Trang chủ

Thực trạng phát triển thương mại điện tử ở Hàn Quốc

Đăng ngày: 12-07-2024, 07:54 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Số 11

Nguyễn Ngọc Mai1

Tóm tắt: Bài viết nêu một số khái niệm cơ bản về thương mại điện tử của Hàn Quốc, Việt Nam và các tổ chức quốc tế, đồng thời chỉ ra sự khác biệt giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Tác giả đi sâu vào phân tích thực trạng phát triển thương mại điện tử của Hàn Quốc trên các khía cạnh như: quy mô thị trường mua sắm qua di động, quy mô và tốc độ tăng trưởng theo ngành của thị trường thương mại điện tử mô hình B2B, quy mô và tỷ lệ tăng trưởng của giao dịch mua sắm trực tuyến theo từng sản phẩm. Tiếp đến, người viết đưa ra một vài xu hướng phát triển của mô hình thương mại này trong tương lai.

Từ khóa: Hàn Quốc, thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến

  1. 1. Cơ sở lý luận về thương mại điện tử [1]

Thương mại điện tử hiện là vấn đề được cả thế giới quan tâm nhờ những đóng góp to lớn của nó vào việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt vào năm 2019, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19, thị trường thương mại điện tử thế giới là ngoại lệ duy nhất với tốc độ tăng trưởng hai con số theo từng quốc gia. Điều này là do người tiêu dùng trên khắp thế giới bị hạn chế ra ngoài nên đã chuyển sang mua sắm trực tuyến các nhu yếu phẩm khiến lượng đơn đặt hàng thương mại điện tử tăng nhanh. Chính vì thế, nhiều tổ chức quốc tế nghiên cứu và đưa ra các khái niệm khác nhau về mô hình này. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đưa ra định nghĩa cho rằng thương mại điện tử bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hóa đều thông qua mạng internet.

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 25%. Khái niệm thương mại điện tử đã được ra trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử của Việt Nam với nội dung như sau: hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Là một quốc gia có tốc độ internet nhanh nhất thế giới là 24.6 Mbps, Hàn Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới. Theo “Báo cáo nóng về Thương mại điện tử toàn cầu” được Hiệp hội xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc công bố ngày 9/2/2021, doanh thu thương mại điện tử của nước này đã đạt mức 144,1 tỷ USD, đứng thứ 5 trên thế giới và tăng 19,5% so với năm 2019. Hàn Quốc đề cập đến khái niệm cụ thể và chi tiết về chính phủ điện tử trong các đạo luật này. Điều 2 khoản 5 Luật cơ bản về thương mại điện tử và văn bản điện tử Hàn Quốc cũng đưa ra khái niệm về thương mại điện tử, theo đó thương mại điện tử đề cập đến một giao dịch trong đó tất cả hoặc một phần của hàng hóa hoặc dịch vụ được xử lý bằng phương thức điện tử chẳng hạn như các tài liệu điện tử.

Thương mại điện tử có những điểm khác với thương mại truyền thống ở bốn lĩnh vực: (i) về hình thức thực hiện, các giao dịch thương mại điện tử đòi hỏi các bên tham gia phải sử dụng các phương tiện điện tử có kết nối mạng viễn thông; (ii) về phạm vi hoạt động, hoạt động thương mại điện tử  không còn tồn tại khái niệm biên giới địa lý, văn hóa mà chỉ tồn tại duy nhất một thị trường là thị trường toàn cầu; (iii) về chủ thể tham gia, trong thương mại truyền thống, một giao dịch phải có ít nhất hai chủ thể tham gia bao gồm người mua - người bán, nhà đầu tư - người nhận đầu tư trong khi đó, thương mại điện tử phải có ít nhất ba chủ thể tham gia vào giao dịch. Ngoài các chủ thể tham gia vào giao dịch, trong thương mại điện tử phải có thêm một chủ thể thứ ba là các nhà cung cấp dịch vụ mạng và cơ quan chứng thực; (iv) thời gian thực hiện giao dịch thương mại điện tử không giới hạn, nhờ việc sử dụng các phương tiện điện tử với công nghệ hiện đại và công nghệ truyền dẫn không dây, người tham gia giao dịch tiến hành tự động hóa một số bước trong giao dịch thương mại điện tử (như mua hàng trực tuyến qua website) và loại bỏ sự chênh lệch về thời gian giữa các quốc gia.

  1. 2. Tình hình phát triển thương mại điện tử ở Hàn Quốc

Sự phát triển của thương mại điện tử ở Hàn Quốc kể từ những năm 2000 liên quan mật thiết đến sự gia tăng sử dụng internet. Tính đến năm 2015, số lượng người dùng internet ở Hàn Quốc là 41,94 triệu người. Đồng thời, từ năm 2015 trở đi, tỷ lệ người sử dụng internet tăng từ 88,5% vào năm 2016 lên đến con số hơn 91,9% vào năm 2020[2] cho thấy xu hưởng sử dụng mạng internet kể cả ở những người già của quốc gia này gia tăng. Tỷ lệ  sử dụng internet ở người trên 70 tuổi và 60 tuổi lần lượt là 40,3% và 91,5% vào năm 2020.

Cùng với sự phát triển của internet, số người sử dụng các sàn giao dịch điện tử để mua sắm các vật dụng thiết yếu và cá nhân ngày càng nhiều hơn. Trong số những người sử dụng internet trên 12 tuổi, tỷ lệ những người đã mua sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua internet trong năm 2015 là 53,6%, tăng 2,3% so với mức 51,3% của  năm 2014. Theo đó, số tiền họ chi trả cho mua sắm trực tuyến cũng ngày càng gia tăng. Điều này được thể hiện cụ thể như trong hình 1.

Hình 1: Lượng tiền giao dịch qua hình thức mua sắm trực tuyến

(2014 - Quý 1, 2 /2021)

Đơn vị: tỷ won

 

Nguồn: Số liệu của cổng thông tin thống kê quốc gia Hàn Quốc (KOSIS)


Hình 2: Quy thị trường mua sắm qua di động tại Hàn Quốc (2017-2021)

Đơn vị: triệu won

 

 

Nguồn: Cổng thông tin thống kê quốc gia Hàn Quốc về điều tra khuynh hướng mua sắm trực tuyến

Có thể thấy sự thay đổi trong doanh thu từ các cửa hàng thông thường với các cửa hàng chuyên bán hàng online. Nếu như vào năm 2015, doanh thu của các cửa hàng thông thường là 41.828,3 tỷ won, cao gần gấp 1,5 lần so với doanh thu của các cửa hàng chuyên bán hàng trực tuyến là 34.471,9 tỷ won thì đến tháng 12 năm 2017, doanh thu của hai cửa hàng này gần tương đương nhau lần lượt là 5.884,7 tỷ won và 5.080,3 tỷ won[3]. Điều này cho thấy được sự bùng nổ của thương mại điện tử. Đặc biệt trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng tiền giao dịch của các cửa hàng chuyên bán trực tuyến vào tháng 8 là 11.981,8 tỷ won, vượt qua cả doanh thu của các cửa hàng thông thường là 9914,9 tỷ won[4].

Thêm vào đó, sự phát triển của điện thoại thông minh cũng góp phần mở rộng quy mô thương mại điện tử tại Hàn Quốc. Điện thoại di động có thế mạnh là không bị gò bó về thời gian và không gian. Do đó, việc mua sắm trên thiết bị di động nổi lên như một kênh phân phối mới cho hình thức thương mại này và được dự đoán ​​sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Nếu tính cả hai hình thức B2B[5] và B2G[6], tổng quy mô thương mại điện tử của Hàn Quốc được ước tính là 1.204 nghìn tỷ won mỗi năm vào năm 2013[7]. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào cuối những năm 2000, thương mại điện tử Hàn Quốc vẫn tiếp tục phát triển ở mức 20%/năm[8]. Năm 2013 ghi nhận mức tăng trưởng 5% so với năm trước. Trong số đó, mô hình B2B chiếm khoảng 90% tổng số giao dịch thương mại điện tử còn các mô hình khác như B2G, B2C[9] và C2C[10] khác chỉ chiếm 10% còn lại. Các giao dịch B2C đang tăng với tốc độ ổn định 10% mỗi năm và tính đến năm 2013, thị trường mô hình này trị giá 24,3 nghìn tỷ won[11].

Có thể nói, khoảng 2/3 các giao dịch B2B được thực hiện trong ngành sản xuất và các ngành khác như bán buôn, bán lẻ và xây dựng. Trong số các giao dịch B2B, ngành sản xuất và bán buôn, bán lẻ lần lượt chiếm 70% và 15%, đồng thời, ngành sản xuất và bán buôn, bán lẻ chiếm gần 85% tổng quy mô thị trường B2B[12]. Sự tăng trưởng giao dịch B2B trong các ngành sản xuất và bán buôn và bán lẻ cũng cho thấy một xu hướng tương tự xu hướng của thị trường B2B nói chung. Theo đó, quy mô các ngành công nghiệp sản xuất và bán buôn, bán lẻ vẫn tăng kể từ năm 2010 nhưng tốc độ tăng trưởng ngày càng giảm.

Lượng tiền giao dịch mua sắm trên internet lên tới 53,8 nghìn tỷ won vào năm 2015 và  tăng 19% so với năm 2014. Khi xem xét  số lượng giao dịch theo nhóm sản phẩm, dịch vụ du lịch và đặt phòng có số lượng giao dịch cao nhất với 9,9 nghìn tỷ won, đồng thời, tỷ trọng của quần áo/thời trang, sản phẩm gia dụng/ô tô và thiết bị gia dụng/điện tử và thông tin cũng cao. Từ năm 2010 đến năm 2015, lượng tiền giao dịch của các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm và đồ uống, đồ gia dụng, ô tô, đồ dùng trẻ em và trẻ sơ sinh đã tăng lên đáng kể.

Bảng 1: Quy mô thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc

Đơn vị: tỷ won

Năm

Tổng quy mô thị trường thương mại điện tử

B2B

B2G

B2C

C2C

2010

824.392

747.090

52.772

16.005

8.524

(22,6%)

(26%)

(-11,2%)

(32,9%)

(6,4%)

2011

999.582

912,883

58.378

18.533

9.788

(21,3%)

(22,2%)

(10,6%)

(15,8%)

(14,8%)

2012

1.146.806

1.051.162

62.478

21.160

12.006

(14,7%)

(15,1%)

(7%)

(14,2%)

(22,7%)

2013

1.204.091

1.095.696

70.649

24.331

13,414

(5%)

(4,2%)

(13,1%)

(15%)

(11,7%)

Nguồn: Cổng thông tin thống kê quốc gia Hàn Quốc

Bảng 2: Quy mô và tốc độ tăng trưởng theo ngành của thị trường thương mại điện tử mô hình B2B tại Hàn Quốc

Đơn vị: tỷ won

Năm

Tổng quy mô thị trường B2B

Ngành sản xuất

Ngành bán buôn, bán lẻ

Ngành xây dựng

Các ngành khác

2010

747.090

508.520

126.543

61.711

50.316

(26%)

(84,8%)

(20,4%)

(8,3%)

(-67,7%)

2011

912.883

635.965

146.174

71.264

59.480

(22,2%)

(25,1%)

(15,5%)

(15,5%)

(18,2%)

2012

1.051.162

751.007

159.549

83.813

56.793

(15,1%)

(18,1%)

(9,2%)

(17,6%)

(-4,5%)

2013

1.095.696

787.003

164.496

74.706

69.491

(4,2%)

(4,8%)

(3,1%)

(-10,9%)

(22,4%)

Nguồn: Cục Thống kê Hàn Quốc, Cổng thông tin thống kê quốc gia

 

Với tốc độ phát triển của thương mại điện tử, tỷ trọng thương mại điện tử trên thị trường bán lẻ Hàn Quốc ngày càng tăng. Từ năm 2010 đến 2015, thị trường bán lẻ Hàn Quốc tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 3,79%, đạt 369,2 nghìn tỷ won vào năm 2015[13]. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của lĩnh vực trực tuyến bao gồm mua sắm tại nhà qua ti vi, mua sắm qua internet/di động và mua sắm qua danh mục trong cùng thời kỳ là 16,41%, cao hơn đáng kể so với lĩnh vực ngoại tuyến (4,63%). Kết quả là, tính đến năm 2015, thương mại điện tử ghi nhận doanh thu 53,8 nghìn tỷ won, tương đương 14,5% doanh thu bán lẻ[14] và duy trì tỷ trọng cao nhất trên thị trường theo loại hình kinh doanh.

 

Bảng 3: Quy mô và tỷ lệ tăng trưởng của giao dịch mua sắm trực tuyến theo sản phẩm

Đơn vị: tỷ won

Năm

Tổng số

Máy tính, thiết bị ngoại vi

SW

(kỹ thuật phần mềm)

Điện tử, gia dụng, thông tin

Sách

Dịch vụ đặt chỗ

Du lịch, nhạc khí, quay video

Sản phẩm dành cho trẻ em

Thực phẩm

2010

25.203

2.388

132

3.117

1.169

154

3.445

1.512

1.642

(22%)

(17%)

(2%)

(16%)

(14%)

(13%)

(29%)

(21%)

(21%)

2011

29.072

2.808

93

3.238

1.274

152

4.066

1.539

2.142

(15%)

(18%)

(-30%)

(4%)

(9%)

(-1%)

(18%)

(2%)

(31%)

2012

34.068

3,063

81

3,751

1,273

142

5.577

1,658

2.892

(17%)

(9%)

(-13%)

(16%)

(-0%)

(-7%)

(37%)

(8%)

(35%)

2013

38.494

3.074

82

4.078

1.196

152

6.447

2.017

3.246

(13%)

(0%)

(1%)

(9%)

(-6%)

(7%)

(16%)

(22%)

(12%)

2014

45.302

3.414

58

4.962

1.280

163

8.383

2.227

3.611

(18%)

(11%)

(-29%)

(22%)

(7%)

(14%)

(30%)

(10%)

(11%)

2015

53.888

3.543

57

5.880

1.151

169

9.982

2.711

4.857

(19%)

(4%)

(-2%)

(18%)

(-10%)

(4%)

(19%)

(22%)

(35%)

 

Hoa

Thể thao, giải trí

Đời sống, phụ tùng ô tô

Thời trang, quần áo

Mỹ phẩm

Văn phòng phẩm

Nông thủy sản

Các dịch vụ khác

Khác

2010

54

1.076

2.572

4.248

1.414

340

681

81

1.179

(-10%)

(28%)

(31%)

(21%)

(28%)

(14%)

(16%)

(17%)

(29%)

2011

49

1.215

3.044

4.869

1.605

357

821

135

1.663

(-9%)

(13%)

(18%)

(15%)

(14%)

(5%)

(21%)

(67%)

(41%)

2012

45

1.334

3.655

5.550

1.946

415

956

523

1.207

(-8%)

(10%)

(20%)

(14%)

(21%)

(16%)

(16%)

(287%)

(-27%)

2013

46

1.707

4.256

6.256

2.092

470

1.130

640

1.606

(2%)

(28%)

(16%)

(12%)

(8%)

(13%)

(18%)

(22%)

(33%)

2014

44

1.899

5.175

7.346

2.669

471

1.171

960

1.469

(-5%)

(11%)

(22%)

(17%)

(28%)

(0%)

(4%)

(50%)

(-9%)

2015

32

2.089

6.672

8.467

3.520

459

1.434

1.157

1.708

(-27%)

(10%)

(29%)

(15%)

(32%)

(-3%)

(22%)

(20%)

(16%)

Nguồn: Số liệu của Cổng thông tin thống kê quốc gia Hàn Quốc về điều tra khuynh hướng mua sắm trực tuyến.


  1. 3. Triển vọng phát triển trong tương lai

Mọi loại hình giao dịch buôn bán đều chịu ảnh hưởng bởi những biến đổi kinh tế, xã hội của một quốc gia và thương mại điện tử cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Theo các kết quả thống kê của Chính phủ Hàn Quốc, trong vòng 30 năm từ năm 1985 đến năm 2015, số hộ gia đình một thành viên đã tăng gần 8 lần và con số này vẫn không ngừng tăng. Nếu năm 1985, chỉ có 661 nghìn hộ gia đình một thành viên thì đến năm 2015 con số này đã là 5,06 triệu hộ. Ngoài ra, theo tài liệu về an sinh xã hội năm 2019 do Bộ Y tế và Phúc lợi công bố thì số hộ gia đình một thành viên trong năm 2019 đạt 5,99 triệu hộ, chiếm 29,8% tổng thể, tỷ lệ cao nhất trong tổng số hộ gia đình[15]. Như vậy, sự gia tăng số lượng hộ gia đình một thành viên tại Hàn Quốc diễn ra tương đối nhanh chóng và làm biến đổi hệ giá trị truyền thống của nước này. Các hộ gia đình cá nhân này thường thích tiêu thụ các sản phẩm đặc biệt như chăn điện một người dùng, quạt tỏa nhiệt mini, nồi cơm điện một khẩu phần, tủ lạnh có thể tích dưới 100 lít hay suất cơm và sản phẩm thực phẩm đóng trong khẩu phần nhỏ, phù hợp cho một người ăn. Điều này đã khiến số lượng cửa hàng bách hóa bán online tại Hàn Quốc gia tăng đột biến để đáp ứng nhu cầu của nhóm người này. Nước này cũng dẫn đầu các quốc gia về số lượng người mua hàng tạp hóa online vào năm 2017 với tỷ lệ 17,9%[16] (hình 3).

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khoảng 76,3% người từ 40 tuổi trở lên tại Hàn Quốc có nhu cầu tìm kiếm các thông tin về sức khỏe vì thế, tỷ lệ người đặt các sản phẩm bồi bổ sức khỏe như thực phẩm chức năng, nhân sâm qua các kênh mua sắm trực tuyến gia tăng lên 17,1% và đạt con số 41,9% vào năm 2020. Bên cạnh đó, các sản phẩm thiết yếu cho đời sống như thức ăn, nguyên phụ liệu cũng tăng 16,7% và đạt mức 51,7%, các sản phẩm dùng cho nhà bếp/đời sống chỉ tăng 2,1% và dừng ở con số 43,8%[17] trong cùng năm.

Ngoài ra, mua sắm bằng giọng nói đang là một trong những xu hướng thương mại điện tử cần chú ý trong năm 2021. Mặc dù đã xuất hiện từ năm 2018 nhưng trong năm 2021 hình thức mua sắm này trở nên phổ biến hơn. Thực tế cho thấy con người đang ngày càng bị phụ thuộc vào các thiết bị trợ lý giọng nói như Google Assistant, Alexa, Amazon Echo để làm mọi thứ như tìm kiếm sản phẩm, thông tin trực tuyến, gửi tin nhắn... Thương mại điện tử Hàn Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Để phát triển việc mua sắm bằng giọng nói, các công ty thiết bị gia dụng, công ty viễn thông và các công ty internet Hàn Quốc tăng cường ra mắt nền tảng AI bằng giọng nói.

Hình 3: Tỷ lệ người mua sắm hàng tạp hóa online tại một số các quốc gia vào năm 2017

Thực trạng phát triển thương mại điện tử ở Hàn Quốc

Nguồn: Kantal Worldpannel

Công ty Samsung Electronics đã tung ra S Voice, một dịch vụ trợ lý AI nhận dạng giọng nói vào tháng 5 năm 2012, và phát triển S Voice tiếp thành Bixby phát hành cùng với Galaxy S8 vào tháng 3 năm 2017. Samsung Electronics được cho là đã phát triển Bixby thông qua hợp tác sau khi mua lại Viv Labs, một công ty AI do các nhà phát triển của Siri thành lập, với giá 215 triệu USD vào tháng 10/2016. Hiện tại, Bixby được cài đặt trong điện thoại thông minh, máy tính bảng và đồng hồ thông minh của Samsung Electronics và Samsung Electronics thông báo có kế hoạch cài đặt Bixby trong các thiết bị thông minh và thiết bị gia dụng thông minh của mình vào năm 2020. Bixby hỗ trợ giao diện tương tác và hỗ trợ giọng nói, camera chụp ảnh. Vào tháng 4 năm 2018, Samsung Electronics đã ra mắt dịch vụ đặt cà phê bằng lệnh thoại Bixby với sự hợp tác của Starbucks.

Tháng 7 năm 2012, công ty điện tử LG đã giới thiệu Q Voice, một dịch vụ trợ lý AI nhận dạng giọng nói được cài đặt trong điện thoại thông minh. Hiện ứng dụng này đang được cài đặt trong các thiết bị như điện thoại thông minh và ti vi thông minh của LG Electronics với thương hiệu AI của riêng mình, ThinQ. LG Electronics đang thực hiện chiến lược sử dụng Q Voice và ThinQ trong các thiết bị của mình cùng với các nền tảng AI bằng giọng nói khác như Google Assistant và Amazon Alexa để chúng có thể được sử dụng bổ sung cho nhau.

Công ty viễn thông SK Telecom cũng đã ra mắt loa thông minh NUGU vào tháng 9 năm 2016. Loa này hoạt động dựa trên dữ liệu lớn và chuyên sâu và hỗ trợ nghe nhạc bằng cách liên kết với Flo, dịch vụ âm nhạc thế hệ tiếp theo của SK Telecom cùng với dịch vụ phát nhạc trực tuyến Melon SK Telecom năm 2018.

Thêm vào đó, Công ty KT đã ký một thỏa thuận kinh doanh với Lotte.com vào ngày 27/6/2020 để cung cấp dịch vụ mua sắm trí tuệ nhân tạo và quyết định triển khai dịch vụ tìm kiếm, đặt hàng và thanh toán sản phẩm thông qua giọng nói trong năm 2021. Trong khi dịch vụ mua sắm loa AI hiện có chỉ giới hạn trong việc mua lại các sản phẩm được chỉ định trước hoặc mua các sản phẩm phổ biến được đề xuất, dịch vụ sử dụng AI TV “Giga Genie” của KT có thể cung cấp cho khách hàng những sản phẩm họ muốn. Đồng thời, công ty Lotte Super cùng với KT GiGA Genie đã ra mắt “Dịch vụ mua sắm bằng trí tuệ nhân tạo” cho phép đặt hàng và giao hơn 6.000 sản phẩm được bán tại Lotte Super bằng giọng nói. Bên cạnh đó, trang mua sắm trực tuyến CJO Shopping cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng đặt mua các sản phẩm họ đang xem trên các kênh mua sắm tại nhà theo thời gian thực thông qua loa thông minh NUGU và thanh toán bằng 11Pay.

Naver đã tiết lộ một nền tảng AI bằng giọng nói có tên là Clova vào tháng 5 năm 2017. Clova được cài đặt trên loa thông minh của Naver, Wave and Friends và có các chức năng như tìm kiếm và dịch tiếng nước ngoài kết hợp với dịch vụ internet của Naver, hỗ trợ phát nhạc kết hợp với Genie Music và Bugs, cho phép sử dụng nhiều dịch vụ âm nhạc. Đồng thời, khi bạn nói điều gì đó như: "Này Clova, đặt nước đóng chai" bằng giọng nói, giá cả và địa chỉ giao hàng sẽ được thông báo. Sau đó, đơn hàng sẽ được thanh toán bằng Naver Pay với xác nhận bằng giọng nói rằng "Hãy thanh toán". Ứng dụng này cho phép bạn đặt các nhu yếu phẩm hàng ngày như nước đóng chai, mì ramen, cơm ăn liền, nước giặt, khăn giấy ướt, giấy vệ sinh và thực phẩm như pizza và gà.

Bên cạnh đó, cửa hàng bách hóa Hyundai đã giới thiệu dịch vụ hướng dẫn mua sắm bằng giọng nói trên loa Naver AI từ ngày 22/10/2018. Theo đó, khách hàng sử dụng Clova có thể nhận được thông tin mua sắm trực tuyến như thông tin bán hàng kênh trực tuyến và ngoại tuyến như vị trí cửa hàng Hyundai Department Store, ngày đóng cửa, khuyến mại sản phẩm, tìm kiếm giá thấp nhất và các sự kiện giảm giá bằng giọng nói. Dịch vụ gợi ý mua sắm bằng giọng nói  được giới thiệu tại 15 cửa hàng bách hóa Hyundai trên toàn quốc và trung tâm mua sắm trực tuyến The Hyundai.com. Các cửa hàng bách hóa Hyundai cũng cung cấp dịch vụ tư vấn mua quà qua giới tính và độ tuổi của khách hàng. Các cửa hàng bách hóa Hyundai có kế hoạch thương mại hóa dịch vụ thương mại bằng giọng nói giúp hoàn thành việc đặt hàng, thanh toán và giao sản phẩm từ trung tâm mua sắm trực tuyến The Hyundai.com thông qua lệnh thoại sớm nhất là vào nửa đầu năm 2019.

Tháng 7 năm 2017, công ty Kakao đã ra mắt Kakao i, một nền tảng AI bằng giọng nói. Kakao i đang được cài đặt trong Kakao Mini, loa thông minh của Kakao và nó cũng đang được áp dụng cho Kakao Navi, một ứng dụng điều hướng xe hơi và hệ thống thông tin giải trí của Hyundai Motor's Genesis G70. Kakao i có đặc điểm là được liên kết với các dịch vụ liên kết với Kakao như tìm kiếm thông tin người dùng dựa trên cơ sở dữ liệu Daum, truyền tin nhắn KakaoTalk và nghe nhạc qua Melon. Công ty này đã thêm chức năng “Đặt hàng” vào Kakao Mini để chọn menu để đặt hàng bằng lệnh thoại và cung cấp dịch vụ nơi các đơn đặt hàng và thanh toán chi tiết được thực hiện thông qua KakaoTalk.

Tóm lại, khi đánh giá xu hướng phát triển của thương mại điện tử của Hàn Quốc, có thể nhận thấy ba nội dung nổi bật là sự tăng trưởng mạnh mẽ của việc bán hàng tạp hóa online, sự gia tăng mua sắm các sản phẩm bồi bổ sức khỏe do yếu tố dịch bệnh cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp nước này phát triển sâu rộng hơn nữa mô hình mua sắm bằng giọng nói.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Văn Sơn (2017), Ứng dụng thương mại điện tử B2B tại các doanh nghiệp Việt Nam, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Hà Nội.
  2. Phí Mạnh Cường, “Pháp luật giao dịch điện tử của Hàn Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, tháng 6/2020.
  3. Bộ Công Thương (2020), Kỷ yếu hội thảo khoa học Quốc gia phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong kỷ nguyên mới, Nxb Bộ Công Thương, Hà Nội.
  4. Australia Goverment (2017), E–commerce in Korea, A guide for Australian business, Australia.
  5. Mikko Hannien (6/2020), South Korea: A frontrunner in e-commerce, Aalto University, Japan.
  6. 박지원“우리나라의 국경간 전자상거래 현황과 시사점”, 산업경제 분석 12/2019 (Park Ji Won, “Tình hình thương mại điện tử với các quốc gia của Hàn Quốc và một số vấn đề nổi bật”, Báo phân tích kinh tế và công nghiệp 12/2019).
  7. 과학기술정보통신부, 지능정보사회진 흥원 (2020), 인터넷이용실태조사 요약보고 서, 과학기술정보통신부, 한국 (Bộ Khoa học, Kỹ thuật và Thông tin Hàn Quốc, Viện chấn hưng xã hội, công nghệ trí tuệ (2020), Báo cáo tóm tắt tình trạng sử dụng internet tại Hàn Quốc năm 2020, Nxb Bộ Khoa học, Kỹ thuật và Thông tin Hàn Quốc, Hàn Quốc).
  8. 삼정 KPMG 경제연구원 (T4/2020) 음성AI 시장의 동향과 비지니스 기회, 삼정 KPMG 경제연구원한, 국 (Viện nghiên cứu kinh tế Samjeong KPMG (T4/2020), Khuynh hướng phát triển của thị trường nền tảng AI bằng giọng nói và cơ hội kinh doanh, Nxb Viện nghiên cứu kinh tế Samjeong KPMG, Hàn Quốc).



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Theo chỉ số quốc gia điện tử về tỷ lệ người sử dụng internet, https://www.index.go.kr/potal/main/EachDtlPage Detail.do?idx_cd=1346.

[3] Theo số liệu của Cổng thông tin thống kê quốc gia Hàn Quốc về lượng tiền giao dịch mua bán online.

[4] Theo số liệu của Cổng thông tin thống kê quốc gia Hàn Quốc về lượng tiền giao dịch mua bán online.

[5] Mô hình B2B (Business-to-Business) là mô hình thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ tiến hành trao đổi hàng hóa, dịch vụ và thông tin với nhau thông qua fax và mạng internet.

[6] Mô hình B2G (Business-to-Government) là mô hình thương mại điện tử giữa chính phủ và doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong mô hình này có thể đăng ký kinh doanh, đóng thuế, khai báo hải quan và xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ thông qua các dịch vụ công trực tuyến của chính phủ (G2B).

[7] 기획재정부& 한국개발연구원 (KDI) (2016), 2016 경제발전경험모듈화사업: 전자상거래 활성화를 위한 정부정책, 기획재정부& 한국개발연구원, 한국 (Bộ Tài chính Kế hoạch và Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) (2016), Dự án mô hình hóa kinh nghiệm phát triển kinh tế 2016: Chính sách chính phủ để thúc đẩy thương mại điện tử, Nxb Bộ Tài chính Kế hoạch và Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc, Hàn Quốc), tr. 25.

[8]기획재정부& 한국개발연구원 (KDI) (2016), 2016 경제발전경험모듈화사업: 전자상거래 활성화를 위한 정부정책, 기획재정부& 한국개발연구원, 한국, Tlđd,  tr. 25.

[9] Mô hình B2C (Business-to-Consumer) là mô hình thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, còn được gọi bằng cái tên khác là mô hình bán hàng trực tuyến (e-tailing).

[10] Mô hình C2C (Consumer-to-Consumer) là  mô hình thương mại điện tử cho phép người tiêu dùng có thể trao đổi mua bán trực tiếp với nhau.

[11] 기획재정부& 한국개발연구원 (KDI), Tlđd, tr. 26.

[12]기획재정부& 한국개발연구원 (KDI), Tlđd, tr. 26.

[13] 기획재정부& 한국개발연구원 (KDI), Tlđd, tr. 29.

[14] 기획재정부& 한국개발연구원 (KDI), Tlđd, tr. 29.

[15] Phan Thị Oanh “Xu hướng hộ gia đình một thành viên ở Hàn Quốc và một số tác động”, trang web Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc – Triều Tiên, ngày 30/6/2020, http://cks.inas.gov.vn/index.php?newsid=661

[16] Phan Thị Oanh “Xu hướng hộ gia đình một thành viên ở Hàn Quốc và một số tác động”, trang web Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc – Triều Tiên, ngày 30/6/2020, http://cks.inas.gov.vn/index.php?newsid=661.

[17] 과학기술정보통신부, 지능정보사회진흥원 (2020) 인터넷이용실태조사요약보고서, 과학기술정보통신부,  한국 (Bộ Khoa học, Kỹ thuật và Thông tin Hàn Quốc, Viện chấn hưng xã hội, công nghệ trí tuệ (2020) Báo cáo tóm tắt tình trạng sử dụng Internet tại Hàn Quốc năm 2020, Nxb Bộ Khoa học, Kỹ thuật và Thông tin Hàn Quốc, Hàn Quốc) tr. 6.

0thảo luận