Trang chủ

Tứ giác kim cương và tác động của nó đến an ninh châu Á

Đăng ngày: 12-07-2024, 07:57 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Số 11

Nguyễn Ngọc Nghiệp1

Tóm tắt: “Tứ giác kim cương” hay còn gọi là “Bộ tứ” được hình thành từ ý tưởng về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vào năm 2007. Bộ tứ bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ hợp tác với nhau trên các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống nhằm mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực. Các hoạt động của Bộ tứ như tập trận chung, hợp tác an ninh giữa các thành viên, đảm bảo tự do hàng hải hay bàn thảo về cơ chế hợp tác ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, hợp tác sản xuất, phân phối vắc xin, cứu trợ thảm họa, chống khủng bố… đã có tác động ở một mức độ nhất định đến an ninh châu Á. Trong phạm vi bài viết này tác giả đề cập đến sự hình thành, mục tiêu, các hoạt động của Bộ tứ trên các lĩnh vực và đánh giá tác động của Bộ tứ đến an ninh khu vực châu Á.

Từ khóa: Tứ giác kim cương, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, an ninh

 


1. Sự ra đời của Tứ giác kim cương[1]

“Tứ giác kim cương”, “Bộ tứ”, QUAD hay còn được gọi là Quadrilateral Security Dialogue (QSD - đối thoại an ninh 4 bên) bao gồm  Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ[2] do cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo khởi xướng được chính thức hình thành vào năm 2007 gọi là QUAD 1.0. Tháng 5 năm 2007, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ tổ chức cuộc đối thoại an ninh đầu tiên bên lề diễn đàn khu vực ASEAN tại Manila[3]. Tháng 9 cùng năm, Bộ tứ và Singapore thực hiện tập trận chung ở vịnh Bengal. Tuy nhiên, sau đó dưới áp lực của Trung Quốc, Australia tuyên bố rút khỏi Bộ tứ ngay sau khi ông Kevin Rudd[4] lên làm thủ tướng vào tháng 12 năm 2007 do lo ngại nếu ở trong Bộ tứ sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương giữa Australia với Trung Quốc[5]. Trong khi đó, tình hình chính trị Nhật Bản[6] cũng có những thay đổi dẫn đến sự tan rã của QUAD 1.0. Vào thời điểm này QUAD chỉ là một đối thoại chiến lược chứ không phải là một liên minh thực sự. Sự hình thành QUAD do yêu cầu thực tế về sự cần thiết của việc hợp tác để giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới.

Để đối phó với sự đảo ngược trong cán cân quyền lực giữa Nhật Bản và Trung Quốc, ngay sau khi trở lại vị trí thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ 2 vào năm 2012, ông Abe đã đề xuất việc xây dựng “viên kim cương an ninh dân chủ” bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ. Khi đề xuất này được đưa ra, lúc đầu một số nước trong nhóm vẫn giữ thái độ thận trọng do lo ngại Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó, do tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc với cách hành xử bất chấp luật pháp đã làm cho cả đối thủ và những nước láng giềng của nước này lo ngại rằng họ sẽ phải đối mặt với một trật tự khu vực mới được định hình bởi sức mạnh của Trung Quốc. Nhật Bản ngày càng quan ngại về chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Ấn Độ thì lo lắng về tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Biển Đông. Trước kia Ấn Độ giữ thái độ khá thận trọng khi tiếp cận QUAD vì lo ngại phản ứng từ Trung Quốc nhưng nay do xung đột biên giới với Trung Quốc, thêm vào đó là sự hậu thuẫn của Trung Quốc đối với Pakistan - một đối thủ truyền kiếp của Ấn Độ đã làm cho Ấn Độ thay đổi thái độ khi tiếp cận QUAD. Trong thời kỳ này, mối quan hệ Trung Quốc - Australia cũng không còn được nồng ấm như trước, thậm chí chuyển sang băng giá chưa từng thấy. Về phía Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để điều chỉnh chính sách của mình. Chính quyền Donald Trump coi QUAD như chìa khóa để xoay trục hướng đến đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là đối trọng với các hành động quyết đoán từ Trung Quốc. Có thể nói rằng, những tham vọng của Trung Quốc cùng với cách hành xử của nước này đã làm cho các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Australia thấy lo ngại và thay đổi thái độ, các nước không còn giữ thái độ thận trọng như trước. Đây là cơ sở cho sự hồi sinh của Bộ tứ hay còn gọi là QUAD 2.0 vào năm 2017[7].

Như vậy, chính những biến động của tình hình khu vực dưới tác động của Trung Quốc trỗi dậy trong giai đoạn này là nguyên nhân chính dẫn đến sự hồi sinh của Bộ tứ kim cương phiên bản 2.0. QUAD 2.0 không giống như NATO vì không có hiệp ước phòng thủ chung. Các thành viên của QUAD đều nhất trí cùng nhau làm sâu sắc hơn các mối quan hệ về kinh tế, ngoại giao, quân sự giữa 4 bên trong nhóm.

2. Mục tiêu của Tứ giác kim cương

Mục tiêu chính có tính bao trùm và xuyên suốt từ khi thành lập đến nay của nhóm Bộ tứ là vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và hòa hợp, các thành viên đặt quyết tâm duy trì trật tự an ninh dựa trên luật pháp quốc tế tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là nền tảng cho việc hợp tác của QUAD. Bên cạnh đó các thành viên trong nhóm QUAD còn hướng tới việc hợp tác để giải quyết các vấn đề của toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, công nghệ, tài chính và phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Mục tiêu này được nhắc lại một cách chi tiết hơn trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến của các lãnh đạo QUAD ngày 12/3/2021. Cụ thể các mục tiêu của QUAD hướng tới được thể hiện trong tuyên bố 5 điểm như sau:

Thứ nhất, QUAD đã thỏa thuận và tái khẳng định cam kết hợp tác 4 bên giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ trong một tầm nhìn chung vì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hòa nhập, lành mạnh, được duy trì bởi các nền dân chủ và không bị hạn chế bởi sự ép buộc. Bốn nước cũng cam kết tăng cường hợp tác để đối phó với những thách thức của thời đại.

Thứ hai, QUAD đã thống nhất thúc đẩy một trật tự tự do, dựa trên quy tắc, luật lệ quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không dựa trên luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ để đảm bảo an ninh và thịnh vượng, đồng thời chống lại các mối đe dọa ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, nhóm QUAD còn khẳng định cam kết của mình đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc giải quyết ngay lập tức vấn đề những người Nhật Bản bị bắt cóc. Với tư cách là những người ủng hộ lâu dài của Myanmar và người dân nước này, nhóm Bộ tứ nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải khôi phục nền dân chủ và ưu tiên việc tăng cường khả năng phục hồi dân chủ.

Thứ ba, QUAD cam kết ứng phó với các tác động kinh tế và sức khỏe của con người (COVID-19), chống lại biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức chung, bao gồm cả trong không gian mạng, công nghệ quan trọng, chống khủng bố, đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng, cũng như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Thứ tư, hợp lực để mở rộng sản xuất vắc xin an toàn, giá cả phải chăng, hiệu quả và tiếp cận công bằng để tăng tốc độ phục hồi kinh tế và mang lại lợi ích cho sức khỏe toàn cầu. Các lãnh đạo của thành viên Bộ tứ cho rằng không ai có thể được an toàn chừng nào đại dịch vẫn tiếp tục lan rộng. Do đó, QUAD cùng nhau hợp tác để tăng cường khả năng tiếp cận vắc xin công bằng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đa phương bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới và COVAX. Bên cạnh đó, QUAD cũng kêu gọi cải cách minh bạch Tổ chức Y tế Thế giới. Để thúc đẩy những mục tiêu này, QUAD thành lập một nhóm chuyên gia về vắc xin để thực hiện cam kết mang tính đột phá về phân phối vắc xin an toàn và hiệu quả, đồng thời cũng sẽ thành lập một nhóm chuyên gia về công nghệ mới nổi để tạo điều kiện hợp tác về các tiêu chuẩn quốc tế và công nghệ đổi mới trong tương lai, thành lập một nhóm làm việc về khí hậu để tăng cường các hành động chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Nhóm QUAD thống nhất quan điểm rằng chống biến đổi khí hậu là một ưu tiên toàn cầu và sẽ nỗ lực để tăng cường các hành động chống biến đổi khí hậu của tất cả các quốc gia.

Thứ năm, QUAD cam kết tận dụng mối quan hệ đối tác của mình để giúp khu vực năng động nhất trên thế giới ứng phó với cuộc khủng hoảng lịch sử, để khu vực này có thể trở thành Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, dễ tiếp cận, đa dạng và phát triển mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm[8].

Các mục tiêu của QUAD tiếp tục được tái khẳng định và mở rộng trong hai lần các lãnh đạo của nhóm này tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp tại Washington ngày 24/9/2021 và Tokyo ngày 24/5/2022. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của các lãnh đạo QUAD ở Washington ngày 24/9/2021, vấn đề ưu tiên cho sản xuất vắc xin COVID-19 được đưa lên hàng đầu bên cạnh các thảo luận về hợp tác phát triển công nghệ mạng 5G, an ninh mạng và các cuộc tập trận chung trên biển của nhóm Bộ tứ. Cũng tại hội nghị này các thành viên của nhóm Bộ tứ tái cam kết thúc đẩy một trật tự tự do, rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế nhằm tăng cường an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh tại Washington, các lãnh đạo của Bộ tứ khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”[9]. Tiếp theo là cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp lần thứ hai diễn ra tại Tokyo ngày 24/5/2022. Tại hội nghị này các lãnh đạo nhóm QUAD đã thống nhất quan điểm phản đối sự thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, đặc biệt là vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Trong tuyên bố chung sau hội nghị, các lãnh đạo QUAD ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc tự do, thượng tôn pháp luật, giá trị dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết những mâu thuẫn một cách hòa bình và phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào làm thay đổi nguyên trạng. Tuy không chỉ trích trực tiếp Trung Quốc nhưng những gì mà các lãnh đạo của QUAD đưa ra đang ám chỉ những hành động của Trung Quốc trong khu vực. Như vậy, những vấn đề mà hội nghị thượng đỉnh của nhóm QUAD họp tại Tokyo tập trung xoay quanh vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và những vấn đề mà thế giới và khu vực đang phải đối mặt như xung đột Nga - Ucraina, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Có thể thấy việc các thành viên của QUAD ủng hộ một tinh thần thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, nhấn mạnh việc tuân thủ UNCLOS 1982, đề cao các giá trị dân chủ và sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trái ngược với những hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của bất cứ quốc gia nào ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Mặc dù trong các tuyên bố chính thức nhóm Bộ tứ đề cập đến nhiều vấn đề từ an ninh truyền thống đến phi truyền thống nhưng mục tiêu chính bao trùm và xuyên suốt từ khi QUAD tái hợp đó là hướng đến việc làm sao để các tuyến đường biển chiến lược và quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được tự do, rộng mở và không chịu ảnh hưởng bởi bất cứ cản trở nào. Như vậy, ẩn đằng sau những tuyên bố về mục tiêu của QUAD là việc hướng đến kiềm chế các hoạt động làm gia tăng căng thẳng ở khu vực của Trung Quốc trên biển. Tuy không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc trong mục tiêu, song những tuyên bố của QUAD về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở giống như một cách gián tiếp cảnh báo và răn đe Trung Quốc về những hoạt động không tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế của nước này trong khu vực. Giới phân tích chính trị thế giới cho rằng QUAD tuy không phải là một liên minh quân sự chính thức nhưng được xem là đã tạo ra một sự đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

3. Hoạt động của Tứ giác kim cương

Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, nhóm Bộ tứ đã tiến hành các hoạt động trên nhiều phương diện, trong đó bao gồm cả phương diện an ninh truyền thống và phi truyền thống. QUAD đã thành lập các nhóm làm việc về vắc xin COVID-19, chống biến đổi khí hậu, đổi mới công nghệ và khả năng nhanh chóng hồi phục chuỗi cung ứng.

Về phương diện an ninh truyền thống

Đó là các cuộc tập trận chung song phương và đa phương diễn ra trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm hướng tới mục tiêu một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Từ khi tái thành lập năm 2017 đến nay, nhóm QUAD đã nhiều lần tập trận song phương và đa phương trên khu vực này. Cụ thể, năm 2019 Australia tập trận song phương với Ấn Độ, Mỹ tập trận song phương với Nhật Bản gần đảo Okinawa. Tháng 9/2019 Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ tập trận chung tại vùng biển ngoài khơi thành phố Sasebo của Nhật Bản. Trong các ngày từ 28-31/3/2021 các nước trong nhóm Bộ tứ đã có những cuộc tập trận song phương giữa các thành viên, đó là các cuộc tập trận Nhật Bản - Australia ở Biển Đông, Nhật - Mỹ ở biển Hoa Đông, Ấn - Mỹ ở vịnh Bengal. Nửa đầu tháng 7 năm 2022, Mỹ và Nhật Bản nhiều lần tập trận chung trên Biển Nhật Bản và Thái Bình Dương để thực hiện chiến thuật phối hợp nhằm đáp trả các cuộc tấn công giả định. Mới đây, Nhật Bản và Ấn Độ đã tiến hành tập trận chung ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Ấn Độ trong thời gian 1 tuần bắt đầu từ 11/9/2022 để tăng cường sự hợp tác giữa hai nước và đóng góp cho mục tiêu hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trước đó Nhật Bản và Mỹ cũng đã tiến hành tập trận chung ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Aomori.

Bên cạnh các cuộc tập trận song phương, nhóm Bộ tứ còn tiến hành các cuộc tập trận đa phương. Ngày 21/7/2020 cả 4 nước thành viên của nhóm Tứ giác kim cương tham gia diễn tập đa phương, cùng nhau phô diễn sức mạnh gần khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc đưa những yêu sách phi lý về chủ quyền nhằm gửi tới Trung Quốc một thông điệp cứng rắn về việc không khoan nhượng với những đòi hỏi phi lý về chủ quyền của nước này. Tháng 11/2020 bốn nước trong nhóm Bộ tứ đã tập trận chung thường niên Malabar[10]. Tiếp đó, ngày 5/4/2021 nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ tập trận chung với Pháp kéo dài 3 ngày tại vịnh Bengal. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên của nhóm QUAD sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lần đầu tiên vào tháng 3 năm 2021 và cuộc tập trận này diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định QUAD có vai trò quan trọng trong việc “chống lại ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc trong khu vực”.

Ngày 26/8/2021 hải quân các nước QUAD tập trận chung Malabar 2021 kéo dài 4 ngày ngoài khơi đảo GUAM ở Tây Thái Bình Dương với mục đích tăng cường khả năng tương tác giữa các nước tham gia để đối phó với mối đe dọa do hải quân Trung Quốc đặt ra. Ngày 12/10/2021, Bộ tứ lại tiến hành tập trận hải quân chung Malabar để hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Không chỉ tập trận chung trong cùng nhóm, các thành viên của QUAD còn tập trận đa phương với các nước ngoài nhóm tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chẳng hạn như cuộc tập trận chung giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines trên Biển Đông vào tháng 5/2019.

Thông qua các cuộc tập trận song phương và đa phương, QUAD muốn gửi thông điệp có tính răn đe đến Trung Quốc về việc không khoan nhượng với những tham vọng hàng hải và những hành động đòi hỏi chủ quyền phi lý không dựa trên luật pháp quốc tế của nước này trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính những hành động quyết liệt của Trung Quốc nhằm đạt được những tham vọng hàng hải và mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này trong khu vực là một trong những nguyên nhân quan trọng để Bộ tứ tăng cường hợp tác quân sự và gia tăng tần suất các cuộc tập trận chung trên biển. Các cuộc tập trận chung như vậy cũng là một cách để ngặn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, để việc răn đe và ngăn chặn Trung Quốc có hiệu quả thì Bộ tứ cần phải làm quyết liệt hơn, cụ thể hơn chứ không chỉ là các cuộc tập trận và những phát biểu chung chung không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc. Khi Bộ tứ chưa đề cập một cách trực tiếp đến Trung Quốc thì có thể do: (i) các quốc gia chưa đồng thuận trong việc chỉ trích Trung Quốc, điều đó chỉ ra rằng nội bộ của nhóm Bộ tứ chưa hoàn toàn thống nhất lợi ích; (ii) các hoạt động của QUAD mới chỉ dừng lại ở mức cảnh báo và răn đe chứ chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột trực tiếp với Trung Quốc.

Bên cạnh các cuộc tập trận chung, các thành viên của QUAD còn có những hoạt động để thắt chặt mối quan hệ song phương trong nhóm bằng các cuộc gặp gỡ, trao đổi hoặc các hợp đồng mua bán vũ khí để hiện đại hóa lực lượng quân sự của các thành viên nhóm. Chẳng hạn như việc Mỹ phê duyệt hợp đồng bán vũ khí cho Nhật Bản trị giá 23 tỷ USD vào tháng 7 năm 2020 để Tokyo hiện đại hóa lực lượng quốc phòng nhằm đối phó với những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Cũng trong thời gian này đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Australia và Ấn Độ. Cả hai thủ tướng Australia và Ấn Độ đều đưa ra cảnh báo về mối đe dọa từ các hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Bên cạnh hội nghị này, Nhật Bản và Ấn Độ cũng tiến hành hội đàm và thủ tướng hai nước đã đề cập đến nhu cầu cần thiết về hợp tác quốc phòng, an ninh giữa các nền dân chủ. Tháng 1 năm 2022, Nhật Bản và Australia đã ký thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, tăng cường quan hệ an ninh và đặt khuôn khổ để lực lượng quốc phòng hai nước phối hợp với nhau, thể hiện cam kết của hai nước về việc cùng nhau giải quyết những thách thức an ninh chung và đóng góp vào việc xây dựng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn và rộng mở. Thông qua những hoạt động này các thành viên QUAD tăng cường sự gắn kết song phương và đa phương cũng như tăng cường sức mạnh quốc phòng.

Về phương diện an ninh phi truyền thống

Các hoạt động của QUAD trên phương diện an ninh phi truyền thống trước hết thể hiện ở việc hợp tác trong lĩnh vực sản xuất vắc xin COVID-19. Hiện nay, các nước trong nhóm Bộ tứ đang tiến hành hợp tác sản xuất vắc xin COVID-19 của Johnson and Johnson tại cơ sở Biological E của Ấn Độ nhằm cung cấp nhiều hơn nữa vắc xin ra thị trường, tạo điều kiện cho các nước trong khu vực và trên thế giới có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vắc xin cần thiết. Theo kế hoạch Ấn Độ sẽ sản xuất vắc xin của Johnson and Johnson, Mỹ và Nhật Bản cùng chịu trách nhiệm về tài chính và Australia, Nhật Bản đảm nhận khâu vận chuyển. Ngoài ra cả ba nước trong nhóm QUAD cam kết tài trợ cho Ấn Độ 200 triệu USD để nước này sản xuất vắc xin theo dự kiến mà nhóm QUAD định cung cấp đến cuối năm 2022 (1 tỷ liều) cho thế giới, trong đó bao gồm các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh việc hợp tác sản xuất, cho đến nay, các nước thành viên QUAD cũng đã viện trợ vắc xin COVID-19 cho các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối phó với diễn biến khó lường của dịch bệnh thời gian qua. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng QUAD là một cơ chế mạnh mẽ để cung cấp vắc xin trên toàn thế giới. Dưới sự dẫn dắt của Mỹ, Bộ tứ cũng đã phát huy được vai trò trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu. Trong năm 2021, Bộ tứ đã ưu tiên cho việc đối phó với đại dịch COVID-19 bằng những khoản đóng góp cho sáng kiến tiếp cận toàn cầu vắc xin COVID-19 (COVAX). Theo tổ chức tư vấn chính sách của Mỹ, các nước cũng đã cung cấp hơn 670 triệu liều vắc xin trên khắp thế giới, trong đó có 256 triệu liều dành cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bên cạnh việc hợp tác sản xuất vắc xin COVID-19 thì nhóm Bộ tứ còn quan tâm và triển khai các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu. Mỹ đã ủy quyền cho Australia chủ trì Diễn đàn Năng lượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn ra ở Sydney vào tháng 7/2022. Chống biến đổi khí hậu là một trong những nội dung hợp tác quan trọng giữa Mỹ và Australia để thực hiện tuyên bố được đưa ra của nhóm Bộ tứ trong hội nghị trực tiếp tại Tokyo ngày 24/5/2022 về việc cam kết gia tăng hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong việc ứng phó với các hậu quả của biến đổi khí hậu. Việc hiện thực hóa cam kết của nhóm Bộ tứ về biến đổi khí hậu cũng giúp nhóm này gia tăng sức cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Trung Quốc đối với các quốc đảo Thái Bình Dương. Không chỉ Mỹ và Australia hợp tác trong việc chống biến đổi khí hậu, Nhật Bản và Ấn Độ cũng ký thỏa thuận đối tác năng lượng sạch để hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng. Đây cũng là nỗ lực của hai nước trong việc thực hiện cam kết của nhóm Bộ tứ đưa ra về hợp tác chống biến đổi khí hậu.

4. Tác động của Tứ giác kim cương đến an ninh châu Á

Một là, hậu thuẫn cho các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Có thể thấy rằng việc các thành viên của QUAD ủng hộ một tinh thần thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, nhấn mạnh việc tuân thủ UNCLOS 1982, đề cao các giá trị dân chủ và sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cùng với các cuộc tập trận song phương và đa phương trên biển, đã tạo cho các nước có tranh chấp với Trung Quốc về biên giới trên biển và trên bộ một sự hậu thuẫn về tinh thần cũng như sức mạnh quân sự, tạo động lực, tăng thêm quyết tâm cho các nước này trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như biên giới trên bộ. Chính những tuyên bố về mục tiêu cũng như những hành động cụ thể đã củng cố niềm tin của các nước trong khu vực vào quyết tâm ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc. Mặc dù QUAD không có hiệp ước phòng thủ chung, song các hoạt động của nhóm vẫn phát đi thông điệp về sự hợp đồng tác chiến giữa các thành viên, có tác dụng cảnh báo và răn đe với các hành động của Trung Quốc trong các tranh chấp biên giới trên bộ và chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với các thành viên QUAD là Nhật Bản và Ấn Độ.

Hai là, đảm bảo an ninh phi truyền thống.

Việc các nước thành viên của QUAD hợp tác sản xuất và cung cấp vắc xin COVID-19 cho thế giới nói chung và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng thế giới. Thực tế, cả 4 nước thành viên QUAD đã cung cấp vắc xin cho các nước trong khu vực, trong đó có Campuchia, Việt Nam… (Việt Nam nhận viện trợ vắc xin COVID-19 từ cả bốn nước trên). Với những gì đã làm và những gì đã cam kết sẽ làm, nhóm Bộ tứ đã, đang và sẽ góp phần vào việc đảm bảo an ninh phi truyền thống cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Bộ tứ đã thành công trong vai trò là bên cung cấp vật tư y tế, vắc xin, hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối phó với đại dịch COVID-19.

Việc hợp tác sản xuất vắc xin COVID-19 của nhóm QUAD bên cạnh mục đích mang lại nguồn vắc xin cần thiết cho khu vực và thế giới trước diễn biến khó lường của đại dịch còn hướng tới mục đích cạnh tranh ngoại giao vắc xin với Trung Quốc. Trung Quốc đang sử dụng chính sách viện trợ vắc xin cho các nước trong khu vực và trên thế giới để gia tăng sức mạnh mềm, nâng tầm ảnh hưởng của nước này trên trường quốc tế. Cạnh tranh ngoại giao vắc xin giữa nhóm Bộ tứ và Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho toàn cầu, tác động không nhỏ đến sức khỏe của người dân trong khu vực và thế giới. Chính nhờ sự cạnh tranh này mà nguồn vắc xin được tạo ra khá dồi dào, đủ lấp khoảng trống về thiếu hụt vắc xin trong khu vực.

Ba là, gây ra căng thẳng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Việc nhóm QUAD tiến hành các hội nghị thượng đỉnh bàn về an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hiện thực hóa những ý tưởng đó bằng các cuộc tập trận song phương và đa phương trên biển đã gây ra phản ứng từ phía Trung Quốc trên các phương diện ngoại giao và quân sự. Về ngoại giao, phía Trung Quốc lên tiếng phản đối và cho rằng nhóm Bộ tứ là cố gắng của Mỹ nhằm bao vây Trung Quốc thông qua các đồng minh. Các nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng nhóm QUAD đã phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực. Thậm chí, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành còn cho rằng việc thành lập QUAD cũng nguy hiểm như việc mở rộng NATO về phía Đông ở châu Âu. Ngoại trưởng Vương Nghị của nước này cho rằng nhóm QUAD là “NATO Ấn Độ - Thái Bình Dương” và cáo buộc nhóm này phát triển tâm lý chiến tranh lạnh và gây ra cạnh tranh địa chính trị”. Trung Quốc cũng cáo buộc các cuộc tập trên biển trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mang lại sự bất ổn cho khu vực. Các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc lên tiếng phản đối các cuộc tập trận chung của nhóm Bộ tứ. Thời báo Hoàn cầu xem cuộc tập trận chung Malabar giữa 4 thành viên Bộ tứ là mối nguy đối với sự ổn định khu vực và cho rằng cuộc tập trận này là một phần trong nỗ lực kìm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc[11]. Không chỉ phản ứng trên phương diện ngoại giao, Trung Quốc còn đáp trả các cuộc tập trận của nhóm QUAD bằng các cuộc tập trận trên biển của mình. Trong vòng 3 tháng (từ tháng 5/2021 đến tháng 8/2021) Trung Quốc đã tiến hành khoảng 120 cuộc tập trận trên tất cả các vùng biển xung quanh nước này. Tại Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành khoảng 26 cuộc tập trận, bao gồm cả cuộc tập trận cực lớn ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đầu tháng 8 khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa[12]. Việc Trung Quốc tăng cường các cuộc tập trận trên biển vừa là để nâng cao khả năng chiến đấu của hải quân nước này nhằm chuẩn bị cho những tình huống xấu xảy ra vừa là để đáp lại các cuộc tập trận rầm rộ của nhóm QUAD, chẳng hạn ngày 24/4/2021 Trung Quốc tiến hành 3 cuộc tập trận riêng biệt trên biển Đông phía Bắc Hoàng Hải và vịnh Bột Hải trên biển trước khi cuộc tập trận chung 4 bên của nhóm Bộ tứ diễn ra hay cuộc tập trận trên không Nga - Trung diễn ra ngay thời điểm nhóm Bộ tứ họp tại Tokyo ngày 24/5/2022. Gần đây, ngày 15/9/2022 Hải quân Nga và Trung Quốc tiến hành tuần tra chung ở Thái Bình Dương. Với việc lực lượng quân sự hai bên cùng hiện diện trong khu vực để đáp trả và thách thức lẫn nhau đã và đang gây căng thẳng trong khu vực, không loại trừ khả năng đụng độ quân sự. Trong tương lai, nếu Trung Quốc tiếp tục các hành động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế và đe dọa các nước khác, rất có thể nhóm Bộ tứ sẽ đáp trả vì các lãnh đạo QUAD đã từng tuyên bố phản đối mọi thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khi những tham vọng của Trung Quốc có vẻ không có điểm dừng với những hành động bất chấp luật pháp ở Biển Đông và Hoa Đông và nhóm Bộ tứ lại không thể dung thứ cho điều đó thì xung đột có thể bùng phát trong khu vực bất cứ lúc nào. Do vậy, có thể nói rằng một trong những tác động của nhóm QUAD là biến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành điểm nóng trên thế giới ở cả hiện tại và tương lai. Trong tương lai khu vực này sẽ trở thành điểm nóng chứ không phải châu Âu hay bất cứ nơi nào trên thế giới vì cạnh tranh Trung - Mỹ sẽ là mâu thuẫn chính của thế giới và cuộc cạnh tranh này diễn ra trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Như vậy, có thể thấy rằng nhóm Bộ tứ từ khi hình thành đến nay đã có nhiều hoạt động trên cả lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống. Những hoạt động này đã và đang có tác động đến an ninh khu vực châu Á. Với chủ trương ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, nhóm Bộ tứ đã hậu thuẫn tinh thần cho các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc, đồng thời cũng gây ra căng thẳng trong khu vực. Trong tình hình các cơ chế an ninh khu vực hiện có chưa cho thấy hiệu quả trong việc kiềm chế tham vọng của Trung Quốc thì Bộ tứ có thể là nhân tố quan trọng trong việc cân bằng sức mạnh khu vực, răn đe, kiềm chế các hành vi của Trung Quốc. Tuy nhiên, để có hiệu quả thì trong tương lai QUAD cần phải hành động mạnh mẽ và quyết đoán hơn nữa chứ không chỉ là việc đưa ra mục tiêu với những tuyên bố chung chung mà không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sheila A. Smith, “The Quad in the Indo-Pacific: What to Know”, https://www. cfr.org/ in-brief/quad-indo-pacific-what-know.

2. Tahir Qureshi, “What is QUAD, Its Objectives, And The China Factor”, https://www.india.com/explainer/quad-australia-india-japan-united-states-china-joe-biden-narendra-modi-explained-what-is-quad-its-objectives-and-the-china-factor-5407271/.

3. Amrita Jash, “The Quad Factor in the Indo-Pacific and the Role of India”, https://www.airuniversity.af.edu/JIPA/Display/Article/2528182/the-quad-factor-in-the-indo-pacific-and-the-role-of-india/.

4. U.S. Department of State, “Joint statement on QUAD Cooperation in the Indo-Pacific”, https://www.state.gov/joint-statement-on-quad-cooperation-in-the-indo-pacific/.

5. The White House, “Quad ‘Leaders Joint statement: “The spirit of  the Quad””, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/03/12/quad-leaders-joint-statement-the-spirit-of-the-quad/. 6. Huyền Chi, “Tứ giác kim cương” hay “NATO thu nhỏ vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/QUAD-Tu-giac-kim-cuong-hay-NATO-thu-nho-vung-An-Do-Duong-Thai-Binh-Duong-i599666/. 7. Phương Anh, “Lãnh đạo “Bộ tứ kim cương” cam kết gì ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?”, https://vtc.vn/lanh-dao-bo-tu-kim-cuong-cam-ket-gi-o-an-do-duong-thai-binh-duong-ar600 946.html 8. Hòa Đặng, “4 lãnh đạo Bộ tứ kim cương cam kết theo đuổi một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, https://plo.vn/4-lanh-dao-bo-tu-kim-cuong-cam-ket-theo-duoi-mot-add-tbd-tu-do-va-rong-mo-post649632.html.

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Đây là 4 quốc gia đã hợp tác với nhau trong việc cứu trợ các nước chịu tác động của thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004.

[3] Các nước QUAD đã tổ chức cuộc họp chính thức đầu tiên tại Manila vào năm 2007. Thủ tướng Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã gặp Phó Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Dick Cheney bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

[4] Ông Kevin Rudd là người luôn đề cao tầm quan trọng của quan hệ thương mại Trung Quốc - Australia.

[5] Năm 2007 được coi là năm quan hệ Trung Quốc - Australia hết sức nồng ấm khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Australia, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu khoáng sản.

[6] Chính trị trong nước Nhật Bản thời điểm này có sự thay đổi. Ông Abe Shinzo từ chức vì lý do sức khỏe, ông Fukuda Yasuo lên thay, khi đó QUAD không còn là mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản.

[7] QUAD tái hợp trong cuộc họp ở Manila bàn về các vấn đề lợi ích chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh chính quyền Donald Trump gia tăng đối đầu với Trung Quốc.

[8] The White House, Quad ‘Leaders Joint statement: “The spirit of  the Quad”, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/03/12/quad-leaders-joint-statement-the-spirit-of-the-quad/.

[9] Hòa Đặng, “4 lãnh đạo Bộ tứ kim cương cam kết theo đuổi một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, https://plo.vn/4-lanh-dao-bo-tu-kim-cuong-cam-ket-theo-duoi-mot-add-tbd-tu-do-va-rong-mo-post649632. html.

[10] Malabar là cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Ấn Độ từ năm 1992, Nhật Bản tham gia vào năm 2015 và Australia tham gia năm 2020.

[11] Trung Quốc từng phản đối Nhật Bản tham gia tập trận Malabar 2015 và cho rằng cuộc tập trận này gây căng thẳng trong khu vực.

[12] Bảo Duy, “Trung Quốc bắt đầu 3 cuộc tập trận trên Biển Đông trước tập trận lớn của Mỹ, Australia, Ấn và Nhật”, https://tuoitre.vn/trung-quoc-bat-dau-3-cuoc-tap-tran-tren-bien-dong-truoc-tap-tran-lon-cua-my-uc-an-va-nhat-20210824214916442.htm.

0thảo luận