Đặng Thu Phương1
Tóm tắt: Wabi-sabi là tư tưởng triết học Nhật Bản bắt nguồn từ Phật giáo Thiền tông. Ở nghĩa hẹp hơn, nó là một tư tưởng mỹ học đề cao sự không hoàn hảo, không hoàn thiện, vô thường của vạn vật. Ngày nay, Wabi-sabi có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trong phạm vi nước Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới, điều này đã tạo ra một phong cách nghệ thuật đặc trưng. Những thực hành của Wabi-sabi có nhiều tương đồng với tư duy thiết kế sinh thái. Bài viết khái quát những đặc điểm của phong cách thiết kế Wabi-sabi và phân tích những giá trị phù hợp của nó với thời trang sinh thái hiện đại.
Từ khóa: Wabi-sabi, thiết kế sinh thái, thời trang sinh thái, mỹ học Nhật Bản
|
Ô nhiễm môi trường đang là một trong những vấn đề cấp thiết hàng đầu của thế giới hiện đại. Người ta nghĩ ra nhiều phương thức giải quyết tiên tiến với hàm lượng khoa học kĩ thuật cao. Tuy[1]nhiên, đôi khi nhờ vào chắt lọc và học hỏi từ truyền thống, chúng ta nhận thấy có những phương thức giải quyết vấn đề đơn giản và hiệu quả. Michael Braungart và William McDonough trong cuốn The Upcycle viết: “Con người không có vấn đề ô nhiễm, họ có vấn đề về thiết kế. Nếu con người sáng tạo ra các sản phẩm, công cụ... một cách thông minh hơn ngay từ đầu, thì họ thậm chí sẽ không cần phải suy nghĩ về vấn đề chất thải, ô nhiễm hoặc khan hiếm (tài nguyên)”[2]. Triết lý Wabi-sabi truyền thống của người Nhật gợi mở một phương thức thiết kế thân thiện với tự nhiên hơn cho các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng hiện đại. Bài viết này đề cập đến những biểu hiện của tinh thần Wabi-sabi trong các thiết kế thời trang sinh thái của Nhật Bản.
1. Wabi-sabi - thẩm mỹ và phong cách
Wabi-sabi (侘び寂び) là triết lý có nguồn gốc từ Phật giáo Thiền tông. Theo nghĩa đầy đủ của nó, Wabi-sabi thể hiện một thế giới quan và lối sống toàn diện. Theo nghĩa hẹp hơn, nó là đặc trưng độc đáo và dễ nhận dạng nhất của thẩm mỹ Nhật Bản. Nếu tách ra từng thành tố, wabi (侘び) diễn tả vẻ đẹp của sự đơn giản, trân trọng sự khiêm nhường, vùi mình vào thiên nhiên, wabi diễn tả cảm quan khắc khổ, hài hòa và yên tĩnh. Sabi (寂び) đề cập đến các đối tượng vật chất đã biến đổi theo thời gian, nó truyền tải vẻ đẹp tàn phai, khô héo, chân thực và u sầu[3] [4]. Hiểu như một thuật ngữ mỹ học, Wabi-sabi hàm ý cái đẹp trong sự không hoàn hảo, không hoàn thiện và vô thường của sự vật. Nó tác động mạnh mẽ đến thẩm mỹ của người Nhật trong quá khứ và văn hóa thị giác hiện đại. Hầu như không có một từ chuyển ngữ tương đương nào trong tiếng Anh hay tiếng Việt mô tả hết các tầng ý nghĩa của Wabi-sabi. Sartwell kết luận rằng: “Ở phạm vi sâu nhất, rộng nhất của nó, Wabi-sabi là một dạng vẻ đẹp vượt qua lằn ranh giữa cái đẹp và cái xấu, giữa cái bình thường và phi thường. Giống như sự đẹp đẽ và sự xấu xí, cũng giống như cái thiện và cái ác, chỉ thực sự có ý nghĩa khi nằm trong mối quan hệ tương tác với nhau”[5].
Trong quá khứ, có nhiều tác phẩm truyền thống của Nhật Bản hình thành dựa trên các yếu tố đơn giản và hòa hợp với thiên nhiên, chấp nhận những biến hóa của thời gian và tìm ra vẻ đẹp độc đáo trong đó dựa trên triết lý Wabi-sabi. Ảnh hưởng của nó đậm nét trong các hình thức nghệ thuật thủ công. Phương pháp hàn gắn đồ vật Kintsugi (金継ぎ) là một trong những biểu hiện nổi tiếng nhất. Đây là nghệ thuật dùng nhựa sơn mài và bột vàng để sửa chữa đồ gốm. Khi một món đồ gốm sứ bị vỡ, người ta sẽ dính các mảnh nhỏ lại với nhau bằng nhựa, nhưng không cố gắng để nó hoàn hảo liền mạch như ban đầu mà cố tình nhấn mạnh vào các đường rạn nứt bằng cách phủ bột vàng lên trên đường chắp. Món đồ được tái sinh lần nữa, vừa đáp ứng được tính công năng, vừa mang những dấu vết của quá khứ. Một chiếc cốc hay một cái bát giá rẻ cũng có thể trở nên đẹp đẽ và quý giá hơn nhờ Kintsugi. Cũng có nghĩa là, sự nứt vỡ vốn dĩ làm đồ vật trở nên vô giá trị nay lại là đặc điểm độc bản làm tăng thêm giá trị cho nó. Kintsugi tôn vinh triết lý Wabi-Sabi bằng cách coi hư hỏng và sửa chữa như một phần lịch sử của vật thể, là thứ để xây dựng và chiêm ngưỡng, thay vì ngụy trang hoặc loại bỏ.
Ngày nay, nguồn cảm hứng của Wabi-sabi ảnh hưởng đến toàn thế giới. Wabi-sabi được hình ảnh hóa cụ thể hơn, trở thành tên gọi của một phong cách, được áp dụng để thiết kế các vật dụng có đặc điểm là ít trang trí bề ngoài nhưng trau chuốt nội hàm (wabi) và nhấn mạnh vào bản chất phù du của vạn vật (sabi). Học giả Horst Hammitzsch mô tả Wabi-sabi là “sự vắng mặt của vẻ đẹp hiển nhiên”, là những gì cũ kĩ, mỏng manh và đơn sắc, đối lập với vẻ đẹp phồn thực, hoa lệ và sôi động[6]. Ông cho rằng sự cũ kĩ hay bạc màu của một chiếc áo không làm nó xấu đi mà dần bộc lộ vẻ đẹp của thời gian, những nét tươi mới phai nhạt sẽ làm kiên định hơn giá trị của Wabi-sabi. Mặt khác, phong cách Wabi-sabi tìm kiếm mức độ hoàn hảo thích hợp trong tạo tác thủ công, nhấn mạnh quá trình hình thành sản phẩm hơn là kết quả, chủ yếu hướng đến sự bất đối xứng tinh tế trong thiết kế. Vì vậy, những món đồ công nghiệp sản xuất hàng loạt thường được đánh giá mang ít biểu hiện Wabi-sabi hơn đồ thủ công và độc bản. Ví dụ, một chiếc cốc gỗ thô mộc và có vẻ làm bằng tay sẽ cho cảm giác Wabi-sabi nhiều hơn một chiếc cốc thủy tinh đối xứng, ít tì vết được sản xuất bằng máy. Tất nhiên, rất khó để xác định tuyệt đối một sự vật mang khí sắc Wabi-sabi ở mức độ nào, vì điều này dựa trên cảm nhận mang tính trải nghiệm khác biệt của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, một số yếu tố liệt kê dưới đây được nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận là biểu hiện rõ nét của phong cách Wabi-sabi[7] [8].
Về mặt hình thức, các thiết kế phong cách này thường có phom dáng tự do, mềm mại, ít góc cạnh; sự bất đối xứng và lệch tâm hoàn toàn được chấp nhận, thậm chí được ưa thích, người ta chỉ yêu cầu sự hài hòa và cân bằng về tổng thể hình ảnh. Hình thức có thể không cần gọt giũa nhiều và mang đặc tính tự nhiên của vật liệu. Nét giản dị cũng là yếu tố được đề cao, cấu trúc thiết kế mạch lạc, nguyên tắc less is more (đơn giản là tốt nhất) thường xuyên được áp dụng.
Về mặt màu sắc, các tông trầm ấm áp như màu đất, màu đơn sắc thường được sử dụng để gợi vẻ trang nhã và gần gũi với tự nhiên. Các tông màu chói gắt, tươi sáng, rực rỡ ít được sử dụng hơn.
Nguyên vật liệu cũng là thành tố rất quan trọng trong việc xây dựng phong cách Wabi-sabi cho thiết kế. Như đã đề cập ở trên, thuật ngữ sabi đề cập đến vẻ đẹp của thời gian, vì thế những món đồ mang bề ngoài thoái hóa và tàn phai, kém hoàn hảo sẽ đẩy biểu hiện của Wabi-sabi trở nên mạnh mẽ hơn. Các thiết kế hiện đại thường sử dụng vật liệu vô cơ để chống lại các tác động lão hóa tự nhiên, trong khi Wabi-sabi đón nhận sự lão hóa và tìm cách sử dụng sự biến đổi này như một phần không thể thiếu của tổng thể. Nhóm vật liệu tự nhiên như: gỗ, giấy, vải có nguồn gốc tự nhiên, gốm, đất... có khả năng phân hủy sinh học tốt, dễ dàng biến đổi theo thời gian dễ dàng gợi lên xúc cảm Wabi-sabi. Trái lại, các vật liệu như: kim loại, nhựa, thủy tinh... là những vật liệu mang cảm xúc hiện đại và sắc nét, ít được ứng dụng trong phong cách này. Nếu tác động của thời gian làm các thiết kế sản xuất công nghiệp sứt mẻ, cũ kỹ và giảm giá trị đi, thì trái lại, thời gian sẽ lãng mạn hóa các thiết kế phong cách Wabi-sabi và tăng thêm giá trị cho chúng. Tùy theo bản chất và quá trình tạo thành vật liệu, sự không hoàn hảo hữu ý và vô ý đều được chấp nhận.
Có thể nói các thiết kế phong cách Wabi-sabi thường mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tác cũng như người sử dụng. Những người lựa chọn phong cách này thường có lối sống thích nghi với tự nhiên; họ chấp nhận sự vô thường của cuộc sống và nhận thức mọi sự vật đều chỉ có thời gian hữu hạn, từ đó kiếm tìm các giá trị, vẻ đẹp và sự gắn kết trong những đổi thay của đồ vật.
2. Thiết kế sinh thái và thời trang sinh thái
Khi các vấn đề về ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên đáng báo động, nhu cầu thay đổi phương thức tư duy thiết kế, để sản phẩm tạo ra gây ít tác động tiêu cực nhất đến tự nhiên được đặt ra và trở thành xu hướng lớn trong ngành mỹ thuật ứng dụng. Thiết kế sinh thái là một trong những phương thức hiệu quả nhất. Nhà nghiên cứu Phần Lan Kirsi Niinimäki định nghĩa thiết kế sinh thái là “một quá trình thiết kế chú trọng xem xét các yếu tố tác động đến môi trường trong suốt thời gian tồn tại của sản phẩm, từ nguyên liệu thô đến quá trình sản xuất và sử dụng, cho đến hết vòng đời sản phẩm”[9]. Nghĩa là, tất cả các khả năng gây tổn hại đến môi trường như: chất thải khí, chất thải rắn khó phân hủy, ô nhiễm nguồn nước... đều cần được tối thiểu hóa trong tất cả các phân đoạn vòng đời sản phẩm. Thời trang sinh thái là kết quả của thiết kế thời trang sinh thái. Từ quan điểm môi trường, mục đích của thời trang sinh thái là giảm thiểu bất kỳ tác động môi trường không mong muốn nào trong vòng đời của sản phẩm.
Có ba nguyên tắc được khuyến khích khi sử dụng vật liệu trong thiết kế thời trang sinh thái: giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế - để ngăn chặn sự suy thoái môi trường do ngành công nghiệp thời trang gây ra.
Giảm thiểu tức là sử dụng lượng tài nguyên ít nhất có thể để tạo ra một sản phẩm có thể sử dụng lâu dài. Khi một sản phẩm có giá trị sử dụng lâu dài, nó ngăn cản người tiêu dùng tiếp tục mua sắm dư thừa trong những lần tiếp theo và đạt được mục tiêu giảm thiểu tài nguyên lớn hơn nữa. Một mặt, thiết kế giảm thiểu đề cao sự tiết kiệm, yêu cầu nhà thiết kế thời trang đưa ra các phương án thiết kế sao cho thải ra ít vật liệu dư thừa nhất có thể, thậm chí tiến tới không có vật liệu dư thừa (zero waste). Mặt khác, thiết kế giảm thiểu cũng có thể được hiểu là tạo ra các sản phẩm thời trang không bị ràng buộc bởi các mùa mốt và xu hướng nhất thời, có thể sử dụng lâu dài và ít khả năng bị thay thế cho tới khi thực sự hỏng. Điều này làm giảm nhu cầu mua thêm không kiểm soát của người tiêu dùng. Những thiết kế dạng này thường đòi hỏi sự đơn giản và tinh tế. Vì các món đồ đơn giản có thể dễ dàng mặc mà không bị lỗi thời bất kể thời gian và mùa mốt nào.
Tái sử dụng đề cao việc tìm kiếm các giá trị tồn tại trong những món đồ cũ kĩ tưởng chừng không còn giá trị sử dụng, từ đây nhà thiết kế có thể đưa ra các phương án thiết kế đem lại cho chúng một vòng đời nữa, tận dụng hết mức các khả năng của vật liệu. Phương pháp thiết kế nâng cấp (upcyling) ra đời phục vụ cho mục tiêu này. Đây là dạng thiết kế tạo ra một sản phẩm mới bằng vật liệu cũ với mục tiêu hạn chế lãng phí. Nó làm giảm nhu cầu về vật liệu mới, qua đó gián tiếp giảm sử dụng năng lượng, ô nhiễm hủy hoại môi trường và phát thải khí nhà kính so với sản xuất thông thường. Vật liệu cũ trong thiết kế nâng cấp có thể là những phần vật liệu dư thừa từ những quy trình sản xuất khác hoặc là những sản phẩm tiêu dùng cũ như quần áo, chăn gối, rèm màn...
Tái chế trong lĩnh vực thời trang là một quá trình công nghiệp, trong đó các đồ vật cũ được biến đổi thành vật liệu mới và sau đó được sử dụng để tạo ra sản phẩm một lần nữa. Mục đích bao trùm của quá trình tạo thành này không phải thể hiện thẩm mỹ độc đáo hay đặc tính vật lí vượt trội, mà là đem lại chu kì sử dụng mới cho vật liệu cũ, giảm tải khai thác thêm tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, sử dụng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên là một trong những phương pháp tiếp cận thời trang sinh thái được các nhà thiết kế sử dụng rộng rãi và người tiêu dùng nhận thức nhiều nhất. Vật liệu nhóm này có thể kể đến như: vải bông hữu cơ, vải lanh, vải gai dầu, lụa tơ tằm, lụa tơ sen, lụa dâu tằm, da thực vật... Ưu điểm lớn nhất của chúng là khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn trong thời gian ngắn sau khi thải bỏ, giảm bớt các gánh nặng môi trường. Trên thực tế, trước khi có cách mạng công nghiệp, hầu hết các chu trình sản xuất vật liệu và thành phẩm may mặc trên thế giới đều là các chu trình sinh thái. Nguyên vật liệu sử dụng ở mức tự cung tự cấp hoặc trao đổi mua bán trên một phạm vi nhỏ không gây các tác động tiêu cực đến thiên nhiên. Dựa vào đặc thù bản địa của từng vùng, người ta ứng dụng linh hoạt các sản vật tự nhiên để chế tạo ra quần áo phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Những chu trình truyền thống này đã thay đổi cả về kết cấu lẫn số lượng từ thời kì cách mạng công nghiệp và càng ngày càng tạo ra các tác động tiêu cực hơn theo sự phát triển của toàn cầu hóa.
Như vậy, thời trang sinh thái là một phần không thể thiếu của xu hướng thiết kế sinh thái ngày nay. Có nhiều phương thức thiết kế và tiếp cận thời trang sinh thái khác nhau, nhưng tựu chung đều xoay quanh mục đích lớn nhất là giảm thiểu tổn hại tới môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm.
3. Những biểu hiện của phong cách Wabi-sabi trong thời trang sinh thái
Phong cách Wabi-sabi và nguyên lý thiết kế thời trang sinh thái có nhiều điểm tương hợp. Wabi-sabi là một triết lý thẩm mỹ truyền thống, nhưng khi đặt trong bối cảnh thiết kế sinh thái hiện đại, nó có rất nhiều khía cạnh để các nhà thiết kế học tập. Xu hướng tôn trọng và gần gũi với tự nhiên của Wabi-sabi cũng là mục tiêu mà thời trang sinh thái hướng đến. Wabi-sabi đề cao sự đơn giản, cấu trúc mạch lạc, thời trang sinh thái chú trọng các kiểu dáng ít lỗi mốt, có khả năng sử dụng lâu dài và thường cũng đơn giản. Thời trang sinh thái tìm cách tận dụng những vật liệu cũ, kéo dài vòng đời cho chúng, Wabi-sabi đi tìm vẻ đẹp trong những thứ cũ kĩ bị thời gian phai mòn. Có thể tiếp cận thời trang sinh thái bằng cách sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc tự nhiên dễ phân hủy sinh học, Wabi-sabi dùng các vật liệu tự nhiên để biểu đạt cảm quan của chủ thể thẩm mỹ.
Lối mặc là một trong những khía cạnh thể hiện rõ tinh thần Wabi-sabi của người Nhật. Trong quá khứ, từ trước khi có các khái niệm về sinh thái, tái chế và thiết kế nâng cấp, người Nhật đã có truyền thống về việc tái sử dụng các vật liệu cũ. Từ bộ kimono cũ, họ chế thành chiếc áo khoác ngắn, sau đó sử dụng các phần vải thừa làm các đồ đạc trong nhà, đến khi các mảnh vật liệu cũ nát vẫn có thể làm giẻ lau và cuối cùng cắt thành các mảnh nhỏ để làm vật liệu may mặc mới. Kĩ thuật khâu đột Sashiko (刺し子)[10] hiện thực hóa các công việc tái sử dụng này. Khi những phần vải bông trên áo quần của họ mòn đi, những người phụ nữ sẽ dùng các mẩu vải nhỏ chắp vá, gia cố chúng, các mũi khâu đột làm tăng độ bền cho các lớp vải bằng độ giằng của chỉ. Khi các mảnh nhỏ xen kẽ và chồng chéo lên nhau, màu vải sờn bạc, phai sắc và loang lổ. Tất cả tạo thành nét thẩm mỹ đặc trưng bất quy tắc, hỗn độn nhưng lại mang đến nhịp điệu cân bằng cho tổng thể. Và quan trọng nhất, chiếc áo sau đó trở nên thực dụng với người mặc. Một chiếc áo như vậy có thể truyền qua nhiều đời, mỗi vị chủ nhân lại ghi dấu ấn của mình lên nó bằng những mảnh vá có màu sắc và hoa văn khác nhau, mang theo câu chuyện của thời đại, cuộc đời họ (Hình 1).
Hình 1: Chiếc Haori chắp vá truyền qua nhiều thế hệ
Nguồn: heddels.com
Từ trước khi xu hướng thời trang sinh thái ra đời thì người Nhật (và có thể cả nhiều quốc gia khác trên thế giới) đã thực hành lối mặc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên như một phần đời sống sinh hoạt của họ. Loại trang phục này đã từng là biện pháp vượt qua sự nghèo khó, thiếu thốn tài nguyên, một biểu hiện của tinh thần tránh lãng phí Mottainai (勿体無い)[11]. Đến ngày nay, nó đã được nhìn nhận như một phần của tinh thần và thẩm mỹ Wabi-sabi.
Rất nhiều nhà thiết kế thời trang sinh thái trong và ngoài nước Nhật chịu ảnh hưởng của thẩm mỹ Wabi-sabi và lấy cảm hứng từ loại trang phục chắp vá này. Trong thời đại vật liệu may mặc luôn luôn đổi mới và sẵn sàng cung ứng, việc chắp vá các mảnh vải không còn vì lý do thiếu thốn nữa. Phương thức này tạo cảm hứng cho những người thiết kế nâng cấp từ các vật liệu cũ hoặc vật liệu dư thừa. Một ví dụ điển hình là thương hiệu thời trang sinh thái Kuon của Nhật với những mẫu áo chắp vá đặc trưng. Họ thu thập vải từ các món đồ cũ bị thải loại. Đôi khi đã sờn rách nghiêm trọng. Dùng kĩ thuật khâu đột Sashiko, chắp vá và xếp chồng chúng lên nhau, tạo thành một sản phẩm mới có giá trị thủ công cao và độc nhất vô nhị (Hình 2). Chính sự cũ kĩ và những dấu vết tự nhiên tạo ra trong quá trình sử dụng trước đó như: vết xước, sự phai màu, loang lổ, sờn rách... khiến người mua cảm thấy thú vị và yêu thích. Bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản, thương hiệu Ấn Độ 11-11 có dòng sản phẩm trang phục và phụ kiện thời trang chuyên sử dụng vật liệu may mặc dư thừa từ các quá trình sản xuất khác, sử dụng phương pháp chắp vá bằng kĩ thuật Sashiko của người Nhật tạo thành sản phẩm (Hình 2). Trong đó, kiểu dáng trang phục luôn là các hình thức đơn giản như áo sơ mi dài tay; quần dài vừa vặn, không quá ôm cũng không rộng... Các mảng vải được xếp đặt theo những tỷ lệ ngẫu nhiên (có chủ đích hoặc không). Sự giao hòa giữa lộn xộn và quy củ tạo nên mức độ cân bằng tinh tế cho sản phẩm. Không chỉ quần áo, nhiều loại vật phẩm như giày dép, túi xách, khăn quàng... cũng được tạo ra theo phương pháp này.
Hình 2: Sản phẩm của Kuon (trái) và sản phẩm của 11-11 (phải)
Nguồn: kuontokyo.myshopify.com và 11-11.us
Nhiều nhà thiết kế sinh thái tìm cách sử dụng tiếp những món đồ đã cũ kĩ, lỗi thời, không còn được yêu thích. Tinh thần Wabi-sabi coi trọng dấu vết trên các đồ vật do quá trình lão hóa để lại. Mọi thứ đều có câu chuyện của nó và chúng ta nên nỗ lực để giữ gìn thay vì xóa bỏ nó. Trong dạng thiết kế này, những mảng phai màu, những nếp nhàu, vết xước không hoàn hảo chính là “câu chuyện” mà đồ vật mang tải, làm nên một phần giá trị của nó. Nhãn hiệu sinh thái Kosoen của Nhật Bản đang có một dòng sản phẩm nâng cấp từ những chiếc áo, quần cũ kĩ. Họ sử dụng phương pháp nhuộm chàm đem lại cuộc đời mới cho chúng (Hình 3). Những sản phẩm cũ ở đây có thể thuộc về thời kì những năm 1970, 1980, tức là mang dấu ấn thẩm mỹ của 40, 50 năm về trước. Thời gian và thực tế sinh hoạt của người chủ cũ có thể để lại trên chúng nhiều nếp nhăn không thể là phẳng, nhiều vết ố không thể tẩy sạch, nhưng điều đó làm tăng thêm giá trị cho chúng. Kosoen nhuộm quần áo lại bằng màu chàm lấy từ thực vật tự nhiên. Họ phủ một lớp màu xanh lên những nếp nhàu và vết ố để tạo một màu sắc mới, cảm xúc mới cho vật phẩm. Nhuộm chàm là một trong những phương pháp hỗ trợ tăng độ đanh và bền cho sản phẩm, nhưng màu nhuộm không thể che hết những dấu vết từng có. Ở những vị trí từng ố vàng, màu xanh chàm phủ lên sẽ tạo nên một khoảng màu xanh khác biệt, hơi ngả sang màu lá cây. Quần áo cũ được tái sinh lần nữa với vẻ ngoài khác trước. Những trang phục này không mới tinh hoàn hảo nhưng lại hấp dẫn vì tính độc bản và giá trị thủ công mà người thợ nhuộm đặt vào chúng.
Nguồn: kosoen-onlinestore.com
Sử dụng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên là một điểm tương đồng lớn giữa phong cách Wabi-sabi và thời trang sinh thái. Cần phải biết vật liệu tự nhiên thường có độ hút ẩm cao hơn vật liệu nhân tạo, vì vậy khi dệt thành vải, may thành trang phục, chúng dễ dàng tạo nên các nếp nhăn nhàu nhỏ trên bề mặt sản phẩm khi sử dụng. Trong thế giới hiện đại ngày nay có rất nhiều vật liệu nhân tạo có khả năng kháng nhăn, kháng nhàu, nhược điểm này khiến vật liệu tự nhiên trở thành một lựa chọn kém hoàn hảo hơn. Nhưng mặt khác, vật liệu tự nhiên lại thân thiện với làn da, thoáng khí và có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Những nhà thiết kế sinh thái lựa chọn vật liệu tự nhiên, tức là chấp nhận bỏ qua sự hoàn hảo cứng nhắc về hình thức, đi tìm cái đẹp trong sự bất toàn, đặt sự thích nghi của con người với tự nhiên cao hơn các hình thức nhân tạo. Rất nhiều nhãn hàng thời trang sinh thái của Nhật Bản lựa chọn phương thức này, tiêu biểu có thể kể đến Maito Design Works, Takara Jima, Usaato, Tetotebito...
Trong một số trường hợp, khi sử dụng vải nền có nguồn gốc tự nhiên, nhà thiết kế sinh thái có xu hướng lựa chọn màu nhuộm cũng đến từ thiên nhiên. Các chất nhuộm thường gặp trong thời trang sinh thái có thể kể đến như: màu xanh từ chàm; màu nâu từ củ nâu, cây móng tay, vỏ quả lựu; màu đỏ từ rễ thiến thảo, vỏ cây nghiến; màu vàng từ gỗ vang, cúc vạn thọ... Nghệ thuật nhuộm chàm của Nhật Bản được đánh giá cao về kĩ thuật và mỹ thuật, đặc biệt là phương pháp nhuộm Shibori (絞り)[12]. Vì vậy, rất nhiều thương hiệu thời trang sinh thái sử dụng chàm là loại chất nhuộm chính, kết hợp truyền thống và hiện đại tạo nên phong cách Nhật Bản riêng biệt. Đặc điểm của màu nhuộm tự nhiên là quy trình sản xuất thường theo các kĩ thuật thủ công truyền thống, sử dụng các công cụ và thành phần nguyên liệu hữu cơ, gây ảnh hưởng rất nhỏ hoặc hầu như không ảnh hưởng tới môi trường. Việc nhuộm thủ công khiến sắc độ màu trên các tấm vải có sự chênh lệch, thậm chí trên cùng một mảnh vải cũng có thể có các khác biệt nhất định, tạo nên sự không hoàn hảo nhưng lại độc đáo. Mặt khác, màu tự nhiên thường cho sắc độ dịu nhẹ, êm mắt, tông trung tính hoặc trầm, gần gũi với màu của hoa, cỏ, đất, gỗ... có trong thiên nhiên, đây cũng là những sắc màu thường thấy trong phong cách Wabi-sabi. Độ bền màu ánh sáng và bền màu ma sát của nhuộm tự nhiên thường kém hơn so với màu nhuộm tổng hợp. Vì vậy, khi sử dụng lâu dài, những dấu vết của thời gian và cuộc sống sẽ tác động trực quan lên màu sắc. Sự xuống cấp màu sắc là một phần tất yếu trong vòng đời của sản phẩm, quá trình này tách chúng ra khỏi vẻ hoàn chỉnh chỉ đạt được trong một thời gian ngắn ngủi và tìm kiếm giá trị toàn vẹn vốn có của chúng.
Hai nhà nghiên cứu Hàn Quốc Sae-Bom Kim và Kyoung-Hee Lee đã khảo sát thống kê và nhận thấy rằng: những phom dáng thường được sử dụng nhất trong thời trang sinh thái là các hình bóng (silhouette)[13] tròn, mềm mại, rộng quá khổ, ít góc cạnh, bất quy tắc và hữu cơ[14]. Đặc điểm này, một lần nữa, rất phù hợp với phong cách Wabi-sabi. Vì đặc tính quan tâm tới môi trường và thích nghi với tự nhiên, người tiêu dùng thời trang sinh thái có nhu cầu sử dụng trang phục như một phương tiện để thể hiện thái độ và thiên hướng cá nhân. Vì thế những kiểu dáng thoải mái khi mặc, không gò bó cơ thể được ứng dụng phổ biến. Các kiểu trang phục sử dụng nhiều đường cắt thẳng, vải đổ rủ tự nhiên xuất hiện và chiếm ưu thế. Ở chiều ngược lại, nhiều nhà thiết kế coi con người là một phần hữu cơ của tự nhiên, vì vậy việc sáng tạo thời trang sinh thái phải góp phần hỗ trợ con người cảm thấy thoải mái và tự do trong chính môi trường của họ.
Tóm lại, tinh thần và thẩm mỹ Wabi-sabi có mối tương hợp sâu sắc với tư duy và thực hành thiết kế thời trang sinh thái của nhiều nhà thiết kế trong và ngoài nước Nhật. Xúc cảm và nhận thức về Wabi-sabi đem đến cho thời trang sinh thái một gợi ý về cơ sở mỹ học, lý giải thẩm mỹ trong phương thức thiết kế nâng cấp, giảm thiểu và thích nghi với tự nhiên.
4. Kết luận
Wabi-sabi là triết lí sống, là thế giới quan của người Nhật. Trên nghĩa hẹp hơn, nó một quan điểm thẩm mỹ truyền thống độc đáo của Nhật Bản, đề cao việc tìm kiếm cái đẹp trong sự không hoàn mỹ, không hoàn thiện và vô thường. Đây là một triết lý đã có lịch sử lâu đời, nhưng đồng thời nó tương hợp sâu sắc với các xu hướng thời trang hiện đại, đặc biệt là thời trang sinh thái. Sức ảnh hưởng Wabi-sabi đã không còn gói gọn trong phạm vi Nhật Bản mà lan tỏa trên khắp thế giới, trở thành tên gọi của một phong cách thẩm mỹ.
Ngày nay, rất nhiều nhà thiết kế đi theo định hướng sinh thái đã được truyền cảm hứng từ phong cách Wabi-sabi. Họ tìm thấy nét đẹp trong việc chấp nhận những vết tích không hoàn hảo như một phần dĩ nhiên của chất liệu và công việc tạo tác, họ khám phá và thích nghi với thế giới tự nhiên, tạo dựng nên bản sắc cá nhân từ đó. Tinh thần Wabi-sabi đã tác động đến người Nhật, để họ sáng tạo ra những loại hình nghệ thuật như Kintsugi, Sashiko... trước hết là để tái sinh vật chất phục vụ cho nhu cầu đời sống, sau đó là nhằm đem cái đẹp đến cho những hỏng hóc, rạn nứt, và tôn vinh những dấu vết bị thời gian bỏ lại. Đối với Nhật Bản của hàng trăm năm trước, đó là cách tìm ra vẻ đẹp trong sự nghèo nàn, khắc khổ; đối với thế giới hiện nay, đó là bài học về sự tiết kiệm, tránh lãng phí tài nguyên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Học viên cao học, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp
[2] William McDonough, Michael Braungart (2013), The Upcycle, North Point Press, New York, pp. 17.
[3] Beth Kempton (2019), Wabi-sabi – Japanese wisdom for a perfectly imperfect life, Piatkus, London, pp. 27-32.
[4] Koren Leonard (1994), Wabi-Sabi for Artists, Designers, Poets and Philosophers, Stone Brige Press, Berkeley, pp. 21-22.
[5] Sartwell, C. (2004), Six Names of Beauty, Routledge, Great Britain, pp. 117-118.
[6] Horst Hammitzsch (1988), Zen in the Art of the Tea Ceremony, trans. Peter Lemesurier, E. P. Dutton, New York, pp. 46.
[7] Anna Davies (2016), Cross-Cultural Design: A Visual Approach to Understanding Japanese Wabi-Sabi, Undergraduate Thesis, St. Edward’s University, pp. 17-24.
[8] Koren Leonard (1994) Wabi-Sabi for Artists, Designers, Poets and Philosophers. Stone Brige Press, Berkeley, pp. 26-30.
[9] Niinimäki, K., “Ecodesign and textiles”, Research Journal of Textile and Apparel, no.10, 2006, pp. 67–75.
[10] Sashiko/刺し子là kiểu khâu đột mũi lên mũi xuống truyền thống của Nhật Bản nhằm gia cố tăng độ dày và bền chắc cho vải. Thông thường là chỉ trắng khâu trên nền vải nhuộm chàm.
[11] Mottainai/勿体無い: một thuật ngữ của Nhật Bản được các nhà môi trường học ngày nay sử dụng. Nó mang hàm ý tôn trọng tài nguyên thiên nhiên; tránh lãng phí; tích cực tái sử dụng, tái chế các vật liệu bỏ đi.
[12] Shibori/絞り: kĩ thuật nhuộm thủ công của Nhật Bản, dùng nhiều biện pháp kháng nhuộm để tạo hoa văn sáng màu trên nên vải xanh chàm.
[13] Hình bóng/silhouette trong thiết kế thời trang có nghĩa là đường viền của quần áo hoặc hàng may mặc. Hình bóng đại diện của một dòng trang phục có thể nói lên tỉ lệ cơ bản và ấn tượng về các điểm nhấn của trang phục đó.
[14] 김새봄, 이경희, “에코 패션디자인의 유형분석과 조형적 특성에 관한 연구”, J. Kor. Soc. Cloth. Ind., Vol. 12, No. 5, 2010, pp. 555-563 (Kim Sae Bom, Lee Kyoung Hee, “Nghiên cứu về phân loại và đặc điểm hình thành của thiết kế thời trang sinh thái”, Tạp chí của Hiệp hội Công nghiệp May mặc Hàn Quốc, tập 12, số 5, 2010, tr. 555-563).