Trang chủ

Đối ngoại của Đài Loan những năm gần đây: Thực trạng và triển vọng

Đăng ngày: 15-01-2024, 10:10 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 8

Phan Thị Diễm Huyền1

 

Tóm tắt: Trong hai năm trở lại đây, Đài Loan gặp khó khăn và thách thức trước tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với những chính sách kịp thời, Đài Loan đã từng bước khẳng định được vị trí và tầm quan trọng của mình, nâng cao vị thế đối ngoại đối với các tổ chức, các quốc gia trên thế giới. Bài viết phân tích làm rõ thực trạng đối ngoại của Đài Loan từ năm 2020 đến nay, từ đó đưa ra dự báo triển vọng đối ngoại của vùng lãnh thổ này trong thời gian tới. Từ khóa: Đối ngoại, Đài Loan, Thái Anh Văn

 

Trong xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa ngày càng được mở rộng, hội nhập, hợp tác để phát triển đã trở thành khẩu hiệu chung của đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.[1]Đặc biệt trong bối cảnh khu vực và thế giới chứng kiến nhiều biến động như hiện nay, nhất là sau khi xuất hiện đại dịch toàn cầu mang tên COVID-19, nhu cầu gắn kết, phối hợp với nhau càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Không nằm ngoài quy luật vận động chung, Đài Loan – một thực thể nằm trong khu vực Đông Bắc Á rất coi trọng chính sách đối ngoại với các quốc gia trong và ngoài khu vực. Nhà lãnh đạo hiện nay của Đài Loan là bà Thái Anh Văn sau khi tái đắc cử vào tháng 5/2020 chủ trương tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại đề ra từ nhiệm kỳ đầu tiên, đồng thời đã có những sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Với những thay đổi đó, đối ngoại Đài Loan trong hai năm trở lại đây bên cạnh những trở ngại và thách thức cũng đã đạt được nhiều thành tựu nhất định và có sự khởi sắc hơn.

1. Thực trạng đối ngoại Đài Loan từ năm 2020 đến nay

1.1. Khái quát chính sách đối ngoại

Sau chiến thắng áp đảo trước ứng cử viên Hàn Quốc Du trong cuộc bầu cử năm 2020, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn một lần nữa đứng trước hơn 23 triệu người dân Đài Loan để đọc bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của mình. Trong bài phát biểu, bà Thái nhấn mạnh “Đài Loan sẽ tiếp tục phấn đấu tham gia vào các tổ chức quốc tế, tăng cường hợp tác cùng thịnh vượng với các nước có quan hệ ngoại giao và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với các nước có chung giá trị như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu; tham gia tích cực hơn vào các cơ chế hợp tác khu vực và làm việc với các nước liên quan trong khu vực để đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”[2]. Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng nhấn mạnh việc Đài Loan đã, đang và sẽ tích cực tham gia vào các cơ chế hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, tăng cường liên kết toàn cầu, tìm hiểu các cơ hội kinh doanh ở nước ngoài, hỗ trợ Đài Loan chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế. Chính quyền Thái Anh Văn tiếp tục thúc đẩy “Chính sách hướng Nam mới”, liên kết với “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, đồng thời nỗ lực ủng hộ các quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để Đài Loan gia nhập và tiếp tục theo Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư Đài Loan - Hoa Kỳ (TIFA); thúc đẩy làm sâu sắc hơn các hoạt động kinh tế và thương mại song phương[3]. Có thể thấy, Đài Loan dưới thời nhà lãnh đạo Thái Anh Văn luôn nhất quán nguyên tắc “ngoại giao kiên định” trong chính sách đối ngoại, tích cực đẩy mạnh công tác ngoại giao đồng thời tham gia vào các cơ chế hợp tác quốc tế, tăng cường kết nối toàn cầu và khu vực, đóng góp cho thế giới trên nhiều lĩnh vực, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh của Đài Loan trên trường quốc tế.

1.2. Kết quả đối ngoại Trong hai năm trở lại đây, với chính sách “ngoại giao kiên định”, đối ngoại của Đài Loan đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh nhiều khó khăn và thách thức do tác động từ đại dịch COVID-19, sự leo thang của đối đầu Mỹ - Trung, áp lực từ phía Trung Quốc trên trường quốc tế, thì vẫn xuất hiện “điểm sáng” trong đối ngoại với những đóng góp tích cực của hòn đảo này cho cộng đồng quốc tế, qua đó góp phần làm nổi bật hình ảnh Đài Loan. Những kết quả đối ngoại đó được thể hiện qua một số điểm chính sau: Một là, quan hệ hai bờ eo biển gia tăng căng thẳng. Kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức vào ngày 20 tháng 5 năm 2016 và sau đó tái đắc cử vào năm 2020, quan điểm không thay đổi của chính quyền Đài Loan là duy trì hiện trạng hai bờ eo biển, Đài Loan sẽ hoàn thành trách nhiệm bảo vệ an ninh khu vực bằng cách tiếp tục mở rộng thiện chí và duy trì quan hệ eo biển ổn định, nhất quán và có thể dự đoán được. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đặt ra các điều kiện tiền đề mang tính chính trị cho các hoạt động trao đổi giữa hai bờ eo biển, đơn phương đình chỉ các tương tác chính thức, liên tục chèn ép chính trị và quân sự đối với Đài Loan. Trung Quốc đã không ngừng tăng cường các hoạt động quân sự trong và xung quanh eo biển Đài Loan, rất nhiều lần điều chiến đấu cơ bay xung quanh Đài Loan, xâm phạm vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của hòn đảo này, đẩy quan hệ giữa hai bờ eo biển vào tình trạng căng thẳng. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Đài Loan, có khoảng 380 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan vào năm 2020 và hơn 600 cuộc xâm nhập như vậy đã diễn ra trong năm 2021. Đặc biệt, một cuộc “xâm nhập” với con số kỷ lục gần 150 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom hạt nhân, máy bay chống tàu ngầm, máy bay kiểm soát và cảnh bảo sớm trên không thuộc Lực lượng không quân PLA vào khu vực ADIZ của Đài Loan trong khoảng thời gian bốn ngày đầu tháng 10/2021 đã được Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan gọi là “nghiêm trọng nhất” trong hơn 40 năm qua. Đồng thời, ông cũng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể có năng lực quân sự để phong tỏa eo biển Đài Loan sớm nhất là vào năm 2025, đặt ra “thách thức nghiêm trọng” đối với hòn đảo này[4]. Những hoạt động này vẫn được Trung Quốc tiếp tục triển khai trong những tháng đầu năm 2022, khiến quan hệ giữa hai bờ eo biển chưa lúc nào “giảm nhiệt”. Không chỉ có vậy, Trung Quốc tiếp tục đe dọa Đài Loan bằng cả lời nói và hành động, liên tiếp quấy rối và đe dọa quân sự, đồng thời lợi dụng cái gọi là “nguyên tắc một Trung Quốc” để chèn ép không gian quốc tế của Đài Loan, gây trở ngại đến việc gia nhập các tổ chức quốc tế của hòn đảo này, làm ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh của Đài Loan với các nước có quan hệ ngoại giao. Thêm vào đó, Trung Quốc còn thông qua các chiến thuật như thông tin sai lệch, “chiến tranh lai” và “vùng xám”[5]… với ý đồ giáng đòn tác động vào lòng tin của người dân Đài Loan đối với chính quyền và chuẩn bị cho các cuộc tấn công quân sự[6]. Trước sức ép từ phía Bắc Kinh, chính quyền của bà Thái Anh Văn vẫn cho thấy Đài Bắc hy vọng cải thiện quan hệ với Trung Quốc và không muốn mối quan hệ hai bờ eo biển trở nên tồi tệ hơn. Thực tế đã chỉ ra rằng, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Trung Quốc và Đài Loan dưới thời Trần Thủy Biển với chính sách “Đài độc” cứng rắn đã rơi vào tình cảnh “ảm đạm”, kinh tế Đài Loan sa sút, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nếu bà Thái Anh Văn vẫn tiếp tục đi vào “vết xe đổ” đó của ông Trần Thủy Biển thì liệu một viễn cảnh như quá khứ sẽ lặp lại? Chắc chắn rằng, bà Thái Anh Văn cùng chính quyền của mình sẽ không đi lại con đường đối kháng trong quá khứ, sẽ không để quan hệ căng thẳng hai bờ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng đồng nghĩa với việc làm ảnh hưởng đến vị thế của Đảng Dân tiến trong lòng cử tri Đài Loan. Hai là, quan hệ Đài – Mỹ ngày càng bền chặt. Mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ luôn được các thế hệ lãnh đạo của Đài Loan quan tâm và phát triển. Ngay sau khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ vào tháng 01/2021, bà Thái Anh Văn đã viết trên Twitter lời chúc mừng và khẳng định bất kể ai được bầu làm tổng thống Mỹ thì quan hệ Đài – Mỹ chắc chắn sẽ được củng cố hơn nữa. Chỉ ba ngày sau khi Tổng thống Biden nhậm chức, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo rằng chính quyền Biden sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ Mỹ - Đài... Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ một giải pháp hòa bình các vấn đề xuyên eo biển, phù hợp với mong muốn và lợi ích tốt nhất của người dân Đài Loan, nhấn mạnh lại cam kết của Mỹ đối với Đài Loan là “vững chắc”[7]. Mỹ vẫn tiếp tục triển khai việc bán vũ khí cho Đài Loan, bằng chứng là sau gần bảy tháng ông Biden nhậm chức, đầu tháng 8/2021, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã chính thức nhận được thông báo là phía Mỹ sẽ bán 40 khẩu pháo tự hành M109A6 cho Đài Loan với tổng trị giá khoảng 750 triệu USD[8]. Đây là lần đầu tiên Mỹ tuyên bố bán vũ khí quân sự cho Đài Loan kể từ khi J. Biden nhậm chức, thể hiện rõ ràng Chính phủ Mỹ luôn coi trọng năng lực phòng vệ của Đài Loan và khẳng định sự tiếp nối của chính sách bình thường hóa việc bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ trong những năm gần đây. Ngoài ra, Đài Loan và Mỹ vẫn thường xuyên có những liên lạc quân sự, khiến Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phản đối. Đỉnh điểm là vào cuối tháng 10/2021, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã xác nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình CNN (Mỹ) là có việc binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đài Loan để huấn luyện cho các lực lượng Đài Loan. Bà nói rằng “mối đe dọa” từ Trung Quốc đang tăng lên mỗi ngày, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào sự hậu thuẫn của Washington trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan và bà khẳng định “Đài Loan có nhiều hợp tác với Mỹ nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của mình”[9]. Thêm vào đó, quan hệ Đài – Mỹ còn chứng kiến những chuyến công du, gặp gỡ giữa quan chức hai bên. Vào giữa tháng 4/2021, một phái đoàn không chính thức do Tổng thống Joe Biden cử đi đã có chuyến thăm ba ngày tới Đài Loan. Phái đoàn gồm cựu thượng nghị sĩ Mỹ Chris Dodd – người bạn thân nhất của Tổng thống J. Biden, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage, James Steinberg và Giám đốc Điều phối Đài Loan của Bộ Ngoại giao Mỹ Bai Danli. Cựu thượng nghị sĩ Dodd nói với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn rằng chính quyền Biden sẽ là một “người bạn đáng tin cậy” đối với Đài Bắc và sẽ làm việc để làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác an ninh với Đài Bắc. Ông nhấn mạnh rằng phái đoàn của ông được cử thay mặt cho Tổng thống Biden nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với quan hệ đối tác và tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai bên, Mỹ sẽ giúp Đài Loan mở rộng không gian quốc tế và phát triển khả năng tự vệ[10]. Gần đây nhất, trong cuộc hội đàm với tân thủ tướng Nhật Bản Kishida bên lề Hội nghị nhóm Bộ tứ QUAD (bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) tại Nhật Bản vào ngày 23 tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ J. Biden đã nhắc lại chính sách của Mỹ đối với Đài Loan là không thay đổi và ông cũng cho biết Trung Quốc không có “quyền tài phán để đi vào và sử dụng vũ lực tiếp quản Đài Loan”, Mỹ sẽ sử dụng quân đội của mình để bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc cố gắng chiếm hòn đảo này bằng vũ lực[11]. Tuyên bố này đã một lần nữa tái khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ đối với Đài Loan, đồng thời khẳng định mối quan hệ Đài- Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục bền chặt. Ba là, quan hệ Đài Loan – Nhật Bản tiếp tục phát triển. Khác với người tiền nhiệm Mã Anh Cửu, chính quyền của bà Thái Anh Văn chủ trương dựa vào Nhật Bản nhiều hơn, không ngừng đẩy mạnh mối quan hệ này trên nhiều lĩnh vực. Trong hai năm trở lại đây, quan hệ giữa Đài Loan và Nhật Bản tiếp tục phát triển. Đặc biệt, Nhật Bản lần đầu tiên đề cập đến tầm quan trọng của sự ổn định xung quanh eo biển Đài Loan trong báo cáo quốc phòng hàng năm của mình, nhấn mạnh mối quan ngại của họ về hòn đảo vốn là tâm điểm trong căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Sách trắng quốc phòng Nhật Bản được công bố vào trung tuần tháng 7/2021 đã viết: “Sự ổn định của tình hình xung quanh Đài Loan là quan trọng, không chỉ đối với an ninh của riêng Nhật Bản, mà còn đối với sự ổn định của cộng đồng quốc tế…”[12]. Trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ QUAD vừa diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) vào tháng 5/2022, Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã “nhắc lại tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế”[13]. Có thể nói, so với tuyên bố chung trong cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo hai nước vào tháng 4/2021[14] thì từ ngữ trong tuyên bố lần này đã được nâng lên khi cả hai đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng không thể thiếu được của hòa bình ở eo biển Đài Loan đối với an ninh khu vực và thế giới. Ngoài ra, Đài Loan và Nhật Bản cũng thường xuyên có các hoạt động giao lưu, đặc biệt là trao đổi quốc hội và tương trợ qua lại khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Tính đến tháng 12/2021, Nhật Bản đã tặng hơn 3,9 triệu liều vaccine Astrazeneca cho Đài Loan và đang xem xét đợt quyên góp thứ 6. Để bày tỏ lòng biết ơn và tăng cường hợp tác phòng chống dịch, Đài Loan cũng đã tặng 10.000 máy đo ô xi trong máu và 1.008 máy đo độ ẩm cho Nhật Bản[15]. Trong buổi hòa nhạc do Hiệp hội giao lưu Nhật Bản – Đài Loan tổ chức vào cuối năm 2021 tại Đài Bắc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp đã khẳng định: “Nhật Bản và Đài Loan đã hỗ trợ lẫn nhau trong phòng chống đại dịch COVID-19 với tinh thần nhân đạo cao cả. Mối quan hệ Đài Loan – Nhật Bản có thể nói là ví dụ điển hình nhất cho mối quan hệ láng giềng sâu sắc. Năm 2022 là một dấu mốc quan trọng đánh dấu tình hữu nghị Đài – Nhật được 50 năm và tôi tin rằng tình hữu nghị này sẽ tồn tại mãi mãi”[16]. Bốn là, quan hệ Đài Loan - châu Âu phát triển ổn định và đạt được những kết quả nổi bật. Kể từ khi Liên minh châu Âu đưa ra chiến lược “Kết nối châu Âu và châu Á", Đài Loan và châu Âu đã thúc đẩy hơn nữa giao lưu và hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Gần đây, các nước châu Âu đã điều chỉnh và xem xét lại các chính sách của Đài Loan, tạo bước đột phá trong quan hệ Đài Loan - châu Âu trên cơ sở hợp tác tốt đẹp. Trong năm 2020, quan hệ hợp tác giữa Đài Loan và châu Âu đã đạt được những kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như chính trị, giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa, hợp tác tư pháp. Nghị viện châu Âu đã thông qua sáu nghị quyết giữa Đài Loan và Liên minh châu Âu (EU), nhắc lại rằng EU sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để tăng cường hợp tác với Đài Loan, ủng hộ mạnh mẽ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế và kêu gọi EU và Đài Loan bắt đầu các cuộc đàm phán đầu tư song phương. Chủ tịch Thượng viện Séc Miloš Vystrčil đã dẫn đầu đoàn đại biểu thăm Đài Loan vào tháng 8/2020 và thể hiện tình hữu nghị sâu sắc với Đài Loan bằng những hành động thiết thực, đồng thời là quan chức cấp cao nhất của các nước châu Âu đến thăm Đài Loan trong 30 năm qua. Bước sang năm 2021, quan hệ Đài Loan – châu Âu đã có sự đột phá lớn trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, vào ngày 20 tháng 10, Nghị viện châu Âu đã biểu quyết thông qua báo cáo “Quan hệ chính trị và hợp tác EU - Đài Loan” với số phiếu chênh lệch lớn gồm 580 phiếu thuận, 26 phiếu chống và 66 phiếu trắng[17]. Bản báo cáo khuyến nghị EU nên hợp tác mật thiết với các nước thành viên và tăng cường quan hệ chính trị Đài Loan - EU. Nghị viện châu Âu nhấn mạnh rằng EU rất coi trọng an ninh ở eo biển Đài Loan, đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu và các nước thành viên tích cực cùng các đối tác có quan điểm tương đồng thúc đẩy hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Năm 2021 là tròn 10 năm Liên minh châu Âu miễn thị thực cho công dân Đài Loan nhập cảnh vào các nước thuộc khối Schengen. Việc Nghị viện châu Âu thông qua báo cáo “Quan hệ chính trị và hợp tác EU - Đài Loan” có ý nghĩa lịch sử, nâng quan hệ Đài Loan - EU lên một tầm cao mới. Ngoài ra, đầu tháng 11/2021, Đài Loan đã chứng kiến chuyến thăm của bảy nhà lập pháp châu Âu, do Chủ tịch Ủy ban INGE[18] Raphael Glucksmann, người Pháp dẫn đầu. Các thành viên khác của phái đoàn đến từ Áo, Séc, Hy Lạp, Italia và Litva. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nghị viện châu Âu cử một phái đoàn chính thức sang thăm Đài Loan, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ Đài Loan - EU. Trong cuộc họp với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, trưởng phái đoàn đã nhấn mạnh rằng “Chúng tôi đến đây để truyền đạt một thông điệp rất đơn giản nhưng rất rõ ràng đó là Đài Loan không đơn độc. Châu Âu sẽ đứng trên cùng một trận tuyến với Đài Loan, cùng bảo vệ tự do, pháp quyền và tôn nghiêm của con người”[19]. Năm là, quan hệ của Đài Loan với các đối tác khác tiếp tục phát triển và mở rộng. Ngoài quan hệ ngoại giao với những trường hợp cụ thể trên, kể từ năm 2020 đến nay, đối ngoại Đài Loan cũng đã có những bước tiến mới trong quan hệ với nhiều nước, hình ảnh của Đài Loan ngày càng trở nên nổi bật trên trường quốc tế. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Đài Loan đã trở thành một mô hình chống dịch toàn cầu, tích cực chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch theo “mô hình Đài Loan”, tích cực tham gia công tác viện trợ nhân đạo và y tế công cộng quốc tế, tiếp tục thể hiện “Đài Loan có thể giúp đỡ và Đài Loan đang giúp đỡ” bằng những hành động thực tế. Kể từ tháng 4/2020, thông qua sự phối hợp giữa khu vực công và khu vực tư nhân, Đài Loan đã cung cấp số lượng vật tư y tế trị giá hơn 70 triệu USD cho hơn 80 quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm cung cấp 150.000 liều vaccine Medigen cho Somaliland. Cựu phó lãnh đạo Đài Loan Trần Kiến Nhân cũng đã khẳng định rằng để hoàn thành nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế, Đài Loan cam kết sẽ trao tặng thêm 1,5 triệu USD để giúp nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine trên toàn cầu. Đài Loan sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác dân chủ và chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế[20]. Về vấn đề tham gia vào các tổ chức quốc tế của Liên Hợp Quốc, do sự cản trở của Trung Quốc, Đài Loan vẫn chưa thể tham gia vào hệ thống của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, cộng đồng thế giới luôn lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế và sức mạnh ủng hộ Đài Loan không ngừng tăng lên qua từng năm. Năm 2021, sự ủng hộ của quốc tế đối với việc Đài Loan tham gia vào Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) đã đạt mức cao mới. Nhóm G7 và Liên minh châu Âu đã ủng hộ Đài Loan trong Thông cáo của các Bộ trưởng Ngoại giao. Hơn 40 quốc gia bao gồm cả Thủ tướng Nhật Bản, Canada và Thụy Điển, cũng như các nhà lãnh đạo EU và các quan chức cấp cao đã công khai ủng hộ Đài Loan. Ngoài ra, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu... cũng ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan tham gia một cách có ý nghĩa vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL)... với tư cách quan sát viên. Ngày 13 tháng 5 năm vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức ký kết “Đạo luật yêu cầu Ngoại trưởng thiết lập chiến lược hỗ trợ Đài Loan giành lại tư cách quan sát viên của Tổ chức Y tế Thế giới”, một lần nữa thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ nhất trí của cơ quan hành pháp và Quốc hội Mỹ đối với việc Đài Loan tham gia WHO. Vào lúc Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 75 sắp được tổ chức, việc đạo luật nói trên được lưỡng viện của Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Biden ký kết, hoàn thành đạo luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo thêm nền tảng vững chắc để Đài Loan tiếp tục tăng cường mở rộng không gian quốc tế và đóng góp cho các vấn đề y tế toàn cầu. Trong những năm qua, Đài Loan cũng đã mở rộng thêm phạm vi ngoại giao của mình thông qua việc mở các văn phòng đại diện tại nhiều nước. Đài Loan đã mở Văn phòng đại diện Đài Loan tại Cộng hòa Somaliland vào tháng 8/2020 để tăng cường cơ sở quan trọng của Đài Loan cho các công việc ở khu vực châu Phi; thành lập Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Guam tại đảo Guam; mở Văn phòng Đài Bắc ở Provence, miền Nam nước Pháp vào tháng 12/2020 nhằm tăng cường hợp tác và trao đổi giữa Đài Loan và Pháp. Đặc biệt, Đài Loan đã có một bước ngoặt lớn trong quan hệ với các nước ở châu Âu khi Litva bất chấp những áp lực từ phía Trung Quốc đã quyết định cho Đài Loan mở Văn phòng đại diện tại Litva vào ngày 18 tháng 11 năm 2021. Đây là văn phòng đại diện đầu tiên của Đài Loan ở châu Âu sau 18 năm, đánh dấu sự đột phá lớn trong quan hệ hai bên. Đồng thời, khác với các văn phòng đại diện của Đài Loan ở các nước châu Âu khác thường đặt tên là Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, cơ quan đại diện tại Litva đã chính thức đi vào hoạt động với tên gọi “Văn phòng đại diện Đài Loan tại Livta”. Điều này đã phá vỡ truyền thống và gây nên căng thẳng lớn trong quan hệ hai bờ eo biển bởi Trung Quốc phản đối sử dụng chính thức tên Đài Loan vì tạo cảm giác tính hợp pháp quốc tế cho hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ. Ngoài ra, Đài Loan vẫn tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao hữu nghị với nhiều nước, đặc biệt là các nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thông qua hình thức trực tuyến và các phương thức khác, qua đó củng cố thêm quan hệ ngoại giao vững chắc với những đồng minh của mình.

2. Dự báo triển vọng đối ngoại Đài Loan

Để có thể dự báo được triển vọng quan hệ đối ngoại của Đài Loan trong thời gian 5 năm tới cần phải đánh giá mức độ ràng buộc, phụ thuộc của vùng lãnh thổ này vào các quốc gia khác, vị thế của Đài Loan trên trường quốc tế cũng như sự vận động của các yếu tố tác động đến việc hoạch định chính sách đối ngoại Đài Loan. Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, cùng với xu hướng chung của thời đại, hợp tác kinh tế vẫn đóng vai trò quan trọng và là yếu tố then chốt quyết định chiều hướng quan hệ đối ngoại của một quốc gia. Dù quan hệ giữa Đài Loan với các quốc gia khác có những đặc thù riêng về chính trị, đủ để yếu tố chính trị có thể dẫn đường cho các yếu tố khác, song cũng không thể phủ nhận được vai trò của kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Trong thời gian tới, chính quyền của bà Thái Anh Văn vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy “ngoại giao kiên định”, tăng cường củng cố các quan hệ ngoại giao hiện có, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các nước đồng minh và các nước có cùng chí hướng, đồng thời mở rộng sự tham gia quốc tế và đóng góp tích cực cho cộng đồng trên nhiều lĩnh vực mà Đài Loan có thế mạnh. Tuy nhiên, trước những biến động mới của tình hình khu vực và thế giới, những áp lực đe dọa từ phía Trung Quốc đã, đang và sẽ mang đến nhiều thách thức cho giới cầm quyền hòn đảo này. Về quan hệ chính trị đối ngoại, Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất của Đài Loan, còn Đài Loan đứng thứ 7 trong 10 đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc. Rõ ràng mức độ ràng buộc về mặt kinh tế giữa hai chủ thể ngày càng lớn. Khi đưa ra các động thái phản ứng về chính trị, hai bên buộc phải tính đến yếu tố kinh tế. Trung Quốc hiện đang nắm giữ nhiều “phương tiện” khác để có thể gây áp lực được với chính quyền Đài Loan như ngoại giao hay ảnh hưởng chính trị hoặc tiềm lực quốc phòng. Thêm vào đó, sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng cũng như địa vị quốc tế ngày càng cao của Trung Quốc và tính nhạy cảm vấn đề Đài Loan trong quan hệ với Trung Quốc, trong tương lai nguyên tắc “một Trung Quốc” vẫn là nguyên tắc được đa số các quốc gia tiếp tục duy trì trong quá trình phát triển quan hệ với Đài Loan. Chính điều đó sẽ làm cho quan hệ chính trị đối ngoại của Đài Loan thời gian tới rất khó có đột phá lớn. Đứng từ góc độ các quốc gia khác, với Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu, ASEAN, cho dù những nước này ủng hộ, trợ giúp cho Đài Loan, coi Đài Loan là “một quân cờ” để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc thì thực tế các nước không thể để quan hệ với Đài Loan ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại với một cường quốc như Trung Quốc. Thêm vào đó, kể từ khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền, việc nhiều quốc gia đồng minh đã lần lượt cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đã gây nên tâm lý hoang mang, lo ngại trong nội bộ đảng Dân Tiến về khả năng xảy ra “hiệu ứng domino”, đòi hỏi chính quyền của bà Thái Anh Văn phải có những bước đi khẩn trương và đúng đắn nhằm lấy lại uy tín và vị thế của Đài Loan với các đồng minh còn lại. Do đó, trong tương lai, quan hệ chính trị đối ngoại của Đài Loan tuy vẫn giữ nguyên hiện trạng nhưng không tránh khỏi những thách thức và khó khăn lớn hơn nữa. Về hợp tác kinh tế đối ngoại, kinh tế Đài Loan từ thế kỷ XXI đã dần dần phát triển chậm lại, mấy năm gần đây càng suy giảm mạnh, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Do Đài Loan là nền kinh tế hướng ngoại, nên để cải thiện kinh tế thì cần phải phát triển kinh tế đối ngoại, trong khi đối tượng chủ yếu của thương mại và đầu tư Đài Loan chính là Đại lục. Ngoài ra, phát triển kinh tế đối ngoại Đài Loan và ổn định chính trị có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thái độ cứng rắn của bà Thái Anh Văn trong quan hệ hai bờ ảnh hưởng không nhỏ tới sự hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc, từ đó khiến cho hợp tác kinh tế đối ngoại chung của Đài Loan đối mặt với những khó khăn nhất định. Về giao lưu quân sự đối ngoại, bà Thái Anh Văn từng nhấn mạnh dựa vào trình độ kỹ thuật hiện tại của Đài Loan, không thể làm được tất cả trang thiết bị quân sự để tự cung tự cấp, do đó, cần phải thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, mua thiết bị quân sự từ các nước khác. Quốc phòng vốn là khâu yếu của Đảng Dân tiến nên khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền, đảng này đã đặc biệt coi trọng quốc phòng thể hiện qua việc công bố các “Sách xanh quốc phòng”. Cùng với đó, việc Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự lên hòn đảo này thời gian gần đây càng khiến cho giới cầm quyền Đài Loan chú trọng hơn nữa đến quốc phòng và giao lưu quân sự đối ngoại. Hay nói cách khác, hợp tác quốc phòng của Đài Loan trong thời gian tới sẽ ngày càng được quan tâm và chú trọng hơn so với giai đoạn trước. Có thể nói, so với nhiệm kỳ đầu tiên của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn thì Đài Loan hiện nay đang phải đối mặt với tình hình bên ngoài khó khăn và có nhiều biến động hơn. Tình hình kinh tế chính trị quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ, những bất ổn về an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng đậm nét, cùng với đó là sức ép từ phía Trung Quốc khiến đối ngoại Đài Loan từ năm 2020 đến nay gặp nhiều trở ngại và thách thức. Tuy nhiên, với đường lối đối ngoại nhất quán, tích cực thúc đẩy “ngoại giao kiên định”, công tác ngoại giao của hòn đảo này vẫn tiếp tục phát triển ổn định và có nhiều thành tựu nổi bật. Trong tương lai gần, với xu hướng vận động và phát triển của quan hệ quốc tế, của tình hình khu vực và thế giới, có thể dự báo rằng quan hệ chính trị đối ngoại của Đài Loan khó có đột phá lớn trong khi kinh tế đối ngoại gặp những khó khăn nhất định. Điều này đòi hỏi giới cầm quyền của hòn đảo này phải có những chính sách đúng đắn và kịp thời, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.       台灣外交部 (2020),  2020年外交成果回顧:秉持「踏實外交」初心,連結世界、布局全球、貢獻國際、彰顯台灣 (Bộ Ngoại giao Đài Loan (2020), Điểm lại thành tựu Ngoại giao năm 2020: Tuân theo nguyện vọng ban đầu là “Ngoại giao kiên định”, kết nối thế giới, sắp xếp thế giới, đóng góp cho thế giới và làm nổi bật Đài Loan).

2. 台灣外交部 (2021), 2021年外交成果回顧: 穩健推動「踏實外交」,國際社會支持台灣的力量日益增 強,台灣的國際形象與能見度愈發提升(Bộ Ngoại giao Đài Loan (2021), Đánh giá thành tựu Ngoại giao Đài Loan năm 2021: Thúc đẩy “ngoại giao vững chắc”, cộng đồng quốc tế ngày càng ủng hộ Đài Loan, hình ảnh và tầm nhìn quốc tế của Đài Loan đang được cải thiện).

3. 台灣外交部 (2021), 吳部長立法院第十屆第四會期外交業務報告(2021-10-18) (Bộ Ngoại giao Đài Loan (2021), Báo cáo về công tác ngoại giao của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp tại Kỳ họp lần thứ 4 khóa 10 của Viện lập pháp Đài Loan ngày 18 tháng 10 năm 2021).

4. Bộ Ngoại giao Đài Loan (2022), “Quan hệ đối ngoại Đài Loan”, https://www.ey.gov.tw/ state/B099023D3EE2B593/e529d6b0-e467-45fc-9a5a-4facb49a8243.

5. Susan V. Lawrence (2021), Taiwan: Political and Security Issues, Congressional Research Service, https://www.everycrsreport. com/files/2021-07-14_IF10275_a3085884cf d4038ff24514fe28d938e1a785a8fc.pdf

 

 

 


[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] Bài phát biểu nhậm chức của bà Thái Anh Văn vào ngày 20 tháng 5 năm 2020, https://www. president.gov.tw/ Page/586.

[3] 台灣外交部 (2022), 對外關係 (Bộ Ngoại giao Đài Loan (2022), Quan hệ đối ngoại Đài Loan), https://www.ey.gov. tw/state/B099023D3EE2B593/e529d6b0-e467-45fc-9a5a-4facb49a8243.

[4] Scott Neuman (2021), “Taiwan says tensions with China are at their worst in 4 decades”, https://www.npr.org/20221/ 10/06/1043640597/china-taiwan-tensions-us-aircraft-defense-military.

[5] “Chiến tranh lai” (Hybrid warfare: chiến lược quân sự sử dụng chiến tranh chính trị đồng thời với chiến tranh thông thường, chiến tranh bất thường và chiến tranh mạng) và “vùng xám” (Gray-zone: được định nghĩa là hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh, không tạo cớ cho xung đột xảy ra để các nước khác không có cớ can thiệp quân sự chính thức).

[6] Taiwan Today (2021), “Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình “Sky News” (Anh)”, https://vn.taiwantoday.tw/news.phpUnit =458&post=199175.

[7] Susan V. Lawrence (2021), “Taiwan: Political and Security Issues”, Congressional Research Sevrice, p. 2. https://www.everycrsreport.com/files/2021-07-14_IF10 275_a3085884cfd4038ff24514fe28d938e1a785a8fc.pdf
[8] 台灣外交部 (2021), 2021年外交成果回顧: 穩健推動「踏實外交」,國際社會支持台灣的力量日益增 強,台灣的國際形象與能見度愈發提升 (Bộ Ngoại giao Đài Loan (2021), Đánh giá thành tựu Ngoại giao Đài Loan năm 2021: Thúc đẩy “ngoại giao vững chắc”, cộng đồng quốc tế ngày càng ủng hộ Đài Loan, hình ảnh và tầm nhìn quốc tế của Đài Loan đang được cải thiện).

[9] Will RipleyEric Cheung and Ben Westcott (2021), “Taiwan's President says the threat from China is increasing 'every day' and confirms presence of US military trainers on the island”,  https://edition.cnn.com/ 2021/10/27/asia/tsai-ingwen-taiwan-china-interview-intl-hnk/index.html.

[10] Chang Ya-chun (2021), “President Tsai meets US delegation, calls for resumption of TIFA”, https://www.tai wannews.com.tw/en/news/4178025.

[11] Kentaro Iwamoto and Sayumi Take (2022), “Biden says he would use force to defend Taiwan”, https://asia. nikkei.com/Politics/International-relations/Biden-s-Asia-policy/Biden-says-he-would-use-force-to-defend-Taiwan.

[12] Isabel Reynolds (2021), “Japan for First Time Mentions Taiwan Stability in Defense Paper”, https://www.Bloom berg.com/news/articles/2021-07-13/japan-for-first-time-mentions-taiwan-stability-in-defense-paper.

[13] Kentaro Iwamoto and Sayumi Take (2022), “Biden says he would use force to defend Taiwan”, Tlđd.
[14] Trong cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo hai nước khi đó là Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington (Mỹ) vào tháng 4/2021, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình vấn đề giữa hai eo biển.
[15] 台灣外交部 (2021), Tlđd.
[16] Hồ Tôn Hàn, Triệu Đình Dự (2021), "Tình hữu nghị Đài Loan - Nhật Bản tiếp tục phát triển. Đại diện Nhật Bản tại Đài Loan nói: Năm 2021 là năm hữu nghị giữa Nhật Bản và Đài Loan", https://www.ntdtv.com.tw/ b5/20211225/video/314140.html?台日友好續升溫!日代表:2021是日台友情年.

[17] Taiwan Today (2021), “Bộ Ngoại giao cảm ơn Nghị viện châu Âu đã thông qua báo cáo “Quan hệ chính trị và Hợp tác EU-Đài Loan”, ủng hộ việc nâng cao toàn diện quan hệ chính trị song phương”, https://vn.Taiwanto day.tw/news.php?unit=458&post=209653&unitname=&postname=Bộ-Ngoại-giao-cảm-ơn-Nghị-viện-châu-Âu-đã-thông-qua-báo-cáo-“Quan-hệ-chính-trị-và-Hợp-tác-EU-Đài-Loan”%2C-ủng-hộ-việc-nâng-cao-toàn-diện-quan-hệ-chính-trị-song-phương.

[18] INGE là Ủy ban đặc biệt của Nghị viện châu Âu phụ trách vấn đề “Thế lực nước ngoài can thiệp vào quá trình dân chủ của Liên minh châu Âu (bao gồm các thông tin sai lệch)”.

[19] Taiwan Today (2021), “Tổng thống Thái Anh Văn tiếp phái đoàn INGE của Nghị viện châu Âu”, https://vn.tai wantoday.tw/news.php?unit=458&post=210311.

[20] Taiwan Today (2022), “Đài Loan tham dự “Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu” (Global COVID-19 Summit) lần thứ 2”, https://vn.taiwantoday.tw/news. php?unit=458&post=218991&unitname=Chính-trị& postname=Đài-Loan-tham-dự-“Hội-nghị-thượng-đỉnh-COVID-19-toàn-cầu”-%28Global-COVID-19-Summit%29-lần-thứ-2.

 

 

0thảo luận