Trang chủ

Pháp luật về từ thiện của Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam

Đăng ngày: 5-02-2024, 10:15 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 8

Trần Thị Hải Yến1


Tóm tắt: Trung Quốc là quốc gia đã có hệ thống pháp luật điều chỉnh các hoạt động từ thiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức từ thiện, các nhà tài trợ, tình nguyện viên, người thụ hưởng và những người tham gia hoạt động từ thiện, thúc đẩy tiến bộ xã hội và chia sẻ thành quả của sự phát triển. Bài viết đề cập đến các nguyên tắc, các nội dung cơ bản của pháp luật từ thiện Trung Quốc. Dựa trên kinh nghiệm của Trung Quốc, bài viết đề xuất một số gợi mở cho Việt Nam.

Từ khóa: Pháp luật, từ thiện, Trung Quốc

 

Từ thiện là một bộ phận hợp thành của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc của Trung Quốc, cần xác lập vị thế riêng và phát huy chức năng sáng tạo trong quá trình hiện đại hóa đất nước và thịnh[1]vượng chung[2].  “Ngành công nghiệp từ thiện” đã thu hút được rất đông đảo người tham gia, đặc biệt là những doanh nhân giàu có, những người có tầm ảnh hưởng lớn ủng hộ. Trước năm 2016, Trung Quốc chưa có luật nào quy định cụ thể, toàn diện điều chỉnh các hoạt động từ thiện. Luật Từ thiện năm 2016 đã tạo ra hành lang pháp lý cho sự phát triển chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững của hoạt động từ thiện.

1. Quan niệm pháp luật về từ thiện của Trung Quốc

Từ thiện theo nghĩa hẹp là từ thiện truyền thống, hay từ thiện quy mô nhỏ, chủ yếu đề cập đến việc xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người khó khăn, cứu trợ thiên tai[3]. Từ thiện theo nghĩa rộng là lòng yêu thương con người, đảm bảo, ủng hộ sự phát triển của con người, sự giải tỏa bất kỳ hình thức cần thiết, nghèo khó hoặc bất lực nào[4]. Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ hoạt động từ thiện của các thể nhân, pháp nhân và các tổ chức thực hiện các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa. Ngày 5 tháng 9 hàng năm là "Ngày từ thiện của Trung Quốc". Nhà nước Trung Quốc luôn quan tâm đặc biệt đến hoạt động từ thiện, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là một trong những người lãnh đạo coi trọng hoạt động từ thiện đối với sự phát triển hiện đại hóa nền kinh tế của Trung Quốc, cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy sự hài hòa xã hội[5]. Từ thiện cũng là một trong những chính sách nhằm thực hiện tư tưởng của Tập Cận Bình về việc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thiết lập một kỷ nguyên mới, thúc đẩy sử dụng lý luận đổi mới của Đảng.

Pháp luật về từ thiện là hệ thống các quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội về hoạt động từ thiện, bao gồm: thiết lập các chủ thể tham gia hoạt động từ thiện, quản lý hoạt động từ thiện, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia vào hoạt động từ thiện, khen thưởng, kỷ luật, kiểm soát vấn đề minh bạch, trách nhiệm giải trình, và các vấn đề khác trong hoạt động từ thiện, nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động từ thiện, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm hạnh phúc và sự phát triển bền vững của xã hội.

Mục đích của pháp luật về từ thiện là đề ra “kim chỉ nam” cho hoạt động từ thiện. Mục đích của pháp luật về từ thiện của Trung Quốc xuyên suốt tất cả quá trình ra quyết định, bảo đảm môi trường pháp lý hỗ trợ cho các tổ chức từ thiện thực hiện. Các khoản quyên góp từ thiện đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp hàng hóa công cộng, bảo vệ người nghèo và ổn định trật tự xã hội trong lịch sử loài người[6]. Điều 3 Luật Từ thiện Trung Quốc quy định về mục đích của hoạt động từ thiện là: (1) xóa đói giảm nghèo và cứu trợ; (2) giúp đỡ người già, trẻ mồ côi, ốm đau, tàn tật, chăm sóc đặc biệt; (3) cứu trợ thiệt hại do thiên tai, tai nạn, sự cố sức khỏe cộng đồng và các trường hợp khẩn cấp khác; (4) đẩy mạnh phát triển giáo dục, khoa học, văn hóa, y tế, thể dục thể thao và các chủ trương khác; (5) ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm và các mối nguy công cộng khác, đồng thời bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; (6) các hoạt động phúc lợi công cộng khác phù hợp với quy định của luật này. Thực hiện tốt pháp luật từ thiện góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tốt. Pháp luật từ thiện tạo điều kiện phát triển lòng yêu thương con người, quảng bá văn hóa từ thiện, điều phối hoạt động từ thiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia từ thiện, mong muốn đóng góp xã hội hài hòa, tạo ra hạnh phúc cho cá nhân và thực hiện nghĩa vụ của con người là giúp đỡ người khác[7], phát triển “quyền lực mềm” trong quan hệ ngoại giao của Trung Quốc.

Chủ thể hoạt động từ thiện có sự tham gia của khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Từ năm 1949 đến năm 1980, hầu hết các tổ chức từ thiện Trung Quốc thuộc các tổ chức nhà nước do chính phủ tài trợ, có rất ít hoặc không có các tổ chức tư nhân làm từ thiện. Tuy nhiên, từ năm 1980 đến nay, Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy hoạt động từ thiện tư nhân phát triển mạnh mẽ. Nỗ lực cứu trợ sau trận động đất năm 2008 ở Tứ Xuyên, được biết đến rộng rãi ở nước ngoài vì nó xảy ra ngay trước Thế vận hội Olympic Bắc Kinh, là một bước ngoặt cho hoạt động từ thiện. Số lượng tổ chức từ thiện tư nhân tăng lên đáng kể sau thảm họa. Chủ thể của hoạt động từ thiện đa dạng bao gồm các tổ chức nhà nước, quỹ công, các nhóm xã hội, tổ chức tư nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức khác.

Hình 1: Ưu tiên của các nhà từ thiện Trung Quốc năm 2016

 

Nguồn: “China Philanthropy Project, Harvard Ash Center for Democratic Governance and Innovation”, chrome-extension://efaidnbmnnnibpcajpcglclefindmkaj/https://core.ac.uk/download/pdf/86445488.pdf.


Ưu tiên của các nhà từ thiện quan tâm đến học vấn chiếm 48%, chiếm gần ½ trong các hoạt động từ thiện, tiếp đến là xóa đói giảm nghèo và phúc lợi xã hội chiếm 29%, văn hóa nghệ thuật chiếm 13%, sức khỏe chiếm 9%, cứu trợ thiên tai chiếm 1%, môi trường nhỏ hơn 1%. Hoạt động của các nhà từ thiện Trung Quốc tập trung cho các hoạt động từ thiện lâu dài và bền vững. Hoạt động từ thiện của Trung Quốc được xúc tiến trên nền tảng hiện đại của internet như 51Give.org, Sina Weibo và Wechat…

Hình thức thực hiện hoạt động từ thiện: (1) đặt hòm quyên góp ở nơi công cộng; (2) tổ chức các buổi biểu diễn từ thiện, cuộc thi từ thiện, bán hàng từ thiện, triển lãm từ thiện, đấu giá từ thiện, buổi tối từ thiện, cho công chúng; (3) công bố thông tin gây quỹ qua đài phát thanh, truyền hình, báo chí, internet và các phương tiện truyền thông khác; (4) các phương thức gây quỹ đại chúng khác. Hình thức thực hiện hoạt động từ thiện theo pháp luật Trung Quốc rất đa dạng, huy động sự tham gia của nhiều chủ thể cho hoạt động từ thiện.

2. Các nguyên tắc pháp luật từ thiện của Trung Quốc

Thứ nhất, nguyên tắc hợp pháp

Bảo đảm tính hợp pháp là một trong những yêu cầu quan trọng của việc thực hiện pháp luật về từ thiện của Trung Quốc. Khi thực hiện pháp luật về từ thiện cần bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp, Luật Từ thiện năm 2016, Luật quốc gia quy định về ủy thác phúc lợi công cộng, Luật về Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc. Trước đây, chỉ có các tổ chức gây quỹ công cộng và một số tổ chức xã hội đặc biệt, ví dụ như Hội chữ thập đỏ Trung Quốc và Liên đoàn Từ thiện Trung Quốc mới được phép thực hiện các hoạt động gây quỹ công cộng, phần lớn các tổ chức này có sự chăm lo của chính phủ, còn các loại hình gây quỹ từ thiện khác thì pháp luật không cho phép. Từ khi có Luật Từ thiện năm 2016, bên cạnh các tổ chức từ thiện công cộng còn có các tổ chức xã hội phi lợi nhuận tham gia vào hoạt động gây quỹ. Đây là bước tiến lớn của pháp luật Trung Quốc quy định tính hợp pháp của các tổ chức phi lợi nhuận, từ đó góp phần bổ sung giá trị hợp pháp trong việc nhận các lợi ích về thuế và việc đăng ký thông tin gây quỹ công cộng bằng phương pháp trực tiếp hoặc trực tuyến qua internet.

Thứ hai, nguyên tắc tự nguyện

Pháp luật về từ thiện cần bảo đảm tính tự nguyện của các chủ thể. Trong quá trình kêu gọi tiền từ thiện của các chủ thể tham gia, cần bảo đảm thực hiện theo nguyện vọng, sở trường của họ. Ngày nay, ở Trung Quốc có rất nhiều chủ thể tham gia vào hoạt động từ thiện, ngoài các tổ chức từ thiện công cộng, các tổ chức từ thiện xã hội còn có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Yêu cầu đặt ra là bảo đảm nguyên tắc tự nguyện trong suốt quá trình ra quyết định, thực hiện hoạt động từ thiện của các chủ thể.

Thứ ba, nguyên tắc liêm chính, không vụ lợi, không vi phạm đạo đức xã hội

Điều 9 Luật Từ thiện năm 2016 quy định “các tổ chức xã hội không được phép theo đuổi các hoạt động thương mại”. Điều 52 Luật từ thiện năm 2016 quy định “tài sản của các tổ chức từ thiện sẽ chỉ được sử dụng hoàn toàn cho các mục đích từ thiện theo điều lệ của họ và thỏa thuận quyên góp và không được phân phối giữa những người sáng lập, nhà tài trợ hoặc thành viên của các tổ chức từ thiện. Tài sản từ thiện không được chia cho tư nhân, biển thủ, giữ lại hoặc chiếm đoạt bởi bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào”. Khi thành lập các tổ chức từ thiện cần bảo đảm mục tiêu không vì lợi nhuận trong hoạt động từ thiện.

Các nguyên tắc pháp luật từ thiện bảo đảm hành vi của các chủ thể thực hiện từ thiện một cách có đạo đức bất kể loại hình quy mô và hình thức nào. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều cá nhân kêu gọi sự giúp đỡ từ công chúng trên các tài khoản mạng xã hội của chính họ, nhưng không phải tất cả những lời kêu gọi gây quỹ đều có thiện chí và việc lộ hàng loạt vụ lừa đảo càng làm dư luận nghi ngờ. Một số lời kêu gọi gây quỹ có chứa thông tin giả để được nhiều tiền hơn, đôi khi cá nhân thông tin của nhà tài trợ không được bảo vệ một cách hợp tác[8]. Do đó, trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện cần đảm bảo không có hành vi lừa đảo nhằm thể hiện các giá trị cốt lõi đạo đức chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư, nguyên tắc không được gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia, xâm hại đến lợi ích công cộng xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Pháp luật về từ thiện của Trung Quốc quy định không được gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia, không được xâm phạm đến lợi ích công cộng của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Luật từ thiện thể hiện sự quyết định hướng tới trách nhiệm giải trình của cộng đồng thông qua sự giám sát của nhà nước[9]. Điều 15 của Luật Từ thiện năm 2016 quy định: “không được thực hiện hoặc hỗ trợ các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và cộng đồng xã hội hoặc chấp nhận các khoản đóng góp có thêm các điều kiện vi phạm pháp luật, quy định và các vấn đề xã hội khác, và không được đính kèm điều kiện cho những người thụ hưởng vi phạm pháp luật, quy định và các vấn đề xã hội”. Nhà nước khuyến khích công chúng và giới truyền thông giám sát các hoạt động từ thiện, vạch trần các hoạt động bất hợp pháp của các tổ chức từ thiện, quỹ từ thiện lợi dụng danh nghĩa tổ chức từ thiện hoặc tổ chức từ thiện giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây tác động dư luận và giám sát xã hội.

3. Các nội dung cơ bản về pháp luật từ thiện của Trung Quốc

3.1. Điều kiện thành lập các tổ chức từ thiện

Trước đây, điều kiện thành lập các tổ chức từ thiện được quy định khá chặt chẽ thông qua các quy định của Luật Dân sự và các luật chuyên ngành. Luật Từ thiện năm 2016 đã nỗ lực để đơn giản hóa hệ thống đăng ký và giám sát cho các tổ chức từ thiện. Các tổ chức từ thiện được mở rộng bởi nhiều tổ chức như các tổ chức, nhóm xã hội, tổ chức dịch vụ xã hội và các hình thức tổ chức khác. Tính đến cuối năm 2019, Trung Quốc có 867.000 tổ chức xã hội, tăng 6,2% so với năm 2018. Từ ngày 1/9/2016 đến ngày 31/8/2019, có 5.511 tổ chức từ thiện đã được các cơ quan dân sự trên cả nước công nhận và đăng ký, trong đó có 1.260 tổ chức từ thiện đạt tiêu chuẩn gây quỹ công khai. Trên nền tảng nộp hồ sơ được chính phủ phê duyệt cho các kế hoạch gây quỹ, 12.641 dự án của 673 tổ chức từ thiện đã tiến hành các hồ sơ gây quỹ công khai và công bố thông tin; 273 quỹ từ thiện đã được đệ trình, với tỷ lệ tài sản ủy thác là 29,35%. Tổng cộng có 524 văn phòng đại diện của các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Trung Quốc, với 2.441 hoạt động tạm thời được ghi nhận. Tổ chức từ thiện phải đáp ứng các điều kiện sau: (1) với mục đích thực hiện các hoạt động từ thiện; (2) không vì lợi nhuận; (3) có tên và nơi ở riêng; (4) có các báo cáo liên kết; (5) tài sản cần thiết; (6) có tổ chức và người phụ trách đủ năng lực; (7) các điều kiện khác theo quy định của pháp luật và các quy định hành chính[10].

Hoạt động từ thiện nhấn mạnh việc không vì lợi nhuận, phạm vi kinh doanh tuân thủ theo các quy định của Luật Từ thiện. Số dư thu nhập của các tổ chức từ thiện phải được dùng theo mục đích từ thiện, tài sản và thu nhập của các tổ chức từ thiện không được chia cho các thành viên, các mạnh thường quân hoặc các nhà hảo tâm của tổ chức từ thiện.

Để thành lập một tổ chức từ thiện, đơn đăng ký phải được nộp cho bộ phận dân sự của chính quyền nhân dân cấp quận hoặc cao hơn và bộ phận dân sự sẽ ra quyết định trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đơn. Những người đáp ứng các yêu cầu của luật này sẽ được chấp thuận đăng ký và thông báo cho công chúng; những người không đáp ứng các yêu cầu của luật này sẽ không được đăng ký và lý do phải được giải thích bằng văn bản[11]. Nếu có những trường hợp đặc biệt cần gia hạn thời gian đăng ký hoặc nhận dạng, thì có thể được gia hạn một cách thích hợp khi được sự chấp thuận của bộ phận dân sự của Quốc vụ viện nhưng thời gian gia hạn không quá 60 ngày.

3.2. Nghĩa vụ của các tổ chức từ thiện

Một tổ chức từ thiện phải nộp báo cáo công tác hàng năm và báo cáo kế toán tài chính cho bộ phận dân sự nơi tổ chức đó đăng ký hàng năm. Báo cáo sẽ bao gồm việc gây quỹ hàng năm và nhận các khoản quyên góp, việc quản lý và sử dụng các tài sản từ thiện, việc thực hiện các dự án từ thiện, và tiền lương và lợi ích của nhân viên tổ chức từ thiện[12]. Theo quy định của pháp luật, các tổ chức từ thiện phải thực hiện báo cáo kế toán thống nhất lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là một trong những biện pháp kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả đối với các tổ chức từ thiện.

Luật quy định về chi tiêu hàng năm (trên 70% tổng thu nhập của năm trước) và chi phí quản lý (trên 10%) của các tổ chức xã hội. Tổ chức từ thiện làm lộ bí mật nhà nước, bí mật thương mại vi phạm quy định của luật này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Nếu một tổ chức từ thiện rơi vào bất kỳ trường hợp nào sau đây, bộ phận dân sự sẽ cảnh cáo và ra lệnh cho tổ chức đó sửa chữa trong một thời hạn: không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định của pháp luật; không nộp báo cáo công tác hàng năm, báo cáo kế toán tài chính hoặc lập kế hoạch gây quỹ theo quy định của pháp luật[13]. Nếu trong thời hạn tổ chức từ thiện không sửa chữa thì sẽ bị ra lệnh dừng các hoạt động trong một thời hạn và thực hiện các chỉnh sửa.

3.3. Quyền lợi của các tổ chức từ thiện

Khi tham gia hoạt động từ thiện, các chủ thể từ thiện được nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế nhằm giảm gánh nặng tài chính cho các tổ chức xã hội và các nhà tài trợ. Công ty, doanh nghiệp, thể nhân, hộ gia đình công thương nghiệp, cá nhân… được ưu đãi về các loại thuế như thuế doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Thông tư về chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với các hoạt động phúc lợi công cộng và quyên góp từ thiện.

Vai trò của hệ thống luật thuế từ thiện là khuyến khích mọi người trong xã hội tham gia vào các hoạt động từ thiện thông qua các chính sách ưu đãi, vận động các hoạt động từ thiện và giảm gánh nặng tài chính cho các tổ chức xã hội và các nhà tài trợ, do đó giúp họ tập trung vào mục tiêu phục vụ các quần thể mục tiêu của họ[14]. Các công ty và doanh nghiệp khác đã tài trợ tài sản cho các công trình phúc lợi công cộng có thể được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Các thể nhân cũng như các doanh nghiệp cá nhân đã hiến tặng tài sản cho các công trình phúc lợi công cộng có thể được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân. Các quy định cụ thể sẽ được trình bày trong các luật thuế hiện hành có liên quan[15]. Điều 9 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định rằng “các khoản chi dưới hình thức quyên góp từ thiện và quà tặng trong phạm vi 12% tổng lợi nhuận hàng năm của một doanh nghiệp có thể được khấu trừ khi tính toán thu nhập chịu thuế. Các khoản chi tiêu vượt quá 12% tổng lợi nhuận hàng năm của một doanh nghiệp có thể được khấu trừ trong vòng ba năm sau khi chuyển tiếp”. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan nhà nước ở cấp trung ương, đặc biệt là Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế của nhà nước thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về thuế và phúc lợi công cộng trong hoạt động từ thiện. Điều 6 Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định: “số tiền quyên góp không vượt quá 30% thu nhập chịu thuế do người nộp thuế kê khai có thể được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế của họ, với điều kiện thu nhập được quyên góp cho các hoạt động từ thiện như giáo dục, xóa đói giảm nghèo. Điều khoản do Hội đồng Nhà nước quy định có thể khấu trừ toàn bộ trước thuế để đóng góp từ thiện sẽ được ưu tiên áp dụng”.

Các quốc gia như Anh, Mỹ, New Zealand… đều có những quyền về thuế như miễn thuế và khấu trừ thuế là một hình thức trợ cấp được quản lý thông qua hệ thống thuế. Việc miễn thuế có tác dụng tương tự như một khoản trợ cấp tiền mặt cho tổ chức về số thuế mà tổ chức đó sẽ phải trả trên thu nhập của tổ chức đó.

4. Một số gợi mở cho Việt Nam

Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích và tạo điều kiện để pháp luật về từ thiện phát triển có trật tự, có định hướng đáp ứng yêu cầu quản trị nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, đã có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như FPT, Vinamilk, Honda… trong đó có một phần thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp qua hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vấn đề thành lập các tổ chức hoạt động từ thiện của Việt Nam còn vướng mắc về mặt pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia vào hoạt động từ thiện chưa được rõ ràng, đặc biệt là vấn đề công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình vẫn còn là khoảng trống pháp lý rất lớn cần được hoàn thiện trong thời gian gần nhất.

Các văn bản pháp luật hiện nay của Việt Nam điều chỉnh hoạt động từ thiện bao gồm Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Nghị định 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh… Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản pháp lý chuyên biệt nào điều chỉnh hoạt động này, các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động từ thiện nhân đạo còn rất mờ nhạt, chưa rõ ràng, chồng chéo[16]. Trong thời gian tới, Việt Nam cần nghiên cứu nghiêm túc các quy định của pháp luật của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Luật Từ thiện Trung Quốc để hoàn thiện pháp luật từ thiện của nước ta.

Thứ nhất, cần tích hợp hệ thống pháp luật từ thiện thành một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất. Gợi mở trong thời gian sớm nhất Việt Nam cần ban hành Luật Từ thiện để hoàn thiện những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra.

Thứ hai, cần nỗ lực tăng cường quảng bá rộng rãi các mô hình từ thiện hoạt động có hiệu quả để các cơ quan, tổ chức, cá nhân học hỏi để người dân nhận thấy rằng hoạt động từ thiện là vinh quang và cao quý. Từ đó, tạo ra văn hóa từ thiện đặc sắc, mang đậm tình yêu thương con người.

Thứ ba, cần thiết lập hệ thống khen thưởng hoạt động từ thiện cho các thể nhân, pháp nhân, cá nhân, tổ chức… khi tham gia vào hoạt động từ thiện của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Từ đó, tạo ra động lực tinh thần để các chủ thể tham gia nhiệt tình, có chất lượng hơn nữa trong hoạt động từ thiện.

Thứ tư, cần quy định mở rộng về điều kiện thành lập các tổ chức từ thiện, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia vào hoạt động từ thiện. Để từ đó, những chủ thể khi tham gia vào hoạt động từ thiện có sự yên tâm và gắn bó với hoạt động từ thiện.

Kết luận

Pháp luật về từ thiện nhân đạo Trung Quốc đã tạo ra hành lang pháp lý chuyên nghiệp, hiệu quả, khuyến khích hoạt động từ thiện phát triển. Việt Nam cần nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về từ thiện nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, có sự kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động từ thiện. Nhà nước ta xây dựng các quy định pháp luật nhằm khuyến khích hoạt động từ thiện phát triển không những mang ý nghĩa là hoạt động cứu trợ theo nghĩa hẹp mà còn mang ý nghĩa là hoạt động nhằm phát triển con người, vì sự phát triển lâu dài, bền vững của hoạt động từ thiện.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. “【实践新论】探索中国慈善事业的发展新路” (Khám phá con đường phát triển mới của hoạt động từ thiện ở Trung Quốc), https://theory.gmw.cn/2020-09/24/content_3420 8149.htm.
  2. “China Philanthropy Project, Harvard Ash Center for Democratic Governance and Innovation”, chrome-extension://efaidnbmnnni bpcajpcglclefindmkaj/https://core.ac.uk/download/ pdf/86445488.pdf.
  3. “Handbook of Charity Law of the People’s Republic of China, 2018”, https://www.undp.org/china/publications/handbook-charity-law-people%E2%80%99s-republic-china?utm_source=EN&utm_medium=GSR&utm_content=US_UNDP_PaidSearch_Brand_English&utm_campaign=CENTRAL&c_src=CENTRAL&c_src2=GSR&gclid=Cj0KCQjw54iXBhCXARIsADWpsG8fXc9JuYB68wOqm9VLTPQVmQRSzcf2hv67T9ShQJgJghnnX858uYsaAg8nEALw_wcB.
  4. “How and why could the Charity Law be amended?”, https://chinadevelopmentbrief.org/ reports/how-and-why-could-the-charity-law-be-amended/.
  5. “Quy định pháp luật về hoạt động từ thiện nhân đạo còn tản mạn, chồng chéo”, https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=66152.
  6. “杨团、朱健刚主编《慈善蓝皮书:中国慈善发展报告(2020)》社会科学文献出版社,2020”, Yang Tuan và Zhu Jiangang: “Sách xanh về từ thiện: Báo cáo phát triển từ thiện ở Trung Quốc (2020)”, Nxb Văn học Khoa học xã hội (2020), https://www.pishu.com. cn/skwx_ps/bookdetail?SiteID=14&ID=11978874.
  7. 胡锦涛:充分调动各方面积极性 发展中国慈善事业 (Hồ Cẩm Đào: Huy động sự nhiệt tình của tất cả các bên để phát triển hoạt động từ thiện của Trung Quốc), http://www.gongyishibao.com/zhuan/csdh/news/news1.html.
  8. “中华人民共和国慈善法” (Luật Từ thiện Trung Quốc), http://www.gov.cn/ zhengce/2016-03/19/content_5055467.htm.
  9. Megha Rajagopalan, “China set to introduce charity law though some unlikely to benefit”, Reuters, (March 10, 2016), https://www.reuters.com/article/us-china-parliament-charities-idUSKCN0WC0UB.
  10. Paula D. JohnsonTony Saich (2016), Values and Vision: Perspectives on Philanthropy in 21st-Century China, Ash Center for Democratic Governance and Innovation at Harvard Kennedy School, https://sinapse.gife. org.br/download/values-and-vision-perspectives -on-philanthropy-in-21st-century-china.
  11. Robbins, K. C. (2006), “The nonprofit sector in historical perspective: Traditions of philanthropy in the West”, In Powell, W. W., Steinberg, R. (Eds.), The nonprofit sector: A research handbook Yale University.
  12. Yang Tuanzhu, Charity Bluebook: Report on Charity Development of China (2014), Social Sciences Academic Press, May 2014.

 

 


[1] TS., Học viện Hành chính quốc gia – Bộ Nội vụ

[2] “【实践新论】探索中国慈善事业的发展新路” (Khám phá con đường phát triển mới của hoạt động từ thiện ở Trung Quốc), https://theory.gmw.cn/2020-09/24/content _3420814 9.htm.

[3] “Handbook of Charity Law of the People’s Republic of China, 2018”, https://www.undp.org/china/publications/ handbook-charity-law-people%E2%80%99s-republic-china?utm_source=EN&utm_medium=GSR&utm_content=US_UNDP_PaidSearch_Brand_English&utm_campaign=CENTRAL&c_src=CENTRAL&c_src2=GSR&gclid=Cj0KCQjw54iXBhCXARIsADWpsG8fXc9JuYB68wOqm9VLTPQVmQRSzcf2hv67T9ShQJgJghnnX858uYsaAg8nEALw_wcB.

[4] Commissioners for Special Purposes of the Income Tax v Pemsel [1891] AC 531 (HL) at 572.

[5] “胡锦涛:充分调动各方面积极性 发展中国慈善事业” (Hồ Cẩm Đào: Huy động sự nhiệt tình của tất cả các bên để phát triển hoạt động từ thiện của Trung Quốc), http://www.gongyishibao.com/zhuan/csdh/news/news1.html.

[6] Robbins, K. C. (2006), “The nonprofit sector in historical perspective: Traditions of philanthropy in the West”. In Powell, W. W., Steinberg, R. (Eds.), The nonprofit sector: A research handbook Yale University, pp. 13–31.

[7] Paula D. JohnsonTony Saich (2016), “Values and Vision: Perspectives on Philanthropy in 21st-Century China”, Ash Center for Democratic Governance and Innovation at Harvard Kennedy School, https://sinapse.gife.org.br/ download/values-and-vision-perspectives-on-philanthropy-in-21st-century-china.

[8] “How and why could the Charity Law be amended?”, https://chinadevelopmentbrief.org/reports/how-and-why-could-the-charity-law-be-amended/.

[9] Megha Rajagopalan, “China set to introduce charity law though some unlikely to benefit”, Reuters, (March 10, 2016), https://www.reuters.com/article/us-china-parlia ment - charities-idUSKCN0WC0UB.

[10] “第九条, 中华人民共和国慈善法”, (Điều 9, Luật Từ thiện Trung Quốc), http://www.gov.cn/zhengce/2016-03/19/content_5055467.htm.

[11] “第十条, 中华人民共和国慈善法” (Điều 10, Luật Từ thiện Trung Quốc), http://www.gov.cn/zhengce/2016-03/19/content_5055467.htm.

[12] “第十三条, 中华人民共和国慈善法” (Điều 13, Luật Từ thiện Trung Quốc), http://www.gov.cn/zhengce/2016-03/19/content_5055467.htm.

[13] “第九十九条, 中华人民共和国慈善法” (Điều 99, Luật Từ thiện Trung Quốc), http://www.gov.cn/zhengce/2016-03/19/content_5055467.htm.

[14] Yang Tuanzhu, Charity Bluebook: Report on Charity Development of China (2014), Social Sciences Academic Press, May 2014, pp. 35.

[15], “第二十四条, 第二十五条, 中华人民共和国公益事业捐赠法” (Điều 24 và 25, Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc về quyên góp phúc lợi công cộng), http://www.gov.cn/banshi/2005-05/25/content_903.htm.

[16] “Quy định pháp luật về hoạt động từ thiện nhân đạo còn tản mạn, chồng chéo”, https://quochoi.vn/User Controls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=66152.

 

0thảo luận