Lại Trần Tùng1
Tóm tắt: Khoa học và công nghệ chính là nền tảng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cuối thế kỷ XX, Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Một trong những “bí quyết” để đạt được thành công đó của Hàn Quốc là phát triển công nghiệp công nghệ cao. Bài viết phân tích một số kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển công nghiệp công nghệ cao, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam.
Từ khóa: Hàn Quốc, Việt Nam, công nghiệp công nghệ cao
1. Đặt vấn đề[1]
Có nhiều tổ chức trên thế giới đã đưa ra khái niệm công nghiệp công nghệ cao như các nước thuộc OECD; Hiệp hội Điện tử Mỹ- AEA; Văn phòng Đánh giá công nghệ của quốc hội Mỹ; Cơ quan Thống kê lao động của Mỹ...Nghiên cứu cho thấy, khái niệm và xếp loại các ngành công nghiệp công nghệ cao tùythuộc vào điều kiện ở mỗi quốc gia và thời điểm lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, các khái niệm đều cho thấy công nghiệp công nghệ cao là các ngành cần những nỗ lực lớn về nghiên cứu và phát triển, làm ra hoặc sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ, dịch vụ và có tỷ lệ cao về lao động chuyên môn hóa trong lĩnh vực khoa học và công nghệ... Công nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực mới xuất hiện ở Việt Nam, năm 2008 Luật Công nghệ cao định nghĩa: công nghiệp công nghệ cao là ngành kinh tế- kỹ thuật sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao[2]. Hiện nay, Việt Nam đã bước đầu ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghệ cao, trong đó có công nghiệp công nghệ cao[3]. Nhìn chung, việc phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam vẫn chưa được như mong đợi[4].Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, cả haiquốc gia đều trải qua thời kỳ thuộc địa, chiến tranh và tái xây dựng trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu to lớn nhưng hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thông qua phân tích kinh nghiệm phát triển công nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc từ năm 1980 đến nay, bài viết đúc rút kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển công nghiệp công nghệ cao hiện nay.
2. Khái quát thực trạng phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Hàn Quốc
Cách đây 50 năm (những năm 1960), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc chỉ đứng ngang với các nước nghèo của châu Phi và châu Á. Tuy nhiên, chỉ sau 30 năm (những năm 1990) Hàn Quốc đã vượt lên mạnh mẽ nhờ chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao với hàng loạt các biện pháp, chính sách củachính phủ như:thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông năm 1995; ra mắt kế hoạch tăng cường tin học hóa quốc gia (1996-2000); tập trung nguồn lực nghiên cứu phát triển (R&D) vào công nghệ thông tin chiếm hơn 30% chi tiêu của chính phủ; tài trợ đối tác công tư về nghiên cứu và phát triển; ban hành luật tăng cường tin học hóa và thành lập ủy ban tăng cường tin học hóa năm 1996 do Thủ tướng chủ trì… Năm 1990 để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, các chính sách khoa học - công nghệ của Hàn Quốc chuyển trọng tâm sang phát triển kỹ thuật, công nghệ mới. Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra Dự án phát triển công nghệ hàng đầu (Dự án G7) với sự tham gia của Bộ Khoa học - Công nghệ; Bộ Công thương;Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giao thông Xây dựng, Bộ Môi trường, Bộ Y tế[5]…
Nhờ có những bước đi thích hợp, từ nước nhận ODA, kể từ 2008Hàn Quốcđã trở thành nước cung cấp ODA cho các nước đang phát triển.Để có được cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế cùng mức GDP đầu người như hiện nay, các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây phải mất hàng trăm năm, Hàn Quốc chỉ mất hơn 30 năm - do đó được gọi là “Kỳ tích sông Hàn”[6].Công nghiệp Hàn Quốc đã có bước phát triển vượt bậc. Thế mạnh của công nghệ/công nghiệp Hàn Quốc là các ngành: điện tử, ôtô, hóa chất, đóng tàu (lớn hàng đầu thế giới với các công ty đa quốc gia như Hyundai và Samsung Heavy Industries), thép (với POSCO là nhà sản xuất thép lớn thứ bathế giới), sợi, quần áo, da giày, chế biến thức ăn. Hiện nay Hàn Quốc đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghệ cao (hạt nhân, điện tử, tin học, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ xanh - sạch…) và đi đầu thực hiện mô hình mới về tăng trưởng qua chiến lược phát triển xanh. Hàn Quốc đã vươn lên thuộc nhóm đi đầu công nghệ ở hai lĩnh vực là hệ thống viễn thông và hệ thống vận hành nhà máy[7]. Mới đây, Hàn Quốc thông báo sẽ chi 5.800 tỷ won (5,3 tỷ USD) cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong năm 2021, khi nước này đang thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ mới trong khuôn khổ chính sách kinh tế số mới (Digital New Deal) và các mục tiêu về trung hòa carbon[8].Các cơ chế, chính sách hợp lý đã thúc đẩy sự ra đời và lớn mạnh của các tập đoàn công nghệở Hàn Quốc với một số tập đoàn lớn như Samsung, LG, Huyndai,... (đều được gọi là chaebol - theo tiếng Hàn chaebol được ghép bởi từ chae là sở hữu và mumbol là gia đình quyền quý). Sự xuất hiện của các tập đoàn này đã góp phần đưa Hàn Quốc nhanh chóng trở thành quốc gia thịnh vượng ở khu vực. Đây là một hình mẫu để nhiều quốc gia khác học hỏi.
3. Một số kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển công nghiệp công nghệ cao
3.1. Xây dựng chiến lược phát triển phù hợp trong từng giai đoạn; điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp công nghệ cao một cách linh hoạt, mềm dẻo từ trung ương đến địa phương
Tùy theo đặc điểm của từng nước và mục tiêu, nhiệm vụ của từng giai đoạn mà Hàn Quốc đề ra chiến lược phát triển công nghiệp. Hàn Quốc là một nước điển hình trong linh hoạt, mềm dẻo điều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa. Ban đầu, Chính phủ Hàn Quốc tập trung phát triển vào các ngành công nghiệp nhẹ, cơ sở hạ tầng và năng lượng; trải qua thời gian, trọng tâm đã dịch chuyển sang các ngành công nghiệp nặng và hóa chất, tiếp theo là ngành công nghiệp công nghệ cao, đáng chú ý nhất là ngành thiết bị điện tử tiêu dùng. Nhằm phát triển công nghiệp công nghệ cao, Chính phủ Hàn Quốc đã đặt ra mục tiêu thúc đẩy phát triển công nghệ tiên tiến vào bậc nhất thế giớivà chuyển hướng trọng tâm sang quy hoạch và thực hiện các dự án R&D quốc gia để nâng cao trình độ khoa học, công nghệ. Các chương trình phát triển công nghệ cao ở Hàn Quốc có thể được chia thành bagiai đoạn khác nhau:
Giai đoạn 1 (1973-1988): chính phủ tập trung xây dựng các thành phố khoa học và định hướng nghiên cứu cơ bản. Giai đoạn này các đề xuất phát triển chủ yếu từ chính quyền trung ương. Đểthúc đẩy phát triển công nghệ cao và công nghệ tiên tiến vào bậc nhất thế giới,Chính phủ Hàn Quốc đã chuyển hướng trọng tâm sang quy hoạch và thực hiện các dự án R&D quốc gia để nâng cao trình độ khoa học và công nghệ. Việc này bao gồm các chương trình tăng cường các dự án đầu tư R&D cho cả khu vực công và tư nhân và đào tạo nguồn nhân lực R&D trình độ cao. Chính phủ đã điều chỉnh mềm dẻo, linh hoạt chính sách phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào hệ thống R&D khoa học và công nghệ, các đối tác R&D khoa học và công nghệ - đó là các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp nhà nước, các phòng thí nghiệm nghiên cứu trong các trường đại học và các viện nghiên cứu do chính phủ tài trợ.
Giai đoạn 2 (1989-1992): xây dựng một số thành phố khoa học ở các địa phương; tập trung nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Giai đoạn này vẫn chủ yếu là đề xuất phát triển từ chính quyền trung ương mà ít có sự tham gia củacác cơ quan địa phương.
Giai đoạn 3 (1993 trở đi): xây dựng các công viên công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được sản xuất bởi chủ yếu các doanh nghiệp công nghệ cao; tăng cường hợp tác giữa khu vực công và tư. Đồng thời, có sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương.
3.2. Đề ra các chương trình, dự án trọng điểm phát triển công nghệ cao
Nhằm phát triển công nghiệp công nghệ cao, Hàn Quốc đã tập trung phát triển công nghệ cao và phấn đấu trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về lĩnh vực này. Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra các dự án R&D tiên tiến cấp cao quốc gia. Các chương trình, dự án này được chia theo từng giai đoạn cụ thể của đất nước, có tên theo chủ đề riêng và có mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Hàn Quốc cócác dự án R&D tiên tiến cấp cao quốc gia (HAN) và các dự án R&D quốc gia tầm chiến lược như Dự án Công nghệ sinh học; Dự án “Phần mềm máy tính”, Dự án “Hàng không - vũ trụ”... Trong đó, năm 1992, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra các dự án HAN, được gọi là G7, với mục đích đưa Hàn Quốc vươn lên thành một trong bảy quốc gia đứng đầu thế giới về công nghiệp công nghệ cao. Dự án HAN có quy mô đầu tư lớn là một chương trình liên bộ của chính phủ và các ngành công nghiệp trong một chương trình dài hạn với mức đầu tư hơn 5 tỷ USD. Dựa trên nền tảng công nghiệp đất nước, dự án HAN đã mang lại những công nghệ cốt lõi (core technologies) trong các lĩnh vực chiến lược mà Hàn Quốc có tiềm năng cạnh tranh với các nước tiên tiến khác. Chính phủ đã hỗ trợ nhiều tổ chức R&D ở các trường đại học, các ngành công nghiệp, viện nghiên cứu để tham gia vào dự án này. Dự án HAN có hai loại: (i) loại dự án phát triển sản phẩm công nghiệp có liên quan đến sản phẩm công nghệ cao đặc biệt;(ii) loại dự án phát triển công nghiệp cơ bản, bao gồm các dự án phát triển các công nghệ cốt lõi đã được coi là thiết yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội và phúc lợi của dân chúng (bao gồm 17 lĩnh vực chiến lược chủ yếu)[9].Năm 2016, Hàn Quốc thành lập “Hội đồng Chính phủ và tư nhân về ngành công nghiệp mới”, do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) và Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên làm đồng chủ tịch. Mục tiêu của hội đồng này là chuẩn bị một lộ trình sẵn sàng cho ngành công nghiệp Hàn Quốc để có thể bắt kịp xu thế công nghiệp mới.
3.3. Tạo dựng môi trường thuận lợi cho công nghiệp công nghệ cao phát triển
Theo đó, Hàn Quốc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp cho phát triển công nghiệp công nghệ cao. Cụ thể:
Một là, kết hợp giữa nhà nước và tư nhân trong hoạt động nghiên cứu và phát triển. Song song với việc tổ chức nghiên cứu khoa học trên cơ sở đầu tư của Nhà nước, Hàn Quốc còn áp dụng nhiều biện pháp để khuyến khích tư nhân tham gia R&D công nghệ cao. Ngay từ đầu những năm 1980, Hàn Quốc đã từng bước chuyển vai trò chủ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ từ chính phủ sang các hình thức phi chính phủ. Theo đó, quốc gia này đã ban hành Luật Xúc tiến khai thác và phát triển kỹ thuật để tạo cơ sở pháp lý cho chính sách trên.
Chính phủ Hàn Quốc còn hỗ trợ một nguồn kinh phí không nhỏ cho các cơ sở R&D của các tổ chức phi chính phủ và của tư nhân. Ngay từ năm 1981, Hàn Quốc đã cho thành lập “Hội khai thác, phát triển kỹ thuật” có trách nhiệm cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc đầu tư vào các chương trình khai thác và phát triển công nghệ cao. Từ năm 1983, Hàn Quốc đã ban hành một số quy định, theo đó các ngân hàng thương mại nói chung đều có nghĩa vụ giúp đỡ về vốn cho các hoạt động khai thác và R&D.
Hai là, cơ chế, chính sách ban hành phù hợp và có sức sống lâu dài nhằm phát triển công nghiệp công nghệ cao.Hàn Quốc ban hành các chính sách cụ thể, hợp lý.Để tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc tập trung vào ba lĩnh vực chính: đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản; bảo đảm phân phối và sử dụng nguồn lực R&D một cách hiệu quả; mở rộng quy mô hợp tác quốc tế. Với mục đích đó, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một hệ thống chính sách, hệ thống pháp luật đầy đủ để thúc đẩy hoạt động R&D phát triển. Ví dụ như các chính sách khuyến khích và đãi ngộ đối với hoạt động R&D. Ở Hàn Quốc, các doanh nghiệp được giảm thuế nếu đi tiên phong khai thác công nghệ cao trong lĩnh vực mình kinh doanh. Đối với các thiết bị cần cho nghiên cứu triển khai, chính phủ quy định chỉ chiết khấu phần giá trị cố định một lần tính theo 50% giá trị tiền của chúng; miễn thuế đối với việc đầu tư để đưa công nghệ cao vào sản xuất; miễn và giảm thuế đối với những khoản chi phí dùng để nhập khẩu công nghệ; đất đai và cơ sở vật chất hạ tầng dùng cho nghiên cứu, đào tạo chuyên gia khoa học, công nghệ được miễn thuế[10]. Chính phủ Hàn Quốc còn ban hành nhiều quy chế và cơ chế giám sát công nghệ nhập ngoại, theo đó chỉ những công nghệ nào thực sự cần thiết mới được nhập khẩu. Điều đáng chú ý là các văn bản pháp luật của Hàn Quốc không chỉ xuất hiện kịp thời, mà nó còn là kết quả nghiên cứu sâu sắc thực tiễn nghiên cứu khoa học, công nghệ và sản xuất, kinh doanh, những dự báo tương đối chính xác về triển vọng và nhu cầu các ngành công nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, nó thường có sức sống lâu dài và tạo ra môi trường pháp lý tương đối ổn định.
3.4. Hỗ trợ các địa phương trong phát triển các khu công nghệ cao theo từng giai đoạn
Để có sự thành công trong phát triển khu công nghệ cao ở địa phương, thường có sự kết hợp giữa chính phủ với các địa phương nhằm tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích thu hút đầu tư. Chính phủ Hàn Quốc thường xem xét thế mạnh của mỗi địa phương trong những lĩnh vực công nghệ then chốt để phát triển khu công nghệ cao thích hợp ở địa phương đó.Phát triển công nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Gyeonggi là một ví dụ điển hình.Tỉnh Gyeonggi nằm ở phía Tây Hàn Quốc, là nơi có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của khu vực Đông Bắc Á. Chủ trương của Hàn Quốclà tập trung phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và công nghiệp ô tô ở tỉnh này và coi những ngành này là thế mạnh của tỉnh, từ đó có các biện pháp thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực IT, chất bán dẫn, điện thoại di động...
Năm 1997, Hàn Quốc đã thành lập khu công nghệ cao Gyeonggi với mục tiêu tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp và liên kết giữa doanh nghiệp với trường đại học ở tỉnh... Trong giai đoạn 1997-2003, cơ sở hạ tầng liên quan đến nghiên cứu ở tỉnh Gyeonggi còn rất kém nên chính phủ đã tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương này. Đồng thời, chính phủ xây dựng thể chế cơ bản hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ địa phương, trong đó ban hành luật hỗ trợ các khu công nghệ cao. Đến giai đoạn 2003-2012, tỉnh đã được chính phủ hỗ trợtập trung phát triển các dự án ở các địa phương (trong giai đoạn này,chính phủ thực hiện chủ trương phát triển cân bằng giữa các vùng ở Hàn Quốc). Do đó, tỉnh Gyeonggi nhận được nhiều hỗ trợ về ngân sách từ phía nhà nước cũng như sự tư vấn từ phía các tổ chức hỗ trợ phát triển vùng của các bộ, ban, ngành của chính phủ. Từ năm 2012 đến nay, khu công nghệ cao Gyeonggi tăng cường thực hiện việc kết nối giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp ở địa phương.
Trong quá trình phát triển công nghiệp công nghệ cao, tỉnh Gyeonggi nhận được sự hỗ trợ trong việc tiến hành điều tra nghiên cứu, đề ra các kế hoạch phát triển công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao cụ thể ở địa phương thông qua các trung tâm đào tạo và hướng dẫn ở khu công nghệ cao Gyeonggi, bởi khu công nghệ cao là nơi liên kết giữa viện, trường, doanh nghiệp ở địa phương và hướng dẫn các doanh nghiệp. Đồng thời, khu công nghệ cao còn được xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị R&D công nghệ và còn được hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các dự án của doanh nghiệp địa phương, kể cả những dự án công nghệ có tính mạo hiểm. Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ trong việc hiện thực hóa ý tưởng công nghệ, thậm chí cho cả những doanh nghiệp đang còn trong giai đoạn phôi thai chưa hình thành.Mặt khác, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, ngành công nghiệp công nghệ cao ở Gyeonggi phát triển mạnh, đưa tỉnh trở thành một trung tâm của nền kinh tế Hàn Quốc, với hơn ¼ số công ty vừa và nhỏ tại Hàn Quốc tập trung tại tỉnh là trụ sở của các công ty nổi tiếng như Samsung, SK... cũng như các công ty nước ngoài như Bosch, Siemens...
Chính sách phát triển khu công nghệ cao ở Hàn Quốc không chỉ được đề ra ở trung ương, mà còn được phối hợp với chính quyền ở các địa phương. Trong đó, chính phủ đề ra các điều luật, quy định bảo vệ cho khu công nghệ cao, còn chính quyền tỉnh lập ra dự án, kế hoạch phát triển công nghiệp công nghệ cao sử dụng ngân sách nhằm tạo ra sự cạnh tranh với trung ương thông qua cầu nối là các khu công nghệ cao. Nguồn vốn phát triển khu công nghệ cao dựa trên nguồn vốn của Nhà nước và được Nhà nước quản lý, trên nguyên tắc 50% vốn chính quyền trung ương, 50% vốn từ chính quyền địa phương. Về quản lý, khu công nghệ cao có một ủyban điều hành với thành phần tham gia là đại diện cơ quan quản lý nhà nước, giáo sư các trường đại học và chuyên gia viện nghiên cứu nhằm phân bổ kinh phí đầu tư của Nhà nước đúng người, đúng việc. Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và nhu cầu đầu tư của địa phương, xác định lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao nào đang cần ưu tiên để cấp duyệt kinh phí cho các dự án. Khu công nghệ cao tiến hành việc điều tra, nghiên cứu, lên kế hoạch phát triển công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao cho địa phương và đệ trình kinh phí hàng năm lên Bộ Kinh tế Tri thức (MKE) phê duyệt. Tuy nhiên, tùy theo kết quả hoạt động của từng khu công nghệ cao, nhu cầu đặc thù của từng địa phương và ngành công nghiệp tại địa phương đó mà nguồn kinh phí được MKE cấp hàng năm. Cơ chế phân bổ kinh phí này đã tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các khu công nghệ cao được phân bổ ở các địa phương của Hàn Quốc.
4. Một số bài học cho Việt Nam trong phát triển công nghiệp công nghệ cao
Sau hơn 10 năm kể từ khi Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao được ban hành, từ năm 2012 đến tháng 4 năm 2021, Việt Nam có 74 tổ chức hoạt động công nghệ cao trong đó có 49 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ caovà 25 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Ngoài ra, còn có một số đề tài đã triển khai thuộcChương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và dự án trong Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công thương chủ trì bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2015[11]. Có thể thấy công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam hiện nay mới chỉ phát triển tương đương cuối giai đoạn 1, đầu giai đoạn 2 của Hàn Quốc bởi công nghiệp công nghệ cao phát triển chủ yếu theoChương trình quốc gia phát triển công nghệ cao do chính phủ đề ra.Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển công nghiệp công nghệ cao, có thể rút ra một số bài học quý giá cho Việt Nam như sau:
Một là,Chính phủ Việt Nam cần sớm đưa ra các chương trình, dự án phát triển công nghệ cao theo từng giai đoạn cụ thể của đất nước, có tên theo chủ đề riêng và có mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể[12]. Trước mắt, cần xây dựng một dự án R&D công nghệ cao cấp quốc gia như dự án HAN của Hàn Quốc và các dự án cấp quốc gia có tầm chiến lược phát triển những lĩnh vực công nghệ cao mà Việt Nam đang ưu tiên phát triển hiện nay, có thể lôi kéo được sự tham gia của nhiều đơn vị nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh... trong cả nước.
Hai là,chính phủ cần tiếp tục tăng mức đầu tư cho R&D nhằm nâng cao trình độ khoa học và công nghệ. Thực hiện các dự án R&D cho cả khu vực công và tư nhân; đào tạo nguồn nhân lực R&D trình độ cao. Hoạt động R&D khoa học công nghệ ở Việt Nam cần gắn với sản xuất, hướng đến lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Các chính sách ở Việt Nam cần khuyến khích và đẩy mạnh gắn kết R&D công nghệ cao với thực tế, hướng vào khoa học công nghệ doanh nghiệp là chủ yếu. Theo đó, cần ưu tiên những lĩnh vực công nghệ cao thiết thực, hiệu quả mang tính thương mại cao; chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp; khuyến khích các nhà nghiên cứu thuộc khu vực nhà nước và các trường đại học tham gia vào các hoạt động phát triển công nghiệp công nghệ cao phục vụ cho các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường sự kết hợp giữa nhà nước và tư nhân tham gia hoạt động R&D. Theo đó, Chính phủ Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ cho các cơ sở tư nhân làm nghiên cứu khoa học công nghệ. Cần có những cơ chế, chính sách đối xử với các tổ chức tư nhân tham gia R&D một cách bình đẳng như các đơn vị công lập... Ngay cả trong một đơn vị công lập cũng có thể khuyến khích thành lập các cơ sở nghiên cứu tư nhân. Đồng thời, cần hướng đến các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn ở Việt Nam với việc sớm đưa ra và triển khai các chính sách thúc đẩy công nghệ và coi các tập đoàn lớn này là động lực chính trong việc triển khai các sáng kiến công nghệ. Vấn đề này là rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.
Ba là, cần thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực thể chế hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ cao. Theo đó, cần xây dựng một hệ thống chính sách, hệ thống pháp luật đầy đủ, trong đó Việt Nam cần chú trọng sớm xây dựng luật cho từng lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao ưu tiên phát triển hiện nay. Cần tiếp tục ban hành các tài liệu hướng dẫn về các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao ưu tiên phát triển hiện nay, trong đó cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê về công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao. Sớm nghiên cứu, ban hành kịp thời các văn bản quy định thống nhất từ trung ương đến các địa phương liên quan đến lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao như: khái niệm “dịch vụ công nghệ cao” mà Luật Công nghệ cao năm 2008 chưa đưa ra; tiêu chí đánh giá chung cho sản phẩm công nghệ cao và ngành công nghiệp công nghệ cao…nhằm tránh tình trạng có sự khác nhau về công nhận doanh nghiệp công nghệ cao giữa cơ quan quản lý Trung ương và cơ quan quản lý ở địa phương.
Đồng thời, mỗi địa phương cần chủ động nghiên cứu và đề xuất các kiến nghị với trung ương nhằm hoàn thiện chính sách và quy định pháp lý từ trung ương và đề xuất những cơ chế, chính sách pháp lý đặc thù vận dụng linh hoạt đối với mỗi địa phương trong phát triển công nghiệp công nghệ cao. Chính phủ cho phép và mỗi địa phương có thể ban hành những cơ chế, chính sách riêng, đặc thù của địa phương mình trong phát triển công nghiệp công nghệ cao hoặc khu công nghệ cao.
Bốn là, cần tập trung phát triển các khu công nghệ cao ở địa phương trong những năm tới ở Việt Nam. Mỗi địa phương nên tìm cho mình một thế mạnh phù hợp và mang màu sắc riêng về những lĩnh vực công nghệ then chốt như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ na nô, công nghệ sinh học… để tập trung phát triển các khu công nghệ cao ở địa phương. Theo đó, trong giai đoạn đầu, Nhà nước cần có sự kết hợp với các địa phương tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích thu hút đầu tư, nhân tài và khung pháp lý nhằm quản lý trong xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao. Chính sách phát triển khu công nghệ cao ở mỗi địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương[13].
Cần ban hành cơ chế xét duyệt kinh phí hoạt động của các khu công nghệ cao. Theo đó, cơ chế này cần phải tạo được sự cạnh tranh giữa các khu công nghệ cao ở mỗi địa phương. Các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, tiến hành việc điều tra, nghiên cứu, lên kế hoạch phát triển khu công nghệ cao và đệ trình kinh phí hàng năm lên cơ quan bộ. Chính phủ căn cứ vào kết quả hoạt động của từng khu công nghệ cao, nhu cầu đặc thù của từng địa phương và ngành công nghiệp tại địa phương đó mà cấp nguồn kinh phí hàng năm.
5. Kết luận
Hàn Quốc đã tận dụng cơ hội do thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại đem lại để phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ cao trở thành nền tảng quan trọng mang tính chiến lược trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong thời gian qua, Hàn Quốc đã linh hoạt, mềm dẻo trong điều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ban hành cơ chế, chính sách cho nghiên cứu và phát triển công nghệ và phát triển khu công nghệ cao ở địa phương nhằm bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ cao. Bởi vậy, có thể nói Hàn Quốc là một trong những quốc gia trên thế giới đã có bề dày kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp công nghệ cao. Theo đó, kinh nghiệm phát triển công nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc sẽ là những tham khảo bổ ích đối với cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, nghiên cứu và doanh nghiệp của Việt Nam trong việc vận dụng và đưa ra được chiến lược và chính sách phù hợp trong tình hình mới hiện nay./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Khoa học và Công nghệ - Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia (2016), Tổng luận khoa học công nghệ kinh tế, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4,số 8, Hà Nội.
2. Phan Xuân Dũng (2008), Công nghệ tiên tiến và công nghệ cao với tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2008), Luật Công nghệ cao, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Lê Bàn Thạch - Trần Thị Tri (2000), Công nghiệp hóa ở NIEs Đông Á và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội.
5. Lại Trần Tùng (2019), “Phát triển công nghiệp công nghệ cao: kinh nghiệm của Nhật Bản và bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9 (223), Hà Nội.
6. Lại Trần Tùng (2020), “Phát triển công nghiệp công nghệ cao: kinh nghiệm của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6 (232), Hà Nội.
7. Duy Anh (2021), “Kỳ tích sông Hàn: Khởi điểm khó tin của những chaebol 30 năm trước”, https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/han-quoc-su-than-ky-cua-nen-cong-nghe-709407.html.
[1] TS., Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng
[2]Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2008), Luật Công nghệ cao, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.16.
[3] Xem: Lại Trần Tùng (2020), “Phát triển công nghiệp công nghệ cao: kinh nghiệm của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6 (232), Hà Nội, tr. 46.
[4] Xem: Lại Trần Tùng (2019), “Phát triển công nghiệp công nghệ cao: kinh nghiệm của Nhật Bản và bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9 (223), Hà Nội. tr. 48.
[5] Duy Anh (2021), “Kỳ tích sông Hàn: Khởi điểm khó tin của những chaebol 30 năm trước”, https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/han-quoc-su-than-ky-cua-nen-cong-nghe-709407.html.
[6] Nguồn: Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT).
[7] Duy Anh (2021), “Kỳ tích sông Hàn: Khởi điểm khó tin của những chaebol 30 năm trước”, Tlđd.
[8] Duy Anh (2021), “Kỳ tích sông Hàn: Khởi điểm khó tin của những chaebol 30 năm trước”, Tlđd.
[9] Phan Xuân Dũng (2008), Công nghệ tiên tiến và công nghệ cao với tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 141.
[10] Lê Bàn Thạch - Trần Thị Tri (2000), Công nghiệp hóa ở NIEs Đông Á và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 113.
[11] Nguồn: Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ.
[12] Xem: Lại Trần Tùng (2020), “Phát triển công nghiệp công nghệ cao: kinh nghiệm của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6 (232), Hà Nội, tr. 46.
[13] Xem: Lại Trần Tùng (2020), “Phát triển công nghiệp công nghệ cao: kinh nghiệm của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 6 (232), Hà Nội, tr. 47.