Trang chủ

Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc

Đăng ngày: 1-02-2023, 14:02 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 9

Chu Công Hùng1

 

Tóm tắt: “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (Digital Silk Road - DSR) được Trung Quốc giới thiệu vào năm 2015 trong sách trắng chính thức của chính phủ nước này, như một hợp phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Kể từ khi DSR được công bố, các dự án DSR trở thành một trong những ưu tiên chính sách của giới lãnh đạo Trung Quốc. Bài viết đi vào tìm hiểu mục đích, quá trình thực hiện Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc, từ đó gợi mở bước đầu cho những lựa chọn của Việt Nam.

Từ khóa: Con đường tơ lụa, kỹ thuật số, Trung Quốc, Vành đai con đường

 

 

C

on đường tơ lụa kỹ thuật số (Digital Silk Road - DSR) của Trung Quốc là một tầm nhìn đầy tham vọng nhằm thúc đẩy quá trình số hóa toàn cầu. DSR ban đầu được hiểu bao gồm đầu tư công nghệ, các thỏa thuận song phương cùng thực hiện nghiên cứu, tài trợ cho sinh viên tìm hiểu về công nghệ Trung Quốc, cung cấp công nghệ an ninh. Tuy nhiên, trong Diễn đàn BRI diễn ra tại Trung[1]Quốc vào tháng 4/2019, một diễn đàn bên lề về DSR đã chính thức tuyên bố rằng DSR không chỉ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật số, chẳng hạn như thương mại điện tử xuyên biên giới, thành phố thông minh, y tế từ xa và tài chính internet, mà còn tăng tốc tiến bộ công nghệ bao gồm điện toán, dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và điện toán lượng tử[2]. Tuyên bố này đã chỉ ra sự chú trọng của chính phủ Trung Quốc đối với DSR, với nội dung trải rộng trên tất cả các lĩnh vực của công nghệ. Ước tính năm 2018, các khoản đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bên ngoài Trung Quốc đạt khoảng 79 tỷ USD[3].

1. Mục tiêu của Trung Quốc trong việc thúc đẩy DSR

Có thể thấy, mục đích lớn nhất của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy DSR là quyết tâm của Trung Quốc trong việc tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng và định hình mạng lưới thông tin viễn thông toàn cầu. Về mục tiêu dài hạn, DSR được đánh giá như một trong những công cụ hữu hiệu để Trung Quốc thực hiện các mục tiêu quốc gia đầy tham vọng như “Made in China 2025” hay “China Standards 2035”. Nó giúp cho quốc gia này nâng cao khả năng đổi mới công nghệ, đồng thời cung cấp cho Chính phủ Trung Quốc ưu thế về công nghệ và quyền tự chủ lớn hơn trong trật tự kỹ thuật số toàn cầu[4]. Trên thực tế, DSR được đánh giá như một giải pháp tạo ra trật tự kỹ thuật số trên phạm vi toàn cầu với vị trí trung tâm thuộc về Trung Quốc. Khi giải pháp này được thực hiện, Trung Quốc có thể chủ động đưa các tập đoàn công nghệ của mình xuất hiện trên phạm vi toàn cầu, đồng thời ở chiều ngược lại xây dựng mắt xích kết nối nền công nghệ thế giới với Trung Quốc. Ngoài ra, bằng việc cung cấp các ứng dụng công nghệ ra nước ngoài, các doanh nghiệp Trung Quốc và rộng hơn là các cơ quan chức năng của Trung Quốc, có thể truy cập vào các kho dữ liệu địa phương lớn thông qua DSR. Sự phụ thuộc của các quốc gia khác vào công nghệ Trung Quốc sẽ là điều kiện thuận lợi để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng chính trị, kiểm soát các quốc gia tham gia DSR một cách dễ dàng hơn[5].

Về mục tiêu ngắn hạn, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng trở nên phức tạp, với mặt trận công nghệ luôn trở thành tâm điểm của cuộc chiến, DSR được coi như một phương thức có thể giúp Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào các cường quốc công nghệ, điển hình là Mỹ. DSR sẽ hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc có được một vị trí tại các quốc gia tham gia DSR. Sự hiện diện rõ rệt nhất là nền tảng và các ứng dụng thương mại điện tử, fintech (công nghệ tài chính) và edtech (công nghệ giáo dục), hay phần cứng như bộ định tuyến, điện thoại thông minh và máy tính cá nhân (PC). Điều này có đóng góp không nhỏ trong việc giúp Trung Quốc mở rộng nhanh chóng sự hiện diện công nghệ bằng các sản phẩm và dịch vụ kĩ thuật số mang đặc điểm Trung Quốc. Với DSR, Trung Quốc đang tự tin xây dựng một nền cơ sở hạ tầng công nghệ phát triển với cáp dữ liệu, mạng 5G… Từ đây, Trung Quốc cũng dễ dàng hơn trong việc thiết lập các tiêu chuẩn hạ tầng kĩ thuật số như trí tuệ nhân tạo, robot, blockchain, máy tính không máy chủ[6]… Nếu như giai đoạn trước, những tiêu chuẩn này phụ thuộc hoàn toàn bởi sự thiết lập của các tập đoàn công nghệ đến từ Mỹ và EU, thì hiện nay, với DSR, Trung Quốc có thể chủ động xây dựng các tiêu chuẩn của mình, cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và phương Tây. DSR giúp cho Trung Quốc từ một quốc gia phụ thuộc trở thành một quốc gia tạo lập tiêu chuẩn, cung cấp ứng dụng công nghệ, cạnh tranh với sự thống trị vốn là độc quyền của Mỹ.

2. Quá trình thực hiện DSR của Trung Quốc

Nhấn mạnh vào phát triển được coi là cách tiếp cận điển hình trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển. Việc xây dựng mạng lưới thông tin toàn cầu, với Trung Quốc làm trung tâm, đồng thời mở rộng thị trường cho các công ty công nghệ đã trở thành các mục tiêu kinh tế, an ninh và ngoại giao của Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc hiện đang định vị Trung Quốc là quốc gia hàng đầu trong phát triển kỹ thuật số nhằm thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Cho tới nay, Trung Quốc đã ký với ít nhất 16 quốc gia các thỏa thuận hợp tác DSR hoặc cung cấp đầu tư liên quan đến DSR[7]. Tuy vậy, trên thực tế, số lượng các thỏa thuận và đầu tư thực sự có thể lớn hơn rất nhiều, bởi thỏa thuận hợp tác (MOU) không phải là số liệu duy nhất thể hiện sự hợp tác giữa Trung Quốc với một quốc gia khác trong lĩnh vực kĩ thuật số. Một con số chỉ ra rằng, một phần ba các quốc gia tham gia BRI đang hợp tác với Trung Quốc trong các dự án DSR, đồng thời 6.000 doanh nghiệp internet của Trung Quốc cùng với hơn 10.000 sản phẩm công nghệ của Trung Quốc đã thâm nhập thị trường nước ngoài[8].

Thực chất, châu Phi, Trung Đông, một phần của Đông Âu, Mỹ Latinh và Đông Nam Á là những khu vực đang “khát” công nghệ chất lượng cao, với mức chi phí thấp. Các dự án đầu tư của DSR sẽ là một trong những cách thức giúp các khu vực đang phát triển này có thể lấp đầy những khoảng cách về công nghệ. Điều này đã tạo sự hấp dẫn đối với các khu vực đang phát triển trước sức mạnh phô trương của Trung Quốc. Mặc dù, DSR thường tập trung vào các nền kinh tế đang phát triển, nhưng phạm vi tiếp cận của nó là không giới hạn. Một ví dụ cụ thể, Huawei đã tạo cho Trung Quốc một chỗ đứng quan trọng tại quốc gia dầu mỏ UAE khi quốc gia này quyết định mua camera giám sát và phần mềm nhận dạng khuôn mặt cho cảnh sát trong công tác quản lý công dân. Những nước nhận đầu tư DSR nhiều nhất thậm chí còn bao gồm các nền kinh tế lớn của châu Âu như Đức và Italia, với các dự án tập trung vào mạng 5G, công nghệ tài chính và công nghệ thành phố thông minh[9].

Đối với châu Phi, được hỗ trợ từ các khoản vay của Chính phủ Trung Quốc trị giá hàng tỷ euro, các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei, ZTE đã xây dựng phần lớn cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của châu Phi. Trong năm 2015 và 2017, sau khi DSR được công bố, nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Trung Quốc tại “lục địa đen” đã vượt qua nguồn vốn tổng hợp từ các chính phủ châu Phi, các cơ quan đa phương và các quốc gia G7[10]. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc còn mở rộng sang triển khai các dự án quản trị điện tử, giáo dục thông minh và y tế kỹ thuật số. Năm 2017, Liên minh châu Phi đã ra mắt Phòng Giám sát Sức khỏe Thông minh sử dụng công nghệ của ZTE. Năm 2020, Huawei đã khai trương Trung tâm Đổi mới châu Phi dựa trên điện toán đám mây tại Johannesburg, tập trung vào các dịch vụ dựa trên AI[11]. Nước này cũng tiến hành ký kết hợp đồng trung tâm dữ liệu và thành phố thông minh trị giá 175 triệu USD với Kenya[12]. Các công ty Trung Quốc đang cung cấp cho các nền kinh tế mới nổi phát triển cơ sở hạ tầng và chuyển giao công nghệ mà họ có thể không được tiếp cận.

Tại Ba Lan, Trung Quốc lại có cách tiếp cận khác khi tập trung vào đào tạo và giáo dục. Giải thưởng dành cho những người chiến thắng trong các cuộc thi công nghệ mà Trung Quốc tổ chức là cơ hội tiếp cận thực tế với công nghệ của Trung Quốc tại Thâm Quyến, Bắc Kinh và sử dụng chính các sản phẩm công nghệ thông minh của nước này. Năm 2020, tập đoàn Huawei đã có được hai thỏa thuận đối với Đại học Kozminski của Ba Lan, trong bối cảnh Mỹ đang cô lập công nghệ của Trung Quốc và thỏa thuận giữa Ba Lan và Mỹ trong việc xây dựng một căn cứ quân sự tại Ba Lan nhằm tôn vinh cựu Tổng thống Donald Trump đã chính thức bị đổ bể[13]. Cụ thể, Huawei Polska và Đại học Kozminski đã ký thỏa thuận hợp tác chương trình đào tạo sau đại học ngành quản lý an ninh mạng và chương trình “Trí tuệ nhân tạo và quản lý”, nhằm cung cấp quyền truy cập cho sinh viên vào các công cụ, khóa đào tạo và hội thảo trên website của Huawei[14].

Bên cạnh việc gia tăng sự hiện diện tại nước ngoài thông qua các dự án hợp tác, Trung Quốc cũng đang nỗ lực nâng cao khả năng công nghệ của chính mình. Tháng 6/2020, Trung Quốc đã phóng vệ tinh cuối cùng của Hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu (BDS), đánh dấu việc hoàn thành triển khai hệ thống định vị toàn cầu của mình[15]. BDS hiện là một trong bốn hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu trên thế giới, cùng với ba hệ thống định vị toàn cầu khác là GPS của Mỹ, Galileo của Liên minh châu Âu và GLONASS của Nga. BDS của Trung Quốc thậm chí còn được đánh giá có độ chính xác cao hơn cả GPS của Mỹ. So với các hệ thống khác trên thế giới, thiết kế của BDS có sự khác biệt lớn bởi nó bao gồm quỹ đạo trái đất trung bình (MEO), quỹ đạo địa không đồng bộ nghiêng (IGSO) và vệ tinh GEO. Đây có thể coi là một bước tiến lớn trong nền công nghệ của nước này. Hiện Trung Quốc đã và đang tích cực khuyến khích hợp tác và trao đổi giữa hệ thống BDS với các hệ thống định vị khác trong các lĩnh vực như xây dựng và ứng dụng, tăng cường tính tương thích và khả năng tương tác. Ở châu Á, các quốc gia như Pakistan, Lào, Brunei và Thái Lan là những quốc gia đã áp dụng BDS và hệ thống này ngày càng được sử dụng nhiều ở Trung Đông và châu Phi[16]. Tháng 5/2020 Trung Quốc đã ra mắt Mạng lưới dịch vụ blockchain (BSN), nhằm cung cấp một nền tảng chi phí thấp để phát triển các ứng dụng dựa trên blockchain[17]. Thí điểm này được kéo dài sáu tháng, ở cả Trung Quốc và Singapore. Trung tâm Thông tin Nhà nước (SIC) của Trung Quốc có tham vọng trong việc triển khai các nút BSN dọc theo DSR. Trung Quốc đánh giá BSN như một phần của cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, được triển khai trên toàn cầu với chi phí thấp.

Nếu xét về khu vực đầu tư, Nam Á và Đông Nam Á được đánh giá là những khu vực ưu tiên cho quá trình thử nghiệm của DSR. Tại Nam Á, cuối năm 2017, công ty Huawei Marine của Trung Quốc đã hợp tác với chính quyền Pakistan để xây dựng tuyến cáp quang Pakistan - Đông Phi. Dự án có tổng chiều dài 13.000 km, kết nối Nam Á (Pakistan), Đông Phi (Djibouti) và Kenya, với phần mở rộng từ phía bắc đến Ai Cập và mở rộng về phía nam từ Kenya đến Nam Phi. Dự án sẽ tạo điều kiện kết nối từ Trung Quốc đến Pakistan thông qua mạng lưới cáp trên mặt đất hiện có và tạo ra tuyến đường ngắn nhất từ ​​Trung Quốc đến châu Âu qua châu Phi[18]. Tháng 2/2021, Trung Quốc đã đặt đoạn cuối cùng của tuyến cáp quang xuyên biên giới ở Pakistan. Đây thực sự là một động thái chiến lược nhằm phá vỡ thế độc tôn của các tập đoàn viễn thông quốc tế do các công ty phương Tây và Ấn Độ thống trị. Đặc biệt, trong bối cảnh một số dự án BRI bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 và khủng hoảng nợ ở các nước đối tác, việc đẩy mạnh các dự án kỹ thuật số và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc được coi là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh trong chiến lược kết nối với thế giới.

Đối với Đông Nam Á, khu vực này dường như đang trở thành một điểm thử nghiệm cho thương mại điện tử và thanh toán di động mang thương hiệu Trung Quốc. Trong năm 2014-2015, Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đã đầu tư 400 triệu USD vào Singapore Post, một công ty dịch vụ bưu chính truyền thống[19]. Trong khi đó, Tencent, China Investment Corporation và Didichuxing đã đầu tư vào Grab, một dịch vụ đặt xe hàng đầu ở Đông Nam Á. Hiện nay, các nhà sản xuất phần cứng của Trung Quốc như Huawei và ZTE, cùng với các công ty internet bao gồm Baidu, Alibaba, Tencent và các đối thủ cạnh tranh như JD.com đang mở rộng ảnh hưởng của họ trên khắp Đông Nam Á. Ví dụ cụ thể cho thấy, Huawei đã mở một chi nhánh của OpenLabs ở Kuala Lumpur và Singapore, hỗ trợ hợp tác nghiên cứu giữa công ty này với các công ty địa phương. Alibaba đã khai trương trung tâm đầu tiên của Nền tảng thương mại thế giới điện tử (eWTP) tại Malaysia, cam kết thiết lập các chương trình đào tạo nhân viên ở Malaysia để dạy các thành viên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bán sản phẩm của họ trên Taobao và các nền tảng Alibaba khác. Công ty công nghệ tài chính Ant Financial của Tập đoàn Alibaba đã mua lại Tập đoàn HelloPay của Singapore, đổi tên ứng dụng ví di động tương ứng tại mỗi thị trường ASEAN như Alipay Malaysia, Alipay Singapore[20]

Tuy nhiên, không chỉ các khu vực đang phát triển mới là lựa chọn cho DSR của Trung Quốc. Tây Âu và các nước phát triển cũng là những điểm đến hấp dẫn cho DSR. Năm 2012, Trung Quốc đưa ra sáng kiến ​​17+1 nhằm thúc đẩy quan hệ kinh doanh và đầu tư giữa Trung Quốc với 17 quốc gia Trung và Đông Âu (CEE). Trong bối cảnh hiện nay, khi rất nhiều thành viên của CEE tham gia sáng kiến Mạng lưới sạch năm 2020 của Mỹ - nhằm ngăn chặn Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, thì Trung Quốc vẫn nỗ lực đưa các khoản đầu tư công nghệ vào châu Âu. Trung Quốc đã thành công trong việc thành lập phòng thí nghiệm đổi mới AI ở Paris vào tháng 4/2018 và đến tháng 5/2019, tập đoàn này tuyên bố đầu tư 35 triệu euro vào phòng thí nghiệm này[21]. Tháng 9/2020, Huawei khai trương một trung tâm dữ liệu ở Novi Sad, Serbia[22]. Mặc dù việc triển khai mạng 5G của Trung Quốc tại châu Âu còn nhiều khó khăn bởi sự ngăn chặn ngày một mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây, song không thể phủ nhận nỗ lực của Trung Quốc trong việc thực hiện DSR tại đây.

Có thể thấy, Trung Quốc đang mở ra một cuộc thay đổi vô cùng lớn của nền công nghệ thông tin khu vực. Điều này về mặt tích cực đã mở ra những cơ hội mới cho các nền kinh tế đang phát triển, khi họ có được một sân chơi bình đẳng hơn thông qua quá trình chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc. Tuy vậy, điều cần phải tính đến là sự chuyển đổi này liệu có tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới các chính sách bảo vệ dữ liệu và quản lý internet của các quốc gia sử dụng nền tảng công nghệ của Trung Quốc hay không?

3. Một số đánh giá về DSR và lựa chọn của Việt Nam

DSR là một phần của cuộc tranh giành quyền thống trị về công nghệ toàn cầu. Nó cũng là một nỗ lực phối hợp của Trung Quốc nhằm đưa ra các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu.

Đối với tác động tích cực của DSR với Trung Quốc, thông qua các dự án hợp tác, cũng như những nỗ lực nâng cao năng lực công nghệ, DSR đang tạo ra một thế giới số hóa hơn trên phạm vi toàn cầu với vai trò dẫn dắt của Trung Quốc. Điều này thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho Trung Quốc và các công ty của nước này. Đối với lợi ích kinh tế, DSR thành công đi kèm với tăng trưởng kinh tế sẽ mở ra những cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường cho các công ty công nghệ và phi công nghệ của Trung Quốc. Đối với sức mạnh tổng hợp quốc gia, sự thành công của DSR đóng một vai trò quan trọng trong quá trình gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc. Trong giai đoạn hiện nay, sức mạnh công nghệ trở thành một trong những trụ cột chính để khẳng định vị thế của một quốc gia. Khi DSR thành công, Trung Quốc sẽ trở thành một trong những nhân tố nắm giữ sự tiến bộ của toàn cầu về công nghệ. Đối với lợi ích chính trị, những thỏa thuận đạt được và sự củng cố quan hệ đối tác trong lĩnh vực công nghệ đã mang lại cho Trung Quốc khả năng kiểm soát cũng như tác động tới quá trình hoạch định chính sách của một số quốc gia sử dụng những công nghệ của Trung Quốc trong điều hành đất nước. Không chỉ vậy, đại dịch và khủng hoảng nợ khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án của BRI. Việc chuyển trọng tâm từ các dự án cơ sở hạ tầng truyền thống sang các dự án kĩ thuật số là một trong những cách thức hiệu quả để Trung Quốc tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của BRI. Việc xây dựng một tuyến đường nhanh chóng và an toàn cho lưu lượng truy cập internet đến châu Âu thông qua một tuyến cáp chuyên dụng do người Trung Quốc quản lý và giám sát độc quyền có ý nghĩa chính trị vô cùng quan trọng đối với Chính phủ Trung Quốc và cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình.

Về thách thức trong quá trình triển khai DSR, Trung Quốc cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Nhiều nước đang phát triển đã bị hấp dẫn bởi các khoản đầu tư của Trung Quốc nhằm tạo ra bước nhảy vọt về công nghệ trong sản xuất và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, ngoại giao chiến lang cùng những hành động ngày một quyết đoán của Trung Quốc đã tạo ra những lo ngại nghiêm trọng về khả năng nước này sẽ sử dụng DSR như một công cụ để các nước sử dụng có thể áp dụng mô hình chuyên chế hỗ trợ công nghệ. Một số quốc gia như Ấn Độ đã bày tỏ sự lo lắng tương tự như Mỹ và châu Âu về cuộc tấn công công nghệ của Trung Quốc, đã thực hiện cấm một số ứng dụng công nghệ của Trung Quốc ở nước này[23]. Cộng đồng quốc tế cũng đã thể hiện sự lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng các sản phẩm giám sát khuôn mặt để nhằm mục tiêu và đàn áp các nhóm chính trị, tôn giáo hoặc dân tộc thiểu số, gây lo ngại rằng mô hình quản trị theo chủ nghĩa kỹ trị cũng có thể được xuất khẩu. Ví dụ cụ thể cho thấy, năm 2020 tập đoàn Huawei đã tiến hành thử nghiệm phần mềm nhận dạng khuôn mặt, để nhận dạng người Duy Ngô Nhĩ. Phần mềm này sẽ tự động gửi báo động tới các cơ quan chính phủ nếu hệ thống camera xác định đó là các thành viên của nhóm thiểu số có nguy cơ khủng bố[24].

Thực tế Trung Quốc đang có xu hướng thống trị công nghệ tài chính, và đưa ra các giải pháp để hòa nhập tài chính toàn cầu. Trung Quốc thậm chí đang là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ giám sát và nhận dạng khuôn mặt, cung cấp các sản phẩm này với chi phí thấp hơn nhiều mà không có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu quan trọng như các nước khác sử dụng. Những hoạt động này cùng sự xuất hiện của các tập đoàn có trụ sở chính ở Trung Quốc dưới khuôn khổ của DSR đang phải đối mặt với sự phản đối ở nước ngoài do ảnh hưởng ngày càng công khai của Bắc Kinh đối với các công ty này. Cụ thể cho thấy, bằng việc xây dựng và kiểm soát quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng dữ liệu ở nước ngoài, Trung Quốc đang thiết lập chỗ đứng mới cho các luồng thông tin từ các thị trường mới. Và bằng cách lưu trữ các công ty nước ngoài và thông tin chính phủ trong các trung tâm dữ liệu, chính phủ Trung Quốc có quyền truy cập vào các thông tin tình báo và sở hữu trí tuệ (IP) có giá trị nếu nước sở tại không có quy trình kiểm soát chặt chẽ. Những điều này sẽ giúp Trung Quốc định hình lại quản trị mạng bằng cách thay thế các giá trị và tiêu chuẩn hiện có bằng các nguyên tắc của chính Trung Quốc[25]. Đây thực sự là những nghi ngại mà các cường quốc như Mỹ hay phương Tây cùng các quốc gia có ý định sử dụng công nghệ của Trung Quốc gặp phải. Đối với Mỹ, nước này đã và đang đưa ra các chiến dịch mang tính toàn cầu nhằm trừng phạt các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc. Dưới chính quyền Trump, Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu trừng phạt các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei, SMIC, Tencent… Những phát triển gần đây cho thấy chính quyền Biden vẫn tiếp tục đưa các công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen. Ngày 9/4/2021, Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 7 công ty Trung Quốc vào Danh sách thực thể của mình, cắt nguồn cung cấp của họ từ các công ty Mỹ. Vòng trừng phạt này tập trung vào các nhà sản xuất siêu máy tính Trung Quốc, vốn được cho là đã giúp quân đội Trung Quốc thử nghiệm công nghệ vũ khí. Phần lớn các nhà sản xuất này sử dụng chip và phần cứng do Mỹ cung cấp[26]. Điều này cũng đe dọa tham vọng của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc khi nỗ lực gây ảnh hưởng nhiều hơn đến các hệ sinh thái công nghệ ở nước ngoài, đặc biệt là dọc theo DSR. Lòng tin chính trị thực sự là một khó khăn vô cùng lớn đối với Trung Quốc trong quá trình triển khai DSR.

Về lựa chọn của Việt Nam, trong bối cảnh như vậy, Việt Nam với vai trò vừa là nước láng giềng, vừa là quốc gia đang phát triển cũng chịu những tác động đến từ DSR của Trung Quốc. Có thể thấy rằng, Việt Nam dường như vẫn có nhiều lựa chọn đối với các nhà cung cấp công nghệ và tỏ ra khá thận trọng đối với các tập đoàn của Trung Quốc. Ba nhà mạng di động lớn nhất của Việt Nam gồm Viettel, MobiFone và VNPT là ba công ty được cấp phép thương mại hóa 5G trong nước đều quyết định tự phát triển công nghệ này với các đối tác từ các quốc gia khác, như Ericsson AB của Thụy Điển, Nokia Oyj của Phần Lan, Qualcomm của Mỹ và Samsung của Hàn Quốc.

Sự thận trọng đối với các tập đoàn của Trung Quốc trong việc triển khai hợp tác công nghệ đã cho thấy quan điểm của Việt Nam trong việc giữ gìn những trật tự dựa trên luật quốc tế, đồng thời tránh để bị phụ thuộc mạnh mẽ vào bất kì đối tác nào. Bên cạnh đó, nỗ lực để tự xây dựng mạng 5G cũng đã thể hiện rất rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc nâng cao năng lực công nghệ quốc gia. Với DSR, có lẽ sự tham gia của Việt Nam còn cần nhiều thời gian để xem xét. Những cáo buộc của Mỹ và phương Tây đối với các tập đoàn công nghệ Trung Quốc cũng sẽ là những nguồn tham khảo lớn cho Việt Nam trong việc quyết định tham gia và lựa chọn cách thức tham gia vào DSR của Trung Quốc.

Có thể thấy rằng, DSR của Trung Quốc là hiện thân công nghệ của BRI. Đồng thời, đây cũng là nỗ lực của Trung Quốc nhằm từng bước tham gia kiểm soát hệ thống công nghệ của các thị trường đang phát triển. Xuất phát từ các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở nước ngoài, DSR thực sự đã được sự hỗ trợ về thương hiệu cũng như các chính sách khuyến khích của Chính phủ Trung Quốc. Do vậy, DSR cũng cho phép sự tham gia nhiều hơn của các tập đoàn, công ty Trung Quốc trong việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu. Sự xuất hiện của DSR đã chứng minh cho tham vọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy một giải pháp thay thế cho sự thống trị của Mỹ về công nghệ. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng và đại dịch Covid-19 hiện nay, DSR đã giúp Trung Quốc tạo ra các hệ sinh thái thương mại mới và làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với các nhóm nước đang phát triển. DSR thực sự là một phần của cuộc chạy đua công nghệ để chia thế giới thành ít nhất hai hệ thống: một hoạt động với các sản phẩm và tiêu chuẩn của Trung Quốc, hệ thống còn lại với các sản phẩm và tiêu chuẩn của phương Tây. Các hệ thống riêng biệt này có nguy cơ dẫn đến những xu hướng “chọn phe” trong các mối quan hệ quốc tế. Nếu xu hướng này thực sự diễn ra, nó sẽ làm sâu sắc hơn mức độ cạnh tranh giữa hai hệ thống Trung Quốc với Mỹ và phương Tây./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Abby Lemert, Eleanor Runde (2021), “Alibaba is fined; other tech companies are put on notice”, Lawfare, https://www.lawfa reblog.com/alibaba-fined-other-tech-companies-are-put-notice.
  2. Alijosa Milenkovic (2020), “Huawei opens IT innovation center in Serbia”, CGTN, https://newseu.cgtn.com/news/2020-09-28/ Huawei-opens-IT-innovation-center-in-Serbia-U884QcCuUE/index.html.
  3. Chan Jia Hao (2019), “China’s Digital Silk Road: a game changer for Asian Economies”, The Diplomat, https://thediplomat. com/2019/04/chinas-digital-silk-road-a-game-changer-for-asian-economies/.
  4. Chan Jia Hao (2019), “China’s Digital Silk Road: the integration of Myanmar”, Eurasia Review, https://www.eurasiareview. com/30042019-chinas-digital-silk-road-the-integration-of-myanmar-analysis/.
  5. Huawei (2017), “Huawei Marine and Tropical Science Commences Work on the Construction of the PEACE Submarine Cable Linking South Asia with East Africa”, https://www.huawei.com/en/news/2017/11/PEACE-Submarine-Cable-SouthAsia-EastAfrica.
  6. Huawei (2019), Huawei to Invest 35 million Euros in Paris OpenLab, https://the diplomat.com/tag/china-defense-industry/.
  7. Huang Yong (2019), “Construction of digital Silk Road lights up BRI cooperation”, People Daily Online, http://en.people.cn/n3/ 2019/0424/c90000-9571418.html.
  8. Infrastructure Consortium of Africa (2018), Infrastructure Financing Trends in Africa – 2017, https://www.icafrica.org/filea dmin/documents/Annual_Reports/IFT2017.pdf.
  9. Joanna Plucinska, Idrees Ali (2020), “U.S.-Polish Fort Trump project crumbles”, The Reuters, https://www.reuters.com/article/us-poland-usa-defense-forttrump/u-s-polish-fort-trump-project-crumbles-idUSKBN23H36P.
  10. Kozminski University (2020), Huawei Poland and Kozminski University start cooperation in the field of training, https://www.kozminski.edu.pl/en/pressroom/huawei-poland-and-kozminski-university-start-cooperation-field-training.
  11. Milicent Atieno (2019), “Huawei contracted by Kenyan Government to set up Data Center and Smart City”, Innov8tiv, https://innov8tiv.com/huawei-contracted-by-kenyan-government-to-set-up-data-center-and-smart-city/.
  12. Nick Stockton (2020), “China Launches National Blockchain Network in 100 Cities”, Spectrum, https://spectrum.ieee.org/computing/ software/china-launches-national-blockchain-network-100-cities.
  13. Record Future (2021), China’s Digital Colonialism: Espionage and Repression Along the Digital Silk Road, https://www.reco rdedfuture.com/china-digital-colonialism-espio nage-silk-road/
  14. Richard Ghiasy, Rajeshwari Krishnamurthy (2021), “China’s Digital Silk Road and the Global Digital Order”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2021/04/ chinas-digital-silk-road-and-the-global-digital-order/.
  15. Shazeda Ahmed (2018), “ASEAN: A Testing Ground for the Digital Silk Road”, China Focus, https://www.chinausfocus. com/finance-economy/asean-a-testing-ground-for-the-digital-silk-road.
  16. Tech Central (2020), Huawei launches Africa Cloud & AI Innovation Centre, https://techcentral.co.za/huawei-launches-africa-cloudai-innovation-centre-huaprom/99996/.
  17. Washington Post (2020), Huawei tested AI software that could recognize Uighur minorities and alert police, report says, https://www.washingtonpost.com/technology/2020/12/08/huawei-tested-ai-software-that-could-recognize-uighur-minorities-alert-police-report-says/.
  18. Xinhuanet (2020), China launches last BDS satellite to complete global navigation constellation, http://www.xinhuanet.com/english /2020-06/23/c_139161359_2.htm.

 

 



[1] Nghiên cứu sinh Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] Huang Yong (2019), “Construction of digital Silk Road lights up BRI cooperation”, People Daily Online, http://en.people.cn/n3/2019/0424/c90000-9571418.html.

[3] Richard Ghiasy, Rajeshwari Krishnamurthy (2021), “China’s Digital Silk Road and the Global Digital Order”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2021/04/chinas-digital-silk-road-and-the-global-digital-order/.

[4] Richard Ghiasy, Rajeshwari Krishnamurthy (2021), “China’s Digital Silk Road and the Global Digital Order”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2021/04/chinas-digital-silk-road-and-the-global-digital-order/.

[5] Record Future (2021), “China’s Digital Colonialism: Espionage and Repression Along the Digital Silk Road”, https://www.recordedfuture.com/china-digital-colonialism-espionage-silk-road/

[6] Richard Ghiasy, Rajeshwari Krishnamurthy (2021), “China’s Digital Silk Road and the Global Digital Order”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2021/04/chinas-digital-silk-road-and-the-global-digital-order/.

[7] Huang Yong (2019), “Construction of digital Silk Road lights up BRI cooperation”, People Daily Online, http://en.people.cn/n3/2019/0424/c90000-9571418.html.

[8] Chan Jia Hao (2019), “China’s Digital Silk Road: The Integration Of Myanmar”, Eurasia Review, https://www.eurasiareview.com/30042019-chinas-digital-silk-road-the-integration-of-myanmar-analysis/.

[9] Richard Ghiasy, Rajeshwari Krishnamurthy (2021), “China’s Digital Silk Road and the Global Digital Order”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2021/04/chinas-digital-silk-road-and-the-global-digital-order/.

[10] Infrastructure Consortium of Africa (2018), Infrastructure Financing Trends in Africa – 2017, https://www.icafrica.org/fileadmin/documents/Annual_Reports/IFT2017.pdf.

[11] Tech Central (2020), “Huawei launches Africa Cloud & AI Innovation Centre”, https://techcentral.co.za/huawei-launches-africa-cloudai-innovation-centre-huaprom/99996/.

[12] Milicent Atieno (2019), “Huawei contracted by Kenyan Government to set up Data Center and Smart City”, Innov8tiv, https://innov8tiv.com/huawei-contracted-by-kenyan-government-to-set-up-data-center-and-smart-city/.

[13] Joanna Plucinska, Idrees Ali (2020), “U.S.-Polish Fort Trump project crumbles”, The Reuters, https://www. reuters.com/article/us-poland-usa-defense-forttrump/u-s-polish-fort-trump-project-crumbles-idUSKBN23H36P.

[14] Kozminski University (2020), “Huawei Poland and Kozminski University start cooperation in the field of training”,  https://www.kozminski.edu.pl/en/pressroom/ huawei-poland-and-kozminski-university-start-cooperation-field-training.

[15] Xinhuanet (2020), “China launches last BDS satellite to complete global navigation constellation”, http://www. xinhuanet.com/english/2020-06/23/c_1391613592.htm.

[16] Chan Jia Hao (2019), “China’s Digital Silk Road: A Game Changer for Asian Economies”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2019/04/chinas-digital-silk-road-a-game-changer-for-asian-economies/.

[17] Nick Stockton (2020), “China Launches National Blockchain Network in 100 Cities”, Spectrum, https://spectrum.ieee.org/computing/software/china-launches-national-blockchain-network-100-cities.

[18] Huawei (2017), “Huawei Marine and Tropical Science Commences Work on the Construction of the PEACE Submarine Cable Linking South Asia with East Africa”, https://www.huawei.com/en/news/2017/11/PEACE-Submarine-Cable-SouthAsia-EastAfrica.

[19] Chan Jia Hao (2019), “China’s Digital Silk Road: A Game Changer for Asian Economies”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2019/04/chinas-digital-silk-road-a-game-changer-for-asian-economies/.

[20] Shazeda Ahmed (2018), “ASEAN: A Testing Ground for the Digital Silk Road”, China Focus, https://www.chinausfocus.com/finance-economy/asean-a-testing-ground-for-the-digital-silk-road.

[21] Huawei (2019), “Huawei to Invest 35 million Euros in Paris OpenLab”, https://thediplomat.com/tag/china-defense-industry/.

[22] Alijosa Milenkovic (2020), “Huawei opens IT innovation center in Serbia”, CGTN, https://newseu.cgtn.com/news/2020-09-28/Huawei-opens-IT-innovation-center-in-Serbia-U884QcCuUE/index.html.

[23] The Economic Times (2021), “India bans 59 Chinese apps including TikTok, WeChat, Helo”,  https://economictimes.indiatimes.com/tech/software/india-bans-59-chinese-apps-including-tiktok-helo-wechat/articleshow/76694814.cms?utm_source=contentofinterest&utm_medium=text&utm_campaign=cppst.

[24] Washington Post (2020), “Huawei tested AI software that could recognize Uighur minorities and alert police, report says”, https://www.washingtonpost.com/ technology/2020/ 12/08/huawei-tested-ai-software-that-could-recognize-uighur-minorities-alert-police-report-says/.

[25] Record Future (2021), “China’s Digital Colonialism: Espionage and Repression Along the Digital Silk Road”, https://www.recordedfuture.com/china-digital-colonialism-espionage-silk-road/.

[26] Abby Lemert, Eleanor Runde (2021), “Alibaba Is Fined; Other Tech Companies Are Put on Notice”, Lawfare, https://www.lawfareblog.com/alibaba-fined-other-tech-companies-are-put-notice.

 

0thảo luận