Hạ Thị Lan Phi1
Tóm tắt: Sang những năm 1980, manga Nhật Bản đã phát triển đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật biểu hiện, lẫn sự đa dạng về chủng loại, phong phú về nội dung. Sự pha trộn giữa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại, giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây, cùng với công nghệ hiện đại đã tạo nên một loại hình văn hóa đại chúng đặc sắc của Nhật Bản. Song cũng chính vì sự đa dạng cả về nội dung, chủ đề, hình thức thể hiện mà manga đã chứa đựng cả trong đó sự “hỗn tạp”, sự tiêu cực và thiếu chuẩn mực. Nguyên nhân của nhiều vụ án hình sự, nhiều hành vi phạm tội được cho là có liên quan đến việc đọc manga. Nội dung bài viết đề cập loại hình “manga độc hại” được cho là có những ảnh hưởng tiêu cực đến sự trưởng thành của thế hệ thanh, thiếu niên và những nỗ lực của chính phủ và các tổ chức, ban ngành liên quan ở Nhật Bản trong việc quản lý loại hình ấn phẩm này.
Từ khóa: Văn hóa, manga, truyện tranh, manga độc hại, Nhật Bản
1. Khái niệm “Manga độc hại” [1]
Cụm từ “manga độc hại” (有害マンガ/Manga có hại) được sách, báo, các phương tiện truyền thông chính thống chính thức sử dụng vào cuối những năm 1980. Trước đó, những cuốn manga bị coi là có ảnh hưởng không lành mạnh đến sự phát triển của trẻ được xếp chung vào loại hình “ấn phẩm độc hại”. Khái niệm “ấn phẩm độc hại” đối với trẻ vị thành niên được ghi rõ trong Pháp lệnh Nuôi dưỡng thanh, thiếu niên lành mạnh ban hành năm 1964 của thành phố Tokyo, đó là: “Bất kì tư liệu nào gây nguy hại cho sự phát triển lành mạnh của thanh thiếu niên với nội dung kích thích về mặt tình dục, khuyến khích hành vi tàn bạo, hoặc thúc đẩy tự sát hay các hành vi phạm pháp” đều là những ấn phẩm có hại đối với trẻ vị thành niên.
Vào tháng 12/2010, pháp lệnh này đã được sửa đổi và bổ sung các quy định về “manga và anime có hại”, như sau: “Manga, anime, hay tranh ảnh (bao gồm cả hình vẽ) có hình ảnh miêu tả các hành vi tình dục hay giả tình dục mà ngoài đời coi là phạm pháp, hay các hành vi tình dục hoặc giả tình dục giữa những người có quan hệ họ hàng gần mà luật kết hôn qui định là bất hợp pháp... được miêu tả một cách “ca ngợi hay cường điệu một cách vô lý”, và “mô tả bất kì tư thế gợi dục nào, trong tình trạng khỏa thân hoặc bán khỏa thân, hoặc mặc đồ bơi hay đồ lót, được miêu tả trong sách báo hoặc phim ảnh của trẻ dưới 13 tuổi, hình ảnh có thể đem lại tâm lý lạm dụng tình dục vị thành niên (khiến trẻ em trở thành đối tượng của ham muốn tình dục) đều là Manga có hại[2].
Như vậy, theo quy định trong Pháp lệnh Nuôi dưỡng thanh, thiếu niên lành mạnh của thành phố Tokyo năm 2010, thì manga có ảnh hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên thường được gọi tắt là “manga độc hại” chứa đựng những đặc điểm sau: (1) là những manga có nội dung kích thích về mặt tình dục, khuyến khích hành vi tàn bạo, hoặc thúc đẩy tự sát hay các hành vi phạm pháp; (2) có hình ảnh miêu tả các hành vi tình dục hay giả tình dục mà ngoài đời coi là phạm pháp, hay các hành vi tình dục hoặc giả tình dục giữa những người có quan hệ họ hàng gần mà luật kết hôn quy định là bất hợp pháp... được miêu tả một cách “ca ngợi hay cường điệu một cách vô lý”; (3) mô tả bất kì tư thế gợi dục nào, trong tình trạng khỏa thân hoặc bán khỏa thân, hoặc mặc đồ bơi hay đồ lót của trẻ dưới 13 tuổi, hình ảnh có thể đem lại tâm lý lạm dụng tình dục vị thành niên (khiến trẻ em trở thành đối tượng của ham muốn tình dục). Hay có thể tóm tắt lại là “manga có hại” chứa đựng những nội dung sau: (1) gây ra những kích thích cảm xúc tình dục, (2) khuyến khích sự bạo lực mang tính tàn bạo, (3) kích thích sự tự tử hoặc phạm tội, (4) có ý nhằm làm tổn thương về mặt tinh thần và cơ thể của thanh, thiếu niên.
2. Phong trào phản đối manga trong xã hội Nhật Bản
Ngay từ những năm 1950, khi nền công nghiệp manga ở Nhật Bản mới hình thành thì đã có những tác phẩm manga bị đưa vào danh sách những “ấn phẩm xấu”, có ảnh hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên. Ở thời kỳ này, đã nổi lên phong trào “dọn những cuốn sách xấu” do Hội Bảo vệ trẻ em, Hiệp hội các bà mẹ và Hội Cha mẹ học sinh” (viết tắt là PTA) phát động. Rất nhiều cuốn sách được thanh lọc, tập trung lại và đốt ngay tại sân các trường học. Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 ở hai tỉnh Fukuoka và Mie đã dấy lên làn sóng phản đối hình ảnh miêu tả về thầy, trò trong quyển manga có tiêu đề Shameless School (ハレンチ学園) và những hình ảnh miêu tả cảnh quan hệ tình dục trong manga Bài hát Aporo (アポロの歌) của Osamu Tezuka. Hai tác phẩm manga này đã bị lên án gay gắt và cấm phát hành ở hai tỉnh này. Năm 1976, Iyahaya Minamimoto (イヤハヤ南友 ) của họa sĩ Nagai Takesshi, Gaki deka (がきデカ) của họa sĩ Yamaue Datsuhiko cũng bị đưa vào danh sách những “ấn phẩm độc hại”, Hội Phụ nữ Nhật Bản đã gửi đơn và danh sách này lên Hội đồng địa phương và đưa ra yêu cầu chính quyền cần ban hành pháp lệnh đối với những manga miêu tả về giới tính, về quan hệ tình dục và bạo lực có ảnh hưởng xấu đối với sự phát triển của thanh, thiếu niên.
Sang những năm 1980, thị trường manga ở Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng manga phát hành và cả chất lượng của tác phẩm. manga đã không còn là loại hình ấn phẩm giải trí dành cho trẻ em, mà đã hướng tới mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp bạn đọc, không còn đơn thuần là một loại hình văn hóa giải trí đại chúng, phản ánh đời sống xã hội, văn hóa đương thời, mà nó đã đạt đến một tầm vóc giá trị hơn, trở thành một hình thức nghệ thuật ngang bằng với văn học và nghệ thuật thị giác, có giá trị về mặt phê bình nghệ thuật và nghiên cứu hàn lâm, manga đã góp phần tạo nên một cộng đồng văn hóa Otaku (cộng đồng yêu thích Manga). Tuy nhiên, hiện tượng đam mê manga trong giới trẻ đã dẫn đến hiện tượng yêu thích một cách quá khích, mất kiểm soát và đã gây ra những chấn thương tinh thần cho giới trẻ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, khi một đứa trẻ có tâm hồn yếu đuối lại ham thích manga và anime, sẽ càng trở nên yếu đuối và dễ bị tổn thương hơn, điển hình như “hội chứng Hikikomori”, một bệnh lý tinh thần và tâm lý của thế hệ trẻ nước Nhật ngày nay. Những người mắc hội chứng này đã từ chối mọi tiếp xúc với xã hội, chìm đắm trong thế giới ảo của manga, anime và máy tính. Tuy nguyên nhân dẫn đến hội chứng Hikikomori không chỉ do đọc Manga, mà nó còn là hệ quả của những áp lực xã hội khi đòi hỏi con người phải thành đạt quá sớm, nhưng nguyên nhân của nhiều vụ án phạm tội hình sự không thể phủ nhận có sự đóng góp của manga, như sự kiện ngày 26 tháng 3 năm 2007, khi thi thể nữ giáo viên người Anh có tên Lindsay Ann được tìm thấy trong một bồn tắm được đổ đầy cát trên ban công tầng bốn của một căn hộ tại Tokyo. Nghi can Ichihashi (28 tuổi), là một Hikikomori – một người sống tách biệt thế giới bên ngoài, suốt ngày giam mình trong một căn phòng nhỏ. Khi khám xét nơi ở của Ichihashi, cảnh sát đã thu được rất nhiều manga 18+, manga bạo lực và cách giết cô gái cũng được xác nhận là mô phỏng lại một trong những cuốn manga bạo lực được tìm thấy trong phòng Ichihashi.
Chính sự đa dạng cả về nội dung, chủ đề, hình thức thể hiện như đã nêu ở trên mà manga đã chứa đựng cả trong đó sự “hỗn tạp”, sự tiêu cực và thiếu chuẩn mực. Những năm 1980 cũng là những năm bùng nổ thể loại manga ero (manga tình dục) và manga Lolicom (viết tắt của từ Lolita Complex), nhân vật chính trong thể loại Manga này là các bé gái xinh xắn, dễ thương có độ tuổi từ 9 đến 14 tuổi. Đối tượng bạn đọc mà thể loại manga này hướng tới mặc dù không phải là thanh, thiếu niên mà là nam giới ở độ tuổi trung niên, nhưng sự thành công của nó đã dẫn đến mặt trái của xã hội là tệ nạn quan hệ tình dục và phạm tội với các bé gái vị thành niên ở Nhật Bản tăng cao. Chính vì vậy, hai thể loại manga này đã bị Hội Cha mẹ học sinh, các bậc phụ huynh và những người giám hộ trẻ vị thành niên ở Nhật Bản phản đối kịch liệt. Vào năm 1989, ở Tokyo xảy ra sự kiện bắt cóc, giết người hàng loạt, đối tượng bị giết là 4 bé gái có lứa tuổi từ 4 – 7 tuổi, thủ phạm được xác định là Miyazaki Tsutomu. Khi khám xét chỗ ở của Tsutomu Miyazaki cảnh sát đã phát hiện ra một số lượng lớn khoảng 5.763 cuộn băng video anime, phim người lớn, kinh dị và băng video anime mô tả quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên. Hơn nữa, thủ phạm còn là một Otaku, một người hâm mộ (fans) Manga và đang tham gia trên các diễn đàn của tạp chí manga Doujinsha, tạp chí dành cho những người hâm mộ Manga. Miyazaki bị bắt vào tháng 8/1989, bị kết án tử hình vào tháng 7/1997, với kết luận là phạm tội giết người hàng loạt do khiếm khuyết về nhân cách. Sự kiện này đã làm “chấn động” toàn Nhật Bản, nó khiến cho vấn đề manga và ảnh hưởng tiêu cực của nó đến xã hội lại được đưa ra bàn thảo sôi nổi hơn bao giờ hết.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho rằng, mối liên hệ giữa tội phạm tình dục và truyền thông đã được các cơ quan chính phủ Mỹ quan tâm nghiên cứu trong nhiều năm, việc tiếp xúc với ấn phẩm khiêu dâm sẽ tạo nên sự ức chế, có thể sẽ dẫn đến các hành động quan hệ giới tính thực tế nhằm thỏa mãn các ức chế, từ đó dẫn đến khuynh hướng phạm tội (ấn phẩm khiêu dâm à ức chế tình dục à thỏa mãn tình dục). Tuy không phải bất kì ai tiếp xúc với ấn phẩm khiêu dâm cũng trở nên phạm tội, nhưng vì một môi trường lành mạnh để nuôi dưỡng thanh, thiếu niên nên đòi hỏi cần phải có các quy chế quản lý Manga độc hại.
Vào năm 1989, tổ chức đoàn thể của cư dân sinh sống tại Kansai đã lên tiếng phản đối và đề nghị nhà xuất bản Shogakan ngừng xuất bản manga Ma Q Taro (オバケのQ太郎) và 150 tập Liên hợp Ma quốc tế của Fujio Fujiko. Từ những năm 1990, cùng với các tờ báo nổi tiếng như Asahi Shimbun,… đã có nhiều nghiên cứu thực chứng về ảnh hưởng của tranh ảnh, sách báo, băng, đĩa khiêu dâm đến thanh, thiếu niên. Tờ báo địa phương Kishu Shimpo của tỉnh Wakayama còn đăng bức thư của các bà nội trợ ở thành phố Tanabe đề nghị “các cơ quan chính phủ có biện pháp và qui chế đối với việc thái quá của các ấn phẩm”. Vào năm 1991, Hội đồng chỉ đạo Quốc gia về trẻ vị thành niên (1991) đã tiến hành khảo sát nghiên cứu “Vấn đề của cảnh sát, trẻ vị thành niên và các đối sách đối với môi trường độc hại”. Kết quả khảo sát 608 quyển manga, thì khoảng 50% miêu tả về tình dục, khoảng 80% mô tả sâu về các hành vi tình dục, báo cáo nghiên cứu đã đưa ra kết luận những cuốn sách đó có hại đối với thanh, thiếu niên và nhấn mạnh thời kỳ này đã xuất hiện các tội phạm bị ảnh hưởng từ Manga. Vào năm 1997 - 1998, Viện Nghiên cứu Khoa học Cảnh sát đã tiến hành điều tra, nghiên cứu các tội phạm có liên quan đến cưỡng hiếp, quấy rối tình dục, tấn công người khác liên quan đến vấn đề giới tính. Kết quả thu được là 33% tội phạm được hỏi có câu trả lời là: “xem phim AV, bản thân muốn làm những điều tương tự như trong phim”, trong đó 46% số tội phạm đang ở lứa tuổi vị thành niên[3].
Năm 1993, Cục Nội vụ đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, kết quả thu được là nhiều ý kiến cho rằng: bản thân chấp nhận vấn đề mua bán dâm; chấp nhận các hành vi trốn học, lười học, ngủ qua đêm bên ngoài khi chưa được cho phép, xem manga khiêu dâm; số học sinh cho rằng “Manga khiêu dâm là một nguồn thông tin”, “bị kích thích bởi manga khiêu dâm” chiếm 33%[4].
Trong kết quả khảo sát các loại hình truyền thông có ảnh hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên, thì “các nội dung trong tạp chí, truyện manga, video” đứng vị trí thứ 20 (chiếm 1%). Đối với câu hỏi “Có tạp chí, truyện manga nào không muốn cho con xem không?” thì có 60,1% phụ huynh học sinh tiểu học, 55,4% học sinh trung học cơ sở trả lời là “có”. Các lý do được đưa ra là nội dung có nhiều yếu tố “phá thai dễ dãi và quan hệ tình dục thô tục”, “miêu tả bạo lực tình dục, như hiếp dâm... với cái nhìn tích cực”, “tống tiền bị bắt nạt”… Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này cho thấy có rất nhiều thể loại manga có nội dung không phù hợp với lứa tuổi thanh, thiếu niên. Vào tháng 10/2009, Hội phụ huynh học sinh trên toàn Nhật Bản tiến hành khảo sát trước khi trình sửa đổi năm 2010[5]. Kết quả đã nhận được câu trả lời từ 3.624 người là cha mẹ của các em học sinh lớp năm tiểu học và lớp 2 trung học cơ sở (tương đương lớp 7 của Việt Nam), tỷ lệ trả lời đạt 75,5%. Phạm vi khảo sát giới hạn là “Những ảnh hưởng của tạp chí và truyện Manga đến học sinh phổ thông”. 47,6% lựa chọn câu hỏi đánh giá “Cần hiển thị lứa tuổi một cách tích cực và có quy chế quản lý cây bán sách độc hại tự động”. 45,2% lựa chọn “Vận động các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ, các nhà sách, hiệu sách phân loại và phân khu trưng bày riêng”. 24,9% lựa chọn “Yêu cầu có quy chế riêng của từng địa phương”. 11,3% lựa chọn “Mở rộng phạm vi qui định đối với Manga có hại”[6]. Làn sóng phản đối ấn phẩm độc hại của các bà mẹ ở giai đoạn này còn lan rộng thành một phong trào “Bảo vệ con trẻ trước manga”. Hội phụ huynh khắp nơi đều nhất trí lên án tạp chí manga dành cho thiếu niên mang tên Shonen Jump và ngay cả những bộ manga có tên tuổi như Dragon Ball cũng bị liệt vào những manga có nội dung quá bạo lực.
3. Quản lý “manga độc hại” ở Nhật Bản hiện nay
3.1. Một số quy định hiện hành
Theo Nagaoka thì “quy chế đối với những ấn phẩm có hình ảnh như Manga thường có hai cách phân loại chính, đó là có khiêu dâm hay không khiêu dâm và có hại với thanh, thiếu niên hay không có hại”[7]. Căn cứ vào cách phân loại như vậy thì hiện nay ở Nhật Bản đã có những điều luật liên quan đến quy chế đối với loại hình ấn phẩm này, đó là:
+ Điều 175, Luật Hình sự về việc sáng tác, phân phối các tài liệu khiêu dâm. Điều này đã ghi rõ những quy định: (1) nhà phân phối và tàng trữ manga khiêu dâm sẽ bị sử phạt 2 năm tù và 2,5 triệu yên. Đối với trường hợp kinh doanh trên mạng cũng bị sử phạt tương tự; (2) đối với người sáng tác, nếu miêu tả lại các hành vi quan hệ tình dục và các hành vi gần với quan hệ tình dục với trẻ em sẽ bị phạt tù từ 1 đến 3 năm và nộp mức tiền phạt cao nhất là 3 triệu yên; (3) đối với “thông tin độc hại” trên mạng internet phải có quy đinh kiểm duyệt, hạn chế và xử lý. Các bộ, cục và địa phương, thực thi các quy chế, có các văn bản hướng dẫn cụ thể những quy chế liên quan đến manga.
+ Luật Kinh doanh Viễn thông, năm 2006, Văn phòng Nội các của Thủ tướng Abe Shinro đã đưa ra đề án “Pháp lệnh liên quan đến việc phòng chống các thông tin có hại đối với thanh, thiếu niên trên internet”, nhằm hạn chế các thông tin ảnh hưởng xấu đến sự hình thành các giá trị quan của thanh, thiếu niên. Pháp lệnh đã qui định rõ các thông tin mang nội dung khiêu dâm, quan hệ tình dục, tự sát, tội phạm;… thông tin dẫn đến các hành động nguy hiểm về tinh thần và thể chất (ma túy và hành vi tự gây thương tích), các thông tin về sự bắt nạt trong thanh, thiếu niên, bỏ nhà… là những thông tin độc hại. Trong bản đề án yêu cầu các có quan cấp Bộ, tỉnh, thành phố, các đảng phái thành lập “Ủy ban nuôi dưỡng thanh, thiếu niên trong môi trường lành mạnh”, thường xuyên kiểm tra các công ty kinh doanh trang mạng, điện thoại di động… thanh lọc, dỡ bỏ, hạn chế thanh, thiếu niên truy cập các trang đăng tải các thông tin độc hại. Đưa ra các mức xử phạt kèm theo, như: trường hợp công ty nào vi phạm dưới 6 tháng sẽ xử phạt tù và phạt tiền 1 triệu yên. Tất cả những điều này đã được luật pháp hóa trong “Luật về việc duy trì một môi trường an toàn cho thanh, thiếu niên sử dụng mạng internet”[8], công bố tháng 6/2008.
+ Quy định dán nhãn rating: năm 1991, bốn tập đoàn xuất bản (Hiệp hội Tạp chí Nhật Bản, Hiệp hội Các nhà xuất bản sách Nhật Bản, Hiệp hội cơ quan xuất bản Nhật Bản, Liên đoàn Các nhà kinh doanh sách Nhật Bản), thống nhất trong việc dán nhãn mác manga 18+ cho sách và tạp chí Manga dành cho người lớn, những loại sách dán nhãn này cấm bán cho trẻ vị thành niên.
+ Pháp lệnh nuôi dưỡng trẻ em trong môi trường lành mạnh của thành phố Tokyo, năm 2010, chính quyền Thành phố Tokyo ban hành điều luật sửa đổi liên quan đến việc nuôi dưỡng trẻ em trong môi trường lành mạnh. Sửa đổi điều luật đã gặp phải sự phản đối của rất nhiều tổ chức và hiệp hội trên toàn nước Nhật. Điển hình là các doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp văn hóa đại chúng, như: công ty xuất bản, công ty sản xuất anime, công ty sản xuất game,… Hầu hết tổng công ty sản xuất và phân phối các sản phẩm trên đều tập trung tại thành phố Tokyo, cho nên sự phản đối này đã nhanh chóng trở thành các sự kiện mang tính thời sự của toàn Nhật Bản trong thời kỳ này. Tuy nhiên, pháp lệnh này đã được Hội đồng Nhân dân thành phố chính thức thông qua vào ngày15 tháng 12 năm 2010, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2011.
Nội dung của pháp lệnh gồm các ý chính sau:
(1) Thành phố Tokyo sẽ có thẩm quyền đưa ra ý kiến trong việc điều chỉnh sự tiếp cận thông tin qua mạng di động của trẻ chưa thành niên (0-17 tuổi) tùy theo lứa tuổi. Thống đốc thành phố (hoặc văn phòng Thống đốc) phải hỏi ý kiến các chuyên viên cung cấp dịch vụ, người giám hộ, cha mẹ của trẻ chưa thành niên và những chuyên gia làm việc trong ngành giáo dục.
(2) Định nghĩa về “ấn phẩm độc hại cho trẻ chưa thành niên” của Tokyo ở mục 2, khoản 1, điều 8 của pháp lệnh này đã được thay đổi. Trước đây quy định là “bất kì tư liệu nào gây nguy hại cho sự phát triển lành mạnh của thanh thiếu niên với nội dung kích thích về mặt tình dục, khuyến khích hành vi tàn bạo, và/hoặc thúc đẩy tự sát hay các hành vi phạm pháp”, hiện điều khoản này được bổ sung “manga, anime, hay tranh ảnh (bao gồm cả hình vẽ không phải chỉ có ảnh thật hay tư liệu phim) có miêu tả các hành vi tình dục hay giả tình dục là phạm pháp ở ngoài đời thực, hay các hành vi tình dục hoặc giả tình dục giữa những người có quan hệ họ hàng gần mà việc kết hôn của họ là bất hợp pháp” được miêu tả một cách “ca ngợi hay cường điệu một cách vô lý”.
(3) Cho phép chính quyền có thẩm quyền trực tiếp hạn chế việc bán và cho thuê những ấn phẩm mang nội dung trên, nếu các hành vi được mô tả cũng “được xem là gây rối loạn trật tự xã hội một cách quá mức”, chẳng hạn như hành vi hiếp dâm... hoặc bất kì tư liệu nào vi phạm quá mức điều khoản này sẽ bị chính quyền Thành phố Tokyo đơn phương đóng dấu là "ấn phẩm độc hại" và do đó bị hạn chế lưu thông tới tay trẻ chưa thành niên.
(4) Các nhà xuất bản có hơn 6 tác phẩm bị chính quyền Tokyo xem là ấn phẩm độc hại trong thời hạn một năm, sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan kiểm soát và được quy vào tội tái phạm. Trong vòng 6 tháng sau đó mà nhà xuất bản này lại phạm luật thì chính quyền Tokyo sẽ có thẩm quyền tiết lộ thông tin về công ty này cho công chúng.
(5) Các điều khoản trong luật phải được áp dụng một cách cẩn trọng dựa trên tư tưởng nghệ thuật, xã hội, khoa học, giáo dục hay châm biếm mà tác phẩm thể hiện. Đây là điều khoản bổ sung của Đảng Dân chủ, nhưng không đề cập rõ những tiêu chí đánh giá tính "độc hại" của tác phẩm, hay những nghĩa vụ pháp lý liên quan đến việc cách áp dụng này.
(6) Cho phép chính quyền Tokyo xây dựng một môi trường lành mạnh, loại trừ và ngăn cấm việc sáng tác các tác phẩm khiêu dâm trẻ em (trong Luật Ấn phẩm khiêu dâm Trẻ em Nhật Bản có mục 3 quy định khiêu dâm trẻ em tức là “bất kì sự miêu tả tư thế của trẻ (chưa thành niên) khỏa thân hay bán khỏa thân, có tính kích dục với người đọc”, mà trẻ em chưa thành niên được quy đình từ 6 đến 17 tuổi). Điều khoản quy định việc cấm sở hữu các ấn phẩm khiêu dâm trẻ em đã bị bỏ, thay vào đó là quy định mới: “Bất kì tư thế gợi dục nào của trẻ dưới 13 tuổi trong tình trạng khỏa thân hoặc bán khỏa thân, hoặc mặc đồ bơi hay đồ lót, được miêu tả trong sách báo hoặc phim ảnh, phải ghi nhận việc tâm sinh lý của trẻ có thể bị ảnh hưởng do việc trở thành đối tượng của ham muốn tình dục, do đó người giám hộ là cha mẹ phải thực hiện trách nhiệm ngăn cản và giáo dục trẻ khỏi việc bị miêu tả trong ấn phẩm khiêu dâm trẻ em hoặc những ấn phẩm tương tự”.
Liên quan đến nội dung thứ 6, có những điều khoản bổ sung yêu cầu chính quyền địa phương và cha mẹ có trách nhiệm ngăn chặn việc sáng tác những ấn phẩm này. Cụ thể, như chính quyền Tokyo phải có trách nhiệm trong việc quảng bá và điều chỉnh các chính sách với phương tiện truyền thông internet, phải có những biện pháp sàng lọc thông tin hữu hiệu và phổ biến hơn. Về phía cha, mẹ và người giám hộ phải giám sát quá trình sử dụng internet của trẻ chưa thành niên và nếu như muốn ngừng, sàng lọc thông tin internet trên di động của trẻ chưa thành niên phải có đơn yêu cầu tới dịch vụ cung cấp mạng di động, trong đó có ghi nhận họ sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm để bảo đảm quá trình kết nối internet của trẻ.
Những manga đã bị chỉ định là “manga độc hại” sẽ bị cấm bán cho trẻ em, phải được bày bán ở một khu vực riêng. Các ấn phẩm dãn nhãn 18+ phải được trưng bày ở những nơi mà nhân viên bán hàng có thể dễ theo dõi, quản lý khách hàng đến chọn mua. Nếu nhà sách và các trang web nào lưu hành các manga và anime bị chỉ định là “độc hại” sẽ bị quy vào tội vi phạm tàng trữ phát hành ấn phẩm độc hại và vi phạm về kinh doanh trên mạng internet (khoản 3 điều 18) sẽ phạt 2 năm tù và phạt tiền 1 triệu yên trở xuống. Trong tất cả các văn bản pháp luật và các quy định nêu trên thì Pháp lệnh nuôi dưỡng trẻ em trong môi trường lành mạnh của thành phố Tokyo là văn bản có những quy định rõ ràng và được cho là sự ra đời của pháp lệnh nhằm mục đích chính là quản lý việc xuất bản và phát hành manga và anime. Điều này cũng đã đánh dấu những thắng lợi bước đầu sau gần nửa thế kỷ đấu tranh của Hội Cha mẹ học sinh (PTA), các nhà giáo dục và một số chính trị gia nhằm phản đối ảnh hưởng tiêu cực của manga và anime đối với thanh, thiếu niên.
Tuy Pháp lệnh nuôi dưỡng trẻ em trong môi trường lành mạnh của thành phố Tokyo chỉ có hiệu lực trong phạm vi thành phố Tokyo, nhưng thực tế nó có ảnh hưởng đến toàn bộ lãnh thổ và nền công nghiệp manga, anime của Nhật Bản. Hơn nữa, có khả năng Hạ Nghị viện sẽ thông qua Dự luật Nuôi dưỡng thanh, thiếu niên trong môi trường lành mạnh.
3.2. Hoạt động quản lý phát hành “manga độc hại”
Ở Nhật Bản, manga người lớn, manga ero (manga tình dục), manga hentai… được bày bán tràn ngập trong các cửa hàng sách, cửa hàng tiện lợi 24h và trong các nhà ga tàu điện. Nhưng việc bán và mua thể loại manga này được người dân tuân thủ một cách triệt để theo quy định. Trẻ em dưới 18 tuổi không được mua và người bán không được bán cho trẻ em dưới 18 tuổi loại manga này. Làm được điều này không chỉ là do công tác quản lý manga của các cơ quan, các cấp chính quyền ở Nhật Bản tốt, mà còn do tính tự giác của mỗi một người dân.
Việc trực tiếp quản lý manga có ảnh hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên được các địa phương thực hiện một cách tự chủ. Mỗi một địa phương lại có những văn bản pháp chế riêng tùy theo tình hình thực tế của địa phương mình song nhìn chung đều dựa trên các bộ luật cơ bản và pháp lệnh của thành phố Tokyo.
Ở những tỉnh, thành phố đã ban hành Pháp chế nuôi dưỡng trẻ em trong môi trường lành mạnh sẽ thành lập một Ủy ban Kiểm duyệt manga gồm các nhà chuyên môn am hiểu về manga. Hàng tháng ủy ban này sẽ tập trung khoảng từ 120 đến 150 Manga được bày bán trong địa phương mình quản lý, thẩm định xem các phẩm manga đang lưu hành có giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng hay là những tác phẩm có ảnh hưởng không tốt đến thanh, thiếu niên, buộc ngành công nghiệp phải xử lý nhà xuất bản phát hành từ sáu “ấn phẩm độc hại” trở lên trong một năm, nếu nhà xuất bản đó vẫn tiếp tục phát hành dù chỉ một “ấn phẩm độc hại” trong vòng sáu tháng tiếp theo thì thống đốc Tokyo sẽ công khai tên nhà xuất bản trong các văn bản ban hành có liên quan. Hàng tháng danh sách manga bị chỉ định là “manga độc hại”, có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của thanh, thiếu niên, cùng với lý do và mức độ “độc hại” sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin. Trước đây sự lựa chọn đọc và phân loại bày bán manga chủ yếu theo từng loại tạp chí, ví dụ như: manga của Tạp chí Shounen Jump, hoặc Shonen Shojo là dành cho lứa tuổi thiếu niên… Sau này manga đã được phân loại theo lứa tuổi và có dán nhãn. Hơn thế nữa, bắt đầu từ năm 2011, chính quyền các thành phố đã bắt đầu công bố những tác phẩm manga không được phép phát hành. Đây là một trong những thay đổi quan trọng trong công tác quản lý manga ở Nhật Bản.
Song có một thực tế là từ những năm 1980 đến nay, công tác quản lý “manga độc hại” ở Nhật Bản luôn gặp phải sự phản đối gay gắt từ Hội Nhà văn Nhật Bản (Japan PEN Club), Hội Luật sư Tokyo (Tokyo Law Association), Hội Họa sĩ manga (Mangaka), và một số nhà hoạt động chính trị. Các họa sĩ manga (mangaka) cho rằng việc ban hành pháp chế quản lý manga như “Pháp chế nuôi dưỡng thanh, thiếu niên trong môi trường lành mạnh” của thành phố Tokyo là “vi phạm quyền tự do ngôn luận” và chính quyền đã xâm phạm vào đời tư của người dân. Hội Luật sư Tokyo đã nhấn mạnh rằng pháp lệnh đã sử dụng thuật ngữ “cường điệu” để xác định những hình ảnh về các nhân vật nào cần phải cấm, theo quan điểm của họ thì bản thân hai thể loại manga, anime và một số thể loại truyền thông khác vốn hình thức biểu hiện của nó đã là “cường điệu” rồi. Hội Luật sư cũng cho rằng những điều khoản cấm trong dự luật sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận và sẽ hạn chế sức sáng tạo trong ngành công nghiệp vốn mang tính sáng tạo như manga. Vào năm 2011, ngay sau khi pháp lệnh nuôi dưỡng thanh, thiếu niên trong môi trường lành mạnh của thành phố Tokyo có hiệu lực thì đã có rất nhiều họa sĩ manga đã phản đối pháp lệnh này bằng cách không tham gia hội chợ này.
Theo đánh giá của các học giả nước ngoài, công tác quản lý manga có ảnh hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên của Nhật Bản sẽ khó có thể thực hiện triệt để, đặc biệt là loại hình manga khiêu dâm. Bởi, hiện nay Chính phủ Nhật Bản dùng manga như một phương tiện mũi nhọn để quảng bá hình ảnh Nhật Bản với khẩu hiệu là “Kawai/dễ thương”. Cho nên để vẽ nhân vật nữ dễ thương thì phải là nhân vật còn đang ở tuổi thanh, thiếu niên.
Có thể nói từ sau những năm 1980, công tác quản lý manga có hại ở Nhật Bản được quan tâm hơn bao giờ hết. Đã có sự tham gia của các cơ quan quản lý, của các cấp chính quyền địa phương. Nếu như trước đây, các tác phẩm manga bị cho là có hại thường chỉ dừng lại ở mức độ phản đối của dư luận xã hội, của các bậc cha mẹ học sinh và các nhà giáo dục,… thì hiện nay hàng tháng đã có ban kiểm tra, đánh giá, danh sách manga có hại được công bố công khai hàng tháng và có các văn bản quy định sử phạt một cách cụ thể đối với loại hình manga này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 青少年健全育成条列正案における漫画等に関する質疑について平成二十二年度第四回都議会定例会本会議 (Hội nghị chính thức lần thứ tư năm 2010 về những chất vấn liên quan đến Pháp lệnh nuôi dưỡng thanh, thiếu niên trong môi trường lành mạnh), http://www.seisyounenchian.metro.tokyo.jp/seisyounen/pdf/jourei_shitsugi.pdf.
2. 青少年問題に関する文献集, 第 24 巻 (Văn kiện liên quan đến thanh, thiếu niên, cuốn 24).
3. 動物化するポストモダン――オタクから見た日本社会 (2001), 講談社現代新書(Động vật hóa thời kỳ hậu hiện đại: Xã hội Nhật Bản nhìn từ Otaku, Nxb Kodansha Gendaisho).
4. 長岡 義幸 (2010), マンガはなぜ規制されるのか「有害」をめぐる半世紀の攻防 (Nagaoka Yoshiyuki (2010), Tại sao lại ban hành quy chế đối với manga: Trận chiến một nửa thế kỷ xung quanh “sách độc hại, Nxb Heibonsha).
5. 斎藤益子、木村好秀 (2009), 有害メディア影響の対策, 母子保健情報。第60号、2009年11月 (Saito Masuko, Kimura Yonhide (2009), Đối sách với sự ảnh hưởng có hại của truyền thông, Bản tin sức khỏe Bà mẹ trẻ em, Số 60, tháng 11/2009).
6. 青柳幸一 (1986), 子供の人権とマスメディアの自由, 横浜経営研究、第VI巻、第4号 (Aoyagi Koichi (1986, Quyền trẻ em và tự do truyền thông đại chúng. Nghiên cứu Kinh doanh Đại học Yokohama, Số 4, Cuốn 6), file:///C:/Users/Admin/Downloads/KJ00004479 884.pdf.
[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] 青少年健全育成条列正案における漫画等に関する質疑について平成二十二年度第四回都議会定例会本会議 (Hội nghị chính thức lần thứ tư năm 2010 về những chất vấn liên quan đến manga… trong Luật nuôi dưỡng thanh, thiếu niên trong môi trường lành mạnh), http://www.seisyounenchian.metro.tokyo.jp/seisyounen/pdf/jourei_shitsugi.pdf.
[3] Yoshiyuki Nagaoka (2010).マンガはなぜ規制されるのか「有害」をめぐる半世紀の攻防 (Tại sao lại ban hành quy chế đối với manga: Trận chiến một nửa thế kỷ xung quanh “sách độc hại), Nxb Heibonsha.
[4] 有害メディアの影響と対策 (2009) (Đối sách đối với ảnh hưởng của truyền thông có hại) http://www.jmica.org/pdf/60_13_saito.pdf.
[5] 有害メディアの影響と対策 (2009) (Đối sách đối với ảnh hưởng của truyền thông có hại), Tlđd.
[6] 有害メディアの影響と対策 (2009) (Đối sách đối với ảnh hưởng của truyền thông có hại), Tlđd.
[7] 長岡義幸( 2010)マンガはなぜ規制されるのか「有害」をめぐる半世紀の攻防, 平凡社 (Nagaoka Yoshiyuki (2010), Trận chiến nửa thế kỷ xung quanh “manga có hại” và tại sao phải ban hành qui chế đối với manga, Nxb Heibonsha).
[8] 青少年が安全に安心してインターネットを利用できる環境の整備等に関する法律 (Luật về việc duy trì một môi trường an toàn cho thanh, thiếu niên sử dụng internet), https://elaws.e-gov.go.jp/doCument?lawid=420 AC1000000079.