Trang chủ

Kinh nghiệm thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái ở Nhật Bản

Đăng ngày: 12-07-2024, 08:31 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Số 11

Trần Ngọc Nhật1

Tóm tắt: Trong các hoạt động du lịch, các hoạt động hướng tới thiên nhiên và du lịch sinh thái đang là mối quan tâm lớn của khách du lịch Nhật Bản. Nhu cầu du lịch sinh thái của người Nhật bắt nguồn từ ý thức bảo vệ môi trường rất cao của người dân. Tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó có cả sản phẩm du lịch đã trở thành một phần trong giá trị sống. Nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái đã được chính phủ, cộng đồng địa phương, các công ty du lịch… đưa ra và thực hiện khá hiệu quả. Nhờ đó, ngành du lịch sinh thái ở Nhật Bản đã có sự khởi sắc, đem lại thêm nguồn thu cho đất nước, quảng bá và tạo dựng uy tín và vị thế của Nhật Bản ra nước ngoài.

Từ khóa: Chính sách, giải pháp, phát triển, du lịch sinh thái, Nhật Bản


1. Đặt vấn đề [1]

Du lịch sinh thái ở Nhật Bản ngoài việc bảo vệ thiên nhiên còn giúp đỡ, phục hồi các cộng đồng nông thôn. Phong trào này bắt đầu từ những năm 1970, khi sức hấp dẫn của các thành phố lớn đã thu hút  thế hệ trẻ từ bỏ các cộng đồng nông thôn. Thiên nhiên rộng lớn và nền văn hóa phong phú của Nhật Bản đã tạo ra không gian cho các loại hình du lịch tự nhiên khác nhau như đi suối nước nóng, leo núi, đi bộ đường dài và trượt tuyết[2]. Khách du lịch sẽ được tham quan một môi trường thiên nhiên phong phú mà ít gây tác động đến môi trường nhất có thể. Trong khi các tour du lịch sinh thái đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới thì khách du lịch trên thế giới vẫn chưa được biết nhiều đến Nhật Bản và cũng rất ít người Nhật Bản trải nghiệm du lịch sinh thái.

Ủy ban Môi trường (nay là Bộ Môi trường) là một trong những cơ quan đầu tiên của chính phủ chịu trách nhiệm trong việc thúc đẩy du lịch sinh thái ở Nhật Bản. Ủy ban Môi trường đã tiến hành các nghiên cứu khả thi về du lịch sinh thái ở một số công viên vào năm 1990 và chọn đảo Iriomote ở Vườn Quốc gia Iriomote Ishigaki, Okinawa làm địa điểm phát triển du lịch sinh thái kiểu mẫu vào năm 1991. Ủy ban Môi trường tham gia vào Liên minh Di sản Thế giới năm 1992. Cũng từ năm đó, các nhóm kinh doanh và hoạt động về du lịch sinh thái ở các địa phương bắt đầu tập hợp và họp bàn ở cấp toàn quốc. Năm 1994, Hiệp hội Bảo vệ di sản thiên nhiên Nhật Bản đưa ra “Hướng dẫn về du lịch sinh thái”. Sau sự ra đời của một số hiệp hội du lịch sinh thái tại một số địa phương là sự ra đời của Hội đồng Xúc tiến du lịch sinh thái Nhật Bản năm 1998. Hội đồng này là cơ quan cao nhất của nhà nước đưa ra các chính sách phát triển du lịch sinh thái tại Nhật Bản hướng tới việc bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên tự nhiên, lịch sử, văn hóa của các vùng. Hội đồng bao gồm cả những đại diện của những cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (Bộ Môi trường; Bộ Đất đai, Cơ sở Hạ tầng, Giao thông và Du lịch; Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản…), các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương, các hiệp hội du lịch, đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch sinh thái. Đứng đầu hội đồng là Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản.

Chính sách do Hội đồng Xúc tiến du lịch sinh thái đưa ra không chỉ tập trung trực tiếp vào việc xây dựng và phát triển loại hình du lịch này ở Nhật Bản mà còn liên quan tới bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch, giảm các tác động tiêu cực của du lịch và nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề môi trường. Vào tháng 6 năm 2004, Hội đồng đã đưa ra “5 giải pháp xúc tiến du lịch sinh thái”, đó là: xây dựng luật về du lịch sinh thái, quảng bá các hoạt động và kinh doanh du lịch sinh thái, biên soạn sổ tay phát triển du lịch sinh thái, phát triển 13 dự án thí điểm về du lịch sinh thái.

Ngoài ra, một hội đồng liên lạc bao gồm các bộ và cơ quan liên quan (Văn phòng Nội các; Bộ Nội vụ và Truyền thông; Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi; Bộ Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Thủy sản; Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải và Bộ Môi trường) được thành lập để hỗ trợ các hoạt động trong các khu vực mô hình[3].

Bộ Môi trường đã công bố Luật Du lịch sinh thái, tổ chức trao giải thưởng lớn về du lịch sinh thái hàng năm và phổ biến Sổ tay phát triển du lịch sinh thái. Các hoạt động khác cũng đã hoàn thành giai đoạn đầu và tiếp tục được duy trì và mở rộng. Các giải pháp trên đi kèm một loạt hoạt động từ khảo sát nghiên cứu, tổ chức biên soạn, tổ chức các hội thảo, đầu tư tiền và cơ sở vật chất kỹ thuật… Kinh phí thực hiện các giải pháp được huy động từ nhiều nguồn nhưng chủ yếu từ nhà nước.

Du lịch sinh thái chỉ phát triển nhanh, bền vững khi có một chiến lược quốc gia về phát triển du lịch sinh thái và được cụ thể hoá bằng chương trình hành động quốc gia. Sau đây là những kinh nghiệm thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái ở Nhật Bản trong những năm qua.

2. Thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái từ phía Chính phủ Nhật Bản

Năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua luật thúc đẩy du lịch sinh thái. Điều này dựa trên bốn nguyên tắc, tức là xem xét môi trường, đóng góp vào việc thúc đẩy ngành du lịch, đóng góp vào sự phát triển khu vực và giới thiệu giáo dục môi trường. Để hỗ trợ những mục tiêu này, chính phủ đã hỗ trợ cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực và quan hệ công chúng.

Thứ nhất, về hỗ trợ cộng đồng, chính phủ trợ cấp cho một số cộng đồng có liên quan đến việc quảng bá du lịch sinh thái. Năm 2015, chính phủ cung cấp tới 50% chi phí cho 18 tổ chức riêng biệt và cử các chuyên gia cố vấn để đưa ra lời khuyên phù hợp với nhu cầu của từng địa phương, khu du lịch sinh thái.

Thứ hai, chính phủ cố gắng phát triển nguồn nhân lực của các cộng đồng thúc đẩy du lịch sinh thái bằng cách tiến hành các khóa đào tạo dựa trên một chương trình giảng dạy do các nhà điều hành, chuyên gia và Bộ tổng hợp. Điều này không chỉ bao gồm các vấn đề du lịch sinh thái như tìm hiểu về tài nguyên du lịch tự nhiên, lịch sử và truyền thống của địa phương mà còn bao gồm các chủ đề như quản lý tài nguyên, quy hoạch, quan hệ công chúng và quản lý kinh doanh.

Thứ ba, chính phủ thực hiện các hoạt động quan hệ công chúng để giúp thúc đẩy du lịch sinh thái. Năm 2003, Bộ Môi trường đã tổ chức “Cuộc họp xúc tiến du lịch sinh thái” đề xuất năm kế hoạch nhằm phổ biến sự hiểu biết về du lịch sinh thái, mở rộng các khu vực và doanh nghiệp tích cực làm việc với du lịch sinh thái và tăng nhu cầu về du lịch sinh thái. Trong đó có thể nói các kế hoạch quan trọng nhất là “Hướng dẫn đầy đủ về du lịch sinh thái” và “Giải thưởng lớn về du lịch sinh thái”. “Giải thưởng lớn về du lịch sinh thái” là nỗ lực nhằm tôn vinh các nhà khai thác du lịch sinh thái, các tổ chức và chính quyền địa phương vì những đóng góp xuất sắc cho du lịch sinh thái. Mục đích là để tăng động lực và trao đổi thông tin. Các kế hoạch khác đã được đề xuất là xây dựng quy tắc du lịch sinh thái (nhằm mục đích truyền bá các nguyên tắc của du lịch sinh thái một cách đơn giản); sổ tay quảng bá du lịch sinh thái (giải thích một số phương pháp chính để thúc đẩy thành công du lịch sinh thái); và một kế hoạch kinh doanh mô hình du lịch sinh thái có thể giúp phát triển các dự án du lịch sinh thái do chính quyền địa phương điều hành[4].

Tháng 6 năm 2018, Trung tâm Xúc tiến du lịch bền vững được Cơ quan Du lịch Nhật Bản thuộc Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) thành lập. Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban điều tra về các chỉ số du lịch bền vững được tổ chức vào tháng 8 năm 2019 vì du lịch được coi là một yếu tố chính trong tăng trưởng chiến lược trong tương lai, đặc biệt là với sự gia tăng đáng kể của du khách nước ngoài trong những năm gần đây. Số lượng khách du lịch nước ngoài dự kiến sẽ tiếp tục tăng với dự đoán là 40 triệu du khách vào năm 2020 và 60 triệu vào năm 2030[5] (con số năm 2020 không thành hiện thực do đại dịch Covid-19).

Trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản đang chuyển mình, du lịch sinh thái nông thôn phải không ngừng đổi mới và phát triển các mô hình mới, tối ưu hóa và nâng cấp cơ cấu công nghiệp của du lịch sinh thái nông thôn, coi đây là trọng tâm chiến lược trong điều kiện chuyển đổi kinh tế và phấn đấu thực hiện hiện đại hóa và phát triển chuyên sâu du lịch sinh thái nông thôn. Theo Sách trắng du lịch 2019, trong số 31,19 triệu du khách nước ngoài đến Nhật Bản trong năm 2018, có 57,7% đến thăm các vùng nông thôn bên ngoài ba khu vực đô thị lớn Tokyo, Nagoya và Osaka. Mức chi tiêu của du khách nước ngoài ở các vùng nông thôn Nhật Bản đang tăng lên qua mỗi năm nhờ ngày càng có nhiều du khách nước ngoài thăm các trang trại, các làng chài, chơi trượt tuyết và chơi các môn thể thao mùa đông khác cũng như thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa. Theo Sách trắng, tám tỉnh gồm Tokyo, Kanagawa, Chiba, Saitama, Aichi, Osaka, Kyoto và Hyogo là đô thị và 41 tỉnh còn lại của Nhật Bản là vùng nông thôn. Chi tiêu của du khách nước ngoài ở Nhật Bản đạt 4.500 tỉ yên trong năm 2018, tăng 30% so với năm 2015 nhưng trong cùng thời gian, chi tiêu du khách nước ngoài ở các vùng nông thôn tăng với tốc độ nhanh hơn, khoảng 60%. Ngày càng có nhiều du khách nước ngoài đến Nhật Bản để khám phá những vùng nông thôn nằm xa các vùng đô thị lớn Tokyo, Nagoya và Osaka. Trong năm 2018, có 18 triệu du khách nước ngoài đến thăm các vùng nông thôn Nhật Bản, trong khi đó, chỉ khoảng 15 triệu du khách nước ngoài đến thăm các thành phố. Mức chênh lệch này được nới rộng hơn so với năm 2015 khi có 10,2 triệu du khách nước ngoài tìm đến các miền quê Nhật Bản và 9,5 triệu du khách nước ngoài thưởng thức các điểm vui chơi, giải trí ở các thành phố. Tiêu dùng của du khách nước ngoài ở các khu vực nông thôn đạt 1,036 nghìn tỷ yên (khoảng 9,67 tỷ USD) vào năm 2018, tăng 58% so với năm 2015, theo Sách trắng du lịch năm 2019. Tỷ lệ tiêu dùng của khách du lịch nước ngoài ở các khu vực nông thôn trong tổng chi tiêu của khách du lịch đạt 28,5%, cải thiện so với mức 23,6% của năm 2015, do ngày càng có nhiều du khách đến thăm các làng nghề nông và đánh cá, trượt tuyết và tham gia các môn thể thao mùa đông khác, đồng thời hòa mình vào thiên nhiên và văn hóa của Nhật Bản.

3. Thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái từ phía cộng đồng địa phương

Các cộng đồng địa phương muốn thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái có thể thành lập hội đồng xúc tiến du lịch sinh thái để sau đó có thể xin chính phủ công nhận. Tính đến tháng 6 năm 2016, bảy tổ chức riêng biệt đã được chứng nhận[6], các hoạt động đã được thực hiện:

+ Tanigawadake (tỉnh Gunma): có hoạt động du lịch đi bộ xuyên rừng, nghiên cứu đặc điểm địa lý, nghiên cứu lịch sử của đèo Shimizu, ngắm sao và quan sát động vật hoang dã.

+ Thành phố Hanno (tỉnh Saitama): có hoạt động du lịch tham quan nhà máy nấu rượu sake, đi bộ đường dài, du lịch ẩm thực, tắm rừng và trải nghiệm nghề thủ công, thăm nhà cổ và trải nghiệm nông nghiệp.

+  Nantan-shi Miyama (tỉnh Kyoto): săn bắn và giết mổ hươu, trải nghiệm làm rơm, trải nghiệm đền chùa và đi bộ xuyên rừng.

+ Thành phố Toba (tỉnh Mie): quan sát san hô bằng thuyền đáy kính, lặn với ống thở, tham quan câu cá, các chuyến đi đến các đảo hoang và đi dạo trên phố.

+ Thành phố Nabari (tỉnh Mie): có các chuyến đi satoyama, thực hành khổ hạnh ngồi dưới thác nước, đi bộ đường dài đến quan sát sự thay đổi của lá vào mùa thu, thăm các tảng băng vào mùa đông và xem các bài tập huấn luyện ninja.

 

Biểu đồ 1: Chi tiêu của khách du lịch nước ngoài tính theo phần trăm tổng chi tiêu

của khách du lịch ở 15 tỉnh đứng đầu Nhật Bản

+ Làng Tokashiki và Zamami (tỉnh Okinawa): hoạt động ngắm cá voi, chèo thuyền kayak trên biển, lặn biển với ống thở.

+ Quần đảo Ogasawara: xem cá voi, xem cá heo, đi bộ xuyên rừng, tham quan ban đêm, lặn biển và chèo thuyền kayak trên biển.

Ở Osaka và Tokyo, chi tiêu của khách du lịch nước ngoài chiếm gần một nửa tổng chi tiêu của khách du lịch. Ở Fukuoka, Hokkaido và Okinawa, do được thiên nhiên ưu đãi vô số điểm thu hút khách du lịch nên tỷ lệ này là khoảng 20%. Ở Nara, con số này là 17%, còn ở Gifu và Oita là 10%.

Tỉnh Okinawa được coi là nơi thí điểm chính cho du lịch Nhật Bản. Từ năm 1972 đến năm 2018, Okinawa đã có sự tăng trưởng đáng kể về lượng khách du lịch từ khoảng 560.000 khách lên đến 9.580.000 khách. Trong giai đoạn đến năm 2012, tốc độ tăng trưởng ổn định và phần lớn du khách là công dân Nhật Bản, với tổng số khách du lịch xấp xỉ 6 triệu lượt. Tuy nhiên, trong 6 năm tiếp theo đã có mức tăng bùng nổ hơn 50%, trong đó khách du lịch nước ngoài (chủ yếu đến từ Đông Á) chiếm phần lớn (năm 2018 lượng khách du lịch nước ngoài là 2.690.000 lượt). Doanh thu du lịch của tỉnh Okinawa trong năm 2018 đạt 697,9 tỷ yên, tăng 21,5 lần so với năm 1974.

Về du lịch sinh thái, năm 2008, chính quyền địa phương trên đảo Miyakojima ở Okinawa đã công bố “Đảo sinh thái Miyakojima”. Kết quả là lượng khách du lịch đến thăm đảo tăng lên, các vấn đề nảy sinh như vứt rác bừa bãi, môi trường xấu đi, xuất hiện các triệu chứng của du lịch quá mức. Để giảm thiểu tình trạng này, một dự án huy động vốn từ cộng đồng đã được bắt đầu để gây quỹ cho việc xuất bản “Hộ chiếu đảo sinh thái” nhằm tạo ra cách cư xử du lịch chung giúp cho sự phát triển của hòn đảo bền vững. Chiến dịch này nhằm mục đích huy động được hơn 2 triệu yên trong thời gian hai tháng bắt đầu vào giữa tháng 1 năm 2020[7].

Theo báo cáo của chính quyền tỉnh Okinawa, số lượng khách du lịch Nhật Bản tham gia vào các chuyến du lịch sinh thái vẫn ổn định, trung bình khoảng 90.000 người mỗi năm. Ngoài ra, số lượng người nước ngoài tham gia các tour du lịch sinh thái cũng tăng đáng kể, từ 64.000 người năm 2014 lên 443.000 người vào năm 2018. Do đó, tiềm năng khách du lịch nước ngoài sẽ tiếp tục là thị trường chính của ngành du lịch sinh thái Okinawa. Chính quyền tỉnh Okinawa đã đặt mục tiêu đạt được 10 triệu khách du lịch và đạt mức doanh thu 1 nghìn tỷ yên vào năm 2018; mục tiêu cho năm 2023 đã được điều chỉnh thành 12 triệu khách du lịch và thu nhập 1,1 nghìn tỷ yên[8].

Thành phố Hida thuộc tỉnh Gifu đã tạo nên một thương hiệu “trải nghiệm Satoyama” cho ngành du lịch Nhật Bản. Thuật ngữ “satoyama” dùng để chỉ khu vực biên giới hoặc khu vực giữa chân núi đồi và đồng bằng có thể canh tác được. Tận dụng nguồn tài nguyên du lịch chưa được khai thác sẽ thu hút được du khách nước ngoài, đồng thời thúc đẩy du lịch sinh thái. Năm 2009, các chuyến tham quan thành phố Hida giới thiệu cho du khách về thiên nhiên, truyền thống địa phương và cuộc sống tại địa phương. Bên cạnh những chuyến du lịch bằng xe đạp đến khu vực “satoyama” với hướng dẫn viên địa phương, Hida còn quảng bá một tour đi bộ có tên là “Chuyến đi bộ về ẩm thực và văn hóa”, trong đó khách du lịch có cơ hội nếm thử các món ăn địa phương, cũng như tham dự một chương trình nấu ăn với đầu bếp chuyên nghiệp[9]. Trên trang web đánh giá du lịch TripAdvisor tính đến tháng 3 năm 2018, khu vực “Satoyama” đã nhận được nhiều đánh giá tốt nhất về du lịch sinh thái, với 747 khách du lịch cho điểm đánh giá năm sao. Nhờ những giải pháp kịp thời, khách du lịch phương Tây có xu hướng ở lại “satoyama” lâu hơn và chi tiêu nhiều tiền hơn, dẫn đến số lượng nhân viên tăng từ 2 lên hơn 10 nhân viên. Từ năm 2012 đến năm 2016, số lượng khách tham gia tour tăng đều đặn từ 900 khách lên 3.400 khách.

4. Thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái từ phía công ty du lịch

Trong những năm 1980, du lịch sinh thái thường được coi là một sản phẩm cao cấp vì cần có hướng dẫn viên giỏi và hạn chế về số lượng người tham gia và còn là những chuyến đi vất vả vì có liên quan đến việc đi bộ ở những vùng núi hẻo lánh. Tuy nhiên, vào năm 1985, Cục Du lịch Nhật Bản (JTB) bắt đầu chiến dịch làm mới các điểm tham quan và bảo tồn tài nguyên du lịch. Sau đó, vào năm 2002, JTB bắt đầu cung cấp các tour du lịch mang tên “Fabre”, hướng đến những khách hàng quan tâm đến các vấn đề môi trường và tiếp xúc với thiên nhiên. Bắt đầu từ năm 2008, Cục Du lịch cũng đã khởi động các chuyến du lịch thân thiện với môi trường có tên “Love Earth” nhằm mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về các vấn đề môi trường[10].

H.I.S, công ty du lịch lớn thứ hai tại Nhật Bản cũng đã nỗ lực thúc đẩy du lịch sinh thái và cung cấp các tuyến du lịch sinh thái trong nước và quốc tế. Một số công ty du lịch khác cũng tham gia vào lĩnh vực du lịch sinh thái. Ví dụ, công ty du lịch Picchio được thành lập bởi Hoshino Yoshihara, chủ tịch của Hoshino Resorts, vào năm 1992 và trở thành một công ty độc lập vào năm 2003. Trong năm 2005, công ty đã khá thành công và đã trở thành công ty du lịch đầu tiên giành được “Giải thưởng lớn về Du lịch sinh thái” do Bộ Môi trường thành lập.

Năm 2019, công ty du lịch H.I.S tại Nhật Bản đã có 259 đại lý và 270 đại lý tại 163 thành phố ở 69 quốc gia bên ngoài Nhật Bản. Kinh doanh lữ hành ghi nhận doanh thu thuần 722.464 triệu yên (110,9% cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận hoạt động là 13.754 triệu yên (112,7% cùng kỳ năm ngoái).

5. Thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái từ phía các tổ chức phi lợi nhuận (NPOs)

Ngoài chính phủ, còn có nhiều tổ chức khác đang thúc đẩy và phát triển du lịch sinh thái ở Nhật Bản. Các tổ chức du lịch sinh thái này có thể có các chương trình nghị sự rất khác nhau và do đó không phải lúc nào cũng hoạt động hướng tới cùng một mục tiêu. Tuy nhiên, điểm chung của họ là mong muốn truyền bá du lịch sinh thái khắp Nhật Bản theo nhiều cách khác nhau. Ba ví dụ về các tổ chức du lịch sinh thái quan trọng ở Nhật Bản, cũng là thành viên của TIES, là Hiệp hội Du lịch sinh thái Nhật Bản, Trung tâm Du lịch sinh thái Nhật Bản và Hiệp hội Ecolodge Nhật Bản

Hiệp hội Du lịch Sinh thái Nhật Bản (JES).

Các NPOs cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch sinh thái, mà tiêu biểu nhất là Hiệp hội Du lịch sinh thái Nhật Bản (JES), được thành lập vào năm 1998 và được chính phủ công nhận vào năm 2003. Để thúc đẩy du lịch sinh thái, JES hỗ trợ những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch sinh thái thông qua các hoạt động như tổ chức các hội nghị chuyên đề tư vấn và cung cấp thông tin. Có rất nhiều hội thảo và sự kiện mà những người không phải là thành viên cũng có thể tham gia.

-  JES cung cấp một diễn đàn mở cho tất cả những ai quan tâm đến du lịch sinh thái như: JES Forum (sự kiện không thường xuyên ở Tokyo), chương trình đào tạo hướng dẫn viên ecotour và công ty du lịch sinh thái, hội thảo chuyên đề dành cho sinh viên du lịch sinh thái Nhật Bản.

-       JES hỗ trợ cả chính quyền địa phương, trung ương và khu vực doanh nghiệp trong việc phát triển du lịch sinh thái như: làm các dự án xúc tiến du lịch sinh thái (Bộ Môi trường, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), hội nghị chuyên đề về du lịch sinh thái hàng năm, thúc đẩy du lịch sinh thái trong ngành du lịch.

-       JES hỗ trợ những du khách tham gia du lịch sinh thái: giới thiệu và quảng bá hướng dẫn viên du lịch sinh thái và du khách được tham gia bảo hiểm du lịch sinh thái.

-       JES được kết nối bằng mạng lưới với các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế: hợp tác với các tổ chức xúc tiến du lịch sinh thái quốc tế như Hiệp hội Du lịch Sinh thái Quốc tế (TIES), hợp tác với các tổ chức xúc tiến du lịch sinh thái trong nước, hợp tác với các tổ chức liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, du lịch, hoạt động địa phương.

Trung tâm Du lịch sinh thái Nhật Bản.

Trung tâm Du lịch sinh thái Nhật Bản là một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh thúc đẩy du lịch sinh thái bằng cách hỗ trợ cộng đồng địa phương và các công ty lữ hành. Trung tâm Du lịch sinh thái Nhật Bản cung cấp cho khách du lịch các tuyến du lịch sinh thái và họ cũng điều hành trang web của riêng mình để cung cấp cho khách du lịch thông tin và lời khuyên về các tuyến du lịch sinh thái cũng như quảng bá du lịch sinh thái và thúc đẩy mọi người tìm hiểu thêm về nó. Trung tâm Du lịch sinh thái Nhật Bản cũng tham gia và cung cấp một loạt các hoạt động khác. Họ cung cấp các loại chương trình giáo dục khác nhau cho các hướng dẫn viên và điều phối viên du lịch sinh thái trong tương lai, đồng thời họ cũng tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan các sự kiện hoặc triển lãm khác nhau để tổ chức các buổi thuyết trình với khách và tiến hành nghiên cứu về du lịch sinh thái cùng với các nhà nghiên cứu trên toàn quốc.

Hiệp hội Ecolodge Nhật Bản (ECOLA).

Hiệp hội Ecolodge Nhật Bản là một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy và truyền bá thông tin về các cơ sở lưu trú bền vững tại Nhật Bản. Năm 2008, họ đã giới thiệu hệ thống đăng ký và chứng nhận cho các trường đại học điện tử đã được Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu (GSTC) phê duyệt vào năm 2012. Kể từ đó họ đã sử dụng các tiêu chí của trường Đại học Điện tử của GSTC để đưa ra một danh sách kiểm tra với 148 hạng mục dựa trên Tiêu chuẩn quốc tế về chỗ ở bền vững môi trường của GTSC (ESAIS) nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên và mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương. Hoạt động của họ bao gồm tiết kiệm năng lượng thông qua các nguồn tái tạo và tái chế, và kết nối với các cơ sở lưu trú thân thiện với môi trường.

6. Kết luận

Trong quá trình tổ chức và phát triển hoạt động du lịch sinh thái, bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản, cần tiếp tục nghiên cứu các phương pháp quản lý phù hợp với từng điều điều kiện cụ thể của từng khu vực, từng điểm tài nguyên. Việc phát triển hoạt động du lịch sinh thái đảm bảo được tính bền vững và đạt được những mục tiêu đề ra.

Phát triển hoạt động du lịch sinh thái hiệu quả và bền vững sẽ đóng vai trò tích cực đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Nó không chỉ đóng vai trò “cộng hưởng” và bổ sung với các loại hình du lịch khác, thúc đẩy sự phát triển hoạt động du lịch nói chung; mà còn góp phần bảo vệ môi trường, khai thác lợi thế tài nguyên, đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Để làm được điều này, bên cạnh các giải pháp vừa nêu cần triển khai hiệu quả các mặt công tác khác như huy động nguồn vốn đầu tư cho du lịch sinh thái; phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng; phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù; xây dựng cơ chế giá hợp lý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Trương Hoàng, “Kinh nghiệm du lịch sinh thái tại Nhật Bản đối với Việt Nam”, http://www.tapchidulich.net.vn/kinh-nghiem-du-lich-sinh-thai-tai-nhat-ban-doi-voi-viet-nam.html.
  2. Alec Jordan (2017), “Treading Lightly: Ecotourism Around Japan”, https://www.tokyo weekender.com/2014/12/treading-lightly-ecotourism-around-japan/.
  3. Jiji.com (2019), “Miyakojima city starts a crowdfunding project”, https://www.jiji.com/jc/ article? k=000000100.000031325&g=prt.
  4. Japan Tourism Agency (2019), “The proceedings of the 1st meeting of the Investigative Committee on Sustainable Tourism Indicators”, https://www.mlit.go.jp/kankocho/ shisaku/kankochi/ikiiki.html.
  5. Kato M, Ishimori S, Ichiki S, Kaizu (2011), “Resources and their conservation in ecotourism”, Kyoto, Japan.
  6. Khaled Alduais (2009), “Sustainable Tourism Development and Japan Policies”, researchgate, https://www.researchgate.net/ publication/270393666_Sustainable_Tourism_Development_and_Japan_Policies.
  7. Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism (2019), “White Paper on Land, Infrastructure, Transport and Tourism”,  http://www.mlit.go.jp/common/000033279.pdf.
  8. Ministry of the Environment, Japan. (2015), “Report of the Ecotourism Promotion Committee”, http://www.env.go.jp/nature/ ecotourism/tryecotourism/env/review/images/document/kentoukai_201501.pdf.
  9. Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism (2019), “White Paper on Land, Infrastructure, Transport and Tourism”, http://www.mlit.go.jp/common/000033279.pdf.
  10. Okinawa Prefectural Government (2018), “Platform for the promotion of ecotourism, 2018 fiscal year report”, http://www.pref.okinawa.jp/site/bunkasports/ kankoshinko/ukeire/jinzai/h30ecoturizumu.html.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2]Alec Jordan (2017), “Treading Lightly: Ecotourism Around Japan”, https://www.tokyoweekender.com/ 2014/12/treading-lightly-ecotourism-around-japan/.

[3]Khaled Alduais (2009), “Sustainable Tourism Development and Japan Policies”, https://www.researchgate.net/publication/270393666_Sustainable_Tourism_Development_and_Japan_Policies.

[4] Ministry of the Environment, Japan (2011) , “Japan’s efforts related to ecotourism”, http://www.env.go.jp/ nature/ecotourism/try-ecotourism/env/review/pdf/03.pdf.

[5] Japan Tourism Agency (2019), “The proceedings of the 1st meeting of the Investigative Committee on Sustainable Tourism Indicators”, https://www.mlit.go.jp/kankocho/ shisaku/kankochi/ikiiki.html.

[6] Ministry of the Environment, Japan. (2016), “Let’s enjoy ecotourism”, http://www.env.go.jp/nature/ecotourism/try-ecotourism/env/kaigi/kaigi.html.

[7] Jiji.com (2019), “Miyakojima city starts a crowdfunding project”, https://www.jiji.com/jc/article?k=000000100. 000031325&g=prt.

[8] Okinawa Prefectural Government (2018), “Platform for the promotion of ecotourism, 2018 fiscal year report”, https://www.pref.okinawa.jp/site/bunka-sports/ kankoshinko/ukeire/jinzai/h30ecotu rizumu.html.

[9] Japan Tourism Agency (2018), “About policy: A collection of examples of regional tourism – Good practice 2018”, https://www.mlit.go.jp/kankocho/ shisaku/kankochi/ikiiki.html.

[10] Kato M, Ishimori S, Ichiki S, Kaizu (2011), Resources and their conservation in ecotourism, Kyoto, Japan.

0thảo luận