Nguyễn Thị Ngọc Anh1
Tóm tắt: Nghề thủ công truyền thống Nhật Bản từng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, nhưng nay đang phải đối mặt với thời kỳ khủng hoảng chưa từng có. Những biến động của bối cảnh kinh tế, xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp thủ công truyền thống Nhật Bản đứng trước nhiều thách thức và buộc họ phải thay đổi để không bị phá sản. Trong quá trình đó, đã có một số doanh nghiệp không thể trụ vững, nhưng cũng có những doanh nghiệp đã tìm cho mình được hướng đi mới, đáng kỳ vọng.
Từ khóa: Nhật Bản,nghề thủ công truyền thống,đại dịch Covid-19
1. Khái quát về nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản[1]
Năm 1974, Nhật Bản đã ban hành Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống. Theo luật này, một ngành nghề để được công nhận là nghề thủ công truyền thống thì sản phẩm của nó phải đạt đủ 5 tiêu chí:(1) là những sản phẩm được sử dụng chủ yếu trong cuộc sống hàng ngày; (2) công đoạn chính của quy trình sản xuất phải thực hiện thủ công (bằng tay); (3)hàng thủ công truyền thống phải được sản xuất bằng các phương pháp và kỹ thuật truyền thống. Các kỹ năng và kỹ thuật truyền thống phải được kế thừa và cải tiến từ 100 năm trở lên; (4) sử dụng nguyên liệu truyền thống; (5) được sản xuất ở một khu vực nhất định (Sanchi) bởi một số không ít lao động đang làm việc hoặc theo nghề sản xuất đó. Khu vực này có liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân địa phương. Ngay chính nguồn nguyên, vật liệu sản xuất được lấy kết tinh từ khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và được sử dụng như là sự kế thừa văn hóa vật chất của khu vực địa lý[2].
Sau khi Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống được ban hành, chính phủ đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ cho các hoạt động làng nghề truyền thống của mỗi địa phương hướng đến mục tiêu vì sự phát triển chung của cả nước. Cùng với đó, Hiệp hội nghề thủ công truyền thống đã được thành lập trên cơ sở các hợp tác xã nhằm khuyến khích phát triển nghề thủ công truyền thống.
Chính phủ Nhật Bản đã đặt ra yêu cầu phát triển các sản phẩm làng nghềphù hợp với thị hiếu và tiêu chuẩn của thị trường trong và ngoài nước. Nó không nằm ngoài mục đích vừa lưu truyền những kỹ thuật truyền thống vừa làm phong phú và làm giàu cho đời sống của con người. Là ngành công nghiệp sản xuất dựa trên nguồn lực và công nghệ địa phương, được nuôi trồng từ lâu đời vì vậy, ngành thủ công truyền thống luôn nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, cũng như Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nhằm bảo tồn các công nghệ và kỹ thuật đặc trưng văn hóa dân tộc, duy trì, phát triển ngành thủ công truyền thống như một hoạt động công nghiệp.Từ góc độ kinh tế, có thể thấy từ sau thời điểm ban hànhLuật Phát triển nghề thủ công truyền thống, kim ngạch sản xuất của các ngành thủ công truyền thống tăng từ 384 tỷ yên năm 1974 lên 541 tỷ yên năm 1983, sau đó có xu hướng giảm, đến năm 1990 đã đạt 508 tỷ yên.
Hình 1: Giá trị sản xuất và số lượng thợ thủ công Nhật Bản (từ năm 1974-1990)
Đặc biệt, sang những năm 1980, được gọi là thời kì của “xã hội tiêu dùng” ở Nhật Bản, mức chi tiêu tăng lên, người dân sẵn sàng chi một khoản tiền lớn cho các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, trong đó có mặt hàng thủ công truyền thống. Song song với đó, ở thời điểm này, rất nhiều thợ thủ công truyền thống có tay nghề cao đã cho ra nhiều sản phẩm tinh xảo, kết hợp với thị hiếu tiêu dùng hướng tới các sản phẩm mang “phong vị Nhật Bản” đang được ưa chuộng,khiến doanh số bán hàng tăng cao. Chính vì vậy, đây được coi là thập niên thành công rực rỡ của nghề thủ công truyền thống của Nhật Bản mà đỉnh cao là doanh thu năm 1983 đã đạt 541 tỷ yên như trình bày ở trên.
Từ góc độ xã hội, nghề thủ công truyền thống đã từng là cơ hội của hơn 200 nghìn lao động vào những năm 1974-1990, trong đó đỉnh điểm là vào năm 1979 với 288 nghìn thợ thủ công làm việc. Hàng năm, theo quy định từ Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống, Chính phủ dành một khoản trợ cấp nhất định hỗ trợ cho đối tượng thợ thủ công truyền thống, nhất là nghệ nhân thủ công truyền thống. Ngoài khoản hỗ trợ từ chính phủ, thu nhập trung bình hàng năm của một thợ thủ công truyền thống vào khoảng4,2 triệu yên. Mức lương này cũng có sự chênh lệch giữa các nghề và độ tuổi khác nhau. Ví dụ, thu nhập hàng năm của thợ làm đồ gỗ khoảng 4,2 -5,6 triệu yên. Trong khi, thu nhập của thợ làm thủy tinh ít hơn là 3,5- 4,2 triệu yên/năm[3]. Mức lương cùng với những hỗ trợ thêm từ chính phủ là động lực giúp nhiều thợ thủ công tiếp tục đam mê với nghề.
Từ góc độ văn hóa, nghề thủ công truyền thống là tinh hoa văn hóa Nhật Bản được trao truyền qua hàng trăm năm nay, được người Nhật trân trọng và cố gắng gìn giữ bất chấp sự biến đổi của thời gian. Các sản phẩm thủ công truyền thống trở thành biểu tượng văn hóa được khai thác như một công cụ hiệu quả trong du lịch, ngoại giao văn hóa… Tinh thần cầu thị hướng tới các sản phẩm đạt chất lượng hoàn hảo tuyệt đối của nghệ nhân thủ công truyền thống trở thành niềm tự hào cho trí tuệ và sự kiên trì trong lao động của người dân Nhật Bản nói chung.
Tóm lại, cùng với những chính sách hỗ trợ của chính phủ, sự ra đời của Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống và những điều kiện về kinh tế xã hội đã khiến nghề thủ công truyền thống đạt được đỉnh cao giai đoạn 1974-1983. Nghề thủ công truyền thống đã giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là môi trường lao động của nhiều lớp thợ thủ công và là nguyên liệu sản sinh ra các sản phẩm văn hóa, du lịch và ngoại giao.
2. Nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản trước đại dịch Covid-19
Như đã trình bày, cuộc khủng hoảng kinh tế bong bóng đã có những ảnh hưởng lớn đến quymô sản xuất hàng thủ công truyền thống ở Nhật Bản. Theo số liệu thống kê của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản,quymô sản xuất của ngành này năm 1983 đã đạt khoảng 540 tỷ yên, nhưng kể từ sau năm 1990 đã bắt đầu có xu hướng giảm mạnh, từ năm 2011 đến những năm gần đây chỉ dao động trên dưới 100 tỷ yên. Cho đến những năm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì giá trị sản xuất hàng năm của ngành này đã giảm mạnhso vớinhững năm 1983 và năm 1990.
Tính đến năm 2019, trên toàn đất nước Nhật Bản có 207 khu vực sản xuất, với 209[4] hiệp hội vùng sản xuất hàng thủ công truyền thống, có khoảng 235 ngành nghề được chính phủ công nhận là nghề thủ công truyền thống.Từ năm 2010 đến năm 2019 giá trị sản xuất của nghề thủ công truyền thống luôn dao động ở mức xấp xỉ 100 nghìn tỷ yên.
Hình 2: Giá trị sản xuất và số lượng thợ thủ công (từ năm 1990 – 2015)
Nguồn: Hiệp hội Phát triển Nghề thủ công truyền thống Nhật Bản
Song song với đó, số lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực này đang có xu hướng giảm, năm 2017 có khoảng 57.000 người[5], thợ thủ công truyền thống có xu hướng già hóa và số lượng thợ là nữ giới ngày càng gia tăng. Song theo đánh giá thì so với thợ thủ công nam giới, mức lương mà nữ giới nhận được bao giờ cũng thấp hơn, chưa cân xứng với sức lực và tay nghề của họ. Cụ thể, theo nghiên cứu về thu nhập của thợ thủ công ở độ tuổi 40, cùng một công việc, nam giới nhận được mức lương khoảng 462 vạn yên, trong khi nữ giới chỉ nhận được khoảng 349 vạn yên[6].
Tuy nhiên, trong tình hình suy giảm chung, một số công ty sản xuất đồ thủ công truyền thống vẫn đạt được mức doanh thu đầy triển vọng nhờ vào khả năng ứng biến với thị trường mới. Ví dụ như công ty Iwachu Co.Ltd. sản xuất và bán hàng đồ sắt thủ công Nanbu Tekki ở thành phố Morioka, tỉnh Iwate[7]. Thực tế, công ty này cũng gặp những khó khăn tương tự như các ngành sản xuất thủ công truyền thống khác. Cụ thể là, nếu như chỉ sản xuất các sản phẩm dưới hình thức và công nghệ nguyên bản hàng trăm năm, điều tất yếu là sản phẩm sẽ trở nên lỗi thời trong thiết kế và chức năng sử dụng. Thêm vào đó, các công đoạn cồng kềnh trong chuỗi tiêu thụ thông qua các đại lý đã làm tăng giá thành sản phẩm. Đặc biệt, để cạnh tranh với một sản phẩm tương tự xuất phát từ Trung Quốc, giá thành rẻ hơn thì hàng thủ công truyền thống Nhật Bản đã trở nên kém hấp dẫn. Do đó, để ứng phó với thị trường, công ty đã thay đổi hình thức sản phẩm,họ tìm kiếm phương thức sơn màu cho chiếc ấm Nanbu Tekki vốn chỉ có một màu đen hàng trăm năm nay để phù hợp thẩm mỹ hiện đại, từ đó xuất khẩu tốt ở thị trường nước ngoài. Ngoài ra, để tối ưu hóa lợi nhuận, công ty này đã thay đổi chiến lược bán hàng, tận dụng sức mạnh số để xây dựng mạng lưới bán hàng trực tiếp trên toàn cầu; họ cũng nghiên cứu để tự hoàn thiện sản phẩm từ thiết kế đến tiêu thụ, giảm thiểu các khâu trung gian.
Trong điều kiện nền kinh tế tri thức phát triển, nhiều nhóm thợ thủ công truyền thống khác cũng thay đổi tư duy sáng tạo, họ liên kết với nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, mở rộng thị trường cho các sản phẩm truyền thống Nhật Bản, ví dụ như trường hợp nhà sản xuất kimono kết hợp với các thương hiệu thời trang Gucci, Chanel… Hoặc xây dựng hình ảnh thương hiệu thủ công truyền thống, thay đổi một số chi tiết cho phù hợp và bán sản phẩm ra nước ngoài, ví dụ như sử dụng kỹ thuật rèn kiếm Katana để làm kéo, dao, dụng cụ cắt móng... Điều này đã đem lại mức thu nhập cao hơn cho thợ thủ công và khơi dậy những hi vọng mới vào nghề truyền thống này.
Về chính sách của chính phủ nhằm bảo tồn và tăng sức mạnh khai thác thủ công truyền thống,hàng năm chính phủ đã dành một khoản ngân sách đáng kể hỗ trợ cho các dự án phát triển nghề, đào tạo lớp thợ trẻ và các hoạt động quảng bá sản phẩm thủ công… Năm 2021, Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt ngân sách khoảng 360 triệu yên cho 236 khu vực sản xuất thủ công truyền thống[8].
Ngoài ra, trong chiến dịch “Cool Japan” được thực hiện từ năm 2010, Nhật Bản cũng kì vọng đưa hình ảnh thủ công truyền thống nước này làm đại sứ, gây thiện cảm với bạn bè thế giới. Từ đó, các sản phẩm mang “bóng dáng” Nhật Bản được ưa chuộng hơn trên thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm thủ công truyền thống cũng mở rộng cơ hội trên toàn cầu. Trong chiến dịch này, hàng năm chính phủ đều cấp một khoản kinh phí để hỗ trợ nghề thủ công truyền thống, ví dụ năm 2018, Chính phủđã dành 700 triệu yên cho các dự án hỗ trợ các khu vực sản xuất thủ công truyền thống riêng lẻ, xây dựng mạng lưới giữa người bán và người tiêu dùng trong và ngoài nước; hỗ trợ phát triển nhu cầu phổ biến thông tin ra nước ngoài[9].
Như vậy có thể thấy, tuy những số liệu về sản xuất, nguồn lao động không mấy khả quan, nhưng những “tia sáng” từ một số doanh nghiệp sản xuất hay từ những sáng kiến đổi mới của các thợ thủ công truyền thống đã thắp lên hy vọng về hình ảnh một ngành thủ công truyền thống mới của Nhật Bản. Cùng với sự hỗ trợ liên tục từ chính phủ, sự tìm kiếm cơ hội mới với nghề của những lao động nữ đang được khuyến khích hơn, có thể trong tương lai, hàng thủ công truyền thống sẽ được đón nhận dưới những hình thức khác.
3. Nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản trong thời kỳ đại dịch Covid-19
Khi những người tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất và chế tác hàng thủ công truyền thống đang kì vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn thì đạidịch Covid-19 bùng phát, đẩy kinh tế, xã hội Nhật Bản vào giai đoạn khó khăn hơn. Từ tháng2/2020,đại dịch Covid-19đã lan rộng khắp Nhật Bản, chính phủ đã kêu gọi người dân tránh tiếp xúc gần; tránh tụ họp đông người; tránh ở trong những không gian kín; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Dịch bệnh đã khiến mạng lưới xuất khẩu giữa các quốc gia bị gián đoạn; ngành du lịch rơi vào tăng trưởng âm; thế vận hội Olympic Tokyo 2020 dự định tổ chức vào mùa hè đã bị dừng…điều này đã có ảnh hưởng trầm trọng đến nghề thủ công truyền thống Nhật Bản vốn đang hi vọng rất nhiều vào số lượng khách du lịch đến Nhật Bản vì sự kiện này. Sau khi đại dịch bùng phát, toàn bộ các cửa hàng, bách hóa và viện bảo tàng buộc phải đóng cửa, các buổi lễ hội, hội chợ…bị hoãn vô thời hạn, số lượng khách du lịch trong và ngoài nước bị hạn chế, từ đó doanh số bán hàng đã giảm xuống 80% so với mức thường niên[10]. Thêm vào đó, các sản phẩm thủ công truyền thống vốn không thuộc nhóm những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà thuộc nhóm hàng xa xỉ, hàng cao cấp. Vì thế khi đại dịch xảy ra, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng hạn chế mua các sản phẩm thủ công truyền thống, hướng đến các sản phẩm giá rẻ thay vì đồ mua các sản phẩm đắt tiền như trước đây.
Không thể phủ nhận rằng, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, nghề thủ công truyền thống đã phải đối mặt với nhiều nguy cơ suy thoái và để ngăn chặn, các địa phương đã ra sức kích cầu du lịch, tạo nhiều cơ hội khai thác và bán các sản phẩm thủ công truyền thống thông qua triển lãm, hội chợ…Đáng tiếc là mức ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 là quá lớn, khoảng 40%[11]doanh nghiệp thủ công truyền thống đã không thể vực dậy. Các chuyến du lịch tham quan xưởng sản xuất đồ thủ công truyền thống; các khóa trải nghiệm dành cho học sinh phổ thông với mục đích vừa quảng bá, duy trì, vừa thu hút nguồn nhân công cho ngành này đều bị hủy bỏ. Ngoài những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp còn gặp những vướng mắc trong việc duy trì sản xuất khi doanh thu đã không còn được như trước. Ví dụ, công ty sản xuất đồ thủy tinh Tajima Glass (Edogawa Ward) đã cắt giảm sản lượng chỉ còn 3-4 ngày một tuần so với 5-6 ngày như thường lệ, nhưng lò nấu chảy thủy tinh và chi phí gas hàng tháng khoảng 2,5 triệu yên, cùng chi phí thợ thủ công vẫn luôn phải trả[12]. Sự suy thoái đang đè nặng lên vai những người quản lý sản xuất.
Một số ý kiến cho rằng, tái cấu trúc các doanh nghiệp thủ công truyền thống là phương thức cứu sống nghề trong thời điểm này. Tối ưu hóa lợi nhuận nhằm tăng sức mạnh duy trì nghề, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển kênh bán hàng trực tiếp thay vì thông qua môi giới trung gian như hiện nay hoặc phải tìm ra một phương thức phân phối và bán hàng mới.Hơn nữa, những tín hiệu đến từ sức mạnh từ công nghệ marketing online đang lóe lên và hứa hẹn mở ra con đường mới cho nghề thủ công truyền thống trong tương lai. Cụ thể, thay vì những đơn hàng trực tiếp như thường lệ, những sản phẩm cốc thủy tinh với hình núi Phú Sĩ dưới đáy của công ty Tajima Glass được xuất khẩu và được đẩy mạnh bán qua hệ thống trực tuyến. Các đơn hàng từ Đài Loan, Trung Quốc được tăng cường. Hơn nữa, nó còn trở thành một món quà lưu niệm được yêu thích trong nước. Các công ty sản xuất hàng thủ công truyền thống cũng bắt tay với các trang bán hàng thủ công trực tuyến, ví dụ như công ty bán hàng Creemer Ltd. để chào hàng. Công nghệ bán hàng trực tuyến trước đó đã từng được sử dụng và nay càng được khai thác nhiều hơn.
Nhiều doanh nghiệp phải dùng chiến lược ngắn hạn, chuyển đổi sản xuất khi dịch bệnh lây lan để duy trì doanh nghiệp. Điển hình như xưởng nhuộm vải thủ công truyền thống “Tokyo Wazarashi”, có trụ sở tại Tokyo. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh số bán hàng của xưởng này đã giảm xuống 80% so với năm trước. Giám đốc đời thứ tư, Ichiro Takizawa nhận thấy rằng trong tình hình thiếu khẩu trang y tế thì có thể dùng vải tẩy trắng làm khăn tắm thay thế và khẩu trang của xưởng còn khắc phục được sự khó thở của khẩu trang vẫn đang bán ngoài thị trường. Vì vậy, từ tháng 6 năm 2020 xưởng này đã tiêu thụ được khoảng 50.000 chiếc khẩu trang. Vào tháng 1 năm 2021, xưởng này lại đưa ra thị trường chiếc khẩu trang trong suốt làm từ chất liệu vinyl “Miselundes”, cóưu điểm là có thể nhìnthấy những chuyển động của miệng và nét mặt của người sử dụng. Chủ tịch Takizawa kì vọng loại khẩu trang này sẽ được sử dụng cho những người tham gia các hoạt động sân khấu, nghệ thuật biểu diễn và thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu[13]…
Bên cạnh đó, chính phủ và chính quyền các địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ duy trì, phát triển các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công truyền thống; hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho những cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực này. Chính phủ đã phê duyệt cho các công ty vừa và nhỏ chịu thiệt hại từ đại dịch, các công ty sản xuất thủ công truyền thống có thêm gấp đôi nguồn hỗ trợ ngoài kinh phí được cấp hàng năm. Mức hỗ trợ cao nhất lên đến 7.500 USD cho doanh nghiệp và 2.800 USD đối với chủ các cơ sở nhỏ hơn.
Ví dụ như chính quyền tỉnh Kagoshima sẽ hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới, phát triển thị trường và các hoạt động bán hàng không trực tiếp của các hiệp hội và nhà sản xuất địa phương nhằm phục hồi nhu cầu của ngành thủ công truyền thống bị ảnh hưởng bởi sự lây nhiễm virus corona. Tỉnh đã thành lập Quỹ trợ cấp dự án hỗ trợ phục hồi nhu cầu ngành thủ công truyền thống, kinh phí hỗ trợtối đa là 2 triệu yêncho một hiệp hội nghề và 200.000 yên cho nhà chế tác, quỹ tiếp nhận đơn đăng ký cho đến ngày 11 tháng 6[14]. Đối tượng được trợ cấp phải là các hiệp hội nghề thủ công truyền thống được quốc gia chỉ định nhưng có cơ sở sản xuất trong địa bàn tỉnh và các nhà chế tác (nghệ nhân) thủ công truyền thống đã có chứng chỉ cấp quốc gia và cấp tỉnh. Hoạt động kinh doanh được trợ cấp bao gồm các hội chợ thương mại, gặp gỡ kinh doanh, triển lãm sản phẩm, hoạt động bán hàng… và phát triển sản phẩm mới, các cuộc họp đánh giá sản phẩm…
Rõ ràng rằng, cuộc khủng hoảng từ dịch bệnh đã làm trầm trọng hơn những biểu hiện suy thoái từ trước đó trong nghề thủ công truyền thống Nhật Bản. Song, kinh nghiệm cho thấy, khủng hoảng là cơ hội để thay đổi và phát triển hơn, đã đến lúc các doanh nghiệp thủ công truyền thống tái cơ cấu và thay đổi chiến lược kinh doanh của mình. Ngoài phương thức bán hàng truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến có thể trở thành công cụ hiệu quả hơn gấp nhiều lần, đưa sản phẩm thủ công truyền thống vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, những người thợ thủ công truyền thống cũng cần thay đổi tư duy sáng tạo, phát triển sản phẩm phù hợp với cuộc sống và thị hiếu hiện đại. Nghề thủ công truyền thống thực sự sẽđi xa hơn nếu cả haiyếu tố này được kích thích. Trong ngắn hạn, dịch bệnh vẫn đang gây trở ngại đến mọi mặt, song việc hướng tới sản xuất các sản phẩm thủ công chất lượng cao cấp, thương hiệu Nhật Bản có thể là bước đi đem lại nhiều cơ hội tiềm năng trong tương lai. Với sự hỗ trợ thường xuyên từ chính phủ, Nhật Bản có thể lạc quan tin tưởng vào sự trở lại của nghề thủ công truyền thống.
Tóm lại, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nghề thủ công truyền thống vốn đang gặp phải khó khăn nay lại càng phải gồng mình hơn để thay đổi và tìm hướng đi mới. Trong bối cảnh này, những thương hiệu thủ công truyền thống cải cách, sáng tạo và tận dụng công nghệ truyền thông hiện đại trong hoạt động sản xuất, bán hàng sẽ chiếm được thị phần trong tương lai.
Qua nghiên cứu có thể thấy rằng, hiện tại, nghề thủ công truyền thống đang thực sự nằm trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất. Những con số suy thoái trong hàng chục năm trở lại đây, cùng với đòn giáng từ đại dịch toàn cầu đã khiến các doanh nghiệp thủ công truyền thống buộc phải co lại. Bên cạnh những hỗ trợ từ chính phủ, để tồn tại và phát triển, nhiều sáng kiến đã được thực hiện. Ngoài phương thức bán hàng truyền thống, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp thủ công truyền thống và các công ty bán hàng trực tuyến đang trở thành giải pháp đem lại hiệu quả và được đẩy mạnh nhất hiện nay. Song song với thay đổi cơ cấu bán hàng, sự thay đổi trong tư duy sáng tạo của thợ thủ công truyền thống cũng là chìa khóa mở ra kỷ nguyên mới cho ngành sản xuất này. Các sản phẩm thủ công truyền thống xuất hiện với hình dáng mới đã kéo mọi đối tượng khách hàng đến gần hơn với nghề thủ công truyền thống, mở ra tương lai mới cho nghề.
Thêm nữa, những lợi ích từ việc phát triển nghề thủ công truyền thống hướng tới tăng tỷ lệ lao động nữ tham gia vào sản xuất đã trở thành tín hiệu đáng chú ý. Với mục đích chung của chính phủ trong công cuộc kích thích giới nữ tham gia nhiều hơn vào sản xuất, tận dụng lao động nữ trong bối cảnh nguồn lao động Nhật Bản đang thiếu hụt trầm trọng, thì nghề thủ công truyền thống là cầu nối phù hợp.
Trong giai đoạn ngắn hạn, dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được khống chế, những khó khăn mà các khu vực sản xuất thủ công truyền thống vẫn đang phải đối mặt rất lớn, song với những tín hiệu tích cực trên, có thể hi vọng vào sự “lột xác” của một ngành sản xuất thủ công truyền thống Nhật Bản mới trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. 伝統的工芸品産業の振興に関する法律 (Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống), https://elaws.e-gov.go.jp/search/elawsSearch/elaws_search/lsg0500/detail?lawId=349AC1000000057.
2.伝統工芸士の年収を詳しく解説!(Chi tiết về mức lương của thợ thủ công truyền thống), https://heikinnenshu.jp/creative/dentoukogeshi.html.
3. 平成18年度伝統的工芸品産業調査報告書 (Báo cáo điều tra nghề thủ công truyền thống năm 2010), http://www.ifeng.or.jp/wordpress/wp-content/uploads/2012/10/CR-2006-10.pdf.
4. 経済産業省製造産業局(2020)伝統的工芸品産業への支援(Hỗ trợ đối với các ngành sản xuất hàng thủ công truyền thống), https://www.meti.go.jp/policy/mono_info_service/mono/nichiyo-densan/densan-seminar/R2densan.hojokin.pdf.
5. 伝統工芸士の年収を詳しく解説!伝統工芸士の年収に興味がある方のための基礎知識(Thuyết minh chi tiết về thu nhập của thợ thủ công truyền thống: Kiến thức cơ bản dành cho những người quan tâm đến nghề thủ công truyền thống),https://heikinnenshu.jp/creative/dentoukogeshi.html.
6. Inoue Ichiro, 伝統工芸産業市場の課題解決に向けた一考察 ―市場の約 80%が失われた平成の 30 年間にあっても成長した企業事例研究をもとに ―, https://core.ac.uk/download/pdf/327125753.pdf
7.経済産業省の取組について(Về nỗ lực Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp), https://www.meti.go.jp/policy/mono_info_service/mono/nichiyo-densan/index.html
8.新型コロナ>伝統工芸の危機…匠の知恵で生き残り模索 新商品や輸出、ネット販売も(Virus Corona mới. Cuộc khủng hoảng của hàng thủ công truyền thống…Tìm kiếm sự tồn tại bằng trí tuệ của những người thợ thủ công: Sản phẩm mới, hàng xuất khẩu và bán hàng trực tuyến), https://www.tokyo-np.co.jp/article/87368.
9.伝統工芸品の需要回復に最大200万円:鹿児島県 (Tỉnh Kagoshima Hỗ trợ tối đa 2 triệu yên cho phục hồi nhu cầu hàng thủ công truyềnthống),https://j-net21.smrj.go.jp/news/tsdlje000000t2sg.html.
[1]ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2]伝統的工芸品産業の振興に関する法律 (Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống),https://elaws.e-gov.go.jp/search/elawsSearch/elaws_search/lsg0500/detail?lawId=349AC1000000057.
[3]伝統工芸士の年収を詳しく解説!(Chi tiết về mức lương của thợ thủ công truyền thống), https://heikinnenshu.jp/creative/dentoukogeshi.html.
[4]平成18年度伝統的工芸品産業調査報告書 (Báo cáo điều tra nghề thủ công truyền thống năm 2010), http://www.ifeng.or.jp/wordpress/wp-content/uploads/2012/10/CR-2006-10.pdf.
[5]経済産業省製造産業局(2020)伝統的工芸品産業への支援(Hỗ trợ đối với các ngành sản xuất hàng thủ công truyền thống), https://www.meti.go.jp/policy/mono_ info_service/mono/nichiyo-densan/densan-seminar/R2densan.hojokin.pdf.
[6]伝統工芸士の年収を詳しく解説!伝統工芸士の年収に興味がある方のための基礎知識(Thuyết minh chi tiết về thu nhập của thợ thủ công truyền thống: Kiến thức cơ bản dành cho những người quan tâm đến nghề thủ công truyền thống), https://heikinnenshu.jp/creative/dentoukogeshi.html.
[7]Inoue Ichiro, 伝統工芸産業市場の課題解決に向けた一考察 ―市場の約 80%が失われた平成の 30 年間にあっても成長した企業事例研究をもとに ―, https://core.ac.uk/download/pdf/327125753.pdf.
[8]伝統的工芸品産業支援補助金令和3年度予算額 3.6億円(3.6億円)(Ngân sách trợ cấp cho ngành thủ công truyền thống năm Lệnh Hòa thứ 3 là 360 triệu yên),https://www.meti.go.jp/main/yosan/yosan_fy2021/pr/ip/seizou_13.pdf
[9]経済産業省の取組について(Về nỗ lực Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp), https://www.bunka.go.jp/seisaku/bunkashingikai/seisaku/15/04/pdf/r1398035_07.pdf.
[10]新型コロナ>伝統工芸の危機…匠の知恵で生き残り模索 新商品や輸出、ネット販売も(Virus Corona mới. Cuộc khủng hoảng của hàng thủ công truyền thống…Tìm kiếm sự tồn tại bằng trí tuệ của những người thợ thủ công: Sản phẩm mới, hàng xuất khẩu và bán hàng trực tuyến),https://www.tokyo-np.co.jp/article/87368.
[11]新型コロナ>伝統工芸の危機…匠の知恵で生き残り模索 新商品や輸出、ネット販売も,Tlđd, https://www.tokyo-np.co.jp/article/87368.
[12]新型コロナ>伝統工芸の危機…匠の知恵で生き残り模索 新商品や輸出、ネット販売も,Tlđd, https://www.tokyo-np.co.jp/article/87368.
[13]新型コロナ>伝統工芸の危機…匠の知恵で生き残り模索 新商品や輸出、ネット販売も,Tlđd,https://www.tokyo-np.co.jp/article/87368.
[14]伝統工芸品の需要回復に最大200万円:鹿児島県 (Tỉnh Kagoshima hỗ trợ tối đa 2 triệu yên cho phục hồi nhu cầu hàng thủ công truyền thống),https://j-net21.smrj.go.jp/news/tsdlje000000t2sg.html.