Trang chủ

Hợp tác giáo dục Việt Nam - Nhật Bản từ năm 2000 đến nay

Đăng ngày: 16-10-2023, 08:37 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 7

Nguyễn Thị Thanh Tú1

 

Tóm tắt: Kể từ khi đặt quan hệ hợp tác chính thức năm 1973, mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản ngày càng mở rộng về nhiều mặt, đạt được những thành tựu rực rỡ trên nhiều phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Chính phủ hai nước đã và đang xúc tiến những chương trình, dự án  hợp tác như: liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, giảng viên, các chương trình học bổng của hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản… Bài viết phân tích nhu cầu hợp tác về giáo dục của Việt Nam và Nhật Bản, trình bày và thành tựu hợp tác giáo dục Việt Nam – Nhật Bản trong hơn 20 năm qua, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam để tăng cường hợp tác giáo dục giữa hai nước trong tương lai.

Từ khóa: Hợp tác giáo dục, Việt Nam, Nhật Bản

 


1. Nhu cầu hợp tác giáo dục của Việt Nam và Nhật Bản[1]

Theo bảng xếp hạng US. News năm 2021, Nhật Bản thuộc nhóm 10 nước hàng đầu về giáo dục trên toàn thế giới (hạng thứ 7 trong tổng số 78 quốc gia)[2]. Tuy nhiên, thị trường lao động của Nhật Bản lại đang phải đối mặt với nhiều bất cập như dân số già, thiếu nguồn lao động. Vì thế, Nhật Bản cần nguồn nhân lực đáp ứng cả về chất lượng và số lượng để phục vụ cho yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh đó, ngoài việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong nước, Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích việc thu hút nguồn nhân lực nước ngoài.

Trong khi Nhật Bản đạt thứ hạng cao về giáo dục, Việt Nam chỉ đứng thứ 59 trên bảng xếp hạng[3]. Nhìn chung, chất lượng giáo dục và đào tạo của Việt Nam vẫn còn thấp, còn nhiều yếu kém, hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Vì thế, để cải thiện nền giáo dục, Việt Nam cần phải tăng cường cải cách giáo dục và giao lưu, hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, nâng cao chất lượng giáo dục, tìm ra hướng đi phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam và luôn được ưu tiên hàng đầu. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) được Đại hội Đảng lần thứ IX (tháng 4/2001) thông qua với mục tiêu tổng quát là: “đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[4]. Để đạt được mục tiêu này, giáo dục có vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc hợp tác quốc tế giúp Việt Nam phát huy được thế mạnh của nền giáo dục nước nhà để bắt kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến, từ đó, từng bước hội nhập với xu thế toàn cầu. Hơn nữa, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam cần cải cách giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mặc dù Việt Nam là một quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào với dân số trẻ, nhưng việc thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề cao là một trong những bất lợi lớn nhất của thị trường lao động Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản đã chứng tỏ sự xuất sắc của hệ thống giáo dục của mình khi thường xuyên nằm trong số các quốc gia có nền giáo dục tốt nhất. Tuy nhiên, tình hình dân số ngày càng già hóa nhanh chóng đang đặt ra những thách thức mới đối với Nhật Bản trong việc bổ sung lực lượng lao động có kỹ năng cao. Vì thế, Việt Nam và Nhật Bản cần hợp tác giáo dục để có thể bổ trợ lẫn nhau, giúp nhau cùng khắc phục những hạn chế, bất cập. Thông qua việc đẩy mạnh hợp tác giáo dục, Việt Nam có thể nâng cao vị thế và ảnh hưởng trên toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam cũng đã có nhiều tiến bộ trong việc xuất khẩu giáo dục ra thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng.

2. Tình hình hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản từ năm 2000 đến nay

Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã và đang xúc tiến những chương trình hợp tác sâu rộng về giáo dục.

Trong lĩnh vực đào tạo tiếng, từ năm 2003 Chính phủ Việt Nam quyết định đưa tiếng Nhật vào giảng dạy từ lớp 6 thông qua Đề án “Dạy thí điểm tiếng Nhật trong trường THCS và THPT Việt Nam” và chọn Trường THCS Chu Văn An làm trường đầu tiên để thực hiện thí điểm. Năm 2005, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đưa tiếng Nhật vào giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và mở chương trình đào tạo cử nhân ngành sư phạm tiếng Nhật để đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên tiếng Nhật có thể đảm nhận công việc giảng dạy tại các trường trung học, các trường cao đẳng và đại học, các trung tâm đào tạo ngoại ngữ. Hiện nay, đây vẫn là chương trình đào tạo cử nhân ngành Sư phạm tiếng Nhật duy nhất ở Việt Nam. Đến năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa tiếng Nhật trở thành một trong các ngoại ngữ được lựa chọn tổ chức thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học[5].

Năm 2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2051/QĐ-BGDĐT ngày 18/5/2011 về việc tiếng Nhật được giảng dạy ở các trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học[6]. Từ năm 2013, Đề án dạy và học tiếng Nhật trở thành một phần của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Năm 2016, Chính phủ Việt Nam đưa tiếng Nhật vào dạy thí điểm tại bậc tiểu học, bắt đầu từ lớp 3. Năm 2018, chương trình các môn ngoại ngữ 2 trong đó có tiếng Nhật được ban hành kèm theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, tiếng Nhật là môn học tự chọn, được tổ chức giảng dạy từ lớp 6 đến hết lớp 12. “Năm 2019, sau khi kết thúc chương trình thí điểm tiếng Nhật tại cấp tiểu học, tiếng Nhật được giảng dạy chính thức tại các trường tiểu học có nhu cầu và điều kiện. Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục tiếng Nhật ngoại ngữ 1. Tiếng Nhật - ngoại ngữ 1 là môn học được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12 và tuân thủ các quy định trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thời lượng dạy học môn học”[7].

Ngoài ra, dựa vào thỏa thuận hợp tác với các Sở Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam, Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản (JF) cũng cử các “cộng sự tiếng Nhật” là những tình nguyện viên người Nhật tới hỗ trợ các trường tiểu học và trung học đang giảng dạy tiếng Nhật. Họ có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng các giáo viên tiếng Nhật để nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Nhật tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Việt Nam, đồng thời, giới thiệu văn hóa Nhật Bản đến với học sinh nước được phái cử. Nhật Bản đã phái cử cộng sự tiếng Nhật đến nhiều nơi như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2019, Nhật Bản đã cử 224 cộng sự tiếng Nhật tới Việt Nam[8].

Ở Nhật Bản, một số trường đại học cũng đang đưa tiếng Việt vào giảng dạy. Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Đại học Osaka có chuyên ngành tiếng Việt. Đại học Ngoại ngữ Kanda, Đại học nữ Showa coi tiếng Việt là ngoại ngữ thứ hai và được giảng dạy song song với ngoại ngữ thứ nhất trong suốt thời gian học đại học. Đại học châu Á Thái Bình Dương, Đại học Daitobunka, Trường THPT Quốc tế Kanto, Tokyo giảng dạy tiếng Việt như một môn tự chọn[9]. Ngoài ra, khoa tiếng Việt tại một số trường như trường Đại học Ngoại ngữ Osaka, Đại học Ngoại ngữ Tokyo đều đã có những hiệp định, chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học ở Việt Nam như: Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học dân lập Phương Đông... Hàng năm các trường gửi sinh viên đi du học bằng kinh phí nhà nước cấp và ngược lại trường cũng cấp học bổng và miễn học phí cho sinh viên trường bạn, hoạt động này đã diễn ra liên tục trong rất nhiều năm qua. Họ sẽ có một năm học trao đổi tại các trường đại học Việt Nam. Tại trường Việt, sinh viên có thể trau dồi, thực hành tiếng Việt, tìm kiếm tài liệu phục vụ cho luận văn tốt nghiệp[10].

Trong lĩnh vực giáo dục đại học, sau đại học, Việt Nam đã có các chương trình học bổng có giá trị dành cho học sinh, sinh viên đi du học nói chung và du học tại Nhật Bản nói riêng để đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ như học bổng thuộc Đề án 322, học bổng thuộc Đề án 911 hoặc sắp tới là học bổng thuộc Đề án 89. Nhật Bản cũng tích cực thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục thông qua các dự án của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) như Chương trình phái cử tình nguyện viên, Dự án Hỗ trợ phát triển đào tạo đại học và sau đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Ngoài rất nhiều suất học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam như học bổng phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam (JDS), học bổng Chính phủ Nhật Bản (MEXT), Chính phủ Nhật Bản đã và đang rất tích cực xúc tiến hợp tác với Việt Nam thông qua những chương trình mang tính toàn cầu như chương trình JET, Jenesys, G30. Việc Nhật Bản và Việt Nam phối hợp tổ chức định kỳ Hội nghị Hiệu trưởng đại học Việt Nam - Nhật Bản cũng là một điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác về giáo dục giữa hai nước[11].

Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại nhiều nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này bao gồm: Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản giúp Việt Nam đào tạo 1.000 tiến sĩ cho Việt Nam đến năm 2020 (3/2008); Bản ghi nhớ về việc dạy tiếng Nhật tại Việt Nam (5/2013); Bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực (8/2013)[12]; Chương trình chiến lược về hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (3/2014); Bản thỏa thuận khung về giảng dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam (2/2016) và Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Tổng Cục Cảnh sát Nhật Bản về du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (10/2018)[13]. Nhật Bản cũng đang hợp tác với Việt Nam để nâng cấp bốn trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao gồm: Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Nông nghiệp Hà Nội[14].

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong một số dự án như dự án “Đào tạo nghề theo nhu cầu nhằm giảm nghèo tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Dự án này sử dụng nguồn vốn không hoàn lại của Quỹ Xóa đói giảm nghèo Nhật Bản (JFPR) thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và được thực hiện từ năm 2008 đến năm 2012 nhằm giúp người nghèo, người dân tộc thiểu số có thể tiếp cận các dịch vụ đào tạo nghề, tăng cường cơ hội tìm việc làm và tự tạo việc làm hướng tới việc giảm đói nghèo và giảm bớt khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc. Dự án được thực hiện tại 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng[15]. Dự án “Tăng cường lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản tại Việt Nam. Thông qua dự án, Chính phủ Nhật Bản đầu tư, cung cấp thiết bị đào tạo cho các nghề điện, điện tử và nghề cơ khí với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế của Nhật Bản tại 13 trường đại học và cao đẳng của Việt Nam. Phía JICA cũng đồng ý tài trợ cho dự án “Hợp tác kỹ thuật về giáo dục nghề nghiệp” sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong các trường cao đẳng nghề. Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã được chọn để nhân rộng mô hình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản[16].

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế, ngày 1/7/2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và tổ chức KOSEN đã ký biên bản ghi nhớ về việc tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác nhằm hướng tới việc áp dụng mô hình đào tạo KOSEN tại các trường cao đẳng của Việt Nam. Nội dung hợp tác bao gồm: thành lập Văn phòng đại diện KOSEN tại Việt Nam; triển khai chương trình đào tạo theo mô hình KOSEN cho hệ 3 năm và 5 năm tại các trường thí điểm; tập huấn ngắn hạn, dài hạn cho cán bộ quản lý, giáo viên về đào tạo theo mô hình KOSEN tại các trường KOSEN Nhật Bản và tại Việt Nam; trao đổi giáo viên, sinh viên; chuyển giao phương pháp giảng dạy, tài liệu giảng dạy theo mô hình KOSEN; thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa các trường đào tạo theo mô hình KOSEN và doanh nghiệp của hai nước[17]. Hiện nay, Văn phòng KOSEN đã được thành lập và tích cực tham gia vào các hội nghị, hội thảo của Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc đào tạo theo mô hình KOSEN. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với Bộ Công Thương và các trường được lựa chọn tổ chức thực hiện thí điểm đào tạo theo mô hình KOSEN, kết nối các trường này với các trường thuộc hệ thống KOSEN và các doanh nghiệp của Nhật Bản để cải tiến chương trình giảng dạy, xây dựng giáo trình; hoàn thiện cuốn “Sổ tay Hướng dẫn thiết kế chương trình theo mô hình KOSEN”[18].

3. Một số thành tựu cơ bản trong hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản

Trước năm 2000, hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản chỉ dừng lại ở các hoạt động giảng dạy tiếng Nhật và trao đổi giảng viên. Từ năm 2000 đến nay, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này bắt đầu phát triển mạnh và đạt được một số thành tựu cơ bản sau:

Trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Nhật, số lượng cơ sở dạy tiếng Nhật, giáo viên dạy tiếng Nhật và học viên học tiếng Nhật ở Việt Nam đã tăng lên rất nhiều. Năm 1998 Việt Nam chỉ có 31 cơ sở đào tạo tiếng Nhật với hơn 10.000 người học[19]. Đến năm 2018, Việt Nam có 818 đơn vị đào tạo tiếng Nhật (đứng thứ 7 trên thế giới), số giáo viên là 7.030 người (đứng thứ 3 trên thế giới)[20]. Số lượng học viên tiếng Nhật tại Việt Nam là 174.521 người (đứng thứ 6 thế giới), trong đó 31.271 người là sinh viên đại học, 26.239 người là học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở, 2.054 người là học sinh tiểu học, 114.957 học viên từ các trường tiếng và trung tâm đào tạo thực tập sinh[21]. Chỉ sau 20 năm, số cơ sở đào tạo tiếng Nhật tăng hơn 26 lần và số người học tăng lên hơn 17 lần, đặc biệt trong 3 năm từ 2015-2018 số lượng người học tăng khoảng 110.000 người, tăng nhiều nhất thế giới[22].

Tính đến tháng 1/2021, Việt Nam có 37 trường trung học phổ thông, 82 trường trung học cơ sở, 2 trường tiểu học dạy tiếng Nhật một cách chính thức. Ngoài ra, có một số trường dạy tiếng Nhật như môn ngoại khóa hoặc hoạt động câu lạc bộ[23].

Hiện nay, số người dự thi các kỳ thi năng lực tiếng Nhật rất đông. Chỉ riêng kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) năm 2019 đã có 78.318 thí sinh dự thi cả 2 đợt tháng 7 và tháng 12. Số liệu này cho thấy số người học tiếng Nhật tại Việt Nam tăng lên hằng năm và Việt Nam là quốc gia có nhiều người học tiếng Nhật muốn thông qua kết quả kỳ thi để du học Nhật Bản, xin việc và tu nghiệp tại Nhật Bản[24].

Hình 1: Số người học tiếng Nhật ở Việt Nam

Hợp tác giáo dục Việt Nam - Nhật Bản từ năm 2000 đến nay

Nguồn: Quỹ Giao lưu Nhật Bản

Theo số liệu điều tra về sinh viên nước ngoài đang theo học tại Nhật Bản do tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO) đã công bố, tính đến thời điểm ngày 1/5/2018 tổng số du học sinh người Việt tại Nhật là 72.354 người, tăng 17,3% so với năm 2017, chiếm 24,2% tổng số du học sinh tại Nhật (năm 2017 là 23,1%). Cũng giống như năm trước, so với các nước và khu vực số du học sinh người Việt Nam tại Nhật đứng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc (114.950 người, chiếm 38,4%). So với các nước và khu vực, số du học sinh Việt Nam theo học tại các trường bậc đại học trở lên là 42.083 người, tăng 18,6% so với năm 2017, chiếm 20,1% tổng số du học sinh theo học tại các trường bậc đại học trở lên ở Nhật Bản, đứng vị trí số 2 trong số các nước trên thế giới có du học sinh đại học tại Nhật Bản. Ngoài ra tại các trường đào tạo tiếng Nhật (ngoại trừ các trường đào tạo chuyên môn), số lượng người học tăng từ 26.182 lên 30.271 người và vượt qua Trung Quốc (28.511 người), chiếm vị trí số 1 trên thế giới[25]. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, tổng số du học sinh nói chung và số du học sinh Việt Nam nói riêng ở Nhật Bản đã giảm mạnh. Tính đến 1/5/2021, tổng số du học sinh ở Nhật Bản là 242.444 người, giảm 13,3% so với năm 2020, trong đó số du học sinh Việt Nam là 49.469 người, giảm 20,5%[26] chiếm 20,4% tổng số du học sinh tại Nhật Bản, song vẫn đứng vị trí thứ hai sau Trung Quốc[27]. Số du học sinh Việt Nam theo học tại các trường bậc đại học trở lên là 38.592 người[28], tại các trường đào tạo tiếng Nhật là 10.877 người[29].

4. Một số khuyến nghị

Từ thực trạng và thành tựu hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản, bài viết đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam để tăng cường quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Thứ nhất, Việt Nam cần tăng cường đào tạo đội ngũ giảng viên tiếng Nhật. Nhật Bản có một môi trường giáo dục hiện đại, chất lượng cao nên ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên muốn đi du học Nhật Bản, vì thế học tiếng Nhật là điều cần thiết. Trong việc đào tạo tiếng Nhật, đội ngũ giảng viên đóng vai trò quan trọng, cần phải cố gắng đào tạo và bồi dưỡng để không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên. Ngoài việc trau dồi về năng lực chuyên môn, cần đầu tư về phương pháp giảng dạy và kinh nghiệm thực tế để có thể thực hiện có hiệu quả những chương trình giáo dục hợp tác với Nhật Bản. Các hội thảo chuyên đề giữa các trường đại học của Việt Nam và Nhật Bản cần được tổ chức thường xuyên hơn để các giảng viên, giáo viên hai nước có thể trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, các trường Việt Nam cũng liên kết với các trường Nhật Bản để đưa giảng viên đi đào tạo ở Nhật Bản nhằm giúp giảng viên nâng cao kỹ năng chuyên môn, học hỏi phương pháp giảng dạy của Nhật Bản và có cơ hội thực tiễn trong môi trường tiếng Nhật.

Thứ hai, cần thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu giữa sinh viên, học sinh Việt Nam và Nhật Bản cũng như liên kết với các trường Nhật Bản để đưa học sinh, sinh viên sang Nhật Bản trao đổi, giúp họ tiếp xúc với môi trường giáo dục Nhật Bản. Đồng thời tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn để giới thiệu, quảng bá về đất nước Nhật Bản cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ học sinh, sinh viên trong việc cập nhật các thông tin về học bổng; tổ chức các buổi hội thảo tư vấn học bổng chính phủ Nhật Bản và các học bổng khác; trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng học tập, sinh hoạt tại Nhật Bản.

Thứ ba, các trường có giảng dạy tiếng Nhật hoặc liên kết với Nhật Bản nên tổ chức các buổi ngoại khóa, giao lưu với doanh nghiệp Việt - Nhật, tổ chức các buổi tham quan, vừa học vừa làm tại doanh nghiệp Nhật Bản, mời những cựu sinh viên, chủ doanh nghiệp hoặc giảng viên nước ngoài đến nói chuyện về việc học, việc làm ở Nhật Bản để học sinh, sinh viên có thể định hướng trong tương lai. Các trường học, nhất là bậc cao đẳng và bậc đại học cần tăng cường quan hệ với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản để giúp sinh viên có cơ hội cọ xát với môi trường làm việc thực tế; đồng thời, phản hồi những thông tin về chất lượng đào tạo của các trường.

Thứ tư, các trường của Nhật Bản thường có cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến, trong khi cơ sở vật chất của các trường Việt Nam thường lạc hậu, yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế về giáo dục. Vì thế, cần phải đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là công nghệ thông tin để bắt kịp với trình độ giáo dục của quốc tế nói chung, Nhật Bản nói riêng. Các trường cũng cần xây dựng thư viện sách, thư viện online hoặc tổ chức hội sách hàng năm về Nhật Bản học, Đông phương học để các bạn học sinh, sinh viên tiếp cận với kho tri thức về Nhật Bản, có cơ hội tìm hiểu sâu về văn hóa, kinh tế, giáo dục Nhật Bản. Ngoài ra, các trường nên mở các phòng tự học với trang thiết bị đầy đủ để khuyến khích học sinh, sinh viên tự học, đồng thời đây cũng là nơi học tập, trao đổi nhóm hiệu quả ngoài giờ học trên lớp cho học sinh, sinh viên.

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hiện nay đã bước sang một giai đoạn mới ở tầm vóc đối tác chiến lược toàn diện, trong đó, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đầu tư phát triển về con người đã trở thành một trong những trụ cột chính trong quan hệ song phương giữa hai nước. Từ năm 2000 đến nay, hợp tác giáo dục Việt Nam - Nhật Bản ngày càng toàn diện, bước sang giai đoạn mới về chất lượng và có chiều sâu trên nhiều khía cạnh (trao đổi sinh viên, giảng viên; đào tạo tiếng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, viện trợ ODA cho giáo dục với những dự án trọng điểm...). Nhật Bản là một đối tác có thể đáp ứng những yêu cầu phục vụ cho mục tiêu giáo dục của nước ta. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gắn kết trong mối quan hệ giáo dục lâu dài giữa hai nước.

Mặc dù vẫn còn tồn tại một số vấn đề khó khăn trong hợp tác giáo dục Việt Nam - Nhật Bản, nhưng nhìn chung, cả hai nước đều đã đạt được những thành công và lợi ích nhất định. Quan hệ Việt – Nhật nói chung cũng như hợp tác  trên lĩnh vực giáo dục nói riêng đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục cố gắng hơn nữa để hợp tác giáo dục Việt Nam - Nhật Bản bước sang một giai đoạn phát triển mới theo hướng thực chất, hiệu quả hơn, gặt hái được nhiều thành tựu rực rỡ hơn vì lợi ích của cả hai bên, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Duy Dương, “Tình hình giảng dạy tiếng Việt trong các trường Đại học ở Nhật Bản”, Khoa Việt Nam học - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, http://www.vns.edu.vn/index. php/vi/nghien-cuu/viet-nam-hoc-quoc-te/1328-tinh-hinh-giang-day-tieng-viet-trong-cac-truong-dai-hoc-o-nhat-ban.

2. “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-ix/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-2001-2010-1543.

3. “Giáo dục tiếng Nhật ở bậc phổ thông tại Việt Nam: Những dấu mốc quan trọng được nhìn lại qua Diễn đàn giáo viên tiếng Nhật phổ thông Việt Nam lần thứ nhất (JLTF 2021)”, Viện nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục, https://clef.vn/vi/goc-giao-duc/giao-duc-tieng-nhat-o-bac-pho-thong-tai-viet-nam-nhung-dau-moc-quan-trong-duoc-nhin-lai-qua-dien-dan-giao-vien-tieng-nhat-pho-thong-viet-nam-lan-thu-nhat-jltf-2021.html.

4. “Hợp tác giáo dục Việt Nam – Nhật Bản”, Trung tâm đào tạo & giao lưu Việt – Nhật (VJEEC), http://vjeec.vn/portal/index.php/vi-vn/giao-duc.

5. Lưu Thị Thu Thúy (2008), “Học tiếng Việt tại Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3/2008, trang 15-23.

6. “Thủ tướng Nhật Bản: Đại học Việt Nhật là ví dụ tốt cho hợp tác đào tạo nguồn nhân lực”, Bộ Giáo dục & Đào tạo, https://moet.gov. vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7007.

7. Japan Foundation (2020), “Survey on Japanese-Language Education Abroad”, Japan Foundation, https://www.jpf.go.jp/j/project/ japanese/survey/result/dl/survey2018/Report_all_e.pdf.

8. Japan Student Services Organization (2022), “Result of International Student Survey in Japan 2021”, Japan Student Services Organization, https://www.studyinjapan.go.jp/ en/_mt/2022/03/date2021z_e.pdf.

 

 


[1] Nghiên cứu sinh Khoa Quốc tế học, Trường Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] “Japan”, U.S. News & World Report, https://www. usnews.com/news/best-countries/japan.

[3] “Vietnam”, U.S. News & World Report, https://www. usnews.com/news/best-countries/vietnam.

[4] “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://tulieu vankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-ix/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-2001-2010-1543.

[5] “Giáo dục tiếng Nhật ở bậc phổ thông tại Việt Nam: Những dấu mốc quan trọng được nhìn lại qua Diễn đàn giáo viên tiếng Nhật phổ thông Việt Nam lần thứ nhất (JLTF 2021)”, Viện nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục, https://clef.vn/vi/goc-giao-duc/giao-duc-tieng-nhat-o-bac-pho-thong-tai-viet-nam-nhung-dau-moc-quan-trong-duoc-nhin-lai-qua-dien-dan-giao-vien-tieng-nhat-pho-thong-viet-nam-lan-thu-nhat-jltf-2021.html.

[6] “Bộ Giáo dục và Đào tạo nói về kế hoạch thí điểm dạy tiếng Nga và Trung Quốc từ lớp 3”, Nhân dân, https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/bo-gd-dt-noi-ve-ke-hoach-thi-diem-day-tieng-nga-va-trung-quoc-tu-lop-3-273406.

[7] “Giáo dục tiếng Nhật ở bậc phổ thông tại Việt Nam: Những dấu mốc quan trọng được nhìn lại qua Diễn đàn giáo viên tiếng Nhật phổ thông Việt Nam lần thứ nhất (JLTF 2021)”, Viện nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục, https://clef.vn/vi/goc-giao-duc/giao-duc-tieng-nhat-o-bac-pho-thong-tai-viet-nam-nhung-dau-moc-quan-trong-duoc-nhin-lai-qua-dien-dan-giao-vien-tieng-nhat-pho-thong-viet-nam-lan-thu-nhat-jltf-2021.html.

[8] Thành Hữu, ““Cộng sự tiếng Nhật”: Giúp học sinh Việt Nam hiểu về Nhật Bản hơn”, Tạp chí Thời Đại, https://thoidai.com.vn/cong-su-tieng-nhat-giup-hoc-sinh-viet-nam-hieu-ve-nhat-ban-hon-81128.html.

[9] Bùi Duy Dương, “Tình hình giảng dạy tiếng Việt trong các trường Đại học ở Nhật Bản”, Khoa Việt Nam học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, http://www.vns.edu.vn/index.php/vi/nghien-cuu/viet-nam-hoc-quoc-te/1328-tinh-hinh-giang-day-tieng-viet-trong-cac-truong-dai-hoc-o-nhat-ban.

[10] Lưu Thị Thu Thủy (2008), “Học tiếng Việt tại Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3/2008, tr. 15-23.

[11] “Hợp tác giáo dục Việt Nam – Nhật Bản”, Trung tâm đào tạo & giao lưu Việt – Nhật (VJEEC), http://vjeec.vn/portal/index.php/vi-vn/giao-duc.

[12] “Việt Nam hiện có hơn 51.000 lưu học sinh tại Nhật Bản”, VOV, https://vov.vn/xa-hoi/viet-nam-hien-co-hon-51000-luu-hoc-sinh-tai-nhat-ban-post940252.vov.

[13] Thủ tướng Nhật Bản: Đại học Việt Nhật là ví dụ tốt cho hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục & Đào tạo, https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?Item ID=7007.

[14] “Việt Nam hiện có hơn 51.000 lưu học sinh tại Nhật Bản”, VOV, https://vov.vn/xa-hoi/viet-nam-hien-co-hon-51000-luu-hoc-sinh-tai-nhat-ban-post940252.vov.

[15] “Quyết định 388/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Quy chế quản lý thực hiện Dự án "Đào tạo nghề theo nhu cầu nhằm giảm nghèo tại Đồng bằng sông Cửu Long””, https://thuvienphapluat. vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Quyet-dinh-388-QD-LDTBXH-Quy-che-quan-ly-thuc-hien-Du-an-Dao-tao-nghe-121322.aspx.

[16] “Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản”, http://gdnn.gov.vn/AIA dmin/News/View/tabid/66/newsid/38559/seo/QUAN-HE-HOP-TAC-TRONG-LINH-VUC-GIAO-DUC-NGHE-NGHIEP-GIUA-VIET-NAM-VA-NHAT-BAN/Default. aspx.

[17] “Ký kết Biên bản ghi nhớ về việc tiếp tục các hoạt động hợp tác nhằm hướng tới áp dụng mô hình đào tạo Kosen tại Việt Nam”, http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/ News/View/ tabid/66/newsid/37245/seo/Ky-ket-Bien-ban-ghi-nho-ve-viec-tiep-tuc-cac-hoat-dong-hop-tac-nham-huong-toi-ap-dung-mo-hinh-dao-tao-Kosen-tai-Viet-Nam/Default.aspx.

[18] “Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản”, Tlđd.

[19] Phương Lan, “Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về số người học tiếng Nhật”, VOV2, https://vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/viet-nam-dung-thu-6-the-gioi-ve-so-nguoi-hoc-tieng-nhat-31029.

[20] “Tốc độ tăng số người học tiếng Nhật của Việt Nam đứng đầu thế giới”, Đề án ngoại ngữ quốc gia, http://ngoainguquocgia.moet.gov.vn/toc-do-tang-so-nguoi-hoc-tieng-nhat-cua-viet-nam-dung-dau-the-gioi-1704905.html.

[21] Japan Foundation (2020), “Survey on Japanese-Language Education Abroad”, trang 80-81, https://www.jpf.go.jp/j/project/japanese/survey/result/dl/survey2018/Report_all_e.pdf.

[22] Phương Lan, “Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về số người học tiếng Nhật”, Tlđd.

[23] “Giáo dục tiếng Nhật ở bậc phổ thông tại Việt Nam: Những dấu mốc quan trọng được nhìn lại qua Diễn đàn giáo viên tiếng Nhật phổ thông Việt Nam lần thứ nhất (JLTF 2021)”, Viện nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục, https://clef.vn/vi/goc-giao-duc/giao-duc-tieng-nhat-o-bac-pho-thong-tai-viet-nam-nhung-dau-moc-quan-trong-duoc-nhin-lai-qua-dien-dan-giao-vien-tieng-nhat-pho-thong-viet-nam-lan-thu-nhat-jltf-2021.html.

[24] Phương Lan, “Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về số người học tiếng Nhật”, Tlđd.

[25] “Tốc độ tăng số người học tiếng Nhật của Việt Nam đứng đầu thế giới”, Đề án ngoại ngữ quốc gia, http://ngoainguquocgia.moet.gov.vn/toc-do-tang-so-nguoi-hoc-tieng-nhat-cua-viet-nam-dung-dau-the-gioi-1704905.html.

[26] “Result of International Student Survey in Japan, 2021”, Study in Japan, https://www.studyinjapan.go.jp/en/ statistics/zaiseki/data/2021.html.

[27] Japan Student Services Organization (2022), Result of International Student Survey in Japan 2021”, Japan Student Services Organization, pp. 4, https://www. studyinjapan.go.jp/en/_mt/2022/03/date2021z_e.pdf.

[28] Japan Student Services Organization (2022), Tlđd, tr. 13.

[29] Japan Student Services Organization (2022), Tlđd, tr. 20.

 

0thảo luận