Lê Đăng Minh1, Lưu Ngọc Trịnh2
Tóm tắt: Cho đến nay, hầu hết các hình thức xuất khẩu lao động Việt Nam sang Nhật Bản đều tăng trưởng nhanh, có quy mô và chiếm thị phần lớn. Tuy vậy, trong thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản, lao động Việt Nam đã bộc lộ khá nhiều vấn đề và điểm yếu, như trình độ chuyên môn và tay nghề thấp, cơ cấu việc làm mất cân đối, vi phạm pháp luật và tập quán xã hội của nước sở tại… Những vấn đề này đã ảnh hưởng khá tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam nói chung và lao động Việt Nam nói riêng. Nguyên nhân chủ yếu là do trước khi sang Nhật Bản làm việc, lao động Việt Nam chưa được chuẩn bị tốt về kiến thức chuyên môn và tay nghề, chưa được đào tạo và huấn luyện chu đáo về đạo đức nghề nghiệp, cũng như những hiểu biết đầy đủ về các khía cạnh xã hội, văn hóa và luật pháp Nhật Bản… Để tận dụng tốt thị trường lao động Nhật Bản, bài viết kiến nghị một số giải pháp chủ yếu giúp cải thiện năng lực cứng và mềm cho lao động Việt Nam trước khi đưa họ sang Nhật Bản làm việc và học tập trong tương lai.
Từ khóa: Xuất khẩu lao động, chất lượng nguồn nhân lực, Nhật Bản, Việt Nam
1. Tình hình xuất khẩu lao động Việt Nam sang Nhật Bản hiện nay
Cho đến năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra, xuất khẩu lao động Việt Nam sang Nhật Bản thường tăng với tốc độ gấp 4-5 lần tốc độ tăng của xuất khẩu lao động Việt Nam nói chung. Nhờ đó, xuất khẩu lao động Việt Nam sang Nhật Bản ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số lao động xuất khẩu Việt Nam ra toàn thế giới, thường dao động trong khoảng 23,3% (2015) đến 54,3% (2019). Mặc dù do đại dịch Covid-19, lao động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và sang Nhật Bản nói riêng có giảm mạnh, song Nhật Bản vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số lao động xuất khẩu của Việt Nam trong các năm 2020 và 2022 (bảng 1).
Trước đây, Trung Quốc là quốc gia luôn đứng đầu về số lượng lao động tại Nhật Bản, trong những năm gần đây, với những chính sách hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản được đẩy mạnh thì số lượng người Việt đến Nhật Bản làm việc tăng cao hơn. Ngày 27/01/2023, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) thông báo, tính tới cuối tháng 10/2022, số người nước ngoài đang làm việc ở Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục là 1.822.725 người, tăng 5,5% so với thời điểm cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số người có quốc tịch Việt Nam đông nhất lên tới 462.384 người, chiếm 25,4%. Tiếp theo là công dân Trung Quốc (385.848 người, chiếm 21,2%) và Philippines (206.050 người, chiếm 11,3%)[3].
Bảng 1: Xuất khẩu lao động Việt Nam ra thế giới và sang Nhật Bản
(Đơn vị: Người)
Năm |
XKLĐ nói chung |
XKLĐ VN sang NB |
Tỉ lệ (2)/(1) (%) |
||
Số lượng (1) |
Tốc độ (%) |
Số lượng (2) |
Tốc độ (%) |
||
2015 |
115.980 |
- |
27.010 |
- |
23,3 |
2016 |
129.289 |
11,5 |
39.938 |
47,9 |
30,1 |
2017 |
134.751 |
4,2 |
54.504 |
36,5 |
40,4 |
2018 |
142.860 |
6,0 |
68.373 |
25,4 |
47,9 |
2019 |
147.387 |
3,2 |
80.002 |
17,0 |
54,3 |
2020 |
78.641 |
- 46,6 |
28.500 |
-64,4 |
36,2 |
2021 |
45.000 |
-42,8 |
- |
- |
- |
2022 |
142.779 |
317,3 |
67.295 |
- |
47,1 |
Nguồn: Cục Xuất khẩu lao động nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu lao động sang Nhật Bản chủ yếu theo các hình thức: chương trình thực tập sinh kỹ năng; chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA); chương trình lao động kỹ năng đặc định; chương trình lao động kỹ thuật, phiên dịch viên; lao động xây dựng, đóng tàu.
1.1. Thực tập sinh kỹ năng - chương trình hợp tác lao động lớn nhất
Trong chương trình thực tập sinh kỹ năng (TITP), Việt Nam là quốc gia có số lao động xuất khẩu sang Nhật Bản tăng nhanh nhất trong 10 năm (tới năm 2018), với tốc độ tăng 31,9%, so với 26,6% của Trung Quốc, và 21,7% của Indonesia[4]. Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến giữa năm 2022, đã có trên 370 nghìn thực tập sinh trong tổng số gần 500 nghìn lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, đứng đầu trong 15 nước ký kết phái cử lao động sang Nhật Bản[5].
Theo Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và cư trú Nhật Bản, tính đến hết tháng 10/2019, Việt Nam đứng đầu, chiếm 50,5% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản. Tiếp theo là Trung Quốc, chiếm 22,6%, Philippines, chiếm 9,1% và Indonesia, chiếm 8,5%. Thực tập sinh Việt Nam làm việc chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo (gồm cả sản xuất đồ ăn, uống), xây dựng và nông nghiệp. Các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục có đánh giá tích cực đối với thực tập sinh Việt Nam, nhất là những thực tập sinh năm thứ tư và thứ năm về tay nghề[6].
1.2. Du học sinh
Trong 10 năm qua, số lao động Việt Nam đi Nhật Bản theo chương trình du học sinh cũng tăng khá mạnh, tới hơn 17,3 lần (bảng 2). Điều đó, chủ yếu là do: (i) Chính phủ Nhật Bản có nhiều chương trình thu hút các du học sinh nước ngoài đến Nhật Bản làm việc và học tập; (ii) so với các quốc gia khác, điều kiện được làm thêm cho các du học sinh nước ngoài ở Nhật Bản dễ dàng và thoáng hơn; (iii) điều kiện kinh tế của Nhật Bản và Việt Nam ngày càng xích lại gần nhau một cách tương đối đã tạo thuận lợi cho các du học sinh Việt Nam; và (iv) trình độ học vấn của các ứng viên du học của Việt Nam ngày càng cao khiến số du học sinh có thể học tiếp lên bậc cao hơn trong thời gian vừa làm vừa học ở Nhật Bản tăng.
Bảng 2: Số lượng du học sinh làm việc tại Nhật Bản
Năm |
Số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (người) |
Tốc độ tăng (%) |
2010 |
3.597 |
- |
2011 |
4.033 |
12,1 |
2012 |
4.373 |
8,4 |
2013 |
6.290 |
14,8 |
2014 |
26.439 |
419,0 |
2015 |
38.882 |
47,1 |
2016 |
53.807 |
38,4 |
2017 |
61.671 |
14,6 |
2018 |
72.354 |
17,3 |
2019 |
73.389 |
1,4 |
2020 |
62.233 |
-15,2 |
Nguồn: Thanh Nga, “Lý do du học sinh Việt Nam tới Nhật ngày càng nhiều”, https://locobee.com/mag/vi/2022/06/23/li-do-du-hoc-sinh-viet-nam-toi-nhat-ngay-cang-nhieu/, truy cập ngày 23/6/2022.
Trước năm 2020, số lượng sinh viên nước ngoài nhập học tại các trường đại học, trường dạy tiếng Nhật và các cơ sở giáo dục khác ở Nhật Bản đã tăng 7 năm liên tiếp, đạt mức cao kỷ lục 312.214 người vào tháng 5/2019. Tuy vậy, từ năm 2020, do đại dịch Covid-19 nên nhiều du học sinh nước ngoài phải hủy bỏ hoặc hoãn kế hoạch học tập của mình ở Nhật Bản, khiến lượng du học sinh nhập cảnh Nhật Bản giảm mạnh. Chẳng hạn, mặc dù tính đến tháng 5/2020, số lượng du học sinh Trung Quốc đang học tập tại Nhật Bản giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, song vẫn đứng đầu với 121.845 người; Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ hai với 62.233 người, mặc dù giảm 15,2%; tiếp theo là Nepal với 24.002 người, giảm 8,8%; số lượng du học sinh đến từ Hàn Quốc giảm 13,9%, xuống còn 15.785 người, trong khi du học sinh đến từ Đài Loan giảm tới 26%, xuống còn 7.088 người[7].
Du học sinh là loại lao động được phía Nhật Bản đánh giá cao do đem lại lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục tại Nhật Bản không những bằng cách bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động của ngành dịch vụ Nhật Bản như là nguồn cung cấp lao động bán thời gian cho các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khách sạn… mà còn là nguồn thu đáng kể cho ngành giáo dục Nhật Bản.
1.3. Kỹ năng đặc định và lao động có trình độ chuyên môn cao
Từ tháng 5/2019, lao động kỹ năng đặc định[8] nước ngoài đầu tiên nhập cảnh Nhật Bản là người Việt Nam và theo số liệu chính thức, đến hết tháng 11/2019, trong tổng số 544 lao động kỹ năng đặc định nước ngoài nhập cảnh Nhật Bản, Việt Nam chiếm tỉ lệ cao nhất 51,5% hay 280 người. Đối với lao động có trình độ chuyên môn cao, hiện có gần 5.000 lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên đang làm việc tại Nhật Bản theo visa kỹ thuật, nhân văn... Trong số này, nhiều lao động là du học sinh tốt nghiệp trường cao đẳng nghề, đại học rồi ở lại làm việc, nhưng cũng có ngày càng nhiều lao động được tuyển trực tiếp từ Việt Nam sang theo hợp đồng cá nhân[9]. Lao động Việt Nam loại này cũng luôn được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về trình độ, năng lực.
1.4. Các chương trình tuyển dụng thực tập sinh hộ lý và điều dưỡng EPA
Đây là chương trình xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng và hộ lý sang Nhật Bản, kết quả của Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản ký năm 2012. Năm 2019 là năm thứ hai Việt Nam tham gia kỳ thi quốc gia Nhật Bản theo Chương trình tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý EPA. Kết quả đã có 93 người đỗ trong số 106 hộ lý Việt Nam tham gia, đạt tỷ lệ 87,7%, cao hơn mức đỗ bình quân và cao hơn nhiều so với tỷ lệ đỗ của một số nước Đông Nam Á.
Đối với điều dưỡng, năm 2019 có 48 điều dưỡng Việt Nam dự thi, kết quả có 23 người đỗ, đạt tỷ lệ 47,9%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ đỗ của điều dưỡng EPA Indonesia và Philippines. Về thực tập sinh hộ lý, đến nay, thực tập sinh hộ lý Việt Nam vẫn chiếm số lượng đông nhất tại Nhật Bản với khoảng 1.000 người.
Sau 10 năm thực hiện chương trình (2012-2022), Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với phía Nhật Bản đã triển khai 10 khóa với 2.012 ứng viên được tuyển chọn và đào tạo, trong đó 8 khóa đầu tiên có 1.746 điều dưỡng, hộ lý đã xuất cảnh sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản[10].
Mặc dù số lượng công ty được phép ngày càng tăng, nhưng số lượng thực tập sinh hộ lý sang Nhật Bản làm việc không tăng nhiều, do nguồn ứng viên hạn chế, cộng thêm thời gian đào tạo dài. Các cơ sở tiếp nhận ở Nhật Bản đánh giá cao thực tập sinh hộ lý Việt Nam và có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn.
2. Sự hấp dẫn của thị trường Nhật Bản đối với lao động xuất khẩu Việt Nam
Cho đến nay, Nhật Bản vẫn được đánh giá là một thị trường xuất khẩu lao động hấp dẫn của Việt Nam, vì những lý do chủ yếu sau:
Trước hết, nhu cầu tuyển dụng lao động của Nhật Bản hiện đang và sẽ rất lớn. Ngày 25/12/2018, Nội các Nhật Bản đã thông qua một gói chính sách mới về chương trình nhập khẩu lao động Nhật Bản. Theo đó, trong vòng 5 năm kể từ tháng 4/2019, Nhật Bản sẽ tiếp nhận 345.000 lao động nước ngoài cho các ngành đang thiếu hụt lao động như xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng... Những nước được ưu tiên tuyển chọn sẽ là Trung Quốc, Indonesia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Thái Lan, Philippines và Việt Nam[11].
Thứ hai, Nhật Bản có khoảng cách địa lý với Việt Nam không xa; khí hậu ôn hòa; là quốc gia châu Á, về cơ bản, có nhiều nét tương đồng và gần gũi về con người, văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán với Việt Nam;
Thứ ba, từ nhiều năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước ngày càng phát triển theo chiều sâu. Nhật Bản đang nằm trong top 2 nhà đầu tư FDI, top 3 nhà xuất nhập khẩu và luôn là nhà viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Ngoài ra, quan hệ hợp tác về văn hóa, giáo dục và quân sự giữa hai nước ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu.
Thứ tư, tùy theo ngành nghề và trình độ, mức lương trung bình trả cho người lao động xuất khẩu ở Nhật Bản thường dao động trong khoảng 1.800-2.500 USD/tháng, thậm chí 3.000 USD/tháng, cao hơn đáng kể so với các thị trường khác, và với mức thu nhập trên, nhiều lao động sau khi về nước đã có cuộc sống tốt hơn[12]. Các chế độ phúc lợi như bảo hiểm, nghỉ phép, lương thưởng ở Nhật Bản thường được quy định rõ ràng. Người lao động được đóng bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi nơi ăn, chỗ ở trong suốt thời gian hợp đồng. Được thưởng năng suất lao động và nghỉ phép, nghỉ lễ tết theo luật lao động của Nhật Bản. Thời gian làm việc 8 tiếng/ngày, thời gian làm thêm ngoài giờ sẽ được tính lương tăng ca nhân hệ số. Ngoài ra, Nhật Bản có điều kiện làm việc, sinh hoạt và quan hệ chủ thợ tốt.
Thứ năm, lao động xuất khẩu làm việc tại Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội học tập và tiếp cận công nghệ hiện đại, tác phong làm việc chuyên nghiệp và có tính kỷ luật cao.
Thứ sáu, thị trường lao động Nhật Bản rất đa dạng ngành nghề, hơn hẳn so với các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc. Và người lao động hoàn toàn có thể lựa chọn chủ xí nghiệp, lựa chọn ngành nghề tham gia mà mình ưa thích. Từ năm 2020, Nhật Bản chính thức nới rộng từ 66 lên 77 ngành nghề được phép tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, việc gia tăng ngành nghề mở ra nhiều cơ việc làm cho các lao động Việt.
Có thể nói, đó là nền tảng vững chắc giúp đẩy mạnh xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Nhật Bản. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tuy đơn đặt hàng khá nhiều và đang tăng mạnh, nhưng cũng không ít thách thức đối với người lao động Việt, bởi vì ngoài chi phí đắt đỏ, rào cản ngôn ngữ, Nhật Bản là thị trường đòi hỏi khá cao với những điều kiện khắt khe và chính sách tuyển dụng và quản lý lao động ngày càng siết chặt. Hiện nay, hầu hết các đơn hàng của Nhật Bản đều không tiếp nhận lao động nước ngoài tay nghề thấp, lao động cơ bản, mà chỉ nhận dưới hình thức tu nghiệp sinh, thực tập sinh, điều dưỡng và hộ lý có tay nghề[13].
3. Doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên lựa chọn lao động Việt Nam
Trong nhiều năm trước, lao động từ Trung Quốc vốn là nguồn cung chủ yếu cho thị trường lao động Nhật Bản. Tuy nhiên đến nay nguồn lao động từ Trung Quốc ngày càng khó tuyển dụng hơn. Điều này do kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển, nhu cầu tuyển dụng trong nước của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng ngày càng lớn, đời sống người dân Trung Quốc ngày càng được cải thiện, khiến lao động Trung Quốc không muốn đi xuất khẩu lao động nhiều như trước nữa. Đồng thời, quan hệ hai nước Nhật-Trung gần đây đang trở nên không tốt, khiến lao động Trung Quốc không còn muốn sang Nhật Bản và doanh nghiệp Nhật Bản cũng ngại không muốn tuyển lao động Trung Quốc nữa, mà chuyển hướng sang tuyển lao động từ các nước Đông Nam Á và Nam Mỹ. Trong khi đó, quan hệ Nhật Bản - Việt Nam ngày càng mở rộng ra nhiều mặt và hiện đang trở nên rất tốt, tạo đà cho cả nhu cầu lao động từ phía Nhật Bản lẫn nguồn cung từ phía Việt Nam ngày một tăng cao. Đồng thời, lao động Việt Nam về văn hóa, ngoại hình có nhiều điểm tương đồng với người Nhật Bản, khả năng tiếp thu công việc tốt và nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam rất muốn tuyển lao động đã từng làm việc ở Nhật Bản về nước hơn.
Về cơ cấu dân số Nhật Bản đang ngày càng già hóa, cung lao động trong nước ngày càng giảm, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu lao động nước ngoài ngày càng tăng[14]. Để tháo gỡ vấn đề nan giải này, ngoài việc kêu gọi các doanh nghiệp nâng tuổi nghỉ hưu như là một trong những giải pháp tối ưu, chính phủ Nhật Bản đã xúc tiến nhiều biện pháp thu hút lao động nước ngoài để giải quyết tình trạng khan hiếm lao động ở một số ngành nghề cần nhiều sức khỏe mà người cao tuổi không đáp ứng được[15].
Từ năm 2019, Chính phủ Nhật Bản đã xem xét điều chỉnh và bổ sung nhiều chính sách, biện pháp mới nhằm xây dựng một nước Nhật Bản cởi mở và thân thiện để thu hút nhiều hơn nữa lao động nước ngoài đến với "xứ sở hoa anh đào". Đặc biệt, việc Chính phủ Nhật Bản ban hành chế độ visa mới với hai loại visa gồm Kỹ năng đặc định 1 và Kỹ năng đặc định 2 có hiệu lực từ ngày 01/4/2019, được cho là chủ yếu hướng tới nguồn lao động tại các nước Đông Nam Á.
Bên cạnh những ưu điểm và được các doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên lựa chọn, song lao động từ Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập sau:
Một là, tính kỷ luật kém, hay hành động tự phát, hay đòi hỏi, nếu không được thỏa mãn dễ phản ứng tiêu cực; tác phong làm việc và sinh hoạt không nghiêm túc và thiếu chuyên nghiệp. Sinh hoạt, ăn uống, chi tiêu, sử dụng thời gian rỗi một cách thiếu khoa học, nên hay phát sinh vấn đề.
Hai là, nắm bắt và tuân thủ pháp luật kém. Không nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc, không hiểu và tôn trọng phong tục tập quán ở địa phương. Hay vi phạm pháp luật (nhỏ là đi tàu xe không trả tiền, tự tiện lấy đồ hoặc vật phẩm của người khác về dùng, lớn thì ăn cắp).
Ba là, dễ bị dụ dỗ và dễ dàng bỏ trốn khỏi xí nghiệp tiếp nhận, hoặc hết hạn hợp đồng không chịu về nước, mà sẵn sàng ở lại bất hợp pháp. Số người cư trú bất hợp pháp từ 1.110 người (tháng 1 năm 2013) đã tăng gấp 10 lần tới 11.131 người (tháng 1 năm 2019); Số thực tập sinh kỹ thuật bỏ trốn ra ngoài "làm chui, sống chui", cư trú bất hợp pháp... đã tăng tới gần 8 lần sau 5 năm, từ 496 người (năm 2012) lên 3.751 người (năm 2017)[16]. Với các doanh nghiệp Nhật Bản, tình trạng này là điều không thể chấp nhận được. Riêng năm 2021 Việt Nam có 4.772 thực tập sinh kỹ năng mất tích và năm 2022 con số này là 5.572, tăng 16,8%[17].
Bốn là, các số liệu thống kê cho thấy, tội phạm hình sự và cư trú bất hợp pháp của người Việt Nam ở Nhật Bản ngày càng gia tăng, chỉ đứng thứ 2 sau Hàn Quốc. Số vụ vi phạm hình sự tăng gấp 3 lần so với năm 2013 (1.197 vụ) lên tới 3.591 vụ (năm 2017), và đạt 2.993 vụ (năm 2018). Người Việt Nam nằm trong top 2 những vụ phạm tội do người nước ngoài gây ra tại Nhật Bản. Chính vì thế, ngoài Trung Quốc, Nepal, Myanmar, Sri Lanka thì Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 mà du học sinh bị Nhật Bản áp dụng chính sách nghiêm ngặt hơn khi nhập cảnh từ giữa tháng 3/2017[18].
4. Giải pháp nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu sang Nhật Bản
Để có thể tận dụng được những ưu thế của thị trường lao động Nhật Bản, Việt Nam cần phải có những biện pháp và cung cách đào tạo và bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng lao động (cả về thể lực, trí lực lẫn tâm lực) trước khi đưa họ sang Nhật Bản làm việc.
4.1. Hoàn thiện quan điểm về xuất khẩu lao động
Các nhà hoạch định chính sách, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và cả người lao động cần phải xác định rõ rằng, trong nhiều năm tới, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn phải là một giải pháp lâu dài, phù hợp xu hướng nguồn cung trong nước cũng như nhu cầu tuyển dụng lao động của một số nước ngày càng lớn, nên cần có những chính sách, biện pháp đồng bộ, căn bản và lâu dài để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xuất khẩu, tránh tình trạng “ăn đong, bóc ngắn cắn dài”. Do đòi hỏi của thị trường xuất khẩu lao động cũng như do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ nguồn cung lao động có chất lượng và chuyên nghiệp từ các nước trong khu vực, nên đã đến lúc chúng ta không chỉ dựa mãi vào lợi thế lao động phổ thông giá rẻ, mà chúng ta cần phải chuyển dần sang coi trọng việc nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu; đề cao hình ảnh dân tộc, thương hiệu lao động Việt Nam.
Ngoài tiêu chuẩn về thể lực, cần chú ý đào tạo để nâng cao trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề, và giáo dục người lao động có thái độ, tác phong làm việc chuyên nghiệp, tôn trọng kỷ luật, có lối sống lành mạnh, và biết ứng xử có văn hóa và văn minh. Để nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu sang Nhật Bản, bên cạnh ý thức cao của bản thân người học, còn phải có sự chung tay, hợp tác của cả nhà trường lẫn doanh nghiệp để định hướng, bồi dưỡng kiến thức, thay đổi tư duy của học viên với suy nghĩ “học để đi làm việc ở nước ngoài, khi trở về phải làm chủ…”, cho nên cần chuyển dần từ tư duy “xuất khẩu lao động chỉ để kiếm tiền mà còn phải học hỏi, tiếp thu kiến thức về khoa học và công nghệ, về quản lý và tác phong làm việc” của nước sở tại.
Khi xây dựng chương trình đào tạo, phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của thị trường và doanh nghiệp, từ đó mới xác định dạy những kiến thức gì và thực hành ra sao. Quá trình thiết kế đào tạo phải bài bản trên cơ sở chuyên môn của doanh nghiệp tiếp nhận, từ đó sẽ nâng cao cả mặt lượng lẫn mặt chất cho lao động xuất khẩu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở tuyển dụng, đào tạo nghề với thị trường lao động trong việc chuẩn bị đưa lao động đi xuất khẩu.
4.2. Nâng cao chất lượng đào tạo lao động xuất khẩu sang Nhật Bản của các doanh nghiệp phái cử
Trước hết, các cơ sở đào tạo cùng với các doanh nghiệp phái cử cần tư vấn và định hướng cho các học viên và người lao động lựa chọn ngành nghề đào tạo và làm việc phù hợp trước khi đi xuất khẩu lao động sang Nhật để tránh lãng phí và bỡ ngỡ. Cần phải làm cho mỗi người lao động khi tham gia chương trình tuyển chọn đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản hiểu rõ được bản thân đang có những (điểm mạnh và yếu) gì, phù hợp với ngành nào, có thỏa mãn các tiêu chí mà phía Nhật Bản yêu cầu hay không?
Thứ hai, ngoài những thông tin “màu hồng”, các doanh nghiệp phái cử, các cơ sở đào tạo và cả các cơ quan nhà nước có liên quan cần thông tin rõ và khách quan cho các ứng viên về cả những mặt trái, những tiêu cực, những khó khăn, rủi ro và thách thức của thị trường và xã hội Nhật Bản[19].
Thứ ba, để nâng cao được chất lượng lao động tu nghiệp và làm việc tại Nhật Bản, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần tiến hành tuyển chọn lao động kỹ lưỡng. Thực tiễn cho thấy, dễ dãi hoặc thiếu cẩn trọng trong lựa chọn đầu vào sẽ không thể có được một đội ngũ lao động có chất lượng tốt để đáp ứng yêu cầu của đối tác và thường dẫn đến nhiều hậu quả xấu, gây tổn thất cả về kinh tế lẫn thương hiệu của doanh nghiệp. Tuyển chọn kỹ lưỡng ở đây bao gồm cả tiêu chí tuyển chọn lẫn cách làm: (i) Về tiêu chí tuyển chọn, cần phải có những tiêu chí tuyển chọn rõ ràng, khách quan, minh bạch và ổn định theo hướng ngày càng thắt chặt; (ii) Về cách tuyển chọn, các doanh nghiệp phải có một quy trình tuyển chọn chặt chẽ và kiểm soát được, tránh khoán trắng cho các môi giới. Quá trình tuyển chọn cũng không chỉ tập trung ở thời điểm người lao động được đối tác Nhật đồng ý tuyển lựa, mà còn phải tiếp tục theo dõi, sàng lọc trong thời gian đào tạo, giáo dục định hướng cho đến khi xuất cảnh, cần kiên quyết loại bỏ những lao động bị phát hiện thấy có vi phạm hoặc có vấn đề có thể không đảm bảo hợp đồng lao động.
Thứ tư, tăng cường thời lượng và chất lượng đào tạo cho người lao động trước khi đi xuất khẩu lao động. Về mặt thời lượng, ở các doanh nghiệp có chất lượng đầu ra tốt thường phải đào tạo ít nhất 4 – 6 tháng, nhằm đạt tiếng Nhật trình độ 3 và giáo dục định hướng bổ túc nghề. Thậm chí, đối với kỹ sư, các lớp đào tạo cần kéo dài tới 6-8 tháng để vừa đào tạo tiếng, vừa bổ túc nâng cao tay nghề chuyên môn.
Đây là nền tảng tốt để các thực tập sinh hoàn thành tốt công việc và có thể dễ dàng học để đạt trình độ 2 tiếng Nhật và kiếm được việc làm có thu nhập cao trong thời gian ở Nhật Bản cũng như sau khi về Việt Nam.
Để đảm bảo lao động trước đi xuất khẩu có chất lượng cao, trong đào tạo, các doanh nghiệp cần phải quan tâm thực hiện những giải pháp cụ thể sau:
- Có cơ sở đào tạo nội trú đủ điều kiện về nơi ăn chốn ở, rèn luyện sức khỏe, học ngoại ngữ, bổ túc nghề cho người lao động;
- Có chuyên gia, giáo viên Nhật Bản giúp đào tạo ngoại ngữ, bổ túc nghề và giáo dục định hướng cho người lao động. Các công ty HR, Batimex, CEO, Suleco, LOD, Traenco-Hiteco, ADC, AIC, Airseco, Tocontap Saigon... đều áp dụng biện pháp này và rất có hiệu quả.
- Tổ chức nếp sống quân sự cho các thực tập sinh trong quá trình đào tạo. Đây cũng là giải pháp được nhiều công ty áp dụng và đem lại hiệu quả rõ rệt như LOD, Batimex, ADC, CEO...
- Tâm lý phổ biến của người lao động là muốn học ngắn và được xuất cảnh nhanh, vì vậy ngay từ đầu cần có những bài giảng tư vấn để tạo động lực cho người lao động, khuyến khích họ tự giác và say sưa học tập rèn luyện để đạt kết quả tốt.
Thứ năm, đến nay, trong hơn 60 doanh nghiệp tham gia cung ứng lao động cho thị trường Nhật Bản, mới chỉ có khoảng 1/3 doanh nghiệp có cơ sở đào tạo lao động tương đối tốt trước khi đi Nhật Bản, số còn lại hoặc đầu tư chưa đủ tầm, và tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm việc với phía Nhật Bản chưa cao hoặc còn thiếu kinh nghiệm nên kết quả còn hạn chế.
Do đó, trong tương lai, cần tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động của doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây là nhóm giải pháp góp phần không nhỏ vào thành công của doanh nghiệp ở thị trường này.
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo bằng nguồn vốn của mình và tranh thủ hợp tác hỗ trợ của đối tác, trong đó đầu tư để có một trung tâm đào tạo tiếng Nhật và giáo dục định hướng tập trung, nội trú là yêu cầu tối thiểu.
- Đầu tư nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, tận dụng lực lượng giáo viên và chuyên gia từ Nhật Bản là một trong những giải pháp hữu ích cho sự thành công của mỗi doanh nghiệp;
- Đầu tư để xây dựng quan hệ và có đối tác, bạn hàng tốt, tin cậy từ Nhật Bản cũng là một giải pháp không thể thiếu cho phát triển thành công ở thị trường này.
Thứ sáu, ngoài kiến thức chuyên môn, cần coi trọng bồi dưỡng kiến thức phổ thông cho người đi xuất khẩu lao động nói chung và sang Nhật Bản nói riêng là một biện pháp quan trọng và cần thiết nhằm nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, vì những chương trình này sẽ cung cấp cho người lao động những thông tin cơ bản về pháp luật Việt Nam và Nhật Bản (lao động, giao thông, ứng xử nơi công cộng,...), ý thức tuân thủ pháp luật cũng như phong tục, tập quán, ý thức tôn giáo, văn hóa để giúp họ hòa nhập nhanh hơn với cuộc sống ở nơi họ sẽ tới làm việc cũng như giúp họ biết cách bảo vệ bản thân và tối đa hóa lợi ích trong quá trình sống và làm việc tại Nhật.
Đây cần được coi là một trong những nội dung bắt buộc đối với những cá nhân, tổ chức doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và cần được thể chế hóa thành luật pháp của Việt Nam.
4.3. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước
Một là, xây dựng nội dung và chương trình đào tạo nghề và ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu về kỹ năng nghề, ngoại ngữ của đối tác nước ngoài, trong đó chú trọng huấn luyện kỹ năng nghề cho người lao động và an toàn vệ sinh lao động nhằm ngăn ngừa tai nạn xảy ra trong quá trình tác nghiệp. Đồng thời, nhà nước cần quy định tiêu chuẩn nghề theo từng thị trường và tiến hành kiểm định chất lượng và trình độ nghề và ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài tại các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp xuất khẩu.
Hai là, thí điểm đề án đặt hàng đào tạo nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo cơ chế đặt hàng. Nội dung chủ yếu của đề án là: Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí học nghề cho người lao động, doanh nghiệp hoặc người lao động chịu chi phí 30% còn lại, nếu người lao động đạt trình độ nghề theo quy định và được đối tác nước ngoài tiếp nhận. Mục tiêu là khuyến khích người lao động đầu tư học nghề trước khi xuất khẩu nhằm tăng tỷ lệ lao động có nghề đi làm việc ở nước ngoài, tạo khả năng cạnh tranh và từng bước xây dựng thương hiệu lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.
Ba là, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành để chủ động đào tạo nguồn lao động đáp ứng kịp thời yêu cầu về số lượng và chất lượng lao động của chủ sử dụng lao động ngoài nước.
Bốn là, nhà nước cần kêu gọi các nước có nhu cầu tiếp nhận lao động có nghề của Việt Nam tham gia đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập, đào tạo chuẩn hóa đội ngũ giảng viên.
Cuối cùng, nhưng rất quan trọng, chính phủ, trước hết là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cần ban hành các biện pháp cụ thể để nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật và tuân thủ pháp luật nhằm giảm thiểu đến mức tối đa tình trạng bỏ trốn và vi phạm pháp luật của các lao động xuất khẩu tại Nhật Bản nói riêng và các thị trường khác nói chung[20].
4.4. Trách nhiệm của người lao động
Người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài nói chung, ở Nhật Bản nói riêng, cần phải chủ động tìm hiểu pháp luật có liên quan và tham gia tích cực và có trách nhiệm các khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết do các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân được phép đưa lao động đi xuất khẩu có tổ chức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lâm Anh, “Sức ép dân số Nhật Bản”, https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/suc-ep-dan-so-gia-o-nhat-ban-635966.
2. Cục Quản lý lao động nước ngoài, “Đã đưa hơn 1.700 điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản làm việc”, https://vneconomy.vn/da-dua-hon-1-700-dieu-duong-ho-ly-sang-nhat-ban-lam-viec.htm.
3. P. Diệp, “Việt Nam- Nhật Bản: Tối ưu hóa giao lưu nhân lực vì sự phát triển thị trường lao động”, https://laodongthudo.vn/viet-nam-nhat-ban-toi-uu-hoa-giao-luu-nhan-luc-vi-su-phat-trien-thi-truong-lao-dong-154230.html.
4. Thu Linh, “Tỷ lệ sinh tại Nhật Bản thấp kỷ lục trong 120 năm”, https://vnexpress. net/ty-le-sinh-tai-nhat-ban-thap-ky-luc-trong-120-nam-4032574.html.
5. Bảo Minh, “Biện pháp giảm thiểu tối đa thực tập sinh Nhật Bản bỏ trốn ở Nhật Bản đến mức thấp nhất”, https://tuvanvieclam.com. vn/bien-phap-giam-thieu-toi-da-thuc-tap-sinh-nhat-ban-bo-tron-o-nhat-ban-den-muc-thap-nhat.
6. Mitaco, “Thực trạng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện nay như thế nào?”, https://mitaco.net.vn/thuc-trang-du-hoc-sinh-viet-nam-tai-nhat-ban/.
7. Hà Quân, “Tại sao lao động Việt Nam thích sang Nhật Bản làm việc?”, https://tuoitre.vn/tai-sao-lao-dong-viet-nam-thich-sang-nhat-ban-lam-viec-20220905173404701.htm.
8. Thanh Nga, “Lý do du học sinh Việt Nam tới Nhật ngày càng nhiều”, https://locobee. com/mag/vi/2022/06/23/li-do-du-hoc-sinh-viet-nam-toi-nhat-ngay-cang-nhieu/.
9. “Trong 5 năm tới, Nhật Bản mở cửa đón thêm 345.000 lao động nước ngoài”, http://xkldnhat.org/tin-tuc/trong-5-nam-toi-nhat-ban-mo-cua-don-them-345-000-lao-dong-nuoc-ngoai.
10. “Việt Nam đứng thứ hai về số lượng du học sinh đang theo học tại Nhật Bản”, https://tuoitre.vn/viet-nam-dung-thu-2-ve-so-luong-du-hoc-sinh-dang-theo-hoc-tai-nhat-ban-20210813145022972.htm.
11. “Người Việt là lực lượng lao động người nước ngoài đông nhất ở Nhật Bản”, https://tuoitre.vn/nguoi-viet-la-luc-luong-lao-dong-nguoi-nuoc-ngoai-dong-nhat-o-nhat-ban-20230130150415664.htm.
12. Nguyễn Mạnh Tuân, “Xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản trong bối cảnh mới: Thực trạng và giải pháp”, http://www. inas.gov.vn/674-xuat-khau-lao-dong-sang-thi-truong-nhat-ban-trong-boi-canh-moi-thuc-trang-va-giai-phap.html.
13. Nguyễn Tuyến, “Lao động châu Á tại Nhật Bản”, https://baotintuc.vn/the-gioi/lao-dong-chau-a-tai-nhat-ban-bai-1-dong-nam-a-nguon-cung-lao-dong-quan-trong-20200826101046984.htm.
14. Nguyễn Tuyến, “Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài 3: Lao động Việt Nam – Nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường”, https://baotintuc.vn/the-gioi/lao-dong-chau-a-tai-nhat-ban-bai-3-lao-dong-viet-nam-nguon-nhan-luc-chat-luong-cho-thi-truong-20200827063434168.htm.
15. VINACOM, “Thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam”, https://vinacomvietnam.vn/vi/tin-tuc-khac/1418008700-thi-truong-xkld-nhat-ban-nhieu-co-hoi-cho-lao-dong-viet-nam.html.
16. “Tình trạng lao động nước ngoài tại Nhật Bản”, https://www.kokoro-vj.org/vi/post_ 2040.
[1] TS., Đại học Công nghệ Sài gòn
[2] PGS., TS., Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải
[3] “Người Việt là lực lượng lao động người nước ngoài đông nhất ở Nhật Bản”, https://tuoitre.vn/nguoi-viet-la-luc-luong-lao-dong-nguoi-nuoc-ngoai-dong-nhat-o-nhat-ban-20230130150415664.htm, truy cập ngày 30/01/2023.
[4] Nguyễn Tuyến, “Lao động châu Á tại Nhật Bản”, https://baotintuc.vn/the-gioi/lao-dong-chau-a-tai-nhat-ban-bai-1-dong-nam-a-nguon-cung-lao-dong-quan-trong-20200826101046984.htm.
[5] Hà Quân, “Tại sao lao động Việt Nam thích sang Nhật Bản làm việc?”, https://tuoitre.vn/tai-sao-lao-dong-viet-nam-thich-sang-nhat-ban-lam-viec-20220905173404701. htm, truy cập ngày 05/09/2022.
[6] Nguyễn Tuyến, “Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài 3: Lao động Việt Nam – Nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường”, https://baotintuc.vn/the-gioi/lao-dong-chau-a-tai-nhat-ban-bai-3-lao-dong-viet-nam-nguon-nhan-luc-chat-luong-cho-thi-truong-20200827063434168.htm.
[7] “Việt Nam đứng thứ 2 về số lượng du học sinh đang theo học tại Nhật Bản”, https://tuoitre.vn/viet-nam-dung-thu-2-ve-so-luong-du-hoc-sinh-dang-theo-hoc-tai-nhat-ban-20210813145022972.htm.
8 Theo Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) được ký giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày 01/9/2019, đối tượng đi theo chương trình này sẽ có trình độ và yêu cầu thấp hơn Kỹ sư nhưng cao hơn Thực tập sinh kỹ năng, có thể xem là nhân sự trình độ bậc trung. Chương trình mới này được chia làm hai thành phần: Chương trình kỹ năng đặc định số 1 và Chương trình kỹ năng đặc định số 2. Chương trình kỹ năng đặc định số 1 cho phép hai nhóm đối tượng sau được tham gia: (i) thực tập sinh kỹ năng đã hoàn thành chương trình 03 năm trở về nước; (ii) ứng viên chưa từng sang Nhật Bản nhưng có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn và ngoại ngữ (tiếng Nhật) nhất định tùy ngành nghề. Chương trình này đòi hỏi: (i) năng lực, kinh nghiệm cũng như trình độ tiếng Nhật cao hơn chương trình thực tập sinh kỹ năng; (ii) đạt kỳ thi đánh giá kỹ năng và năng lực tiếng Nhật theo từng lĩnh vực tiếp nhận. Chương trình Kỹ năng đặc định số 1 có một số đặc điểm chính sau: (i) thời gian làm việc lên đến 5 năm; (ii) lương cao hơn thực tập sinh kỹ năng và tương đương với người Nhật cùng trình độ trong ngành nghề đó; (iii) được hỗ trợ trong sinh hoạt, tiếng Nhật (từ tổ chức được chỉ định); (iv) có thể thay đổi công ty nếu có lý do chính đáng; (v) không được phép đưa gia đình sang Nhật; (vi) đặc biệt, sau 5 năm, nếu thi đậu kỳ thi bắt buộc, sẽ được tham gia Chương trình kỹ năng đặc định số 2, khi đó được phép gia hạn visa và đưa gia đình sang lưu trú dài hạn tại Nhật Bản. Có 14 lĩnh vực ngành nghề đặc định tại Nhật Bản gồm: xây dựng, điều dưỡng, đóng tàu, vệ sinh tòa nhà, bảo dưỡng ô tô, nông nghiệp, hàng không, ngư nghiệp, khách sạn, nhà hàng, chế biến thực phẩm, gia công chế tạo công nghiệp, sản xuất máy công nghiệp, điện - điện tử - viễn thông (Theo: https://ich.edu.vn/thong-tin-chung/gioi-thieu-chuong-trinh-8220ky-nang-dac-dinh8221-trong-xkld-nhat-ban-2130; và https://nld.com.vn/cong-doan/hieu-dung-chuong-trinh-lao-dong-ky-nang-dac-dinh-20190702202004125.htm.
[9] Nguyễn Tuyến, “Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài 3: Lao động Việt Nam – Nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường”, Tlđd.
[10] Cục Quản lý lao động nước ngoài, “Đã đưa hơn 1.700 điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản làm việc”, https://vneconomy.vn/da-dua-hon-1-700-dieu-duong-ho-ly-sang-nhat-ban-lam-viec.htm, truy cập ngày 06/06/2022.
[11] Thu Linh, “Tỷ lệ sinh tại Nhật Bản thấp kỷ lục trong 120 năm”, https://vnexpress.net/ty-le-sinh-tai-nhat-ban-thap-ky-luc-trong-120-nam-4032574.html, truy cập ngày 25/12/2019.
[12] VINACOM, “Thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam”, https://vinacomvietnam.vn/vi/tin-tuc-khac/1418008700-thi-truong-xkld-nhat-ban-nhieu-co-hoi-cho-lao-dong-viet-nam.html.
14 Nhật Bản đứng thứ 11 thế giới về quy mô dân số với 126.860.301 người năm 2019, giảm 0,27% so với năm 2018. Điều đáng lo ngại là dân số Nhật Bản ngày càng có xu hướng già hóa và từ năm 2010, Nhật Bản đã chính thức bước vào xã hội siêu già với tỉ lệ người già chiếm 23,0% tổng dân số. Theo Cơ quan Nghiên cứu dân số Nhật Bản, đến năm 2050, dân số Nhật Bản sẽ giảm xuống còn 90 triệu người, trong đó số người trên 65 tuổi dự kiến chiếm khoảng 40% còn số người dưới 15 tuổi chỉ chiếm khoảng 8,5%. Tại thời điểm hiện tại, ước tính toàn nước Nhật thiếu tới 586.400 lao động và dự kiến số lao động thiếu hụt trong vòng 5 năm tới sẽ lên đến 1.455.000 người. Để bù lại, mỗi năm, Nhật Bản sẽ phải tiếp nhận từ 262.700 đến 341.150 lao động. Trong đó, ngành điều dưỡng 60.000 người, dịch vụ ăn uống 53.000 người, và xây dựng 40.000 người [VTC1, 2020].
[15] Lâm Anh, “Sức ép dân số Nhật Bản”, https://www. qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/suc-ep-dan-so-gia-o-nhat-ban-635966.
[16] “Tình trạng lao động nước ngoài tại Nhật Bản”, 2019, https://www.kokoro-vj.org/vi/post_2040.
[17] P. Diệp, “Việt Nam- Nhật Bản: Tối ưu hóa giao lưu nhân lực vì sự phát triển thị trường lao động”, https://laodongthudo.vn/viet-nam-nhat-ban-toi-uu-hoa-giao-luu-nhan-luc-vi-su-phat-trien-thi-truong-lao-dong-154230.html, truy cập ngày 05/04/2023.
[18] Mitaco, “Thực trạng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện nay như thế nào?”, https://mitaco. net.vn/thuc-trang-du-hoc-sinh-viet-nam-tai-nhat-ban/.