Vũ Thị Phương Hoa1
Tóm tắt: Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền giáo dục được đánh giá cao trên thế giới. Chính phủ Nhật Bản đã và đang cố gắng xây dựng một nền tảng vững chắc trong lĩnh vực giáo dục bằng cách tạo ra và phát triển một hệ thống giáo dục có năng lực bắt đầu từ giáo dục mầm non. Hệ thống giáo dục mầm non ở Nhật Bản có rất nhiều điểm độc đáo mà chúng ta không thể tìm thấy ở các nước khác. Bài viết tìm hiểu lịch sử ra đời của giáo dục mầm non Nhật Bản; các loại hình và nét độc đáo của giáo dục mầm non Nhật Bản. Trên cơ sở đó đưa ra một vài nhận xét, đánh giá và so sánh đối với giáo dục mầm non ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Trẻ em Nhật Bản, giáo dục mầm non, phương pháp giáo dục
T |
ại Nhật Bản, giáo dục được xem là công cụ phát triển đất nước. Thông qua giáo dục, Chính phủ Nhật Bản kiểm soát chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, bảo[1]tồn các giá trị văn hóa và cộng đồng. Sự quan tâm của Chính phủ Nhật Bản không chỉ tồn tại với giáo dục phổ thông mà bắt đầu từ cấp thấp nhất là giáo dục mầm non. Các chính sách đối với giáo dục mầm non ngày càng nhiều kể từ cuộc khủng hoảng dân số đỉnh điểm vào năm 2003. Tỷ lệ sinh giảm khiến cho số lượng lao động bị thu hẹp, do đó ngày càng nhiều phụ nữ nuôi con nhỏ tham gia vào lực lượng lao động. Để giúp phụ nữ nuôi con nhỏ yên tâm làm việc, nhiều biện pháp cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non đã được tiến hành trên toàn nước Nhật. Từ tháng 10/2019, bộ luật về miễn học phí đối với giáo dục mầm non chính thức có hiệu lực[2]. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình nuôi con, khuyến khích người dân sinh con để giải quyết tình trạng tỉ lệ sinh đang thấp ở mức trầm trọng. Mô hình giáo dục mầm non tại Nhật Bản thường áp dụng những chương trình linh hoạt với mọi đối tượng trẻ em. Do đó, giáo viên sẽ nhận định năng lực riêng của từng đứa trẻ, từ đó áp dụng các chương trình dạy học cá thể hóa phù hợp với từng cá nhân. Các hoạt động giáo dục mầm non ở Nhật Bản rất độc đáo và có nhiều khác biệt so với Việt Nam.
1. Sự ra đời và phát triển của các cơ sở giáo dục mầm non Nhật Bản
Ở Nhật Bản, chủ yếu có hai loại cơ sở liên quan đến chăm sóc và giáo dục mầm non là Yochien và Hoikuen. Trong tiếng Nhật, Hoikuen (保育園- Hộ dục viên) hay còn gọi là Hoikusho (保育所- Hộ dục sở) là nơi trông giữ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tương tự như nhà trẻ ở Việt Nam. Còn Yochien (幼稚園), có nghĩa là Ấu trĩ viên, là trường dành cho trẻ em, tương tự như trường mẫu giáo ở Việt Nam. Ngoài ra gần đây còn có thêm mô hình trường kết hợp giữa cả 2 nhóm trên, được gọi là Nintei Kodomoen (認定子ども園).
Ngày 7 tháng 7 năm 1874 (Minh Trị thứ 7), lần đầu tiên Bộ Giáo dục Nhật Bản đã đặt vấn đề thành lập Yochien với Thái chính quan[3], song đã bị từ chối với lý do lúc này việc thành lập các trường tiểu học được coi trọng hơn. Đến ngày 25 tháng 8 cùng năm, Bộ Giáo dục tiếp tục gửi yêu cầu thành lập mẫu giáo lên Thái chính quan. Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của việc cải cách giáo dục một cách toàn diện và sự du nhập của các phương pháp giáo dục tiền tiểu học từ Âu Mỹ vào Nhật Bản, Thái chính quan đã chấp thuận yêu cầu của Bộ Giáo dục. Ngày 15 tháng 9 cùng năm, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã ban hành giấy phép thành lập hệ mẫu giáo trực thuộc Trường Sư phạm nữ Tokyo. Đây chính là cơ sở mẫu giáo quốc lập đầu tiên trong lịch sử giáo dục của Nhật Bản. Cơ sở mẫu giáo đầu tiên này được lập ra trên cơ sở du nhập các phương pháp giáo dục của Âu Mỹ mà đặc biệt là của Friedrich Wilhelm August Fröbel (1782-1852), nhà giáo dục người Đức. Ban đầu cơ sở giáo dục này chỉ phục vụ cho các gia đình trung lưu, giống như hình ảnh ở các nước phương Tây, nơi mỗi trẻ em đến trường học cưỡi ngựa mỗi ngày với các huấn luyện viên. Vào cuối thế kỷ XIX, nhận thấy sự cần thiết phải phát triển các cơ sở giáo dục mẫu giáo, Bộ Giáo dục đã ban hành “Quy định về nội dung và cơ sở vật chất dành cho trường mẫu giáo” đầu tiên vào năm 1899. Sau đó, vào năm 1900, “Sắc lệnh giáo dục mẫu giáo”[4] được ban hành[5]. Theo đó, các trường mẫu giáo được thành lập để giáo dục trẻ em từ ba tuổi trở lên các kỹ năng cần thiết trước khi trẻ bước vào trường tiểu học; không phân biệt mẫu giáo với các trường học khác, mà tất cả đều trực thuộc quyền quản lý của Bộ Giáo dục. Từ đây mẫu giáo đã có vị trí quan trọng như những cấp học khác. Hệ mẫu giáo thuộc Trường Sư phạm nữ Tokyo này đã trở thành hình mẫu cho một số mẫu giáo công lập thành lập sau đó ở Osaka và Kagoshima. Những loại hình mẫu giáo dân lập như Thiên chúa giáo, Phật giáo cũng lần lượt ra đời. Tuy nhiên các trường mẫu giáo lúc đó chỉ tập trung chủ yếu ở thành phố lớn nơi có nhiều gia đình có điều kiện bởi hầu hết các Yochien đều thuộc sở hữu tư nhân nên trước đây chi phí cần thiết để vào học Yochien là khá đắt đỏ.
Các phương pháp giáo dục trong thời kỳ này là do giáo viên định hướng, giống như phương pháp giáo dục ở các trường tiểu học. Nửa đầu thế kỷ XX số lượng các cơ sở mẫu giáo tăng lên nhanh chóng. Năm 1916, có 5.611 học sinh ở 665 cơ sở giáo dục mẫu giáo, đến năm 1926 con số này đã tăng lên 94.421 học sinh ở 1.066 cơ sở[6]. Trong những năm 1920, phương pháp giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm đã được thực hiện tại các trường mẫu giáo, do ảnh hưởng từ các triết lý giáo dục tiến bộ từ Mỹ và Châu Âu. Sozo Kurahashi (1882-1955), một giáo sư tại Trường Trung học Nữ sinh Đại học Tokyo, là một trong những người đi đầu của cải cách giáo dục mẫu giáo trong thời kỳ này. Các nội dung giáo dục chuyên biệt cho các trường mẫu giáo như vui chơi, âm nhạc, quan sát, nghe và nói, thủ công mỹ nghệ... được chú trọng. Năm 1937, “Đề cương về giáo dục mẫu giáo” được ban hành. Theo kế hoạch này, số lượng trường mẫu giáo thông thường sẽ được mở rộng, các cơ sở mẫu giáo và nhà trẻ sẽ thống nhất thành hệ thống trường mẫu giáo quốc gia. Song những thay đổi này không thực hiện được do thảm họa chiến tranh. Khi đó, các trường mẫu giáo ở khu vực thành thị bị phá hủy hoặc đóng cửa, các trường mẫu giáo và nhà trẻ, thư viện, đền, miếu đều trở thành trung tâm giữ trẻ thời chiến.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vai trò của giáo dục mẫu giáo được củng cố trong hệ thống giáo dục phổ thông thông qua “Luật Giáo dục trường học”[7], ban hành năm 1947. Điều 77 của luật quy định rằng trường mẫu giáo phải cung cấp một môi trường thích hợp giúp trẻ phát triển cả thể chất và trí tuệ; Điều 80 quy định rằng trường mẫu giáo dành cho trẻ từ ba tuổi cho đến khi bước vào trường tiểu học. Sau khi “Luật Giáo dục trường học” được thực thi, tỷ lệ nhập học của trẻ 5 tuổi không ngừng tăng hàng năm, từ 28,7% năm 1960 lên 53,7% vào năm 1970. Năm 1971, Bộ Giáo dục tiếp tục công bố kế hoạch thúc đẩy giáo dục mẫu giáo. Kế hoạch này đòi hỏi phải phát triển một hệ thống cơ sở đủ để cung cấp giáo dục mẫu giáo cho tất cả trẻ em 4 và 5 tuổi mà cha mẹ có nhu cầu cho đi học. Kết quả là tỷ lệ nhập học trung bình của trẻ 5 tuổi trên toàn quốc tăng lên 64,4% và tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo đã vượt 90%[8].
Vào đầu thế kỷ XX, Nhật Bản cần một số lượng lớn phụ nữ tham gia lực lượng lao động, do đó cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nhà máy sản xuất, các cơ sở trông giữ trẻ liên tiếp được thành lập. Mặt khác, trong giai đoạn đầu khi mới thành lập, Yochien hầu hết chỉ phục vụ con em của những gia đình khá giả trong xã hội. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu của các gia đình bình dân, Hoikuen đầu tiên đã ra đời. Đó là cơ sở trông giữ trẻ được lập nên bởi vợ chồng ông bà Akazawa Atsutomi. Cơ sở này trực thuộc trường Shizuosamu ở Niigata. Đây là trường do gia đình Akazawa lập nên và là trường giáo dục sơ cấp cho trẻ em nghèo, nhưng phần lớn các trẻ em này đều phải thay bố mẹ trông em nhỏ và có lúc phải dắt theo em đến trường học. Trước tình cảnh đó, vợ chồng Akazawa đã quyết định mở nơi trông giữ trẻ. Vào những năm 1920, Bộ Nội vụ đã xúc tiến việc thành lập các nhà trẻ như một cơ sở chăm sóc trẻ em trong chương trình dịch vụ xã hội. Theo chính sách này, ban đầu các nhà trẻ công được thành lập ở Osaka, sau đó mở rộng ở Kyoto, Kobe, Tokyo và các khu vực đô thị khác. Mục đích ban đầu của Hoikuen là cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ cho những gia đình có thu nhập thấp và thu hút lao động nữ như một nguồn lao động dồi dào và giá rẻ. Tuy nhiên khi số lượng phụ nữ đi làm tăng và mô hình gia đình Nhật Bản đã chuyển từ gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống sang gia đình hạt nhân (hay còn gọi là gia đình hai thế hệ, gia đình nhỏ chỉ gồm vợ chồng và con cái) trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao, Hoikuen đã dần chuyển sang phục vụ mọi tầng lớp xã hội. Khác với Yochien, Hoikuen nhận giữ tất cả các trẻ từ 6 tuổi trở xuống, kể cả các trẻ nhỏ mới một vài tháng tuổi. Cùng với sự bùng nổ của Chiến tranh Trung - Nhật năm 1937, các dịch vụ xã hội trở thành một phần của chính sách thời chiến. Năm 1938, Bộ Y tế và Phúc lợi được thành lập và Luật Công tác xã hội được ban hành. Theo luật này, tương tự như mẫu giáo, nhà trẻ cũng có vị trí hợp pháp trong hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Đến năm 1947, “Luật phúc lợi nhi đồng”[9] được ban hành, các cơ sở trông giữ trẻ nhỏ phát triển thành các nhà trẻ (Hoikuen) như hiện nay. Các Hoikuen nhận trẻ quanh năm và chịu quản lý của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản. Điều 39 của “Luật phúc lợi nhi đồng” quy định nhà trẻ là các tổ chức có mục đích chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên cơ sở hợp đồng với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ; Điều 24 nêu rõ trách nhiệm của thị trưởng thành phố trong việc đưa trẻ em cần được chăm sóc vào các nhà trẻ. Đến năm 1951, Điều 39 được sửa đổi để hạn chế phạm vi hoạt động của các nhà trẻ, theo đó nhà trẻ chỉ dành cho các trường hợp “thiếu người trông trẻ”, có nghĩa là cha mẹ hoặc người giám hộ không thể trông trẻ vì công việc, bệnh tật… Trong khi Yochien thông thường chỉ nhận trẻ từ 3-6 tuổi vào học và chỉ hoạt động từ 9h-14h hoặc 10h-15h (tùy theo trường), thời gian giữ trẻ tối thiểu là 39 tuần một năm, thì Hoikuen nhận trẻ có cha mẹ đang đi làm, do đó giờ học cũng kéo dài hơn, từ 7h30 đến 19h00 để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của cha mẹ[10].
Năm 2005, có tới gần 58% số trẻ 5 tuổi đăng ký học tại Yochien, trong khi số trẻ tham gia Hoikuen là 42%[11]. Ở Nhật Bản, các trường công lập không đủ để đáp ứng nhu cầu bởi thực tế, số lượng phụ nữ đi làm trở lại sau khi sinh con ngày càng tăng. Năm 2006, loại hình Nintei Kodomoen đã ra đời. Đây là mô hình kết hợp những đặc trưng của cả Yochien và Hoikuen, giúp giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ đang đi làm. Thời gian nhận trông trẻ ở Nintei Kodomoen là từ 9h đến 18h (có trường nhận trông trẻ lâu hơn và có phục vụ bữa tối). Ưu điểm của loại trường này so với nhà trẻ là trẻ không phải chuyển trường nếu phụ huynh nghỉ việc. Vì tình trạng thiếu hụt nhà trẻ, nhiều nhà trẻ chỉ nhận trông cho những gia đình bố mẹ đang đi làm và thực sự bận rộn, nên nếu bố mẹ nghỉ việc thì bé sẽ buộc phải nghỉ học.
2. Một vài nét độc đáo của giáo dục mầm non Nhật Bản
Giáo dục Yochien ở Nhật Bản nhìn chung dựa trên ba tiêu chí quan trọng: (1) trẻ có thể tiếp thu được nhiều kinh nghiệm nhất có thể; (2) trẻ có thể học thông qua chơi; (3) trẻ phát triển tùy theo tính cách và bản chất tự nhiên của chính bản thân trẻ. Còn giáo dục Hoikuen dựa trên ba tiêu chí sau: (1) thời thơ ấu là giai đoạn quan trọng để tạo nền tảng tốt cho cuộc sống của trẻ sau này; (2) tôn trọng quyền con người và cuộc sống của mỗi đứa trẻ; (3) hợp tác với gia đình và cộng đồng trong quá trình nuôi dạy trẻ. Mục tiêu của giáo dục Hoikuen cũng giống như mục tiêu của giáo dục Yochien, bao gồm năm khía cạnh như sức khỏe thể chất và tinh thần; quan hệ xã hội; quan hệ với môi trường và cộng đồng xung quanh; kỹ năng ngôn ngữ; khả năng thể hiện nghệ thuật và khả năng sáng tạo. Hoikuen nhấn mạnh vai trò của mình như một tổ chức phối hợp cùng với gia đình và xã hội giúp cha mẹ trong việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ.
Trong các hoạt động hàng ngày, các trường mẫu giáo và nhà trẻ Nhật Bản dường như không quan tâm nhiều đến giáo dục trí tuệ, thay vào đó họ chú trọng phát triển nhân cách và kỹ năng sống cho trẻ. Quy trình giáo dục được áp dụng thông qua các hoạt động khác nhau như thể thao, nghệ thuật và chế tạo các sản phẩm thủ công thay vì giải thích cặn kẽ và bắt trẻ phải ghi nhớ. Thông thường trẻ sử dụng một nửa thời gian của mình để chơi tự do và một nửa thời gian để tham gia hoạt động với cả lớp. Chơi tự do nghĩa là trẻ được hoàn toàn tự do chọn lựa theo sở thích của mình mà không phải chọn giữa một tập hợp hạn chế các hoạt động do giáo viên thiết kế, các bé có thể tự do chơi và làm bất cứ trò gì mình thích trong khuôn viên nhà trường với bãi cát, xích đu, cầu trượt, dây leo… ngoài sân hoặc các loại nhạc cụ, đồ chơi, gỗ, gối, gấu bông, búp bê, chăn, chiếu, băng dính, giấy màu… trong nhà. Những loại đồ chơi này đều có đặc điểm chung là giúp trẻ phát triển trí thông minh và khả năng sáng tạo. Trẻ sẽ phải suy nghĩ, tìm tòi cách chơi, cách kết hợp những thứ có sẵn trong lớp học hoặc ngoài sân để có được những trò chơi thú vị. Giáo viên hoàn toàn không can thiệp vào quá trình vui chơi của trẻ, chỉ đứng từ xa quan sát và hỗ trợ khi cần thiết. Cùng với đó giáo viên sẽ ghi chép lại những điều này và trao đổi với phụ huynh, từ đó giúp cho việc định hướng nghề nghiệp của trẻ sau này[12]. Nhờ đó, trẻ được phát triển một cách tự nhiên, sở thích, năng khiếu, đam mê và khả năng tiềm ẩn của từng bé sẽ dần bộc lộ và phát triển. Nếu như ở Việt Nam, trẻ mẫu giáo vẫn được bố mẹ giúp những sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, trang phục, thì ở Nhật Bản ngay trong các hoạt động giáo dục mầm non trẻ đã được học cách tự làm những việc đó. Bên cạnh việc rèn luyện cách tự vệ sinh cá nhân và các thói quen sinh hoạt cơ bản, trẻ cũng được học cách chia sẻ công việc với tư cách là một thành viên trong tập thể khi chuẩn bị chỗ ngồi cho cả nhóm hay trực nhật… Trẻ cũng biết được các quy tắc được yêu cầu với các tình huống cần phải chỉnh đốn tư thế, cảm ơn, xin lỗi, giữ trật tự…
Các hoạt động hàng ngày của trẻ tại trường là cố định và nhiều bài học được giảng dạy thông qua chương trình cố định này. Ví dụ, thông qua việc nghe các câu chuyện và mượn sách trong thư viện, trẻ em được dạy để yêu sách. Thông qua việc để cho trẻ tự tay chăm sóc một loài động vật nào đó trẻ sẽ dần hình thành tình yêu thương với động vật. Hay để trẻ hiểu rằng không được lãng phí đồ ăn, giáo viên sẽ hướng dẫn trẻ tự tay gieo hạt, chăm sóc, cho tới khi thu hoạch các loại rau củ. Qua ca hát và chơi nhạc cụ, trẻ em học cách thể hiện bản thân bằng cách nhảy múa theo nhịp điệu. Thông qua hoạt động ăn trưa, trẻ học cách tự chuẩn bị dao kéo cũng như dọn dẹp lại sau khi ăn xong. Trường học còn là nơi giúp trẻ trải nghiệm những kỹ năng sống rèn luyện tính cách cho các em từ những việc nhỏ nhất như dạy cách tự chăm sóc bản thân, tự mặc quần áo, tự đi vệ sinh, ăn uống, làm bài tập… dần dần các em sẽ quen hơn, quan trọng nhất là trẻ đã học được cách tự giác, đức tính tự lập. Việc nhận biết chữ cái, con số cùng với những kĩ năng bổ trợ cho việc đọc không có trong chương trình giảng dạy chính quy được quy định bởi Bộ Giáo dục và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Do đó trong các hoạt động mẫu giáo hàng ngày ở Nhật Bản hoàn toàn không có bài học đọc hoặc học đếm, không có bất kì môn học nào như toán, hát vẽ hay tập tô, tập vẽ. Tất cả các bài học được giảng dạy một cách tinh tế và thú vị lồng ghép qua các thói quen được dạy trong lớp.
Quan điểm này trái ngược hoàn toàn với quan điểm của các nhà giáo dục Việt Nam. Trong khi trẻ mầm non Nhật Bản sử dụng những khoảng thời gian dài để tham gia các hoạt động nhóm và chơi tự do với giáo viên ở sân chơi thì trẻ em Việt Nam lại phải dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động theo chế độ và kỷ luật của nhà trường, bị ép học chữ và kiến thức từ sớm. Đến trường ngoài việc ăn, chơi, ngủ theo khung giờ đã chọn thì không được làm gì khác, trẻ rất ít thời gian được vui chơi bên ngoài, được tự do khám phá và phải tránh xa động vật để không gây nguy hiểm. Trong cả một ngày, trẻ chủ yếu chỉ có thể tập múa, tập hát với cô, hoặc tô màu, tập viết… cho đến hết giờ. Trẻ thường không được lựa chọn cách mình muốn chơi, đồ chơi mình thích mà luôn phải theo sự sắp xếp của giáo viên, do đó trẻ dễ phát sinh tâm lý nhàm chán khi đến trường. Trẻ mầm non ở Việt Nam thường bị “ép” ăn cho dù bé có thích hay không hoặc ngược lại thường bị bỏ mặc với suất ăn của mình. Một lớp nhà trẻ hoặc mẫu giáo ở một trường mầm non công lập thông thường ở Việt Nam thường rất đông học sinh (30-50 trẻ) mà chỉ có từ 2-3 giáo viên. Do đó, trong giờ ăn, việc trẻ có lười ăn, không ăn hoặc ăn rất ít giáo viên cũng khó có thể bao quát hết. Vì thế, ngay từ bé, các em đã không hiểu được giá trị của đồ ăn mà mặc định có quyền được lãng phí… Gần như trong suy nghĩ của nhà trường và các bậc phụ huynh tại Việt Nam, trường mầm non giống một nơi “để gửi gắm con an toàn” mà ít chú ý đến việc đây là giai đoạn giáo dục tốt nhất bởi trẻ bắt đầu hình thành nhận thức và nhạy cảm với thế giới xung quanh.
Sự phát triển và các hoạt động giáo dục mầm non ở Nhật Bản được mô tả ở trên đã gián tiếp hình thành nền tảng của tính cách ưu việt của xã hội và những giá trị đặc trưng của văn hóa Nhật Bản. Sự tiến bộ đó là kết quả của những nỗ lực của người Nhật trong vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục từ thời thơ ấu – giai đoạn quan trọng đầu tiên trong việc tiếp thu kiến thức và hòa nhập xã hội của mỗi cá nhân. Có thể nói có ba điểm mạnh tạo nên nét độc đáo và ưu việt của giáo dục mầm non Nhật Bản. Thứ nhất là chú trọng đến giáo dục đạo đức để từ đó hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Thứ hai là tăng cường các hoạt động giáo dục thông qua vui chơi. Thứ ba là phương pháp giáo dục tiên tiến giúp trẻ rèn luyện tư duy logic, phát triển trí tuệ, rèn luyện sức khỏe và tính tự lập trong môi trường tập thể. Nhật Bản xác định nhà trẻ, mẫu giáo là một hệ thống hỗ trợ mang tính xã hội đối với trẻ em đồng thời là cơ sở giáo dục đầu đời ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người do đó nhà trẻ, mẫu giáo ở Nhật Bản rất được ngành giáo dục coi trọng và đầu tư chu đáo.
Tại Việt Nam, giáo dục trẻ từ bậc mầm non chưa thực sự được coi trọng từ phía các nhà giáo dục, nhà quản lý đến bản thân mỗi gia đình trong khi đây lại là giai đoạn giáo dục trẻ rất quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các quy định về việc cấm dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1[13], tuy nhiên thực trạng này vẫn còn xảy ra nhiều nơi, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Để giảm tình trạng bạo hành trẻ và ép trẻ học sớm thì cả gia đình, xã hội cần phải nhìn phải hiểu đặc điểm tâm sinh lý của trẻ để chuẩn bị cho trẻ một môi trường phát triển phù hợp nhất. Các chương trình học nên được xây dựng thông qua các hình thức vui chơi, tiếp xúc với tự nhiên. Phụ huynh và nhà trường cần có sự phối hợp thường xuyên để hiểu rõ hơn về con em mình cũng như có những đối xử, phương pháp giáo dục phù hợp. Những yếu tố trên đều được giáo dục mầm non Nhật Bản thực hiện triệt để, vì vậy ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã rất tự tin thể hiện mình, có trí tưởng tượng và khả năng tư duy tốt cũng như tinh thần tự lập cao. Tất cả là nhờ môi trường giáo dục được chuẩn bị đầy đủ ở các trường học, phương pháp giáo dục tự do “chơi mà học, học mà chơi” trên tinh thần “trẻ em là người chủ động” và tình cảm yêu thương từ cha mẹ, giáo viên. Có lẽ đó chính là lý do mà hiện nay nhiều nhà trẻ, mẫu giáo ở Việt Nam áp dụng dạy theo phương pháp giáo dục của Nhật Bản và nhiều nhà trẻ, mẫu giáo theo mô hình Nhật Bản được lập ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đang thu hút ngày càng đông phụ huynh đăng ký cho con theo học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Budi Mulyadi (2020), “The Uniqueness of An Early Childhood Education System in Japan”, IZUMI, Volume 9 No 1, 2020.
2. Itsuko Fukui (2016), Child Education and Care in Japan: Past, Present, and Future, Faculty of Human Sciences, Department of Child Study Kanazawa Seiryo University, Ishikawa, Japan.
3. Karen Guo, Kiyomi Kuramochi (2019), “Exploring kyōiku: Children’s educational experiences in Japanese kindergartens”, Issues in Educational Research, 29 (1), 2019.
4. 文部科学省, 『幼児教育の現状』, 幼児教育の実践の質向上に関する検討会 (23/10/2019) <参考資料3>(Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ, Thực trạng giáo dục mầm non, Tài liệu tham khảo số 3 của Hội thảo về nâng cao chất lượng thực hành đối với giáo dục mầm non ngày 23/10/2019).
5. 秋田喜代美(2020),「国際的視点から見る日本の幼児教育・保育の現状と課題」, 国立教育政策研究所 (Kiyomi Akita (Đại học Tokyo), Thực trạng và các vấn đề của giáo dục mầm non và chăm sóc trẻ em ở Nhật Bản từ góc độ quốc tế, Viện Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Quốc gia, 2/2020).
6. お茶の水女子大学子ども発達教育センター(2004)『幼児教育ハンドブック』(Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Trẻ em, Đại học Ochanomizu (2004), Cẩm nang giáo dục mầm non).
[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] 秋田喜代美(2020),「国際的視点から見る日本の幼児教育・保育の現状と課題」, 国立教育政策研究所 (Kiyomi Akita (Đại học Tokyo), Thực trạng và các vấn đề của giáo dục mầm non và chăm sóc trẻ em ở Nhật Bản từ góc độ quốc tế, Viện Nghiên cứu chính sách giáo dục Quốc gia, 2/2020).
[3] Thái chính quan là cơ quan nhà nước cao nhất về tư pháp, hành pháp, lập pháp theo chế độ pháp lệnh của Nhật Bản thời Minh Trị duy tân.
[4] Lệnh giáo dục:「教育令」
[5] Itsuko Fukui (2016), Child Education and Care in Japan: Past, Present, and Future, Faculty of Human Sciences, Department of Child Study Kanazawa Seiryo University, Ishikawa, Japan.
[6] Itsuko Fukui (2016), Child Education and Care in Japan: Past, Present, and Future, Tlđd.
[7] Luật giáo dục trường học「幼稚園保育及設備規程」
[8] 文部科学省, 『幼児教育の現状』, 幼児教育の実践の質向上に関する検討会 (23/10/2019) (参考資料3) (Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ, Thực trạng giáo dục mầm non, Tài liệu tham khảo số 3 của Hội thảo về nâng cao chất lượng thực hành đối với giáo dục mầm non ngày 23/10/2019).
[9] Luật phúc lợi nhi đồng「児童福祉法」
[10] Budi Mulyadi (2020), The Uniqueness of An Early Childhood Education System in Japan, IZUMI, Volume 9 No 1, 2020.
[11] お茶の水女子大学子ども発達教育センター(2004)『幼児教育ハンドブック』(Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Trẻ em, Đại học Ochanomizu (2004), Cẩm nang giáo dục mầm non).
[12] Karen Guo, Kiyomi Kuramochi (2019), “Exploring kyōiku: Children’s educational experiences in Japanese kindergartens”, Issues in Educational Research, 29 (1), 2019.
[13] Ngày 28 tháng 6 năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1.