Nguyễn Thị Hồng Vân1
Tóm tắt: Bắt nạt vốn là chuyện muôn thuở xảy ra giữa các học sinh trong trường học ở khắp các quốc gia trên thế giới, song hiếm khi lại chứa đựng nhiều điểm khác biệt và để lại hậu quả nghiêm trọng như tại Nhật Bản. Từ nhiều năm nay, bắt nạt đã trở thành vấn đề nổi cộm trong môi trường học đường ở Nhật Bản và thu hút mối quan tâm của dư luận xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh những năm gần đây, mục tiêu nhấn mạnh về chất lượng của môi trường giáo dục đã dẫn đến việc xem xét và hành động mạnh mẽ hơn đối với vấn đề bắt nạt. Bài viết trình bày một số nguyên nhân chủ yếu và sâu xa làm nảy sinh vấn đề bắt nạt ở trường học Nhật Bản.
Từ khóa: Bắt nạt, giáo dục, Nhật Bản
B |
ắt nạt ở Nhật Bản gọi là ijime, là hành vi ứng xử không phù hợp và đi lệch với chuẩn mực đạo đức của học sinh đã được qui định chặt chẽ trong trường học. Bộ Giáo dục Nhật Bản[1]đã đưa ra định nghĩa về bắt nạt vào năm 1987 và qua hai lần sửa đổi vào năm 1994 và 2006 cho phù hợp với tình hình mới. Từ năm 1985 đến nay, các vụ bắt nạt đã gia tăng về số lượng và theo chiều hướng liên tục. Vào năm 2012, tỉ lệ các vụ bắt nạt là 14,3 vụ/1000 học sinh thì đến năm 2017 lên đến 30,9 vụ /1000[2]. Bắt nạt trong trường học chủ yếu được tổ chức theo cấu trúc nhóm và đã trở thành đặc tính riêng biệt của tình trạng bắt nạt ở Nhật Bản, chiếm tới hơn 80%. Các vụ bắt nạt ở Nhật Bản thường theo quy mô 4 lớp vòng tròn, với thứ tự từ trong ra ngoài là nạn nhân, những học sinh bắt nạt, khán giả, học sinh không tham gia mà chỉ chứng kiến. Đây là cách thức bắt nạt dựa trên sức mạnh tạo ra từ nhóm. Dưới sự dẫn dắt của một học sinh, cả nhóm cùng thực hiện các hành vi bắt nạt.
Các hình thức bắt nạt chủ yếu ở trường học Nhật Bản là bắt nạt tâm lý, bắt nạt thể chất và bắt nạt bằng bạo lực. Trên thực tế, hầu hết các vụ bắt nạt của học sinh ở Nhật Bản không chỉ đơn thuần sử dụng một hình thức riêng lẻ mà đã kết hợp cả ba hình thức trên, theo chiều hướng tăng dần các hành động bắt nạt. Nhiều sự cố bắt nạt trở nên nghiêm trọng đều xuất phát từ thời điểm bắt đầu chuyển sang hình thức cô lập và loại bỏ. Các vụ bắt nạt không chỉ gia tăng về số lượng mà tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, kéo dài và ranh giới giữa học sinh bắt nạt, khán giả và nạn nhân luôn có sự biến chuyển. Bên cạnh việc bắt nạt trực tiếp thì còn có bắt nạt gián tiếp qua mạng internet và ngày càng tăng từ những năm đầu thế kỷ XXI, xoay quanh hình thức bắt nạt tâm lý.
Mỗi học sinh đều chịu ảnh hưởng rất lớn trong quá trình được nuôi dưỡng, chăm sóc cũng như sự phát triển nhận thức và hành vi từ ba môi trường giáo dục chính là gia đình, nhà trường và xã hội. Vì thế, việc xem xét nguyên nhân việc bắt nạt của học sinh Nhật Bản xuất phát từ ba yếu tố trên.
1. Yếu tố môi trường gia đình
Từ bao đời nay, gia đình vốn là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, sự kết nối với gia đình là rất quan trọng với lứa tuổi học sinh bởi vai trò giáo dục con cái của cha mẹ. Vì thế, những thay đổi của các mối quan hệ trong mỗi gia đình có tác động rất lớn đến sự phát triển và định hình tính cách của trẻ em. Các mô hình gia đình Nhật Bản đã trải qua quá trình chuyển đổi liên tục từ những năm 1980 và càng sâu sắc hơn trong các giai đoạn kế tiếp, thể hiện trên phương diện về các giá trị và hành vi ở mỗi gia đình. Người cha thường xuyên bận rộn với công việc nên việc giáo dục con chủ yếu là do người mẹ. Người mẹ thường có khuynh hướng chiều chuộng con cái từ nhỏ để phát triển cảm giác phụ thuộc lẫn nhau dựa trên tập quán truyền thống, bởi vậy, “tình cảm yêu thương sâu sắc của những người mẹ dành cho con cái, cùng với việc thiếu hướng dẫn của người cha đã làm cho một số trẻ em không thể hoạt động tốt trong môi trường cạnh tranh như trường học”[3]. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, sự tham gia của người mẹ vào thị trường lao động ở Nhật Bản đã tăng lên đáng kể. Chức năng vốn có về “người mẹ giáo dục” Nhật Bản phần nào bị mai một bởi thời gian dành cho con cái cũng eo hẹp lại. Nhiều bậc cha mẹ thiếu sự quan tâm và giáo dục con chu đáo nên việc theo dõi, chỉ dẫn để con cái phát triển nhân cách, tư duy đúng hướng là rất hạn chế. Một số học sinh phản ứng thụ động khi phải đối mặt với các tình huống khó khăn từ bên ngoài nên rất dễ bị rối khi bị bạn bắt nạt mà không thể tự tìm được cách thức giải quyết hữu hiệu. Mối quan hệ thiếu gắn kết giữa cha mẹ và con cái cũng thể hiện ở việc suy giảm về mặt giao tiếp. Bên cạnh sự chênh lệch về khoảng cách thế hệ với mối quan hệ theo chiều dọc giữa cha mẹ - con cái là tính độc lập trong lối sống của mỗi thành viên trong một số gia đình ngày càng rõ nét hơn. Cha mẹ ở Nhật Bản thường xây dựng niềm tin và thực hành việc nuôi dạy con cái theo truyền thống, dựa trên cách họ nghĩ mà ít khi xem xét một sự cố hay hành vi cụ thể hay liệu đó có phải là quyết định tốt nhất cho con cái không. Ngay từ nhỏ, trẻ em được cha mẹ chú trọng hướng theo khuôn mẫu của các chuẩn mực xã hội, đặc biệt là việc tuân thủ chủ nghĩa tập thể để điều chỉnh mối quan hệ bạn bè ở trường học. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, điều này là cần thiết để con cái học cách trải nghiệm tình huống căng thẳng và có đủ mạnh mẽ tự đối mặt giải quyết được nên hầu như không nhận được sự can thiệp kịp thời từ họ. Một số dựa trên quan điểm, bắt nạt là kiểu trêu chọc trẻ con sẽ chấm dứt khi con cái trưởng thành. Do vậy, chỉ có 22,1% học sinh là nạn nhân của bắt nạt đã nói chuyện với cha mẹ. Việc phát hiện bắt nạt từ cha mẹ học sinh cũng chỉ chiếm tỉ lệ trung bình là 10,2%[4].
Cuộc sống thịnh vượng cùng với sự nuông chiều của cha mẹ, lấy con cái làm trung tâm đã tạo nên “bức tường” che chở, bảo vệ con cái quá mức. Họ dễ dàng bỏ qua các hành vi sai trái của trẻ, nhiều em trở nên ích kỷ và không vâng lời. Những hành động thiếu thân thiện, nóng nảy và bạo lực đã không được uốn nắn, giáo dục kịp thời ngay từ trong gia đình nên rất dễ được trẻ tiếp tục thực hành với bạn bè ở trường học, khiến trẻ tham gia vào các hành vi bắt nạt và không có sự đồng cảm với nạn nhân. Ở một mức độ nhất định, hành vi bắt nạt bạn bè có thể được coi là cách thức phản ứng của trẻ em nhằm đối phó với việc bị tổn thương vì bạo lực từ cha mẹ ở gia đình.
Sự phổ biến tư tưởng gia đình hạt nhân, công nghiệp hóa và đô thị hóa đã dẫn đến việc suy giảm đồng cư trú giữa nhiều thế hệ trong cùng một mái nhà của gia đình lớn. Việc thay thế những chức năng truyền thống của gia đình lớn như chức năng giáo dục theo cách thức noi gương, truyền dẫn từ thế hệ cao niên cho thế hệ trẻ đã lần lượt bị phân tán, giảm sút và phần nào ủy thác cho xã hội. Quy mô gia đình thu hẹp với mô hình gia đình hạt nhân chiếm ưu thế làm cho người mẹ rơi vào thái cực quá tự tin hoặc lo âu khi đảm trách nuôi dạy con mà không có sự giúp đỡ của ông bà, người thân như ở gia đình lớn. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa gia đình với cộng đồng dân cư ở địa bàn cư trú đã bị mai một đi rất nhiều, nhất là ở các đô thị lớn.
Bản thân nhiều bậc cha mẹ trong những năm gần đây không chú ý đến vai trò là người trung gian giúp đỡ con cái xây dựng sự gắn kết với trường học. Một số trường hợp đã mang nặng tâm lý dựa dẫm và ủy thác việc giáo dục trẻ em cho nhà trường với lý do bận công việc. Hơn thế nữa, quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên đã có nhiều thay đổi trước biến chuyển của tình hình kinh tế, xã hội. Giáo viên ở Nhật Bản không còn được kính trọng như trong quá khứ, chủ yếu do trình độ của người mẹ được nâng cao. Trên thực tế, một số cha mẹ quá tin tưởng con mà đổ lỗi cho nhà trường.
2. Yếu tố trường học
- Áp lực của việc học tập.
Trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn được coi là một trong những hệ thống giáo dục hàng đầu trên thế giới với tỉ lệ tham gia giáo dục cao nhất và thứ hạng thành tích cao của học sinh qua Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA). Nhiều chính khách và học giả đã ca ngợi hệ thống giáo dục như là yếu tố quan trọng cho sự phát triển và tăng trưởng cao của nền kinh tế Nhật Bản. Dường như điều này đã làm lu mờ mặt trái của giáo dục ở Nhật Bản với những tác động tiêu cực từ áp lực học tập căng thẳng đối với các học sinh, với khởi nguồn tạo ra từ nhà trường và các bậc cha mẹ.
Mối quan tâm đến bằng cấp trong bối cảnh chính sách giáo dục theo chủ nghĩa năng lực được thiết lập đã đưa giáo dục theo mục tiêu vì thi cử. Các trường học ở Nhật Bản thường có sự ganh đua về uy tín để thu hút học sinh nên việc đề cao thành tích được đặt lên hàng đầu. Chương trình học tập trong trường học ở Nhật Bản là nặng về nhồi nhét kiến thức cùng với các bài kiểm tra và kỳ thi liên miên. Hơn nữa, các quy tắc nghiêm ngặt và tính kỷ luật được nhà trường rất chú trọng, nhất là từ bậc trung học. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, điều này là cứng nhắc khi nhà trường kiểm soát chặt chẽ cuộc sống học đường của học sinh khiến nhiều em cảm thấy căng thẳng.
Bên cạnh đó, quy mô gia đình ở Nhật Bản theo xu hướng ngày càng ít con nên nhiều bậc cha mẹ rất coi trọng đến việc đầu tư học tập của con cái. Cùng với sức ép cạnh tranh trong trường học, bao kỳ vọng của cha mẹ làm cho học sinh ở Nhật Bản phải gồng mình cho những kỳ thi căng thẳng. Để chuẩn bị cho việc thi cử, tình trạng học thêm và “kinh doanh” thi thử tràn lan trên cả nước. Việc nghỉ ngơi, vui chơi của học sinh ngày càng eo hẹp hơn bởi thời gian dành cho các hoạt động học tập ở trường và học thêm đã kéo dài nhiều giờ trong ngày.
Trên con đường đi đến thành công và vươn tới sự trưởng thành được xã hội thừa nhận của mỗi cá nhân ở Nhật Bản, điểm khởi đầu chính là quá trình học tập trong trường học. Do vậy, việc thất bại ở trường học có nguy cơ phá hủy cơ hội của học sinh để có sự nghiệp và thành đạt bởi rất khó để làm lại. Nhiều học sinh đã thừa nhận rằng, họ quá căng thẳng khi phải đáp ứng sự mong đợi của nhà trường và gia đình để có thành tích cao trong học tập. Vì thế, tỉ lệ học sinh Nhật Bản thường xuyên chịu áp lực của việc học tập cao hơn so với nhiều nước khác. Báo cáo hàng năm về giáo dục của khối OECD đã cho thấy, 78% học sinh Nhật Bản lo lắng về bài kiểm tra khó và 82% về việc bị điểm kém ở trường, trong khi mức trung bình của các nước trong khối là 59% và 66%[5]. Từ phía cha mẹ, khoảng 80% các gia đình có người mẹ luôn nói với con “hãy học” và 86% thường xuyên kiểm tra kết quả các kỳ thi[6]. Áp lực của việc học tập cũng đẩy một số học sinh vào trạng thái tâm lý không ổn định, buồn bực trong người mà thiếu kiềm chế trong quan hệ với bạn bè. Họ chọn cách giải tỏa bằng việc đi bắt nạt học sinh khác để lấy lại cân bằng và tìm thấy niềm vui cho chính mình.
- Vai trò của giáo viên.
Giảng dạy là một nghề rất được coi trọng ở Nhật Bản, vì thế giáo viên thuộc tầng lớp trung lưu và nằm trong nhóm công chức nhà nước có mức lương cao. Giáo viên ở vị trí địa vị xã hội cao và thụ hưởng lợi ích về kinh tế cũng đi kèm với những trách nhiệm ngày càng nặng nề mà xã hội đã giao phó và hy vọng từ họ. Ở Nhật Bản, áp lực về khối lượng công việc với giáo viên là rất lớn. Ngoài 8 giờ làm việc chính thức trong trường, các giáo viên phải kéo dài thêm thời gian bởi việc giám sát những hoạt động ngoại khóa, chuẩn bị giáo án cho bài giảng. Khối lượng bài học nhiều đã ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội trao đổi, trò chuyện giữa giáo viên và học sinh. Do đó, đã xảy ra tình trạng giáo viên không nắm rõ hết các học sinh để có thể thấu hiểu nhu cầu của từng em. Sự phát triển ở mức độ cao của xã hội hiện đại đã có những tác động tiêu cực rõ nét đến khía cạnh đạo đức của một số học sinh Nhật Bản. Nhiều em ngày càng bướng bỉnh và xem nhẹ lời dạy của thầy cô.
Khi xem xét vai trò của giáo viên ở Nhật Bản, các tiêu chuẩn được tập trung vào hai hành vi chính. Thứ nhất là, hành vi giảng dạy, đó là những kỹ năng chỉ dẫn và tổ chức lớp học, thiết lập các qui tắc và kế hoạch cho học sinh. Thứ hai là, hành vi xây dựng mối quan hệ, chủ đạo là mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Kết quả khảo sát thực nghiệm của nhà nghiên cứu về bắt nạt Shinkichi Sugimori cho thấy, những giáo viên đáp ứng tốt cả hai hành vi trên hoặc duy trì chặt chẽ mối quan hệ với học sinh thì đều tạo được sự đoàn kết, đem lại cảm giác thân thiện và hòa nhập cho mỗi học sinh ở lớp học[7]. Trong môi trường học đường như vậy, bắt nạt là hiếm gặp và chỉ có thể xuất hiện trong thời gian rất ngắn là đã được giải quyết nhanh chóng. Ở chiều ngược lại, một số giáo viên có hành vi giảng dạy tốt nhưng chỉ nhấn mạnh vào kết quả học tập và nghiêm khắc quá mức với học sinh. Họ tập trung vào những bài giáo huấn mang tính một chiều, không khí lớp học tẻ nhạt và xa cách, học sinh có nghĩa vụ nghe và thực hiện mà thiếu đi sự kết nối giữa thầy và trò. Đây là điển hình của mối quan hệ thứ bậc đã in dấu đậm nét trong trường học ở Nhật Bản. Tình trạng giáo viên khó đồng cảm với những vấn đề của học sinh đã khiến nhiều em không dám nói về những khó khăn và khúc mắc như việc bị bắt nạt ở trường học. Mức độ trầm trọng hơn cả là một số giáo viên kém năng lực, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng quản lý đã dẫn đến những rối loạn trong lớp học, điển hình là việc chia rẽ và bắt nạt ở nhiều học sinh không được kiểm soát. Mô hình vị trí quyền lực chiếm ưu thế của giáo viên trong lớp học dễ dẫn đến việc lấn sang sự lạm dụng khi họ sử dụng cách bắt nạt bằng lời nói để trêu chọc, chế giễu học sinh nhằm tạo ra tiếng cười cho cả lớp. Vô hình chung, cả lớp đứng về phía giáo viên khiến giáo viên trở thành người cầm đầu bắt nạt. Bắt nạt trở thành phương pháp thuận tiện và nhanh chóng để đạt được quyền lực quản lý lớp học cho một số giáo viên. Trật tự có thể được xác lập nhưng chỉ mang tính tức thời bởi bầu không khí lớp học ngày càng trở nên bất an và tiêu cực. Trước đây, việc giáo viên bắt nạt học sinh đã xảy ra ở nhiều trường học nhưng được coi là tất yếu. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, vấn đề này đã được đề cập trong báo cáo của nhà trường với Bộ Giáo dục Nhật Bản. Vào năm 2017, trung bình có đến 25,8% số trường trong toàn Nhật Bản tồn tại tình trạng này[8].
Ở môi trường học đường, hành vi của giáo viên có khả năng lan truyền sang học sinh với tầm ảnh hưởng sâu sắc. Có 37% giáo viên tiểu học, 24% giáo viên trung học cơ sở nghĩ rằng, “những điều họ làm hoặc nói có ảnh hưởng đến việc bắt nạt giữa các học sinh”[9]. Sự quan sát và cảm nhận của học sinh rất dễ kéo theo việc học hỏi, bắt chước, dần dần hình thành một cách ngẫu nhiên suy nghĩ về thứ quyền lực mà giáo viên đã áp đặt trong lớp học, thông qua việc bắt nạt học sinh. Nhận thức về sức mạnh và lợi thế mà quyền lực mang lại trở nên lệch lạc, dẫn đến nhiều học sinh quay sang bắt nạt bạn bè để tìm kiếm và trải nghiệm quyền lực với người khác.
- Cách giải quyết vấn đề bắt nạt của nhà trường và giáo viên.
Ở nhiều trường học Nhật Bản, nhận thức về bản chất của tình hình bắt nạt không được chú trọng. Tỉ lệ sự cố bắt nạt được phát hiện phần lớn từ các cuộc điều tra sau khi bắt nạt xảy ra, chiếm đến 52,8%. Kênh thông tin quan trọng và nhanh nhất đến từ học sinh thông qua hình thức trò chuyện, trao đổi trực tiếp với giáo viên và nhà trường lại chỉ ở mức thấp nhất là 0,2%. Những người tiếp xúc thường xuyên với học sinh ở các mức độ khác nhau thông qua các hoạt động hàng ngày cũng ở mức thấp, với tỉ lệ 11,1% từ giáo viên chủ nhiệm, 2,3% từ giáo viên giám thị, 0,4% từ giáo viên chăm sóc và các viên chức khác[10]. Như vậy, vai trò của giáo viên và nhà trường trong việc nhận biết và can thiệp việc bắt nạt là rất thấp. Đây là một trong những lý do mà nhiều vụ bắt nạt kéo dài và nghiêm trọng.
Mặt khác, khuynh hướng che giấu các vụ bắt nạt để bảo vệ danh tiếng của nhà trường và giáo viên là khá phổ biến. Trường học ở Nhật Bản luôn đề cao yếu tố thành tích, việc thừa nhận các vụ bắt nạt sẽ khiến nhà trường mất lợi thế trong cuộc cạnh tranh với các trường khác nên phủ nhận có bắt nạt diễn ra, thậm chí “ngay cả trong trường hợp học sinh thông báo về việc bắt nạt trong lớp của họ”[11]. Nhiều học sinh bắt nạt thông minh, thể hiện được sự tự tin với khả năng thu hút đám đông nên những năng lực nổi trội có thể khiến nhà trường lờ đi hành vi bắt nạt của họ. Việc giải quyết các vụ việc bắt nạt không kịp thời và triệt để, không thi hành các hình phạt rõ ràng làm cho nạn bắt nạt chỉ giảm trong một thời gian rất ngắn và sau đó tiếp tục với mức độ dữ dội và tinh vi hơn, như là cách trả thù nạn nhân đã nói chuyện với giáo viên và cha mẹ. Ngay cả khi những sự cố nghiêm trọng xảy ra, nhà trường vẫn lựa chọn cách thức phủ nhận hoàn toàn mối liên hệ nhân quả giữa bắt nạt và bi kịch của nạn nhân.
3. Yếu tố xã hội
- Sự phát triển của chủ nghĩa tập thể kiểu Nhật Bản.
Chủ nghĩa tập thể kiểu Nhật Bản với bản sắc gắn kết nhóm đã được duy trì lâu dài, lan tỏa sâu sắc và nâng tầm để trở thành đặc tính văn hóa truyền thống riêng biệt trong xã hội, với các quy tắc chuẩn mực và giá trị. Trong văn hóa tập thể, mọi người hợp nhất, đồng thời thể hiện bản thân và khẳng định sự tồn tại dựa trên sự phù hợp theo nhóm. Chủ nghĩa tập thể đòi hỏi mỗi cá nhân coi trọng thành tích của tập thể và sự hòa hợp trong nhóm, mang quan điểm phụ thuộc lẫn nhau và không thể tách rời nhóm. Mục tiêu duy trì mối quan hệ tốt đẹp và sự hòa hợp trong nhóm ở Nhật Bản là rất mạnh mẽ, dẫn đến biểu hiện thái độ của người Nhật trong cuộc sống thường có cấu trúc kép. Đó là tatemae và honne. Tatemae là để chỉ thái độ ngoại giao hay là thái độ để đáp ứng mong muốn của người khác, trong khi đó honne là thái độ thực sự của bản thân. Người có thẩm quyền và sức mạnh có khả năng chi phối những thành viên khác trong nhóm, đặc biệt là người yếu hơn luôn phải xem xét làm thế nào để đáp ứng mong đợi của người có thẩm quyền. Chủ nghĩa tập thể ở Nhật Bản gắn liền mật thiết với khái niệm tâm lý biểu hiện trong các tương tác xã hội là amae. Amae là cách để xác định mối quan hệ giữa người Nhật, là cảm giác phụ thuộc giữa các thành viên trong xã hội và rất dễ nhận thấy trong cuộc sống hàng ngày.
Ở vị trí là một yếu tố cấu thành trong xã hội, trường học cũng là nơi biểu hiện đậm nét và sâu sắc của chủ nghĩa tập thể kiểu Nhật Bản. Quy mô tập thể thường được tổ chức theo hai hình thức sau: mỗi lớp học là một nhóm hoặc được chia ra làm nhiều nhóm trong lớp. Là một học sinh thì phần lớn thời gian trong ngày là ở trường học với mọi hoạt động đều liên quan đến tập thể. Vì vậy, các mối quan hệ với bạn bè chủ yếu được thiết lập trong giới hạn lớp học. Trẻ em Nhật Bản được học cách sống theo nhóm ngay từ những năm đầu đến trường, theo đó, tính đồng nhất hiện diện trên nhiều khía cạnh trong cuộc sống học đường hàng ngày. Việc gắn kết với nhóm ở mỗi học sinh là cả một quá trình không hề đơn giản. Là thành viên thuộc về một nhóm mới chỉ là bước đầu tiên, việc duy trì sự hiện diện lâu dài và có mối quan hệ tốt với nhóm về sau là khó khăn hơn rất nhiều. Hoạt động nhóm bao gồm hai chức năng là hòa hợp và loại trừ.
Sự hòa hợp trong nhóm ở lứa tuổi học sinh mang hai trạng thái với ý nghĩa đối lập nhau: đó là tích cực và tiêu cực. Ý nghĩa tích cực là sự thương yêu, quan tâm, bảo vệ và giúp đỡ giữa các thành viên. Trong môi trường lớp học, sự hòa hợp gắn liền với việc phụ thuộc lẫn nhau (amae) được tạo dựng dựa trên mọi hoạt động tương tác ở nhóm. Một số học sinh có thể cảm thấy không thoải mái hoặc vô tình lơ là trong quá trình phát triển tương tác với bạn bè cũng có nghĩa là họ đã tự tách mình khỏi nhóm và không còn coi trọng sự phụ thuộc. Tình huống này sẽ dẫn đến việc cá nhân đó không thể phụ thuộc vào đa số còn lại ở nhóm và bị bắt nạt để loại trừ.
Ngoài ra, chính những quy định chặt chẽ và tính kỷ luật đôi khi quá cứng nhắc trong trường học ở Nhật Bản lại là yếu tố định hướng học sinh theo sự phù hợp. Chủ nghĩa tập thể đề cao sự phù hợp ở trường học đã là môi trường nuôi dưỡng việc loại bỏ sự khác biệt trên nhiều khía cạnh. Ngạn ngữ Nhật từ xưa có câu “móng tay nhô ra sẽ bị đập xuống” với hàm ý về việc loại trừ sự khác biệt và định hình vị trí cá nhân trong xã hội định hướng theo nhóm sâu sắc trên hầu hết các phương diện. Bất kỳ một học sinh mang sự khác biệt và nổi bật đều có thể không được chấp nhận bởi gây ra nỗi lo sợ cho các thành viên khác trong nhóm, do vậy trở thành mục tiêu của bắt nạt.
Khi tinh thần tập thể ở trường học được đẩy lên cao do đặc tính truyền thống thì sự phù hợp mang tính tiêu cực đã tất yếu dẫn đến áp lực của sự tuân thủ. Áp lực có thể mạnh đến nỗi nhiều học sinh hiếm khi đủ can đảm để bộc lộ thái độ thực sự hay thể hiện quan điểm riêng của bản thân mà thay vào đó là phát triển sự nhạy cảm nhằm đáp ứng yêu cầu của tập thể. Điều này được thực hiện dựa trên khả năng cảm nhận những cung bậc cảm xúc trong lớp học hoặc trong nhóm để hòa nhịp cùng tâm trạng của tập thể. Việc tuân thủ được sử dụng để cố gắng làm phù hợp với đa số, nhất là với học sinh đứng đầu nhóm, nhằm tránh nguy cơ trở thành mục tiêu tiếp theo của bắt nạt. Chủ nghĩa tập thể với việc định hình bản thân theo nhóm đã quyết định hình thức bắt nạt nhóm, tính chất và thành phần tham gia bắt nạt. Không chỉ ở vị trí nạn nhân mà ngay cả những học sinh đóng vai trò làm khán giả cổ vũ và người chứng kiến không chịu được áp lực tâm lý tạo ra từ tập thể đều mang nỗi lo sợ bị loại trừ. Vì thế, họ không dám phản đối cũng như bênh vực học sinh bị bắt nạt. Ý thức phản kháng đã bị triệt tiêu đồng nghĩa đã mất đi cơ chế kìm hãm và loại bỏ bắt nạt.
Thêm vào đó, những ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây đã tạo ra những xung đột giữa chủ nghĩa cá nhân và các giá trị tập thể. Một số học sinh thể hiện sự khác biệt qua tính cách độc lập và tự do đã trở nên khó khăn trong việc hòa hợp với bạn bè, từ đó dễ bị bắt nạt.
- Kỷ nguyên phát triển xã hội công nghệ thông tin.
Bước sang thế kỷ XXI, sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của công nghệ thông tin đã làm cho môi trường sống và phát triển của trẻ em đã có những thay đổi mạnh mẽ, không chỉ về thể chất mà cả tinh thần và lối sống. Hầu hết học sinh Nhật Bản đều sở hữu điện thoại di động và hứng thú với internet ở trong và ngoài trường học. Tỉ lệ học sinh Nhật Bản sử dụng internet hàng ngày quá mức thời gian cho phép là 34,8% ở mức độ từ 2 giờ trở lên. Cá biệt có những em thuộc nhóm “nghiện” internet, có 8,5% từ 3 đến 4 giờ và 13,5% nhiều hơn 4 giờ. Bên cạnh đó, có đến 6% học sinh thường xuyên dành hơn 6 tiếng ở bên ngoài trường học[12]. Những học sinh dành nhiều thời gian cho internet luôn cảm thấy cô đơn và có cảm giác như một người ngoài cuộc ở trường. Tần suất sử dụng có mối liên quan mật thiết đến bắt nạt trực tuyến, tăng khả năng làm nạn nhân hoặc là người bắt nạt. Các trường học ở Nhật Bản quy định chặt chẽ về việc hạn chế học sinh dùng điện thoại di động ở trường và việc sử dụng điện thoại trong giờ học hoàn toàn bị nghiêm cấm. Dù vậy, một số học sinh vẫn giấu giếm thực hiện việc bắt nạt trực tuyến bạn bè khi học trên lớp. Thông qua tính năng vượt trội về ẩn danh trên mạng, trẻ em cảm thấy tự tin dám làm những việc mà ngoài đời thực không thể. Đây chính là điều kiện thuận lợi để bắt nạt trực tuyến gia tăng, ngày càng phức tạp và trở nên rất khó kiểm soát. Công nghệ thông tin đã hình thành thói quen kết bạn qua mạng của học sinh, qua đó gián tiếp làm giảm kỹ năng xây dựng mối quan hệ bạn bè ở trường học. Một số học sinh đã bị mắc kẹt trong chính lớp học của mình, trở nên lạc lõng cô đơn vì không thể hòa nhập, từ đó trở thành mục tiêu của bắt nạt.
Tóm lại, có rất nhiều yếu tố kết hợp để bắt nạt xảy ra, như trong môi trường gia đình, trường học và xã hội Nhật Bản. Có thể thấy là, những tác động tiêu cực từ môi trường gia đình không thuận lợi cho sự phát triển của trẻ em đã ảnh hưởng đến hành vi bắt nạt của học sinh ở trường học. Những thay đổi về mô hình gia đình, sự thiếu gắn kết, cơ hội giao tiếp hạn chế, cách thức giáo dục mang nặng tính áp đặt trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã góp phần làm cho tình trạng của các học sinh là nạn nhân của bắt nạt trở nên khó khăn hơn nhiều. Ngoài ra, một số bất cập tồn tại trong môi trường học đường như áp lực học tập căng thẳng, vai trò yếu kém của một số giáo viên trong việc điều hành lớp học và mối quan hệ thiếu đồng cảm với học sinh cũng như cách giải quyết các vụ việc bắt nạt không nghiêm minh đã làm cho hành vi bắt nạt của học sinh có cơ hội tiếp diễn với mức độ trầm trọng và khó kiểm soát hơn rất nhiều. Từ phía xã hội, những quy tắc, tập quán của chủ nghĩa tập thể đã ghi dấu đậm nét ở trường học, biểu hiện sâu sắc trong mối quan hệ giữa các học sinh đã là một trong những nguyên nhân về bản chất của vấn đề bắt nạt ở Nhật Bản.
Hệ lụy từ các vụ bắt nạt ở các mức độ khác nhau đã gây xáo trộn trong đời sống xã hội và đặt ra những thách thức cho sự nghiệp giáo dục của Nhật Bản.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Shinkichi Sugimori (2013), “Anatomy of Child Bullying in Japan”, http://wwwchil dresearch.net/papers/school/2013.
2. Emily Stalter (2016 - 2017), “The Relationship of Ijime and Amae in Japanese Middle School Classrooms”, International Research Scape Journal, Vol. 4, Article 6.
3. Motoko Akiba and Kazuhiko Shimazu (2013), “Student - Teacher Relationship and Ijime in Japanese Middle Schools”, http://alexy.asian.lsa.umich.edu>courses>readings>Akiba and Shimizu (pdf).
4. 三津村正和 (2016), 学校における「いじめ」問題の現状と課題: いじめの不可視化要因に関する考察をふまえて, 『教育学論集』第67号 (2016年 3 月) (Mitsumura Masakazu (2016), Hiện trạng và những vấn đề tồn đọng của vấn đề “bắt nạt” ở trường học: Quan sát từ những nguyên nhân không nhìn thấy. Sưu tập Luận án Giáo dục học số 67 (3/2016)), file:///C:/Users/USER/Downloads/kyoikugakuronsyu0_67_6.pdf.
5. 文部科学省初等中等教育局児童生徒課 (2018), 平成 29 年度 児童生徒の問題行動・不登校等生徒指導上の諸課題に関する調査結果について 平成 30 年 10 月 25 日(Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (2018), Kết quả khảo sát năm 2017 về các vấn đề của học sinh như Hành vi và bỏ học của học sinh), http://www.mext.go.jp/component/a_ menu/education/detail/__icsFiles/afieldfile/2019/01/10/1412082-2901.pdf.
[1] Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[2] 文部科学省初等中等教育局児童生徒課 (2018), 平成 29 年度 児童生徒の問題行動・不登校等生徒指導上の諸課題に関する調査結果について 平成 30 年 10 月 25 日 (Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (2018), Kết quả khảo sát năm 2017 về các vấn đề của học sinh như Hành vi và bỏ học của học sinh), http://www.mext.go.jp/component/a_menu/education/detail/__icsFiles/afieldfile/2019/01/10/1412082-2901.pdf.
[3] Takashi Naito and Uwe P. Gielen (2009), Bullying and Ijime in Japanese Schools: A Sociocultural Perspective, http://www.semanticscholar.org/paper/bullying-and-ijime-in-japanese-school.
[4] 文部科学省初等中等教育局児童生徒課 (2018), 平成 29 年度 児童生徒の問題行動・不登校等生徒指導上の諸課題に関する調査結果について 平成 30 年 10 月 25 日 (Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (2018), Kết quả khảo sát năm 2017 về các vấn đề của học sinh như Hành vi và bỏ học của học sinh), http://www.mext.go.jp/component/a_menu/education/detail/__icsFiles/afieldfile/2019/01/10/1412082-2901.pdf.
[5] Country note OECD (2015), “Programme for International Student Assessment (PISA), Results From PISA 2015 Students’ Well Being”, http://www.oecd.org/PISA2015-Students- Well- Being- Country- note-Japan.pdf.
[6] Daijiro Hida (2004), “Divided Japanese and Education Divided”, Chuyên san của Tập đoàn giáo dục Bennese, http://www.childresearch.net/paper/school/2004_02.html.
[7] Shinkichi Sugimori (2013), “Anatomy of Child Bullying in Japan”, http://www.childresearch.net/papers/school/ 2013.
[8] 文部科学省初等中等教育局児童生徒課 (2018), 平成 29 年度 児童生徒の問題行動・不登校等生徒指導上の諸課題に関する調査結果について 平成 30 年 10 月 25 日 (Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (2018), Kết quả khảo sát năm 2017 về các vấn đề của học sinh như Hành vi và bỏ học của học sinh), http://www.mext.go.jp/component/a_menu/education/detail/__icsFiles/afieldfile/2019/01/10/1412082-2901.pdf.
[9] Shoko Yoneyama (2015), “Theorizing School Bullying: Insights from Japan)”, Conferon Vol.3, No.2, Conferon.ep.liu.se/issues/2015/v3/150628/conferon15v3i20628.pdf.
[10] 文部科学省初等中等教育局児童生徒課 (2018), 平成 29 年度 児童生徒の問題行動・不登校等生徒指導上の諸課題に関する調査結果について 平成 30 年 10 月 25 日 (Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (2018), Kết quả khảo sát năm 2017 về các vấn đề của học sinh như Hành vi và bỏ học của học sinh), http://www.mext.go.jp/component/a_menu/education/detail/__icsFiles/afieldfile/2019/01/10/1412082-2901.pdf.
[11] Takashi Naito and Uwe P. Gielen (2009), “Bullying and Ijime in Japanese Schools: A Sociocultural Perspective”. Semanticscholar.org/paper/bullying-and-ijime-in-japanese-schools.
[12] Rennis Udris (2015), “Cyberbullying in Japan: An Exploratory Study”, International Journal of Cyber Society and Education, Vol. 8, No. 2.