Nguyễn Diệu Hương1
Tóm tắt: Trong bối cảnh phát triển mới, Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh hơn nữa vai trò của quá trình xây dựng chính phủ pháp trị. Xây dựng chính phủ pháp trị là việc tạo nên một bộ máy chính quyền có mọi hành động đều tuân theo quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích cho người dân. Căn cứ vào sự thay đổi của thời đại, Trung Quốc đã đưa ra hai nhiệm vụ mới cần thực hiện để xây dựng chính phủ pháp trị, đó là: xây dựng hệ thống ứng phó với các sự kiện bất ngờ, bảo đảm về khoa học kỹ thuật. Hai nhiệm vụ này đã được Trung Quốc thực hiện bằng những giải pháp rất mới, nâng cao hiệu quả cho quá trình xây dựng chính phủ pháp trị, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
Từ khóa: Pháp trị, chính phủ pháp trị, Trung Quốc
1. Mở đầu
Khái niệm “chính phủ pháp trị” của Trung Quốc được kết hợp từ hai cụm từ: “chính phủ” và “pháp trị”. Cụm từ “pháp trị” trong tiếng Hán là “法治”, thường được sử dụng trong các văn bản tiếng Anh là “rule of law”. Trung Quốc phân rõ khái niệm chính phủ nhân dân các cấp địa phương và chính phủ ở cấp trung ương được gọi là Quốc vụ viện.
Chính phủ nhân dân (hay còn gọi là chính quyền nhân dân các cấp) là cơ quan thực hiện quyền lực của nhà nước, là cơ quan hành chính của nhà nước. Chính phủ nhân dân sẽ phải chịu trách nhiệm và báo cáo công tác cho Đại hội đại biểu nhân dân, ủy ban thường vụ cùng cấp và các cơ quan hành chính nhà nước ở cấp trên, phụ trách tổ chức và quản lý các sự việc hành chính trong khu vực hành chính của mình. Đồng thời, chính quyền nhân dân các cấp địa phương cũng là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước ở các cấp địa phương, các quyết nghị do các cơ quan quyền lực địa phương thông qua thì chính quyền nhân dân các cấp bắt buộc phải thực hiện.
Quốc vụ viện là cơ quan hành chính cao nhất của Trung Quốc, chủ trì và lãnh đạo các công tác hành chính trong phạm vi toàn quốc. Chính quyền nhân dân địa phương các cấp một mặt phải chịu trách nhiệm với Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân của cấp đó, mặt khác cũng phải chịu trách nhiệm với các công tác hành chính của cấp trên[2].
Nhìn chung, về khái niệm chính phủ, có thể thấy đây là khái niệm để chỉ cơ quan hành chính của một quốc gia. Mỗi nước sẽ có cơ cấu tổ chức chính phủ khác nhau. Nếu xét về mặt thành phần chính trị, có chính phủ một đảng, chính phủ liên minh và chính phủ không đảng phái. Người đứng đầu chính phủ ở mỗi quốc gia có những tên gọi khác nhau như: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch chính phủ, Bộ trưởng chủ tịch, Thủ tướng. Có thể phân chia ra thành chính phủ ở cấp trung ương và chính phủ ở các cấp địa phương. Tại mỗi cấp đều có các cơ quan quản lý từng mảng công việc riêng biệt, giúp quản lý, điều hành các lĩnh vực của đất nước.
Tuy nhiên, ở nước nào hay ở cấp nào, thì chính phủ đều là cơ quan hành pháp của quốc gia. Chính phủ có nhiệm vụ thực thi, quán triệt các quyết sách chính trị, quản lý các công việc hành chính của nhà nước. Các hoạt động của người đứng đầu chính phủ, các bộ trưởng đều phải chịu sự giám sát của nhân dân.
Khái niệm “pháp trị” ở Trung Quốc có ý nghĩa là sự thống trị của pháp luật. Ở đây, Trung Quốc muốn đề cao sự thượng tôn của pháp luật, sử dụng pháp luật để cai trị đất nước nhưng cũng hàm ý trong đó là mọi hành vi của các chủ thể, không hề có ngoại lệ, đều phải tuân theo pháp luật. Vậy thì thực chất khái niệm “pháp trị” mà Trung Quốc sử dụng đồng nhất với khái niệm “pháp quyền” mà các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam sử dụng. Trung Quốc muốn hướng tới sự đảm bảo công bằng cho mọi người dân bằng pháp luật, muốn coi pháp luật là công cụ quyền lực thuộc về nhân dân, bảo đảm lợi ích cho nhân dân.
Cụ thể, Trung Quốc đã nêu ra các nguyên tắc để xây dựng một Trung Quốc pháp trị trong bản “Quy hoạch xây dựng Trung Quốc pháp trị giai đoạn 2020-2025” được ban hành đầu năm 2021 bao gồm: kiên trì sự lãnh đạo thống nhất tập trung của Đảng Cộng sản, kiên trì lý luận pháp trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, kiên trì việc lấy người dân làm trung tâm, kiên trì việc thúc đẩy xây dựng Trung Quốc pháp trị một cách đồng bộ, kiên trì theo đúng phương hướng của vấn đề và mục tiêu, kiên trì việc xuất phát từ thực tiễn của đất nước Trung Quốc[3]. Nhìn từ các nguyên tắc này, chúng ta thấy, Trung Quốc muốn xây dựng một đất nước được quản lý theo pháp luật, tất cả quyền lực phải tuân theo luật pháp, tuân theo sự lãnh đạo của Đảng.
2. Nhiệm vụ xây dựng chính phủ pháp trị tại Trung Quốc
Trung Quốc đã đưa ra các nhiệm vụ, nội dung gì cho quá trình xây dựng chính phủ pháp trị? Việc xây dựng một chính phủ pháp trị tại Trung Quốc cũng là một trong những nội dung chính của quá trình xây dựng Trung Quốc pháp trị. Hay nói cách khác, xây dựng chính phủ pháp trị nằm trong tổng thể quy hoạch xây dựng Trung Quốc pháp trị.
Tuy nhiên, Trung Quốc cụ thể hóa hơn nội dung và nhiệm vụ của quá trình xây dựng chính phủ pháp trị thông qua các văn bản riêng. Đó là, bên cạnh việc ban hành “Quy hoạch xây dựng Trung Quốc pháp trị giai đoạn 2020-2025”, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng ban hành “Cương yếu thực thi về việc xây dựng chính phủ pháp trị giai đoạn 2021-2025”, nhằm đưa ra cái nhìn cụ thể hơn về quá trình xây dựng chính phủ pháp trị trong giai đoạn mới.
Bản cương yếu này được đánh giá là đã nêu rõ nội hàm, nhiệm vụ của quá trình xây dựng chính phủ pháp trị tại Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay với nhiều bối cảnh mới. Cụ thể, cương yếu đã đề ra 9 nhiệm vụ và đây cũng chính là nội hàm của quá trình xây dựng chính phủ pháp trị tại Trung Quốc, bao gồm: kiện toàn hệ thống chức năng của các cơ quan chính phủ, kiện toàn hệ thống chế độ hành chính theo pháp luật, kiện toàn hệ thống quyết sách hành chính, kiện toàn hệ thống công tác chấp pháp hành chính, kiện toàn hệ thống ứng phó với các sự kiện bất ngờ, kiện toàn hệ thống phòng ngừa và hóa giải những mâu thuẫn trong xã hội, kiện toàn hệ thống giám sát quyền lực hành chính, kiện toàn hệ thống bảo đảm khoa học kỹ thuật cho chính phủ pháp trị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng[4].
Các nhiệm vụ của quá trình xây dựng chính phủ pháp trị tại Trung Quốc được đánh giá là có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, thể hiện đúng quan điểm phát triển mới trong bối cảnh mới. Đồng thời các nhiệm vụ này còn thể hiện được đúng tinh thần muốn xây dựng một chính phủ pháp trị theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, tất cả nhằm phục vụ lợi ích cho quần chúng nhân dân.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã ban hành hai bản cương yếu về xây dựng chính phủ pháp trị ở hai giai đoạn khác nhau: 2015-2020 và 2021-2025. Chúng ta có thể so sánh các nhiệm vụ mà Trung Quốc đưa ra nhằm thúc đẩy xây dựng chính phủ pháp trị ở hai giai đoạn này như sau:
Nhìn vào bảng so sánh các nhiệm vụ xây dựng chính phủ tại hai bản cương yếu ở hai giai đoạn khác nhau như trên, chúng ta thấy trong bản Cương yếu năm 2021-2025, Trung Quốc xác định 9 nhiệm vụ chính trong quá trình xây dựng chính phủ pháp trị tại đất nước mình. Tuy nhiên, trong các nhiệm vụ này, có những nhiệm vụ mang tính kế thừa của giai đoạn trước và có hai nhiệm vụ được đánh giá là mới. Đó là: xây dựng và hoàn thiện hệ thống ứng phó với các sự kiện bất ngờ, xây dựng và đảm bảo về khoa học kỹ thuật cho quá trình xây dựng chính phủ pháp trị. Từ đó, Trung Quốc đã đưa ra những giải pháp thực hiện cụ thể hơn cho hai nhiệm vụ này (xem bảng dưới). Bài viết này tập trung nghiên cứu hai nhiệm vụ mới kể trên, tìm hiểu các giải pháp mà Trung Quốc đã đưa ra để thực hiện hai nhiệm vụ này nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng chính phủ pháp trị trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, hai nhiệm vụ này được đánh giá căn cứ vào tình hình thực tiễn của đất nước Trung Quốc, cùng với những thay đổi của thời đại để đưa ra những giải pháp mới, giúp quá trình xây dựng chính phủ pháp trị của Trung Quốc thích ứng với yêu cầu của thời đại mới.
Cương yếu xây dựng chính phủ pháp trị của Trung Quốc giai đoạn 2015-2020* |
Cương yếu xây dựng chính phủ pháp trị của Trung Quốc giai đoạn 2021-2025 |
Thực hiện chức năng hành chính theo pháp luật. |
Kiện toàn hệ thống chức năng của các cơ quan chính phủ. |
Hoàn thiện hệ thống chế độ hành chính theo pháp luật. |
Kiện toàn hệ thống chế độ hành chính theo pháp luật. |
Thúc đẩy quyết sách hành chính một cách khoa học, dân chủ và pháp trị. |
Kiện toàn hệ thống quyết sách hành chính. |
Kiên trì việc chấp pháp nghiêm minh, quy phạm, công bằng, văn minh. |
Kiện toàn hệ thống công tác chấp pháp hành chính. |
Tăng cường giám sát quyền lực hành chính. |
Kiện toàn hệ thống ứng phó với các sự kiện bất ngờ. |
Hóa giải các mâu thuẫn xã hội theo đúng pháp luật. |
Kiện toàn hệ thống phòng ngừa và hóa giải những mâu thuẫn trong xã hội. |
Nâng cao toàn diện về nhận thức pháp trị và năng lực hành chính theo pháp luật cho người công tác trong chính phủ. |
Kiện toàn hệ thống giám sát quyền lực hành chính. |
|
Kiện toàn hệ thống bảo đảm khoa học kỹ thuật cho chính phủ pháp trị. |
|
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. |
* Chú thích: Các nhiệm vụ của bản Cương yếu xây dựng chính phủ pháp trị của Trung Quốc giai đoạn 2015-2020 được ban hành tại trang web Chính phủ Trung Quốc, ngày 27/12/2015. “中共中央 国务院印发 《法治政府建设实施纲要(2015-2020年)》”,中国政府网,http://www.gov.cn/gongbao/content/2016/content_2979703.htm (Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quốc vụ viện ban hành Cương yếu thực thi xây dựng chính phủ pháp trị giai đoạn 2015-2020, Mạng chính phủ Trung Quốc).
3. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống ứng phó với các sự kiện bất ngờ
Sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Trung Quốc đã trải qua một lần khảo nghiệm về năng lực quản trị nhà nước theo pháp luật. Đó cũng là một trong những khảo nghiệm về cơ chế ứng phó với các sự kiện bất ngờ. Tình hình thực tế này đặt ra cho Trung Quốc vấn đề xây dựng hệ thống ứng phó với các sự kiện này theo đúng pháp luật và có trình tự, hiệu quả cao.
Thứ nhất, để nâng cao và hoàn thiện hệ thống ứng phó với các sự kiện bất ngờ, Trung Quốc đã tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Ứng phó với các sự kiện bất ngờ. Tháng 3/2020, ông Lật Chiến Thư đã chủ trì buổi tọa đàm về vấn đề “Tăng cường công tác xây dựng luật và sửa đổi Luật Bảo đảm tính pháp trị cho y tế công”. Trong đó đã nhắc đến việc sửa đổi Luật Ứng phó với các sự kiện bất ngờ. Tiếp đến, vào ngày 20/12/2021, Trung Quốc đã xây dựng bản dự thảo về Luật Quản lý ứng phó với các sự kiện bất ngờ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Bản dự thảo này đã trình Hội nghị lần thứ 32 của Ủy viên Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 13 thẩm định. Trong đó, bản dự thảo đã tiến hành sửa đổi một loạt vấn đề về ứng phó với các sự kiện bất ngờ. Cụ thể là, bản dự thảo đã điều chỉnh tên của Luật Ứng phó với sự kiện bất ngờ, điều chỉnh kết cấu và trật tự các điều khoản. Nội dung được điều chỉnh từ 7 chương, 70 điều lên thành 8 chương, 104 điều, điều chỉnh các quy định trong một số phương diện như: thể chế quản lý, truyền dẫn thông tin và phương thức công bố thông tin, hoàn thiện chế độ bảo đảm cho việc ứng phó, tăng cường năng lực quản lý ứng phó[5].
Thứ hai, nâng cao năng lực xử lí các sự kiện bất ngờ theo pháp luật. Năng lực xử lí các sự kiện bất ngờ hiện nay đang rất được chú trọng tại Trung Quốc sau khi trải qua đại dịch. Khi đã có đủ năng lực để xử lí các tình huống bất ngờ xảy ra, đất nước đó sẽ có đủ khả năng đứng vững qua những khó khăn. Muốn làm được như vậy, từ trung ương xuống địa phương, các cấp chính quyền cần có cho mình phương án dự phòng để ứng phó với các tình huống bất ngờ này. Chính vì thế, tại các địa phương Trung Quốc hiện nay, mỗi nơi đều xây dựng cho mình một phương án dự phòng về việc ứng phó tổng thể với các sự kiện bất ngờ. Các bản phương án dự phòng của một số địa phương như: Côn Minh, Hàng Châu, Thường Châu... đều đã nêu rất rõ các quy định và trình tự về đơn vị chỉ huy ứng phó với các tình huống bất ngờ, đánh giá tình huống, đánh giá ảnh hưởng, biện pháp cấp bách, biện pháp trưng dụng, biện pháp phong tỏa... Đồng thời, các phương án này cũng nêu rất rõ sự điều phối, mối liên hệ trách nhiệm giữa các đơn vị phối hợp thực hiện.
Thứ ba, dẫn dắt và tổ chức cho người dân và các tổ chức xã hội tham gia ứng phó với các sự kiện bất ngờ. Hiện nay, Trung Quốc đã và đang xây dựng các văn bản nhằm xác định nghĩa vụ và quyền hạn tham gia vào công tác ứng phó với các sự kiện bất ngờ đối với người dân và chính quyền cấp cơ sở như thôn, xã, làng, khu vực. Điển hình như văn bản “Phương án hành động 5 năm nâng cao việc quản trị môi trường cho người dân nông thôn giai đoạn 2021-2025” do Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Quốc vụ viện ban hành cuối năm 2021. Văn bản này đã xác định một cách rõ ràng hệ thống quản lý ứng phó với các sự kiện bất ngờ cho chính quyền cấp thôn làng, huy động lực lượng chính người dân nông thôn tham gia vào quản lý ứng phó với các sự việc cấp bách về môi trường như: xử lí ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt[6]…
4. Xây dựng và đảm bảo về khoa học kỹ thuật cho quá trình xây dựng chính phủ pháp trị
Việc đảm bảo về khoa học kỹ thuật là việc làm rất cần thiết cho quá trình xây dựng chính phủ pháp trị trong giai đoạn hiện nay của Trung Quốc trong bối cảnh xu hướng số hóa đang ngày càng phát triển. Việc số hóa dữ liệu, chia sẻ dữ liệu đang trở nên phổ biến, nhưng bên cạnh đó cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và khó khăn cần đối mặt. Chính vì thế, xây dựng chính phủ pháp trị trên nền tảng số hóa, khoa học kỹ thuật cao là điều vô cùng cấp bách với Trung Quốc.
Thứ nhất, Trung Quốc đang tích cực xây dựng các kênh thông tin hóa trên toàn quốc. Việc xây dựng các kênh công bố thông tin thống nhất trên toàn quốc đã được Trung Quốc nhấn mạnh và đang thực hiện trong giai đoạn gần đây. Đây là việc làm cần thiết và mang tính quy mô lớn, giúp cả người dân và các cấp quản lý thuận tiện trong việc tìm hiểu, tra cứu thông tin hành chính có liên quan. Mục tiêu trong giai đoạn hiện nay là Trung Quốc đang muốn xây dựng nên một kênh tra cứu các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành một cách thống nhất và công khai. Bên cạnh đó là xây dựng kênh tra cứu các văn bản quy phạm pháp luật hành chính của các cấp chính quyền địa phương một cách thống nhất và công khai. Đây đang là nhiệm vụ trước mắt rất cấp bách mà Trung Quốc đang thực hiện để ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hành chính.
Thứ hai, Trung Quốc đang tích cực nâng cao năng lực chia sẻ nguồn dữ liệu chính phủ. Các tỉnh thành của Trung Quốc đã xây dựng các kênh nhằm mở rộng và chia sẻ dữ liệu tại tỉnh của mình. Tính đến cuối năm 2021, có 19 tỉnh thành chính thức đưa vào vận hành các kênh mở rộng và chia sẻ dữ liệu, tổng cộng đã mở rộng và chia sẻ khoảng 190.000 tập dữ liệu, hơn 6,7 tỷ mục dữ liệu[7]. Về mặt đầu tư nguồn vốn để xây dựng kênh dữ liệu chính phủ, trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục gia tăng nguồn vốn vào công việc này. Hàng năm, số tiền để đầu tư xây dựng các kênh dữ liệu chính phủ ngày càng tăng. Tuy nhiên, năm 2020 có xu hướng giảm xuống. Năm 2019, cả năm Trung Quốc đã chi 3,36 tỷ nhân dân tệ, nếu tính đến tháng 11/2019, Trung Quốc đã chi 3,01 tỷ nhân dân tệ. Song đến năm 2020, con số này là 2,87 tỷ nhân dân tệ[8].
Thứ ba, Trung Quốc đang thúc đẩy thực hiện giám sát quản lý và chấp pháp thông qua internet. Đặc biệt là trong giai đoạn chống dịch vừa qua, khi cả thế giới đã bắt đầu mở cửa, nới lỏng các biện pháp phòng dịch thì Trung Quốc là nước duy nhất theo đuổi chính sách Zero-Covid. Điều này một phần là do Trung Quốc muốn siết chặt an ninh quốc gia trước kỳ Đại hội Đảng Cộng sản khóa XX. Trong tình hình đó, các địa phương bắt buộc phải thực hiện quản lý dịch một cách toàn diện và thống nhất trên phạm vi toàn quốc thông qua mạng internet. Các địa phương của Trung Quốc đã xây dựng các kênh quản lý phòng chống dịch và kết nối với dữ liệu của toàn quốc gia, phát huy chức năng quản lý và đo lường trong công tác phòng chống dịch xuyên các tỉnh thành. Ví dụ, khu tự trị Nội Mông Cổ đã có hơn 4 triệu thông tin dữ liệu liên quan đến phòng chống dịch bệnh tại các kênh thông tin này, hơn 1.500 tài khoản đã thông qua các kênh thông tin về chống dịch bệnh để tiến hành quản lý dịch bệnh[9].
5. Kết luận
Như vậy, trong bối cảnh mới của quá trình phát triển hiện nay, Trung Quốc tiếp tục đề cao vấn đề xây dựng chính phủ pháp trị. Nhiệm vụ xây dựng chính phủ pháp trị nằm trong tổng thể quy hoạch xây dựng một Trung Quốc pháp trị. Tuy nhiên, đối mặt với nhiều biến đổi lớn trong thực tiễn phát triển của cuộc sống, trong quá trình xây dựng chính phủ pháp trị Trung Quốc đã nêu ra những nhiệm vụ mới, đưa ra các giải pháp thực hiện mới nhằm tập trung thích ứng với tình hình thực tế của Trung Quốc, nâng cao hơn nữa hiệu quả quá trình xây dựng chính phủ pháp trị của nước này.
Hai nhiệm vụ mới được đưa ra trong bối cảnh phải thích nghi với tình hình của thời đại mới, đặc biệt là thời đại công nghệ thông tin đã giúp Trung Quốc nâng cao trình độ xây dựng số hóa cho chính phủ pháp trị. Các địa phương của Trung Quốc đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để xây dựng nên các nền tảng dịch vụ của chính phủ, nhằm phục vụ người dân một cách hiện đại và thuận tiện hơn. Đặc biệt là trong thời gian Trung Quốc siết chặt tình hình quản lý dịch bệnh Covid-19, nhiệm vụ xây dựng hệ thống ứng phó với các sự kiện bất ngờ đã giúp Trung Quốc chủ động rất lớn trong công tác phòng dịch, quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện hai nhiệm vụ này vẫn còn một số hạn chế nhất định. Điển hình là nhiệm vụ bảo đảm khoa học kỹ thuật cho quá trình xây dựng chính phủ số. Thực chất, điều quan trọng nhất của nhiệm vụ này là Trung Quốc phải xây dựng được hệ thống thông tin, dữ liệu chính phủ một cách thống nhất và chính xác. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng thông tin chính phủ pháp trị, một số danh mục trách nhiệm của các cơ quan bộ ngành trên trang web của cổng thông tin điện tử chính quyền tương ứng sau khi đã được nhập vào hệ thống, các cơ quan lại tiến hành xây dựng lại, tổ chức lại bộ máy. Sau khi tiến hành cơ cấu lại bộ máy, danh mục trách nhiệm của các cơ quan đó lại chưa được chỉnh lý lại trên hệ thống. Điều này ảnh hưởng lớn đến tính khoa học, tính công khai và hình tượng quyền lực của chính quyền các cấp. Ngoài ra, cơ chế để chia sẻ thông tin ở Trung Quốc vẫn chưa được hoàn thiện. Điều này khiến cho động lực để chia sẻ thông tin giữa các cơ quan bộ ngành ở Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chính được cho là các thông tin dữ liệu của chính phủ do các cơ quan, bộ ngành quản lý một cách chưa đồng bộ, các nhân viên vẫn còn tư tưởng bảo thủ, không muốn hoặc không dám chia sẻ thông tin ra bên ngoài, ảnh hưởng rất lớn đến việc kết hợp, điều phối hoạt động giữa các cơ quan bộ ngành với nhau.
Chính vì thế, từ thực tiễn xây dựng chính phủ pháp trị của Trung Quốc, chúng ta nhận thấy Trung Quốc đã kịp thời đưa ra những giải pháp hoàn toàn mới so với thời kỳ trước, nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng chính phủ pháp trị một cách hiệu quả hơn. Song Trung Quốc vẫn cần phải đưa ra những biện pháp khắc phục những hạn chế kể trên, như vậy thì quá trình xây dựng chính phủ pháp trị của nước này mới có thể đạt hiệu quả lớn hơn nữa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chevallier J. (2010), L’État de droit, 5e éd. Publishing House, Montchrestien.
2. Society, National Geographic (15 March 2019), Rule of Law, National Geographic Society.
3. “Rule of law, Definition, Implications, Significance, & Facts”, Britannica, www.britannica.com.
4. “中共中央印发《法治中国建设规划(2020-2025年)》”,中国政府网, 2021-01-10,http://www.gov.cn/zhengce/2021-01/10/content _5578659.htm (Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành Quy hoạch xây dựng Trung Quốc pháp trị 2020-2025, Mạng chính phủ Trung Quốc, 10/1/2021).
5. Minh Thúy, “Vị trí, chức năng của Chính phủ trong Hiến pháp năm 2013”, Cổng Thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao, https://vksndtc.gov.vn/vanban/Pages/van-ban-moi.aspx?ItemID=215.
6. “人民政府”, Baike, https://baike. baidu.com/item/%E4%BA%BA%E6%B0%91%E6%94%BF%E5%BA%9C/4535840?fr=aladdin (Chính phủ nhân dân, Baike).
7. 中共中央 国务院印发 《法治政府建设实施纲要(2021-2025年)》,中国政府网,2021年8月11日,http://www.gov.cn/ gongbao/content/2021/content_5633446.htm (Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quốc vụ viện ban hành Cương yếu thực thi xây dựng chính phủ pháp trị giai đoạn 2021-2025, Mạng chính phủ Trung Quốc, ngày 11/8/2021).
8. 中共中央 国务院印发 《法治政府建设实施纲要(2015-2020年)》,中国政府网,http://www.gov.cn/gongbao/content/2016/content_2979703.htm (Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quốc vụ viện ban hành Cương yếu thực thi xây dựng chính phủ pháp trị giai đoạn 2015-2020, Mạng chính phủ Trung Quốc).
9. 依法防控 依法治理:突发事件应对法拟全面修订,中国人民代表大会,http://www.npc.gov.cn/npc/c30834/202203/f50a8ad8be204a3ea4d919c75a9d6cf4.shtml (Phòng ngừa, quản trị theo pháp luật: Sửa đổi toàn diện Luật Ứng phó với các sự kiện bất ngờ, trang web của Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc).
10. “中办、国办印发方案明确健全村庄应急管理体系”, 西双版纳傣族自治州人民政府, https://www.xsbn.gov.cn/ajj/62710.news.detail.dhtml?news_id=2834140 (Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc Vụ Viện ban hành Phương án xác định kiện toàn hệ thống quản lý ứng phó tại thôn làng, Mạng Chính quyền nhân dân Châu tự trị Xishuangbanna).
11. 人民网研究院 (2022), 中国移动互联网发展报告(2022), https://bai jiahao.baidu.com/s?id=1736980316083127198&wfr=spider&for=pc (Viện Nghiên cứu Mạng Nhân dân (2022), Báo cáo phát triển mạng internet di động của Trung Quốc năm 2022).
12. 中商产业研究院, “2020年政务数据治理行业市场现状及竞争格局大数据分析(图)”, Askci, https://www.askci.com/news/chanye /20210716/1010321519541_2.shtml (Viện Nghiên cứu ngành nghề Trung Quốc, Hiện trạng thị trường ngành nghề quản trị dữ liệu chính phủ năm 2020 và phân tích dữ liệu cạnh tranh, Askci).
13. 内蒙古自治区卫生健康委2022年法治政府建设工作报告, 内蒙古自治区卫生健康委员会, http://wjw.nmg.gov.cn/zfxxgk/ fdzzgknr/tjxx/nb/202302/t20230220_2259136.html (Báo cáo Công tác xây dựng Chính phủ pháp trị năm 2022 của Ủy ban Y tế khu tự trị Nội Mông Cổ, Ủy ban Y tế khu tự trị Nội Mông Cổ).
[1] TS., Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] “人民政府”, Baike, https://baike.baidu.com/item/% E4%BA%BA%E6%B0%91%E6%94%BF%E5%BA%9C/4535840?fr=aladdin (Chính phủ nhân dân, Baike).
[3] 中共中央印发,“法治中国建设规划(2020-2025年)”,中国政府网, 2021-01-10,http://www.gov.cn/zhengce/ 2021-01/10/content_5578659.htm (Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành Quy hoạch xây dựng Trung Quốc pháp trị 2020-2025, Mạng chính phủ Trung Quốc, 10/1/2021).
[4] 中共中央 国务院印发, “法治政府建设实施纲要(2021-2025年)”,中国政府网,2021年8月11日,http://www.gov.cn/gongbao/content/2021/content_5633446.htm (Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quốc vụ viện ban hành Cương yếu thực thi xây dựng Chính phủ pháp trị giai đoạn 2021-2025, Mạng chính phủ Trung Quốc, ngày 11/8/2021).
[5] 依法防控 依法治理:突发事件应对法拟全面修订,中国人民代表大会,http://www.npc.gov.cn/npcc308 34/202203/f50a8ad8be204a3ea4d919c75a9d6cf4.shtml (Phòng ngừa, quản trị theo pháp luật: Sửa đổi toàn diện Luật Ứng phó với các sự kiện bất ngờ, trang web của Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc).
[6] “中办、国办印发方案明确健全村庄应急管理体系”, 西双版纳傣族自治州人民政府, https://www.xsbn. Gov.cn/ajj/62710.news.detail.dhtml?news_id=2834140 (Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc vụ viện ban hành phương án xác định kiện toàn hệ thống quản lý ứng phó tại thôn làng, Mạng chính quyền nhân dân châu tự trị Xishuangbanna).
[7] 人民网研究院 (2022), 中国移动互联网发展报(2022), https://baijiahao.baidu.com/s?id=17369 80316083127198&wfr=spider&for=pc (Viện Nghiên cứu Mạng Nhân dân (2022), Báo cáo Phát triển mạng internet di động của Trung Quốc năm 2022).
[8] 中商产业研究院, “2020年政务数据治理行业市场现状及竞争格局大数据分析(图)”, Askci, https://www. askci.com/news/chanye/20210716/1010321519541_2.shtml (Viện Nghiên cứu Ngành nghề Trung Quốc, Hiện trạng Thị trường ngành nghề quản trị dữ liệu chính phủ năm 2020 và phân tích dữ liệu cạnh tranh, Askci).
[9] “内蒙古自治区卫生健康委2022年法治政府建设工作报告”, 内蒙古自治区卫生健康委员会, http://wjw. nmg.gov.cn/zfxxgk/fdzzgknr/tjxx/nb/202302/t20230220_2259136.html (Báo cáo công tác xây dựng chính phủ pháp trị năm 2022 của Ủy ban Y tế khu tự trị Nội Mông Cổ, Ủy ban Y tế khu tự trị Nội Mông Cổ).