Trang chủ

Chế độ nhãn hiệu tập thể địa phương và chế độ chỉ dẫn địa lý hiện hành của Nhật Bản

Đăng ngày: 12-07-2024, 08:25 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Số 11

Nguyễn Phương Thúy1

 

Tóm tắt: Từ năm 2002, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu chiến lược thương hiệu hóa địa phương nhằm phát triển kinh tế các địa phương dựa trên việc phát huy các nguồn lực kinh tế của chính địa phương. Bài viết* giới thiệu định nghĩa, cấu thành và điều kiện bảo hộ/đăng ký nhãn hiệu tập thể địa phương và chỉ dẫn địa lý hiện hành của Nhật Bản, so sánh sự khác biệt giữa hai chế độ này. Đặc biệt, bài viết sẽ dựa trên một số trường hợp đăng ký “kép” cả hai hình thức bảo hộ này để chỉ ra một số lưu ý đối với những người nộp đơn, với kỳ vọng sẽ là những kiến thức có giá trị tham khảo hữu ích đối với các địa phương và các doanh nghiệp, người sản xuất nông lâm thủy sản của Việt Nam khi muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản và đang tìm kiếm một hình thức bảo hộ hữu hiệu đối với sản phẩm gắn liền với địa phương mình tại thị trường Nhật Bản.

Từ khóa: Thương hiệu hóa địa phương, bảo hộ, nhãn hiệu tập thể địa phương, chỉ dẫn địa lý


1. Mở đầu [1]

Sau gần 20 năm đạt bình quân hơn 10%/năm, bước sang những năm 1980, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản chỉ còn ở mức 4% và đến đầu những năm 1990, nền kinh tế Nhật Bản rơi vào thập kỷ mất mát. Đầu tư công của chính phủ cho các địa phương được duy trì cho đến hết nửa đầu những năm 1990 và đã phát huy hiệu quả không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XXI, đầu tư công của chính phủ đã liên tiếp sụt giảm. Cùng với đó, do sự khác biệt về nguồn lực kinh tế, cơ cấu các ngành kinh tế và sức cạnh tranh, khoảng cách phát triển kinh tế giữa các địa phương ngày càng được nới rộng. Do vậy, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành những nghiên cứu, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, địa phương trong việc triển khai các chương trình, hoạt động để có thể tạo nên sự phát triển của các địa phương dựa trên những điều kiện tự nhiên, phát huy nguồn lực sẵn có và những sản phẩm thế mạnh của địa phương đó.

Năm 2002, Bộ Kinh tế và Công nghiệp (nay là Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp - METI) thành lập Hội Nghiên cứu thương hiệu địa phương. Vào các năm 2004 và 2007, METI bắt đầu thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu Nhật Bản và Chương trình Doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng và phát huy tài nguyên địa phương. Năm 2006, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp (MAFF) triển khai việc nghiên cứu thương hiệu địa phương tại Bộ phận Chiến lược tài sản trí tuệ và từ năm 2008, MAFF đã thực hiện hoạt động thúc đẩy thương hiệu hóa địa phương đối với các sản phẩm nông lâm ngư nghiệp và thực phẩm.

Không chỉ triển khai hoạt động tại các bộ chuyên trách và địa phương, Quốc hội Nhật Bản cũng đã xây dựng và ban hành, sửa đổi một số luật liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động nói trên. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chế độ bảo hộ nhãn hiệu tập thể địa phương đã được bổ sung trong Luật Nhãn hiệu và có hiệu lực từ ngày 1/4/2006; Luật về Bảo hộ tên gọi của nông lâm thủy sản và thực phẩm đặc thù đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/6/2015. Theo tổng hợp của tác giả, tính đến ngày 25/9/2022, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể địa phương cho tổng số 814 trường hợp, trong đó có 3 nhãn hiệu địa phương của nước ngoài và tổng cộng có 221 sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó có 3 sản phẩm của nước ngoài (có 2 sản phẩm là vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận của Việt Nam) đã được MAFF cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý.

2. Chế độ nhãn hiệu tập thể địa phương

Nhật Bản đã ban hành và áp dụng Luật Nhãn hiệu đầu tiên vào năm 1921 nhằm thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp. Năm 1959, Luật Nhãn hiệu mới đã được ban hành, tuy nhiên các quy định liên quan đến nhãn hiệu tập thể đã bị xoá bỏ. Cùng với sự phát triển kinh tế và những thay đổi theo các thời kỳ phát triển, Luật Nhãn hiệu sửa đổi năm 1996 đã tái thiết lập chế độ nhãn hiệu tập thể. Từ ngày 1/4/2006, Nhật Bản bắt đầu áp dụng chế độ nhãn hiệu tập thể địa phương với mục đích duy trì sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với người sản xuất, kinh doanh các hàng hóa/dịch vụ đặc thù của một địa phương và nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ cho nền kinh tế địa phương phát triển.

2.1. Định nghĩa và cấu thành nhãn hiệu tập thể địa phương

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Nhãn hiệu của Nhật Bản, nhãn hiệu là “chữ cái, hình vẽ, ký hiệu, hình ba chiều hoặc màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, âm thanh và những dấu hiệu khác được quy định trong các văn bản của chính phủ”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 7.2 Luật Nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể địa phương là “nhãn hiệu có chứa tên địa phương, tên khu vực được một hợp tác xã nghề nghiệp, hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật, hội công thương, phòng thương mại và công nghiệp hoặc pháp nhân hoạt động phi lợi nhuận được quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Xúc tiến hoạt động phi lợi nhuận, hoặc pháp nhân nước ngoài tương đương, cho phép các thành viên của mình sử dụng cho các hàng hóa/dịch vụ có liên quan mật thiết với địa phương, khu vực đó và nhãn hiệu này đã được biết đến rộng rãi ở Nhật Bản”.

Cấu thành nhãn hiệu tập thể địa phương gồm: (i) tên địa phương/khu vực + tên gọi thông thường của hàng hóa/dịch vụ; (ii) tên địa phương/khu vực + tên gọi thông dụng của hàng hóa/dịch vụ; (iii) (i) hoặc (ii) + từ ngữ thông dụng thường được sử dụng kèm theo hiển thị nơi sản xuất hàng hóa hoặc nơi cung cấp dịch vụ.

2.2. Điều kiện bảo hộ

Ngoài những quy định liên quan đến thủ tục và hồ sơ đăng ký, đối với trường hợp nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể địa phương, để có thể đăng ký, nhãn hiệu được nộp đơn phải thỏa mãn tất cả 5 điều kiện dưới đây.

(1)    Điều kiện về chủ thể

Chủ thể của nhãn hiệu tập thể địa phương phải là hợp tác xã nghề nghiệp, hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật, hội công thương, phòng thương mại và công nghiệp hoặc pháp nhân hoạt động phi lợi nhuận, hoặc pháp nhân nước ngoài tương đương với những tập thể nói trên. Trường hợp chủ thể là hợp tác xã thì phải được thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân và đảm bảo cho những người sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ có thể tự do gia nhập hợp tác xã.

Ngoài ra, theo Luật về tăng cường nền móng phát triển tăng trưởng địa phương dựa trên xúc tiến những ngành nghề đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương (có hiệu lực từ ngày 31/7/2017), những pháp nhân đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế địa phương nếu có kế hoạch về ngành nghề có khả năng “kéo” kinh tế địa phương phát triển và kế hoạch đó đã được thống đốc địa phương chấp nhận cũng có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể địa phương cho những hàng hóa/dịch vụ thuộc ngành nghề đó.

(2)    Điều kiện về sử dụng nhãn hiệu tập thể địa phương

Giống với quy định sử dụng nhãn hiệu tập thể, chủ thể nhãn hiệu tập thể địa phương có thể quy định những điều kiện sử dụng nhãn hiệu tập thể địa phương đó cho hàng hóa/dịch vụ và cho phép các thành viên của mình thỏa mãn những điều kiện đó sử dụng. Nói cách khác, các thành viên có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể địa phương cho hàng hóa/dịch vụ đạt các tiêu chuẩn mà chủ thể nhãn hiệu tập thể địa phương đã quy định trong Quy chế sử dụng.

(3)    Điều kiện đối với nhãn hiệu tập thể địa phương: gồm điều kiện liên quan đến cấu thành và hiển thị

Việc chấp nhận đăng ký đối với nhãn hiệu tập thể địa phương chỉ là tên địa phương sẽ hạn chế quá mức việc sử dụng chính đáng tên địa phương của những người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Do vậy, khoản 1 Điều 7.2 Luật Nhãn hiệu đã quy định cấu thành của nhãn hiệu tập thể địa phương được nộp đơn đăng ký phải thuộc một trong ba trường hợp như đã nêu tại phần 2.1. Trong đó, tên địa phương/khu vực là tên hành chính đang được sử dụng của địa phương/khu vực, hoặc có thể là tên gọi thông thường, tên gọi trang trọng cho phép xác định được địa phương/khu vực, hoặc tên ghép của một vài khu vực nhưng vẫn có khả năng xác định được các khu vực tương ứng, hoặc cũng có thể là tên địa phương/khu vực đã từng được sử dụng trong quá khứ, hoặc tên sông, tên vùng núi, vùng biển... Nhãn hiệu tập thể địa phương phải được hiển thị chỉ bằng ký tự chữ, không chứa ký tự đã được chuyển thành hình vẽ và toàn bộ nhãn hiệu đó không phải là tên gọi thông thường của hàng hóa/dịch vụ[2].

(4)    Điều kiện về sự liên quan mật thiết giữa hàng hóa/dịch vụ và địa phương/khu vực

Về sự liên quan mật thiết giữa hàng hóa/dịch vụ và địa phương/khu vực mang địa danh, đó có thể là nơi trồng/sản xuất/đánh bắt hàng hóa, nơi cung cấp dịch vụ, song cũng có thể là nơi trồng/sản xuất/đánh bắt nguyên liệu chủ yếu hoặc là nơi đã “khai sinh” ra phương pháp sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, để người tiêu dùng không hiểu lầm về chất lượng hàng hóa/dịch vụ, cần ghi rõ sự liên quan này trong phần mô tả về hàng hóa/dịch vụ.

(5)    Mức độ được biết đến của nhãn hiệu

Nhãn hiệu tập thể địa phương được nộp đơn đăng ký phải thỏa mãn điều kiện đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi với tư cách là dấu hiệu hiển thị trên hàng hóa/dịch vụ của tập thể hoặc thành viên của tập thể đó. Ngoài ra, hàng hóa/dịch vụ được ghi trong đơn đăng ký cũng phải trùng với hàng hóa/dịch vụ đã sử dụng nhãn hiệu được biết đến rộng rãi đó. Thông thường, thẩm định viên sẽ đánh giá mức độ được biết đến của nhãn hiệu dựa trên các tài liệu chứng minh mà người nộp đơn cung cấp trong hồ sơ và các thông tin thẩm định viên thu thập được.

3. Chế độ chỉ dẫn địa lý

Trong năm tài khóa 2004, MAFF đã thành lập nhóm nghiên cứu để tìm hiểu về chế độ chỉ dẫn địa lý. Cùng thời điểm này METI cũng trình Quốc hội dự thảo Luật Nhãn hiệu sửa đổi, trong đó có nội dung liên quan đến chế độ nhãn hiệu tập thể địa phương. Ngày 30/3/2010, Chính phủ Nhật Bản ban hành Kế hoạch cơ bản về Lương thực - Nông nghiệp - Nông thôn, trong đó nêu rõ việc tìm kiếm cách thức đảm bảo cho chỉ dẫn địa lý đối với hiển thị của các nông lâm thủy sản được sản xuất tại một vùng địa lý cụ thể và đang được quản lý về giống, phương pháp sản xuất, thời gian sản xuất. Ngày 25/10/2011, Văn phòng Xúc tiến tái sinh thực phẩm và nông lâm ngư nghiệp trực thuộc MAFF đã được thành lập. Bộ phận này đã xây dựng lại Chiến lược xuất khẩu nông lâm thủy sản và thực phẩm, trong đó chỉ rõ để nâng cao sự tin cậy cũng như nhận được sự đánh giá thích hợp đối với nông lâm thủy sản chất lượng cao của Nhật Bản, cần áp dụng chế độ bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Báo cáo ngày 3/8/2012 của nhóm nghiên cứu chế độ bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã chỉ ra rằng cần áp dụng chế độ bảo hộ những chỉ dẫn đặc biệt ở Nhật Bản và phát huy hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội của chỉ dẫn địa lý. Ngày 25/4/2014, bản dự thảo luật đã được trình Quốc hội, đến ngày 25/6/2014, Luật về Bảo hộ tên gọi của nông lâm thủy sản và thực phẩm đặc thù (tên tiếng Anh là “Act on Protection of the Names of Specific Agricultural, Forestry and Fishery Products and Foodstuffs”, thường được gọi tắt là “Luật Chỉ dẫn địa lý”)  được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/6 năm sau đó. Sau một thời gian ngắn áp dụng, để đảm bảo cho việc thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế Nhật Bản -  Liên minh châu Âu (Japan - EU Economic Partnership Agreement, EPA), ngày 7/12/2018 Nhật Bản đã ban hành Luật Bảo hộ tên gọi của nông lâm thủy sản và thực phẩm đặc thù sửa đổi, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2019 - cùng ngày EPA bắt đầu có hiệu lực.

3.1. Định nghĩa và cấu thành của chỉ dẫn địa lý

Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Luật Chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý là hiển thị tên gọi của nông lâm thủy sản, thực phẩm được sản xuất tại một địa điểm, khu vực hoặc đất nước cụ thể và có chất lượng, danh tiếng và có những đặc tính đã được xác lập khác chủ yếu là do nơi sản xuất đem lại.

Luật Chỉ dẫn địa lý không quy định một cách cụ thể về cấu thành của chỉ dẫn địa lý, nhưng có thể thấy, chỉ dẫn địa lý được tạo nên bởi yếu tố “địa danh”- tên địa phương/khu vực nơi sản phẩm được sản xuất và “tên sản phẩm”[3]. Từ chỉ dẫn địa lý có thể xác định được một cách cụ thể sự liên hệ giữa đặc tính của nông lâm thủy sản, thực phẩm đó và khu vực địa lý của nơi sản xuất. Sự liên hệ này thường được phán đoán dựa trên nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, mối liên hệ giữa chất lượng, tính chất đặc thù của sản phẩm với khu vực địa lý, nơi sản phẩm đó được sản xuất. Tuy nhiên, với trường hợp sản phẩm chỉ được sản xuất tại một nơi duy nhất trên toàn quốc, nghe đến tên sản phẩm là người tiêu dùng đã xác định được khu vực sản xuất sản phẩm đó[4], chỉ dẫn địa lý có thể chỉ là tên sản phẩm và không chứa địa danh. Qua khảo sát của người viết, trong số 118 chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản đã được đăng ký tính đến ngày 25/9/2022, có thể chia thành 4 nhóm cấu thành gồm: (i) địa danh + tên sản phẩm hoặc địa danh + “san”[5] hoặc “tokusan”[6] + tên sản phẩm; (ii) địa danh + đặc tính tiêu biểu[7] của sản phẩm + tên sản phẩm; (iii) địa danh + phương pháp sản xuất + tên sản phẩm; và (iv) tên sản phẩm.

3.2. Điều kiện đăng ký

Để có thể được đăng ký với tư cách là chỉ dẫn địa lý, nông lâm thủy sản, thực phẩm đó phải thỏa mãn 4 điều kiện gồm: điều kiện về sản phẩm, điều kiện về tên gọi của sản phẩm, điều kiện về tập thể nhà sản xuất và điều kiện về quản lý quy trình sản xuất. Cụ thể như sau:

(1)    Điều kiện về sản phẩm

Để được coi là sản phẩm đặc thù của địa phương, khu vực, sản phẩm phải thỏa mãn tất cả 3 điều kiện gồm (i) có chất lượng, có danh tiếng và các đặc tính khác; (ii) những đặc tính này có mối liên hệ mật thiết với khu vực sản xuất như điều kiện tự nhiên, phương pháp sản xuất truyền thống; và (iii) là sản phẩm gắn liền với địa phương đó (có lịch sử sản xuất tại địa phương mang địa danh đó từ 25 năm trở lên).

(2)    Điều kiện về tên gọi của sản phẩm

Theo quy định tại đoạn 1 điểm 4 khoản 1 Điều 13, để được bảo hộ thì từ tên gọi của sản phẩm, có thể xác định được mối liên hệ giữa đặc tính của sản phẩm với khu vực địa lý nơi sản phẩm đó được sản xuất. Để phán đoán về việc có thể xác định được mối liên hệ này hay không, về cơ bản sẽ dựa trên việc người tiêu dùng nhận thức như thế nào về tên gọi của sản phẩm tại giai đoạn hàng hóa được xuất xưởng. Trường hợp tên gọi của sản phẩm là tên gọi thông thường hoặc là từ không thể xác định chính xác khu vực sản xuất và đặc tính tên gọi của sản phẩm hoặc tên gọi đó đã được đăng ký nhãn hiệu trước đó (trừ trường hợp chủ thể sở hữu quyền nhãn hiệu đồng ý việc đăng ký chỉ dẫn địa lý), sẽ không thể đăng ký chỉ dẫn địa lý.

(3)    Điều kiện về tập thể nhà sản xuất

Tập thể nhà sản xuất là chủ thể nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý nên chủ thể này cũng phải thoả mãn một số điều kiện nhất định.

Thứ nhất, tập thể nhà sản xuất phải là tập thể tập hợp những người thực hiện các hành vi nhằm đem lại đặc tính cho sản phẩm, hoặc duy trì đặc tính của sản phẩm trong chuỗi các hành vi diễn ra cho đến lúc sản phẩm được đưa ra thị trường, có thể bao gồm cả những người liên quan ngoài những người sản xuất.

Thứ hai, trong Điều lệ của tập thể nhà sản xuất phải quy định một cách rõ ràng về việc không được hạn chế việc gia nhập tập thể nhà sản xuất đối với những người sản xuất, chế biến sản phẩm được bảo hộ đó tại địa phương ứng với chỉ dẫn địa lý nếu không có lý do chính đáng.

Thứ ba, tập thể nhà sản xuất phải xây dựng quy chế về quản lý quy trình sản xuất và đảm bảo các thành viên tuân thủ quy chế đó. Cụ thể, tập thể nhà sản xuất quản lý việc các thành viên có thực hiện đúng quy trình sản xuất như quy chế hay không và hàng năm báo cáo tình hình quản lý quy trình sản xuất cho MAFF.

Cuối cùng, tập thể nhà sản xuất phải có năng lực tài chính và nhân lực cần thiết để thực hiện nghiệp vụ quản lý quy trình sản xuất.

(4) Điều kiện về quản lý quy trình sản xuất

Quản lý quy trình sản xuất là nghiệp vụ do tập thể nhà sản xuất thực hiện nhằm đảm bảo và duy trì các đặc tính của sản phẩm. Tập thể nhà sản xuất xây dựng, sửa đổi Bản mô tả; thực hiện các hướng dẫn và kiểm tra cần thiết đối với các thành viên của mình để họ sản xuất sản phẩm phù hợp với nội dung Bản mô tả và có biện pháp xử lý đối với trường hợp vi phạm.

4. Những điểm khác biệt giữa chế độ nhãn hiệu tập thể địa phương và chế độ chỉ dẫn địa lý

Ngoài những điểm đã được nêu cụ thể trong mục 2 đối với nhãn hiệu tập thể địa phương và mục 3 đối với chỉ dẫn địa lý, hai chế độ này còn có một số điểm khác biệt chính được đề cập cụ thể trong bảng dưới đây.

 

 

 

Chế độ nhãn hiệu tập thể địa phương

Chế độ chỉ dẫn địa lý

Đối tượng bảo hộ (vật)

Toàn bộ hàng hóa và dịch vụ

Nông lâm thủy sản, thực phẩm đặc thù

Đối tượng bảo hộ (tên gọi)

“tên địa phương/khu vực” + “tên hàng hóa, dịch vụ”

“địa danh” + “tên sản phẩm”

Chủ thể nộp đơn đăng ký

Hợp tác xã nghề nghiệp, hội công thương, phòng thương mại và công nghiệp, pháp nhân hoạt động phi lợi nhuận, pháp nhân nước ngoài

Tập thể nhà sản xuất

Điều kiện đăng ký đối với sản phẩm/hàng hóa

Tên khu vực/địa phương và hàng hóa có mối liên hệ mật thiết.

Có chất lượng, danh tiếng và (các) đặc tính đã được xác lập khác.

Quản lý chất lượng

Chủ sở hữu quyền nhãn hiệu tập thể địa phương tự quản lý.

(i) Công khai tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gắn với nơi sản xuất;

(ii) Tập thể nhà sản xuất quản lý việc người sản xuất, chế biến có đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hay không; Nhà nước kiểm tra.

Trao quyền

Chủ sở hữu quyền nhãn hiệu tập thể địa phương có quyền sử dụng độc quyền.

Chỉ dẫn địa lý là tài sản chung của khu vực. Nếu sản phẩm thỏa mãn các tiêu chuẩn chất lượng và quy trình sản xuất, bất cứ người sản xuất, chế biến nào trong khu vực cũng có thể sử dụng sau khi đã trở thành thành viên của Tập thể nhà sản xuất.

Hiệu lực

Cấm các hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu tập thể địa phương đã được đăng ký hoặc dấu hiệu giống với đã được đăng ký.

Người không phải là chủ sở hữu quyền nhãn hiệu tập thể địa phương hoặc thành viên không được sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự cho hàng hóa trùng hoặc tương tự với hàng hóa của nhãn hiệu tập thể địa phương đã được đăng ký.

Cấm các hành vi sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký hoặc hiển thị giống với chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký.

Trừ thành viên của tập thể nhà sản xuất, không ai có thể sử dụng chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký hoặc dấu hiệu tương tự chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký cho nông lâm thủy sản, thực phẩm cùng nhóm với sản phẩm của chỉ dẫn địa lý.

Biện pháp áp dụng đối với những vi phạm

Chủ sở hữu quyền nhãn hiệu tập thể địa phương yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nhà nước kiểm soát sự sử dụng trái phép.

Phí đăng ký

44.900 yên

43.600 yên (phí gia hạn)

90.000 yên

Thời hạn bảo hộ

10 năm từ khi đăng ký

(cần thủ tục gia hạn, mất phí)

Vĩnh viễn trừ trường hợp bị xoá bỏ (không phải đăng ký gia hạn, mất phí)

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, đăng ký

Cơ quan Sáng chế Nhật Bản

Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản

Phương pháp sử dụng

(i) Nghĩa vụ hiển thị nhãn hiệu tập thể địa phương đã được đăng ký.

(ii) Khuyến khích sử dụng cùng với logo nhãn hiệu tập thể địa phương.

Có thể kết hợp với logo chỉ dẫn địa lý.

 

 

 

 

Ưu điểm

(i) Hiệu quả về mặt pháp lý: sử dụng quyền chống lại những hành vi sử dụng nhãn hiệu tập thể địa phương trái phép, hợp đồng li-xăng;

(ii) Tăng độ tin cậy trong giao dịch và sức mạnh thương hiệu;

(iii) Củng cố tổ chức, hình thành ý thức và sự tự trọng đối với hàng hóa, dịch vụ.

(i) Có sự đảm bảo của Nhà nước về chất lượng sản phẩm gắn liền với nơi sản xuất;

(ii) Tạo nên sự khác biệt với tư cách là sản phẩm đặc biệt của Nhật Bản dựa trên việc sử dụng logo chỉ dẫn địa lý;

(iii) Nhà nước sẽ kiểm soát những hành vi sử dụng chỉ dẫn địa lý trái phép.

Nguồn: Người viết tổng hợp và tự lập.


5. Các trường hợp đăng ký kép

Nghiên cứu này đã thực hiện khảo sát và thống kê những trường hợp cùng một sản phẩm/hàng hóa đang được bảo hộ theo cả hình thức chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể địa phương. Cụ thể, tính đến ngày 25/9/2022, trong 121 chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký (bao gồm cả chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản và nước ngoài) có 22 trường hợp cũng đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể địa phương với cùng một hiển thị (ngoài ra còn có 17 trường hợp khác đã được đăng ký nhãn hiệu thông thường tại Nhật Bản và 1 trường hợp được đăng ký quốc tế). Liên quan đến đăng ký “kép”[8], có thể chia thành 3 trường hợp như sau:

(1)    Nhãn hiệu tập thể địa phương đã được đăng ký trước

Theo quy định tại đoạn 2 điểm 4 khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Luật Chỉ dẫn địa lý, trong trường hợp chỉ dẫn địa lý được nộp đơn đăng ký giống hoặc tương tự với nhãn hiệu (nói chung) đã được đăng ký và sản phẩm giống hoặc tương tự với với hàng hóa/dịch vụ của nhãn hiệu đã được đăng ký, nếu không nhận được sự cho phép của chủ sở hữu quyền nhãn hiệu thì sẽ không được đăng ký. Từ quy định này, có thể cho rằng trên thực tế, chủ sở hữu quyền nhãn hiệu tập thể địa phương sẽ tự mình hoặc liên danh với ít nhất một tập thể nhà sản xuất khác nộp chung một đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nếu chỉ dẫn địa lý đó được đăng ký, chủ sở hữu quyền nhãn hiệu tập thể địa phương và thành viên có thể sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm/hàng hóa của mình song cũng sẽ có nghĩa vụ tuân thủ quy trình sản xuất như đã ghi trong Bản mô tả để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và hàng năm phải định kỳ báo cáo Bộ trưởng MAFF.

Chỉ dẫn địa lý là chỉ dẫn giúp có thể xác định khu vực địa lý nơi sản phẩm được sản xuất và có mối liên hệ mật thiết với chất lượng, đặc tính của sản phẩm nên nó được bảo hộ với tư cách là tài sản chung của khu vực. Hơn nữa, quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Chỉ dẫn địa lý cho phép đăng ký thay đổi bổ sung tập thể nhà sản xuất có dự định thực hiện quản lý quy trình sản xuất, tức là số lượng tập thể nhà sản xuất có thể tăng thêm sau khi chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký. Do vậy, trường hợp nhãn hiệu tập thể địa phương đã được đăng ký trước và thực hiện đăng ký chỉ dẫn địa lý sau, một khi đã cho phép việc nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý và chỉ dẫn địa lý đó được đăng ký, chủ sở hữu quyền nhãn hiệu tập thể địa phương sẽ khó có thể kiểm soát được sự thay đổi số lượng tập thể nhà sản xuất.

(2)    Chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký trước

Theo quy định tại điểm 3 khoản 1 Điều 3 Luật Nhãn hiệu, những dấu hiệu được tạo thành chỉ từ nơi sản xuất, nơi bán, chất lượng, nguyên liệu, công dụng, cách sử dụng, hình dáng, phương pháp sản xuất/sử dụng hoặc thời gian, các đặc tính khác, số lượng hoặc giá của hàng hóa và sử dụng phương pháp hiển thị thông thường sẽ không được đăng ký. Lý do là vì những hiển thị này mang tính mô tả và được coi là không có khả năng phân biệt với hàng hóa cùng loại của chủ thể khác. Khoản 2 có đưa ra trường hợp ngoại lệ, đó là nếu như người tiêu dùng có thể phân biệt được hàng hóa đó với hàng hóa của những người khác - là kết quả của quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, với trường hợp dấu hiệu đó giống với chỉ dẫn địa lý thì sao?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Chỉ dẫn địa lý, không được sử dụng chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký hoặc dấu hiệu giống hoặc dấu hiệu có nguy cơ gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký cho nông lâm thủy sản, thực phẩm cùng nhóm với nhóm sản phẩm của chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký, hoặc những sản phẩm hoặc bao bì của những sản phẩm được chế tạo, chế biến từ/chủ yếu từ nguyên vật liệu là sản phẩm của chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký. Do vậy, trường hợp ngoại lệ quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Nhãn hiệu là khó có thể xảy ra và kể cả có xảy ra, nếu chủ thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu không phải là tập thể nhà sản xuất của chỉ dẫn địa lý đã đăng ký thì dấu hiệu đó cũng khó có thể được đăng ký vì đó là dấu hiệu gây ra cho người tiêu dùng sự nhầm lẫn về chủ thể, không thỏa mãn điều kiện về khả năng phân biệt.

(3)    Hiển thị đó chưa được đăng ký cả chỉ dẫn địa lý lẫn nhãn hiệu tập thể địa phương

Mặc dù đều hướng tới việc bảo hộ thương hiệu địa phương, song mỗi hình thức đều có điều kiện đăng ký và hiệu quả đăng ký khác nhau (tham khảo mục 2.2, 3.2 và 4). Do vậy, chủ thể nộp đơn cần cân nhắc, xem xét kỹ để có thể quyết định hình thức bảo hộ phù hợp nhất với điều kiện hiện tại và trong tương lai, cân bằng với mục đích của việc bảo hộ nông lâm thủy sản, thực phẩm.

6. Kết luận

Trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs), chỉ dẫn địa lý tồn tại với tư cách là một đối tượng quyền sở hữu trí tuệ độc lập. Không tính Nhật Bản, các quốc gia trên thế giới hiện nay có hai xu hướng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là (i) bảo hộ với tư cách chỉ dẫn địa lý (các quốc gia châu Âu, Việt Nam...) và (ii) bảo hộ với tư cách một loại nhãn hiệu (như nhãn hiệu chứng nhận đang được áp dụng tại Hoa Kỳ, Australia...). Do vậy, việc cùng một lúc áp dụng cả chế độ nhãn hiệu tập thể địa phương và chế độ chỉ dẫn địa lý là điểm đặc trưng rất riêng của Nhật Bản.

Đứng từ góc độ thủ tục và điều kiện đăng ký, dường như đăng ký nhãn hiệu tập thể địa phương có vẻ không phức tạp và không nghiêm ngặt như chỉ dẫn địa lý nhưng xét về tính hiệu quả của bảo hộ, cách thức giải quyết khi xảy ra vi phạm, thời gian bảo hộ, rõ ràng chế độ chỉ dẫn địa lý - chế độ bảo vệ tên gọi của các sản phẩm nông lâm thủy sản và thực phẩm đặc thù, bảo hộ tài sản chung của khu vực có lợi thế hơn hẳn. Mặt khác, cùng có tên gọi là chỉ dẫn địa lý nhưng khác với các quốc gia đang áp dụng chế độ chỉ dẫn địa lý, việc tiếp nhận hồ sơ, tiến hành thẩm định và đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thuộc về Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp chứ không phải do cơ quan tiếp nhận, tiến hành, thẩm định và đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp khác - Cơ quan Sáng chế Nhật Bản đảm nhận và tập thể nhà sản xuất phải thực hiện báo cáo hàng năm. Chính vì vậy, khi có ý định nộp đơn đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản, các chủ thể nộp đơn, đặc biệt là các chủ thể nộp đơn nước ngoài nên có so sánh giữa hai chế độ này để có thể lựa chọn hình thức hữu hiệu nhất phù hợp với điều kiện của mình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Nguyễn Phương Thúy (2013), “So sánh chế độ nhãn hiệu tập thể địa phương trong Luật Nhãn hiệu của Nhật Bản và chế độ chỉ dẫn địa lý trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam”, Nhật Bản trong thời đại châu Á, Nxb Thế giới, Hà Nội.
  2. Nguyễn Phương Thúy (2019), “Chế độ chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản”, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 5.
  3. 木村達矢, “地理的表示と地域団体商標の相違”, パテント, 3/2021 (Kimura Tatsuya, “Sự khác biệt của chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể địa phương”, Patent, 3/2021).
  4. 日本国会, “商標法” (https://elaws.e-gov.go.jp/document?lawid=334AC0000000127) (Quốc hội Nhật Bản, Luật Nhãn hiệu).
  5. 日本国会, “特定農林水産物等の名称の保護に関する法律” (https://elaws.e-gov.go.jp/document?lawid=426AC0000000084_20190201_430AC0000000088) (Quốc hội Nhật Bản, Luật Luật về Bảo hộ tên gọi của nông lâm thủy sản và thực phẩm đặc thù).
  6. 農林水産省食料産業局, 地理的表示制度・登録申請マニュアル , 東京 (Cục Công nghiệp thực phẩm Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp, Sổ tay nộp đơn đăng ký chế độ chỉ dẫn địa lý, Tokyo).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] TS., Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

* Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp cơ sở mã số CS.2021.12, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2] Trong tiếng Nhật, có một số tên gọi thông thường của sản phẩm hiện nay được cấu tạo từ địa danh (trong quá khứ) và danh từ chung. Ví dụ như “satsuma imo” (có nghĩa là “khoai lang”) được tạo thành từ “Satsuma” - tên gọi trong quá khứ của khu vực Kagoshima hiện nay là nơi mà khoai lang đã được đưa từ Ryukyu (tỉnh Okinawa hiện nay) vào Nhật Bản và “imo” - khoai.

[3] Nguyễn Phương Thúy (2019), “Chế độ chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản”, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 5, tr. 119.

[4] Trong số 121 chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký, có sản phẩm có tên là Sunki - một dạng thực phẩm lên men, chỉ dẫn địa lý được đăng ký cũng là “Sunki” vì đây là sản phẩm được sản xuất duy nhất tại một số khu vực nhất định thuộc tỉnh Nagano.

[5] 「産」- “sản”, có ý nghĩa sản phẩm được sản xuất tại khu vực mang địa danh này.

[6] 「特産」-  “đặc sản”, có ý nghĩa là đặc sản của khu vực mang địa danh này.

[7] Có thể là màu sắc, hình thái sản phẩm (ví dụ như hồng “khô”).

[8] Tác giả bài viết sử dụng thuật ngữ theo quan điểm nghiên cứu của cá nhân.

0thảo luận