Trang chủ

Giáo dục văn hóa truyền thống trong trường phổ thông ở Hàn Quốc từ năm 2000 đến nay

Đăng ngày: 12-07-2024, 08:27 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Số 11

Phan Thị Oanh1

 

 

Tóm tắt: Hàn Quốc được đánh giá là một trong những nước thành công trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống ở khu vực và trên thế giới. Với chiến lược ưu tiên bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc, gia tăng năng lực cạnh tranh văn hóa quốc gia trong thế kỷ XXI, Hàn Quốc chú trọng đến công tác giáo dục văn hóa truyền thống cho các giai tầng xã hội, đặc biệt là học sinh trong trường phổ thông. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh trong trường phổ thông trên các mặt: chính sách, tình hình giáo dục văn hóa truyền thống trong trường phổ thông theo chương trình giáo dục quốc gia và giáo dục di sản văn hóa, từ đó rút ra một số nhận xét, đánh giá.

Từ khóa: Hàn Quốc, giáo dục văn hóa truyền thống, giáo dục di sản văn hóa, trường phổ thông

 

 

V

ăn hóa truyền thống là thuật ngữ được kết hợp từ hai khái niệm “văn hóa” và “truyền thống”.[1]“Truyền thống” và “văn hóa” là hai phạm trù khá rộng nên khái niệm “văn hóa truyền thống” cũng rất đa dạng. Bên cạnh đó, bản thân từ “truyền thống” là khái niệm mang tính văn hóa, vì vậy có nhiều trường hợp “truyền thống” hay “văn hóa truyền thống” được sử dụng như là một khái niệm tương tự[2]. Cheon Heung-beom (1984) cho rằng, văn hóa truyền thống có thể được coi là tổng thể của phương thức và ý thức cộng đồng có từ lâu đời, được truyền lại cho một dân tộc, một quốc gia và nó mang hàm ý là nền văn hóa độc đáo đã bám rễ sâu vào với dân tộc đó, quốc gia đó[3]. Văn hóa truyền thống dùng để chỉ nền văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo được lưu truyền trong một quốc gia, dân tộc hoặc một khu vực[4]. Văn hóa truyền thống được so sánh với văn hóa hiện đại, là văn hóa được hình thành trong quá khứ xa xưa, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau, vật chất và tinh thần, vật thể và phi vật thể, có giá trị kế thừa và sáng tạo, đóng góp vào cuộc sống hiện tại và tương lai nên có thể nói rằng hơn bao giờ hết việc giáo dục văn hóa truyền thống là việc làm vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ như học sinh phổ thông, chủ thể của nền văn hóa truyền thống, chủ nhân tương lai của mỗi quốc gia.

  1. 1. Một số chính sách liên quan đến giáo dục văn hóa truyền thống

Giáo dục văn hóa truyền thống được bắt đầu tại Hàn Quốc từ những năm 80 của thế kỷ XX[5], tuy nhiên, đến những năm đầu của những năm 2000 thì việc này mới được Chính phủ Hàn Quốc nhận thức lại về vai trò, ý nghĩa và quan tâm thực sự. Mặc dù vậy, những chính sách về giáo dục văn hóa truyền thống không được xây dựng riêng biệt mà được xây dựng cùng với chính sách giáo dục nghệ thuật, triển khai thực hiện các kế hoạch, chiến lược, dự án trong thực tế cùng với lĩnh vực nghệ thuật và được gọi chung là giáo dục văn hóa nghệ thuật. Giáo dục văn hóa nghệ thuật là khái niệm được hình thành do có sự liên quan phức tạp giữa các thuật ngữ văn hóa, nghệ thuật, giáo dục. Tùy theo quan điểm của thời đại, của xã hội mà sự nhấn mạnh về ba thuật ngữ đó có thể khác nhau, song giáo dục văn hóa nghệ thuật ở Hàn Quốc được xây dựng như một thuật ngữ duy nhất thông qua các dự án chính sách[6]. Do vậy, trong bài viết này chúng tôi nghiên cứu chính sách giáo dục văn hóa truyền thống dựa trên các chính sách về văn hóa nghệ thuật đã và đang thực hiện của Hàn Quốc.

Về bộ máy tổ chức, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục Hàn Quốc là hai cơ quan giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược, dự án về giáo dục văn hóa truyền thống của Hàn Quốc. Các kế hoạch, chiến lược thúc đẩy hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống được thực hiện dựa trên sự hợp tác giữa các bộ, cơ quan trung ương, giữa chính quyền trung ương và địa phương, giữa khu vực công và tư nhân.

Có thể nói, nền tảng quan trọng đối với sự ra đời của chính sách giáo dục văn hóa nghệ thuật truyền thống với quy mô toàn diện của Hàn Quốc khi bước vào thiên niên kỷ mới là chính sách văn hóa “Hàn Quốc sáng tạo: Tầm nhìn văn hóa mới cho thế kỷ XXI” và chính sách “Sức mạnh của nghệ thuật: Nghệ thuật mới của Hàn Quốc (2004-2008)” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi xướng. Đặc biệt, năm 2003, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã ký thỏa thuận chính thức hợp tác xây dựng chiến lược phát triển giáo dục văn hóa nghệ thuật. Sự liên kết hợp tác này được ví như một nhiệm vụ quốc gia mang tính chiến lược, liên tục chứ không chỉ dừng lại ở một kế hoạch ngắn hạn hoặc trung hạn. Năm 2004, “Kế hoạch toàn diện thúc đẩy hoạt động giáo dục văn hóa nghệ thuật (2004-2007)” do hai cơ quan này chủ trì được công bố, gồm các nội dung: nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục văn hóa nghệ thuật, tăng cường các hoạt động quan hệ công chúng, thúc đẩy các dự án nghiên cứu giáo dục văn hóa nghệ thuật, thiết lập hệ thống hỗ trợ giáo dục văn hóa nghệ thuật và hệ thống hợp tác khu vực, xây dựng các trung tâm giáo dục văn hóa nghệ thuật và gia tăng đầu tư tài chính để khôi phục và thúc đẩy hoạt động giáo dục văn hóa, nghệ thuật[7]. Điều đáng chú ý là kế hoạch toàn diện này được chuẩn bị sau khi thu thập ý kiến ​​của các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau liên quan đến giáo dục văn hóa, nghệ thuật như giáo viên phổ thông, chuyên gia học thuật và các nhà quản lý giáo dục văn hóa cơ sở trong thời gian 1 năm nên về cơ bản kế hoạch này gồm đủ các định hướng chính sách mang tính hệ thống nhằm thúc đẩy hoạt động giáo dục văn hóa nghệ thuật trong trường học và trong xã hội.

Để đảm bảo sự bền vững và ổn định cho hoạt động giáo dục văn hóa nghệ thuật, năm 2000, Cục Di sản văn hóa thành lập Trường Đại học Văn hóa truyền thống Hàn Quốc với mục đích bồi dưỡng các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa truyền thống. Năm 2004, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập Phòng Giáo dục văn hóa nghệ thuật trực thuộc Cục Nghệ thuật, năm 2005 thành lập Viện Phát triển giáo dục văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc. Các cơ quan này có vai trò hỗ trợ việc lập kế hoạch, quảng bá và đánh giá thực tế các chính sách và dự án giáo dục văn hóa, nghệ thuật cũng như hợp tác, kết nối giữa các bên khác nhau. Bên cạnh một số luật như Luật Phát triển văn hóa nghệ thuật (1972), Luật Phát triển trung tâm văn hóa nghệ thuật địa phương (1994), Luật cơ bản về giáo dục (1998)..., để thúc đẩy hoạt động giáo dục văn hóa nghệ thuật phát triển, năm 2005, Hàn Quốc đã thông qua luật chuyên biệt số 7774 Luật Hỗ trợ giáo dục văn hóa và nghệ thuật, gọi tắt là Luật Giáo dục văn hóa nghệ thuật. Sự ra đời của luật này là căn cứ thực hiện nghiêm túc các dự án về giáo dục văn hóa, nghệ thuật của Hàn Quốc. Năm 2015, luật này đã được sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế trong nước và thế giới.

Trên nền tảng cơ chế chính sách đã được thiết lập, từ năm 2005, các dự án trong lĩnh vực giáo dục văn hóa, nghệ thuật được triển khai liên tục, không ngừng được cụ thể hóa và mở rộng hơn về phạm vi cũng như nguồn ngân sách đầu tư. Nhiều dự án được triển khai trên phạm vi cả nước, từ trường học tới cộng đồng, từ thành thị đến nông thôn như dự án hỗ trợ giảng viên nghệ thuật, dự án thí điểm giáo dục văn hóa nghệ thuật liên kết giữa cộng đồng địa phương với trường học, dự án hỗ trợ vận hành trường học tuyến đầu về giáo dục văn hóa nghệ thuật, dự án hỗ trợ tăng cường chuyên môn cho giáo viên trong lĩnh vực giáo dục văn hóa nghệ thuật, các dự án giáo dục về di sản văn hóa cho học sinh phổ thông các cấp cũng được Cục Di sản văn hóa chủ trì triển khai trên toàn quốc... Năm 2007, Bộ Văn hóa xây dựng Chiến lược trung - dài hạn về thúc đẩy hoạt động giáo dục văn hóa nghệ thuật (2007-2011) với tầm nhìn “Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của cá nhân và tăng cường năng lực văn hóa của xã hội”. Nguồn tài chính đầu tư thực hiện chiến lược trong 5 năm là 187,7 tỷ won, trong đó gồm ngân sách quốc gia, quỹ xổ số và các quỹ dự trữ khác[8]. Năm 2013, chế độ chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục văn hóa nghệ thuật chính thức được áp dụng, giúp nâng cao hiệu quả trong việc quản lý nhân lực chuyên môn, đồng thời gia tăng hiệu quả hỗ trợ hoạt động giáo dục văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy tăng trưởng về chất lượng và sự lan tỏa xã hội của giáo dục văn hóa nghệ thuật. Sau khi Kế hoạch phát triển trung - dài hạn giáo dục văn hóa nghệ thuật (2014-2017) kết thúc, năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Kế hoạch toàn diện về giáo dục văn hóa nghệ thuật (2018-2022) với tầm nhìn “Giáo dục văn hóa nghệ thuật với cuộc sống” và mục tiêu “Bước tiến mới trong giáo dục văn hóa nghệ thuật: Tăng trưởng bền vững và nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa nghệ thuật”[9].

  1. 2. Giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường

2.1. Hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống theo chương trình giáo dục quốc gia

Giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường ở Hàn Quốc đã được Bộ Giáo dục nước này khẳng định trong các chương trình giáo dục tổng thể quốc gia và tổ chức triển khai thực hiện ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, theo đánh giá, nội dung liên quan đến giáo dục văn hóa truyền thống trong các môn học thuộc chương trình giáo dục của Hàn Quốc còn ít, sơ sài, không sâu[10], chủ yếu là âm nhạc, mỹ thuật truyền thống, không liên kết có hệ thống với thực tế mà chỉ dừng lại ở việc giáo dục trong phòng học. Bên cạnh đó, do thực trạng xã hội Hàn Quốc chỉ chú trọng vào giáo dục phục vụ cho các kỳ thi cử tiếp diễn trong một thời gian dài nên giáo dục văn hóa truyền thống trong hệ thống trường phổ thông không được coi trọng, các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học cũng không bao gồm môn nghệ thuật, ngoại trừ các trường chuyên về văn hóa nghệ thuật. Thời gian học môn nghệ thuật từ năm học thứ nhất cấp tiểu học (tương đương lớp 1) đến năm thứ nhất trung học phổ thông (tương đương lớp 10) trong chương trình giáo dục cơ bản chỉ từ 1 đến 2 giờ/tuần, tỷ lệ lựa chọn môn nghệ thuật của học sinh phổ thông trung học năm 2-3 (lớp 11, 12) theo chương trình học theo định hướng lựa chọn là 20% đối với học sinh năm thứ 2, 3% đối với học sinh năm thứ 3[11]. Trong khi đó, để duy trì sự phát triển bền vững của xã hội và thúc đẩy xã hội phát triển một cách sáng tạo trong thời đại toàn cầu hóa với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc là cần thiết. Để thực hiện được mục tiêu trên thì mỗi người dân, đặc biệt là học sinh cần được giáo dục văn hóa truyền thống của dân tộc mình để từ đó khám phá, sáng tạo và phát huy những giá trị của nó.

Sự thay đổi về nhận thức của chính phủ và xã hội Hàn Quốc đối với giáo dục văn hóa truyền thống trước những thay đổi của thời đại bắt đầu từ đầu thập niên 2000. Giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường được chính phủ quan tâm, xúc tiến thực hiện bài bản, có hệ thống, chú trọng hơn về chiều sâu thông qua việc giáo dục trong nhà trường, kết hợp cả hai hình thức là giáo dục theo chương trình giảng dạy quốc gia và hoạt động trải nghiệm sáng tạo thực tế. Nội dung liên quan đến giáo dục văn hóa truyền thống được nhấn mạnh trong các chương trình giáo dục kể từ chương trình giáo dục lần thứ 7 năm 2000 cho đến nay của Bộ Giáo dục Hàn Quốc là “hình tượng con người”, đó là những con người trong bối cảnh mới, là “con người sáng tạo ra giá trị mới trên cơ sở hiểu về văn hóa dân tộc”[12] và nêu rõ mục tiêu giáo dục cụ thể đối với từng cấp học. Mục tiêu giáo dục văn hóa truyền thống yêu cầu đối với cấp tiểu học là “có thái độ hiểu biết và yêu thích văn hóa, truyền thống dân tộc”, học sinh trung học cơ sở là “có thái độ tự hào về văn hóa, truyền thống dân tộc và phát huy giá trị của nó”, đối với học sinh trung học phổ thông là “có thái độ phát huy truyền thống, văn hóa dân tộc trên thế giới”[13]. Điều này có nghĩa là nội dung văn hóa truyền thống mà chương trình giáo dục quốc gia hướng tới là “chúng ta” và “văn hóa truyền thống của chúng ta” phải là cơ sở để tạo ra giá trị mới. Việc này đồng nghĩa với việc học sinh phải hiểu biết về văn hóa truyền thống dân tộc mới có thể kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đó một cách sáng tạo. Trên cơ sở đó, hệ thống sách giáo khoa gồm sách đạo đức, quốc ngữ, xã hội, thể dục, âm nhạc, mỹ thuật mà học sinh sử dụng trong trường tiểu học, trung học cơ sở trên cả nước đều lồng ghép những nội dung liên quan đến văn hóa truyền thống, đồng thời, trong các hoạt động đặc biệt, giờ học tùy chọn hay trong các hoạt động đặc biệt sau giờ học, các trường thường xuyên tổ chức hoạt động tham quan di tích hoặc chơi các trò chơi truyền thống như samulnori, biểu diễn âm nhạc truyền thống... Theo chính sách tự chủ trường học, các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể tự nguyện tăng, giảm tiết học về văn hóa truyền thống trong phạm vi 20% số giờ học hàng năm[14].

Đối với khối trường trung học phổ thông, kể từ chương trình giáo dục lần thứ 7 năm 2000 của Bộ Giáo dục thì môn nghệ thuật đã được đưa vào làm môn học tùy chọn của học sinh trong chương trình giáo dục định hướng lựa chọn môn học và văn hóa truyền thống cũng được giảng dạy trong môn quốc tế học. Ngoài ra, trong các trường trung học phổ thông dạy nghề, văn hóa truyền thống được giảng dạy thành chuyên đề riêng, kết nối trực tiếp với nghề học sinh lựa chọn.

Vai trò quan trọng của giáo dục văn hóa truyền thống đối với nền giáo dục Hàn Quốc trong thời gian qua thể hiện trên nhiều mặt, được xây dựng trong các chương trình giáo dục qua từng thời kỳ cùng với các khái niệm giáo dục như “giáo dục phục hưng dân tộc”, “giáo dục quốc dân”, “giáo dục bản sắc dân tộc” [15]. Song song với hình thức giáo dục văn hóa truyền thống chính thống trong nhà trường, hiện nay, qua các dự án hỗ trợ thúc đẩy giáo dục văn hóa nghệ thuật học đường do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì với sự hợp tác của Bộ Giáo dục cũng được thực hiện với sự trợ giúp của các cơ sở văn hóa địa phương, bảo tàng địa phương trong các hoạt động ngoài giờ học hoặc các hoạt động tùy chọn của học sinh...

Như vậy, mặc dù muộn hơn so với các nước phát triển trên thế giới nhưng Chính phủ Hàn Quốc cũng đã kịp thời nhận thức lại vai trò của văn hóa truyền thống đối với sự phát triển toàn diện của đất nước trong bối cảnh mới, xúc tiến đưa nội dung văn hóa truyền thống vào chương trình giáo dục quốc gia thông qua chương trình giáo dục trong nhà trường, thực hiện giảng dạy lồng ghép trong các môn học, song song với tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh tại bảo tàng, trung tâm văn hóa địa phương, các trường đào tạo truyền dạy di sản văn hóa, hoặc tại các gia đình nơi có các nghệ nhân dân gian...

2.2. Giáo dục di sản văn hóa

Giáo dục di sản văn hóa là hoạt động được Chính phủ Hàn Quốc quan tâm từ rất sớm cùng với quá trình xây dựng, kiến thiết lại đất nước sau chiến tranh (1950-1953), nỗ lực xây dựng và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trước sự lấn át của văn hóa phương Tây, xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa. Tuy nhiên, hoạt động đó thường mang tính chất cá nhân, một chiều, tự phát. Bước sang thập niên 2000, đặc biệt từ sau khi Hàn Quốc ký Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO năm 2003, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa đã xây dựng chính sách và xúc tiến nhiều hoạt động giáo dục di sản văn hóa thông qua các dự án hợp tác theo hình thức công - tư, thu hút phần lớn các tổ chức, đoàn thể xã hội trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa tham gia giáo dục về di sản cho học sinh phổ thông nhằm “nâng cao hơn nữa nhận thức về giá trị của văn hóa truyền thống đối với thế hệ tương lai, những người đang lớn lên trong môi trường nhất thể hóa văn hóa sâu sắc cùng sự mai một, hủy hoại của văn hóa truyền thống do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa gần đây”[16], góp phần thể hiện tình yêu, bảo vệ văn hóa truyền thống, nâng cao nhận thức về lịch sử, thúc đẩy sự đa dạng văn hóa.

Bắt đầu từ năm 2000, để hỗ trợ hoạt động giáo dục di sản văn hóa và thực hiện có hiệu quả hoạt động này, Cục Di sản đã phát hành các loại sách hướng dẫn, giáo trình, tài liệu về di sản văn hóa cho các giáo viên đảm nhiệm công tác giáo dục về di sản văn hóa như giáo trình “Lý luận, phương pháp và thực hành giáo dục di sản văn hóa” (2000), “Lớp học di sản thú vị I, II” (2008, 2009), “Giáo dục di sản văn hóa như thế  này”[17] dành cho các giáo viên hướng dẫn học tập về di sản cho học sinh trường phổ thông ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi đây là một trong số những cuốn sách hướng dẫn về giáo dục di sản được Cục Di sản văn hóa lựa chọn và đưa vào các nội dung từ giáo án của các giáo viên trong trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc thông qua hình thức tuyển chọn công khai[18]. Bên cạnh đó, Cục Di sản văn hóa cũng hợp tác với các tổ chức bên ngoài triển khai các dự án hỗ trợ hoạt động giáo dục di sản văn hóa như “Dự án giáo dục tham quan di sản văn hóa”, “Dự án trường học thí điểm nghiên cứu”, “Dự án phòng học trải nghiệm khảo cổ học”...

Giáo dục tham quan di sản là một hình thức giáo dục do các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục di sản văn hóa của tổ chức tư nhân thực hiện bằng cách đến thăm các trường học. Cục Di sản văn hóa chi tiền hỗ trợ cho các tổ chức, sau đó các tổ chức tới thăm trường và giáo dục về di sản văn hóa. Các chương trình, dự án hợp tác theo hình thức công - tư, giữa hệ thống giáo dục công với các tổ chức cá nhân trong lĩnh vực giáo dục bảo tồn di sản văn hóa là cơ sở thu hút sự tham gia đông đảo của các trường học. Riêng với dự án trường học tham quan di sản văn hóa bắt đầu triển khai từ năm 2006, tại thời điểm bắt đầu chỉ có 8 đoàn thể và khoảng 200 trường học tham gia, đến năm 2017 đã có tới 30 đoàn thể thực hiện giáo dục di sản văn hóa cho gần 700 trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc[19]. Khác với dự án trường học tham quan di sản văn hóa là huy động nhân lực bên ngoài vào giáo dục cho học sinh trong trường về di sản văn hóa thì ở dự án trường học thí điểm nghiên cứu này nguồn nhân lực chính thực hiện việc giáo dục di sản cho học sinh lại là nguồn lực được huy động tại chỗ, tức là các thành viên trong các trường là các giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy. Sau khi Cục Di sản lựa chọn trường học là đối tượng triển khai dự án thì các giáo viên trong trường đó phải chủ động lên kế hoạch và triển khai, do đó, giáo viên vừa là người trực tiếp giáo dục vừa là người trực tiếp kiểm tra, đôn đốc hoạt động.

Ngoài hai hình thức giáo dục di sản trên, từ năm 2011, Cục Di sản tiếp tục triển khai dự án phòng học trải nghiệm khảo cổ học, lấy di tích ở hiện trường khai quật di sản văn hóa làm tư liệu giảng dạy và học tập cho học sinh. Dự án này được triển khai liên kết giữa hoạt động trải nghiệm sáng tạo của Bộ Giáo dục với phương pháp sử dụng nhân lực nghiên cứu chuyên môn về khảo cổ học từ các tổ chức khảo sát nghiên cứu di sản văn hóa. Phương pháp giáo dục tại hiện trường, lấy hiện trường di tích làm trung tâm giáo dục về di sản văn hóa cho học sinh, học sinh có thể trải nghiệm di sản văn hóa trực tiếp, người dẫn đường lại chính là những chuyên gia khảo cổ học, đây được coi là sự khác biệt với các hình thức giảng dạy “bó hẹp” trong không gian trường học thông thường nhưng mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần, cải thiện hiệu quả học tập và đạt được các mục tiêu giáo dục.

Như vậy, đối với việc giáo dục di sản văn hóa cho học sinh phổ thông ở Hàn Quốc ngoài các hình thức giáo dục “truyền thống” như lồng ghép với các môn học chính khóa trong trường, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát động phong trào thanh thiếu niên bảo vệ di sản văn hóa... hiện nay Chính phủ Hàn Quốc đã chú trọng đến các phương pháp giáo dục di sản văn hóa trong đó đề cao tính trải nghiệm thực tế để phù hợp với nhiệm vụ đổi mới trong công tác dạy và học trong chương trình giáo dục quốc gia của ngành giáo dục trong thời đại mới.

  1. 3. Một số nhận xét, đánh giá

Xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ và phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống, phát triển xã hội bền vững và sáng tạo trong thời đại toàn cầu hóa là mục tiêu hướng tới của các quốc gia trên thế giới. Để thực hiện được mục tiêu đó thì việc hiểu biết về văn hóa truyền thống và khám phá ra các giá trị của nó là một việc cần thiết đối với mỗi người dân, trong đó có học sinh phổ thông. Tại Hàn Quốc, phải đến thập niên 2000, giáo dục văn hóa truyền thống mới nhận được sự quan tâm sâu sắc của chính phủ, thể hiện qua việc xây dựng thể chế pháp luật, hệ thống chính sách và xúc tiến triển khai trong thực tế một cách đồng bộ, bài bản.

Luật pháp là công cụ pháp lý quan trọng để thực thi chính sách. Với việc ban hành và thực thi Luật Hỗ trợ giáo dục văn hóa nghệ thuật (2005), có thể nói Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có chính sách quốc gia rõ ràng và luật chuyên biệt về giáo dục văn hóa nghệ thuật. Cùng với luật là bộ máy tổ chức có vai trò tham mưu và thực thi chính sách trong thực tế, trong đó chịu trách nhiệm chính là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục cùng các cơ quan trực thuộc như Cục Di sản văn hóa, Phòng Giáo dục văn hóa nghệ thuật, Viện Phát triển giáo dục văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc, Trường Đại học Văn hóa truyền thống Hàn Quốc... Nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động giáo dục văn hóa nghệ thuật là từ chính quyền trung ương, địa phương, các quỹ như quỹ xổ số, từ các doanh nghiệp... Trong đó, nguồn kinh phí từ chính phủ chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kinh phí hỗ trợ, còn lại là từ chính quyền địa phương và các nguồn khác. Cơ chế tài chính này đã khuyến khích sự hợp tác và chia sẻ trách nhiệm giữa các cấp chính quyền và các tổ chức trong hoạt động giáo dục văn hóa nghệ thuật.

Sự kiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục ký thỏa thuận hợp tác chung trong lĩnh vực giáo dục văn hóa, nghệ thuật, bao gồm cả việc giáo dục văn hóa truyền thống năm 2003 có thể được coi là bắt nguồn từ nhận thức về sự ảnh hưởng của xu hướng toàn cầu và tầm quan trọng của giáo dục văn hóa truyền thống đối với sự phát triển đất nước. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng cho sự ra đời của các chính sách, kế hoạch, dự án về giáo dục văn hóa truyền thống, giáo dục di sản văn hóa ở Hàn Quốc từ đầu thập niên 2000 đến nay. Cùng với việc giáo dục trong nhà trường theo chương trình giáo dục quốc gia thông qua các Kế hoạch toàn diện thúc đẩy giáo dục văn hóa nghệ thuật (2004-2007), Chiến lược trung - dài hạn về thúc đẩy hoạt động giáo dục văn hóa nghệ thuật (2007-2011), Kế hoạch phát triển trung - dài hạn giáo dục văn hóa nghệ thuật (2014-2017), Kế hoạch toàn diện về giáo dục văn hóa nghệ thuật (2018-2022), các dự án hỗ trợ hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh các cấp, dự án đào tạo giảng viên về văn hóa, nghệ thuật, dự án về giáo dục di sản văn hóa, dự án hợp tác giáo dục văn hóa nghệ thuật giữa trường học và địa phương... đã thu hút được sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân vào việc giáo dục văn hóa truyền thống, góp phần lan tỏa và mở rộng hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống trên cả nước. Việc đưa các tài nguyên văn hóa nghệ thuật của địa phương vào giáo dục trong nhà trường không những góp phần thúc đẩy hoạt động giáo dục văn hóa nghệ thuật trong trường học nói chung mà còn gia tăng mức độ sử dụng tài nguyên văn hóa của địa phương vào các mục đích khác nhau[20] như quảng bá văn hóa truyền thống địa phương, phát triển tài nguyên du lịch văn hóa từ tài nguyên văn hóa bản địa...

Công tác giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường đã được Chính phủ Hàn Quốc triển khai tương đối đa dạng và thành công, tuy nhiên không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Điều này có thể nói là do khung cơ bản của chương trình giáo dục và sự nhận thức về giáo dục chưa có sự chuyển biến rõ rệt trong xã hội Hàn Quốc. Giáo dục văn hóa truyền thống đã được nhấn mạnh trong các chương trình giáo dục quốc gia, đặc biệt là từ năm 2000 đến nay ở mặt nội dung, hình thức giảng dạy, tuy nhiên vẫn chỉ dừng lại ở việc giảng dạy lồng ghép với các môn học khác trong nhà trường, chưa được xây dựng là một môn học độc lập, trong khi đó, quan niệm “xã hội bằng cấp” còn ảnh hưởng sâu rộng, chi phối nặng nề tới việc chỉ học các môn phục vụ cho các kỳ thi, sự nhận thức của các bên liên quan về vai trò của văn hóa truyền thống còn hạn chế. Việc liên kết giữa nhà trường và cộng đồng địa phương trong hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh được đề cao, song sự liên kết này còn lỏng lẻo, hình thức, chưa thực chất, dẫn đến công tác quản lý gặp không ít khó khăn.

Để các dự án giáo dục văn hóa nghệ thuật bao gồm cả văn hóa truyền thống sử dụng các tài nguyên văn hóa của địa phương thành công thì cần chú trọng hơn đến việc liên kết với chương trình giảng dạy của nhà trường và sự cần thiết hợp tác nhịp nhàng, có hệ thống giữa nhà trường với các đoàn thể, tổ chức xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục với tư cách là cơ quan hành chính trung ương hỗ trợ giáo dục văn hóa truyền thống trong trường học cần xây dựng một cơ chế hợp tác để thúc đẩy hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh thực chất và hiệu quả hơn bởi vì giáo dục văn hóa truyền thống trong thời đại toàn cầu hóa không phải là một sự lựa chọn mà là một việc làm cần thiết. Điều này là để giúp các em học sinh phát triển thành những người yêu thích văn hóa dân tộc, dành tình cảm và sự quan tâm đến văn hóa truyền thống để vừa gìn giữ nét đặc trưng, độc đáo của văn hóa dân tộc vừa mưu cầu sự phổ biến, đa dạng của văn hóa thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 최 영 성외 (2009), 전통문화교육의 이론적 기초, 경제․인문사회연구회 미래사회협동연구총서 09-02-02 연구보고 RRC 2009-11-2 (Choi Yeong-seong và cộng sự, Cơ sở lý luận về giáo dục văn hóa truyền thống, Bộ sách nghiên cứu hợp tác xã hội tương lai của Hội Nghiên cứu kinh tế, xã hội nhân văn, Trường đại học văn hóa truyền thống Hàn Quốc và Viện đánh giá chương trình giảng dạy Hàn Quốc, Báo cáo nghiên cứu 09-02-02).
  2. 양윤정외 (2009), 전통문화의 창조적 계승․발전을 위한 교육 방안 탐색-세미나, 한국교육과정평가원, 연구보고 ORM 2009-21, ISBN 978-89-6313-268-6 93370 (Yang Yoon-jeong và cộng sự, Nghiên cứu phương án phát triển chương trình giáo dục để kế thừa, phát huy sáng tạo văn hóa truyền thống, Hội Nghiên cứu kinh tế, xã hội nhân văn, Bộ sách Nghiên cứu hợp tác xã hội tương lai, Báo cáo nghiên cứu 09-02-01).
  3. 송준 (2014), 전통문화교육 활성화를 위한 정책기반 연구, 韓國民俗學 60 (2014.11, 75~98쪽) (Jun Song, “Nghiên cứu cơ sở chính sách nhằm mục đích phát triển giáo dục văn hóa truyền thống”, Hội dân gian Hàn Quốc, Tạp chí dân gian Hàn Quốc 2014, vol.60, pp. 75-98)
  4. 홍애령, 송미숙(2015), 문화예술교육 정책 분석을 통한 문화예술교육의 발전방향, (Hong Ae-rang, Song Mi-sook, Phương hướng phát triển giáo dục văn hóa nghệ thuật qua phân tích chính sách giáo dục văn hóa nghệ thuật), The Journal of Korean Dance 2015, Vol. 33, No. 1, pp. 167~190 DOI: http://dx.doi.org/10.15726/ jkd.2015.33.1.007.
  5. 박재홍,권선영 (2020), 문화예술교육의 질적 성장을 위한 지역문화정책의 방향성 및 과제, 한국무용과학회지, 2020, 제37권 제2호, pp.47~57 Official Journal of Korean Society of Dance Science 2020, Vol. 37, No. 2, pp. 47~57 (Park Jae-hong, Kwon Seon-young, “Phương hướng và nhiệm vụ của chính sách văn hóa địa phương để nâng cao chât lượng giáo dục văn hóa nghệ thuật”, Tạp chí Khoa học của Hiệp hội khiêu vũ Hàn Quốc, Số 2 (37).
  6. 서희정1 , 박세혁2 , 이윤정 (2020), 청소년의 한국전통문화인식, 한국무용이미지, 문화유산보존 그리고 한국무용체험의도의 관계, (Seo Hee-jeong, Park Sea-huyk, Mối quan hệ giữa nhận thức của thanh thiếu niên về văn hóa truyền thống Hàn Quốc, hình ảnh múa truyền thống Hàn Quốc, bảo tồn di sản văn hóa và ý định trải nghiệm múa truyền thống Hàn Quốc), Journal of the Korea Convergence Society Vol. 11. No. 10, pp. 317-328, 2020, ISSN 2233-4890/eISSN 2713-6353,  https://doi.org/10.15207/JKCS.2020.11. 10.317.
  7. 노 경 민 (2020), 문화유산 교육과정 개발 방안 연구- 문화유산교육 현황과 지속가능한 교육과정 방안 제안 (Noh Kyung-min, Nghiên cứu phương án phát triển chương trình giáo dục di sản văn hóa – thực trạng giáo dục di sản văn hóa và đề xuất chương trình giáo dục bền vững), Journal of the Korean Institute of Educational Facilities, http://dx.doi.org/ 10.7859/kief.2020.27.2.057.
  8. 김용구 (2018), 문화유산교육의 전개과정과 지역문화유산교육의 부상 (Kim Yong-gu, Quá trình triển khai giáo dục di sản văn hóa và sự nổi lên của giáo dục di sản văn hóa địa phương), MUNHWAJAE Korean Journal of Cultural Heritage Studies Vol. 51 No. 2, June 2018, pp.154~169. Copyright©2018, National Research Institute of Cultural Heritage.
  9. 문화재청 (2017), 보도자료 「지역문화유산으로 청소년 교육 이끈다 (Cục Di sản văn hóa, Tài liệu hướng dẫn, Hướng dẫn giáo dục thanh thiếu niên thông qua di sản văn hóa địa phương), https://www.cha.go.kr/ newsBbz/selectNewsBbzView.do;jsessionid=xLIdZTIUj7Po4LoaiXQmU24rF1xhaKEc3YsxiiPWkF1MaiFG9gy3Xs2EEOtHTAzN?newsItemId=155700446&sectionId=b_sec_1&pageIndex=1&mn=NS_01_02_01&strWhere=&strValue=&sdate=&edate=.

 

 

 

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] 최영성외(2009), 전통문화교육의 이론적 기초, 경제⋅인문사회연구회 미래사회협동연구총서, 09-02-02 한국전통문화대학교 및 한국교육과정평가원, 2009, p3 (Choi Yeong-seong và cộng sự, Cơ sở lý luận về giáo dục văn hóa truyền thống, Bộ sách nghiên cứu hợp tác xã hội tương lai của Hội Nghiên cứu kinh tế, xã hội nhân văn, Trường đại học văn hóa truyền thống Hàn Quốc và Viện đánh giá chương trình giảng dạy Hàn Quốc).

[3] Dẫn theo 박병춘 (2006), 초등도덕과에서의 전통문화교육 내용분석과 개선방안, 도덕윤리과교육 제22호 (2006.7) (Park Byong-chun, Phân tích nội dung giáo dục văn hóa truyền thống trong sách giáo khoa đạo đức cấp tiểu học và phương án cải tiến, Hiệp hội giáo dục đạo đức, số 22), https://www.kci.go.kr//kciportal/ci/ sereArticleSearch/ciSereArtiView.kci?sereArticleSearchBean.artiId=ART001017733

[4] E. O. Ngando (2018), “Fashion as property in traditional culture: A maasai case study”, Journal of Intellectual Property Law & Practice, 13(11), 878-883.

[5] 황 금 숙 (2008), 도서관에서의 통합형 문화예술교육 프로그램 모형 개발에 관한 연구, 한국도서관․정보학회지 (제39권 제3호), 74pg (Hwang Geum-suk, “Nghiên cứu phát triển mô hình chương trình giáo dục văn hóa nghệ thuật tích hợp trong thư viện”, Tạp chí Khoa học Thư viện và Thông tin Hàn Quốc, quyển 3, số 3, tr. 74).

[6] 류 기 혁, 김 선 경 (2018), 학교 주도형 문화예술교육 운영 효과 연구 : 문화예술역량 증진을 중심으로 (Ryu Ki-hyeok, Kim Seon-gyeong, Nghiên cứu hiệu quả hoạt động giáo dục văn hóa nghệ thuật theo mô hình nhà trường chủ đạo: trọng tâm là nâng cao năng lực văn hóa nghệ thuật, Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc, quyển 13, số 1), 문화예술교육연구제13권 제1호 (2018. 02), pp. 67 ~ 95, http://dx.doi.org/ 10.15815/kjcaes.2018.13.1.4.

[7] 용호성, 문화예술교육과, 문화예술교육 활성화 종합계획 발표 (Yong Ho-seong, Phòng Giáo dục văn hóa nghệ thuật, Công bố Kế hoạch toàn diện thúc đẩy giáo dục văn hóa nghệ thuật), https://www.newswire.co.kr/ newsRead.php?no=18122.

[8] 문화체육관광부 (2007), 문화예술교육 활성화 중장기 전략(2007~2011)발표 (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công bố Chiến lược trung dài hạn phát triển giáo dục văn hóa nghệ thuật (2007-2011)), https://www.mcst.go.kr/ kor/s_notice/press/pressView.jsp?pSeq=8773 .

[9] 한국문화체육관광부 (2018), 문화예술교육 종합 계획 (2018-2022) (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch toàn diện về giáo dục văn hóa nghệ thuật (2018-2022)), https://www.mcst.go.kr/kor/s_notice/press/pressView.jsp?pSeq=16497&pMenuCD=0302000000&pCurrentPage=1&pTypeDept=&pSearchType=01&pSearchWord=.

[10] 양 윤 정외 (2009), 전통문화의 창조적 계승, 발전을 위한 교육프로그램 개발 방안 연구, 경제․ 인문사회연구회 미래사회협동연구총서 09-02-01 연구보고 RRC 2009-11-1 (Yang Yoon-jeong và cộng sự, Nghiên cứu phương án phát triển chương trình giáo dục để kế thừa, phát huy sáng tạo văn hóa truyền thống, Hội Nghiên cứu kinh tế, xã hội nhân văn, Bộ sách Nghiên cứu hợp tác xã hội tương lai, Báo cáo nghiên cứu 09-02-01), https://www.kice.re.kr/filedown8.do?fileNM=RRC%202009-11-1.pdf&filePath=/research/20120717/13425040873 23_988.

[11] 송준 (2014), Jun Song 전통문화교육 활성화를 위한 정책기반 연구, 한국민속학, https://www.kci.go.kr/ /kciportal/ci/sereArticleSearch/ciSereArtiView.kci?sereArticleSearchBean.artiId=ART001933707 (Jun Song, “Nghiên cứu cơ sở chính sách nhằm mục đích phát triển giáo dục văn hóa truyền thống”, Hội dân gian Hàn Quốc, Tạp chí dân gian Hàn Quốc 2014, Vol. 60, pp. 75-98).

[12] 최영성외(2009), 전통문화교육의 이론적 기초, 경제⋅인문사회연구회 미래사회협동연구총서, 09-02-02 한국전통문화대학교 및 한국교육과정평가원, 2009, p. 3 (Choi Yeong-seong và cộng sự, Cơ sở lý luận về giáo dục văn hóa truyền thống, Bộ sách nghiên cứu hợp tác xã hội tương lai của Hội Nghiên cứu kinh tế, xã hội nhân văn, Trường Đại học Văn hóa truyền thống Hàn Quốc và Viện đánh giá chương trình giảng dạy Hàn Quốc).

[13] 양 윤 정외 (2009), 전통문화의 창조적 계승, 발전을 위한 교육프로그램 개발 방안 연구, 경제․ 인문사회연구회 미래사회협동연구총서 09-02-01 연구보고 RRC 2009-11-1 (Yang Yoon-jeong và cộng sự, Nghiên cứu phương án phát triển chương trình giáo dục để kế thừa, phát huy sáng tạo văn hóa truyền thống, Hội Nghiên cứu kinh tế, xã hội nhân văn, Bộ sách Nghiên cứu hợp tác xã hội tương lai, Báo cáo nghiên cứu 09-02-01), https://www.kice.re.kr/filedown8.do?fileNM=RRC%202009-11-1.pdf&filePath=/research/20120717/13425040873 23_988.

[14] 송준 (2014), Jun Song 전통문화교육 활성화를 위한 정책기반 연구, 한국민속학 (Jun Song, “Nghiên cứu cơ sở chính sách nhằm mục đích phát triển giáo dục văn hóa truyền thống”, Hội dân gian Hàn Quốc, Tạp chí dân gian Hàn Quốc 2014, Vol. 60, pp. 75-98 ), Tlđd.

[15] 양윤정외 (Yang Yoon-jeong và cộng sự), Tlđd.

[16] 문화재청 (2007), 문화재 활용 가이드북, p. 36 (Cục Di sản văn hóa, Sách hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa), http://www.cha.go.kr/cop/bbs/selectBoardArticle.do;jsessionid=mayR671rBdzxEB4G1KXtOXhYTIP35gJXLq7IJkSM4O0urmK6MB8UQn62WlRVGPOp.new-was_servlet_engine1?nttId=1532&bbsId=BBSMSTR_1021&pageUnit=10&searchCnd=&searchWrd=&ctgryLrcls=&ctgryMdcls=&ctgrySmcls=&ntcStartDt=&ntcEndDt=&searchUseYn=&mn=NS_03_08_01.

[17] 문화재청, 문화유산 교육자료 (Cục Di sản văn hóa, Tài liệu giáo dục di sản văn hóa), https://www.cha.go.kr/ cop/bbs/selectBoardList.do?bbsId=BBSMSTR_1102&mn=NS_03_14.

[18] 노 경 민 (2020), 문화유산 교육과정 개발 방안 연구- 문화유산교육 현황과 지속가능한 교육과정 방안 제안 -, 한국교육시설학회논문집 제27권 제2호 통권 제135호 2020년 3월 (Noh Kyung-min, “Nghiên cứu phương án phát triển chương trình giáo dục di sản văn hóa- thực trạng giáo dục di sản văn hóa và đề xuất chương trình giáo dục bền vững”, Tạp chí Viện cơ sở giáo dục Hàn Quốc, quyển 27, số 2 năm 2020), http://dx.doi.org/10.7859/kief.2020.27.2.057.

[19]김용구 (2018), 문화유산교육의 전개과정과 지역문화유산교육의 부상 (Kim Yong-gyu, Quá trình triển khai giáo dục di sản văn hóa và sự nổi lên của giáo dục di sản văn hóa địa phương), MUNHWAJAE Korean Journal of Cultural Heritage Studies Vol. 51 No. 2, June 2018, pp.154~169. Copyright©2018, National Research Institute of Cultural Heritage, https://www.kci.go.kr/ kciportal/ci/sereArticleSearch/ciSereArtiView.kci?sereArticleSearchBean.artiId=ART002362478.

[20] 홍애령, 송미숙 (2015), 문화예술교육 정책 분석을 통한 문화예술교육의 발전방향, 한국무용연구, 33권 1호, pp. 167~190 (Hong Ae-rang, Song Mi-sook, Phương hướng phát triển giáo dục văn hóa nghệ thuật qua phân tích chính sách giáo dục văn hóa nghệ thuật), The Journal of Korean Dance 2015, Vol. 33, No. 1, pp. 167~190 DOI: http://dx.doi.org/10.15726/jkd.2015.33.1.007.

0thảo luận