Trang chủ

Nhìn lại đối ngoại Trung Quốc năm 2021

Đăng ngày: 21-08-2023, 10:26 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 5

TS. Trần Thị Hải Yến1, TS. Võ Minh Hùng2

Tóm tắt: Trải qua năm 2020 khó khăn, Trung Quốc bước vào năm 2021 với quyết tâm giảm thiểu những thách thức trong môi trường đối ngoại, đồng thời gia tăng vị thế, cải thiện hình ảnh quốc gia. Tuy vậy, nước này cũng đang đối mặt với những thách thức mới, đặc biệt là những thay đổi ngày một phức tạp trong quan hệ Trung - Mỹ. Với sự kiện 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 2021 là một năm quan trọng của Trung Quốc trong việc củng cố quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng như sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dưới góc nhìn đối ngoại, 2021 cũng là năm để Trung Quốc khẳng định mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh quốc gia của mình, chuẩn bị cho năm 2022 với sự kiện Đại hội Đảng lần thứ XX. Bài viết đi vào phân tích mục tiêu, nhiệm vụ và tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại Trung Quốc năm 2021, từ đó đánh giá những điểm nổi bật của nước này và xu hướng chính trong năm 2022.

Từ khóa: Trung Quốc, đối ngoại, 2021

 

 

Trong năm 2020, đại dịch COVID-19, các vấn đề ở Hồng Kông, Tân Cương hay Đài Loan được coi là những tác động mạnh mẽ nhất tới quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây. Cùng[1]với đó là những[2]chỉ trích của quốc tế về sự thiếu chân thành trong “ngoại giao y tế”, thái độ quyết đoán trong “ngoại giao chiến lang” và lo ngại về chất lượng trong “ngoại giao vaccine” của nước này. Đối ngoại Trung Quốc thực sự đã gặp nhiều khó khăn trong năm 2020. Năm 2021 là một năm vô cùng quan trọng của chính trường Trung Quốc. Đây là năm kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời là năm nước này tuyên bố xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất. Với những sự kiện mang tính bước ngoặt như vậy, đối ngoại Trung Quốc cũng có những nhiệm vụ quan trọng nhằm cải thiện vị thế và uy tín của quốc gia này trên trường quốc tế.

1. Mục tiêu và nhiệm vụ của đối ngoại Trung Quốc năm 2021

Về mục tiêu dài hạn, Trung Quốc tập trung khẳng định sự ưu việt trong khu vực và sự nổi bật trên toàn cầu để củng cố sự hiện diện và ảnh hưởng của quốc gia này trên mọi lĩnh vực. Cùng với đó, Trung Quốc tìm cách giảm thiểu sự kiểm soát và ràng buộc từ các nhân tố bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, tối đa hóa khả năng bảo vệ những thứ mà Trung Quốc cho là lợi ích cốt lõi, đảm bảo quyền tiếp cận thị trường toàn cầu, đồng thời nhận được sự tôn trọng của quốc tế đối với những thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được trong những năm qua. Về mục tiêu trong năm 2021, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực ưu tiên trong các chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Quốc gia này sẽ thông qua nhiều cách tiếp cận linh hoạt để khẳng định vị trí ảnh hưởng thống trị của mình, gia tăng sự phụ thuộc của khu vực vào Trung Quốc.

Về nhiệm vụ đối ngoại, để có thể đạt được các mục tiêu trên, Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện vai trò là một cường quốc toàn cầu. Năm 2021 với nhiều mốc thời gian quan trọng là năm mà Trung Quốc tích cực hơn nữa để nâng cao vị thế, hình ảnh và thương hiệu của mình. Các nhiệm vụ đối ngoại của Trung Quốc được thể hiện ở hai nội dung chính. Thứ nhất là nỗ lực đóng vai trò chủ động và có tiếng nói hơn trong việc hình thành các quy tắc, chuẩn mực và thể chế quốc tế trong các lĩnh vực như nhân quyền, quản trị internet, tiêu chuẩn công nghệ và tài chính phát triển. Đặc biệt, Trung Quốc tích cực đề xuất tham gia các cơ chế đa phương mà chưa có sự hiện diện của Mỹ, nhằm tranh thủ tận dụng lợi thế để gia tăng tiếng nói của mình. Thứ hai là Trung Quốc tăng tính hợp pháp cho hệ thống chính trị và mô hình quản trị của mình bằng việc công khai thể hiện sự chỉ trích đối với những vấn đề tồn tại của nền dân chủ phương Tây và Mỹ. Bằng việc chú trọng hơn tới nhóm các quốc gia đang phát triển, Trung Quốc đã tận dụng lợi thế về sức mạnh kinh tế, chính sách “không can thiệp vào công việc nội bộ” của các nước khác để gia tăng ảnh hưởng tại những khu vực này. Điều này góp phần giúp Trung Quốc có thêm được những nguồn lực ủng hộ trong quá trình quốc gia này nỗ lực hình thành các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu mang đặc điểm của Trung Quốc, đối trọng với Mỹ.

2. Tư tưởng chỉ đạo

Thông qua kì họp Lưỡng hội tháng 3 và Hội nghị Trung ương 6 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2021, có thể thấy rằng, tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình đã trở thành kim chỉ nam cho các hoạt động đối ngoại của Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khẳng định tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình là một bộ phận quan trọng của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới, là thành tựu lý luận chính kết hợp các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác với thực tiễn ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc.[3] Trước đó, ngày 6/9/2021, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kết hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Diễn đàn công bố “Đề cương học tập tư tưởng ngoại giao của Tập Cận Bình” tại Bắc Kinh. Trong đó, phía Trung Quốc cho rằng nội hàm tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình được thể hiện trong 5 điểm chính: (1) sức mạnh tư tưởng của tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình, xuất phát từ thời đại, đồng thời lãnh đạo và thúc đẩy thời đại; (2) tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình thúc đẩy quá trình xã hội hóa chủ nghĩa Mác và liên tục thực hiện đổi mới lý luận; (3) tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình kế thừa và phát huy niềm tin vững chắc về nền văn hóa truyền thống xuất sắc của Trung Quốc; (4) tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình thể hiện tình cảm cao cả với thế giới và sự nghiệp tiến bộ của con người; (5) tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ đạo thực tiễn để ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc có những bước tiến dài và làm nên những thành tựu lịch sử[4]. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng khẳng định rằng việc xuất bản đề cương như một cơ hội để tạo ra một bước tiến mới trong việc nghiên cứu và thực hiện tư tưởng Tập Cận Bình về ngoại giao và Trung Quốc phải thực sự học tập, quán triệt, chú trọng triển khai, nghiên cứu thực tiễn, mới có thể chuyển hóa thành tích thành hiệu quả công việc, mở ra tình hình mới của ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới[5].

Như vậy có thể thấy, tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình đã được nhấn mạnh trở thành tư tưởng chủ đạo cho đường hướng của đối ngoại Trung Quốc. Đặc biệt, trong năm 2021, việc xuất bản “Đề cương học tập tư tưởng ngoại giao của Tập Cận Bình” đã càng khẳng định rõ nét hơn nữa vai trò, dấu ấn cá nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng như sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong con đường phát triển của đối ngoại nước này.

Có thể nhìn nhận việc khẳng định mạnh mẽ tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại Trung Quốc dưới hai nguyên nhân: Thứ nhất, lịch sử và hiện tại của Trung Quốc là những động lực thúc đẩy cho đường lối đối ngoại của Trung Quốc hiện nay. Nó là sự kết hợp giữa niềm tự hào về bề dày lịch sử của quốc gia trung tâm và nền văn minh Trung Quốc vĩ đại cùng với sức mạnh tổng hợp quốc gia ngày một gia tăng dẫn tới nhu cầu trở thành lực lượng chính trong chính trị toàn cầu. Thứ hai, Trung Quốc đang có được ưu thế về sức mạnh vật chất, song hành với đó là sự lãnh đạo chủ động, quyết đoán của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã khiến Trung Quốc ngày một nâng cao nhận thức của mình về lợi ích quốc gia. Trung Quốc đã hoàn toàn từ bỏ chính sách ngoại giao ít rủi ro, thay vào đó là một đường lối đối ngoại tự tin, quyết đoán và chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Đổi lại là cơ hội cho Trung Quốc trong việc ngày càng có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề toàn cầu cũng như các mối quan hệ quốc tế.

3. Một số điểm nổi bật trong đối ngoại Trung Quốc 2021

3.1. Về quan hệ song phương

Quan hệ Trung - Mỹ vẫn là xương sống cho các hoạt động đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt nó tác động mạnh mẽ tới các mối quan hệ song phương khác của Trung Quốc. Trái ngược với kì vọng, quan hệ Trung - Mỹ dưới thời của Tổng thống Joe Biden vẫn không có khởi sắc khi bản chất đối nghịch của mối quan hệ này đã trở thành cố hữu. Các cuộc đàm phán cấp cao giữa hai bên ở cả Mỹ và Trung Quốc diễn ra với kết quả thu được là những chỉ trích lẫn nhau ngày một mạnh mẽ[6]. Thậm chí, trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden, không một tuyên bố chung hay kết quả tích cực nào được đưa ra[7]. Đặc biệt, Trung Quốc đã chuyển sang thái độ cứng rắn hơn trong quan hệ với Mỹ khi liên tục chỉ trích các vấn đề của Mỹ như nhân quyền, dân chủ, vấn đề trách nhiệm nước lớn, trước những áp lực mà Mỹ tạo ra với Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương và Hồng Kông.

Vấn đề đã tạo ra đỉnh căng thẳng mới khi làn sóng ngoại giao tẩy chay bắt đầu từ Mỹ khi Nhà Trắng thông báo sẽ không cử phái đoàn chính thức nào tới Thế vận hội Mùa đông tại Bắc Kinh. Tiếp nối theo đó là những tuyên bố của Australia, Anh và Canada. EU cũng đang tìm kiếm một tuyên bố thống nhất cho quan điểm của mình khi Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc trong năm nay kêu gọi các quan chức ngoại giao tẩy chay Thế vận hội Mùa đông. Nguyên nhân trực tiếp nhất được cho là xuất phát từ vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Hồng Kông. Cộng đồng quốc tế đã có áp lực buộc Trung Quốc phải giải trình một loạt vấn đề, bao gồm việc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo ở Tân Cương, cùng với quá trình đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông[8]. Một nhân tố quan trọng khác nữa là sự kiện ngôi sao quần vợt Trung Quốc Peng Shuai mất tích vào tháng 11/2021 sau cáo buộc một quan chức hàng đầu của Trung Quốc về tội tấn công tình dục[9]. Nhân quyền và hình ảnh nhân sự của Chính phủ Trung Quốc đã trở thành nguyên nhân trực tiếp nhất cho Mỹ và phương Tây thực hiện ngoại giao tẩy chay đối với Olympic Bắc Kinh.

Có thể thấy, quan hệ Trung – Mỹ đang rơi vào một giai đoạn có sự thay đổi lớn, khác hẳn với những gì đã xảy ra trong lịch sử quan hệ song phương giữa hai nước. Hiện nay, mọi mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc đều ít nhiều chịu sự tác động từ cặp quan hệ Mỹ - Trung. Lấy chuyến thăm của ngoại trưởng Vương Nghị tới 4 nước Đông Á làm ví dụ, chuyến thăm được diễn ra trong bối cảnh chính quyền mới của Biden đang có một chiến dịch ngoại giao nhằm thu hút các quốc gia Đông Nam Á. Trong những tháng gần đây, ba quan chức cấp cao của Mỹ đã đến thăm Đông Nam Á, và gần nhất là chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào tháng 7 và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6[10]. Trọng tâm các chuyến thăm của Mỹ là củng cố cam kết của Mỹ với các quốc gia này về sự hiện diện của mình, đồng thời phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Vương Nghị phản ánh sự quan tâm của Trung Quốc trong việc chống lại những động thái gần đây của Mỹ và tăng cường quan hệ với các quốc gia mà họ coi là trung tâm trong chính sách “ngoại giao láng giềng”. Đối với Hàn Quốc, chuyến thăm của Vương Nghị tới nước này là một sự nhắc nhở về tầm quan trọng của mối quan hệ Trung - Hàn, khi có nhiều thông tin đưa ra rằng Mỹ đang có ý định đưa Hàn Quốc vào mạng lưới Five Eyes. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên án liên minh tình báo Five Eyes là di tích của Chiến tranh Lạnh[11]. Cách tiếp cận này đã thể hiện một phong cách rất cứng rắn của Trung Quốc và khó có thể khiến quan hệ Mỹ - Trung giảm bớt những căng thẳng và mâu thuẫn.

Đặc biệt, khi mối quan hệ Trung - Mỹ gặp nhiều trở ngại trong năm 2021, Trung Quốc đã có những động thái tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ Trung - Nga. Bất chấp những tác động từ đại dịch COVID-19 đang diễn ra, thương mại Trung - Nga vẫn đang thể hiện sự bùng nổ, với kim ngạch song phương vượt 130 tỷ USD vào năm 2021. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2021, tổng giá trị thương mại song phương Trung - Nga là 843,41 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 120 tỷ USD), tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức cả năm 2020[12]. Trong số các sản phẩm nhập khẩu từ Nga, hơn 70% là sản phẩm năng lượng và sản phẩm khoáng sản. Nguyên nhân là bởi giá dầu và than tăng vọt trong khi Trung Quốc lại gặp khủng hoảng năng lượng nặng nề vào quý III. Hiện tại, dự án đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia mang tính bước ngoặt đang cung cấp khối lượng cao hơn so với thỏa thuận trong hợp đồng ban đầu. Đồng thời, cả hai nước đều đang nỗ lực hoàn tất một thỏa thuận đường ống khác sẽ bơm khí đốt từ bán đảo Yamal đến Trung Quốc. Không chỉ vậy, Nga còn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất và là nguồn nhập khẩu dầu lớn thứ hai của Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc là nguồn đầu tư quan trọng cho các dự án năng lượng của Nga.

Trong lĩnh vực hợp tác quân sự, 2021 chứng kiến những bước phát triển mới trong quan hệ Trung - Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã trực tiếp bay đến Trung Quốc để tham dự cuộc tập trận giữa hai nước vào tháng 8 tại khu tự trị Hồi giáo Ninh Hạ. Điều này đã khẳng định mức độ hợp tác cao trong quân đội giữa hai nước. Quân đội Nga đã cử một số máy bay chiến đấu Su-30SM và một đơn vị bộ binh cơ giới tham gia diễn tập[13]. Một cuộc tập trận khác là Sea 2021 giữa quân đội Nga - Trung vào tháng 11 tại Vịnh Peter Đại đế của Nga. Cuộc tập trận sẽ bao gồm các hoạt động liên lạc, chống mìn, phòng không và chống tàu ngầm, diễn tập chung và thực hành bắn vào các mục tiêu dưới biển. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cử máy bay tác chiến chống ngầm và tàu khu trục có trọng tải hơn 10.000 tấn đến tập trận ở nước ngoài[14]. Gần đây nhất, Iran, Trung Quốc và Nga đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung ở Bắc Ấn Độ Dương vào ngày 22/1/2022. Cuộc tập trận  bao gồm các bài tập chiến thuật khác nhau như giải cứu một tàu đang bốc cháy, giải phóng một tàu bị cướp và bắn vào các mục tiêu trên không vào ban đêm. Cuộc tập trận này được 3 bên giải thích là tăng cường an ninh khu vực, đồng thời mở rộng hợp tác đa phương giữa ba nước để cùng hỗ trợ hòa bình thế giới, an ninh hàng hải[15]. Sự kiện này cho thấy, Nga và Trung Quốc bên cạnh việc thắt chặt quan hệ song phương, đã tích cực mở rộng mạng lưới liên kết tới các quốc gia có những điểm tương đồng về lợi ích hoặc thách thức. Mặc dù liên tục được củng cố, nhưng để trở thành một liên minh Nga - Trung vững chắc thì vẫn còn rất nhiều hoài nghi. Bởi trên thực tế, đây được đánh giá là mối quan hệ hoàn toàn tận dụng lợi ích của nhau. Cả Trung Quốc và Nga đều có lợi ích trong việc duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ. Đây cũng có thể coi là một mối quan hệ quyền lực cổ điển, được thúc đẩy bằng các lợi ích chung, thay vì những giá trị được chia sẻ.

3.2. Về quan hệ đa phương

Trên thực tế, cách mà Trung Quốc thực hiện trong quan hệ đa phương cũng phản ánh một phần cách tiếp cận của nước này trong quan hệ với Mỹ. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa hai bên, “tập hợp lực lượng” được coi là cách mà cả hai nước gia tăng thêm sức mạnh của mình, mặc dù có sự khác nhau về hình thức. Đối với Mỹ là nỗ lực thắt chặt quan hệ với các đồng minh truyền thống hay các đồng minh tiềm năng. Còn đối với Trung Quốc là việc tích cực xuất hiện trong các cơ chế đa phương, đặc biệt là các cơ chế mà Mỹ chưa tham gia. Năm 2021 đánh dấu việc Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế kĩ thuật số (DEPA) là những cơ chế mà chưa có sự tham gia của Mỹ.

Đối với CPTPP, việc đề nghị xin gia nhập Hiệp định đã thể hiện rõ tham vọng dẫn đầu trong thương mại toàn cầu. Tham gia vào CPTPP thực sự là cơ hội tốt để Trung Quốc lấp chỗ trống mà Mỹ để lại, tăng cường hơn nữa ảnh hưởng kinh tế tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, đây cũng là một phản ứng của Trung Quốc đối với Mỹ, nhằm thể hiện các thông điệp chính trị trước các động thái thắt chặt quan hệ an ninh giữa Mỹ và các đồng minh, để kiềm chế Trung Quốc. Đặc biệt, đây là thời điểm thuận lợi để Trung Quốc gia nhập CPTPP. Hiện nay, Mỹ vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng sẽ quay trở lại hiệp định này, và đây là cơ sở để Trung Quốc tránh được sự phản đối của Mỹ. Bên cạnh đó, việc Đài Loan tích cực gửi tín hiệu để trở thành thành viên của CPTPP và nhận được sự ủng hộ lớn từ Mỹ và Nhật Bản cũng trở thành động lực để Trung Quốc xin gia nhập CPTPP. Bởi nếu Đài Loan được chọn thay vì Trung Quốc, đây không chỉ là thất bại của đại lục trước vị thế ngày càng tăng của Đài Loan mà còn cho phép Đài Loan có quyền phủ quyết đối với sự gia nhập của Trung Quốc giai đoạn sau này.

Đối với DEPA, đây là một thỏa thuận được thực hiện bởi Singapore, New Zealand và Chile vào tháng 6 năm 2020, có hiệu lực tại New Zealand và Singapore vào tháng 1 năm 2021. Hiệp định được thành lập với mục đích tạo thuận lợi cho sự tham gia kinh tế và thương mại thông qua các phương thức kỹ thuật số, thiết lập các phương pháp tiếp cận và hợp tác mới trong các vấn đề thương mại kỹ thuật số, thúc đẩy khả năng tương tác giữa các chế độ khác nhau và giải quyết các vấn đề mới do số hóa mang lại. Trung Quốc lần đầu tiên thể hiện sự quan tâm tới DEPA thông qua phát biểu của Tập Cận Bình tại phiên họp đầu tiên của G20 lần thứ 16, khi tuyên bố Trung Quốc coi trọng hợp tác quốc tế về kinh tế kỹ thuật số và sẵn sàng làm việc vì sự phát triển lành mạnh và có trật tự của nền kinh tế kỹ thuật số[16]. Ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc đã gửi đơn xin gia nhập chính thức tới Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand[17]. Việc Trung Quốc xin gia nhập hiệp định này là thông báo lớn thứ hai sau khi nước này đăng ký gia nhập CPTPP. Việc trở thành thành viên của nhóm này mang tới cho Trung Quốc khá nhiều cơ hội. Hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế kỹ thuật số lớn thứ hai trên thế giới, đạt 5,4 nghìn tỷ USD vào năm 2020, chiếm gần 40% GDP của nước này và tăng trưởng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế truyền thống[18]. Trung Quốc cũng đang sở hữu 11 trong Top 20 tập đoàn kĩ thuật số lớn nhất thế giới. Nếu trở thành thành viên DEPA, Trung Quốc sẽ thâm nhập sâu hơn vào các lĩnh vực thích hợp của nền kinh tế kỹ thuật số, tăng cường vị thế thống trị của mình. Việc tích cực tham gia vào các cơ chế đa phương như trên đã thể hiện rất rõ nỗ lực của Trung Quốc trong việc “bẻ gãy” vòng kiểm soát của Mỹ. Trong bối cảnh mối quan hệ với Mỹ và phương Tây ngày càng xấu đi, đa phương đã trở thành một trong những lợi thế lớn của ngoại giao Trung Quốc nhằm bảo vệ ảnh hưởng của mình.

Có thể thấy rằng, “quyết đoán và không ngại đối đầu” là cụm từ miêu tả khái quát nhất tinh thần đối ngoại của Trung Quốc trong năm 2021. Về môi trường đối ngoại, vẫn là sự nối tiếp từ năm 2020, môi trường đối ngoại của Trung Quốc không có quá nhiều cải thiện. Những căng thẳng với Mỹ, phương Tây, vấn đề Đài Loan vẫn là những khó khăn chính cho đối ngoại của Trung Quốc. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Trung Quốc đã có sự điều chỉnh nhất định để thích ứng với bối cảnh mới. Phong cách “ngoại giao chiến lang” đã được tiết chế hơn, tuy nhiên, trong quan hệ với Mỹ và phương Tây, sự chỉ trích của Trung Quốc lại được gia tăng, thể hiện tâm thế “không ngại đối đầu” của quốc gia này. Đồng thời nó cũng chỉ rõ thêm “những hố sâu ngăn cách” trong quan hệ Trung - Mỹ. Trung Quốc cũng tích cực hơn trong việc đưa ra các chiến lược ngoại giao nhằm cải thiện hình ảnh của mình. Điển hình là “ngoại giao vaccine” trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra vô cùng phức tạp. Sự linh hoạt của Trung Quốc trong việc lấp đầy khoảng trống mà vaccine của Mỹ và phương Tây tạo ra tại các nước chậm phát triển, đã đóng góp lớn cho quá trình phòng chống dịch bệnh với nhóm nước dễ bị tổn thương. Mặc dù 96% lượng vaccine xuất khẩu của Trung Quốc thông qua con đường thương mại. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, những đóng góp của nước này đối với chiến dịch vaccine toàn cầu là không thể phủ nhận.

Về hạn chế, đối ngoại Trung Quốc năm 2021 vẫn phải đối diện với lòng tin chính trị, khi không chỉ Mỹ và các nước đồng minh tỏ thái độ công khai chỉ trích các động thái của Trung Quốc mà ngay cả các quốc gia đang phát triển cũng thể hiện rõ sự nghi ngại đối với mục tiêu chính trị của Trung Quốc đằng sau các hoạt động ngoại giao. Chiến dịch “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc là một trong những ví dụ điển hình. Các nước Mỹ Latinh và Caribe được cho là đã nhận những áp lực chính trị của Trung Quốc thông qua ngoại giao vaccine, trong việc buộc phải thể hiện rõ hơn quan điểm về chính sách “một Trung Quốc”, hay vấn đề nhân quyền của nước này[19].

Đối ngoại Trung Quốc năm 2021 nếu được nhìn từ mặt trận ngoại giao thì có thể không thấy rõ sự thành công. Song nếu đặt trong bối cảnh trong nước của Trung Quốc, thì rõ ràng, công tác đối ngoại của nước này đã đạt được những kết quả tích cực cho lợi ích quốc gia của mình. Thứ nhất, đối ngoại Trung Quốc 2021 đã đảm bảo được các mục tiêu cốt lõi mà nước này đề ra như duy trì kiểm soát với Hồng Kông, Tân Cương; ảnh hưởng tại Biển Đông và các khu vực truyền thống. Thứ hai, nó tạo được làn sóng chủ nghĩa yêu nước, cũng như sự tự hào về giá trị quốc gia của người dân Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tận dụng rất thành công việc sử dụng căng thẳng với Mỹ và phương Tây để làm dấy lên mạnh mẽ tinh thần yêu nước, cũng như chiến dịch ngoại giao vaccine, hay sự tích cực của Trung Quốc trong cơ chế đa phương, vấn đề toàn cầu, cũng làm người dân Trung Quốc thêm tự hào về hình ảnh quốc gia mình.

Năm 2022 sẽ chứng kiến sự kiện chính trị quan trọng của Trung Quốc. Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ là điểm mốc mới cho chính trường Trung Quốc nói chung và đối ngoại Trung Quốc nói riêng. Với sự kiện quan trọng này, xu hướng đối ngoại của Trung Quốc hầu như sẽ không tạo thay đổi lớn trước thềm Đại hội lần thứ XX. Thế giằng co trong quan hệ với Mỹ và phương Tây, sự thắt chặt trong quan hệ Nga- Trung, sự củng cố gia tăng ảnh hưởng ở các khu vực đang phát triển thông qua cả cơ chế đa phương và song phương sẽ là “dòng chảy chính” của đối ngoại Trung Quốc năm 2022. Sự tiếp tục này giúp Trung Quốc và cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình ổn định tình hình trong nước, giữ vững được lòng dân và khẳng định được uy tín của Đảng và Chủ tịch Tập Cận Bình, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động Đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. “Amid Chinese Push, US Official to Visit Three Southeast Asian Nations”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2021/05/ amid-chinese-push-us-official-to-visit-three-southeast-asian-nations/
  2. “Analysis: U.S., China positions ossify at entrenched Tianjin talks”, Reuters, https://www.reuters.com/world/us-china-positions-ossify-entrenched-tianjin-talks-2021-07-26/.
  3. “China, Russia launch joint naval drills in Russian Far East”, Military Times, https://www.militarytimes.com/flashpoints/2021/10/15/china-russia-launch-joint-naval-drills-in-russian-far-east/.
  4. “China’s Wang Yi dismisses West’s Five Eyes as Cold War relic”, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/China-s-Wang-Yi-dismisses-West-s-Five-Eyes-as-Cold-War-relic.
  5. Ethan Knecht (2021), “Lessons from Paraguay and Guyana’s brushes with Chinese vaccine diplomacy”, The Global Americans, https://theglobalamericans.org/2021/05/lessons-from-paraguay-and-guyanas-brushes-with-chinese-vaccine-diplomacy/.
  6. “Iran, China and Russia hold naval drills in north Indian Ocean”, CNN, https://edition.cnn.com/2022/01/21/world/iran-china-russia-naval-drills-intl/index.html.
  7. “Kamala Harris’s South-east Asia trip reveals limits of US strategy”, The Guardian, https://www.theguardian.com/us-news/2021/aug/27/kamala-harriss-south-east-asia-trip-reveals-limits-of-us-strategy.
  8. Kevin Liptak (2021), “Healthy debate,' but no breakthroughs in Biden's critical talks with China's Xi Jinping”, CNN, https://edition.cnn.com/2021/11/15/politics/joe-biden-xi-jinping-virtual-summit/index.html
  9. Ministry of Foreign Affairs (2021), “Xi Jinping Attends Session I of the 16th G20 Leaders' Summit and Delivers an Important Speech”, https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/ topics_665678/kjgzbdfyyq/202111/t20211101_10435619.html.
  10. “U.S., Chinese diplomats clash in high-level meeting of Biden administration”, Reuters, https://www.reuters.com/world/ us/us-china-set-broach-icy-relations-alaska-talks-2021-03-18/.
  11. “Where is PengShuai: Totalitarianism, violence against women and an overdue Olympic boycott?”, The Conversation, https://theconversation.com/whereispengshuai-totalitarianism-violence-against-women-and-an-overdue-olympic-boycott-172261.
  12. “With eye on China, Pentagon chief heads to Southeast Asia”, Channel News Asia, https://www.channelnewsasia.com/world/covid-19-australia-queensland-says-omicron-peak-two-weeks-away-2452791.
  13. “White House watching China closely on forced labor after U.S. firms pressured”, Reuters,  https://www.reuters.com/article/us-usa-china-rights-idUSKBN2BI2OL.
  14. Vladimir Isachenkov (2021), “See Russia and China launch joint military drills”, Defense News, https://www.defensenews.com/ training-sim/2021/08/13/see-russia-and-china-launch-joint-military-drills/.
  15. 中国政府网 (2021), 商务部就中国申请加入《数字经济伙伴关系协定》等答问 (Mạng Chính phủ Trung Quốc, Bộ Thương mại trả lời các câu hỏi về đơn xin gia nhập “Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số” của Trung Quốc), http://www.gov.cn/xinwen/2021-11/12/content_5650565.htm.
  16. 中国金融新闻网 (2021), 中国数字经济增速全球领先 (Mạng tin tức tài chính Trung Quốc, Nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng), https://www.financialnews.com.cn/hq/cj/202110/t20211028_231632.html.
  17. 中华人民共和国外交部 (2021), 深入学习贯彻习近平外交思想 奋进新时代中国外交壮阔征程, https://www.fmprc.gov.cn/wjbzhd/202111/t20211126_10453786.shtml (Bộ Ngoại giao nước CHND Trung Hoa, Nghiên cứu sâu và thực hiện Tư tưởng Tập Cận Bình về Ngoại giao, tiến lên trong kỷ nguyên mới, hành trình ngoại giao của Trung Quốc).
  18. 中国政府网 (2021), 中俄前11个月贸易额超过去年全年, http://www.gov.cn/xinwen/2021-12/15/content_5660935.htm.
  19. 中国政府网 (2021), 王毅出席《习近平外交思想学习纲要》出版座谈会并讲话, http://www.gov.cn/guowuyuan/2021-09/06/content_5635772.htm (Mạng Chính phủ Trung Quốc, Vương Nghị tham dự và phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về việc công bố Đề cương nghiên cứu tư tưởng Tập Cận Bình về ngoại giao).
  20. 中国政府网 (2021), 王毅出席《习近平外交思想学习纲要》出版座谈会并讲话, http://www.gov.cn/guowuyuan/2021-09/06/content_5635772.htm (Mạng Chính phủ Trung Quốc, Vương Nghị tham dự và phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về việc công bố Đề cương nghiên cứu tư tưởng Tập Cận Bình về ngoại giao).

 



[1] TS., Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] TS.,  Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu

[3] 中华人民共和国外交部 (2021), 深入学习贯彻习近平外交思想奋进新时代中国外交壮阔征程, https://www.fmprc.gov.cn/wjbzhd/202111/t20211126_10453786.shtml, truy cập ngày 15/1/2022. (Bộ Ngoại giao nước CHND Trung Hoa, Nghiên cứu sâu và thực hiện Tư tưởng Tập Cận Bình về Ngoại giao, tiến lên trong kỷ nguyên mới, hành trình ngoại giao của Trung Quốc).

[4] 中国政府网 (2021), 王毅出席《习近平外交思想学习纲要》出版座谈会并讲话, http://www.gov.cn/guowuyuan/2021-09/06/content_ 5635772.htm, truy cập ngày 15/1/2022 (Mạng Chính phủ Trung Quốc, Vương Nghị tham dự và phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về việc công bố Đề cương nghiên cứu tư tưởng Tập Cận Bình về ngoại giao).

[5] 中国政府网 (2021), 王毅出席《习近平外交思想学习纲要》出版座谈会并讲话, http://www.gov.cn/guowuyuan/2021-09/06/content_ 5635772.htm, truy cập ngày 15/1/2022 (Mạng Chính phủ Trung Quốc, Vương Nghị tham dự và phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về việc công bố Đề cương nghiên cứu tư tưởng Tập Cận Bình về ngoại giao).

[6] “U.S., Chinese diplomats clash in high-level meeting of Biden administration”, Reuters, https://www. reuters.com/world/us/us-china-set-broach-icy-relations-alaska-talks-2021-03-18/.

“Analysis: U.S., China positions ossify at entrenched Tianjin talks”, Reuters, https://www.reuters. com/world/us-china-positions-ossify-entrenched-tianjin-talks-2021-07-26/.

[7] Kevin Liptak (2021), “Healthy debate,' but no breakthroughs in Biden's critical talks with China's Xi Jinping”, CNN, https://edition.cnn.com/2021/11/15 /politics/joe-biden-xi-jinping-virtual-summit/index.html.

[8] “White House watching China closely on forced labor after U.S. firms pressured”, Reuters, https://www. reuters.com/article/us-usa-china-rights-idUSKBN2BI2OL

[9] “Where is PengShuai: Totalitarianism, violence against women and an overdue Olympic boycott?”, The Conversation, https://theconversation.com/whereis pengshuai-totalitarianism-violence-against-women-and-an-overdue-olympic-boycott-172261.

[10] “Amid Chinese Push, US Official to Visit Three Southeast Asian Nations”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2021/05/amid-chinese-push-us-official-to-visit-three-southeast-asian-nations/.

“With eye on China, Pentagon chief heads to Southeast Asia”, Channel News Asia, https://www.channe lnewsasia.com/world/covid-19-australia-queensland-says-omicron-peak-two-weeks-away-2452791.

“Kamala Harris’s south-east Asia trip reveals limits of US strategy”, The Guardian, https://www.the guardian.com/us-news/2021/aug/27/kamala-harriss-south-east-asia-trip-reveals-limits-of-us-strategy.

[12] 中国政府网 (2021), 中俄前11个月贸易额超过去年全年, http://www.gov.cn/xinwen/2021-12/15/cont ent_ 5660935.htm.

[13] Vladimir Isachenkov (2021), “See Russia and China launch joint military drills”, Defense News, https://www.defensenews.com/training-sim/2021/08/13 /see-russia-and-china-launch-joint-military-drills/

[14] “China, Russia launch joint naval drills in Russian Far East”, Military Times, https://www.militarytimes. com/flashpoints/2021/10/15/china-russia-launch-joint-naval-drills-in-russian-far-east/

[15] “Iran, China and Russia hold naval drills in north Indian Ocean”, CNN, https://edition.cnn.com/2022/ 01/21/world/iran-china-russia-naval-drills-intl/index.html.

[16] Ministry of Foreign Affairs (2021), “Xi Jinping Attends Session I of the 16th G20 Leaders' Summit and Delivers an Important Speech”, https://www.fmprc. gov.cn/mfa_eng/topics_665678/kjgzbdfyyq/202111/t20211101_10435619.html.

[17] 中国政府网 (2021), 商务部就中国申请加入《数字经济伙伴关系协定》等答问 (Mạng Chính phủ Trung Quốc, Bộ Thương mại trả lời các câu hỏi về đơn xin gia nhập “Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số” của Trung Quốc), http://www.gov.cn/xinwen/2021-11/12/content_ 56505 65.htm.

[18] 中国金融新闻网 (2021), 中国数字经济增速全球领先 (Mạng tin tức tài chính Trung Quốc, Nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng), https://www.financialnews.com.cn/hq/cj/202110/ t20211028_231632.html.

[19] Ethan Knecht  (2021), Lessons from Paraguay and Guyana’s brushes with Chinese vaccine diplomacy, The Global Americans, https://theglobalamericans.org/ 2021/05/lessons-from-paraguay-and-guyanas-brushes-with-chinese-vaccine-diplomacy/.

 

0thảo luận