Trần Thị Duyên1
Tóm tắt: Kể từ khi Việt Nam và Đài Loan ký kết Hiệp định Hợp tác lao động giữa hai bên vào năm 1999, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia cung cấp nguồn lao động phổ thông nước ngoài lớn cho hòn đảo này. Tuy nhiên, số lượng lao động làm việc tại Đài Loan càng lớn thì số lượng lao động bỏ trốn cũng càng nhiều. Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác lao động giữa hai bên, cần xem xét những gì đã đạt được cho đến nay và những vấn đề còn tồn tại để đưa ra các giải pháp có thể tăng cường hơn nữa hợp tác lao động giữa hai bên trong những năm tới. Bài viết phân tích tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Đài Loan trong hai thập niên qua;nêu lên vấn đề lao động bỏ trốnvàđề xuất giải pháp.
Từ khóa: Xuất khẩu lao động, hợp tác lao động, Việt Nam, Đài Loan
1. Tình hình xuất khẩu lao động Việt Nam sang Đài Loan[1]
Đầu những năm 1990, Đài Loan bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa thị trường lao động cho lao động nhập cư nước ngoài. Ở khu vực Đông Nam Á, ban đầu mới chỉ có 4 nước bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia nằm trong chính sách này. Đến cuối năm 1999, Việt Nam được bổ sung vào danh sách khi hai bên ký kết Hiệp định Hợp tác lao động[2].Kể từ đó, Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia cung cấp nguồn lao động phổ thông lớn cho Đài Loan.
Nếu như năm 1999 mới chỉ có 131 lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan, thì 5 năm sau, con số này đã tăng nhanh lên 90.241 người, tức gấp hơn 600 lần con số của năm 1999, chiếm 28,7% tổng số lao động nhập cư nước ngoài tại Đài Loan và chiếm 0,87% tổng lực lượng lao động của Đài Loan. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu lao động Việt Nam sang Đài Loan trong những năm tiếp theo đã giảm đột ngột do Việt Nam có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nhất trong số các nước xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Điều này dẫn đến việc Đài Loan ngừng tiếp nhận lao động giúp việc và khán hộ công[3] gia đình vào năm 2005[4]. Con số chỉ khởi sắc trở lại kể từ năm 2010 và đạt 80.030 người, chiếm 21,1% tổng số lao động nước ngoài, sau đó tăng gấp đôi lên 169.981 người vào năm 2015, chiếm 1,45% tổng lực lượng lao động Đài Loan và chiếm 28,9% tổng số lao động nước ngoài tại hòn đảo này. Số lượng lao động Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo. Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 236.835 lao động làm việc tại Đài Loan và hòn đảo này tiếp tục trở thành một trong những nhà nhập khẩu lao động lớn của Việt Nam. Do đó, trong suốt thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Việt Nam luôn đứng thứ hai trong số các nước Đông Nam Á (sau Indonesia) xuất khẩu lao động sang Đài Loan (xem biểu đồ 1 và2). Rõ ràng Việt Nam đã trở thành nước cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho Đài Loan.
Biều đồ 1: Xuất khẩu lao động Việt Nam sang Đài Loan (2000-2020)
Nguồn:https://statdb.mol.gov.tw/html/mon/c12060.htm
Biều đồ 2: Lao động các nước Đông Nam Á ở Đài Loan (2000-2020)
Cho đến nay, lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chiếm tới 87,4% lao động Việt Nam tại Đài Loan và chiếm 43% so với tổng số lao động nước ngoài cùng lĩnh vực. Xếp thứ hai là các ngành dịch vụ, chủ yếu bao gồm các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giúp việc gia đình, chiếm 11% tổng số lao động, trong khi chỉ có khoảng 2% lao động nhập cư Việt Nam làm việc trong ngành xây dựng và đánh bắt cá. Điều này cũng dẫn đến cơ cấu giới tính đã thay đổi đáng kể. Tỷ lệ lao động nữ Việt Nam từ năm 1999 đến 2006 luôn chiếm trên 65% tổng số lao động hợp đồng Việt Nam tại Đài Loan, đặc biệt là các năm 1999 (91%), 2004 (83%) và 2005 (85%). Tuy nhiên, kể từ năm 2007, tỷ lệ lao động nam Việt Nam đã tăng lên do Đài Loan ngừng nhập khẩu nhân viên chăm sóc và giúp việc gia đình người Việt. Ngoài ra, nam giới làm việc trong các ngành xây dựng và sản xuất nhiều hơn nữ giới. Kết quả là từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ lao động nam luôn chiếm hơn 50% tổng số lao động Việt Nam tại Đài Loan.
Theo Hội đồng Lao động Đài Loan (The Council of Labour Affairs), kể từ tháng 12 năm 2010, thời hạn tối đa cho lao động nhập cư nước ngoài làm việc tại Đài Loan là 12 năm thay vì 9 năm như trước, nhưng cứ 3 năm mộtlần họ phải rời Đài Loan và làm thủ tục gia hạn hợp đồng.Sau 1 năm làm việc, người lao động được nghỉ phép 7 ngày có lương và 14 ngày nghỉ phép không lương, họ có quyền từ chối tăng ca trong những ngày thường và những ngày nghỉ lễ. Lương cơ bản của người lao động được điều chỉnh tăng hàng năm. Theo Bộ Lao động Đài Loan,năm 2020, mức lương cơ bản hàng tháng đối với lao động nhập cư làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất và xây dựnglà 23.800 Đài tệ (khoảng 757 USD) và 17.000 Đài tệ (541 USD) đối với lao động giúp việc và khán hộ công gia đình.Mỗi tuần người lao động có 2 ngày nghỉ, mỗi ngày làm việc không quá 8 giờ và mỗi tháng họ được phép làm thêm tối đa 46 giờ. Họ được trả thêm 1,33 lần tiền công mỗi giờ cho hai giờ tăng ca đầu tiên và 1,66 lần cho những giờ tăng ca tiếp theo. Mức thu nhập từ ca đêm thường do chủ sử dụng lao động quyết định, luật pháp không quy định. Đối với người giúp việc và khán hộ công gia đình, luật chưa quy định số giờ làm việc thực tế mỗi ngàycho họ, vì thế họ không được nhận lương làm thêm giờ. Nếu họ làm việc vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, họ sẽ được trả thêm một ngày lương, tương đương 567 Đài tệ. Kể từ tháng 7 năm 2014 đến nay, lương của lao động giúp việc và khán hộ công gia đình vẫn là 17.000 Đài tệ/tháng.Lương của họ không tăng theo lương cơ bản của những ngành nghề khác nhưng họ sẽ được chủ nhà miễn phí tiền ăn, ở trong quá trình làm việc. Nếu làm tốt trong thời gian dài, đã có kinh nghiệm thì họ có thể tự điều chỉnh mức lương với chủ sử dụng lao động để được tăng lương.
2. Vấn đề lao động bỏ trốn
Sau hơn 20 năm thực hiện Hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và Đài Loan, đến nay Việt Nam đã đưa được hơn2,3 triệu lao động sang thị trường Đài Loan. Số lượng lao động Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây, vì thế Đài Loan hiện là thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam (chiếm 67%) trong khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, số lượng lao động làm việc tại Đài Loan càng lớn thì số lượng lao động bỏ trốn càng nhiều. Nói cách khác, số lượng lao động Việt Nam cũng tỷ lệ thuận với lao động bỏ trốn. Chưa bao giờ số lao động hợp đồng Việt Nam bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan nhiều như hiện nay. Đây thực sự là một thách thức đối với Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện chính sách thúc đẩy xuất khẩu lao động sang hòn đảo này. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Đài Loan, trong vòng 10 năm, số lượng lao động Việt Nam bỏ trốn đã tăng từ 35 người (0,7%) năm 2000 lên 6.590 người (8,3%) vào năm 2010 và vấn đề này vẫn tiếp diễn, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn. Tính đến cuối năm 2015, có 12.618 lao động Việt Nam bỏ trốn, tăng gần gấp đôi so với năm 2014 và số người bỏ trốn bình quân mỗi tháng là 1.051 người. Trong những năm tiếp theo, số lượng lao động Việt Nam bỏ trốn có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức rất cao lần lượt là 12.054 người (năm 2016), 10.056 người (năm 2017), 9.436 người (năm 2018), 9.474 người (năm 2019) và 11.617 người (năm 2020[5]. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong giai đoạn 2000-2020, Việt Nam có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nhất,chiếm 48%, tiếp theo là Indonesia (41,4%), Phillipines (5,4%) và Thái Lan (4,9%)[6].
Các cuộc điều tra cho đến nay chỉ ra rằng có 4 trường hợp lao động bỏ trốn: Thứ nhất, người lao động bỏ trốn khỏi chủ sử dụng lao động hợp pháp của mình để tìm một công việc khác có mức lương cao hơn hoặc để không phải trả mức phí môi giới cao cho các nhà cung ứng lao động địa phương hoặc họ muốn được làm việc ở những nơi có môi trường làm việc tốt hơn hoặc chuyển đến nơi làm việc có nhiều đồng hương hơn[7]. Thứ hai,người lao động hết hợp đồng lao động hợp pháp nhưng không muốn về nước vì họ phải trả thêm chi phí môi giới để quay lại Đài Loan lần nữa hoặc làlo sợ không tìm được việc làm mới khi trở về quê hương. Thứ ba, những người giúp việcvà khán hộ công trong các gia đình quyết định bỏ trốn vì rơi vào tình cảnh không thể tìm được công việc hợp pháp khác khi bệnh nhân trong các gia đình đó chẳng may qua đời, gia đình không có nhu cầu thuê họ nữa. Thứ tư, một bộ phận nhỏ sinh viên Việt Nam sang Đài Loan học tiếng Trung theo diện tự túc, sau khi hoàn thành chương trình học, họ không trở về nước đúng hạn mà ở lại Đài Loan lao động bất hợp pháp. Những lao động bất hợp pháp này sẽ bị mất tư cách pháp nhân và không được bảo hiểm y tế chi trả. Nếu cảnh sát Đài Loan bắt được, họ sẽ bị tạm giam, nộp phạt 10.000 Đài tệ và bị trục xuất về nước.
Để giải quyết vấn đề lao động bỏ trốn, chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân nào khiến họ bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp.
Có thể thấy, lý do chính góp phần vào tỷ lệ lao động bỏ trốn cao là phí xuất khẩu lao động cao. Theo quy định của luật lao động Việt Nam, cơ quan gửi lao động phải là doanh nghiệp Việt có vốn pháp định ít nhất khoảng 5 tỷ đồng và phải trực tiếp tuyển dụng lao động mà không thu phí tuyển dụng[8]. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình tuyển dụng lao động nhìn chung rất phức tạp, liên quan tới nhiều tổ chức và cá nhân khác nhau được gọi là các công ty môi giới. Hiếm khi các cơ quan tuyển dụng lao động trực tiếp đến các địa phương để tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài nên 70-80% lao động được tuyển dụng thông qua các công ty môi giới. Theo quy định của Việt Nam, chi phí xuất khẩu lao động sang Đài Loan làm việc trong các ngành sản xuất và xây dựng không vượt quá 4.500 USD/người và 3.600 USD/người đối với lao động giúp việc và khán hộ công gia đình, phí đặt cọc để đảm bảo hoàn thành hợp đồng lao động không quá 1.000 USD cho hợp đồng 3 năm làm việc tại Đài Loan. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cơ quan nhân lực Việt Nam và Đài Loan đã ngầm bắt tay với nhau thu phí xuất khẩu lao động cao để chia lợi nhuận. Các cuộc khảo sát cho thấy người lao động phải chi trả mức phí trung bình từ 5.500 USD đến 7.000 USD, thậm chí lên tới 8.000 USD cho các công ty môi giới để được chọn ký hợp đồng làm việc 3 năm ở Đài Loan.
Trên thực tế, hầu hết người lao động đến từ các vùng quê nghèo của Việt Nam, họ là lao động phổ thông, có trình độ học vấn trung bình thấp nên họ muốn ra nước ngoài để kiếm thêm thu nhập cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, so với các nước Đông Á khác, các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam đòi mức phí cao nhất. Với mức phí đó, hầu hết người lao động phải bán hoặc thế chấp tài sản của gia đình để vay tiền ngân hàng. Chính vì vậy, họ rời Việt Nam trong cảnh nợ nần chồng chất với hy vọng rằng sau 3 năm làm việc ở Đài Loan, họ có thể nhanh chóng hoàn trả số tiền vay ngân hàng và dành được khoản tiền tiết kiệm để gửi về cho gia đình.
Nhìn vào mức lương hàng tháng không có tăng ca của lao động nhập cư nước ngoài được quy định bởi Luật Tiêu chuẩn lao động Đài Loan chúng ta có thể thấy mức thu nhập của họ không cao. Với mức lương cơ bản điều chỉnh tăng từ tháng 1 năm 2020 là 23.800 Đài tệ, sau khi trừ các khoản phí như phí dịch vụ môi giới của Đài Loan, bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế, thuế và chi phí ăn, ở, tổng thu nhập của người lao động sau 3 năm làm việc ở Đài Loan là612.516 Đài tệ (khoảng 19.444 USD). Những người may mắn tìm được công việc an toàn và được tăng ca thường xuyên thì họ có thể kiếm đủ tiền trả nợ trong năm đầu tiên. Những người khác phải mất gần hai năm mới kiếm đủ tiền trả nợ, thậm chí có những người chỉ biết ôm nợ cả đời, trở thành nạn nhân của các công ty xuất khẩu lao động.
Một yếu tố khác cho thấy đã có không ít người lao động không may mắn phải làm việc tại các công ty tư nhân, xí nghiệp nhỏ với điều kiện lao động không tốt, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, thậm chí còn bị môi giới và chủ sử dụng lao động ngược đãi hoặc họ phải làm việc tại các công ty không có tăng ca, thu nhập không ổn định. Họ đang gánh trên vai trách nhiệm và một khoản nợ lớn đang chờ họ ở quê nhà, vì vậy họ chọn cách bỏ trốn khỏi chủ sử dụng lao động hợp pháp để tìm kiếm công việc có lợi hơn ở nơi khác. Điều này đồng nghĩa với việc họ bị xếp vào dạng lao động bất hợp pháp[9].Ở nơi làm việc mới (công việc bất hợp pháp), họ không cần phải lo lắng về các khoản khấu trừ thuế, phí dịch vụ môi giới hàng tháng của Đài Loan hay các chi phí khác giống như công việc hợp pháp[10].
Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng nếu không có chủ sử dụng lao động bất hợp pháp thì sẽ không có người lao động bất hợp pháp. Trên thực tế, chủ sử dụng lao động dù biết lao động nước ngoài bỏ trốn là vi phạm pháp luật nhưng họ vẫn thuê những lao động này, thậm chí còn bảo vệ cho những lao động không có giấy tờ tùy thân. Đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhu cầu nhân lực của Đài Loan khá cao, nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhiều lao động Việt Nam được tuyển dụng vào ngành nghề này. Vì vậy, có rất nhiều lao động được thuê bất hợp pháp để trồng rau, nấm, cây ăn quả hoặc hái chè ở khu vực miền núi ở Đài Trung và Đài Nam. Điều này có thể được giải thích bởi lợi ích kinh tế của việc sử dụng lao động bất hợp pháp như giải quyết tình trạng thiếu lao động ngay lập tức, duy trì ổn định sản xuất, hỗ trợ các hoạt động khác của người sử dụng lao động và quan trọng nhất là giảm chi phí đầu vào do giá nhân công rẻ. Ngoài ra, chủ sử dụng lao động bất hợp pháp không phải đóng bảo hiểm lao động cho người lao động,họ cũng không bị ràng buộc về mặt pháp lý với người lao động hoặc với chính quyền địa phương. Họ có thể tận dụng tốt nhất sức lao động thậm chí là bóc lột sức lao động và có thể dễ dàng sa thải những lao động bất hợp pháp này.
3. Các giải pháp của Việt Nam và Đài Loan để giảm thiểu lao động Việt Nam bỏ trốn
Vấn nạn lao động bỏ trốn không chỉ là vấn đề đau đầu của cả Chính phủ Việt Nam và lãnh thổĐài Loan mà còn là cơn ác mộng đối với chủ sử dụng lao động hợp pháp. Nếu tình trạng này kéo dài, nó không chỉ gây tổn hại đến uy tín của các cơ quan cung ứng lao động Việt Nam mà còn có tác động xấu đến an ninh và xã hội của Đài Loan.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để tránh tình trạng phí môi giới lao động bị đẩy lên quá cao, từ đầu năm 2013 Đài Loan đã chính thức thực hiện các quy định không cho phép thành lập thêm chi nhánh của các công ty môi giới tại Đài Loan và không gia hạn giấy phép cho các công ty xuất khẩu lao động từ các nước có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao trong ba tháng đầu sau khi nhập cảnh. Tháng 6 năm 2013, Ủy ban Lao động Đài Loan cũng đã ban hành các quy định sửa đổi và hỗ trợ cho người nước ngoài tự nguyện trở về nước lấy lại hộ chiếu, tiền mặt và các tài sản khác mà giới chủ hoặc môi giới đã giữ của họ. Hơn nữa, Đài Loan đã sửa đổi Luật Dịch vụ việc làm và nâng mức phạt đối với chủ sử dụng lao động thuê lao động nước ngoài không có giấy tờ tùy thân từ 90.000 Đài tệ (2.830 USD) lên 150.000 đến 750.000 Đài tệ (4.717 USD- 23.585 USD). Trong vòng 5 năm nếu chủ sử dụng lao động vi phạm hai lần, họ sẽ bị phạt tù 3 năm và phạt tiền lên đến 1,2 triệu Đài tệ (37.736 USD)[11].
Chính quyền Đài Loan cũng đã thiết lập đường dây nóng trực tiếp giải quyết các khiếu nại của người lao động nước ngoài, những khó khăn trong công việc và các vấn đề khác liên quan tới họ cũng như chủ sử dụng lao động. Đường dây nóng này được thực hiện bằng 4 ngôn ngữ khác nhau bao gồm tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Filipino và tiếng Mã Lai. Với đường dây nóng này, những vấn đề mà lao động nước ngoài gặp phải có thể được giải quyết kịp thời và không gặp bất kỳ rào cản ngôn ngữ nào. Do đó, tỷ lệ lao động không có giấy tờ tùy thân sẽ giảm đáng kể[12].
Hội đồng Lao động Đài Loan cũng đã đàm phán với Chính phủ Việt Nam để thực hiện các chương trình tuyển dụng trực tiếp. Theo thỏa thuận, người sử dụng lao động Đài Loan có quyền lựa chọn thuê lao động trực tiếp từ Việt Nam thông qua Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc,có thể hoàn toàn bỏ qua các công ty môi giới của hai bên. Hy vọng rằng thông qua việc tuyển dụng trực tiếp như vậy, có thể loại bỏ được vấn đề phí môi giới quá cao. Quan trọng hơn,ngày 21 tháng 10 năm 2016, Quốc hội Đài Loan đã thông qua bản sửa đổi Điều 52 của Luật dịch vụ việc làm, cụ thể là người lao động nước ngoài sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc 3 năm không cần phải trở về nước ít nhất 1 ngày mới đủ điều kiện để gia hạn hợp đồng tiếp tục làm việc ở Đài Loan. Việc sửa đổi này không chỉ giúp người lao động nước ngoài tiết kiệm thời gian, phí môi giới và các khoản phí khác để tái nhập cảnh vào Đài Loan mà còn giúp chủ sử dụng lao động Đài Loan giữ chân những nhân viên có tay nghề cao mà không cần phải đào tạo lại. Do đó, chủ sử dụng lao động cũng có thể tránh được sự thiếu hụt lực lượng lao động những khi cần. Đây là cơ hội thực sự cho lao động Việt Nam muốn gia hạn hợp đồng làm việc lên đến 12 năm tại Đài Loan mà không cần phải rời Đài Loan để xin visa mới, đặc biệt họ không phải trả thêm bất cứ phí nào để tái nhập cảnh Đài Loan.
Bên cạnh các biện pháp do Đài Loan đưa ra để giảm thiểu số lượng lao động bỏ trốn, kể từ năm 2011, Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện một số biện pháp như tăng cường giáo dục người dân về hậu quả của tình trạng lao động bỏ trốn, nâng cao chất lượng đào tạo ngôn ngữ và kiến thức pháp luật của nước sở tại cho người lao động, cũng như thay đổi phương pháp tuyển chọn lao động. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP có hiệu lực kể từ tháng 10 năm 2013, phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng và cấm đi xuất khẩu lao động trong vòng 2 đến 5 năm đối với lao động bỏ trốn khi họ trở về nước. Theo Nghị định này, Chính phủ Việt Nam cũng khuyến khích các lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước trước ngày 10 tháng 3 năm 2014 sẽ không bị phạt vi phạm hành chính. Ngay sau khi Nghị định 95 có hiệu lực, đã có 3 lao động bất hợp pháp đầu tiên bị ông Bùi Trọng Vân – Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (VECO) phạt tiền 90 triệu đồng mỗi người[13]. Tính đến hết năm 2014, VECO đã xử phạt 167 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nghị định 95 của Chính phủ Việt Nam đã vấp phải sự phản đối dữ dội của người lao động, vì họ cho rằng mức phạt quá nặng và các công ty môi giới mới thực sự là đối tượng bị phạt chứ không phải những người lao động nghèo.
4. Kết luận và kiến nghị
Có thể nói, hợp tác lao động giữa Việt Nam và Đài Loan là một hình thức hợp tác quốc tế khá đặc biệt. Nó không chỉ bắt nguồn từ sự phát triển kinh tế không đồng đều, thiếu hụt hoặc thặng dư lao động, sự phân công lao động quốc tế, di cư và phân bố dân cư, mà còn được quyết định bởi các yếu tố văn hóa xã hội và mối quan hệ giữa Việt Nam và Đài Loan. Tuy nhiên, tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác lao động là đáp ứng nhu cầu và theo đuổi lợi ích của cả hai bên. Người lao động Việt Nam có đức tính chăm chỉ, năng động, thông minh, khéo léo, thân thiện và sẵn sàng làm thêm giờ. Do đó, qua quan hệ hợp tác lao động giữa hai bên những năm qua, người lao động Việt Nam thực sự là những người đóng góp quan trọng để bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động của Đài Loan.
Cũng không thể phủ nhận rằng rất nhiều người lao động may mắn được nhận vào làm ở những công ty danh tiếng, họ làm việc tốt và có mức thu nhập ổn định. Sau khi trở về quê hương, ở một số miền quê, có những ngôi làng được gọi là “làng Đài Loan”. Ở những ngôi làng như vậy, nhiều căn nhà mới được xây dựng, nhiều cửa hàng tạp hóa được lập nên thể hiện sự thịnh vượng giữa các vùng nông thôn nghèo. Thậm chí, nhiều người sau khi trở về đã trở thành những nhà đầu tư nhỏ, họ thành lập doanh nghiệp để tạo thêm việc làm cho lao động địa phương và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Việt Nam và Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức. Hai bên giữ mối quan hệ hợp tác thông qua giao lưu nhân dân trong đó có sự đóng góp to lớn của cộng đồng người Việt ở Đài Loan gồm cả lao động Việt Nam nhập cư.Vì vậy, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động và giảm tác động tiêu cực đến hợp tác lao động giữa Việt Nam và Đài Loan, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật lao động Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập và phát triển khu vực, cần hoàn thiện hơn nữa cơ chế quản lý về xuất khẩu lao động cũng như xây dựng các chiến lược và tầm nhìn dài hạn cho quá trình xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài. Điều này nhằm giảm tình trạng di cư không an toàn, ngăn chặn lao động bất hợp pháp cũng như nâng cao trách nhiệm của hai bên và thực hiện cơ chế hợp tác linh hoạt, hiệu quả giữa các công ty, tổ chức trong nước với Văn phòng Kinh tế và Văn hóaViệt Nam tại Đài Loan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong suốt quá trình khởi hành, cư trú, làm việc và trở về tái hòa nhập cộng đồng[14]. Quan trọng hơn, Việt Nam cần đưa ra mức phí xuất khẩu lao động hợp lý và ngăn chặn sự bóc lột của các công ty môi giới để đảm bảo rằng người lao động có thể trả nợ nhanh chóng và có cơ hội tích lũy vốn để cải thiện cuộc sống của họ thì mới giảm bớt áp lực buộc họ phải bỏ trốn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dang Nguyen Anh (2007), Labor Export from Viet Nam: Issues of Policy and Practice, paper for presentation at the 8th International Conference of Asia Pacific Migration Research Network (APMRN), Fuzhou, China, 25-29 May 2007.
2. Futaba Ishizuka (2013), International labor migration in Vietnam and the impact of receiving countries’ policies, IDE Discussion paper No. 414.
3. Han Entzinger, Marco Martiniello and Catherine Withtol De Wenden, (2003), “Migration between States and markets”, Ashgate Publishing Limites Gower House. http://sociology.ntu.edu.tw/~yenfen/PoliticsofImportingForeigners.pdf.
4. Joseph S. Lee and Su-Wan Wang (1996). Recruiting and managing of foreign workers in Taiwan, Asian and Pacific Migration journal, 5(2), 281- 301.
5. Joseph S. Lee, “The management of foreign workers in Taiwan”, http://www.jil.go.jp/foreign/event/ko_work/documents/2007sopemi/taiwan.pdf.
6. Kannika Angsuthanasombat, “Situation and Trends of Vietnamese Labor Export”,http://www.asianscholarship.org/asf/ejourn/articles/kannika_a.pdf.
7. Tsay, Ching-Lung (2015),“Migration between Southeast Asia and Taiwan: Trends, characteristics and implications”, Journal of ASEAN Studies, 3(2), 68-92.
8. Tsay, Ching-Lung (2003), ‘International labor migration and foreign direct investment in East Asian development: Taiwan as compared with Japan’, in Y. Hayase (ed.), International Migrationin APEC Member Economies: its relation with trade,investment and economic development, APEC Study Centre, Institute of Developing Economies, Tokyo: 131- 167.
9. Tsai, Hong-chin (1991), Foreign workers in Taiwan: demographic characteristics, related problems and policy implications, Industry of Free China, 76 (3), 53 - 69.
10. Uma A. Segal, Doreen Elliott & Nazneen S. Mayadas (2010), Immigration worldwide: Policies, Practices, and trends, Oxford University Press.
11. Vietnam Ministry of Labor (2010), Labor and Social Trends in Vietnam 2009/10.
12. Wang, H. Z. (2001), “Social Stratification, Vietnamese Partners Migration and Taiwan Labour Market”, Taiwan: A Radical Quarterly in Social Studies, 41: 99-127.
[1]TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] Tsay Ching-Lung (2015),“Migration between Southeast Asia and Taiwan: Trends, characteristics and implications”, Journal of ASEAN Studies,quyển 3, số 2, tr. 71.
[3] Người chăm sóc người già.
[4] Futaba Ishizuka (2013),“International labor migration in Vietnam and the impact of receiving countries’ policies”, http://www.ide.go.jp/English/Publish/Download/Dp/pdf/414.pdf.
[5] Cục nhập cư quốc gia, https://statdb.mol.gov.tw/html/mon/c12070.htm.
[6] Tổng hợp số liệu từ Cục nhập cư quốc gia, https://statdb.mol.gov.tw/html/year/year05/d13100.htm, https://statdb.mol.gov.tw/html/mon/c12070.htm.
[7]Joseph S. Lee “The management of foreign workers in Taiwan”, http://www.jil.go.jp/foreign/event/ko_work/documents/2007sopemi/taiwan.pdf,tr.8.
[8] Futaba Ishizuka (2013),“International labour migration in Vietnam and the impact of receiving countries’ policy”, IDE discussion paper No .414, Institute of Developing Economies, Japan, tr. 5-6.
[9]Joseph S. Lee “The management of foreign workers in Taiwan”, http://www.jil.go.jp/foreign/event/ko_work/documents/2007sopemi/taiwan.pdf, tr.8.
[10] Cody Yiu, “Runaway workers needing protection”, http://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2005/01/14/2003219318.
[11] Zoe Wei and Evelyn Kao, “Taiwan devises measures to resume import of workers from Vietnam”, http://focustaiwan.tw/news/asoc/201507050009.aspx.
[12]Uma A. Segal, Doreen Elliott & Nazneen S. Mayadas ( 2010),Immigration Worldwide: Policies, practices and trends, Oxford University Press, tr.343.
[13] “Ba lao động đầu tiên bị phạt do bỏ trốn ở nước ngoài”, Báo Người Laođộng, 8/4/2014, http://nld.com.vn/cong-doan/3-lao-dong-dau-tien-bi-phat-do-bo-tron-o-nuoc-ngoai-20140408203931073.htm.
[14] Consular Department-Ministry of Foreign Affair of Vietnam (2012),Review of Vietnamese migration abroad, tr. 55.