Trang chủ

Kinh nghiệm phát triển hợp tác xã ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các giá trị tham khảo cho Việt Nam

Đăng ngày: 4-08-2023, 09:19 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 5

Nguyễn Duy Lợi1

Tóm tắt: Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế với đặc điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, bình đẳng, công bằng và đoàn kết. Hợp tác xã phát triển rộng khắp thế giới như là những tổ chức liên kết, tự trợ giúp của người dân nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, vượt qua những khó khăn, trở ngại mà từng cá nhân không thể thực hiện được. Mục tiêu của hợp tác xã là tối đa hóa các dịch vụ cho xã viên, đem lại lợi ích cho xã viên và cho cộng đồng, rất khác với doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận cho chủ đầu tư. Trải qua nhiều năm phát triển, phong trào hợp tác xã ngày càng lớn mạnh và trở thành những lực lượng xã hội thu hút đông đảo các tầng lớp xã hội, đặc biệt nông dân, công nhân, những người lao động trong các ngành nghề khác nhau tham gia. Ngày nay, hợp tác xã đã phát triển thành thiết chế quan trọng góp phần khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường, của các quá trình toàn cầu hóa, tư nhân hóa, đô thị hóa…, thúc đẩy dân chủ, đoàn kết xã hội, sự phát triển cân bằng và bền vững. Bài viết* phân tích một số kinh nghiệm phát triển hợp tác xã ở Nhật Bản, Hàn Quốc và rút ra một số giá trị tham khảo cho Việt Nam.

Từ khóa: Hợp tác xã, kinh tế tập thể, Nhật Bản, Hàn Quốc

 

 

 

Ở mỗi quốc gia trên thế giới, nội hàm khái niệm hợp tác xã vừa mang những giá trị phổ quát lại vừa có những[1]nét đặc thù riêng của quốc gia. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như căn cứ vào đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa Việt Nam thì hợp tác xã được xem là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã (Luật hợp tác xã của Việt Nam năm 2012, chương 1, điều 3). Như vậy, hợp tác xã do các thành viên bao gồm cả thể nhân và pháp nhân, không phân biệt ít vốn hay nhiều vốn, có thể góp sức hoặc góp vốn dựng nên, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc: tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi, quản lý dân chủ.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Đặc biệt, hiện nay, mô hình hợp tác xã đã phát triển trở thành lực lượng vững mạnh ở một số nước. Ngay ở những nước tư bản phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc, hợp tác xã phát triển mạnh, đã và đang chiếm những vị trí hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn có trách nhiệm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, an sinh xã hội của nông dân và thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng nông thôn.

1. Kinh nghiệm phát triển hợp tác xã ở Nhật Bản

Tại Nhật Bản, 98% nông dân là thành viên của hơn 850 hợp tác xã nông nghiệp đa chức năng. Ở khu vực nông thôn, các hợp tác xã nông nghiệp đa chức năng đóng vai trò quan trọng với nhiệm vụ cung cấp hầu hết các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống cho nông dân như nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị nông nghiệp, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản, cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, y tế, tổ chức các cửa hàng bán lẻ, cung cấp đồ gia dụng, xây dựng nhà tang lễ, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, các câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng… Hệ thống các hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức từ cấp cơ sở cho đến các liên hiệp hợp tác xã cấp tỉnh và liên hiệp các hợp tác xã nông nghiệp trung ương Nhật Bản, trong đó Liên minh hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản là tổ chức cấp cao nhất mang tính đại diện cho nông dân, cho phong trào hợp tác xã và triển khai các hoạt động chính trị, tham gia xây dựng chính sách pháp luật, hướng dẫn về tổ chức và quản lý, cung cấp các hoạt động thông tin, đào tạo, kiểm toán[2]... Hơn nữa, ở Nhật Bản còn có các liên đoàn hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành với chức năng hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp triển khai các hoạt động kinh tế trong từng lĩnh vực hay chăm lo đến đời sống tinh thần của nông dân, như Liên đoàn cung tiêu quốc gia các hợp tác xã nông nghiệp, Liên đoàn bảo hiểm tương hỗ quốc gia các hợp tác xã nông nghiệp, Ngân hàng Trung ương các hợp tác xã nông – lâm – ngư nghiệp, Liên đoàn phúc lợi quốc gia các hợp tác xã nông nghiệp, Liên đoàn thông tin báo chí quốc gia các hợp tác xã nông nghiệp, các cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…

Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản do người dân lập ra và hoạt động vì người nông dân. Những người điều hành hợp tác xã là những người được đào tạo nghiệp vụ bài bản và có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng phải chịu sự giám sát từ ban kiểm soát độc lập. Tất cả chức vụ này đều do xã viên bầu ra một cách dân chủ. Người điều hành chịu áp lực rất lớn từ các thành viên của hợp tác xã: nông dân không phải là người phụ thuộc vào hợp tác xã mà trái lại, sự sống còn của hợp tác xã phải phụ thuộc vào người nông dân. Nói cách khác, hợp tác xã phải bám sát nhu cầu của người nông dân, đưa ra các dịch vụ thiết thực với đời sống của họ. Chính vì vậy, tuy là một tổ chức độc quyền nhưng hoạt động của hợp tác xã Nhật Bản lại khá linh hoạt theo điều kiện kinh tế và nhu cầu của người nông dân.

Hoạt động của hệ thống hợp tác xã Nhật Bản được tổ chức một cách chặt chẽ với những mục tiêu và định hướng rõ ràng. Tất cả các nông sản sản xuất bởi hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản đều đảm bảo một quy chuẩn chất lượng chung (nông nghiệp 3H - Healthy, High quality, High technology - sức khỏe, chất lượng cao, công nghệ cao), được gắn cùng một nhãn hàng “JA” và có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Không bó hẹp trong việc hỗ trợ quy trình sản xuất hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản thúc đẩy tư duy và tầm nhìn của người nông dân Nhật Bản với những mục tiêu: duy trì năng suất, duy trì giá cổ phiếu thực phẩm, quảng bá các chương trình hỗ trợ lương thực, thực phẩm, liên kết với các chương trình hỗ trợ quốc tế, mở rộng các chương trình về an ninh lương thực quốc tế, hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình và phúc lợi xã hội, hỗ trợ các nghiên cứu nông nghiệp liên quốc gia, thiết lập hệ thống thương mại nông nghiệp.

Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản với 2/3 nông dân tham gia làm thành viên là đầu mối áp dụng khoa học - kĩ thuật từ khi mới được thành lập, nơi người dân có thể chia sẻ các thiết bị công nghệ nông nghiệp hiện đại và đắt tiền, với chính sách mỗi vùng một sản phẩm, toàn bộ khu vực sản xuất đều được giám sát bằng camera và các thiết bị cảm ứng. Để làm được điều này, những người nông dân Nhật phải có trình độ nhất định và tinh thần hợp tác cao. Từ khi hợp tác xã là đơn vị công lập, Chính phủ Nhật Bản đã chú trọng phát triển dịch vụ tư vấn nông nghiệp, trong đó không chỉ tư vấn, đào tạo ứng dụng khoa học công nghệ mà còn kết hợp tư vấn về chi tiêu tài chính, tiềm năng của từng giống cây trồng[3]...

Các hợp tác xã hợp tác với các trường đại học và thành lập Liên đoàn Đại học hợp tác xã (NFUCA) với hơn 1,4 triệu thành viên[4]. Trong đó, các sinh viên, giảng viên của các trường vừa là người tiêu thụ nông sản do hợp tác xã sản xuất, đồng thời cũng quảng bá, đào tạo các công nghệ mới và liên kết thực hiện các nghiên cứu ứng dụng.

Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản có vai trò rất quan trọng trong việc đóng góp phát triển nông nghiệp. Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng thể chế hợp tác xã và ban hành nhiều chính sách phát triển và mở rộng nhằm qua đó có thể giúp người nông dân nâng cao thu nhập, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành các chính sách thúc đẩy hợp tác xã phát triển như: (i) chính sách tái cấu trúc tổ chức hợp tác xã; (ii) chính sách quy hoạch vùng và theo hướng mỗi làng một sản phẩm (One village One product); (iii) chính sách phát triển khoa học công nghệ; (iv) chính sách phát triển công nghiệp chế biến với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị nông sản; (v) chính sách khuyến nông nhằm tăng cường năng lực cho các thành viên của hợp tác xã; (vi) chính sách tổ chức tiêu thụ nông sản qua chợ đấu giá.

Một đặc điểm nổi bật khác của hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản là hình thức hợp tác trong phân phối chứ không hợp tác trong sản xuất. Hợp tác xã nông nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện hai nhiệm vụ chủ yếu: (i) cung cấp cho nông dân các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, hóa chất nông nghiệp, thức ăn, trang thiết bị sản xuất và kỹ thuật cho sản xuất trồng trọt và chăn nuôi gia súc cũng như các hàng hóa cần dùng cho nông hộ; (ii) giúp nông dân tiêu thụ các sản phẩm bằng cách thu gom, bảo quản dự trữ và bán các sản phẩm nông nghiệp và vật nuôi dựa vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm quốc gia và quốc tế.

Chính sách mỗi làng một sản phẩm khuyến khích các thành viên của hợp tác xã sản xuất những sản phẩm đặc trưng của vùng, cung cấp tất cả các hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến sản phẩm. Đây có thể được xem là một trong những chính sách có giá trị thực tiễn hỗ trợ các hợp tác xã khởi nghiệp. Để nâng cao khả năng cạnh tranh hàng nông sản do hợp tác xã tiêu thụ, hợp tác xã đã đề nghị nông dân sản xuất theo kế hoạch với chất lượng và tiêu chuẩn thống nhất với nhau và ưu tiên bán cho hợp tác xã. Tỷ lệ hoa hồng hợp tác xã chiết khấu của xã viên thấp nhằm tiết giảm chi phí và tăng cạnh tranh của sản phẩm. Các hợp tác xã tiêu thụ nông sản theo quy mô lớn, không chỉ ở chợ địa phương mà thông qua liên đoàn tiêu thụ trên toàn quốc với các khách hàng lớn như công ty, bệnh viện… Hợp tác xã đã mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa khá tốt ở Nhật Bản.

Hợp tác xã cung ứng hàng hóa cho xã viên theo đơn đặt hàng và theo giá thống nhất và hợp lý. Các hợp tác xã đã đạt đến trình độ cung cấp cho mọi xã viên trên toàn quốc hàng hóa theo giá cả như nhau, nhờ đó giúp cho những người ở các vùng xa xôi có thể có được hàng hóa mà không chịu cước phí quá đắt. Hàng tiêu dùng không cần đặt hàng theo kế hoạch trước. Thông thường các hợp tác xã nhận đơn đặt hàng của xã viên, tổng hợp và đặt cho liên hiệp hợp tác xã tỉnh, sau đó tỉnh đặt cho liên hiệp hợp tác xã toàn quốc. Đôi khi liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp tỉnh hoặc hợp tác xã nông nghiệp cơ sở đặt hàng trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất. Nhìn chung các liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp tỉnh và trung ương không phải là cấp quản lý thuần túy mà là các tổ chức kinh tế, các trung tâm phân phối và tiêu thụ hàng hóa.

Hợp tác xã nông nghiệp cung cấp tín dụng cho các xã viên của mình và nhận tiền gửi của họ với lãi suất thấp. Các khoản vay có phân biệt: cho xã viên khó khăn vay với lãi suất thấp, nếu có trợ cấp chính phủ cho hợp tác xã thì khoản này được dùng để bù vào phần lỗ do lãi suất cho vay thấp. Ở Nhật Bản, hợp tác xã nông nghiệp cũng được phép sử dụng tiền gửi của xã viên để kinh doanh, một ngân hàng hợp tác xã nông nghiệp được thành lập và hoạt động để giúp các hợp tác xã quản lý tốt tín dụng và được quyền cho các tổ chức kinh tế công nghiệp vay nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp.

Hợp tác xã nông nghiệp còn sở hữu các phương tiện sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản để tạo điều kiện giúp nông dân sử dụng các phương tiện này hiệu quả nhất, hạn chế sự chi phối của tư nhân. Các loại phương tiện thuộc sở hữu hợp tác xã thường là: máy cày cỡ lớn, phân xưởng chế biến, máy bơm nước, máy phân loại, đóng gói nông sản. Hợp tác xã trực tiếp quản lý việc sử dụng các tài sản này. Hơn nữa, các hợp tác xã còn là diễn đàn để nông dân kiến nghị chính phủ các chính sách hợp lý cũng như tương trợ lẫn nhau giữa các hợp tác xã và địa phương. Các hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản còn tiến hành các nhiệm vụ giáo dục xã viên tinh thần hợp tác xã thông qua các tờ báo, phát thanh, hội nghị, đào tạo, tham quan ở cả ba cấp hợp tác xã nông nghiệp cơ sở, tỉnh và trung ương.

Như vậy, có thể thấy rằng hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản đã phát triển thành các đơn vị đa năng dịch vụ mọi mặt cho nhu cầu của nông dân và tổ chức liên kết quy mô lớn toàn quốc. Với một nước công nghiệp hóa như Nhật Bản, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả vẫn là hộ gia đình, do đó hợp tác xã nông nghiệp một mặt được thành lập để hỗ trợ nông dân, giúp cho họ vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa cải thiện cuộc sống ở nông thôn, mặt khác vẫn tôn trọng mô hình kinh tế nông hộ và chỉ thay thế hộ nông dân và tư thương ở khâu nào hợp tác xã tỏ ra có ưu thế hơn hẳn trong tương quan với mục tiêu hỗ trợ nông dân.

2. Kinh nghiệm phát triển hợp tác xã của Hàn Quốc

Năm 1961, nhận thấy lực lượng nông dân có ý nghĩa sống còn về kinh tế và chính trị với đất nước, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập Liên đoàn hợp tác xã nông nghiệp Quốc gia (NACF) dựa trên hai tổ chức hoạt động độc lập lúc đó là Ngân hàng nông nghiệp và tổ chức hợp tác xã cũ. Sau đó, Liên đoàn tiến hành thiết lập mạng lưới hợp tác xã từ trung ương xuống cơ sở nhằm thực hiện hai mục tiêu cơ bản: (i) cung cấp vốn cho nông dân do giai đoạn này, thị trường vốn hoạt động yếu trên địa bàn nông thôn, nông dân thường phải vay nặng lãi, ảnh hưởng xấu tới sản xuất và đời sống. Do đó, cùng với ban hành luật cấm cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn và Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp hỗ trợ vốn cho nông dân mua nguồn vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất; (ii) tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhằm thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp như một biện pháp nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư nông thôn, chính phủ tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp mở rộng vai trò trong hoạt động tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm.

Từ năm 1980, hệ thống hợp tác xã nông nghiệp không ngừng hoàn thiện về tổ chức và hình thức hoạt động và đến nay đã rất hoàn chỉnh. NACF có nhiều chức năng của một tổ chức kinh doanh đa ngành, từ tiếp thị sản phẩm, chế biến, cung cấp vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng, tín dụng và bảo hiểm, vận tải, lưu kho, quảng canh và các dịch vụ hỗ trợ cho 5 triệu nông dân, nắm giữ 40% thị phần nông phẩm trong nước, và là một ngân hàng có số tiền gửi lớn nhất trong nước, tổng số lao động làm việc trong các cơ sở của liên đoàn là 17.806 người và 51.231 nhân viên làm việc trong các hợp tác xã[5].

Hiện nay, phong trào hợp tác xã ở Hàn Quốc phát triển rất mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, tín dụng và nghề cá. Hàn Quốc có khoảng 1.239 hợp tác xã nông nghiệp gồm các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, sản xuất cây lương thực, chăn nuôi gia súc và hơn 88 hợp tác xã chuyên trồng cây ăn quả, hoa, rau, nhân sâm, thu hút 100% nông dân tham gia làm xã viên với khoảng 2,4 triệu người. Tất cả các hợp tác xã này đều là thành viên của Liên đoàn hợp tác xã nông nghiệp Hàn Quốc, tạo thành một hệ thống thống nhất triển khai các dịch vụ hỗ trợ nông dân từ khâu lập kế hoạch và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, chế biến và tiêu thụ nông sản cho đến cung cấp các dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm. Hệ thống hợp tác xã nông nghiệp hiện có 4.600 chợ và cửa hàng bán nông sản trên cả nước giúp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với tổng doanh số đạt 37 ngày tỷ won/năm; 5.041 văn phòng, các điểm giao dịch phục vụ các hoạt động ngân hàng trên toàn quốc với 36 triệu khách hàng, chiếm 67% dân số Hàn Quốc. Dưới sự hỗ trợ của Liên đoàn quốc gia, các hợp tác xã nông nghiệp được xây dựng thành những trung tâm tài chính, văn hóa và phúc lợi của địa phương, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nông dân và người dân nông thôn[6].

Là quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển ở Đông Bắc Á, Hàn Quốc vẫn bảo đảm công việc và thu nhập của số lao động nông nghiệp chiếm 11,6% lao động Hàn Quốc. Cũng như nhiều quốc gia châu Á, các nông trại gia đình của Hàn Quốc là đơn vị kinh tế tự chủ nhưng quy mô trang trại nhỏ, bình quân chỉ có 1,3 ha/hộ. Cho đến năm 1960, nông nghiệp vẫn chiếm ½ GDP của nền kinh tế và ½ lao động, nhưng đến năm 2000 chỉ chiếm 4,4% GDP, năm 2002 chiếm 3,5% và sử dụng 2,3 triệu lao động[7]. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là vấn đề nhạy cảm của các quốc gia công nghiệp hóa, nông nghiệp của Hàn Quốc có bước chuyển mạnh sang các hoạt động dịch vụ để nông dân tiếp cận với thị trường, nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp trong nền kinh tế, có khả năng cạnh tranh với sức ép mở cửa thị trường sản phẩm nông nghiệp trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Hàn Quốc có khả năng cân đối lương thực, trong điều kiện nhu cầu lương thực giảm và đòi hỏi chất lượng lương thực cao.

Từ năm 1980, hệ thống hợp tác xã nông nghiệp không ngừng hoàn thiện về tổ chức và hình thức hoạt động và đến nay đã rất hoàn chỉnh. Cơ quan đứng đầu của Hệ thống là NACF, trong đó có hai nhánh là hợp tác xã cơ sở và hợp tác xã ở đô thị. Giám đốc hợp tác xã do xã viên bầu. Chủ tịch và Kiểm toán viên chính của NACF do các giám đốc hợp tác xã cơ sở bầu lên. Các thành viên khác của ban lãnh đạo NACF được Chủ tịch đề cử và hội nghị đại biểu của chủ nhiệm hợp tác xã cơ sở chấp thuận. NACF có nhiều chức năng của một tổ chức kinh doanh đa ngành, từ tiếp thị sản phẩm, chế biến, cung cấp vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng, tín dụng và bảo hiểm, vận tải, lưu kho, quảng canh và các dịch vụ hỗ trợ cho 5 triệu nông dân.

Tuy vậy, hợp tác xã giúp mở rộng chế biến sản phẩm nông nghiệp để tăng tốc độ tiêu thụ hàng nông sản, đã và đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức, do đó NAFC đã chủ động xây dựng một chương trình tiêu thụ sản phẩm. Các hợp tác xã nông nghiệp của Hàn Quốc rất chú trọng đến việc nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, qua đó tăng giá trị nông sản, tạo thu nhập và việc làm cho dân cư nông thôn và tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản.

Chế biến là con đường tăng giá trị nông sản, lấy lãi từ các nhà máy này để tái đầu tư cho các hợp tác xã thành viên và tăng giá trị thu mua nông sản. NACF đã tổ chức nhiều nhà máy chế biến gạo, kim chi, chè, đậu tương, tinh bột, tinh dầu. Với công nghệ hiện đại, sản phẩm có phong cách riêng nên thị trường của NACF đã mở rộng ra nhiều quốc gia, phục vụ món ăn kim chi, đồ uống, gạo, rau, hoa quả, sâm... cho các hãng hàng không quốc tế như hàng Hàng không Quốc gia Hàn Quốc, Hàng không châu Á…

Hợp tác xã nông nghiệp giúp tiếp thị hàng nông sản của Hàn Quốc. NACF đã tập trung phát triển hoạt động thị trường nông sản. Trong NACF có Trung tâm bán buôn và phân phối nông sản chịu trách nhiệm nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và bảo vệ thị trường nhằm đưa sản phẩm của hợp tác xã đến với người tiêu dùng. Hệ thống này bao gồm các tổ hợp thương mại, kho tàng hiện đại, cửa hàng bán buôn, bán lẻ, chợ nông dân.

NACF đã tổ chức hệ thống tiêu thụ gồm 99 trung tâm bán buôn nông sản, 12 “Câu lạc bộ Hanaro” - cửa hàng giảm giá lưu kho cho các thành viên, 2.206 “Hanaro Mart” - siêu thị cho những người không phải là xã viên và các tổ hợp tiếp thị nông sản. Mô hình này đã giảm chi phí tiếp thị đơn lẻ, của các thành viên, mặt khác các thành viên bán sản phẩm ổn định với mức giá có lợi. Năm 1997, NACF đổi mới phương thức bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng bằng cách xây dựng 8 tổ hợp phân phối hàng nông sản liên kết với các nhà phân phối khác cùng với công nghệ phân loại, sơ chế, bảo quản, bao gói... ở Seoul và các thành phố lớn trên toàn quốc[8].

NACF đã tổ chức hữu hiệu cơ chế “mua tận gốc, bán tận ngọn”, đầu tư các xe chuyên dùng cùng với các trung tâm thu mua mới. NACF quản lý một mạng lưới dịch vụ vận chuyển nông sản từ cửa nông trại đến người tiêu dùng với 1.500 ô tô chuyên dụng, 1.108 trung tâm tập trung hàng, hỗ trợ cho 20,5 nghìn nhóm vận chuyển hàng hóa của các hợp tác xã nông nghiệp. Cơ chế tái phân phối lợi nhuận cho quỹ hỗ trợ vận tải hàng hóa của hợp tác xã đã làm tăng giá trị nông sản hàng hóa của hợp tác xã, tăng tỷ trọng hàng hóa của hợp tác xã chiếm đến 70% doanh số bán hàng nông sản của NACF. NACF chú trọng các nhu cầu cá biệt của khách hàng là người nước ngoài, nhu cầu trong các ngày lễ, nhu cầu của chính nông dân mỗi vùng, mở ra các kênh tiêu thụ hướng dẫn sản xuất, phân loại sản phẩm, chuẩn bị chân hàng kịp thời vụ. Bên cạnh đó, NACF đã mở Trung tâm buôn bán hàng nông sản tại New York, Hoa Kỳ và Nhật Bản[9].

Việc kinh doanh nông sản của NACF giải quyết tốt yêu cầu căn bản là tiêu thụ nông sản cho nông dân và đáp ứng nhu cầu của thị trường, giảm tối thiểu chi phí lưu thông hao hụt mất mát, do đó, hiện nay, Liên đoàn quản lý một hệ thống doanh nghiệp kinh doanh nông sản lớn nhất và cạnh tranh mạnh nhất, nắm giữ 40% thị phần buôn bán nông sản trên thị trường Hàn Quốc.

3. Một số giá trị tham khảo cho phát triển hợp tác xã ở Việt Nam

Thứ nhất, kinh tế tập thể, mà trọng tâm là hợp tác xã là một thực thể tồn tại khách quan, độc lập với các chủ thể và thành phần kinh tế khác. Kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn phát triển mạnh ở các nền kinh tế có trình độ phát triển cao như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Thứ hai, kinh tế tập thể, hợp tác xã có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế. Do đó, hợp tác xã cần được thiết lập cơ cấu tổ chức hợp tác xã phù hợp trình độ phát triển kinh tế. Thiết lập một cơ cấu tổ chức hợp tác xã phù hợp là rất quan trọng. Tổ chức hợp tác xã nông nghiệp cấp quốc gia hoặc cấp vùng không phải là cấp trên của các hợp tác xã ở làng, xã mà là tổ chức tạo ra sự hợp tác giữa các hợp tác xã cơ sở với nhau, cũng như tạo ra sự hợp tác giữa các hợp tác xã cơ sở với các tổ chức, doanh nghiệp liên quan nhằm cung cấp thông tin thị trường cho người nông dân để họ có thể sản xuất đúng cái mà thị trường cần, tạo thị trường rộng lớn cho hợp tác xã, phát huy lợi thế nhờ quy mô. Kinh nghiệm phát triển hợp tác xã nông nghiệp thành công ở các nước cho thấy thiết lập cơ cấu tổ chức phù hợp là một trong những yếu tố thành công cơ bản của các mô hình này.

Cơ cấu tổ chức của mỗi hợp tác xã nông nghiệp cơ sở về cơ bản ở các nước đều giống nhau. Tất cả các hợp tác xã nông nghiệp thành công đều thực hiện nguyên tắc dân chủ, tránh sự áp đặt của một cá nhân, nhóm xã viên hay một tổ chức nào trong hợp tác xã, đồng thời thực hiện phân phối đều lợi ích thu được.

Các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, duy trì hình thức chỉ bầu ban quản trị, ban chủ nhiệm và các ban chuyên môn khác từ các xã viên thường xuyên. Điều này vừa nhằm phát huy thế mạnh nông nghiệp địa phương, vừa tránh được sức ép của các thành viên đến từ địa phương khác, khu vực khác thành thị vốn có những thế mạnh lớn hơn cư dân địa phương, nơi hình thành hợp tác xã. Đáng chú ý là các chi phí hoạt động của các cơ quan quản lý hợp tác xã nông nghiệp đều ở mức thấp nhất có thể; chỉ chủ nhiệm được hưởng lương và làm toàn thời gian, các thành viên quản lý khác đều kiêm nhiệm và không hưởng lương trong nhiều trường hợp.

Cơ cấu tổ chức hợp tác xã theo nguyên tắc hợp tác cùng có lợi dựa trên sự tự chủ, sáng tạo của mỗi thành viên cũng được triệt để tôn trọng, góp phần làm nên sự thành công của mô hình hợp tác xã nông nghiệp của nhiều nước trên thế giới.

Thứ ba, tận dụng và khai thác thế mạnh của các thành phần kinh tế trong xã hội. Các mô hình hợp tác xã nông nghiệp thu được nhiều thành công trên thế giới đều biết cách tận dụng thế mạnh liên kết của các đơn vị, tổ chức và các thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội. Ngoài việc liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau như tín dụng, kinh doanh… không hạn chế các xã viên liên kết trong các hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản.

Những thành viên liên kết này vừa chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thông tin trung thực các tín hiệu thị trường góp phần định hướng sản xuất của hợp tác xã, vừa là những tổ chức tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã một cách phù hợp và hiệu quả. Nhờ kết hợp các thông tin thị trường và thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của các thành viên hợp tác xã mà hợp tác xã nông nghiệp có thể thực hiện các dịch vụ hỗ trợ sản xuất từ đầu vào đến khi tiêu thụ sản phẩm của xã viên một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, đem lại lợi ích kinh tế cho cả xã viên và hợp tác xã.

Ngoài ra, việc liên kết chặt chẽ các xã viên trong hợp tác xã nông nghiệp còn tạo ra khả năng tận dụng hết công suất của máy móc, thiết bị, tư liệu sản xuất và cơ sở vật chất sẵn có khiến cho chi phí sản xuất nông sản giảm đến mức thấp nhất có thể, tạo điều kiện nâng cao tính cạnh tranh, khả năng tiêu thụ nông sản và nâng cao lợi ích, thu nhập của xã viên. Phát huy sức mạnh nội tại của các dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất của xã viên hợp tác xã nông nghiệp là một trong những chìa khóa tạo nên sự phát triển bền vững của mô hình hợp tác xã.

Thứ tư, thực hiện hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Tiêu thụ sản phẩm do người nông dân làm ra là vấn đề khó khăn, nan giải và cần thiết nhất đối với nông dân, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường như hiện nay. Nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp thành công trên thế giới nhờ hỗ trợ tốt nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Hợp tác xã nông nghiệp chủ động trong việc định hướng sản xuất cho các xã viên của mình tại các kỳ họp toàn thể, các thông tin thị trường của các xã viên, nhất là các xã viên liên kết hoặc từ các khách hàng của mình và định hướng của lãnh đạo hợp tác xã. Sự liên kết giữa các xã viên trong hợp tác xã nông nghiệp, giữa các hợp tác xã nông nghiệp với nhau và giữa hợp tác xã nông nghiệp với các tổ chức, doanh nghiệp liên quan trong xã hội là những yếu tố quan trọng tạo nên định hướng sản xuất của mỗi xã viên trong các hợp tác xã nhờ đó mà mỗi xã viên hợp tác xã đều biết mình sẽ bán sản phẩm ở đâu, bán như thế nào.

Chất lượng sản phẩm và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất của các xã viên luôn được chú trọng và bảo đảm thông qua các dịch vụ hỗ trợ huấn luyện, dịch vụ khuyến nông, thông qua yêu cầu của người tiêu thụ và quy định của luật pháp. Ứng dụng hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao tính tự giác, tự chịu trách nhiệm của mỗi xã viên đối với sản phẩm của xã viên. Việc phục vụ nhu cầu cho một số đông xã viên phát huy lợi thế nhờ quy mô đã giúp hợp tác xã có thể phối hợp làm tốt tất cả các khâu từ vận chuyển, lựa chọn, đóng gói sản phẩm đến tiêu thụ, thanh toán sau bán hàng, phối hợp điều chỉnh cung, cầu để ổn định giá cả. Dịch vụ hỗ trợ này của hợp tác xã nông nghiệp khiến cho xã viên ngày càng yên tâm hơn trong việc sản xuất, cũng như tham gia vào hợp tác xã. Các hợp tác xã nông nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc còn tổ chức các hoạt động chế biến nông sản tại địa phương nhằm tạo sản phẩm mới với giá trị gia tăng cao hơn, qua đó nâng cao thu nhập của xã viên, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và tô đậm giá trị văn hóa riêng của mỗi địa phương trong sản phẩm. Thành công của phong trào “mỗi làng một sản phẩm” ở Nhật Bản là do chú trọng đến đặc điểm riêng mỗi vùng. Các hoạt động tín dụng và thanh toán của hợp tác xã nông nghiệp vừa là một dịch vụ hỗ trợ cho xã viên, lại vừa là một công cụ đắc lực trong hoạt động của hợp tác xã.

Thứ năm, hợp tác xã là công cụ giúp người nghèo nâng cao vị thế kinh tế xã hội, là công cụ hữu hiệu trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo, nâng cao vị thế kinh tế - xã hội của người nghèo, các nhóm yếu thế, là những tổ chức trách nhiệm xã hội, có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới, xoá bỏ các hình thức bóc lột, tăng cường hội nhập xã hội, góp phần phát triển, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Do đó, kinh nghiệm thành công cho thấy hợp tác xã nông nghiệp chú trọng thực hiện các hoạt động xã hội ở nông thôn.

Thứ sáu, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hợp tác xã chính là con đường thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nông thôn phát triển, đây chính là con đường mà các hộ sản xuất, hộ nông dân, hộ tiểu chủ, những đối tượng chiếm số đông nhưng lại có tiềm lực yếu, năng lực cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường cần lựa chọn.

Thứ bảy, Nhà nước hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp khởi nghiệp. Các quốc gia có mô hình hợp tác xã thành công đều coi kinh tế hợp tác xã là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế, và chú trọng hỗ trợ các hợp tác xã khởi nghiệp. Mô hình hợp tác xã khởi nghiệp thực hiện mỗi làng một sản phẩm đã phát huy hiệu quả tại các vùng sâu, xa và nghèo, không thể thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt, và từ những người đang làm việc trong các dự án để xóa đói giảm nghèo.

Các yếu tố then chốt thúc đẩy hợp tác xã phát triển gồm: lòng tin của các thành viên với hợp tác xã; kết nối đầu ra cho sản phẩm-dịch vụ của hợp tác xã; trình độ quản trị kinh doanh; khả năng tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ (vốn, đất đai, nhân lực, pháp lý); trình độ nguồn nhân lực và khả năng công nghệ trong hợp tác xã.

Từ kinh nghiệm phát triển hợp tác xã của các nước cho thấy, các hợp tác xã tại Việt Nam cần sang tạo, đổi mới mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả gắn với liên kết chuỗi giá trị, mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, hợp tác xã có quy mô lớn có sức lan tỏa… triển khai sâu, rộng ở các địa phương; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp nhằm tránh rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và các cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cooperatives in Japan, https://www.zennoh.or.jp/english/cooperatives/japancooper.html#:~:text=Cooperatives%20are%20organizations%20that%20manage,the%20livelihoods%20of%20their%20members.

2. Daman Prakash (2000), State of agricultural cooperatives in Asia: an overview, characteristics, and development issues involved, International Cooperative Alliance, 2000.

3. Đặng Kim Sơn, Nguyễn Minh Tiến (2000), “Phát triển hợp tác xã và nông hội ở Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc”, http://agro.gov. vn/vn/chitiet_nghiencuu.aspx?id=506.

4. Deutschland (2015), “Cooperatives in Germany”, https://www.deutschland.de/en/ topic/life/society-integration/cooperatives-in-germany.

5. FAO (2013), “Agricultural cooperatives in Israel”, FAO working paper, http://www.fao. org/3/ar426e/ar426e.pdf.

6. ICA (2021), “Fact and Figure”, https://www.ica.coop/en/cooperatives/facts-and-figures.

7. ICA-AP (2019), “Cooperatives in Korea”, https://icaap.coop/ICANew/President/assets/Cooperatives%20in%20Korea-Country%20 Brochure.pdf.

8. IWDC (2021), “Facts about Cooperatives”,

https://www.iwdc.coop/why-a-coop/facts-about-cooperatives-1.

9. Nguyễn Công Tạn (2000), “Muốn kinh tế hộ tiến lên sản xuất hàng hóa, sẽ không thể không có hợp tác xã”, Nông nghiệp Việt Nam, số ra ngày 18/10/2013.

10. NACF Korea, https://www.ica.coop/en/ partners/national-agricultural-co-operative-federation-nacf-korea.

11. Phùng Quốc Chí (2010), Phát triển hợp tác xã trong quá trình công nghiệp hóa đến năm 2020 ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Viện chiến lược phát triển, 160 tr.

12. Russell A. Stone (2021), “Israel”, https://www.britannica.com/place/Israel/Climate

13. World co-operatives Monitor (2017), “Exploring the co-operative economy report 2017”, http://www.euricse.eu/wp-content/upl oads/2017/11/WCM_2017-web-EN.pdf.

 

 


[1] PGS.TS., Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

* Bài viết là sản phẩm của đề tài cấp bộ: “Nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện hệ thống lý luận về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã”.

[2] Đặng Kim Sơn, Nguyễn Minh Tiến (2000), “Phát triển hợp tác xã và nông hội ở Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc”, http://agro.gov.vn/vn/chitiet_nghiencuu.aspx?id =506.

[3] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2022), https://dangcongsan.vn/khuyen-nong-huong-toi-su-phat-trien-ben-vung/tin-tuc/kinh-nghiem-phat-trien-hợp tác xã-cua-mot-so-nuoc-287584.html.

[4] Tác giả tổng hợp từ website hợp tác xã Nhật Bản.

[5] Đặng Kim Sơn, Nguyễn Minh Tiến (2000), “Phát triển hợp tác xã và nông hội ở Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc”, Tlđd.

[6] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2022), https://dangcongsan.vn/khuyen-nong-huong-toi-su-phat-trien-ben-vung/tin-tuc/kinh-nghiem-phat-trien-hợp tác xã-cua-mot-so-nuoc-287584.html.

[7] Đặng Kim Sơn, Nguyễn Minh Tiến (2000), “Phát triển hợp tác xã và nông hội ở Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc”, Tlđd.

[8] Tác giả tổng hợp từ website NACF Hàn Quốc.

[9] Tác giả tổng hợp từ website NACF Hàn Quốc.

 

0thảo luận