Trang chủ

Chính sách Biển Đông của Nhật Bản giai đoạn 2012-2020

Đăng ngày: 19-11-2024, 08:11 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2023, Số 3

Vũ Vân Anh1

Tóm tắt: Mặc dù Nhật Bản không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông nhưng Biển Đông chứa đựng nhiều lợi ích của Nhật Bản. Nhật Bản là một trong những cường quốc hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do đó, chính sách của Nhật Bản đối với những điểm nóng của khu vực này có ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh Biển Đông. Việc nhận diện chính sách Biển Đông của Nhật Bản cần một cách tiếp cận từ thực tiễn bởi trên các văn bản chính sách không đề cập nhiều và cụ thể tới vấn đề Biển Đông. Bài viết nêu quan điểm và định hướng chính sách của Nhật Bản về vấn Biển Đông giai đoạn 2012-2020 dựa trên các văn bản chính sách và tuyên bố chính thức của các lãnh đạo Nhật Bản; việc triển khai các mối quan hệ song phương và đa phương của Nhật Bản có liên quan đến vấn đề Biển Đông để từ đó nhận diện chính sách Biển Đông của nước này giai đoạn 2012-2020.

Từ khóa: Chính sách Biển Đông, tranh chấp Biển Đông, chính sách Nhật Bản


  1. 1. Dẫn nhập

Nhật Bản là một trong những cường quốc hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ liên minh đang ngày càng được thắt chặt giữa Mỹ và Nhật Bản cũng như mối quan hệ chứa đựng nhiều mâu thuẫn có tính lịch sử giữa Trung Quốc và Nhật Bản luôn thu hút chú ý của giới nghiên cứu về chính trị Đông Á. Tuy nhiên, do Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp trực tiếp tại biển Hoa Đông, sự tập trung chính sách của Nhật Bản tại vùng biển này được thể hiện rõ nét hơn so với Biển Đông. Cũng chính vì thế phản ứng cũng như chính sách của Nhật Bản đối với Biển Đông nói chung, lập trường của Nhật Bản về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nói riêng là một câu hỏi nghiên cứu được quan tâm. Liệu rằng Nhật Bản có thực sự can dự vào vấn đề Biển Đông hay chỉ tập trung vào khu vực biển Hoa Đông? Mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản tại Biển Đông là các lợi ích kinh tế hay an ninh? Sự can dự nếu có đã được Chính phủ Nhật Bản triển khai bằng các công cụ nào và như thế nào?

Trên thực tế, các văn bản chiến lược, chính sách của Nhật Bản không đề cập nhiều và cụ thể đến vấn đề Biển Đông. Các định hướng triển khai chính sách cũng không được làm rõ. Chính vì vậy, việc tiếp cận chính sách Biển Đông của Nhật Bản từ nội dung chính sách thông qua các văn bản mang tính định hướng đến thực tiễn triển khai chính sách không dễ dàng. Nghiên cứu chính sách Biển Đông của Nhật Bản đòi hỏi một cách tiếp cận theo chiều ngược lại: dựa trên quan điểm tổng thể đối với vấn đề, nhìn nhận những hoạt động triển khai thực tế của Nhật Bản liên quan đến Biển Đông từ đó nhận diện nội dung chính sách. Bài viết áp dụng cách tiếp cận này tập trung thực hiện ba nhiệm vụ nghiên cứu chính: (i) làm rõ quan điểm và định hướng chính sách của Nhật Bản về Biển Đông giai đoạn 2012-2020; (ii) làm rõ những hoạt động đã được triển khai thực tế của Nhật Bản liên quan đến vấn đề Biển Đông cả trong các quan hệ song phương và đa phương giai đoạn 2012-2020, để từ đó (iii) nhận diện nội dung chính sách và đánh giá chính sách Biển Đông của Nhật Bản giai đoạn này.

2. Quan điểm và định hướng chính sách của Nhật Bản về Biển Đông giai đoạn 2012-2020

Biển Đông đối với Nhật Bản chứa đựng nhiều lợi ích liên quan đến tất cả các khía cạnh an ninh, phát triển và ảnh hưởng. Về an ninh, lợi ích của Nhật Bản tại Biển Đông gắn liền với những quan ngại về sự ổn định của các con đường giao thương huyết mạch trên biển và mối quan ngại về cướp biển. Tàu hải quân của Nhật Bản thường đi qua Biển Đông, dừng ở Singapore - lộ trình cho các hoạt động chống cướp biển ở bờ biển phía Đông[2]. Về kinh tế, sự ổn định của Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với thương mại của Nhật Bản. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, 85%-90% lượng nhập khẩu dầu mỏ và 33% lượng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng của Nhật Bản đi qua các con đường liên lạc trên biển (SLOC) của Biển Đông. Đây là các tuyến đường hàng hải chính giữa các cảng, được sử dụng cho thương mại, hậu cần và lực lượng hải quân[3]. Ngoài các con đường liên lạc quan trọng cho thương mại, nguồn tài nguyên như cá, dầu mỏ và khí gas ở khu vực Biển Đông nằm trong những lợi ích kinh tế quan trọng của Nhật Bản. Lượng cá từ Biển Đông xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản đều từ các quốc gia ven biển[4]. Trong khi đó, lượng dầu mỏ và khí gas ở biển Đông đóng vai trò quan trọng cho Nhật Bản theo đuổi mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung khí hydrocarbon cũng như là thị trường dịch vụ công nghệ cao của Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng[5]. Ngoài ra, về ảnh hưởng, sự trỗi dậy và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Biển Đông cũng tác động tới vai trò, vị thế của Nhật Bản, đặc biệt khi Nhật Bản cũng có những tranh chấp với Trung Quốc tại biển Hoa Đông.

Chính quyền Thủ tướng Abe Shinzo cũng nhận thức được những thách thức từ các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đối với Nhật Bản. Tháng 12/2013, chính quyền Abe đã ban hành Chiến lược an ninh quốc gia có đề cập tới tranh chấp Biển Đông và khẳng định lợi ích cũng như sự liên quan của Nhật Bản trong vấn đề này: “Tại Biển Đông nói riêng, các tranh chấp nảy sinh về chủ quyền giữa các quốc gia ven biển và Trung Quốc gây ra quan ngại đối với việc duy trì luật biển, tự do hàng hải và sự ổn định của khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, sự tổn thương cũng đang gia tăng ở các tuyến đường liên lạc trên biển, trải dài giữa Nhật Bản và Trung Đông mà Nhật Bản phụ thuộc vào các tuyến đường này cho nguồn tài nguyên và năng lượng của mình do nhiều vấn đề bao gồm xung đột khu vực và chủ nghĩa khủng bố trong và xung quanh các quốc gia ven biển cũng như là cướp biển”[6].

Tuyên bố chính thức này của Nhật Bản đã một lần nữa khẳng định Nhật Bản đặt lợi ích quốc gia trong một Biển Đông ổn định, đặc biệt là tự do hàng hải và tôn trọng luật biển. Những nguy cơ an ninh cả truyền thống và phi truyền thống đã được Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh cho thấy an ninh là mối quan ngại hàng đầu của Nhật Bản. Bên cạnh đó, bản chiến lược cũng đề cập đến quan điểm của Nhật Bản đối với các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông: “Trung Quốc đã có những hành động cần chú ý như những nỗ lực thay đổi nguyên trạng bằng áp chế dựa trên các hành động quyết đoán không phù hợp với trật tự luật pháp quốc tế hiện nay trên biển và trên không bao gồm biển Hoa Đông và Biển Đông”[7].

Trong Sách trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2015 có các bức ảnh về quá trình cải tạo trên Đá Gạc Ma và Xu Bi[8]. Điều này cho thấy mối quan ngại thực tế của Nhật Bản đối với tranh chấp Biển Đông cũng như thái độ không ủng hộ Trung Quốc một cách rõ ràng. Bày tỏ quan điểm đối với tranh chấp Biển Đông cũng như những nguyên tắc mà Nhật Bản sẽ theo đuổi, Thủ tướng Abe Shinzo cũng đã vạch ra ba nguyên tắc: “Nguyên tắc đầu tiên là các quốc gia cần đưa ra và làm rõ những yêu sách dựa trên luật pháp quốc tế. Thứ hai là các quốc gia không nên sử dụng vũ lực hoặc áp chế để thúc đẩy yêu sách. Thứ ba là các quốc gia nên tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”[9].

Năm 2016, sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực liên quan đến vụ kiện của Philippines và Trung Quốc về Biển Đông, Chính phủ Nhật Bản đã khẳng định sự ủng hộ đối với phán quyết này và kêu gọi sự tuân thủ của cả hai bên – Philippines và Trung Quốc.

Nhật Bản kiên định ủng hộ vai trò của luật pháp và việc sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và áp chế trong tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp trên biển. Bởi phán quyết của tòa án là sự ràng buộc pháp lý và cuối cùng đối với các bên tranh chấp dưới các điều khoản của UNCLOS, các bên trong trường hợp này cần thiết phải tuân thủ phán quyết. Nhật Bản rất mong rằng sự tuân thủ của các bên đối với phán quyết sẽ thực sự đi đến một giải pháp hòa bình đối với tranh chấp ở biển Đông”[10].

Dù những văn bản hay phát biểu chính thức của Chính phủ Nhật Bản đối với Biển Đông không nhiều nhưng những nội dung được đề cập cũng phản ánh rõ các quan điểm cũng như cách tiếp cận của Nhật Bản đối với Biển Đông. Một là, Nhật Bản đặt lợi ích quốc gia trong sự ổn định của Biển Đông. Hai là, Nhật Bản nhìn nhận những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là những nỗ lực làm thay đổi nguyên trạng, có tính áp chế. Ba là, Nhật Bản ủng hộ luật pháp quốc tế, quan điểm về tự do hàng hải và các biện pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp. Từ những định hướng này, Nhật Bản đã có những triển khai chính sách quan trọng để trở thành quốc gia có “đóng góp tích cực vào hòa bình”[11] như Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã khẳng định.

3. Triển khai chính sách Biển Đông của Nhật Bản giai đoạn 2012-2020

Mặc dù là một quốc gia có nhiều lợi ích tại Biển Đông nhưng Nhật Bản không phải là một quốc gia ven biển và có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Do đó, về tổng thể, Nhật Bản vẫn chỉ là một chủ thể thứ cấp trong tranh chấp khu vực. Nhìn vào những hoạt động, chương trình đã được triển khai của Nhật Bản liên quan trực tiếp đến Biển Đông hoặc có liên quan đến các quốc gia ven biển, có thể thấy rằng những triển khai thực tế chủ yếu thông qua các quan hệ kinh tế và chính trị song phương với các quốc gia Đông Nam Á và đẩy mạnh hợp tác đa phương. Những hợp tác an ninh chủ yếu liên quan đến các vấn đề an ninh phi truyền thống và nâng cao năng lực. Theo đó, có thể tạm chia sự triển khai chính sách Biển Đông của Nhật Bản giai đoạn 2012-2020 thành các nhóm dựa trên chủ thể như sau: (i) quan hệ song phương với các quốc gia liên quan trực tiếp đến tranh chấp biển Đông, (ii) quan hệ song phương với các chủ thể quan trọng trong khu vực, (iii) hợp tác đa phương.

3.1. Quan hệ song phương với các quốc gia Đông Nam Á liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông

Nhật Bản đã có nhiều hỗ trợ về kinh tế, chính trị cũng như là xây dựng năng lực cho lực lượng hải cảnh đối với các quốc gia ven biển có liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông. Thật vậy, về kinh tế, Nhật Bản là quốc gia cung cấp viện trợ ODA lớn nhất của Việt Nam, Philippines, Malaysia trong các nước thành viên của Ủy ban Hỗ trợ phát triển của OECD. Trong số đó, Philippines là quốc gia ven biển nhận được nhiều hỗ trợ nhất. Năm 2015, Nhật Bản cho Philippines vay một khoản gần 2 tỷ USD để xây dựng đường sắt và đây cũng là khoản viện trợ lớn nhất mà Nhật Bản cung cấp cho một đối tác phát triển nước ngoài[12].

Bên cạnh hỗ trợ kinh tế, Nhật Bản cũng có xu hướng thúc đẩy quan hệ chính trị an ninh song phương với các quốc gia này. Năm 2012, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã triển khai một chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho chín quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các quốc gia ven biển gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Ban đầu, chương trình này chủ yếu tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ công nghệ đối với việc xây dựng đường và duy trì máy móc nhưng kể từ năm 2013 sau khi Trung Quốc tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông, chương trình này bao gồm cả tổ chức các hội nghị về an ninh hàng không và luật hàng không quốc tế đối với các quan chức quốc phòng cấp cao của các quốc gia ven biển[13].

Mối quan hệ an ninh song phương với Philippines hiện nay được đánh giá là mối quan hệ sâu sắc nhất. Năm 2011, Nhật Bản và Philippines đã nâng tầm quan hệ lên mức “Đối tác chiến lược” và đến năm 2015 trở thành “Đối tác chiến lược tăng cường”. Kế hoạch hành động nhằm triển khai mối quan hệ mới này bao gồm thỏa thuận chuyển giao các trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, mở rộng các hoạt động diễn tập và tập trận song phương và đa phương để nâng cao năng lực quân đội và các tàu tuần tra hải cảnh của Philippines[14]. Cũng trong giai đoạn này, số các chuyến thăm lẫn nhau và tập trận chung cũng ngày càng tăng lên[15]. Ngày 13/7/2016, cuộc tập trận chung giữa Cảnh sát biển Nhật Bản (viết tắt là JCG) và Cảnh sát biển của Philippines đã diễn ra ngoài khơi vịnh Manila, đúng một ngày sau khi PCA công bố phán quyết trong vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc.

Ngoài ra, mối quan hệ hợp tác chính trị-an ninh song phương với Việt Nam đang được tăng cường nhanh chóng. Số chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao giữa hai nước ở mức cao. Năm 2013, Thủ tướng Abe lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du của mình. Tháng 9/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onodera Itsunori là quan chức quốc phòng nước ngoài đầu tiên được mời đến thăm căn cứ quân sự Xô Viết cũ ở Vịnh Cam Ranh. Năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản và hai bên đã nhất trí nâng mối quan hệ “Đối tác chiến lược” lên “Quan hệ Đối tác chiến lược mở rộng vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á”. Tháng 9/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhật Bản. Sau đó một tháng, hai bên nhất trí về chuyến thăm của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) tới vịnh Cam Ranh, nơi Nhật Bản muốn hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong các hoạt động chống cướp biển ở bờ biển phía đông châu Phi[16].

Indonesia là quốc gia chủ chốt trong chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản về cả khía cạnh kinh tế, chính trị và quân sự. Mặc dù cả Indonesia và Trung Quốc đều tuyên bố không có tranh chấp lãnh thổ nhưng thực tế yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với khai thác cá chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Tháng 3/2015, một bản ghi nhớ được ký kết giữa hai bộ quốc phòng có liên quan đến “hợp tác và trao đổi trong lĩnh vực quốc phòng”[17]. Đồng thời, Thủ tướng Abe và Tổng thống Joko Widodo đã ký tuyên bố chung có tên “Hướng tới củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược trên cơ sở biển và dân chủ” và đưa mối quan hệ lên “Đối tác chiến lược”. Tháng 12/2015 Nhật Bản thiết lập cơ chế đối thoại an ninh 2+2 với Indonesia và bắt đầu đàm phán về thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng. Tháng 3/2016, Nhật Bản đã gửi lực lượng hải cảnh tới Indonesia để tăng cường năng lực hải quân cho quốc gia này. Năm 2021 sau khi Trung Quốc đưa ra Luật Hải cảnh mới, trong cuộc họp 2+2, Nhật Bản và Indonesia tìm cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng với trọng tâm là các cuộc đàm phán về một thỏa thuận cho phép Nhật Bản xuất khẩu thiết bị quốc phòng cho Indonesia.

Với Malaysia, dựa trên mối quan hệ đối tác chiến lược, Nhật Bản cũng tập trung vào các hoạt động nâng cao năng lực cho lực lượng hải cảnh của quốc gia này[18]. Tháng 3 năm 2016, một tàu của MSDF đã cập cảng Malaysia để tham gia các đợt tập trận huấn luyện thân thiện với lực lượng hải quân của nước này[19].

3.2. Quan hệ song phương với các chủ thể quan trọng khác trong khu vực

Các đối tác quan trọng của Nhật Bản có liên quan đến vấn đề Biển Đông gồm Australia, Ấn Độ và Mỹ. Đối với Australia và Ấn Độ, dù cả hai quốc gia đều không phải quốc gia ven biển có liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông và cũng giữ thái độ trung lập trong tranh chấp này nhưng cả hai quốc gia này đều chia sẻ những lợi ích chung trong sự ổn định của Biển Đông. Trong giai đoạn 2012-2020, mối quan hệ hợp tác an ninh song phương giữa Nhật Bản với Australia và Ấn Độ được quan tâm thúc đẩy. Trong đó, mối quan hệ song phương với Australia có nhiều tiến triển thực chất. Cụ thể, dựa trên cơ sở Tuyên bố chung Nhật - Australia về hợp tác an ninh, hai bên đã tiếp tục đi đến ký kết thỏa thuận liên quan đến chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng 2014[20].

Sự gia tăng hiện diện của Nhật Bản trong an ninh ở Biển Đông được thúc đẩy nhiều bởi Mỹ thông qua các thỏa thuận quốc phòng song phương. Trong bản tuyên bố tầm nhìn chung vào ngày 28/4/2015, Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Abe Shinzo đã khẳng định hai quốc gia sẽ “hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề bao gồm an ninh hàng hải và kết hợp với các quốc gia khác cùng chia sẻ nguyện vọng trong khu vực và xa hơn”[21]. Văn bản hướng dẫn sau đó được ban hành đã nhấn mạnh hợp tác xây dựng năng lực và tăng cường nhận thức trong lĩnh vực hàng hải[22]. Kể từ khi Mỹ tăng cường các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs), Nhật Bản cũng có sự ủng hộ và tham gia. Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani Gen đã tuyên bố trước Quốc hội Nhật Bản vào tháng 8/2015 rằng hoạt động giám sát chung Mỹ - Nhật ở Biển Đông sẽ được xem xét trong luật an ninh mới của Nhật Bản[23].

3.3. Các quan hệ đa phương trong khu vực

Nhằm kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế, Nhật Bản cố gắng đưa vấn đề Biển Đông vào các diễn đàn đa phương. Trong hội nghị G7, G20, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), hội nghị giữa Nhật Bản và các nước châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản nêu vấn đề bảo vệ luật quốc tế. Ngoài ra, Nhật Bản cũng tăng cường hiện diện bằng việc tham gia các hợp tác an ninh đa phương trong khu vực. Điển hình là việc Nhật Bản đã cử một đội ngũ khá lớn của Lực lượng phòng vệ quốc gia tham gia vào cuộc tập trận an ninh hàng hải chung được tổ chức bởi Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra ở vùng biển và không phận giữa Brunei và Singapore[24].

Ngoài ra, Nhật Bản còn tăng cường các hợp tác an ninh, quân sự trong khuôn khổ Bộ Ba (Nhật Bản, Australia, Mỹ) hay Bộ tứ kim cương (Nhật Bản, Mỹ, Australia, Ấn Độ - QUAD). Dù mới chỉ dừng ở sáng kiến và còn chưa có nhiều hoạt động đáng kể nhưng triển vọng hợp tác tương đối lớn do những hành động kiên quyết có xu hướng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Đáng chú ý, tháng 2/2016, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã tham gia tập trận cùng Mỹ và Australia ở vùng biển của Singapore và tháng 4/2016 ở vùng biển lân cận Indonesia. Liên minh Mỹ - Nhật chính là xương sống của Bộ tứ kim cương.

Nhìn chung, mặc dù từ năm 2012 đến 2020, sự can dự của Nhật Bản đối với các vấn an ninh khu vực có xu hướng gia tăng thông qua sự củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ, những liên kết an ninh nhóm và đa phương cũng như sự tham gia của Nhật Bản đối với các vấn đề an ninh chung nhưng sự can dự này vẫn duy trì ở mức độ vừa phải. Những triển khai thực tế của Nhật Bản chủ yếu là xây dựng mạng lưới liên kết, thắt chặt hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á ven biển. Những hợp tác an ninh chủ yếu là các vấn đề ít nhạy cảm. Nguyên nhân là do Nhật Bản vẫn đang trong quá trình chuyển đổi trở thành một cường quốc bình thường và chưa thực sự chủ động trong lĩnh vực quân sự. Ngoài ra, mặc dù có nhiều mâu thuẫn trong quan hệ với Trung Quốc, với vai trò là hai nền kinh tế lớn thứ hai và ba thế giới, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn có sự hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau. Chính vì thế, Nhật Bản có thể bộc lộ quan điểm rõ ràng đối với các tranh chấp nhưng ít có khả năng triển khai các hành động cứng rắn hơn.

4. Nhận diện chính sách Biển Đông của Nhật Bản giai đoạn 2012-2020

Dựa trên các phân tích về quan điểm, định hướng chính sách và những triển khai thực tế của Nhật Bản liên quan đến vấn đề Biển Đông, có thể thấy một số nội dung chính sách lớn như sau:

Thứ nhất, Nhật Bản có quan điểm nhất quán liên quan đến giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông dựa trên tôn trọng luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Nhật Bản cũng ủng hộ Mỹ trong các quan điểm liên quan đến tự do hàng hải và nhìn nhận các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông như một thách thức lớn đối với sự ổn định của khu vực và đe dọa lợi ích của Nhật Bản.

Thứ hai, về mặt song phương, Nhật Bản vẫn tiếp tục và có xu hướng tăng cường sự hỗ trợ cho các quốc gia Đông Nam Á ven biển nhằm xây dựng năng lực cho lực lượng hải cảnh và hải quân để đối phó với các thách thức đang nổi lên. Những hỗ trợ có thể là viện trợ kinh tế và hỗ trợ chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng, diễn tập và tập trận chung.

Thứ ba, nỗ lực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông là một chính sách có thể nhận thấy khi Nhật Bản bày tỏ quan ngại về vấn đề về Biển Đông trong các diễn đàn đa phương.

Thứ tư, Nhật Bản tiếp tục thắt chặt mối quan hệ hợp tác an ninh với các quốc gia Đông Nam Á thông qua các cơ chế hợp tác an ninh mở rộng của ASEAN và cùng với Mỹ, Ấn Độ, Australia trong khuôn khổ Bộ tứ kim cương đang được thúc đẩy.

Nhìn chung, Nhật Bản đã thể hiện rõ quan điểm không ủng hộ đối với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông cũng như quan điểm ủng hộ và phối hợp đối với đồng minh Mỹ trong việc duy trì tự do hàng hải và tôn trọng luật biển. Tuy nhiên, sự can dự của Nhật Bản dừng ở mức độ vừa phải khi chủ yếu là triển khai thông qua các mối quan hệ kinh tế và chính trị - ngoại giao. Những hoạt động hợp tác an ninh chủ yếu là trong vấn đề an ninh phi truyền thống.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Abe, S. (2014), Peace and Prosperity in Asia, forevermore, The 13th IISS Asian Security Summit – The Shangri-La Dialogue-Keynote Address, 30 May, http://bit.ly/1kRopTl.
  2. Collin, K. (2015), “The Japan-Vietnam Maritime Security Relationship”, The Diplomat, 7 October, http://bit.ly/1G4cC1c.
  3. Drifte, R. (2016), “Japan’s Policy toward the South China Sea – Applying “Proactive Peace Diplomacy”, Peace Research Institute Frankfurt, Report No. 140.
  4. Gang, D. (2016), “Fishing Clash offers Chance to move forward”, Global Times, www.globaltimes.cn/content/975619.shtml.
  5. Liff, A. P. (2016), “Wither the Balancers? The Case for a Methodological Reset”, Security Studies 25 (3), pp. 420-459.
  6. Ministry of Defense of Japan (2015a), “Part I Security Environment Surrounding Japan”, White Paper 2015, http://www.mod. go.jp/e/publ/w_paper/pdf/2015/DOJ2015_Digest_part1_1st_0730.pdf.
  7. Ministry of Defense of Japan (2015b), Memorandum Between the Ministry of Defense of Japan and the Ministry of Defense of the Republic of Indonesia on Cooperation and Exchanges in the Field of Defense, 23 March, http://bit.ly/2cyMem2.
  8. Ministry of Foreign Affairs of Japan (2015), Japan-Philippines Joint Declaration, 4 June, http://www.mofa.go.jp/s_sa/sea2/ph/ page4e_000280.html.
  9. Ministry of Foreign Affairs of Japan (2016a), “Arbitration between the Republic of the Philippines and the People’s Republic of China Regarding the South China Sea (Final Award by the Arbitral Tribunal)”, Statement by Foreign Minister Fumio Kishida, 12 July, www.mofa.go.jp/press/release/press4e_001204.html.
  10. Ministry of Foreign Affairs of Japan (2016b), Basic Policies, https://www.mofa.go .jp/fp/nsp/page1we_000079.html .
  11. Midford, P. (2015), “Japan’s Approach to Maritime Security in the South China Sea”, Asian Survey 55 (3), pp. 525-547.
  12. National Security Strategy of Japan (2013), https://www.cas.go.jp/jp/siryou/131217 anzenhoshou/nss-e.pdf .
  13. Nguyễn Thanh Minh (2018), “Quan điểm của Nhật Bản về Biển Đông và những tác động đối với Trung Quốc”, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/7027-quan-diem-cua-nhat-ban-ve-bien-dong-va-nhung-tac-dong-doi-voi-trung-quoc#_ftn1.
  14. Nonato, V. F. (2015), “P93-B Loan for Rail Link Tops Japan Commitment to PHL”, Business World Online, http://bit.ly/29yojP8 .
  15. Pajon, C. (2013), “Japan and the South China Sea - Forging Strategic Partnerships in a Divided Region”, Asie Vision (IFRI) 60.
  16. Sonoyama, F. (2015), “SDF in Regional Push to Counter China’s Military Advancement” trong Drifte, R. (2016), “Japan’s Policy toward the South China Sea – Applying “Proactive Peace Diplomacy”, Peace Research Institute Frankfurt, Report No. 140.
  17. The White House (2015), U.S.-Japan Joint Vision Statement, Office of the Press Secretary, http://bit.ly/2cte9CV.
  18. U.S. Energy Information Administration (2013), “The South China Sea is an important world energy trade route”, Today in energy, Independent Statistics & Analysis, https://www.eia.gov/todayinenergy/detail.php?id=10671.

 

 

 



[1] TS., Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] Drifte, R. (2016), “Japan’s Policy toward the South China Sea – Applying “Proactive Peace Diplomacy”, Peace Research Institute Frankfurt, Report No. 140, tr. 4.

[3] U.S. Energy Information Administration (2013), “The South China Sea is an important world energy trade route”, Today in energy, Independent Statistics & Analysis, https://www.eia.gov/todayinenergy/detail.php?id=10671, truy cập ngày 22/2/2023.

[4] Gang, D. (2016), “Fishing Clash offers Chance to move forward”, Global Times, https://www.globaltimes.cn/ content/ 975619.shtml.

[5] Pajon, C. (2013), “Japan and the South China Sea - Forging Strategic Partnerships in a Divided Region”, Asie Vision (IFRI) 60; Midford, P. (2015), “Japan’s Approach to Maritime Security in the South China Sea”, Asian Survey 55 (3), pp. 525–547.

[6] National Security Strategy of Japan (2013), https://www. cas.go.jp/jp/siryou/131217anzenhoshou/nss-e.pdf, tr. 8-9.

[7] National Security Strategy of Japan (2013), https://www. cas.go.jp/jp/siryou/131217anzenhoshou/nss-e.pdf, tr. 12

[8] Ministry of Defense of Japan (2015a), “Part I Security Environment Surrounding Japan”, White Paper 2015, http://www.mod.go.jp/e/publ/w_paper/pdf/2015/DOJ2015_Digest_part1_1st_0730.pdf.

[9] Abe, S. (2014), Peace and Prosperity in Asia, forevermore, The 13th IISS Asian Security Summit – The Shangri-La Dialogue-Keynote Address, 30 May, http://bit. ly/1kRopTl.

[10] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2016a), “Arbitration between the Republic of the Philippines and the People’s Republic of China Regarding the South China Sea (Final Award by the Arbitral Tribunal)”, Statement by Foreign Minister Fumio Kishida, 12 July, www.mofa.go.jp/press/release/press4e_001204.html.

[11] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2016b), Basic Policies, https://www.mofa.go.jp/fp/nsp/page1we_00007 9.html.

[12] Nonato, V. F. (2015), “P93-B Loan for Rail Link Tops Japan Commitment to PHL”, Business World Online, http://bit.ly/29yojP8.

[13] Nguyễn Thanh Minh (2018), “Quan điểm của Nhật Bản về Biển Đông và những tác động đối với Trung Quốc”, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/ nghien-cuu-vietnam/7027-quan-diem-cua-nhat-ban-ve-bien-dong-va-nhung-tac-dong-doi-voi-trung-quoc#_ftn1.

[14] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2015), Japan-Philippines Joint Declaration, 4 June, http://www.mofa. go.jp/s_sa/sea2/ph/page4e_000280.html.

[15] Drifte, R. (2016), “Japan’s Policy toward the South China Sea – Applying “Proactive Peace Diplomacy”, Peace Research Institute Frankfurt, Report No. 140, tr. 17.

[16] Collin, K. (2015), “The Japan-Vietnam Maritime Security Relationship”, The Diplomat, 7 October, http://bit. ly/1G4cC1c.

[17] Pajon, C. (2013), “Japan and the South China Sea - Forging Strategic Partnerships in a Divided Region”, Asie Vision (IFRI) 60, tr. 22.

[18] Drifte, R. (2016), “Japan’s Policy toward the South China Sea – Applying “Proactive Peace Diplomacy”, Peace Research Institute Frankfurt, Report No. 140, tr.19

[19] Nguyễn Thanh Minh (2018), “Quan điểm của Nhật Bản về Biển Đông và những tác động đối với Trung Quốc”, Tlđd.

[20] Liff, A. P. (2016), “Wither the Balancers? The Case for a Methodological Reset”, Security Studies 25 (3), pp. 420–459, tr. 22.

[21] The White House (2015), U.S.-Japan Joint Vision Statement, Office of the Press Secretary, http://bit.ly/ 2cte9CV.

[22] Drifte, R. (2016), “Japan’s Policy toward the South China Sea – Applying “Proactive Peace Diplomacy”, Peace Research Institute Frankfurt, Report No. 140, tr. 20.

[23] Drifte, R. (2016), “Japan’s Policy toward the South China Sea – Applying “Proactive Peace Diplomacy”, Tlđd, tr. 22.

[24] Nguyễn Thanh Minh (2018), “Quan điểm của Nhật Bản về Biển Đông và những tác động đối với Trung Quốc”, Tlđd.

0thảo luận