Trang chủ

Thực trạng lao động không chính thức ở Nhật Bản

Đăng ngày: 12-07-2024, 08:23 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Số 11

Nguyễn Ngọc Phương Trang1

 

 

Tóm tắt: Những ai quan tâm tới tình hình thị trường lao động Nhật Bản đều có thể nhận thấy xu hướng gia tăng lao động không chính thức những thập niên gần đây. Xu hướng này một phần do  người lao động cần những hình thức tuyển dụng linh hoạt, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do các công ty muốn cắt giảm chi phí lao động để trụ vững trong quá trình suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, sự đãi ngộ giữa lao động chính thức và không chính thức còn mất cân đối, cơ chế chuyển đổi lao động tại các công ty còn chưa hoàn thiện. Từ năm 2009, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, nền kinh tế Nhật Bản lún sâu vào khủng hoảng. Thị trường lao động sa sút, nhiều tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản phải cho nhân viên nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng, dẫn tới sự gia tăng lao động không chính thức. Lao động không chính thức hiện nay có rất nhiều tầng lớp như thanh niên, người làm nội trợ, người có tuổi

Từ khóa: Lao động không chính thức, việc làm, thu nhập, Nhật Bản

 

 

T

rong thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX, Nhật Bản được biết tới như một xã hội “trăm triệu người trung lưu”. Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh[1]tế, khi đó sự chênh lệch về kinh tế ở Nhật Bản khá nhỏ, giống các nước Bắc Âu. Trong các cuộc điều tra dư luận do chính phủ thực hiện, khoảng 90% số người được hỏi cảm thấy họ đang ở mức sống trung bình. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong hơn một thập kỷ từ cuối những năm 1950 đã giúp mức sống nâng cao đáng kể và phần lớn người Nhật tự xếp mình thuộc tầng lớp trung lưu. Tuy vậy, về sau, sự chênh lệch ở Nhật Bản tăng lên nhanh chóng. Nhật Bản đã đạt được hệ số Gini[2] thấp nhất vào năm 1980 với 0,349; nhưng sau đó tăng dần lên 0,498 vào năm 2001 và 0,559 vào năm 2016. Tỷ lệ nghèo ở Nhật Bản hiện nay đứng thứ hai trong số các quốc gia thuộc G7. Nhật Bản không còn là xã hội với “trăm triệu người trung lưu” nữa mà đã trở thành một xã hội phân tầng, với “tầng lớp dưới” (underclass) bao gồm cả những lao động không chính thức của Nhật Bản. “Không chính thức” (non-regular) có nghĩa là những nhân viên này không được đảm bảo, họ kiếm tiền ít hơn đáng kể so với nhân viên chính thức.

1. Tình hình lao động không chính thức ở Nhật Bản

Trong thời kỳ kinh tế bong bóng của Nhật Bản vào cuối những năm 1980, sự phân hóa  bắt đầu xuất hiện trong tầng lớp công nhân. Khi đó, các công ty phải tăng quy mô lực lượng lao động, nhưng nếu thuê nhân viên toàn thời gian thì các công ty này không thể sa thải họ khi nền kinh tế suy thoái. Vì vậy các công ty họ hướng tới việc thuê các sinh viên trẻ mới tốt nghiệp làm lao động không chính thức. Thời điểm đó, những người trẻ tuổi như vậy được gọi là “những người tự do” ( furita, xuất phát từ chữ freeter, ghép từ chữ “free” – tự do trong tiếng Anh và từ “arbeiter” – công nhân trong tiếng Đức). Trước đó, nhiều phụ nữ đã kết hôn cũng được thuê làm lao động không chính thức.

Sau khủng hoảng kinh tế do bong bóng vỡ vào đầu những năm 1990, các công ty giảm số lượng tuyển dụng nhân viên mới và tăng cường thuê sinh viên mới tốt nghiệp với tư cách là lao động không chính thức. Xu hướng này gia tăng lên đáng kể vào cuối những năm 1990, nhiều sinh viên trẻ mới tốt nghiệp không thể tìm được việc làm chính thức, đánh dấu sự khởi đầu của “kỷ băng hà việc làm” (就職氷河期). Đặc biệt, những người tốt nghiệp trung học từ năm 1999 đến năm 2004, ở tầm tuổi gần 40 tuổi, là những người gặp khó khăn nhất khi tìm việc làm chính thức. Khác với hiện tượng khá đông sinh viên mới ra trường ở Bắc Mỹ và nhiều nước châu Âu không thể tìm được việc làm chính thức ngay lập tức, đây là lần đầu tiên điều này xảy ra ở Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. “Kỷ băng hà việc làm” khiến nhiều người không bao giờ kiếm được việc làm chính thức, luôn nhận mức lương thấp và  không thường xuyên.

Theo đánh giá, hệ thống lao động Nhật Bản đã có những thay đổi đáng kể trong những năm 1990. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và các loại hình lao động không chính thức phát triển, quyền lực của các liên đoàn lao động bị suy giảm. Hơn nữa, khả năng có việc làm suốt đời đã giảm xuống. Các công việc chính thức luôn nêu ra giới hạn độ tuổi là 34 tuổi. Ngoài ra, việc chuyển đổi từ công việc không chính thức sang một vị trí chính thức cũng không dễ dàng, các doanh nghiệp muốn thuê lao động trẻ từ đầu hơn những nhân viên đã được tuyển dụng làm  lao động không chính thức. Những thay đổi này của thị trường việc làm đã có tác động mạnh mẽ đến xã hội như làm gia tăng các vụ tự tử vào khoảng cuối những năm 1990. Khoảng cách thu nhập giữa lao động chính thức và lao động không chính thức khá rõ ràng, vào năm 2003 thì thu nhập trung bình một tháng của một lao động chính thức khoảng 33,2 vạn yên, trong khi một lao động thời vụ chỉ có 15,1 vạn yên. Trong cùng một công việc cũng có khoảng cách giữa lao động chính thức và không chính thức, ví dụ như thu nhập mối tháng của nhân viên điều phối (Dispatched Worker) chính thức năm 2003 là 25,3 vạn yên, trong khi thu nhập  của nhân viên điều phối không chính thức chỉ có 21,8 vạn yên[3]. Hơn nữa, thu nhập của những lao động chính thức tăng theo độ tuổi, trái ngược với thu nhập của những người lao động không chính thức, khi tuổi càng lớn thì thu nhập càng giảm.


Bảng 1: Số lượng và tỷ lệ lao động không chính thức (đơn vị tính: 1.000 người)

 

 

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2012

2013

2014

2015

Nam và nữ độ tuổi 25-34

(A) Người đang làm việc

1434

1430

1429

1414

1397

1352

1313

1267

1235

1186

1168

1152

1125

(B) Người làm công ăn lương

1314

1311

1323

1307

1305

1258

1223

1180

1154

1122

1102

1086

1062

(C) Lao động không chính thức

269

281

308

318

328

324

313

302

298

297

301

303

290

(C)/(A)x 100

18,8

19,7

21,6

22,5

23,5

24,0

 

23,8

23,8

24,1

25,0

25,8

26,3

25,8

(C)/(B) x100

20,5

21,4

23,3

24,3

25,1

25,8

25,6

25,6

25,8

26,5

27,3

27,9

27,3

Nam và nữ độ tuổi 35-44

(A) Người đang làm việc

1251

1276

1294

1323

1360

1399

1427

1436

1451

1509

1516

1514

1498

(B) Người làm công ăn lương

1052

1082

1102

1128

1167

1214

1238

1254

1272

1337

1344

1341

1329

(C) Lao động không chính thức

259

274

289

301

318

329

344

338

348

370

389

397

393

(C)/(A)x 100

20,7

21,5

22,3

22,8

23,4

23,5

24,1

23,5

24,0

24,5

25,7

26,2

26,2

(C)/(B) x100

24,6

25,3

26,2

26,7

27,2

27,1

27,8

27,0

27,4

27,7

28,9

29,6

29,6

Nguồn: Bảng điều tra Lực lượng Lao động của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) (năm 2016)

 

Theo số liệu các cuộc điều tra đặc biệt về lực lượng lao động và bảng phân loại chi tiết điều tra lực lượng lao động từ năm 1993 cho đến năm 2012 của Viện Đào tạo và Chính sách Lao động Nhật Bản (Japan Institute for Labour Policy and Training - JILPT), tỷ lệ lao động chính thức đã giảm từ 79,2% năm 1993 xuống còn 64,8% năm 2012. Trong khi tỷ lệ lao động không chính thức, bao gồm nhân viên bán thời gian, nhân viên làm việc tự do và những kiểu nhân viên khác đã tăng từ 20,8% năm 1993 lên 35,1% năm 2012. Điều đó cho thấy thị trường lao động không chính thức Nhật Bản đã gia tăng đáng kể trong những thập kỷ vừa qua, cùng lúc đó có sự sụt giảm khá rõ về đội ngũ lao động chính thức. Trên thực tế, có thể thấy sự gia tăng đáng kể về số lượng lao động không chính thức, đặc biệt là sau năm 1999, năm Luật sửa đổi nơi làm việc tạm thời (Amendment to Temporary Work Agency Law)[4] được thông qua. Tỷ lệ lao động không chính thức tăng vọt sau năm 1999, ví dụ sau 10 năm, con số này đã chiếm 33,7% lực lượng lao động vào năm 2009.

Để hình dung rõ hơn về sự gia tăng số lao động không chính thức ở các lứa tuổi cụ thể qua các năm, chúng ta có thể dựa vào bảng 1. Phần đầu của bảng 1 cho thấy tỷ lệ lao động không chính thức so với tổng số lao động làm công ăn lương, trong độ tuổi 25-34 đã tăng từ 20,5% năm 2002 lên 27,3% năm 2015. Điều này chứng tỏ số lao động không chính thức độ tuổi này tiếp tục tăng lên vào những năm 2000. Đồng thời, phần sau của bảng 1 cho thấy rằng tỷ lệ lao động không chính thức trong độ tuổi 35-44 đã tăng từ 24,6% năm 2002 lên 29,6% năm 2015. Điều này biểu thị lao động không chính thức ở nhóm tuổi trung niên (35–44) càng ngày càng gặp khó khăn để có được việc làm chính thức.

Đại dịch Covid-19 càng khiến lao động không chính thức thêm khó khăn. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, tỷ lệ có việc làm trên tổng số người nộp đơn xin việc năm tài chính 2020 (từ ngày 01/4/2020 tới hết ngày 31/03/2021) có ​​sự sụt giảm lớn nhất trong 46 năm, với mức giảm 0,45 điểm xuống 1,10 do việc tạm dừng tuyển dụng nhân viên của các doanh nghiệp. Tỷ lệ không có việc làm do Bộ Nội vụ và Truyền thông công bố ở mức 2,9%, tăng 0,6% so với năm tài chính 2019, cũng là mức tăng đầu tiên kể từ năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Số lượng người thất nghiệp trong năm tài chính 2020 tăng 360.000 người lên 1,98 triệu người. Theo Tokyo Shoko Research- công ty báo cáo tín dụng hàng đầu của Nhật Bản, số vụ phá sản trong lĩnh vực nhà hàng chiếm khoảng 18% và trong lĩnh vực xây dựng - vốn phải đối mặt với sự trì hoãn và việc hủy bỏ nhiều dự án - chiếm khoảng 10% số vụ phá sản. Thu nhập của tầng lớp trung lưu truyền thống một năm giảm 15,8%, từ 8,05 triệu yên vào năm 2019 xuống 6,78 triệu yên vào năm 2020, và tầng lớp dưới (underclass) giảm 12% từ 4,46 triệu yên xuống 3,93 triệu yên. Tỷ lệ nghèo - chỉ số đề cập đến những người có thu nhập hộ gia đình thấp hơn một nửa mức trung bình của toàn bộ dân số - tầng lớp dưới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tăng từ 32,7% lên 38%[5].

2. Đánh giá hai chiều về lao động không chính thức

Theo bản điều tra “Khảo sát về đa dạng hóa việc làm” do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi thực hiện năm 2014, tỷ lệ người lao động không chính thức cho rằng họ hài lòng hoặc phần nào hài lòng với công việc là 42,6%. Ngoài ra, lao động không chính thức có ít cơ hội phát triển kỹ năng hơn lao động chính thức. Trong bản điều tra “Khảo sát toàn diện về điều kiện việc làm của Người Nhật Bản” năm 2009 do JILPT thực hiện, 54,9% lao động chính thức cho rằng công việc hiện tại của họ có nhiều cơ hội mở rộng phạm vi công việc, trong khi chỉ có 40,5% lao động không chính thức đưa ra câu trả lời tương tự.

Nhiều ý kiến cho rằng những người không tìm được việc làm chính thức không phải do nguyên nhân kinh tế mà từ các yếu tố tâm lý và thái độ đối với công việc, nhất là những người trẻ tuổi. Họ cho rằng những người trẻ tuổi không đủ năng động và không biết liên hệ với xã hội một cách hiệu quả. Những người trẻ tuổi không có công việc chính thức bị coi là không có tham vọng, chưa trưởng thành, ăn bám, không có đạo đức nghề nghiệp, trái ngược với thế hệ cha mẹ họ[6]. Hình ảnh gắn liền với thuật ngữ lao động không chính thức đại diện cho một lối sống mới và một cách làm việc mới bao gồm sự tự do và từ chối cuộc sống bận rộn tập trung vào công việc. Bằng cách này, người trẻ tuổi có thể đạt được ước mơ của mình trong khi họ đang làm một công việc tạm thời. Nhật Bản luôn được coi là một xã hội tập thể bởi vì cuộc sống chú trọng vào nhu cầu và mục tiêu của một nhóm người hơn là nhu cầu và mong muốn của mỗi cá nhân, họ ít coi trọng bản thân hơn và có các giá trị xã hội hướng tới những gì tốt nhất cho cộng đồng và xã hội. Lòng tận tụy với một công ty là ví dụ hoàn hảo về thái độ hướng tới lợi ích tập thể, người nhân viên phải thể hiện các phẩm chất phù hợp, siêng năng, trung thành, cống hiến, hy sinh bản thân, làm việc chăm chỉ cho công ty mà họ được tuyển dụng[7]. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, chủ nghĩa tập thể đã chuyển sang khuynh hướng cá nhân, họ chọn việc không bị ràng buộc vào các công ty, coi trọng tự do cá nhân hơn là lợi ích chung của xã hội và quốc gia[8]. Theo quan điểm này, lao động không chính thức là những người ích kỷ, không đóng góp cho đất nước do họ có mức lương thấp và làm giảm sút ngân sách an sinh xã hội - nguồn vốn để trang trải chi phí của nhà nước trong tương lai, nhằm bảo hộ cho công dân trong những lúc cần thiết. Ngoài ra, còn có một số ý kiến phê phán gay gắt: “Hơn nữa, mức thu nhập thấp của họ là trở ngại đối với họ trong việc hình thành các gia đình mới, kìm hãm sự gia tăng tiêu dùng đồng thời làm trầm trọng thêm vòng xoáy đi xuống của tỷ lệ sinh (và sự thâm hụt hệ thống an sinh xã hội)”[9].

Ngược lại với những ý kiến chỉ trích trên, nhiều người cho rằng lao động không chính thức là một sự lựa chọn bắt buộc chứ không phải người lao động muốn vậy. Bảng khảo sát số 2 thể hiện mức độ hài lòng về cuộc sống của lao động chính thức và không chính thức trong độ tuổi tiền trung niên và trung niên, cả nam và nữ. Ở phía bên trái, bảng thể hiện mức độ hài lòng của lao động chính thức, còn bên phải của lao động không chính thức. Trong một so sánh tổng thể giữa bên trái và bên phải, lao động không chính thức (cả nam và nữ) “không hài lòng” hoặc “hơi không hài lòng” với tình trạng của họ hơn so với lao động chính thức. Trong số những người cho biết là “không hài lòng” hoặc “hơi không hài lòng” ở lao động không chính thức nam giới, thì có 51,8% trong độ tuổi tiền trung niên (ở lao động chính thức là 32,8%); 56,3% trong độ tuổi trung niên (đối tác chính thức là 31,7%); ở lao động không chính thức là nữ giới chưa chồng thì có 41,4% trong độ tuổi tiền trung niên (con số tương ứng ở lao động chính thức là 22%) và 47,7% trong độ tuổi trung niên (ở lao động chính thức là 25,8%)[10]. Bằng cách dựa vào dữ liệu chính thức này, chúng ta thấy rằng phần lớn người lao động không chính thức ở mọi lứa tuổi và giới tính không hài lòng với cuộc sống của mình.

Ở bảng 2, chúng ta có thể nhận thấy đối tượng phụ nữ đã kết hôn không được lựa chọn để trả lời khảo sát. Nguyên nhân do phụ nữ đã kết hôn khi đi làm công việc tạm thời phần lớn đã xác định đó chỉ là nguồn thu nhập phụ, công việc chính của họ là nội trợ. Vì vậy họ sẽ ít khi có thái độ không hài lòng với công việc tạm thời.

Trong bộ phim “Lao động tự do Tokyo” (Tokyo Freeters) năm 2010, Hiroki Iwabuchi[11] giải thích rằng khi anh chuẩn bị tốt nghiệp, một công ty xuất bản muốn mời anh làm việc. Thật không may là anh vẫn chưa có bằng tốt nghiệp và không được nhận vào làm ở công ty đó. Sáu tháng sau, anh  lấy được bằng tốt nghiệp nhưng thời gian  tuyển dụng đã hết. Lúc đó, anh đang làm việc bán thời gian, nên sau khi bỏ lỡ cơ hội vào công ty xuất bản, anh tiếp tục làm một nhân viên bán thời gian. Đây là một ví dụ cho thấy việc không xin được việc làm chính thức sau khi ra trường có thể ảnh hưởng tới con đường kiếm sống về sau như thế nào. Trong trường hợp này, rõ ràng Hiroki muốn có công việc chính thức, sau khi có bằng tốt nghiệp, anh đã cố gắng thi lại nhưng thời gian tuyển dụng đã hết.

 

Bảng 2: Mức độ hài lòng về lối sống của lao động chính thức

và lao động không chính thức (đơn vị tính: %)

Lao động chính thức

Lao động không chính thức

Độ tuổi

Nam giới tiền trung niên

Nam giới trung niên

Nữ giới tiền trung niên

Nữ giới trung niên

Nam giới tiền trung niên

Nam giới trung niên

Nữ giới chưa kết hôn, tiền trung niên

Nữ giới chưa kết hôn, trung niên

Không trả lời

0,8

0,5

0,4

0,2

1,1

1,0

0,1

0,7

Hài lòng

13,5

15,0

19,9

17,6

5,9

6,8

8,1

6,5

Hơi hài lòng

52,9

52,8

57,7

56,4

41,2

35,9

50,4

45,1

Hơi không hài lòng

25,4

25,3

18,1

21,8

31,8

35,9

34,1

34,0

Không hài lòng

7,4

6,4

3,9

4,0

20,0

20,4

7,3

13,7

Nguồn: Bảng câu hỏi khảo sát về nghề nghiệp và phong cách làm việc, Viện Đào tạo và Chính sách Lao động Nhật Bản (Japan Institute for Labour Policy and Training – JILPT, 2017).


Tóm lại, một luồng dư luận xã hội cho rằng lao động không chính thức là những người lười biếng, không có tham vọng, không muốn kết hôn, không tôn trọng thế hệ cũ, không quan tâm đến công việc ổn định và giúp ích cho nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, từ các cuộc phỏng vấn và bảng khảo sát, có thể thấy họ không có chủ ý làm công việc không chính thức, cũng như không muốn có công việc và cuộc sống như vậy. Họ muốn có một công việc chính thức với mức lương ổn định để có thể thuê được nhà,  từ đó có thể tạo dựng một gia đình. Nếu không mong muốn công việc chính thức thì họ đã không bày tỏ sự không hài lòng của mình như bảng 1. Theo Makoto Yuasa, cho đến những năm 1990, xã hội Nhật Bản có ba “cái ô”. Chiếc đầu tiên là Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ ngành công nghiệp. Dưới chiếc ô chính này có các tập đoàn, mỗi tập đoàn đều có ô riêng. Bên dưới, các nhà thầu và những nhân viên trọn đời (tức là những người có công việc chính thức), che chở cho họ và gia đình họ. Tuy nhiên, khi ba chiếc ô đóng lại, vẫn có người bị loại ra khỏi hệ thống[12].

3. Kết luận

Qua những số liệu trên, chúng ta có thể hình dung phần nào về lực lượng lao động không chính thức của Nhật Bản, về hoàn cảnh ra đời, những thiệt thòi cũng như thách thức của họ, nhất là trong bối cảnh đại dịch gần đây. Vấn đề lao động không chính thức ở Nhật Bản luôn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu xã hội, nhất là khi số lượng của họ có chiều hướng gia tăng do đại dịch Covid-19, kéo theo những hệ lụy không dễ gì giải quyết một sớm một chiều. Để giải quyết những hệ lụy này, cần có sự phối hợp và đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng, cũng như sự  nghiên cứu kỹ lưỡng của chuyên gia nhiều lĩnh vực.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Cao Nhật Anh (2009), “Lao động không chính thức ở Nhật Bản”, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6(100)/2009, tr. 33-38.

2. Phan Cao Nhật Anh (2010), “Một số vấn đề về lao động và việc làm của Nhật Bản sau khủng hoảng tài chính 2008-2009”, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 10 (116)/2010, tr. 56-62.

3. Viviana Papasidero (2019), The Freeter Phenomenon in the Japanese Labour Market: A different perspective, Faculty: Faculty of Humanities; Specialisation: Politics, Society and Economy of Asia (MA) (60EC), Leiden University, Holland.

4. Daisuke Kobayashi (2011),「フリーター」のタイプと出身階層 ("Phân loại xuất thân và các dạng của furita", tuyển tập Lý luận và Phương pháp, số 2(26)/2011, Học hội Xã hội học Toán học Nhật Bản, tr. 287-302.

5. “Are Furita Becoming a Problem in Japan?”, https://guidable.co/work/freeters-are-furita-becoming-a-problem-in-japan/.

6. “The Challenges Facing Japan’s Underclass”, https://www.nippon.com/en/in-depth/d00691/.

7. “The Freelance Revolution Comes To Japan”, https://www.forbes.com/sites/jonyou nger/2019/03/09/the-freelance-revolution-comes-to-japan-an-update/?sh=4e4b49d11f7d.

8. “Japan’s growing ‘underclass’ creaks under weight of pandemic”,  https://www. japantimes.co.jp/news/2021/09/30/national/pandemic-wealth-gap/.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Hệ số Gini thường được sử dụng để biểu thị mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các tầng lớp cư dân. Số 0 tượng trưng cho sự bình đẳng thu nhập tuyệt đối (mọi người đều có cùng một mức thu nhập), số 1 tượng trưng cho sự bất bình đẳng thu nhập tuyệt đối (một người có toàn bộ thu nhập, trong khi tất cả mọi người khác không có thu nhập).

[3] Nguồn: Điều tra “Khảo sát về đa dạng hóa việc làm” năm 2004, do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi thực hiện.

[4] Luật sửa đổi nơi làm việc tạm thời được ban hành năm 1999, thiết lập hệ thống danh sách công việc bị cấm, và cho phép tất cả các ngành nghề có thể tuyển lao động tạm thời, ngoại trừ những công việc trong danh sách công việc bị cấm.

[5]Nguồn: Japan’s growing ‘underclass’ creaks under weight of pandemic,  https://www.japantimes.co.jp/news/ 2021/09/30/national/pandemic-wealth-gap/.

[6] Adachi, T. (2006), The career consciousness among youth and career development support: A study focusing on university students , Japan Labour Review, No. 3 (2),  p.28-42, Japan.

[7] Dasgupta, R. (2000), “Performing Masculinities? The “Salary man” at Work  and Play”, Japanese Studies, No. 20(2), p.189-200, Japan.

[8] Oyama, N. (1990), Some Recent trends  in Japan values: beyond the individual – collective dimension, International Sociology, No. 5(4), p. 445-459, Japan.

[9] Hook, G., & Hiroko, T. (2007),  “Seft- Responsbility” and the Nature of  Postwar Japanese State :Risk through the Looking Glass, Journal of Japanese Studies, No. 33(1), p.93-123, Japan, tr. 117-118.

[10] Bảng câu hỏi khảo sát về nghề nghiệp và phong cách làm việc, Viện Đào tạo và Chính sách Lao động Nhật Bản (Japan Institute for Labour Policy and Training – JILPT, 2017).

[11] Hiroki Iwabuchi cũng là đạo diễn một bộ phim tự truyện “Người làm part-time cố định trong cảnh khốn khổ” (A permanent part-timer in distress) năm 2009. Trong phim, anh là một người làm việc bán thời gian cố định vào các ngày trong tuần làm việc tại một nhà máy với mức lương 1.250 yên một giờ và vào cuối tuần làm công việc tạm thời bình thường ở Tokyo. Anh tham gia các cuộc biểu tình được tổ chức để giành quyền cho những người lao động không chính thức. Đây là bộ phim tài liệu trong năm anh làm công việc tạm thời từ tháng 4 năm 2006 đến tháng 3 năm 2007. Bộ phim ghi lại những ngày anh suy nghĩ về việc liệu có bất kỳ giá trị nào trong cuộc sống của “những người làm công việc bán thời gian cố định” được dán nhãn là kẻ thất bại và nô lệ hay không, và tự hỏi điều này sẽ kéo dài bao lâu.

[12] Theo bộ phim tài liệu “Tokyo freeters” (2010) do Marc Petitjean đạo diễn và Delphine Morel TS Productions sản xuất.

0thảo luận