ban-tiep-tuc-tang-truong-619107.html.
  2. Phúc Minh, “Nhật Bản dẫn đầu các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam năm 2022”, https://vneconomy.vn/nhat-ban-dan-dau-cac-thi-truong-tiep-nhan-lao-dong-viet-nam-nam-2022.htm
  3. M. Hiệp, “Tăng cường kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản”, https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tang-cuong-ket-noi-giao-thuong-giua-doanh-nghiep-viet-nam-va-nhat-ban-1491901477.
  4. Nguyễn Tuyết, “Thâm hụt thương mại Nhật Bản tăng kỷ lục trong tháng 8”, https://www.nguoiduatin.vn/tham-hut-thuong-mai-nhat-ban-tang-ky-luc-trong-thang-8-a569728.html.
  5. Tùng Anh , “Nhật Bản: Tỷ lệ thất nghiệp giảm trong 3 tháng liên tiếp”, http://tapchi baohiemxahoi.gov.vn/nhat-ban-ty-le-that-nghiep-giam-trong-3-thang-lien-tiep-92400.html.
  6. Đào Tùng , “Nhật Bản dự định chi 8,1 tỷ USD cho gói kích thích kinh tế mới”, https://bnews.vn/nhat-ban-du-dinh-chi-8-1-ty-usd-cho-goi-kich-thich-kinh-te-moi/238689. html.
  7. Đào Tùng , “Vì sao giới doanh nghiệp Nhật Bản quan ngại về dự luật an ninh kinh tế?”, https://bnews.vn/vi-sao-gioi-doanh-nghiep-nhat-ban-quan-ngai-ve-du-luat-an-ninh-kinh-te/234 078.html.
  8. Phạm Tuân, “Sống chung an toàn với COVID-19: Nhật Bản rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh vì mục đích kinh doanh”, https://ncov.vnanet.vn/tin-tuc/song-chung-an-toan-voi-covid-19-nhat-ban-rut-ngan-thoi-gian-cach-ly-doi-voi-nguoi-nhap-canh-vi-muc-dich-kinh-doanh/d0448423-9f80-4a34-ab6d-1306b0dc0083.
  9. Đỗ Thị Ánh, “Kinh tế Nhật Bản 2023: Dự báo tăng trưởng GDP đạt 1,5%”, http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=1637.
  10. “Japan Q3 Business Mood Weakest in 6 Quarters”, https://tradingeconomics.com/japan/ business-confidence.
  11. Japan Exports Grow More than Estimated”, https://tradingeconomics.com/ japan/exports-yoy.
  12. Japan Imports Hit New Peak”, https://tradingeconomics.com/japan/imports-yoy.
  13. “Japan Q2 GDP Growth Annualized Expands 3.5%”, https://tradingeconomics.com/ japan/gdp-growth-annualized.
  14. “Japan Trade Gap Jumps Sharply”, https://tradingeconomics.com/japan/balance-of-trade.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] H. Hà, “Kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng”, https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/kinh-te-nhat-ban-tiep-tuc-tang-truong-619107.html.

[3] Minh Trang, “Nhật Bản thâm hụt thương mại cao kỷ lục trong nửa đầu tài khóa 2022”, https://mof.gov.vn/ webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDoc Name=MOFUCM248763.

[4] Nguyễn Tuyết , “Thâm hụt thương mại Nhật Bản tăng kỷ lục trong tháng 8”, https://www.nguoiduatin.vn/tham-hut-thuong-mai-nhat-ban-tang-ky-luc-trong-thang-8-a569728.html.

[5] Bank of Japan, “Japan Q4 Business Mood Lowest in 7 Quarters”, https://tradingeconomics.com/japan/business-confidence.

[6] Tùng Anh, “Nhật Bản: Tỷ lệ thất nghiệp giảm trong 3 tháng liên tiếp”, https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn//chi-tiet.aspx?id=92400.

[7] Đào Tùng, “Nhật Bản dự định chi 8,1 tỷ USD cho gói kích thích kinh tế mới”, https://bnews.vn/nhat-ban-du-dinh-chi-8-1-ty-usd-cho-goi-kich-thich-kinh-te-moi/238689.html.

[8] Phạm Tuân, “Nhật Bản đang xem xét xây dựng gói kích thích kinh tế hơn 200 tỷ USD”, https://bnews.vn/nhat-ban-dang-xem-xet-xay-dung-goi-kich-thich-kinh-te-hon-200-ty-usd/258486.html.

[9] Ban Thời sự, “Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế hơn 490 tỷ USD”, https://vtv.vn/kinh-te/nhat-ban-thong-qua-goi-kich-thich-kinh-te-hon-490-ty-usd-20221029100 941515.htm.

[10] Uyên Phương, “Nhật Bản tăng lương tối thiểu theo giờ lên mức kỷ lục”, https://tuoitre.vn/nhat-ban-tang-luong-toi-thieu-theo-gio-len-muc-ky-luc-20220802121218623. htm.

[11] Đào Thanh Tùng, “Nhật Bản nâng giới hạn người nhập cảnh, mở cửa hơn cho khách du lịch”, https://www. vietnamplus.vn/nhat-ban-nang-gioi-han-nguoi-nhap-canh-mo-cua-hon-cho-khach-du-lich/813931.vnp.

0thảo luận