Phạm Quý Long1
Tóm tắt: Bài viết đánh giá và nhận định về chủ đề “Sống chung với COVID-19” được thực hiện dựa trên các thông tin về những tiến triển của công tác phòng và chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2022. Sự phân tích này đặt trong logic sự tính toán cân bằng tổng thể lợi ích bởi các rủi ro dịch bệnh và đóng cửa biên giới. Hiện nay, quan điểm chấp nhận sống chung an toàn với COVID-19 dần dần được chấp nhận thuận theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và bởi các chính phủ ở nhiều nơi trên thế giới.
Từ khóa: Đại dịch, Covid-19
Đại dịch COVID-19: Trong rủi ro lại thắp lên tia hi vọng[1]
Kể từ khi ghi nhận những ca đầu tiên mắc COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, cho đến nay, đại dịch này đã lây lan nhanh chóng trên toàn cầu và đang để lại những hệ lụy rất đáng quan ngại cho chúng ta, đặc biệt nhìn từ khía cạnh nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội. Dẫn theo số liệu công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 21/2/2022, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 424.793.352 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.905.835 ca tử vong. Số người đã bình phục là 350.282.600 ca. Hiện có 81.494 ca đang phải điều trị tích cực. Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, đến nay ghi nhận 80.087.617 ca nhiễm và 959.412 ca tử vong. Với số ca nhiễm gần bằng 1/2 của Mỹ, Ấn Độ đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên, Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (644.362 ca). Trong số 10 quốc gia đứng đầu danh sách, 7 nước còn lại là ở châu Âu, gồm Pháp (với 22.227.826 ca mắc), Anh (18.605.752 ca), Nga (15.370.419 ca), Đức (13.602.431 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (13.504.485 ca), Italy (12.469.975 ca) và Tây Ban Nha (10.809.222 ca). Nếu nhìn lại diễn tiến bùng phát của đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua, về mặt y tế dự phòng, căn cứ mức độ nghiêm trọng của bệnh, hiệu quả của các biện pháp ứng phó y tế và khả năng lây lan từ người sang người thì WHO cảnh báo rằng chủng virus gốc gây bệnh dịch COVID-19 đã biến đổi thành 5 "biến thể đáng lo ngại". Trong đó vào tháng 9/2021, các biến thể Alpha, Beta và Gamma đã được tổ chức này hạ đánh giá xuống thành "các biến thể cần theo dõi", trong khi đó các biến thể Delta và Omicron hiện vẫn bị xem là "các biến thể đáng lo ngại". Đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy biến thể Omicron vượt trội hơn so với biến thể Delta về sự lây nhiễm, với tốc độ lây tăng nhanh hơn gấp đôi (từ 2 đến 3 ngày) và sự gia tăng nhanh chóng về tỷ lệ các ca bệnh ghi nhận tại một số quốc gia. Cho đến thời điểm hiện tại, gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có gần 40 quốc gia châu Âu và 22 quốc gia châu Phi. Sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng đang khôi phục lại mô hình về cách ứng phó với dịch bệnh xảy ra cách đây đã hơn 2 năm khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tại Vũ Hán. Các nước tiếp tục cảnh báo theo đuổi chính sách đóng cửa biên giới chặt chẽ hơn nữa hoặc tiếp tục theo đuổi chính sách Zero Covid một cách tuyệt đối (như của Trung Quốc).
Chính quan điểm chống dịch theo các chính sách không đồng nhất này ở tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hay sự thiếu sự quản trị toàn cầu mang tính thống nhất cao để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh và sự bất bình đẳng trên phạm vi toàn cầu đối với quyền tiếp cận nguồn vắc xin, thuốc chữa bệnh (như ở các nước nghèo, chậm phát triển như ở châu Phi...) đã để lại cho chúng ta nhiều hệ lụy không lường. Cùng với đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, làm phái sinh thêm các loại hình thái mới của bóng ma về chủ nghĩa dân tộc trong sự phối hợp hành động quốc tế về xử lý các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế cộng đồng hay trong đời sống kinh tế - xã hội…. Ví dụ, trong năm 2020, năm đầu tiên kinh tế thế giới chịu tác động của đại dịch COVID-19, các quốc gia trên toàn cầu đã rơi vào cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc. Bóng đen từ cuộc khủng hoảng đại dịch đã đảo ngược xu hướng tăng trưởng kinh tế do những biện pháp hạn chế, kéo các chỉ số thất nghiệp tăng vọt, đẩy thêm nhiều người vào tình trạng nghèo khó. An ninh lương thực cũng không nằm ngoài “tâm bão” khi Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết dịch COVID-19 làm tăng gần gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp, từ 135 triệu người năm 2009 lên tới 265 triệu người vào năm 2020. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới giảm 5,2% trong năm 2020 do các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Khối lượng giao dịch hàng hóa thế giới giảm từ 13% đến 32% so với năm 2019. Năm 2021 đà phục hồi đã được củng cố với dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 5,6%, khi các nước chuyển sang “sống chung an toàn với COVID-19”, triển khai các gói kích thích tăng trưởng hậu COVID-19, những nút thắt trong chuỗi cung ứng cũng dần được tháo gỡ song được dự báo là vẫn không đồng đều. Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã gây ra những gián đoạn mới và tỷ lệ lạm phát tăng cao khiến các ngân hàng trung ương phải mạnh tay can thiệp. Mặc dù vậy, tính đến thời điểm thống kê nêu trên, thế giới đã trải qua 2 năm và gần 3 tháng trong đó đại dịch COVID-19 đã và đang hoành hành, với sự xuất hiện của những biến thể virus SARS-CoV-2 mới cùng nhiều ẩn số chưa có lời giải. Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới đã chứng minh khá rõ nét thực tế rằng đại dịch vẫn chưa thể được kiểm soát và thậm chí sẽ còn gây ra nhiều thách thức mới đối với con người trong "năm COVID-19 thứ ba".
Có thể nói rằng bất chấp những thiệt hại do dịch bệnh mang tới, đại dịch COVID-19 hoành hành cũng cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của khẩu trang, vắc xin và các biện pháp cách ly giãn cách xã hội. Việc xử lý vấn đề này một cách kịp thời đã làm thay đổi hoàn toàn lối tư duy và cách nhận thức của mỗi cá nhân hay một chính phủ trong thế giới này về thái độ nghiêm túc trước công tác phòng chống rủi ro dịch bệnh. Hơn thế nữa, với những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng các nhà khoa học quốc tế trong việc nghiên cứu - ứng dụng thành quả y khoa tiên tiến nhất một cách kịp thời nhất trong xử trí virus Corrona (chủng mới này), nên chúng ta vẫn có niềm tin và thắp lên hi vọng vào cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Sự phối hợp tốt hơn của chính phủ ở mỗi quốc gia, cũng như cộng đồng quốc tế nói chung (dưới sự chỉ đạo của WHO) thì đa phần hệ thống y tế công cộng vẫn đang đứng vững với tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân theo từng độ lứa tuổi khác nhau đã đạt thành tích khá cao trên 70% (có thể đạt tới ngưỡng miễn dịch cộng đồng). Thực tiễn, tỷ lệ này đã xuất hiện ở Anh, EU, Australia, New Zealand, nhiều quốc gia ở châu Á, Mỹ, Canada, khu vực Trung Đông… với đa phần các nước hiện nay đã bắt đầu cho thấy có sự thay đổi tư duy chiến lược giữa duy trì chính sách phòng chống dịch bệnh an toàn với chương trình đồng hành mở cửa để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội theo trạng thái bình thường mới. Tất nhiên, cách thức và lộ trình mở của của mỗi quốc gia có các thời mốc khác nhau, căn cứ vào thực tiễn xu thế phát triển của dịch bệnh COVID-19 theo địa điểm cụ thể và không gian nhất định để đảm bảo tính khoa học và linh hoạt cao.
Một số bằng chứng về xu hướng lựa chọn mô hình mở cửa sống chung an toàn với COVID-19
Sẽ là thiển cận nếu chúng ta chỉ biết chống dịch mà quên mất khía cạnh phục hồi kinh tế- xã hội, một nền tảng căn bản cho phép chúng ta có thêm cơ sở và niềm tin để đẩy lùi rủi ro dịch bệnh. Như những gì trình đã bày ở trên, rủi ro và hệ lụy dịch bệnh Covid -19 tới đời sống kinh tế - xã hội của chúng ta là điều không thể phủ nhận. Trong những cái rủi ro thì chúng ta phải tìm thấy cái may mắn để tạo cơ hội mới cho khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Cho đến nay, lịch sử y học thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong phòng chống dịch. Nhiều loại vắc xin hiệu quả đã được nghiên cứu, phát triển và xuất xưởng. Mới đây nhất, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng Paxlovid, thuốc kháng virus SARS-CoV-2 của hãng Pfizer - điều trị COVID-19 sau khi các kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc có thể giúp giảm tới 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong vì COVID-19. Hơn nữa, dựa trên diễn biến của thực tế, đến ngày 24/2/2022, khuyến cáo của WHO lại cho thấy có biến chủng Omicron tàng hình (biến chủng thế hệ thứ hai của Omicron) mặc dù có tốc độ lây nhiễm nhanh, tuy nhiên, mức độ gây bệng nặng dẫn đến tử vong lại có tỷ lệ thấp nếu bệnh nhân đã được tiêm đủ các liều vắc xin và xuất hiện hiện tượng bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng.
Vì vậy, dựa theo những tiến triển của thực tiễn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu cũng như sự tính toán cân bằng tổng thể lợi ích bởi các rủi ro dịch bệnh và đóng cửa biên giới thì quan điểm chấp nhận sống chung an toàn với COVID-19 dần dần được chấp nhận thuận theo khuyến cáo của WHO và bởi các chính phủ. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ bước đầu chuẩn bị lộ trình tổng thể và tiếp tục nới lỏng từng bước các biện pháp phòng dịch theo xu hướng sống chung với COVID-19. Có thể đề cập một số ví dụ thực tiễn ở Israel, Australia, Anh,… (theo xu hướng mở cửa ngay), Hàn Quốc, Nhật Bản... (theo xu hướng thận trọng) để cho chúng ta cùng suy ngẫm và cùng hành động và cũng như là để thay cho lời kết của bài viết đánh giá và nhận định về chủ đề sống chung với COVID-19 này.
Israel: ngày 20/2/2022, Văn phòng Thủ tướng Israel thông cáo sẽ cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh từ ngày 1/3/2022 tới mà không cần xét đến địa điểm xuất phát cũng như việc họ đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hay chưa.
Australia: kể từ ngày 21/2/2022, Australia sẽ mở cửa biên giới cho tất cả du khách nước ngoài đã tiêm vắc xin.
Pháp: Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết nước này sẽ vẫn thực hiện lộ trình nới lỏng các biện pháp phòng dịch vào giữa tháng 3 tới bất chấp còn nhiều bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong bệnh viện dù số ca mắc giảm.
Anh: Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson sẽ công bố kế hoạch nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch trong ngày 21/2/2022 như một phần trong chiến lược sống chung với COVID-19 nhằm giúp nước này nhanh chóng thoát khỏi dịch bệnh. Theo kế hoạch được bàn thảo trong nhiều tuần, Anh sẽ trở thành quốc gia lớn đầu tiên ở châu Âu cho phép những người biết mình mắc COVID-19 đi mua hàng hóa, sử dụng giao thông công cộng và đi làm. Cho đến nay, 81% người trưởng thành tại vùng England đã được tiêm mũi tăng cường.
Nhật Bản: Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Tokyo, kết quả thăm dò dư luận mới nhất của hãng tin Kyodo cho thấy sự chia rẽ trong dư luận Nhật Bản về quyết định nới lỏng kiểm soát biên giới của chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio. Kết quả cho thấy 34,7% người được hỏi cho rằng việc nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới là thích hợp, trong khi có 45,7% cho rằng là quá sớm và 16,3% cho là quá muộn.
Hàn Quốc: Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Hàn Quốc ngày 21/2/2022, bất chấp số ca mắc mới gia tăng, Chính phủ Hàn Quốc vẫn quyết định nới lỏng giờ đóng cửa đối với hoạt động kinh doanh ban đêm, theo đó các quán cà phê, nhà hàng được phép mở cửa đến 22h hằng ngày, thay vì 21h.
Việt Nam và ASEAN: lộ trình mở cửa từ 15/3/2022 cho du khách quốc tế. Tuy nhiên, nhiều nước trong ASEAN đã có lộ trình sớm hơn nhiều như Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia...
(Nguồn số liệu: Tác giả tổng hợp trên báo cáo của WHO và TTXVN các ngày 20-22/2/2022)