Nguyễn Thị Ngọc Anh1
Tóm tắt: Sự lây lan không ngừng của đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 đến nay đã khiến nền kinh tế nói chung và toàn bộ hệ thống sản xuất, kinh doanh nghề thủ công truyền thống Nhật Bản nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, chính phủ và chính quyền các địa phương tại quốc gia này đã ngay lập tức nhìn nhận những khó khăn và thi hành các biện pháp kích thích sản xuất, hỗ trợ quảng bá nhằm đưa nghề thủ công thoát khỏi những bế tắc chồng chất. Để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm quản lý từ Nhật Bản, bài viết tập trung chỉ ra những chính sách, biện pháp khắc phục khó khăn trong nghề thủ công truyền thống Nhật Bản trong bối cảnh đại dịch COVID-19, từ đó đưa ra một vài kinh nghiệm thích hợp với nghề thủ công truyền thống tại Việt Nam.
Từ khóa: Nghề thủ công truyền thống, Nhật Bản, chính sách, kinh doanh
1. Thực trạng hoạt động kinh doanh nghề thủ công truyền thống Nhật Bản thời kì đại dịch COVID-19[1]
Theo công bố của Hiệp hội Phát triển nghề thủ công truyền thống, trong những năm gần đây (2010-2019), giá trị sản xuất thủ công truyền thống đạt khoảng 100 tỷ yên mỗi năm, và số lượng lao động trong ngành vào khoảng 50 nghìn người (năm 2017)
[2]. Hàng thủ công truyền thống Nhật Bản từ lâu đã được khách du lịch khắp thế giới yêu thích, đặc biệt là khách châu Âu và Mỹ. Họ có xu hướng quan tâm đến các sản phẩm đặc trưng cho văn hóa Nhật Bản như kimono, yukata, món ăn Nhật, thủ công mỹ nghệ
[3]... Bên cạnh đó, hầu như tất cả các du khách đến Nhật Bản du lịch đều có xu hướng thích các chuyến du lịch đến trải nghiệm văn hóa tại các vùng nông thôn với mong muốn tiếp cận với sinh hoạt và cuộc sống thực tế nơi đây, trong đó bao gồm cả những làng nghề thủ công truyền thống. Cũng theo đó, tỷ lệ tiêu dùng của khách du lịch dành cho đồ thủ công truyền thống được đánh giá cao, khoảng 19%, tương đương khoảng 373 triệu yên và một phần trong tổng số 320 triệu yên từ các chuyến du lịch trải nghiệm làng nghề, triển lãm, tham quan bảo tàng
[4]… Theo khảo sát “Về xu hướng tiêu dùng của người nước ngoài đến thăm Nhật Bản” năm 2019 dựa trên tỷ lệ mua hàng theo chi phí và đơn giá người mua thì hàng thủ công truyền thống chiếm 9,5%
[5]. Những con số về thu nhập trực tiếp không nhiều, song nghề thủ công truyền thống lại gián tiếp gia tăng lợi nhuận cho các lĩnh vực khác như kinh doanh du lịch, quảng bá hình ảnh quốc gia ra cộng đồng thế giới, đem lại doanh thu không nhỏ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 mọi hoạt động trên bị đảo lộn khi có sự xuất hiện và lây lan của đại dịch COVID-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ ngành sản xuất thủ công truyền thống nói riêng và các ngành công nghiệp Nhật Bản nói chung. Kết quả là 40%
[6] doanh nghiệp thủ công truyền thống đứng trước bờ vực phá sản, thợ thủ công truyền thống gặp muôn vàn khó khăn trong việc duy trì nghề. Những tác động của đại dịch COVID-19 đối với các hoạt động của ngành thủ công truyền thống thể hiện ở các khía cạnh sau: (1) Toàn bộ các cửa hàng, bách hóa và viện bảo tàng buộc phải đóng cửa, các buổi lễ hội, hội chợ… bị hoãn vô thời hạn, số lượng khách du lịch trong và ngoài nước bị hạn chế. Thực tế, kể từ đầu năm 2020 đã không có khách du lịch đến Nhật Bản vào tháng 4 và tháng 5. Điều này đã tác động cực kì mạnh mẽ đến việc kinh doanh đồ thủ công truyền thống, khiến doanh số bán hàng lưu niệm cho khách du lịch, các lớp trải nghiệm, các đơn hàng từ các nhà hàng, khách sạn… giảm mạnh; các sự kiện như lễ cưới, lễ hội, lễ tưởng niệm… vốn là cơ hội để bán các sản phẩm quà tặng hay lễ phục truyền thống - bị hủy bỏ; hoãn hoặc hủy bỏ việc xây dựng khách sạn và nhà ở (trong khi công việc xây dựng đang sử dụng rất nhiều đến kỹ thuật giấy và tre truyền thống). Vậy là năm 2020, doanh số bán hàng và đơn đặt hàng đã giảm 50-80% so với mức thường niên
[7]. (2) Các sản phẩm thủ công truyền thống vốn không thuộc nhóm những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà thuộc nhóm hàng xa xỉ, hàng cao cấp. Vì thế khi đại dịch xảy ra, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng chủ yếu hướng đến các sản phẩm giá rẻ hơn. (3) Các doanh nghiệp thủ công truyền thống gặp những vướng mắc trong việc duy trì sản xuất khi doanh thu đã không còn được như trước. Năm 2021, mặc dù có những thời điểm lệnh cấm và hạn chế đi lại được nới lỏng khi dịch bệnh ở mức an toàn, song việc phục hồi sản xuất và kinh doanh hàng thủ công truyền thống vẫn chưa hoàn toàn được như trước. Lúc này hầu hết những nhà quản lý đều đã nhận thức được con đường kinh doanh thủ công truyền thống cần thay đổi, ưu tiên sử dụng các nền tảng trực tuyến. Bởi, tại các sàn thương mại điện tử (EC), các mặt hàng thủ công truyền thống có được nhiều thuận lợi như: dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước, giảm chi phí tiếp thị và cửa hàng, xây dựng hình ảnh thương hiệu… Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay nghề thủ công truyền thống chưa có đủ nhân lực am hiều về lĩnh vực kỹ thuật số và EC. Mặt khác, đối với đặc thù sản phẩm thủ công truyền thống đắt tiền, việc lựa chọn mua hàng qua EC vẫn còn nhiều vướng mắc.
2. Chính sách hỗ trợ hoạt động kinh doanh nghề thủ công truyền thống Nhật Bản thời kì đại dịch COVID-19 Nhật Bản xác định nghề thủ công truyền thống không chỉ có ý nghĩa quan trọng, mang ý nghĩa văn hóa bản sắc dân tộc mà còn là nguồn lực đem lại nhiều lợi ích kinh tế khác. Bởi vậy, trong bối cảnh khó khăn này, nền tảng quản lý nghề thủ công truyền thống dựa trên việc nhận thức tình trạng hiện thời của nghề thủ công truyền thống tại các khu vực sản xuất, từ đó đưa ra chiến lược phát triển tương lai. Nội dung của chiến lược dựa trên trợ cấp từ Chính phủ và hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc xây dựng: (1) Chiến lược quản lý, (2) Xây dựng thương hiệu, (3) Sản xuất sản phẩm, (4) Đào tạo lao động, (5) Mở rộng thị trường nước ngoài
[8].
2.1. Chính sách của chính phủ (a) Trợ cấp tài chính Theo quy định từ Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống đã được ban hành từ năm 1974, chính phủ hàng năm sẽ dành trợ cấp cho thợ thủ công truyền thống, các hoạt động kinh doanh, bảo tồn, triển lãm, xuất khẩu liên quan. Kinh phí hỗ trợ thay đổi theo từng năm. Ví dụ: Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản căn cứ vào Điều 2 của luật và điều kiện thực tế, đặc điểm của mỗi một khu vực sản xuất đã đưa ra ngân sách hỗ trợ hàng năm như sau: năm 2015 là 360 triệu yên, năm 2016 là 400 triệu yên, năm 2017 là 360 triệu yên, năm 2018 là 360 triệu yên, 2019 là 362 triệu yên
[9]…, năm 2021 là 360 triệu yên
[10]. Các hoạt động hỗ trợ do Hiệp hội Nghề thủ công truyền thống chịu trách nhiệm. Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt trợ cấp thêm cho các công ty vừa và nhỏ chịu thiệt hại từ đại dịch COVID-19, do đó các công ty sản xuất thủ công truyền thống có thêm gấp đôi nguồn hỗ trợ ngoài kinh phí được cấp hàng năm. Mức hỗ trợ cao nhất lên đến 7.500 USD cho doanh nghiệp và 2.800 USD đối với chủ các cơ sở nhỏ hơn
[11]. Về cơ bản, mục tiêu của chính phủ là phát triển thủ công truyền thống như một ngành công nghiệp độc lập, tận dụng tối đa sức sản xuất của địa phương. Bởi mỗi khu vực sản xuất đều có những đặc thù khác nhau, nên sự khéo léo giải quyết của chính quyền địa phương là điều vô cùng quan trọng. (b) Ưu đãi thuế Chính phủ sử dụng nhiều biện pháp thúc đẩy các ngành công nghiệp khu vực và các doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm các ngành thủ công truyền thống, đổi mới quản lý các ngành truyền thống, phát triển sản phẩm/công nghệ mới, phát triển thị trường, đảm bảo và đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ nhiều mặt cho việc đầu tư vốn. Cụ thể, đối với (các dự án có hiệu quả kinh tế lớn tạo ra giá trị gia tăng cao bằng cách tận dụng các đặc điểm của vùng), chính phủ có các biện pháp ngân sách: trợ cấp, ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính (cho vay lãi suất thấp,...), các biện pháp quản lý đặc biệt... Điều này sẽ cung cấp hỗ trợ tích hợp từ nghiên cứu và phát triển/thương mại hóa đến đầu tư vốn và phát triển thị trường. Ngoài ra, chính phủ cũng cung cấp các biện pháp về bổ sung ngân sách cho kế hoạch hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trung tâm thử nghiệm công cộng và trường đại học nhằm thúc đẩy những dự án giúp đỡ nghề thủ công truyền thống nói riêng và kinh tế khu vực nói chung. (c) Xúc tiến mở rộng, quảng bá thương hiệu JETRO (Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản) là cơ quan đã và đang thực hiện nhiều chương trình nổi bật nhằm hỗ trợ xuất khẩu và phát triển hình ảnh thủ công truyền thống ra nước ngoài, ví dụ: chương trình “Takumi Next” được thực hiện từ năm 2019. JETRO kết hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hỗ trợ các doanh nghiệp thủ công truyền thống vừa và nhỏ tổ chức các cuộc đàm phán kinh doanh với các công ty thương mại điện tử, tổ chức các phòng trưng bày và bán hàng tại các cửa hàng ở nước ngoài. Chương trình nhằm giúp đỡ toàn diện cho việc xuất khẩu hàng thủ công truyền thống, nhu yếu phẩm… trên khắp Nhật Bản
[12]. Hoặc chương trình “Hoa hậu Quốc tế”: giới thiệu với thế giới các thương hiệu thủ công truyền thống từ 14 tỉnh trên khắp Nhật Bản thông qua đại diện của từng quốc gia và khu vực tham dự “Hoa hậu Quốc tế” từ tháng 7/2021 đến năm 2022. Đối với người tiêu dùng nước ngoài không thể đến thăm Nhật Bản do dịch bệnh, ứng viên Hoa hậu Quốc tế được chỉ định cho từng khu vực sẽ giới thiệu sức hấp dẫn của mỗi nghề thủ công truyền thống bằng hình ảnh và video đăng trên Instagram, mạng xã hội khác
[13]. Để tăng cường hoạt động giới thiệu thủ công truyền thống ở nước ngoài, ví dụ như ở Trung Quốc, JETRO cũng phối hợp tổ chức các hoạt động tiếp thị, bán hàng và quảng bá thủ công truyền thống của tỉnh Toyama trên trang web trực tuyến của Trung Quốc. Việc này có ý nghĩa quan trọng giúp mở rộng và phát triển thị trường thủ công truyền thống Nhật Bản trong bối cảnh thương mại điện tử của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Về phía ngành văn hóa du lịch, trong giai đoạn hậu Covid sắp tới, nhiều ý tưởng về việc tổ chức các chuyến du lịch trải nghiệm tại các khu vực sản xuất thủ công truyền thống vẫn sẽ được thực hiện. Ví dụ kế hoạch về các chuyến du lịch “Onland”
[14] đến các khu vực sản xuất thủ công của Nhật Bản dành cho khách trong nước và nước ngoài. Kế hoạch này hứa hẹn sẽ đem lại cảm giác du lịch hoàn toàn mới với việc tiếp cận trực tiếp với đời sống sinh hoạt, văn hóa và cuộc sống thực tế dựa vào sự hướng dẫn của người dân địa phương. Khách du lịch sẽ tìm thấy những điều mà không thể cảm nhận được nếu chỉ xem online. Bằng cách kết nối nhiều đối tác cả trong và ngoài nước, chương trình này sẽ kích thích khách du lịch đến các khu vực và hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế trong khu vực.
2.2. Chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương Các chương trình hỗ trợ từ chính quyền địa phương vẫn được thực hiện hàng năm, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng từ đại dịch, các địa phương đã thường xuyên mở các cuộc thảo luận trực tuyến nhằm đưa ra các biện pháp thích hợp giúp nghề thủ công truyền thống của khu vực mình vượt qua giai đoạn khó khăn. (a) Hỗ trợ kinh phí khắc phục khó khăn do đại dịch. Việc hỗ trợ kinh phí vốn là chính sách được thực hiện thường xuyên. Trong giai đoạn này, kinh phí hỗ trợ chủ yếu tập trung vào khai thác nguồn lực internet trong kinh doanh, quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống. Ví dụ, chính quyền tỉnh Kagoshima thành lập Quỹ trợ cấp dự án hỗ trợ phục hồi nhu cầu nghề thủ công truyền thống, kinh phí hỗ trợ tối đa là 2 triệu yên cho một hiệp hội nghề và 200.000 yên cho nhà chế tác để phát triển các sản phẩm mới, phát triển thị trường và các hoạt động bán hàng không trực tiếp, phục hồi nhu cầu của thủ công truyền thống bị ảnh hưởng bởi sự lây nhiễm virus corona
[15]. Hoạt động kinh doanh được trợ cấp bao gồm các hội chợ thương mại, gặp gỡ kinh doanh, triển lãm sản phẩm, hoạt động bán hàng và phát triển sản phẩm mới, các cuộc họp đánh giá sản phẩm... Tại Kyoto, chính quyền tỉnh đã nâng hạn mức cho các doanh nghiệp sản xuất vay, miễn giảm lãi xuất trong vòng ba năm, đồng thời hỗ trợ dự án phát triển nhu cầu hàng thủ công truyền thống với quy mô lên đến 110 tỷ yên, trợ giá cho các đơn hàng thủ công truyền thống lên đến 90%
[16]. (c) Hỗ trợ chính sách.
Thứ nhất là, khuyến khích và hỗ trợ chuyển đổi số tại các khu vực mua sắm và cửa hàng tư nhân. Để theo kịp xu thế thương mại điện tử đang chuyển động cực nhanh trong thời điểm này, việc thu hút khách hàng trên các sàn thương mại điện tử đòi hỏi các nhà sản xuất thủ công truyền thống phải ngay lập tức chuyển đổi phương thức quảng bá và bán hàng. Khó khăn về việc truyền tải thông tin trên mạng internet đã được các địa phương đánh giá nghiêm túc. Cố đô Kyoto, khu vực có nhiều nghề thủ công truyền thống nổi tiếng hàng đầu Nhật Bản là một ví dụ. Năm 2021, chính quyền Kyoto đã liên tục thực hiện các cuộc hội nghị trao đổi, trong đó đặc biệt đề cập đến nhiều biện pháp liên quan đến chuyển đổi số, hình thành phố mua sắm thông minh và hợp tác với các đối tác thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chịu trách nhiệm số hóa…
Thứ hai là, bồi dưỡng nguồn nhân lực mới. Hiện nay, ngày càng nhiều thợ thủ công xuất phát từ các cơ sở giáo dục trường lớp dạy nghề. Tại đây, họ được đào tạo cả về kĩ năng thủ công truyền thống và các kĩ năng về thị trường hiện đại, song về kỹ năng kĩ thuật số vẫn còn yếu. Do đó, các địa phương đã nhận thấy xu hướng cần thiết phải có kế hoạch tạo các mối liên kết hỗ trợ đào tạo lớp thế hệ thợ thủ công mới ngoài nắm vững kiến thức chuyên môn, cần có khả năng am hiểu thị trường toàn cầu; sáng tạo sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường thay đổi; nâng cao kỹ năng về kỹ thuật số… Gỡ bỏ nút thắt quan trọng này, nghề thủ công truyền thống sẽ có cơ hội thoát khỏi vòng tròn thiếu hụt lao động ó suy giảm sản xuất ó thiếu hụt lao động trong nhiều năm.
Thứ ba là, định hướng tái tạo lại thủ công truyền thống trở thành “loại ngành đề xuất cho đời sống văn hóa” (生活文化提案型産業). Đây là hướng đi mới, mục đích là tìm ra ý nghĩa của các sản phẩm thủ công truyền thống, định hình một lối sống có phong cách cho người tiêu dùng. Trong đó, ngành thủ công truyền thống sẽ kết hợp với các ngành công nghiệp khác để tạo ra những sản phẩm cải tiến, phù hợp với người tiêu dùng không chỉ trong nước mà trên toàn cầu. Sáng kiến này được chính quyền Kyoto – khu vực có nghề thủ công truyền thống lớn nhất Nhật Bản nêu ra trong “Hội nghị về việc khắc phục khủng hoảng bệnh truyền nhiễm do virus corona (nghề thủ công truyền thống)” với đề xuất các biện pháp chuyển đổi ngành thủ công truyền thống thành một ngành công nghiệp có sự hiện diện mạnh mẽ trên thị trường thế giới dựa vào nguồn lực văn hóa Kyoto. Trong đề xuất này, sự kết hợp tất cả các nguồn lực trong và ngoài ngành thủ công truyền thống liên tục được nhấn mạnh.
3. Gợi ý cho Việt Nam
Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công truyền thống Việt Nam, đặc biệt là thủ công mỹ nghệ luôn trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam và có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, là ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Theo thống kế của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác, giải quyết việc làm cho từ 3 đến 5 nghìn lao động
[17]. Tuy nhiên, trong hai năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã khiến các làng nghề, cũng như nghề thủ công truyền thống gặp nhiều khó khăn. Một cuộc khảo sát với trên 100 doanh nghiệp vào giữa tháng 6/2021 cho thấy, có đến 84% số hộ gặp khó khăn. Trong đó, 40% thiếu vốn kinh doanh; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%. Nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội như làng sản xuất mỹ nghệ Sơn Đồng (Hà Tây, Hà Nội), sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động (Thường Tín, Hà Nội), làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội)… đều gặp những khó khăn nhất định. Một số nơi hàng loạt các đối tác nước ngoài của làng nghề phải ngừng giao dịch. Sản phẩm làm ra phải cất đi để chờ cơ hội, vốn liếng bị ứ đọng, thợ mất việc, hoặc giảm giờ làm
[18]... Tình trạng kinh doanh sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng, song cũng có những định hướng khác biệt. Tuy nhiên, trong thời kì bị ảnh hưởng chung từ đại dịch COVID-19, khi các chuỗi sản xuất và cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy, hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, thì từ kinh nghiệm ứng phó của Nhật Bản có thể đưa ra một vài gợi ý cho môi trường nghề thủ công truyền thống Việt Nam hiện nay như sau:
Một là, chính phủ và các địa phương có nghề truyền thống cần xây dựng một chiến lược hỗ trợ vốn, hỗ trợ chính sách cụ thể hơn, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 này. Hầu hết sản xuất tại các làng nghề truyền thống Việt Nam đều rất manh mún, nhỏ lẻ, nguồn vốn nhỏ nên khó có thể trụ lại lâu dài trong khi ảnh hưởng từ dịch bệnh vẫn chưa kết thúc. Do đó, bài học từ Nhật Bản cho thấy, việc nhìn nhận thực trạng phát triển nghề thủ công truyền thống và có kế hoạch tài trợ kinh phí, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ nguồn nhân lực thiết kế sản phẩm, quảng bá sản phẩm trên EC... trong giai đoạn này là vô cùng cấp thiết.
Hai là, cần chú trọng hơn đến việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nguồn nhân lực thủ công truyền thống trong hệ thống trường lớp một cách bài bản, vừa thuần thục kỹ năng truyền thống, vừa đáp ứng được những đòi hỏi phát triển thị trường mới như về khai thác công nghệ thông tin, thiết kế, kinh doanh… Hiện nay, đội ngũ thợ thủ công truyền thống Việt Nam chủ yếu xuất phát từ môi trường làng nghề, những kỹ năng về thương mại, thiết kế chưa được đào tạo nhiều và thiếu am hiểu về thị trường hiện đại. Với những bước đi mà Nhật Bản đang thực hiện, họ đã nhận ra được nhiều thiếu sót trong vấn đề này. Do vậy, công cuộc bồi dưỡng nguồn nhân lực nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam cần thiết phải nhận thức ngay điểm yếu này.
Ba là, địa phương cần quan tâm đến việc xây dựng mục tiêu phát triển thương hiệu ra nước ngoài một cách hiệu quả hơn; định hình phong cách mang hình ảnh quốc gia. Để làm được điều này Việt Nam cần thiết phải thực hiện kết nối các nguồn lực trong và ngoài ngành thủ công truyền thống để tạo ra sức mạnh quảng bá thương hiệu lớn hơn hiện nay. Tóm lại, trước tình hình khó khăn chung của nghề thủ công truyền thống, sự can thiệp, hỗ trợ kinh phí cũng như chính sách và các biện pháp khác từ chính phủ và các địa phương là điều vô cùng quan trọng. Đối với đặc thù của từng địa phương, cần có kế hoạch cụ thể, được xây dựng trên việc đánh giá chính xác tình hình hiện tại. Và quan trọng hơn nữa, nghề thủ công truyền thống cần phải gây dựng được sức mạnh liên kết từ trong và ngoài ngành để có thể tìm được chỗ đứng như kì vọng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. METI (2021), 伝統的工芸品産業への支援 (Hỗ trợ ngành thủ công truyền thống) https://www.meti.go.jp/policy/mono_info_service/mono/nichiyo-densan/densan-seminar/ R3densan_hojokin.pdf. 2. JINTO (2016), 訪日外国人旅行者の消費動向と.ニーズについて. 調査結果のまとめと考察 (Xu hướng tiêu dùng của khách du lịch nước ngoài đến thăm Nhật Bản. Về nhu cầu. Tổng hợp và xem xét kết quả kháo sát),
https://www.jnto.go.jp/jpn/projects/research_consulting/cq6g7o0000002hw5-att/project_data. pdf. 3. 全国の匠企業の海外販路開拓をオンラインツールで支援 ―「TAKUMI NEXT」として過去最多となる38都道府県・155社を採択―(Hỗ trợ phát triển các kênh bán hàng ra nước ngoài cho thợ thủ công trên toàn quốc bằng các công cụ trực tuyến-Đã thông qua 155 công ty tại 38 tỉnh, con số lớn nhất từ trước đến nay với tên gọi "TAKUMI NEXT"), ngày 16/8/2021. 4. 伝統工芸品の需要回復に最大200万円:鹿児島県 (Tỉnh Kagoshima hỗ trợ tối đa 2 triệu yên cho phục hồi nhu cầu hàng thủ công truyền thống), ngày 19/5/2021,
https://j-net21.smrj.go.jp/news/tsdlje000000t2sg.html. 5.
Made in Japan ~世界に届け日本の伝統工芸 (Sản xuất tại Nhật Bản-Mang hàng thủ công truyền thống Nhật Bản đến với thế giới, tháng 8/2019,
http://www.clair.or.jp/j/forum/ forum/ pdf_358/04_sp.pdf
[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] METI (2021), 伝統的工芸品産業への支援 (Hỗ trợ ngành thủ công truyền thống).
https://www.meti.go.jp/ policy/mono_info_service/mono/nichiyo-densan/densan-seminar/R3densan_hojokin.pdf.
[4] JINTO (2016),
Tlđd, tr. 61.
[5] Japan Tourism Agency (JTA) (2019), Khảo sát “Về xu hướng tiêu dùng của người nước ngoài đến thăm Nhật Bản”, https://statpedia.com/stat/2019__/SJlC6AKWO.
[6] 割が廃業危機「伝統工芸職人」の新しい突破口高齢化が進みIT導入もなかなかできていない (40% có nguy cơ ngừng kinh doanh Bước đột phá mới cho “thợ thủ công truyền thống” Tình trạng già hóa dân số đang gia tăng và công nghệ thông tin vẫn chưa được đưa vào sử dụng), ngày 8/7/2020, https://toyokeizai.net/articles/-/366 774.
[7] 4割が廃業危機「伝統工芸職人」の新しい突破口. 高齢化が進みIT導入もなかなかできていない (40% là mốc mới cho cuộc khủng hoảng thợ thủ công truyền thống. Khi dân số già đi, rất khó để áp dụng công nghệ thông tin), Tlđd.
[9] 伝統的工芸品産業支援補助金 (Trợ cấp hỗ trợ ngành thủ công truyền thống), (năm 2019), http://judgit.net/ projects/826.
[10] Tldd, https://www.meti.go.jp/main/yosan/yosan_fy 2021/pr/ip/seizou_13.pdf.
[11] Tlđd, https://www.tokyo-np.co.jp/article/87368.
[12] 全国の匠企業の海外販路開拓をオンラインツールで支援 ―「TAKUMI NEXT」として過去最多となる38都道府県・155社を採択―(Hỗ trợ phát triển các kênh bán hàng ra nước ngoài cho thợ thủ công trên toàn quốc bằng các công cụ trực tuyến - Đã thông qua 155 công ty tại 38 tỉnh, con số lớn nhất từ trước đến nay với tên gọi "TAKUMI NEXT"), ngày 16/8/2021,
https://www.jetro .go.jp/news/releases/2021/57f086ef0b33b84d.html.
[14] 国内外の日本旅行者に向け、日本のものづくり産地をめぐるクラフトツアープラットフォーム「Onland オンランド)」の提供を2021年6月1日より開始 (Từ ngày 1/6/2021, chúng tôi sẽ bắt đầu cung cấp nền tảng chuyến du lịch thủ công “Onland” cho khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm các khu vực sản xuất của Nhật Bản),
https://prtimes.jp/main/html/rd/p/ 000000008.000045902.html.
[15] 伝統工芸品の需要回復に最大200万円:鹿児島県 (Tỉnh Kagoshima hỗ trợ tối đa 2 triệu yên cho phục hồi nhu cầu hàng thủ công truyền thống), ngày 19/5/2021, https://j-net21.smrj.go.jp/news/tsdlje000000t2sg.html.
[17] “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề Việt Nam đang dần ra thế giới”,
https://dangcongsan.vn/kinh-te/san-pham-thu-cong-my-nghe-cua-lang-nghe-viet-nam-dang-dan-ra-the-gioi-580287.html.
[18] “Những người âm thầm giữ văn hóa Hà Nội – Bài 1: Nghề thủ công tuyền thống la đao trong bão Covid-19”, https://toquoc.vn/nhung-nguoi-am-tham-giu-nghe-giu-van-hoa-ha-noi-bai-1-nghe-thu-cong-truyen-thong-lao-dao-trong-bao-covid-19-20210718134550833.htm.